- Tâm Xuân
- Hạnh Chiếu
Trong kinh Pháp Hoa có một đoạn nhân duyên nói về chàng
cùng tử. Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ đã khéo diễn lại phần đầu với đôi
vần thơ:
- Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
- Nhật viễn gia hương vạn lý trình.
- Lang thang làm khách phong trần,
- Quê hương ngày một muôn lần cách xa.
Anh chàng lỡ sống hay muốn sống cái kiếp phong trần, tôi
không hiểu rõ. Nhưng tôi biết chắc chắn một điều là anh đã vui ít khổ
nhiều. Cho nên có lúc anh đã bật khóc. Tại vì anh nhớ cha, nhớ nhà.
Không chỉ mùa Xuân, mà bất luận nắng Hạ hay mưa Thu, anh cũng không biết
đâu là chốn trở về.
Trong kinh kể lại, kẻ ly hương vào một sớm vô tình, đã
đứng trước cửa ngõ nhà mình. Nhưng anh lại vụt chạy. Để cho đôi mắt
của cha già thêm một lần nữa hắt hiu trông đợi. Anh chàng cứ dạo lên
những cung bậc thót tim, rồi hạ xuống thành nốt nhạc não lòng. Thế nhưng
những bản nhạc như vậy, người ta thường bảo là những bản nhạc hay.
Mới chết chứ.
Đọc chuyện chàng cùng tử, bất chợt tôi cũng nhớ về
quê mình.
Lần về thăm quê sau cuối trước khi đi tu, tôi muốn bơi
lội giữa dòng sông cũ để rửa sạch thân thể, lấy tay rẽ hai con nước
rồi uống vào cho thấm thấu quê hương. Sông Vàm Mương quê tôi khiêm tốn
giản dị, không có tên trên bản đồ, chỉ quanh quẩn bên những cánh đồng
âm thầm đợi mùa lúa chín. Chưa bao giờ tôi thấy dòng sông có cuồng lưu.
Ngày đi, tôi có nói: Sông ơi ! Cho tôi gởi hồn quê. Và quê ơi ! Cho tôi gởi
bước chân lãng tử về nơi cuối trời. Đó là chuyện một thời.
Bây giờ thì không biết con sông nhỏ có còn róc rách giữa
đôi bờ ruộng hiền khô, hay nó đã nổi trận cuồng phong nhập vào cơn
đại hồng thủy nuốt chửng làng quê mất rồi. Năm ngoái, giờ này tôi cũng
đặt bút cho một mùa xuân sóng cuộn thác gào ở miền Trung. Năm nay, cứ
thấy mưa là đầu bút ướt sủng, quê tôi lại nhạt nhòaà
Chúng ta cứ bềnh bồng với những mùa xuân trái trời trở
gió như vậy thì men xuân quả là một giọt đắng. Ông trời còn bất thường,
trách gì người ta đang khóc chợt cười, đang thương chợt ghét, đang buồn
chợt vuià cũng là hợp lẽ "trời" thôi. Xuân hạ thu đông luôn biến
dịch không cùng, có gì lạ đâu. Thế nhưng con người lại dễ quên lãng
bởi sắc màu âm thanh. Chỉ một chùm khói sương lãng đãng là mê lộ tư
bề, chắn mất lối ta về. Cho nên tuy động sinh mà đã vong thân. Vì vậy
chư Phật mới thị hiện ra nơi đời.
Không rực rỡ sắc màu, không hồng diễm mong manh, mùa
Xuân của Phật ở trong tâm, chẳng có bốn mùa thay đổi. An lạc. Thường
nhiên.
- Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận,
- Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.Tạm dịch:
- Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết,
- Đêm qua sân trước một cành mai.
- Thiền sư Mãn Giác.
Hoa tuy rụng nhưng vẫn còn thơm ngát cội xưa. Ai dám nói
hai tiếng "vĩnh tuyệt". Không có gì còn mãi, cũng không có gì mất
đi. Các pháp chỉ thay đổi cho vui vậy thôi. Chứ thật ra không có gì
sanh, cũng không có gì diệt. Phật bảo: "Thị pháp trụ pháp vị, thế
gian tướng thường trụ". Đó là tất cả những gì Như Lai muốn nói,
mà dường như cũng không muốn nói.
Chẳng lẽ con người chỉ ấm áp với ba tháng Xuân ngắn
ngủi, còn lại là Thu thắt Đông se. Mà lỡ mùa Xuân với mưa tuôn gió cuốn
như vừa rồi đó thì sao ? Xuân như vậy chỉ càng làm cho lòng người thêm
man mác u hoài. Xuân như vậy chỉ có nước thúi ruột mà chết. Cho nên đức
Phật đã đi tìm một mùa Xuân mới. Tâm Xuân. Trong đó không có thời
gian, cũng không có không gian. Không có hoa, cũng không có bướm. Hoa muốn rụng
thì cứ rụng, chẳng ai ở đó mà sợ mà lo. Xuân muốn tàn thì cứ tàn,
chẳng ai ở đó mà nắm mà níu sắc hương mỹ vị biến hư không. Xuân tức
tâm. Tâm tức xuân. Tươi tắn. Tròn đầy.
Đóa sen lành đã vươn mình phô sắc thắm, còn ngại chi nước
đọng với bùn tanh. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là kinh của Tri kiến Phật. Tri
kiến Phật là Tri kiến của chúng sanh đã giác ngộ. Chỉ hai chữ giác ngộ
mà "oan tình kết lại máu thành châu". Cho nên biết không thể lìa
chúng sanh mà có Phật, không thể lìa khổ vui mà có Niết-bàn tịnh lạc.
Kẻ chạy trốn trần gian để tìm Phật sẽà buồn chết.
Trưởng giả hắt vào mắt môi chàng cùng tử một hơi thở
hồi sinh, làm cho anh giật mình thoát kiếp điêu linh. Tôi thích đoạn kết
của câu chuyện có hậu. Chàng cùng tử cuối cùng giàu to không là điều
đáng nói. Với tôi, quý ở chỗ ông già đã lê lết tấm thân trong đất
bùn, tìm đủ mọi cách để vựt con trai dậy từ rác rưởi tanh hôi. Vào
đời phải là bậc thượng sĩ liễu tri như vậy mới được. Mắt sáng,
tim rung. Tâm Xuân rộn rã nhịp đập hải triều âm.
Có bao giờ chúng mình tự hỏi, ta cũng có quê hương mà
không dám nhận, có cha mà không dám nhìn ? Để một đời chìm đắm trong
hư sinh. Thôi, hãy gác qua chuyện đau lòng ấy đi. Sao ta không thử một lần
quày lại cố hương, quên hết mọi thứ trên đời. Lùi củ khoai trong bếp
lửa tro tàn, nhai nhỏm nhẻm cái mùi vị quê hương, chia bùi xẻ ngọt
chút ân tình. Lòng thanh thản nhẹ nhàng.
Xem thử Xuân này ta ở đâu ?