Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
PHẬT GIÁO VÀ TƯ TƯỞNG TỰ DO
Hoà thượng K. Sri. Dhammananda
 

Nhiều người được gọi là những nhà tư tưởng tự do thực sự không phải là những nhà tư tưởng tự do, nhưng đúng hơn họ lười biếng suy nghĩ chỉ vì họ không muốn tư duy một cách nghiêm túc và suy nghiệm về ý nghĩa của sự hiện hữu của mình. Họ tự cho mình là những nhà tư tưởng tự do. Trong Phật giáo không có một lý do nào để gọi những loại người này là những nhà tư tưởng tự do. Phật giáo khích lệ con người suy nghĩ một cách tự do nhưng sâu sắc và không có sự thiên vị, thành kiến.

Ngay sau khi chứng đắc sự giác ngộ, khi có nhiều chư vị đệ tử, đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, bây giờ chư vị và ta tự do, giải thoát khỏi những sự trói buộc của chư thiên và loài người”. Ơû đây, chúng ta có thể tìm thấy một bối cảnh liên quan đến ý nghĩa của của một nhà tư tưởng tự do là gì.

Thông thường, người ta cố gắng giới thiệu những quan điểm và niềm tin, và sự thực hành tôn giáo của họ bằng cách áp đặt những sự trói buộc mang bản chất thiên đàng và những bức thông điệp được mời gọi từ thiên đàng. Đức Phật đã bác bỏ những quan điểm như thế. Ngài nói chính Ngài và chư đệ tử Ngài tự do giải thoát khỏi sự trói buộc con người và chư thiên.

Những sự trói buộc này là gì? Chúng là những loại tín ngưỡng, tham ái, chấp thủ, quan điểm, truyền thống, phong tục tập quán v.v… ở nhiều hình thức khác nhau được tạo ra dựa trên danh nghĩa tôn giáo nhằm khai thác sự sợ hãi và sự hoài nghi của con người. Những người chịu sự nô lệ bởi những tín ngưỡng và tôn giáo như thế là đang chịu sự trói buộc. Xét về phương cách nào mà đức Phật được gọi là một nhà tư tưởng tự do hoặc là làm thế nào chúng ta có thể cho rằng Phật giáo là một tôn giáo của tự do và lý trí?

QUYỀN TỰ DO SUY NGHĨ MỘT CÁCH TỰ DO VÀ HIỂU BIẾT CHÂN LÝ

Đức Phật đã tạo cho con người có đầy đủ quyền tự do suy nghĩ một cách tự do mà không phụ thuộc vào quan niệm của một vị thần, một vị Phật hay là bất kỳ một vị đạo sư nào khác hỗ trợ để hiểu được chân lý. Đó là sự tự do, giải thoát. Theo một số tư tưởng gia phương Tây, Phật giáo được biết đến như là một tôn giáo của tự do và lý trí”. Tuy nhiên, tự do phải được lý trí hướng dẫn, soi sáng. Nếu không thì người ta sẽ lạm dụng sự tự do đó. Chẳng hạn, nếu một chính phủ ban cho công dân của họ quyền tự do hoàn toàn được sống và làm bất cứ điều gì theo quyền tự do của họ, theo ý chí của họ, thì chắc chắn rằng trong vòng 24 tiếng đồng hồ, họ có thể hủy hoại toàn bộ đất nước. Đó là sự hiểm nguy của việc ban bố quyền tự do mà trước tiên không phát huy lý trí trong tâm thức con người. Chúng ta nên tuân theo nguyên tắc tương tự trong việc thực hành tôn giáo. Mặc dù, một số người cho rằng tự do ý chí hiện hữu để cho con người nỗ lực, phấn đấu, song chúng ta biết rằng không có một sự tu tập, huấn luyện và hướng dẫn thích hợp thì việc sử dụng tự do ý chí đó có thể đưa đến những hậu quả tai hại. Một đứa trẻ có thể có tự do ý chí, nhưng nó phải được dạy dỗ không nên chơi với một đường dây điện đang dẫn điện.

Đức Phật nhấn mạnh rằng tự do ý chí không phải là một món quà từ bất kỳ một động lực bên ngoài nào. Đó là bản năng của chúng ta. Hành vi con người, nhân cách con người, tâm hồn con người là những nét đặc trưng được phát triển trong suốt cuộc hành trình sinh mạng của chúng ta. Cho dù chúng ta là người có văn hóa hay không có văn hóa, văn minh hay không, có đạo hay vô đạo, thiện hay ác, tốt hay xấu, đê tiện hay tử tế, tùy thuộc vào những thói quen, tập khí tâm mà chúng ta đã phát triển chúng từ kiếp này qua kiếp khác trong quá khứ. Những đặc tính này không phải là do một ai ban bố cả.

Tôn giáo trở nên rất quan trọng trong việc hướng dẫn và chỉ đạo cách tư duy của con người bằng cách đưa ra những sự chỉ dẫn thích hợp. Mục đích của tôn giáo là nhằm giúp cho con người tu tập, rèn luyện tâm thức anh ta để mà anh ta có thể phát huy sự hiểu biết và hành động theo tinh thần trách nhiệm luân lý đạo đức. Con người làm thiện, làm việc có lợi ích bởi vì anh ta “biết” rằng đó là việc đúng, việc tốt phải làm, chứ không phải là vì anh ta muốn tránh sự trừng phạt hoặc là muốn nhận được sự tưởng thưởng. Tôn giáo là một sự trợ giúp để phát triển cá nhân thăng hoa trong cuộc sống.

Tại sao chúng ta không nên lệ thuộc vào bất kỳ một người nào khác? Nếu chúng ta ngưng làm những điều ác, nhiều điều đồi bại, đê tiện, ích kỷ, không suy nghĩ những điều ác, điều xấu, ích kỷ sợ rằng có một ai đó trừng phạt chúng ta, thì chúng ta sẽ không bao giờ tạo ra một cơ hội cho tâm của chúng ta tu tập sự hiểu biết, lòng từ bi. Con người đôi khi còn làm những nghiệp thiện hoặc là phục vụ cho những người khác để mong đợi một sự tưởng thưởng lớn lao. Nếu đây là động cơ, thì họ sẽ không phát triển sự cảm thông, sự hiểu biết theo ý nghĩa chân xác của ngôn từ. Họ trở nên íc kỷ tránh làm những ác nghiệp nhằm mục đích trốn thoát sự trừng phạt hoặc là hành thiện nghiệp để được thưởng. Đây là một thái độ ích kỷ. Đức Phật không tán thành hành động này. Nếu thiên đường và địa ngục đều được đóng cửa lại, thì có biết bao nhiêu người sẽ sống với đạo? Tuy nhiên, Phật giáo khích lệ những hành vi luân lý mà không đề cập đến thiên đường hay địa ngục. Đây là tính nhất quán trong giáo lý của đức Phật.

MỘT TÔN GIÁO TỰ DO VÀ LÝ TRÍ

Mục đích chính của tôn giáo không phải là để đảm bảo được trốn thoát khỏi sự trừng phạt hoặc là nhận được sự tưởng thưởng mà là để giúp đỡ con người ta trở nên hoàn thiện hơn và để chấm dứt những khổ đau về vật lý cũng như tinh thần và giải thoát khỏi những khổ đau, biến họai.

Đức Phật còn muốn tu tập nhân bản theo một số giới luật mang đầy bản chất luân lý, đạo đức nhất định, nhằm để trau dồi nhân cách con người. Điều này có thể đạt được mà không cần phải viện đến những sự cám dỗ do những lời hứa hẹn của thiên đường hoặc là sự đe dọa lửa nơi địa ngục cung cấp. Đó là lý do giải thích tại sao tôn giáo này được xem như là một tôn giáo tự do và lý trí. Đức Phật khuyến khích chúng ta hãy học tập với một tâm hồn cởi mở để khảo sát và tìm hiểu thế giới. Chúng ta không nên lập tức chấp nhận những gì chỉ là tín ngưỡng hay niềm tin. Đức Phật dạy: “Không nên chấp nhận bất cứ điều gì chỉ là niềm tin bởi vì nó sẽ tạo ra cho chúng ta khó khăn trong việc tìm hiểu sự thật, và bởi vì niềm tin đó có thể khiến cho bạn trở thành một tín đồ mù quáng.

Loại niềm tin mù quáng này có thể đưa đến sự cuồng tín tôn giáo. Con người phản ứng theo bản năng tình cảm đối với thẩm quyền tôn giáo hơn là quyết định một cách có lý trí liệu điều đó đúng hay sai bởi vì họ chưa biết được tri thức phân tích trong tâm họ để hiểu tại sao họ nên giữ gìn một số việc hành trì giới luật nhất định và tại sao họ nên tránh xa những hành động phi luân lý.

Chẳng hạn, khi một đứa trẻ không hiểu sự vật một cách đúng đắn, người mẹ hay cha đe dọa nó. Nếu nó quá nghịch ngợm, thì bố mẹ thậm chí có thể đánh đòn nó và nhắc nhở nó không nên làm sai trái nữa. Bởi vì sợ như thế, đứa trẻ có thể ngưng không làm những hành động nghịch ngợm nhưng nó không được giúp đỡ để nhận ra được rằng tại sao điều đó là sai và đâu là cái sai. Điều đó chỉ tạo ra cảm giác sợ bị phạt mà thôi. Lại nữa, khi bố mẹ yêu cầu đứa trẻ làm một điều gì đó và nếu nó từ chối, thì lúc đó bố mẹ sẽ mua chuộc nó bằng lời hứa hẹn sẽ thưởng cho nó. Đứa trẻ có thể làm điều đó, nhưng lại không hiểu tại sao. Sẽ rất dễ dàng cho đứa trẻ trở lại làm những hành động hay suy nghĩ sai mà không có một sự hiểu biết. Tương tự như vậy, chúng ta không nên truyền bá tôn giáo thông qua sự thưởng phạt mà không cho phép con người có được sự hiểu biết đúng đắn. Nếu chúng ta cố gắng truyền bá tôn giáo thông qua sự thưởng phạt, thì con người sẽ không hiểu giá trị chân thật và mục đích chính của tôn giáo. Đó là lý do tại sao trong Phật giáo không có sự đe dọa của sự trừng phạt tôn giáo. Trách nhiệm của tôn giáo là phải hướng dẫn, giáo dục và giác ngộ nhân loại. Trừng phạt là trách nhiệm của pháp luật của quốc gia. Tôn giáo không nên đảm trách vai trò của pháp luật nhằm trừng phạt con người. Nếu không, sẽ xuất hiện sự sợ hãi mà không có một sự hiểu biết đúng đắn. Đây là bản chất của giáo lý đức Phật và tại sao chúng ta xem Ngài như là một nhà tư tưởng tự do.

TỰ DO TÔN GIÁO

Vào thời đức Phật, có một nhóm người trẻ tuổi không thể hiểu cách để chọn lựa một tôn giáo một cách tự do bởi vì vào lúc đó, có hơn 62 nhóm ngoại đạo tại Aán độ. Do vậy, họ đến đức Phật và bạch đức Phật về vấn đề khó xử của họ. Họ nói rằng họ không biết cách để chọn lựa cho mình một tôn giáo thích hợp. Đức Phật không nói rằng Phật giáo là tôn giáo chân thật duy nhất và những tôn giáo khác đều là sai. Sau đó, Ngài đưa ra những sự chỉ dẫn cho những thanh niên trẻ tuổi này, khuyên họ nên suy nghĩ một cách tự do mà không lệ thuộc vào uy quyền của những bậc đạo sư hoặc là những vị lãnh đạo tôn giáo. Lời khuyên này là một phương diện vô cùng quan trọng trong giáo lý đức Phật. Giới trí thức trên khắp thế giới đánh giá cao thái độ của đức Phật bởi vì lời khuyên phóng khoáng, tự do mà đức Phật đã giúp cho họ suy nghĩ một cách tự do. Đức Phật không tuyên bố rằng Ngài là đạo sư chân chánh, thật sự duy nhất và nếu một ai đó đến với Ngài và sùng bái Ngài và cầu nguyện Ngài, thì người đó sẽ được cứu rỗi, tội lỗi của người đó sẽ được tha thứ và anh ta sẽ đạt đến thiên đàng hay là chốn Niết-bàn sau khi chết đi. Ngài cũng không bao giờ đề nghị rằng chúng ta nên xem thường những bậc đạo sư của các tôn giáo khác. Ngài dạy chúng ta nên “tôn trọng những ai xứng đáng được tôn trọng”.

Có một số người tin rằng nếu họ sùng bái hoặc là kính trọng bậc thầy của tôn giáo khác, thì họ phạm phải tội lỗi. Điều này bởi vì có một số nhà lãnh đạo tôn giáo nhắc nhở rằng nếu tín đồ của họ bước sang một nơi thờ phụng khác, hoặc là đọc một vài kinh sách của một số tôn giáo khác hoặc là nếu lắng nghe thời thuyết pháp của tôn giáo khác, thì họ sẽ phạm phải một tội lỗi và sẽ bị trừng phạt ở địa ngục. Họ muốn chứng tỏ rằng họ là có ác cảm với những tôn giáo khác. Chính điều này tạo ra sự sợ hãi và khiến cho con người vô minh. Phật giáo khồn khích lệ thái độ không khoan dung này. Lại nữa, đức Phật dạy: “Hãy chấp nhận chân lý bất cứ khi nào chân lý ấy có giá trị. Hãy ủng hộ tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo của họ”.

Bịt mắt và dẫn dắt những con người vô tội đi vào con đường tội lỗi, sai lầm là một việc làm sai trái. Bằng cách tạo ra những sự phân biệt để mà họ có thể truyền bá những ý tưởng không mấy lành mạnh lắm dựa trên danh nghĩa tôn giáo. Bởi vì như thế này cho nên nhiều người xem tôn giáo như là một mối phiền lòng. Thiện chí, hòa hợp thống nhất, hài hòa và những mối quan hệ giữa nhân loại bị hủy diệt do vì những thái độ thù địch như thế. Đôi khi, những thành viên của cùng một gia đình bị phân chia thành những nhóm khác nhau thông qua sự ảnh hưởng của một thái độ tôn giáo như thế.

Người Phật tử không bao giờ được khích lệ nuôi dưỡng những thái độ thù địch như thế để mà truyền bá bức thông điệp của mình trên 2500 năm qua. Đó là lý do tại sao người Phật tử không tổ chức những phương pháp vấn đáp nhằm mục đích giáo hóa tín đồ của những tôn giáo khác theo Phật giáo. Người con Phật không nghĩ rằng giáo hóa người khác vào đạo mình là một việc làm vô cùng quan trọng mà họ nghĩ rằng tín đồ của những tôn giáo khác cũng là những người tạo ra tội lỗi. Đức Phật không bao giờ đưa ra một phương pháp như thế để lãm lễ rửa tội người khác hoặc là tha thứ những tội lỗi mà họ đã phạm phải.

Khi bạn so sánh tự do tôn giáo với tự do trong những lĩnh vực khác chẳng hạn, bạn có thể đánh giá cao sự tự do mà bạn kinh qua từ lúc chào đời cho đến lúc tạm biệt cuộc đời này để đi đến nấm mộ. Trong Phật giáo không có quy luật, luật lệ tôn giáo yêu cầu những hình thức hôn nhân gia đình phải được thực thi theo những tiếng gọi của tôn giáo bởi vì người Phật tử không tin rằng sự ly hôn là không thể xảy ra chỉ vì nó được ghi nhận trên thiên đường. Nếu một cuộc hôn nhân được ghi lại trên thiên đường, thì nó cũng có thể hủy bỏ được bằng cách yêu cầu sự ghi nhận đó phải được xóa bỏ. Liệu điều đó có thể là sự tự do thực sự chăng?

Chúng ta phải chấp nhận những trách nhiệm và bổn phận được dạy trong tôn giáo không phải như là một quy luật mà là một sự tự do chọn lựa. Chúng ta phải hành động theo niềm tin của chính mình và theo lối sống của chúng ta. Chúng ta không nên chấp nhận một cách mù quáng một số luật lệ tôn giáo nhất định đã được một số nhà lãnh đạo tôn giáo có thẩm quyền làm sẵn. Chúng ta không nên chấp nhận tôn giáo bởi vì lý do sợ hãi mà hãy chấp nhận tôn giáo với một tâm hồn cởi mở để biết cách tận dụng cuộc đời nhằm phục vụ những người khác và hiểu được ý nghĩa của sự hiện hữu của chúng ta trên cõi đời này.

Hiện nay trên khắp mọi nơi trên thế giới, con người đang tranh đấu với nhau với mục đích truyền bá tín ngưỡng tôn giáo của mình. Họ đang tranh đấu, ganh tỵ lẫn nhau và gây ra sự thù hận tôn giáo đối với những tôn giáo đang hiện hữu. Có những dân tộc đã thực hành tôn giáo của như là một phần sự thừa hưởng nền văn hóa của họ hoặc là một triết lý sống hơn 1000 năm hoặc 3000 năm. Di sản phong phú, nền triết học đa dạng, tâm lý phong phú, đời sống đáng kính trọng và vô hại, luân lý và đạo đức đã giúp cho họ sống một cuộc đời thánh thiện. Song, có một vài nhóm tôn giáo khác tìm cách cố buộc họ phải chấp nhận niềm tin tôn giáo  của họ bằng cách hứa hẹn sẽ đưa những người này lên thiên đường dường như thể là họ đã được ban cho độc quyền để độc chiếm thiên đường. Họ cố tìm cách khuyến dụ những người khác rằng chỉ nhờ vào tôn giáo của họ, con người mới có thể được cứu rỗi lên thiên đường.

Theo Phật giáo, tín đồ của bất kỳ một tôn giáo nào hay là thậm chí những ai không mang trong mình một nhãn hiệu tôn giáo riêng biệt nào cũng có thể lên thiên đường. Họ có thể làm được điều này nếu họ tu tập trau dồi những phẩm chất con người của họ và nếu họ không lạm dụng nhân phẩm của họ và duy trì chân giá trị con người và trí khôn của con người.

Theo một số nhà lãnh đạo tôn giáo, một người sống đời sống vô hại, không thể lên thiên đường mà trước tiên không chấp nhận thần linh, thượng đế của họ. Nhưng một tên trộm cướp, đã phạm pháp, gây ra mối hiểm nguy cho những con người vô tội bằng cách phạm phải tất cả những hành động xấu xa, tội lỗi cũng có thể có được cơ hội để lên thiên đường bởi vì anh ta đơn giản chỉ nói một niệm trước lúc mạng chung rằng: “Tôi tin vào thiên đường”. Họ nói rằng nếu bạn tôn thờ tôn giáo của họ, thượng đế sẽ tha thứ tất cả những tội lỗi mà bạn đã phạm phải và ngay lập tức bạn được họ đưa lên thiên đường. Tên tội phạm này đã có được cơ hội để được lên thiên đường sau khi xâm phạm đến cuộc sống an lạc và hạnh phúc của những con người vô tội. Theo họ, thượng đế có thể cứu rỗi tên tội phạm nhưng không có sự cảm thông đối với những ai đã trở thành nạn nhân của tên tội phạm này.

Nếu thượng đế  có thể cứu rỗi kẻ phạm tội sau khi đã phạm phải những hành động độc ác, tội lỗi và hãm hại những người khác, thì tại sao thật khó khăn cho anh ta ngưng làm những hành động tội lỗi này? Người con Phật tin rằng dù đó là một người mang khác nhãn hiệu tôn giáo hoặc là thậm chí nếu họ cho rằng họ không tôn thờ một tôn giáo nào, nếu họ thánh thiện, người có văn hóa, được tu tập và nếu họ không làm hại những người khác, có đức tính thanh nhã, độ lượng thì họ được xem như là những con người xứng đáng được tôn kính và trân trọng theo quan điểm Phật giáo.

Vấn đề lớn nhất mà chúng ta đang phải đương đầu hiện nay là chúng ta có quá nhiều truyền thống và phong tục tập quán do ông bà tổ tiên của chúng ta để lại, trong khi đó những điều này chỉ phù hợp với lối suy nghĩ của họ vào thời điểm đó. Họ có những triển vọng của riêng bản thân mình. Trong qúa khứ, khoa học và kỹ thuật và kiến thức về thế giới, về đời sống và nhân sinh vũ trụ vô cùng nghèo nàn lạc hậu. Sợ hãi và vô minh làm động cơ cho họ để mà họ bắt đầu hình thành nên nhiều loại lễ nghi, nghi thức và nhiều buổi tế lễ đa dạng. Sau này, những hình thức lễ nghi, tế lễ này trở thành những phong tục truyền thống. Những truyền thống này sau đó được công thức hóa thành nhiều nền văn hóa khác nhau. Là những người con Phật, chúng ta có thể chấp nhận những hình thức này như là một bộ phận của những nét văn hóa khác nhau của chúng ta. Nhưng chúng ta không nên cảm thấy rằng chúng ta buộc phải chấp nhận và thực hành theo tất cả những truyền thống, phong tục này. Chúng ta tôn trọng văn hóa và truyền thống, song đồng thời nên cố tìm ra liệu những nét văn hóa truyền thống này mang ý nghĩa đặc trưng gì không hoặc là liệu chúng có lợi ích cho bản thân chúng ta và cho những người khác hay không. Nếu những truyền thống này có lợi ích cho cả hai, thì lúc đó chúng ta nên chấp nhận chúng. Nếu không, chúng ta nên cảm thấy rằng mình có quyền tự do không chấp nhận chúng và chọn lấy những phương cách mới thích hợp với lối sống hiện đại của chúng ta.

CÁCH CHỌN LỰA MỘT TÔN GIÁO

Khi chọn lựa một tôn giáo, chúng ta nên tránh những gì mang tính chất truyền thuyết hoặc là nghe nói suông. Người ta đến và nói với chúng ta về tất cả những mẩu chuyện thú vị hấp dẫn về những đấng quyền năng siêu nhiên, về bậc đạo sư của họ, bậc thầy, những nghi thức hành trì tôn giáo, nam thần và nữ thần v.v…. Họ cường điệu và nhân cách hóa những sự kiện hoặc những mẩu chuyện và đến và bảo chúng ta chấp nhận niềm tin của họ. Lời khuyên của đức Phật là không nên chấp nhận những gì họ nói mà không xem xét chúng một cách thận trọng. Chúng ta có lý trí của một con người bình thường để suy nghĩ nhưng bởi vì những nhược điểm của mình, chúng ta không tạo ra cơ hội để cho lý trí đó suy nghĩ mà không mang thành kiến, thiên vị. Đức Phật khuyên chúng ta không nên chấp nhận bất cứ điều gì mà không cân nhắc kỹ lưỡng mỗi lời tranh luận. Nếu chúng ta không cân nhắc kỹ lưỡng thì sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ biết rằng những gì chúng ta chấp nhận một cách vội vàng là không đúng.

Chúng ta không nên phụ thuộc vào bất kỳ một bộ thánh điển nào mà không nghiên cứu nó một cách chính xác. Một số người cho rằng thánh điển của tôn giáo họ là đúng và của những người khác tôn giáo là sai. Họ cũng nói rằng đó là một bức thông điệp từ thiên đường, được ghi nhận bởi thẩm quyền tôn giáo họ và chúng ta phải chấp nhận nó mà không cần phải chất vấn, kiểm nghiệm. Lời khuyên của đức Phật là không nên chấp nhận bất cứ điều gì được ghi lại trong những bộ thánh điển mà không xem xét chúng cẩn thận. Bạn có thể tìm thấy một bậc đạo sư nào khác đã tuyên thuyết những ngôn từ như thế không? Ngài đã tôn trọng khả năng lý trí của con người. Ngài đã tạo cho ta biết bao tự do để theo đuổi một tôn giáo!

Theo quan điểm Phật giáo, người ta có thể ghi lại bất cứ điều gì trong kinh sách của họ và sau này giới thiệu những lời ghi lại ấy như là những bộ thánh điển với những bức thông điệp từ thiên đường. Con người chấp nhận những ghi nhận ấy mà không cần chất vấn. Những nhà lãnh đạo tôn giáo dùng quyền uy của họ để kiểm soát, điều khiển con người như thể họ là những đứa trẻ con. Họ đưa ra những quan điểm tôn giáo được làm sẵn của họ. Do vậy, họ truyền trao những quan niệm điểm của mình cho những người khác và buộc họ phải chấp nhận và tin theo. Do đó, con người ta không có được cơ hội để sử dụng ý thức thông thường hoặc là khả năng lý trí của họ để hiểu sự vật một cách chính xác.

Lời khuyên tiếp theo của đức Phật là không nên chấp nhận bất cứ điều gì thông qua duy suy luận. Mặc dù chúng ta khuyên người ta không nên chấp nhận điều gì mà không có lý trí, đức Phật nói rằng chúng ta không nên sử dụng duy lý trí. Sự suy luận của chúng ta rất là hạn chế. Ngay cả trẻ con cũng có thể suy luận theo cách suy nghĩ riêng của chúng. Chúng ta cũng có thể suy luận những vấn đề nhất định nào đó trong khả năng tư duy của chúng ta. Khi chúng ta so sánh sự suy luận của chúng ta với sự suy luận của những tư tưởng gia vĩ đại hoặc là của những khoa học gia, thì lúc đó dưới cặp mắt của những nhà trí thức uyên thâm này, sự suy luận của chúng ta không chính xác.

Khi chúng ta so sánh sự suy luận của những bậc trí thức uyên thâm này với cách suy luận của những bậc đạo sư đã giác ngộ thì chúng ta có thể hiểu rằng sự suy luận của những bậc trí thức này cũng không hoàn hảo.

Đó là lý do tại sao đức Phật nói rằng: “Hãy chấp nhận chân lý nằm trong khả năng của bạn chứ không nên lập tức cho rằng đó là chân lý tuyệt đối”. Hãy để cho tâm thức bạn suy luận một cách tự do. Hãy tạo điều kiện cho tâm thức phát triển, tăng trưởng. Không nên khép cửa tâm thức ngay lập tức. Những gì bạn đã chấp nhận sau này có thể thay đổi theo những kinh nghiệm và sự hiểu biết chín chắn và đúng đắn, chính xác.

Lời khuyên tiếp theo là không nên chấp nhận điều gì thông qua sự tranh luận mang tính lôgic. Sự tranh luận phụ thuộc vào khả năng, kiến thức, kỹ năng và thái độ tài năng chứ không phụ thuộc vào sự kiện và chân lý. Sự tranh luận có thể làm phát sinh tình cảm và tự ngã.

BA ĐẶC TÍNH

Muc tiêu chính yếu của tôn giáo là chú trọng nhiều hơn đến lĩnh vực tu tập một đời sống thánh thiện, một đời sống giới hạnh, luân lý đạo đức và nhằm duy trì sự hòa bình, an lạc, hạnh phúc và sự tự tin trong tâm và nhằm đẩy mạnh  sự tự do giải thoát khỏi trạng thái tâm lý sợ hãi, lo lắng, sân hận, thù địch và vô minh hơn là dồn hết thời gian vào việc sùng bái, cầu nguyện và thực thi những hình thức lễ nghi tôn giáo.

Nhân loại có ba bản chất: thú tính, nhân tính và thiên tính hay tính siêu phàm. Tôn giáo đóng vai trò rất quan trọng trong việc đè nén hoặc kiểm soát thú tính trong con người. Chúng ta không thể đạt được an lạc hạnh phúc bằng cách chỉ cầu nguyện suông. Nếu con người cũng sống để mà ăn, để tìm sự che chở, bảo vệ và để sinh đẻ, thì lúc đó sẽ không có sự khác biệt giữa thú vật và con người.

Tuy nhiên, con người khác với thú vật ở chỗ là con người có thể được hướng dẫn phát triển tâm cao thượng. Tôn giáo là một nhân tố hùng mạnh giúp anh ta hoàn thành nhiệm vụ này.

Có một đặc tính phi thường trong tâm thức con người được gọi là Pháp. Pháp được căn cứ trên cơ sở những phẩm chất con người của chúng ta. Làm người, chúng ta phải tu tập, trau dồi tàm quý. Sợ hãi về tội lỗi, điều xấu xa, tàn bạo và những việc làm nguy hiểm sẽ phạm phải. Mặc khác, làm người chúng ta nghĩ rằng chúng ta thật hổ thẹn khi làm những điều ác, trái với lương tâm, làm những việc phi luân lý đạo đức. Nhằm duy trì chân giá trị con người, đảm bảo khả năng lý trí của con người, chúng ta phải tu tập tàm và quý.

Trên thế giới hiện nay có rất nhiều tôn giáo và rất nhiều nơi cầu nguyện, cúng tế. Tại phương Đông, nhà thờ, thánh đường, đền đài, chùa chiền và nhiều nơi cúng tế, cầu nguyện khác đông chật người. Họ cho rằng tôn giáo đang phát triển tốt. Khắp mọi nơi đâu chúng ta cũng nhìn thấy người, cầu nguyện, cúng bái, đốt hương và vàng bạc, giấy tờ v.v… nhưng thực sự có bao nhiêu người trong số những người cầu nguyện ấy duy trì một sự tàm quý trong tâm họ? Nếu những phẩm chất tự nhiên và cao quý này vắng mặt, thì thực sự có một tôn giáo chân thật không? Nhiều người trong số họ tuyên bố tôn giáo của họ một cách to tác nhưng thực sự thiếu đi những phẩm chất của con người, để lại những tình trạng thảm thương cho tôn giáo.

Phật giáo là một học thuyết hay một triết lý?

Sự giác ngộ của đức Phật không phải là sản phẩm của một tri thức thuần tuý.

Xã hội Aán độ thời đức Phật tại thế, có nhiều người có học thức theo đuổi tri thức chỉ đơn giản phục vụ cho nhu cầu lợi ích của riêng họ. Những người này chất chứa trong họ đầy những kiến thức lý thuyết. Thực tế, một vài vị trong số họ du hành từ thành này sang thành khác thách thức mọi người tranh luận và sự cảm xúc kích động lớn nhất của họ là đánh bại đối phương trong những đợt tranh luận bằng miệng như thế. Song đức Phật dạy rằng những hạng người như thế thì không gần với sự giác ngộ chân lý bởi vì mặc sự thông minh sáng suốt và tri kiến của họ họ không có chân trí tuệ để điều phục tham lam, sân hận, si mê. Trong thực tế, những người này thường rất tự hào và vô minh. Những quan niệm về bản ngã của họ làm quấy nhiễu cái không khí tôn giáo.

Theo đức Phật, con người ta trước hết phải tìm hiểu được nguồn tâm của chính mình. Điều này được thực hiện thông qua sự tu tập định, mà chính nhờ định con người ta mới có được nguồn trí tuệ uyên thâm bên trong hoặc là sự giác ngộ thâm uyên. Và nguồn trí tuệ này đạt được không phải bằng con đường tranh biện triết lý hoặc là tri thức thế gian mà là bằng con đường nhận thức yên lặng về bản chất vô minh của tự ngã.

Phật giáo là một triết lý sống chân chánh nhằm mang lại một cuộc sống hòa bình va an lạc, hạnh phúc cho mỗi chúng sinh hiện hữu trên cuộc đời này. Phật giáo là một phương pháp đoạn trừ những khổ đau trong cuộc sống và tìm ra con đường giải thoát, giác ngộ. Giáo lý của đức Phật không chỉ hạn hẹp trong một phạm vi quốc gia hay chủng tộc nào. Đó cũng không phải là một tín ngưỡng hay là một niềm tin suông. Đó là một lời dạy cho toàn thể vũ trụ. Đó là một hệ thống giáo lý dành cho tất cả mọi thời đại. Mục đích của những lời dạy ấy là nhằm phục vụ với tinh thần  vị tha, vô ngã, thiện chí, hòa bình, giải thoát, tự do khỏi tất cả những khổ đau của cuộc đời.

Giải thoát, tự do trong Phật giáo là để phục vụ cho lợi ích của cá nhân. Chúng ta phải tự cứu lấy chính bản thân mình cũng như chúng ta phải ăn, uống và ngủ nghỉ cho chính bản thân. Lời khuyên được đức Phật đưa ra nhằm chỉ cho nhân loại con đường hướng đến sự giải thoát; chứ đức Phật không bao giờ dự định đưa ra những lời khuyên nhằm lấy đó xây dựng nên một hệ thống học thuyết hay là một triết lý. Khi Ngài được mọi người hỏi đến hệ thống học thuyết nào Ngài thuyết giảng, đức Phật đáp lại rằng Ngài không thuyết giảng bất cứ hệ thống học thuyết nào và bất cứ những điều Ngài thuyết giảng là kết quả của những kinh nghiệm mà chính bản thân Ngài đã kinh qua. Do đó, giáo lý của Ngài không đưa ra một hệ thống học thuyết nào cả. Học thuyết không thể mang con người tiến lại gần sự hoàn thiện về mặt tâm linh. Những học thuyết chính là những kiết sử trói buộc tâm thức con người và cản trở sự tiến bộ về mặt tâm linh. Đức Phật nói: “Những bậc trí không tin vào những học thuyết đã được thông qua. Họ chỉ tin vào những gì đã kinh qua mà bản thân họ đã thấy và nghe”.

Những học thuyết là sản phẩm của tri thức và đức Phật hiểu được những sự hạn chế của tri thức nhân loại. Ngài dạy rằng sự giác ngộ không phải là sản phẩm của tri thức. Người ta không thể đạt được sự giải thoát bằng cách tham gia vào một khóa học cung cấp tri thức. Lời phát biểu này dường như phi lý song đó là chân lý. Giới trí thức có khuynh hướng bỏ ra nhiều thời gian quý giá của mình cho việc nghiên cứu, cho những phân tích nghiên cứu và dự kiện. Họ thường dành rất ít hoặc không có thời gian cho việc hành trì.

Một tư tưởng gia vĩ đại (một triết gia, khoa học gia, siêu hình học gia v.v…) cũng có thể hóa ra là một người tri thức ngu muội. Vị ấy có thể là một con người khổng lồ về tri thức, có khả năng cảm nhận những ý kiến một cách nhanh nhẹn và bày tỏ những cảm xúc rõ ràng. Nhưng nếu vị ấy không chú ý đến hành động của mình và những hậu quả của nó và nếu vị ấy chỉ  hướng đến việc thành đạt những ham muốn và ý định của bản thân mình dù bất cứ giá nào thì lúc đó, theo đức Phật, vị ấy là một con người trí ngu muội, một con người cấp dưới có tri thức. Một con người như thế sẽ thực sự ngăn cản sự tiến bộ về mặt tâm linh của vị ấy.

Những lời dạy của đức Phật bao hàm nguồn trí tuệ thiết thực không thể bị hạn cuộc trong một học thuyết hay một triết thuyết nào bởi vì triết lý đề cập chủ yếu đến vấn đề tri thức chứ nó không quan tâm đến vấn đề chuyển dịch tri thức thành những hành động được hành trì hằng ngày trong cuộc sống.

Phật giáo chú trọng đến việc hành trì và giác ngộ. Triết gia có thể nhìn thấy những khổ đau và những thất vọng của cuộc đời song không giống như đức Phật, ông ta không đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm vượt qua những khổ đau của chúng ta vốn là một phần của bản chất vô thường của cuộc đời. Triết gia chỉ đẩy những tư duy của mình đến chỗ bế tắc. Triết lý thì hữu dụng bởi vì nó làm giàu và phong phú thêm sự tưởng tượng về mặt tri thức và xua tan lòng tự tin mang tính giáo điều khiến cho tâm không thể tiến bộ xa hơn nữa. Xét đến mức độ đó, phật giáo đánh giá cao triết học, song triết học đã thất bại trong việc làm dịu đi cơn khát tâm linh.

Nên nhớ rằng mục đích chính yếu của Phật giáo là đạt được sự thanh tịnh và giác ngộ. Sự giác ngộ đánh bại sự vô minh vốn là cội nguồn của sanh tử. Tuy nhiên, sự đánh bại vô minh này không thể đạt được ngoại trừ chỉ bằng tu tập lòng can đảm tự tin của chính chúng ta. Tất cả mọi nỗ lực khác, đặc biệt những nỗ lực chỉ thiên về mặt tri thức thì không có hiệu quả. Đây là lý do tại sao đức Phật kết luận: “Những câu hỏi siêu hình này không mang lại lợi ích, chúng không liên quan đến Chánh pháp; chúng không đưa đến chánh hạnh, hoặc là ly tham, hoặc là sự thanh tịnh không có các tham ái, không đưa đến sự tĩnh lặng, không đưa đến tri kiến chân thật, cũng không đưa đến trí tuệ cao hơn, Niết bàn”. (Trung Bộ Kinh-Kinh Malunkyaputta). Trong lĩnh vực suy cứu siêu hình học, đức Phật quan tâm nhiều hơn đến một giáo lý chứa đựng một sự hiểu biết thiết thực về Bốn Chân Lý (Tứ Thánh Đế) mà Ngài đã khám phá ra: đó là khổ đau là gi, nguồn gốc của khổ đau là gì, sự đoạn tận của khổ đau là gì và làm thế nào để vượt qua khổ đau và chứng đắc sự giác ngộ cuối cùng. Những chân lý này là những vấn đề thực tế phải được liễu tri hoàn toàn và chứng đắc hoàn toàn bởi những ai thực sự kinh qua sự giải thoát, giác ngộ.

Giác ngộ là sự chấm dứt, xoá sạch gốc rễ của vô minh; đó là một lý tưởng sống của người Phật tử. Hiện nay chúng ta có thể chứng kiến rõ ràng rằng sự giác ngộ không phải là một hành động mang bản chất tri thức. Thái độ chỉ suy cứu, tư biện trái ngược với sự giác ngộ và không có sự quan hệ gần gũi thân tình với cuộc sống. Đây là lý do lý giải tại sao đức Phật chú trọng nhiều hơn đến kinh nghiệm cá nhân. Thiền định là một hệ thống khoa học thực tiễn để chứng minh Chân lý có được nhờ vào kinh nghiệm bản thân. Nhờ thiền định, ý chí cố gắng vượt khỏi những điều kiện mà nó đã đặt lên tự ngã và đây là sự giác ngộ của ý thức. Siêu hình học chỉ trói buộc chúng ta trong một khối tư tưỏng và ngôn từ rối rắm và lộn xộn.

Phật giáo là tôn giáo bi quan, tiêu cực?

Phật giáo không bi quan cũng không lạc quan mà Phật giáo là một tôn giáo thiết thực.

Có một số nhà phê bình cho rằng Phật giáo là tôn giáo bệnh hoạn, u sầu, yếm thế, luẩn quẩn xung quanh mặt đen tối và bóng râm của cuộc đời, một kẻ thù của những thú vui vô tội, và là một kẻ giẫm đạp không có cảm giác lên những niềm vui ngây ngô của cuộc đời. Họ cảm thấy Phật giáo như là một tôn giáo bi quan, như là một sự nuôi dưỡng một thái độ tuyệt vọng đối với cuộc đời

Chiến tranh và hòa bình

 

TẠI SAO KHÔNG CÓ HOÀ BÌNH?

Nhân loại đã quên rằng anh ta có một trái tim. Anh ta quên rằng nếu anh ta đối xử với thế giới một cách tử tế thì thế giới sẽ đối xử tử tế lại với anh ta.

Chúng ta đang sống trong một thế giới của những sự mâu thuẫn thực sự kinh hoàng. Một mặt, con người sợ chiến tranh; mặt khác, họ chuẩn bị cho chiến tranh với một sự điên cuồng. Họ sinh ra dư thừa, song họ phân phát khổ đau. Thế giới ngày càng trở nên đông đúc, nhưng con người ngày càng trở nên cô lập nhau và ngày càng cảm thấy cô đơn. Nhân loại đang sống gần gũi với nhau trong một đại gia đình, song mỗi cá nhân tìm cho bản thân mình ngày càng nhiều hơn so với trước đây, bị tách biệt khỏi những người láng giềng của anh ta. Sự hiểu biết và  thành thật với nhau đang ngày càng thiếu đi trầm trọng. Con người không thể tin tưởng lẫn nhau cho dù người kia có tốt thế nào đi nữa.

Khi tổ chức Liên Hiệp Quốc được hình thành sau những nỗi kinh hoàng của cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai, những vị đứng đầu của tổ chức họp lại để ký kết một hiến chương đồng ý với lời mở đầu sau đây: “Bởi vì chính trong tâm của con người mà chiến tranh bắt đầu, chính trong tâm con người mà thành luỹ bảo vệ hòa bình phải được xây dựng. Chính quan điểm này được nhấn mạnh trong bài kệ đầu tiên của Bản Kinh Pháp Cú:

“Ý dẫn đầu các pháp,
Yù làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo”. (PC-01)

Niềm tin rằng con đường duy nhất để đánh lại bạo lực là bằng cách áp dụng nhiều quyền lực hơn đã đưa đến sự xung đột vũ trang giữa các quốc gia lớn mạnh với nhau. Và sự cạnh tranh này nhằm tăng cường vũ khí trang bị cho chiến tranh đã mang lại cho nhân loại nguy cơ huỷ diệt hoàn toàn sự sống con người. Nếu chúng ta không làm gì để ngăn chặn hành động đó, thì cuộc chiến kế tiếp sẽ là sự kết thúc của thế giới nơi mà sẽ không có những kẻ chiến thắng và cũng không có nạn nhân của chiến tranh. Chỉ còn lại những xác chết ngổn ngang trên chiến trường.

“Hận thù không thể dập tắt bằng hận thù;
hận thù có thể dập tắt bằng tình thương”.

Đó là lời khuyên của đức Phật cho những ai tuyên thuyết một học thuyết về sự đối kháng, sân hận và cho những ai dẫn dắt nhân loại vào chiến tranh và phản loạn chống lại nhau. Nhiều người cho rằng lời khuyên của đức Phật là hãy chuyển hóa ác thành thiện là một lời khuyên không thiết thực. Trên thực tế, đó là một phương pháp đúng đắn duy nhất để giải quyết vấn đề. Phương pháp này được một bậc đạo sư vĩ đại giới thiệu thông qua sự chứng nghiệm bản thân của Ngài. Bởi vì chúng ta kêu căng, tự hào và ngã mạn, chúng ta miễn cưỡng để chuyển hoá ác thành thiện, nghĩ rằng quần chúng có thể đối xử chúng ta hèn nhát như mọi người. Thậm chí có một số người nghĩ rằng sự tử tế, từ tâm và lịch thiệp là mang tính đàn bà chứ không mang tính đàn ông! Nhưng tác hại sẽ như thế nào nếu chúng ta giải quyết những vấn đề của chúng ta và mang lại niềm hạnh phúc và an lạc cho mọi người bằng cách chấp nhận phương pháp đầy tính văn hóa này và bằng cách hy sinh sự kiêu căng ngã mạn đầy sự hiểm nguy của chúng ta?

Tinh thần khoan dung độ lượng phải được thực hành nếu hoà bình phải đến với nhân loại trên trái đất này. Quyền lực và sự ép buộc sẽ chỉ tạo ra thái độ không khoan dung. Để thiết lập hoà bình và hài hoà giữa nhân loại, mỗi một người trước tiên phải học tập phương pháp thực hành nhằm đưa đến sự chấm dứt của tham lam, sân hận và si mê, nguồn gốc của tất cả các quyền lực đầy tội lỗi. Nếu nhân loại có thể diệt tận tất cả những thế lực xấu xa này thì khoan dung và hoà bình sẽ xuất hiện nơi thế giới bất an này.

Ngày nay, chúng ta là những người đi theo con đường của đức Phật từ bi nhất, cho nên chúng ta phải có một nhiệm vụ đặc biệt là hãy cùng nhau hoạt động nhằm thiết lập nền hoà bình cho thế giới và chỉ cho những người khác một tấm gương để noi theo bằng cách noi theo lời khuyên của bậc đạo sư: “Mọi người sợ hình phạt; mọi người sợ tử vong; Lấy mình làm ví dụ; không giết không bảo giết”. Pháp cú –129)

Hoà bình có thể luôn luôn đạt được, nhưng phương pháp để đạt được hoà bình không chỉ bằng cách cầu nguyện và lễ nghi. Hoà bình là kết quả của sự hài hoà giữa con người với chúng sanh đồng loại và môi trường sống xung quanh. Nền hoà bình mà chúng ta cố đưa ra giới thiệu bằng bạo lực thì không phải là một nền hoà bình vĩnh viễn lâu dài. Đó là một khoảng trung gian giữa những cuộc xung đột của tham ái ích kỷ và những điều kiện thế gian.

Hoà bình không thể tồn tại trên thế giới này mà không có việc thực hành hạnh khoan dung. Để khoan dung, độ lượng, chúng ta không nên cho phép trạng thái tâm sân hận và ghanh tỵ ngự trị trong tâm chúng ta. Đức Phật dạy: “Kẻ thù hại kẻ thù; oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân”. PC-42)

Phật giáo là một tôn giáo khoan dung ởi vì Phật giáo tuyên thuyết một cuộc sống tự kiềm chế. Phật giáo dạy một cuộc sống được căn cứ vào không chỉ những giới luật mà còn căn cứ vào những nguyên lý. Phật giáo không bao giờ hành quyết hay ngược đãi đối với những ai mang trong mình một tín ngưỡng khác biệt. Giáo lý như thế không cần thiết đối với bất kỳ một ai phải gán cho chính anh ta một nhãn hiệu ‘Phật tử’ để thực hành những nguyên lý cao thượng của tôn giáo này.

Thế gian như một tấm gương và nếu chúng ta nhìn vào tấm gương với một gương mặt mỉm cười, thì chúng ta có thể nhìn thấy chân diện mục của chính mình, một gương mặt tươi cười tuyệt mỹ. Trái lại, nếu chúng ta nhìn vào tấm gương với một gương mặt dài thòng thì nhất định chúng ta sẽ nhìn thấy sự xấu xa của gương mặt. Tương tự như vậy, nếu chúng ta đối xử với thế giới tử tế, nhã nhặn thì thế giới chắc chắn sẽ đối xử lại chúng ta một cách tử tế. Hãy học hạnh an lạc, hoà bình nơi chính bản thân mình và thế giới cũng sẽ hoà bình với chúng ta.

Tâm con người được ban bố cho quá nhiều sự giả dối về bản ngã đến mức độ anh ta không muốn chấp nhận những yếu điểm của mình. Anh ta sẽ cố tìm ra một lý do nào đó nhằm thoả mãn hành động của anh ta và tạo ra một sự vô minh mà anh ta không nhìn thấy. Nếu một con người thực sự muốn được tự do giải thoát, thì anh ta phải can đảm chấp nhận những yếu điểm của mình. Đức Phật dạy: “Lỗi người khác thì dễ nhìn thấy còn lỗi của chính mình thì thực sự khó nhìn thấy”.

http://www.buddhismtoday.com/viet/xhh/tudo_tutuong.htm

 


Vào mạng: 1-12-2001

Trở về mục "Xã hội học Phật giáo"

Đầu trang