Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
PHU THÊ LUẬN ĐẠO
(Trích diễn trong Tục Tạng Kinh)

 

            Hồi đời Lưu Tống, tại huyện Câu Dưng, có tên Các Tế, lúc còn nhỏ đã nổi tiếng văn chương xuất chúng và thông minh trí tuệ hơn người.

            Lúc chàng mới được 25 tuổi, thì đã thi đậu Tấn sĩ, được vua bổ làm quan Tri huyện tại tỉnh Trí Xuyên, thường mộ học về Tiên thuật.

            Sau khi chàng được tên đề bảng hổ, nhẹ bước thang mây, thì đã cưới một người nội trợ tên Kỷ thị, vốn là con nhà trâm anh thế phiệt, tánh tình rất ôn hòa thuần hậu.

            Từ khi về nhà chồng, nào là công dung ngôn hạnh, nào chỉnh đốn gia đình, thì cũng là một tay nàng mà thôi. Lại thêm ham mộ Phật giáo, mỗi đêm nàng thường tụng kinh niệm Phật, trang nghiêm trai giới.

            Chàng Các Tế thấy vợ tín ngưởng Phật giáo như vậy, tuy không nói chi, nhưng trong lòng vẫn cho là hư vô ảo tưởng.

            Có một ngày kia việc quan đã rảnh, chàng bảo thị tỳ kêu vợ vào thơ phòng mà bàn chuyện.

            Khi thấy nàng Kỷ thị đến,  chàng bảo ngồi trên ghế rồi nói rằng: " Số là từ ngày hiền thê về nhà tôi đến nay, thì phu xướng phụ tùy, cảnh gia đình rất nên êm đềm hòa nhã; nhưng đêm nào tôi cũng thấy hiền thê cứ tụng kinh niệm Phật hoài, thiệt là trái hẳn với tư cách tu tâm dưỡng tánh của Tiên gia".

            Nàng Kỷ thị thưa rằng: "Cách Tiên gia tu luyện thế nào mà phu tướng cho là chơn chánh?".

            Chồng đáp rằng: "Tưởng hiền thê không hỏi, chớ nếu hỏi thì tôi nói cho hiền thê nghe. Đạo Tiên là một đạo trường sanh bất tử (1): nếu ai đặng điểm đạo và cứ y theo đó mà tu luyện cho hoàn toàn, thì có thể sánh với hư không trường tồn bất hoại".

            Vợ hỏi: "Con người có sanh có diệt là lẽ tự nhiên, không có một vật nào tránh khỏi cái công lệ ấy, mà phu tướng lại nói rằng: nếu tu luyện theo đạo Tiên chắc sẽ đặng trường sanh bất tử, thì trái hẳn với luật vô thường".

            Chồng đáp: "Hiền thê vốn chưa thấu đáo cái nguyên lý của Tiên gia. Đạo Tiên có mười giống tu luyện khác nhau. Nếu người nào có tiên phong đạo cốt mà gặp đặng một vị minh sư truyền trao mối đạo, chỉ rõ chỗ diệu thuật của Tiên gia, thì có thể khám phá cái màn bí mật của Tạo hóa, rồi tuân theo đó mà luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hoàn hư.

            Chừng đó, một ngôi Thái cực sẽ trở lại Vô cực, từ chỗ đơn điền thăng lên ấn đường có ánh tia sáng chói lòa trên tung môn, rồi nguyên khí sẽ châu lưu trong cơ thể, dầu cho phong, hàn, thử, thấp, táo và hỏa của võ trụ, có xung đột thái quá đi nữa, thì cũng không thể nào cảm nhập vào thân thể của ta đặng. Như vậy, có phải là kiếp kiếp đời đời an nhàn tự tại hay không?".

            Vợ hỏi : "Sao gọi là khám phá cái màn bí mật của Tạo hóa? Xin phu tướng giải cho thiếp rõ".

            Chồng đáp: "Phải lắm! Người học đạo Tiên cần phải thấu đáo chỗ chí lý đó mới đúng. Thôi! Để tôi nói cho hiền thê rõ. Số là chỗ cùng lý tuần hoàn của Tạo hóa không có một vật nào thoát khỏi ngoài phạm vi ấy đặng.

            Bây giờ thí dụ thân thể của con người thì đủ biết. Khi ban sơ mới sanh, thì kêu là "sanh". Từ 20 tuổi sắp lên cho tới 35 tuổi, thì cơ thể của ta chỉ thường trụ trong một thời gian ấy, chưa đến nỗi biến thiên cho mấy, nên kêu là "trụ". Đến chừng 35 tuổi sắp về sau, thì lần lần dời đổi nhiều, như là : da nhăn, má cóp, đầu bạc, răng rụng, mắt lờ, tai điếc, khác hơn thuở thiếu niên thập bội, cho nên gọi là "dị". Trải qua một cuộc suy đồi, đến chừng vô thường câu thúc thì thấy một gò đất sờ sờ mà ngàn năm ly biệt, mặc tình gió thổi sương sa, trải bao phen thỏ lặn ác tà; đó gọi là "diệt".

            Phàm ăn của thổ thì hườn cho thổ; từ thiên tử cho đến thứ dân, không ai có thể tránh khỏi cái công lệ đào thải ấy cả. Như vậy có phải: "sanh sanh hóa hóa là lẽ của thiên nhiên, tử tử sanh sanh là con đường của nhơn loại không?

            Kìa! Quan Âm rước khách tới lui không mãn hạn; con Tạo đưa người qua lại chẳng nghĩ ngừng!

            Những người tu theo đạo Tiên, nếu biết chổ công dụng của hóa công tùy theo lý thiên nhiên mà vận chuyển, thì mới đạt được cái mục đích "trường sanh". Không bị những cảnh sanh, trụ, dị, diệt của vô thường biến đổi nữa, không khổ về sự già và chết. Như thế là khám phá cái màn bí mật của Tạo hóa chớ gì!".

            Vợ hỏi: "Theo như lời của phu tướng nói đó, nếu đã rõ chỗ huyền bí mà tu luyện, thì khỏi chết phải không? Sao thiếp thấy nhiều nhà tu luyện theo đạo Tiên, rốt cuộc cũng bị con quỷ vô thường dẫn vào đường chết, chịu các sự khổ báo nơi Diêm đình, chớ chưa thấy ai đặng trường sanh cả. Như vậy chỗ nào là công hiệu đâu?".

            Chồng đáp: "Nếu người nào tu luyện theo bí truyền của Tiên gia, thì đến ngày kết quả, đặng tiêu diêu khoái lạc lắm chứ! Hiền thê thấy chết đó là huyễn thân của con người; còn thánh thai kia cùng khí hư không đồng một thể, nên đồng thọ đặng".

            Vợ hỏi: "Sao gọi là Thánh thai?".

            Chồng đáp: "Thánh thai là luyện thần cho củng cố, thủy hỏa đăïng giúp nhau, có chỗ an lư lập đảnh, rồi dùng cữu tiết huyền công cho đủ cái công phu chín tháng cưu mang, ba năm bú móm, đến ngày thánh thai viên mãn, thì huyễn chất này rã ra, duy còn thánh thai mà thôi. Vậy mới gọi là kết liễu".

            Vợ hỏi: "Thánh thai kết quả ra thế nào mà đăïng an nhàn khoái lạc"

            Chồng đáp: "Hiền thê hỏi đúng lắm! Nếu người luyện thánh thai được viên mãn rồi, mà muốn nhàn du đến chốn Tử phù hay là chốn Ngao cung, thì trên đảnh thấy tiên hạc bay múa. Còn như muốn dạo xem cảnh Đơn đài hay là cảnh Quỳnh uyển, thì dưới chân thấy mây bủa khắp giăng. Ngũ hành chẳng hay rèn đúc thân ta, ông Đế thích chẳng đặng chủ sự sống chết, và vua Diêm vương cũng chẳng đặng nắm sổ luân hồi sanh tử.

            Đó có phải là ra vào tự tại, tới lui thung dung, lửa kiếp đốt cảnh trần, mà ta chỉ an vui nơi cảnh Tiên, ruộng dâu hóa biển, mà ta chỉ tịnh dưỡng nơi chốn Bồng lai!

            Như vậy thì còn chi hơn nữa đâu mà sao hiền thê cứ bo bo tụng kinh niệm Phật, không thấy hiệu quả chi cả. Tôi nghĩ lại ở đời, thiệt là đại đạo khó tìm, nhơn thân khó phục".

            Nàng Kỷ thị thấy chồng trọng kính đạo Tiên như thế, bèn hỏi rằng: "Phu tướng nói bên đạo Tiên có mười giống tu luyện khác nhau, vậy xin kể hết cho thiếp rõ cách tu luyện của mỗi giống ra thế nào?".

            Chồng đáp: "Mười giống Tiên là:

                                    1.- Tiên Địa hành                   6.-Tiên Thông hành

                                    2.- Tiên Phi hành                    7.-Tiên Đạo hành

                                    3.- Tiên Du hành                    8.- Tiên Chiêu hành

                                    4.- Tiên Không hành              9.- Tiên Tinh hành

                                    5.- Tiên Thiên hành             10.- Tiên Tuyệt hành

            - Tiên Địa hành tu phép kiên cố về sự sắt đá như: lấy đá, chì bào chế và hiệp lại làm hoàn, hay làm bánh để ăn thường thường, lâu năm thì thân thể rất mạnh mẽ, sống lâu đời đời, nhưng chưa nhẹ mình mà bay được, nên gọi là Tiên Địa hành nghĩa là Tiên đi dưới đất.

            Xưa có ông A Tư Đà và ông Bành Tiên tu như vậy".

            Vợ đối lại: "Phép tu của giống Tiên ấy còn thua phép Phật. Bên đạo Phật, thì uống nước Cam lồ, ăn cơm Thiền như cơm của ngài Kim Ngưu, bánh của ngài Vân Môn, đều lấy cái tư vị trong đạo lý ra mà làm món ăn dùng; hể một phen vào lòng thì đời đời kiếp kiếp no luôn, không khi nào đói nữa.

            Còn Tiên Phi hành tu thế nào, xin phu tướng tỏ cho thiếp biết nữa".

            Chồng đáp: "Tiên Phi hành tu phép kiên cố về sự dùng chất thảo mộc như là: cỏ chỉ tía, củ huỳnh tinh, rễ xương bồ hay là trái cây tòng bá và các thứ hoa quả để ăn thường thường, lâu năm thì trong mình nhẹ nhàng, đi mau như bay, nên gọi là Tiên Phi hành nghĩa là Tiên đi rất lẹ.

            Xưa có ông Mao Công và nàng Mao Nữ tu như vậy".

            Vợ đối lại: "Tiên Phi hành tu như thế cũng thua tu Phật. Vị thuốc A-Di-Đà tức là để chửa hết thảy bịnh của chúng sanh; hể dùng thuốc ấy thoa vào mình, thì bao nhiêu căn kiếp bó buộc lâu nay đều vỡ tan cả; thân như hư không, muốn đi chơi nơi nào, dù cách núi cách sông, thì cũng không ngăn ngại đặng.

            Uống thuốc ấy vào bụng, thì trừ hết ngàn muôn sự khổ, thọ mạng đến vô lượng vô biên, không đời kiếp nào chết nữa.

            Còn Tiên Du hành tu thế nào, xin phu tướng giải cho thiếp biết".

            Chồng đáp: "Tiên Du hành tu phép kiên cố về sự kim thạch như: luyện năm thứ vàng, tám thứ đá, dưỡng sa tiếp hống thành ra đơn cữu chuyển đại hườn, biến cát đá làm vàng, hóa xác phàm làm Tiên, thân thể rất nhẹ nhàng và rất đẹp đẻ.

            Trong một phút đồng hồ, thứ Tiên ấy đi hơn mười ngàn cây số (10.000km), nên gọi là Tiên Du hành nghĩa là Tiên hay đi dạo.

            Xưa có ông Lữ đồng Tân và bà Hiển Tiên Cô tu như vậy".

            Vợ đối lại: "Phép ấy cũng thua Phật; vì Ngài chỉ dạy mở cái kho báu của mình mà chứng vào cái pháp thân bền chắc, lấy thần thông mà dạo khắp cõi Tịnh độ mười phương, há tất phải đợi hòa đại viên thành, rồi mới đặng dạo đi trong cái địa cầu nho nhỏ.

            Còn phép tu Tiên Không hành ra sao?".

            Chồng đáp: Tiên Không hành tu phép kiên cố về sự động tịnh như : luyệïn về khi động, thì chà xát trong mình, hay là bưng bợ các vật. Còn nếu luyện về khi tịnh, thì vận cái hơi thở cho điều hòa mà tản bố trong châu thân, ăn ngủ có chừng, đứng ngồi cẩn thận, thường thường như vậy mới gọi là: luyện tinh đem về khí, luyện khí đem về thần, luyện thần đem về hư không, lông cánh mọc ra, bay đi khắp xứ, nên gọi là Tiên Không hành nghĩa là Tiên dạo đi trên hư không.

            Xưa có ông Sinh Dương bưng cả vườn và nhà đi mất, ông Liệt Tử cỡi gió đi chơi, tức là tu phép ấy".

            Vợ đối lại: "Phép ấy cũng thua phép Phật, vì bên đạo Phật không cần phải nương theo hơi thở, chẳng thèm tùy theo hình sắc và các khí: đất, nước, lửa và gió chi cả, chỉ dùng cái vô tướng chơn thân mà dạo khắp cả ngàn muôn hư không thế giới.

            Còn Tiên Thiên hành tu thế nào, xin phu tướng cũng tỏ cho thiếp biết".

            Chồng đáp: "Tiên Thiên hành tu phép kiên cố về sự tân dịch như là: nhả hơi cũ ra, hút hơi mới vào, nuốt dãi ngọc nuôi lòng, động ao trời kêu tiếng. Nếu thường luyện như vậy, thì lửa trời giáng xuống, nước thăng lên mà kết thành nội đơn, tinh đã vững bền, hình cũng sáng nhuận, da trắng như hột tuyết, mặt trẻ như con thơ, lên xuống trên cõi hư không, lui tới trong cung Thiên đế nên gọi Tiên Thiên hành nghĩa là Tiên dạo đi trên trời.

            Các vị thần ở núi Cô dịch tu phép ấy".

            Vợ đối lại: "Phép ấy cũng thua phép Phật, vì Đức Thích Ca nói rằng: cái tánh chơn không của người vẫn khắp tràn pháp giới, thông suốt mười phương, đi đủ các cõi, không khi nào tiêu dứt. Còn như nước miếng nước dãi, chẳng qua là một chút bọt nước trong biển Hương thủy trôi ra, hể xác người còn thì nó gởi vào, xác người rã thì nó tan mất, đâu phải là chơn thật mà cần phải tu luyện kiên cố!

            Lại phép tu của giống Tiên Thông hành ra sao, cũng xin phu tướng nói cho thiếp rõ".

            Chồng đáp: "Tiên Thông hành tu phép kiên cố về sự tinh sắc như: sớm mai nhắm mắt ngó xuống hướng Đông hút lấy tinh khí của mặt trời, rồi ban đêm hút lấy mấy món khí của năm ngôi sao với mây và rán mà hút vào bụng. Nếu thường luyện như vậy, thì trong lòng dưỡng đặng cái tinh khí rất tốt, không còn chút gì nhơ bợn, chỉ có một mùi thanh hư; vậy hay đi phủng đá vàng, nhảy vào nước lửa, mà thân thể không hề chi hết, nên gọi là Tiên Thông hành nghĩa là Tiên đi thông đặng cả.

            Xưa có năm vị Tiên Ngũ thông và ông Trang bá Vi tu như vậy".

            Vợ đối lại: "Tu phép ấy cũng thua phép Phật; vì hể tỏ ngộ đặng Phật tánh, thì cái tánh thể quang minh của mình sáng chói cả trời đất; còn trước cửa lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) soi chỗ nào cũng đều đặng thông suốt, chẳng đợi hút lấy tinh khí của mặt trời mặt trăng mới là thông đặng.        

            Còn phép tu của giống Tiên Đạo hành thế nào?".

            Chồng đáp: "Tiên Đạo hành tu phép kiên cố về sự chú thuật như là: vẻ bùa niệm chú, chửa các bệnh tà, cấm phục các món độc, trừ các thứ quỷ, bảo hộ cho nhơn quần, tu luyện lâu năm thì tinh thần êm lặng, rồi cũng đặng thành đạo nên gọi là Tiên Đạo hành nghĩa là Tiên có đạo giúp người.

            Xưa có ông Vu Cát và ông Trương đạo Lăng tu như vậy".

            Vợ đối lại: "Tu Tiên Đạo hành cũng còn thua tu Phật; vì các bộ chú của Phật mầu nhiệm cao tuyệt, cái mãnh lực chẳng những làm cho biển khơi khô nước, cây chết nảy bông mà thôi, lại còn hay chuyển bực phàm thành bực Thánh, đổi thân "vọng" chứng thân "chơn" nữa.

            Còn các chú Tiên Địa hành thì chỉ cứu độ tật bệnh, ếm trừ ma quái, sai khiến quỷ thần mà thôi, chớ đâu có thoát đặng ra ngoài Tam giới.

            Còn phép tu của Tiên Chiêu hành ra sao, xin phu tướng tỏ cho thiếp hiểu".

            Chồng đáp: "Tiên Chiêu hành tu phép tu kiên cố về sự tư tưởng như là: buộc cái tinh thần tư tưởng ở dưới rún thấu xương tròn, thăng lên xương sống, suốt tới ót rồi xông thẳng lên đảnh môn mà xuất thần. Nếu thường luyện như vậy, thì cái tư tưởng ấy biến thành, mà thân thể có hào quang tỏ rạng, nên gọi là Tiên Chiêu hành nghĩa là Tiên đặng phép hồi quang.

            Xưa có ông Trương tử Đương và ông Ngụy bá Dương tu như vậy".

            Vợ đối lại: "Phép của thứ Tiên ấy cũng thua phép Phật; vì cái đạo mầu nhiệm của Phật, chẳng nghĩ đến sự lành và dữ, dứt bỏ hết tư tưởng về hai bên thiện ác, thì cái tánh thể trong sạch sáng suốt của mình soi khắp cả vô biên thế giới; chớ đâu phải cần dùng tới cái tư tưởng như phép tu của Tiên Chiêu hành mới đặng".

            Còn cách tu của Tiên Tinh hành thế nào?".

            Chồng đáp: "Tiên tinh hành tu phép kiên cố về sự giao cấu như là: trai tơ gái trẻ, phối hiệp âm dương, lấy khãm thủy mà điều ly hỏa, đặng kết lại cái thai tiên. Nếu thường luyện như vậy hoài, thì hai bên cảm ứng nhau mà đẻ ra một thứ thuốc rất mầu, thành ra "đại đơn"; vì trong thân con người có một điểm chơn tinh, tức là cái nguyên tinh của Tiên thiên Thái ất, hể lấy đặng cái tinh ấy thì đặng thành đạo liền, nên gọi là Tiên Tinh hành nghĩa là Tiên dùng tinh mà luyện.

            Xưa có ông Lữ đồng Tân tu như vậy".

            Vợ đối lại: "Phép của thứ Tiên ấy cũng thua phép Phật; vì phép Phật chỉ cần hườn đặng cái "chơn thân", chớ chẳng cần dùng tới cái "Tinh khí thần" của xác giả; vì tinh khí ấy là vật chất dơ uế, còn cái thân đó là thức thân thuộc về vọng tưởng, chớ không phải là nguyên thần thuộc về chơn giác.

            Vậy nên xem sắc gái như rắn độc, coi xác phàm như đờm dãi, tuyệt dâm dục, ly tình ái, để phản bổn hườn nguyên, thoát khỏi sanh tử luân hồi, chứng Niết bàn.

            Còn phép tu của giống Tiên Tuyệt hành ra sao, cũng xin phu tướng nói luôn cho thiếp biết đủ mười giống?".

            Chồng đáp: "Tiên Tuyệt hành tu phép kiên cố về sự biến hóa, tỏ thông đặng hóa lý, biết đặng phép giả mị như: tu luyện lâu năm, thì tánh được tỏ ngộ viên thành làm đủ các thuật, ẩn thân tàng hình, dời non đổi biển, mầu nhiệm tuyệt trần, nên gọi là Tiên Tuyệt hành nghĩa là Tiên về bực cao tuyệt.

            Xưa có ông Lưu Côn và ông Tạ Tử tu như vậy".

            Vợ đối lại: Phép ấy cũng còn thua tu Phật; vì phép biến hóa của Phật chẳng những đương mùa Đông mà làm cho trời nổi sấm, đương mùa Hạ mà làm cho nước đóng giá, và khiến cho loài chim chạy và thú bay mà thôi, đến nỗi biến Ta bà làm thành ra Tịnh độ, dùng Địa ngục hóa ra Thiên đường mới thiệt là tuyệt diệu nữa!

            Còn cảnh giới của đạo Tiên vui cách nào, xin phu tướng cũng tỏ cho thiếp biết luôn thể".

            Chồng đáp: "Kìa non Quần ngọc, nọ nước Bồng dinh, phụng múa Tam sơn, rồng chầu Ngũ nhạc, phong quang đẹp đẽ, nhơn vật thanh cao. Tiên nữ như bà Vương Mẫu, bà Ma Cô, bà Ngụy phu nhơn, bà Tạ tự Nhiên; còn Tiên ông như Hớn chung Ly, Lý thái Bạch, Trương quả Lão, Tào quốc Cựu, nhan sắc non hoài, tánh tình vui mãi, thiệt không có chút gì mường tượng như cảnh trần người thế cả.

            Còn nói đến phần thanh nhã thì Kim Đồng hầu hạ, Ngọc Nữ truy tùy, khi dựa rừng xanh, khi chơi động bích, khi nương cánh hạc bay khắp mười phương, lúc cỡi lưng kình dạo cùng bốn bể, vừng mây đở gót, ngọn gió đưa xe, trăng rước hoa chào, oanh cười yến nói, hoặc mang bầu rượu, hoặc xách túi thi, hoặc đánh cờ Mai hoa, hoặc khảy đờn Minh nguyệt. Thiệt là thú vui không thể nói được!

            Rất đổi tiếng Hoàn bội khua nhà Lâm quán, rượu Huỳnh tương say hội Bàn đào, ông Quảng thành Tử nhịp sanh, ông Vương tử Đăng thổi sáo, ông Hàn tương Tư cầm ống tiêu Nhựt nguyệt, ông Lâm thái Hòa xách giõ Càn khôn, chị Song Thành ganh bóng Hằng nga, áo vô phục lòe ve múa, gái Tiêu ngọc hòa câu ca Đế Tư, chốn lê viên thánh thót cung đờn, thong thả năm mùa, dọc ngang trời đất.

            Cái thân khoái lạc ấy thì những hạng người phong lưu ở cõi hồng trần không có chút gì so sánh được một phân một hào nào cả.

            Vã lại, ưa tình sơn thủy, rữa bụi công danh, xem giàu sang như bọt nước sương sa, luyện tâm tánh như trăng thanh gió mát, lửa cữu chuyển un lò đơn táo, đá tam sanh say giấc hoàn lương, chẵn tám ngàn hưởng tuổi trường sanh, thú khoái lạc sâm si trời Ngọc đế. Ấy là Tiên cảnh khác hẳn nhơn gian như vậy.

             Còn cảnh Tịnh độ của Phật có vui được như cảnh Tiên vậy hay không?".

            Vợ đáp: "Cảnh Tịnh độ một màu thanh tịnh, muôn thú êm đềm, cây ngọc bảy hàng, thành châu bảy lớp, nước Ma ni thuyết pháp, chim Xá lỵ diễn kinh, trời rưới hoa thơm, đất ngời gương sáng, ngọc xây nền cát, vàng lót đáy ao, cung Thất trân bày vẻ lập lòe. lầu Bách bảo trăm màu rực rỡ, lò Ngũ hương nghi ngút, chén Bát đức trong veo.

            Tại cảnh ấy, Phật Di-Đà phóng mãi hào quang sáng hơn bạch nhật. Đại Thế Chí bưng đài kim tọa, chưn đạp liên hoa. Quán Thế Âm rưới nước cam lồ, tay cầm dương liễu. Nơi thánh cảnh đông người thượng thiện, hội Liên trì đủ mặt vãng sanh, tên họ rõ ràng, tinh thần tươi tốt, áo Ma tiên phấp phới, chuỗi anh lạc trang nghiêm, ngàn bộ chúng Ma vương cúi đầu cửa Phạm, mấy ngôi trời Thiên tử ngửa mặt đài sen, gió rung cây như trăm giọng đờn ca thánh thót êm tai, quên lòng trần tục, hoa nở cánh đủ bốn màu thể sắc, vẽ vang đẹp đẽ, vui thú thanh nhàn.

            Vã lại, cảnh ấy không có một chút khổ. Cùng không tai không nạn, không sanh lão bệnh tử, không Tu la ngạ quỷ, không Địa ngục súc sanh, không mối nợ dây oan, không tật nguyền đói khát, bốn mùa không lạnh nóng đổi thay, mà muôn ngàn sự vui đều đủ, có đạo có pháp, có phước đức nhơn duyên, có huệ kiếm từ đăng, có chơn châu mã nảo, có dị hương thiên nhạc, có bảo cái tràng phan, muôn kiếp có áo cơm thong thả, chẳng phiền lo liệu, khỏi mệt tang dương, mà muốn mặc có mặc, muốn ăn có ăn. Phật hóa đủ các cảnh điện tiền khoái lạc.

            Chồng hỏi: "Nếu theo lời của hiền thê nói đó, thì sự kết quả của đạo Phật có nhiều chỗ cực điểm lắm sao?".

            Vợ đáp: "Có chứ! Nguyên đạo Tiên từ bản thân thông đến u minh, từ nhơn gian thông đến Tiên đường, từ thâm sơn u cốc thông đến tám hướng mười phương, vọi vọi vơi vơi, mù mù thẩm thẩm, hiệp tạo hóa đồng thể, thâu trời đất một bầu, siêu phàm nhập thánh, diệu dụng vẫn cũng rất rộng lớn.

            Song chỗ rộng lớn ấy chẳng qua là bao hàm nội trong vòng trời đất mà thôi, chớ ra ngoài thì không hiểu thấu.

            Nên người học giáo nhà Tiên thì tinh thần chuyên nhất, động hiệp không hình, luyện tánh tu chơn, nhả cũ nuốt mới, siêu vào trong cảnh thanh tịnh quá dục, liêu tịch hư vô, rồi do đó mà tùy lòng biến hóa, mặc ý ngao du, hoặc phân thân tàng hình, hoặc bay lên trời chun dưới đất, kêu mây rú gió, khiến quỷ sai thần, giúp cơ tạo, lập công huyền, phước đầy biển Bắc, thọ sanh non Nam, khoái lạc tiêu diêu tột đến hai chữ "trường sanh" là hết bực. Ấy là chỗ cực điểm kết quả thấu nhơn của Tiên.

            Còn bên Phật, kể có một ông Phật ra đời, thì lấy thế giới Tam thiên Đại thiên làm một bảo sát. Nhưng trong bảo sát ấy có trăm ức núi Tu di, trăm ức mặt trời mặt trăng, dầu một trăm Phật một ngàn Phật, hay là hằng hà sa số Phật ra đời đi nữa thì bảo sát cũng như vậy.

            Hễ một vị Phật ra đời, thì trong trăm ức thế giới đều có trăm ức Phật thân. Như Phật Thích Ca xuất hiện ra cõi Ta bà này, thì trăm ức thế giới nhỏ trong cõi ấy cũng đều có hóa thân của ngài đồng trong một lúc mà xuất hiện ra cả. Vậy nên gọi là "Thiên bá ức hóa thân".

            Phật lấy thiên bá ức hóa thân mà độ thiên bá ức thế giới; nào những: loài đẻ con như người và thú. Loài đẻ trứng như cá và chim. Loài thấp sanh như mấy con rọ rạy trong chỗ ẩm ướt. Loài hóa sanh như sâu thành bướm, như quăng thành muỗi, cỏ mục hóa đom đóm. Loài không chưn, hai chưn, bốn chưn, nhiều chưn, và loài hữu sắc như các loài không tán tiêu trầm. Loài hữu tưởng như các giống quỷ thần tinh linh. Loài vô tưởng như các thứ tinh thần hóa thành: cây, đất, vàng. Loài phi hữu sắc như thứ sứa lấy tôm làm con mắt. Loài phi vô sắc như ếm, đối, rủa, nộp sanh ra ma quỷ. Loài phi hữu tuởng như con vò vò, con sâu đâu, vẫn không tưởng ong mà thành con ong. Loài phi vô tưởng như con thổ kiêu (2) ôm cục đất, con phá cảnh (3) ôm trái độc mà đều hóa ra con.

            Nói tóm lại, các loài đã kể đó, thì Phật đều lấy đức từ bi mà hóa độ cả; ấy là giáo của Phật rộng lớn như thế!

            Còn giáo chủ của đạo Phật là Đức Thích Ca Mâu Ni. Ngài là từ phụ trong muôn loài, một đấng Chí tôn trong cõi Nhơn Thiên. Trải ba kiếp A tăng kỳ ngài tu hạnh Bồ tát; cả sáu độ, độ nào ngài cũng tu. Cả muôn nết, nết nào ngài cũng tập cả thảy mọi pháp, phước huệ vẹn toàn, thệ nguyện gồm đủ, phá hết cái hoặc kiến tư, cái hoặc trần sa, cái hoặc vô minh, gạn trong biển thức, lóng sạch nguồn chơn, tỏ đặng lòng, thấy đặng tánh, như mảnh gương trong, như vầng nguyệt sáng, chỗ tu nhơn của ngài rất là viên mãn, nên chứng thành Phật quả rất là trang nghiêm.

            Đã vậy mà Phật Thích Ca còn phải vì pháp vong thân như: chặt cánh tay mà cầu đạo, khoét thân làm đèn đốt mà nghe pháp, và phải vì vật mà quên mình như: cắt thịt cho chim ăn, xả thân nuôi cọp đói, ngoài thì vàng bạc, châu báu, vợ con và nhà cửa chẳng màng, trong thì ruột, gan, máu, mỡ, đầu, mắt, tay, chân thì bố thí hết cả. Từ kiếp này đến kiếp khác, trải trăm ngàn muôn ức kiếp, một lòng tu học và một lòng bố thí, chẳng nghi, chẳng sợ, chẳng thối lui, lại càng mạnh, càng siêng và càng tinh tấn.

            Như vậy mới thiệt là ông Trời trên hết các Trời, ông Thánh trên hết các Thánh. Thiệt là bậc chánh đẳng chánh giác, tuyệt đối vô thượng pháp vương, siêu việt hết các phương tiện, dứt cả thảy gốc rễ sanh tử mà vào cảnh Vô dư Niết bàn, rồi lại mở biển "Thệ", bơi thuyền "Từ", trở ra độ chúng hữu tình trong pháp giới. Ấy là chỗ cực điểm thấu nhơn kết quả của Phật.                

            Bởi vậy cho nên công tròn muôn đức, quả mãn ba kỳ, đã dứt bách phi, lại lìa tứ cú, hiểu cái cửa pháp môn vô lượng, hiệp cái pháp tam muội vô biên, thành tựu năm lực, năm căn, sẵn đủ ba minh ba đồng, tròn sáng ba thân bốn trí, siêu chứng năm mắt sáu thông, đặng tài vô ngại mà diễn thuyết không cùng, đặng trí siêu nhiên mà thần thông tự tại, rõ biết cả tâm tánh của chúng sanh đời hiện tại và thấu suốt hết kiếp quá khứ và vị lai.

            Còn Tiên là giới nội nhơn. Nghĩa là người trong Tam giới; vì hai chữ "Trường sanh" là đối với hai chữ "Đoản mạng" trong nhơn gian đó thôi!

            Cái căn bản "sanh tử" chưa trừ thì dù có sống đến ngàn tuổi muôn năm đi nữa, cũng phải có ngày rã thây, hồn thức phải bị luân hồi, chớ như thọ mạng của Phật là vô lượng vô biên, pháp thân chẳng mất, giác tánh còn hoài, an lạc vô cùng, kiếp số vô lượng.

            Pháp Tiên ví như ngọn đèn của ông A Xà Thế Vương cúng tại tháp Phật, ánh sáng tuy lâu, nhưng chẳng qua một trăm năm quá hạn rồi cũng phải tắt.

            Còn pháp Phật ví như mặt trời chói rạng, soi khắp mọi nơi, đời đời kiếp kiếp chẳng khuyết chẳng lờ, lặn phía Tây, mọc phía Đông, xoay vần luôn mãi, chẳng khi nào cùng.

            Vã lại, Tiên cũng như ông phủ, ông huyện, có quyền cai trị đặng hàng thôn và hàng tổng trong một thâu, hay là một huyện mà thôi, ngoài địa phận mình, không thể lấy oai linh mà chế trị ai đặng.

            Còn Phật thì ví như đại Hoàng Đế, thống trị ngự cả thiên hạ, có đức chở che khắp võ trụ, tám phương ai cũng qui tâm, bốn biển người đều cậy đức.

            Chồng hỏi: "Còn phương pháp của Phật Thích Ca ra thế nào?".

            Vợ đáp: "Phương pháp của Ngài là một nền giáo lý rất chơn chánh hoàn toàn, từ xưa đến nay không có học thuyết nào hay ma lực nào đánh đổ đặng. Ngài lại gồm cả lòng từ bi bình đẳng độ tất cả chúng sanh ra khỏi biển trầm luân khổ hải.

            Ngài dạy nhiều pháp môn tu hành, mà lại chỉ rõ pháp tu Tịnh độ, để tu về cõi Tây phương, chứng bậc vô sanh, tắm gội ao vàng, ra vào các ngọc, cái thân tự tại, khoái lạc tiêu diêu, kiếp kiếp đời đời, nhơn viên quả mãn.

            Chồng hỏi: "Còn lý thuyết nhơn quả của Phật ra sao?".

            Vợ đáp: "Trong thế gian, hể làm lành thì đặng phước, còn làm ác thì bị họa. Tạo "nhơn" nào, thì báo "quả " nấy, cũng như trồng dưa thì đặng dưa, trồng đậu thì đặng đậu, chớ không khi nào hình vạy mà thấy bóng ngay và khuôn tròn mà đúc ra đồ vuông bao giờ!

            Thế gian gồm cả Tam giới và Lục đạo.

            Tam giới nghĩa là ba cõi: Cõi Trời Lục dục, cõi Trời Hữu sắc, cõi Trời Vô sắc.

            Còn Lục đạo nghĩa là sáu đường: đường Trời, đường Người, đường A tu La, đường Ngạ quỷ, đường Súc sanh và đường Địa ngục.

            Những người mà kiếp trước làm đủ mười điều lành, thì được sanh về cõi Trời.

            Mười điều lành ấy là: Không sát sanh mạng, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không nói thêu dêït, không nói hai lưỡi, không nói độc ác, không lòng tham, không lòng giận, không lòng si mê.

            Tiên thì có mười giống như phu tướng đã nói đó, nhưng trong mười giống ấy đều một lòng kiên cố về tà thuật, luyện tinh cố hình, thần công biến hóa, tiêu diêu khoái lạc, chỉ nghiên cứu về phép trường sanh, nên chứng thành Tiên quả.

            Những người nào mà kiếp trước có làm sự tội và phước, giữ mười điều lành mà thiếp đã kể đó không toàn thì sanh về đường người. Những người nào mà kiếp trước làm đủ mười điều lành, nhưng vì tánh hay kiêu ngạo, hay nóng nảy thì sanh về đường A tu La.

            Những người mà kiếp trước chỉ giữ lòng lẩn không chịu làm các phước bố thí, thì sanh về đường Ngạ quỷ, phải bị đọa đày, thân quỷ đói, bụng lớn như trống, cổ nhỏ tợ kim, thấy cơm thành lửa, thấy nước thành huyết, ăn uống không đặng thiệt là khổ cực!

            Những người mà kiếp trước không học trí huệ, tánh tình ngu muội, làm nhiều điều ác, thì sanh về đường Súc sanh, làm thân côn trùng, điểu thú, mang lông đội sừng ăn dơ nằm bẩn, bị hành bị giết, khổ sở khôn cùng!

            Còn những người mà kiếp trước làm những tội ngũ nghịch thập ác, thì sanh về đường Địa ngục, hoặc bị đâm bị giết, hoặc bị mổ bị cưa, kêu khóc than van, chịu khổ đủ tám vạn bốn ngàn kiếp, rồi mới được ra khỏi đường ấy; tình cảnh thiệt là thảm não!        Trong Tam giới và Lục đạo mà thiếp đã dẫn lại đó chỉ có đường Trời, đường Tiên, và đường Người là siêu thăng hơn cả.           

            Đường Trời là một cảnh khoái lạc, hết sức đẹp đẽ và vui vẻ, phước thọ vẫn nhiều, cõi Tiên còn không bì đặng một phần huống chi đường Người. Thế mà đến khi phước thọ đã hết, thì cũng hiện tướng ngu si và làm thân chư thú.

            Nói qua đường Tiên, hoăïc thọ chín mười ngàn năm, hoặc thọ tám chín vạn tuổi, đến khi hết lối trường sanh, thì cũng có ngày thây rã, thần thức lại tan vào các đường kia.

            Còn đường Người thì cũng trăm năm thắm thoát, một giấc mơ màng, theo lấy nghiệp duyên mà phải luân hồi trong khổ thú.

            Nói tóm lại, thế gian ba cõi, dời đổi không thường, hết thiện đạo rồi qua ác đạo, hết khoái lạc rồi đổi lại cùng sầu, bức tranh vân cẩu vẻ cuộc tang thương, giọt lệ giao chiêu thiệt lắm buồn cho cái bóng phù du sớm tối.

            Chồng lại hỏi: "Sao gọi là trầm luân khổ hải?".

            Vợ đáp: "Con người sanh ra trong võ trụ này đều do vọng niệm mà phải bị những sự khổ như là: sanh, già, bịnh, chết và thiên hình vạn trạng trong thế gian không thể kể xiết.

            Đã vậy mà còn nay tạo ra nhơn này, mai tạo ra nhơn khác như là: đem thế lực mà ép kẻ cô cùng, dùng kim tiền mà đánh xô người thất thế, làm những điều xảo trá mà lường gạt kẻ mê tín v.v...Hể tạo nhơn thì ngộ quả, làm cho chơn tánh càng lu lờ, nghiêïp duyên thường đeo đuổi, không có ngày nào thoát khỏi cái thảm trạng trong cõi này. Đó có phải là lăn lộn trong vòng nghiệp hải hay không?

            Muôn pháp trong võ trụ duy tại vọng tâm tạo ra đến thế. Bởi vậy cho nên từ khi Đức Thích ca thành chánh đặng chánh giác, thì ngài tự nói, tất cả chúng sanh đều có tánh bản giác như ngài vậy, nhưng vì bị cái màn vô minh che lấp, nên mới trầm nịch, không có khi nào giải thoát đặng. Đó là trầm luân khổ hải!

            Nên ngài thuyết pháp trọn bốn mươi chín năm là chủ ý muốn vớt hết thảy chúng sanh cho được phần an vui, khỏi bị lăn lộn trong sáu đường, xoay vần trong ba cõi, hưởng phước thanh tịnh nơi cảnh giới vô vi, chẳng sanh chẳng diệt nữa.

            Chồng hỏi: "Hiền thê nói rằng: pháp vi diêïu của Phật hết sức cao, tột bực sâu, không có pháp của đạo nào sánh bằng. Vậy mà xưa nay có người nào đã tu Tiên, rồi trở lại tu Phật hay không?".

            Vợ đáp: "Có nhiều lắm chứ! Như phu tướng cho phép, thì thiếp lược dẫn vài sự tích lại cho mà nghe.

            Hồi đời nhà Hán, bên nước Tàu, có vua Minh Đế vốn là người tin tưởng đạo Tiên.

            Một đêm nọ, vua nằm chiêm bao thấy Phật, sáng ra liền sai ông Thái Am đi sứ bên nước Thiên Trúc, đặng thỉnh kinh, tượng và xá lợi của Phật với hai thầy Sa môn, tên là Ca Diếp Mã Đằng và Trúc Pháp về lập chùa, để hiệu là Bạch Mã Tự thờ Phật và lập nhà Lan đài thạch thất đặng để kinh.

            Qua năm sau, nhằm ngày mùng một tháng giêng, các người đạo sĩ là đệ tử của Tiên, hiệp nhau vào triều mà tâu rằng: Muôn tâu bệ hạ! nay chúng tôi cúi đầu xin tỏ việc này cho Bệ hạ rõ. Vã chăng đạo Thái Thượng của chúng tôi không hình không danh, không cùng không tột; thiệt là hư vô tự nhiên, đã có trước tạo hóa, không có đạo nào dám bì đặng; nên từ xưa nay từ vua đến dân ai ai cũng đều sùng bái, nhưng chẳng biết vì cớ sao Bệ hạ lại bỏ gốc theo ngọn mà thờ tượng Phật, đọc kinh Phật như vậy?

            Muôn tâu Bệ hạ! Vốn là ông thần ở bên Ấn độ, còn kinh Phật thì chữ chẳng phải của nước nhà; thiệt đạo ấy là tà. Như Bệ hạ chẳng tin, thi xin truyền lịnh đem kinh của hai đạo đốt mà thí nghiệm, nếu kinh Tiên cháy, thì chúng tôi cam thọ tử hình, còn như kinh Phật cháy, thì xin Bệ hạ trừ các sự hư vọng.

            Vua Minh Đế nghe tâu rồi liền hạ sắc sai quan Thượng thơ là Tống Tướng dẫn bọn đạo sĩ tới chùa Bạch Mã mà thiết ra ba đàn tràng.

            Khi ấy các đạo sĩ là đệ tử của Tiên, nhứt là ông Chư thiện Tín ở núi Nam nhạc, ông Lưu chánh Niệm ở núi Hoa nhạc, ông Hoàng văn Độ ở núi Hằng nhạc, ông Tiếu đắc Tâm ở núi Đại nhạc, ông Lữ huệ Thông ở núi Tung nhạc, ông Thiên Mục ở núi Hoạt sơn, ông Bạch Lộc ở núi Ngũ đài sơn, ông Kỳ văn Tín ở núi Thập bát sơn. Mấy ông ấy đem kinh Linh bảo chơn văn, kinh Thái Thượng ngọc quyết, kinh Tam ngươn phú lục, cộng hết thảy là 509 quyển,  để tại đàn tràng bên phía Tây, rồi lại đem sách của ông Mao thanh Tử, ông Hứa thành Tử, ông Huỳnh Tử, đủ sách của hai mươi bảy thầy cộng lại được 235 quyển, để tại đàn tràng chính giữa. Còn những đồ cùng kinh bách thần thì để tại phía Đông.

            Gần đó lại có lập một đàn tràng riêng mà để những tượng và kinh của Phật.

            Mấy chỗ để kinh sách của hai đạo đều có chất  cũi ở dưới cả. Đến ngày rằm tháng ấy, vua ngự ra hành điện, truyền chỉ nổi lửa lên đốt kinh của Tiên trước.

            Lúc ấy, bọn đạo sĩ bèn quì trước đàn kinh mà khóc và vái rằng: Chúng tôi tâu với Đức Thái Cực Đại Đạo Ngươn Thỉ Thiên Tôn vì chúng tôi Tiên bách thần, xin tốc giáng đàn tràng mà hộ trì kinh điển.

            Vái rồi, các đạo sĩ chia ra, lớp thì bay lên trời, lớp thì chun xuống đất, lớp thì trấn tám phương, lớp thì nhiểu quanh đàn kinh, dùng hết phép biến hóa, các phép thần lực và thư phù niệm chú mà hộ những kinh ấy, lấy trầm hương bó với lau mà làm đuốc, rồi châm lửa đốt.

            Hởi ơi! Lửa cháy tới đâu thì kinh cháy đến đó, cháy rụi cháy tan ra tro hết cả.

            Vua lại truyền lịnh đốt kinh và tượng Phật, thì quan Thị thần vưng mạng liền nổi lửa.    

            Khi ấy, thấy xá lợi của Phật phóng ra năm sắc hào quang, ánh sáng hơn mặt trời thăng lên hư không, kết làm một cái vòng tròn như hình cây lộng mà che cả đại chúng; lại thấy ông Trúc Pháp ngồi kiết già tịnh tọa trước đàn kinh, còn ông Mã Đằng thì bay lên trên hư không ngồi tại nữa lừng trời, hiện ra vô số thần biến.

            Lúc ấy thấy trên trời rưới xuống bốn thứ bông rất báu tại chỗ để kinh và tượng Phật, lại vang ra đủ thứ tiếng: chuông, trống, đờn, quyển, rất dịu dàng và êm ái cho đến khi cũi cháy hết, mà kinh và tượng Phật vẫn còn nguyên, không sờn không nám chút nào cả.

            Vua cùng các quan và trăm họ thấy vậy, thì ai nấy đều thất kinh và vui mừng khen ngợi đạo pháp cao siêu huyền diêïu thật là ít có.

            Các đêï tử của Tiên thấy vậy, phần thì buồn rầu, phần thì sợ tội và phần thì mắc cở, bèn cỡi mây bay mất hết sáu mươi người.

            Còn ông Lữ huệ Thông và đạo sĩ ở các núi, cộng lại được 630 người, đều nguyện bỏ đạo Tiên mà qui đầu theo Phật pháp.

            Trong triều, thì có quan Dương thành Hầu là ông Lưu Tuấn cùng các quan và hàng sĩ tử, có trên một ngàn người cũng đều quy y với Phật. Còn bà Hoàng hậu là nàng Thiệp Trử và cung nữ cũng đều nguyện xuất gia tu hành; nên từ ấy về sau, Phật giáo rất thịnh hành.

 

Ghi chú:

            (1) Trường sanh bất tử: là sống hoài không chết.

            (2) Con thổ kiêu: là loài chim ăn thịt mẹ; vì loài ấy có giống cái mà không có           giống đực, thường nó cứ ấp lấy cục đất, rồi lâu ngày cục đất ấy hóa ra               thành con nó. Khi lớn lên thì con trở lại ăn thịt me.

            (3) Con phá cảnh: là loài thú ăn thịt cha; vì loài ấy có giống đực mà không có          giống cái, thường thì nó ở trong rừng cứ ôm lấy trái cây độc, rồi lâu ngày          trái độc ấy hóa ra thành con nó. Khi lớn lên thì con trở lại ăn thịt cha.

 

KẾT LUẬN

            Trong ba đời: quá khứ là đời đã qua rồi. Hiện tại là đời ta đây. Vị lai là đời chưa đến, hay đời sau; thì chúng ta ở về khoảng giữa, nên dòm những việc trước đã qua thì không biết, còn ngó lại những việc sau chưa tới thì không tin.

            Bởi vậy nên sự làm lành hay sự làm dữ của chúng ta biết sao là tội là phước, mà nếu không biết đặng tội phước thì đâu biết đặng "Nhơn quả".

            Sự nhơn quả xưa nay rất có bằng cớ, rất có suy nghiệm mà chẳng biết vì thế nào trong nhân quần phần nhiều không tin, cứ nói rằng: con người sanh ra chỉ lo cho xong công việc trong một đời mà thôi, ngoài việc ấy không ai cần phải suy nghĩ nữa.

            Vì vậy nên mấy người ấy, ngày đêm cứ lo lường trăm phương ngàn chước, những sự nọ điều kia, đành đem tư tuởng, tin tưởng, tinh thần mà vùi lấp trong trường danh lợi, chẳng biết tìm đường kiếm nẻo, đặng thoát ra ngoài nhơn thiên. Thiệt lấy làm thương tâm ái tích cho những kẻ ấy.

            Có nhiều người khác  thấy kẻ hiền lành mà chịu khổ cực, còn nhiều người hung dữ mà được giàu sang, thì tưởng rằng không có nhơn quả.

            Những người nào còn nghĩ như vậy là vì chưa hiểu thấu cái mục đích của nhơn quả. Có ba cách khác nhau mà cần phải xét đủ ba đời mới thấy rõ đặng.          

            Ba cách ấy là:

            1.- Một cách tạo nghiệp đời này mà phải chịu liền quả báo trong đời này.

            2.- Một cách tạo nghiệp đời này mà qua đời sau mới chịu quả báo.

            3.- Một cách nữa, đời này tạo nghiệp mà qua đến mấy đời sau mới chịu quả báo.

            Do theo ba cách nhơn quả nói trên đó, thì người kiếp này hiền lành mà khổ cực là bởi kiếp trước làm nhiều điều độc ác, nên kiếp này phải mang khổ cực như vậy. Còn những việc làm lành của người ấy trong kiếp này thì sẽ hưởng kiếp sau.

            Nói qua những người hung dữ mà giàu sang là bởi kiếp trước làm lành, nên kiếp này được hưởng phước ấy. Còn những viêïc hung dữ của người đó trong kiếp này, thì sẽ phải trả báo kiếp sau.

            Thí như trồng cây vậy: hể cây trồng hồi trước thì ngày nay được ăn trái, còn cây trồng ngày nay thì ngày sau mới có trái ăn.

            Lại có nhiều kẻ khác nói rằng: người chết thì mất biêït, không thấy về nói lại chi hết, thì làm sao biết rằng có luân hồi.

            Sự nghi ấy cũng không nhầm. Thí dụ như nấu quặng thành ra sắt, rồi đúc sắt thành ra đồ. Trong lúc sắt đã thành đồ, thì có thể trở lại làm quặng đặng không? Chắc là không đặng.

            Nếu biết như thế thì con người chết, thần thức theo nghiệp cảm làm thân trung ấm; cũng như quặng đã thành sắt nói trên đó. Khi thần thức tùy theo nhân duyên mà nhập vào thân khác, thì cũng như sắt đã thành đồ, hình trước đã tiêu, thân sau lại khác, không thể về đặng mà nói lại, là lẽ như vậy.

            Có nhiều kẻ khác nữa nói rằng: người còn sống, thì hồn nương theo xác, khi chết thì xác rã hồn tiêu, không lẽ nào linh hồn còn lại mà chịu luân hồi về kiếp sau được.

            Những người nghi tưởng như vậy thiệt là không suy xét lại, nên chẳng những làm hại cho mình, mà lại còn làm hại cho kẻ khác nữa.     

            Nếu người chết mà linh hồn thiệt tiêu mất, thì xưa nay các tôn giáo cũng không ra đời mà dạy người xả tà qui chánh làm chi, lại cả nhơn loại trong thế gian cũng không ai lo tu nhơn tích đức làm gì.

            Có phải sự nghi thuyết ấy làm cho nhơn tâm ngã lòng nản chí về sự phước thiện không? Nức mầm nảy nhánh về điều tội ác không?

            Chúng ta thử nghĩ coi! Trong giấc ngủ, chiêm bao thấy những sự vinh qui làm ta vui mừng, thấy sự khốn nạn làm ta sợ hãi, hoặc đi xứ khác, hoặc gặp người quen v.v...

            Xác người nằm trơ trơ, không hiểu chi cả, mà lại còn cái gì vui đó, cái gì sợ đó, cái gì gặp đó? Có phải là hồn ly ra xác mà ứng lấy mấy cảnh ngộ ấy không?

            Nếu biết đăïng khi xác người ngủ mà hồn ly ra như vậy, thì biết khi xác người chết rồi, hồn có lẽ nào tiêu mất đi! Nếu hồn đã không tiêu mất, thì phải tùy theo cái nghiệp thiện nhơn, hay là cái nghiêp ác nhơn của người đã tạo ra ngày trước mà chịu lấy quả báo ngày sau; tránh sao khỏi được!

            Lại nghĩ thử coi! Cũng thời người ta: mà sao có kẻ giàu sang, còn người lại nghèo khổ, mà sao có kẻ làm vua làm quan, còn nghười lại làm dân làm mướn, mà sao có kẻ tốt đẹp hoàn toàn, còn người lại tật nguyền đói khát, mà sao có kẻ thông minh trí tuệ, còn người lại dốt nát ngu si. Tất cả mọi việc đều phô bày giữa xã hội nhơn quần, làm cho loài người càng ngày càng thống khổ.

            Đó có phải là tại người này kiếp trước tạo nhơn lành, nên kiếp này được hưởng phước báo và tại kẻ kia kiếp trước tạo nhơn ác, nên kiếp này phải chịu khổ báo hay không?

            Những điều ví dụ đã dẫn trên đó đủ làm cho chúng ta bỏ sự nghi ngờ, đem lòng tin thiệt, cúi đầu cửa Phạm, nép mặt đài sen, vâng đem hai chữ "Nhơn quả" của Phật nói ra làm gương, hàng ngày xem đi xét lại, nhắm trước dòm sau, coi thử chỗ hành động của ta đối với tự tâm thế nào? Quang minh hay ám muội? Công lý hay tư tình?

            Nếu quan sát chỗ cùng như vậy, thì sự kết quả của ta về sau, tự nhiên hiểu biết rõ ràng, không có cái gì che khuất đặng nữa.-

******

(Trích lục trong Phật học tạp chí Từ Bi Âm)
Nhà in Sen Vàng tái bản 1961 (2505)
Sưu tầm và đánh máy: Thanh Sơn.
Alexandria, VA. -10-3-2001 (2545)

http://www.buddhismtoday.com/viet/xhh/phu_the_luandao.htm

 


Vào mạng: 1-11-2001

Trở về mục "Xã hội học Phật giáo"

Đầu trang