Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Xuân hoan hỷ
HT. Thích Trí Quảng

Kinh Pháp Hoa lấy pháp làm chủ đề và Kinh Hoa Nghiêm xem Phật là trọng tâm, từ đó chúng ta kết hợp 2 bộ Kinh này sẽ hội đủ Phật pháp. Theo tôi, đó là mô hình lý tưởng để chúng ta nương theo xây dựng cuộc sống tu hành. Trên bước đường thành đạo, sau nhiều năm thuyết giảng kinh Pháp Hoa, năm nay tôi khai giảng Kinh Hoa Nghiêm. Do nhân duyên hội ngộ, thi sĩ Trụ Vũ nghe pháp cảm nhận đuợc và đã đề tặng bài thơ mà tôi thấy có những lý tưởng liên hệ đến Kinh Hoa Nghiêm:

Vào tâm hoan hỉ địa
Thể hiện nụ cười thơ
Trí Quảng Thiên Sư độ
Ba ngàn giọt lệ khô

Bài thơ trên đến vào thời điểm tư tưởng Hoa Nghiêm đang được truyền bá, đã gợi cho tôi liên tưởng đến mùa xuân của hành giả thâm nhập pháp giới Hoa Nghiêm. Thật vậy, tụng Kinh Hoa Nghiêm, tôi cảm nhận sâu sắc trên lộ trình hành Bồ Tát đạo từ sơ phát tâm đến thành Vô Thượng Đẳng Giác, cứ mỗi chặng đường đi qua của Bồ Tát là một mùa xuân. Từng đóa hoa xuân nở theo bước chân hoằng hóa độ sanh của các Ngài hay nói khác, những đóa hoa lòng, những nguồn vui nối tiếp nhau trong cuộc sống thanh tịnh, giải thoát, vị tha của những hành giả đang tiến dần đến Tỳ Lô Giá Na lâu các trong Hoa Tạng thế giới.

Khởi đầu lộ trình Bồ Tát, theo Kinh Hoa Nghiêm, trước tiên hành giả nhận được nguồn vui phát xuất từ niềm tin chân thành hướng về Tam Bảo. Chính vì tầm quan trọng căn bản của niềm tin mà đức Phật đã khẳng định rằng: "Niềm tin là mẹ sanh ra tất cả công đức". Ở đây cần ghi nhận niềm tin không có nghĩa là mê tín hay cuồng tín vì cuồng tín và mê tín đều là trạng thái của những người thiếu suy nghĩ, không có trí tuệ, thường đưa đến hành động tội lỗi. Niềm tin theo kinh Hoa Nghiêm đặt trên căn bản tri tánh hay hiểu biết hướng về chân lý. Từ tận đáy lòng hành giả cảm thấy khao khát một cái gì vượt lên trên thực tại bình thường, cộng thêm nhân duyên căn lành giữa hành giả và Phật tạo thành một sự thu hút tình cảm khiến hành giả phải hướng tâm về Ngài và muốn làm được như Ngài. Khi tín tâm sanh ra từ thế giới Phật, tự nhiên tâm hành giả đổi khác nhiễm ô tự lắng đọng, chỉ còn niềm an lạc thanh thoát dâng tràn trong tâm. Tiếp nhận được sự thanh tịnh này, tầm nhìn cũng bắt đầu đổi khác. Hành giả không còn thấy bằng suy nghĩ tính toán của vọng thức nhưng thấy bằng trực giác hay bằng trực trí tuệ nên không thấy giống người thường nữa, một cái thấy mà Thiền sư thường nói: thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Bằng thức phân biệt, chúng ta chia ra núi sông nhưng đưa về lý tánh tuyệt đối thì không còn người, núi, sông. Hành giả thâm nhập thế giới Không, một loại hình thế giới của người đạt Bát Nhã ba la mật.

Duyên nào thế giới vô hình thuần lý đó lâu ngày nên tham vọng tình cảm, trần lao nghiệp chướng cũng tan biến theo, mọi vật trên cuộc đời không còn sức hấp dẫn nữa. Từ đây hành giả có một thế giới quan viên để sống, thế giới của lý tánh mà kinh Hoa Nghiêm gọi là Lý Pháp giải, tạo nên nguồn vui kỳ diệu, nguồn vui không còn lệ thuộc ngoại cảnh hay tha nhân, nguồn vui mãnh liệt khó mà giải bày cho người ngoại cuộc. Từ lẽ sống riêng tuyệt đẹp của thế giới này, hành giả nhìn ra cuộc đời thấy tất cả đều dễ thương, từ những hạt mưa rơi hay một nụ chồi non cho đến con sâu cái kiến đều chứa chan sức sống, giữa nó và hành giả như có mối liên hệ gắn bó hỗ tương. Vơ٩ tầm nhìn nhất quán theo Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật không còn giới hạn ở sanh thân loài người Thích Ca Mâu Ni. Ngài đã trở thành Tì Lô Giá Na Pháp Thân vô cùng tận có thể biến chiếu vào tất cả các loài hữu tình và vô tình, chẳng hạn như khi ngắm cảnh thanh bình, tâm bồ đề chúng ta được khơi dậy, Ngài Nhật Liên gọi là vô tình thuyết pháp. Hoặc nhìn đàn cá tung tăng trong dòng suối Giải Oan, chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng theo, nghe tiếng chim hót, lòng chúng ta chợt thanh thản, đó là cá chim thuyết pháp như trong Kinh Di Đà diễn tả. Dưới kiến giải của Hoa Nghiêm cá, chim, cây, cảnh đã làm cho hành giả phát tâm, nói khác là Tỳ Lô Giá Na Phật đã hiện thân trong các loài đó hay các loài đó đã tiếp nhận tác động của Tỳ Lô Giá Na Phật vì trên mặt pháp tánh tất cả đều đồng một thể. Ảnh hưởng của Tỳ Lôi Giá Na Phật vào sanh thân của loài người chúng ta cũng vậy, niềm tin chúng ta lớn thì Phật gia bị lớn, niềm tin nhỏ thì nhận sự gia bị nhỏ và không có niềm tin thì chẳng bao giờ thấy Phật. Phật tùy sát na tâm hiện và mất là Tỳ Lô Giá Na Phật không thấy bằng mắt nhưng chúng ta phát tâm thì Phật hiện , thối tâm thì Phật biến mất, cũng giống như dòng điện không nhìn thấy nhưng máy nổ thì biết có điện. Kinh Hoa Nghiêm chỉ cho chúng ta pháp thân Tỳ Lô Giá Na biến chiếu hay Đại Nhật Như Lai tất ví Phật như tia nắng mặt trời, tất cả loài hấp thụ ánh sáng mặt trời mà tồn tại, cũng vậy chúng ta tu hành phát tâm bồ đề là do tiếp thu Phật lực từ Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na. Trên lập trường Hoa Nghiêm phát tâm bồ đề nhìn ra cuộc đời đối với hành giả, sinh hoạt muôn màu muôn vẻ của tất cả các loài không có gì không phải là Phật, tất cả đang tuần tự tiến về Vô Thuợ Đẳng Giác. Từ kiến giải này, Tam Bảo của Hoa Nghiêm lấy tâm làm chính-Đức Phật dạy tâm chúng ta có thể sanh tất cả pháp giống như tất cả hoa màu đều sanh ra từ đất. Sanh từ tâm nên hành giả điều chỉnh mảnh đất tâm xong thì trồng pháp nào sẽ có pháp đó. Phát khởi lên niềm tin huớng về Tam Bảo, trong tâm hành giả đã có Tam Bảo hội nhập đầy đủ, tuy 3 nhưng thực là một, từ bản tâm thanh tịnh an vui hiện ra tướng giải thoát là Phật, từ bản tâm thanh tịnh an vui nên ngôn từ lưu xuất ra là pháp và tâm thanh tịnh an vui phát sinh ra mọi sự hòa hợp là Tăng.

Trụ tâm trong niềm tin ở Tỳ Lô Giá Na Phật, ở thế giới Phật, ở sự chung sống hài hòa hổ tương của muôn loài hành giả tận hưởng niềm vui thanh thoát. Tín tâm của hành giả từng bước phát triển từ sơ tín trải qua 10 cấp bậc khác nhau, giúp cho hành giả huân tập công đức cho đến thành tựu tín tâm kiên cố bất hoại của Thập tín là niềm tin vững chắc tuyệt đối không gì lay chuyển được như Ngài Anan bạch với Phật: "Dù hư không có mòn, nguyện của con cũng không bao giờ thay đổi".

Khi có nguồn vui nơi tín tâm, trụ được tâm, bất ngờ bắt đầu tiếp thu pháp Phật, lòng hành giả lại nở ra nguồn vui sống trong Pháp. An trụ chánh pháp, hành giả tự cảm thấy vui, một nguồn vui lặng lẽ thầm kín niềm an lạc phát triển lần trong tâm giúp cho hành giả vui trong thanh tịnh, hoàn toàn khác với thú vui theo động loạn bên ngoài của chúng sanh và cũng khác hẳn với người tụng ngàn bộ kinh mà vẫn không vui. Vui vì chạy theo vật chất bên ngoài thì càng vui họ càng mau cạn túi và lại càng phải khổ nhiều hơn. Vui lệ thuộc tha nhân hay vật chất thì có nó chúng ta vui, mất nó chúng ta khổ, nói chung bám vào thú vui trần tục để sống, ta không bao giờ thỏa mãn và đời đời ờ trong sanh tử. Ngược lại người tu hành cả ngồi yên càng vui, nói khác hành giả tiến sâu vào thiền định sống với pháp, hoàn toàn thanh tịnh vượt thức nhiểm, nhận được nguồn vui sâu xa vô tận của chính tâm hồn mình. Đặt tâm vào pháp Phật, say mê đọc tụng kinh điển theo dõi bước chân hành đạo của các Bồ Tát, Phật huệ phát sinh hành giả quan sát cuộc sống thấy được chân lý. Mỗi ngày như pháp tu hành, niềm vui lớn dần theo sự thấy biết mở rộng, bất ngờ chẳng còn gì trên đời này đáng cho hành giả quan tâm thậm chí đến ý niệm thời gian cũng trở thành vô nghĩa như Thiền sư Thuyền Lão nở nụ cười hàm tiếu, nhẹ nhàng khai ngộ cho vua Lý Thánh Tông:

"Đản tri kim nhựt nguyệt, thùy thức cựu xuân thu".

Hạnh phúc tuyệt diệu cảm nhận từ dòng Pháp lưu xuất không thể nào diễn tả cho người khác hiểu được:

"Mùi Thiền trong ấy nào ai biết"

Vâng, "múi Thiền trong ấy" là lực hấp dẫn, thu hút vua Trần Thái Tôn bất kể mạng sống, băng rừng trèo non lội suối lên Yên Tử an trụ trong cuộc sống tâm tưởng siêu đẳng quá đẹp, chẳng màng đến ngai vàng, bỏ nó như bỏ chiếc giày rách.

Từ thế giới hiện tượng, hành giả từng bước thoát ly cuộc đời, đi sâu vào Thiền quán để đến thế giới lý tánh tiếp nhận được niềm vui thấy Phật, vui sống Pháp tánh, vui trong Thiền. Và từ thế giới lý tánh mang theo cả nỗi niềm thanh thản an vui ấy trở lại cuộc đời hành đạo, đem tặng cho tha nhân nguồn vui của tri thức và giải thoát. Đó là pháp tu hồi hướng mà đức phật dạy các Bồ Tát. Về phần hồi hướng có 10 pháp nhưng chúng ta gom lại thành 3 tụ điểm chính.

Trước hết, hành giả tu hồi hướng pháp giới chúng sanh nghĩa là hồi hướng cho những người có thiện căn công đức, có nhân duyên vì chúng ta không thể làm được cho tất cả. Ở bước đầu giáo hoá chúng sanh, hành giả chỉ lo cho những người có cảm tình, hết lòng với mình, nuôi dưỡng tâm bồ đề họ vì tự biết những người nhiệt tình này có nhân duyên căn lành từ đời trước nên phải giáo dưỡng họ để làm nhân cho đời sau tiếp tục tu hành. Hồi hướng nhằm bảo toàn tốt số quyến thuộc nồng cốt xong, hành giả mở rộng vòng thứ 2, hồi hướng cho những người không thân không thù. Những người này nhận thấy quyến thuộc của ta tu có kết quả, thấy pháp tu của ta đúng nên hướng tâm về cầu học, bấy giờ ta mới nghĩ đến giúp đỡ họ. Ở giai đoạn 2, việc giáo hóa tương đối dễ hơn bước thứ nhất vì đã có thêm sức mạnh của quyến thuộc. Theo tôi, điều này chúng ta nên lưu tâm. Trên thực tế tôi thấy nhiều người không có quyến thuộc nhưng ham làm chuyện bao đồng nên thường thất bại chuốc lấy đau khổ. Chúng ta cần ghi nhớ trên bước đường tu hành, bản thân chúng ta phải thành tựu ở mức độ nào rồi mới dìu dắt quyến thuộc đi lên và quyến thuộc vững rồi, chúng ta mới mở rộng vòng đai cảm tình ra Pháp giới. Khi thành phần nòng cốt đủ mạnh và người khách quan cũng được nương nhờ phát triển, bấy giờ thành phần chống đối, ngoại đạo, kẻ ác không thể hại được ta, được như vậy ta mời thể hiện trọn vẹn hồi hướng pháp giới chúng sanh từ hẹp đến rộng.

Tuy nhiên, trong lúc tu hồi hướng cho chúng sanh, hành giả đã thực hành Pháp hồi hướng cho Vô Thượng Bồ Đề của chính mình. Thật vậy, hai pháp hồi hướng này tác động hỗ tương lẫn nhau. Nhờ tiếp cận giáo hóa chúng sanh hành giả mới có nhận thức đúng về loại hình chúng sanh trên cuộc đời biết được căn tánh hành nghiệp của chúng và hóa giải được thì phước đức trí tuệ của hành giả theo đây tăng trưởng, nuôi lớn Báo Thân, tiến gần đến phật quả. Vì vậy Kinh Hoa Nghiêm dạy quả Bồ Đề thuộc về chúng sanh, không có chúng sanh, Bồ Tát không thể thành tựu tâm Bồ đề, không thể thực hiện hạnh Bồ Tát. Đức Phật ví Bồ tát hành đạo không có chúng sanh giống như trồng cây trong hư không. Trong giai đoạn tu Thập Trụ, Thập Hạnh, không khác gì trồng cây trong hư không. Nay đến giai đoạn tu Thập Hồi Hướng phải đem cây trồng xuống đất. Đất chỉ cho chúng sanh, hành giả đem hạt giống bồ đề gieo vào mảnh đất tâm chúng sanh nhưng chúng sanh không có nghiệp và phiền não giống như đất không có phân và nước thì cây cũng không lên được. Từ đó, Bồ Tát hành đạo phải tiếp xúc với nghiệp và phiền não của chúng sanh. Chính 2 thứ này là đối tượng cho hành giả trắc nghiệm xem khi bị nghiệp hoặc, phiền não chúng sinh đổ trút lên, ta có bị mê đắm, ô nhiễm theo hay không. Va chạm thực tế phũ phàng mà hành giả vẫn bình thản, không khởi sân si là biết có Phật xuất hiện hay sen nở trong bùn. Trên tinh thần này, chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não là ân nhân của Bồ tát, từ đó nhận chân được mặc dù làm việc cho chúng sanh nhưng thực là phát triển trí khôn và đạo đức cho chính mình, giúp Bồ Tát mau thành Vô Thượng Đẳng Giác.

Tuy nhiên nếu chỉ giới hạn pháp tu hồi hướng trong phạm vi phát triển trí giác và xây dựng quyền thuộc để làm lợi ích cuộc đời, sẽ dẫn hành giả đạt đến địa vị của Chuyển Luân Thánh Vương mà thôi. Đối với Phật đạo, Pháp tu thứ 3 quan trọng hơn cả là Pháp hồi hướng Chơn Như Thật Tướng. Giai đoạn trước phải học mới giỏi, có giúp đời mới được kính trọng, nhưng đến đây Phật dạy hành giả nâng lên một nấc, phải xả bỏ tất cả chúng sanh và kinh nghiệm học hỏi, nói chung tất cả công đức tạo được đều phải xóa sạch. Có người nghĩ rằng tạo công đức không dễ nhưng tạo rồi lại bỏ thì thà đừng làm còn hơn. Tuy nhiên, đức Phật dạy mặc dù chúng ta xả bỏ nhưng không mất và nếu không xóa bỏ phước hữu lậu sẽ không thể nào có quả Bồ Đề. Ngài dạy bỏ bằng cách chuyển đổi pháp hữu lậu hữu vi thành pháp vô lậu vô vi vì số vốn phước đức trí tuệ vô lậu tích lũy luôn gắn liền với đời sống tâm linh, hành giả tái sanh nơi nào nó cũng đi theo và tạo đủ những điều kiện ưu việt. Từ trên pháp giới hay Chơn Như Thật Tướng trở về hiện thực, ở bất cứ thế giới nào, hành giả cũng an lành, sanh trong dòng dõi cao quý, có nhiều người thương mến và nhiều của cải, có sẵn hạt giống trí tuệ, nhờ đó hành giả dễ dàng hành Bồ Tát đạo và nhanh chóng đạt đến Phật quả. Trường hợp điển hình như Phật Thích Ca do tu hạnh Bồ Tát từ vô thỉ kiếp nên sanh ra làm Thái Tử, có hảo tướng, khỏe mạnh phi thường, bản chất thông minh vượt trội hơn người cùng vô số Thanh Văn Bồ Tát thị tùng hỗ trợ.

Thành tựu pháp tu hồi hướng mới bắt đầu đăng địa Bồ Tát và trong phần Thập Địa của Bồ tát, giai đoạn sơ địa còn gọi là Hoan Hỉ địa. Đứng ở vị trí Hoan Hỉ địa, bồ tát giáo hóa chúng sanh bằng niềm tin kiên cố và tâm hoan hỉ của người đã an trụ trong Phật pháp và đầy đủ công đức. Tiếp nhận tâm hoan hỉ hay nguồn vui thanh tịnh từ chơn tâm Bồ Tát thông qua chơn tâm của tha nhân niên họ nhìn thấy hình dáng, nghe được ngôn ngữ, âm thanh, biết việc làm của Bồ Tát đều phát tâm hoan hỉ thanh tịnh theo. Đó là cách giáo hóa nhẹ nhàng đúng pháp của Bồ Tát nên Ngài Kim Cang Tạng khuyên tất cả Bồ Tát sơ địa phải gắng gìn giữ tâm hoan hỉ cho kiên cố, không gì phá vỡ được, có như vậy mới tiếp tục vững bước dấn thân hành 4 pháp nhiếp và 6 pháp ba la mật.

Trước thềm năm mới, dõi theo bước chân Bồ Tát trong vườn Xuân đạo hạnh của Hoa Tạng thế giới, tôi cầu nguyện cho Tăng Ni Phật Tử tiếp nhận được tâm hoan hỉ và đời đời kiếp kiếp gìn giữ tâm này vững chắc để chúng ta mãi mãi an trú trong niềm vui thấy Phật, vui sống trong pháp và vui làm lợi ích chúng sanh.

Nam Mô Thường Hoan Hỉ Bồ Tát Ma Ha Tát


http://www.buddhismtoday.com/viet/xuan/010-hoanhy.htm

 


Cập nhật: 21-1-2001

Trở về mục "Xuân"

Đầu trang