Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

Sáu Tên Giặc
Minh Thắng


Xuân Di-Lặc biểu hiệu một mùa hoan hỷ. Hoan hỷ, không phải là vui mừng chốc lát, mà là niềm hân hoan vô biên, trải khắp mọi người, mọi loài. Xuân, không những là sự bừng dậy của thời tiết tuần hoàn, mà còn là sự đổi mới của người trên đường tỉnh giác, sự chuyển hóa tâm thức trong nỗ lực tu học. Hơn nữa, Phật tử đều vui mừng vì tin rằng thế giới đảo điên này còn có lối thoát. Hãy nghe lời tụng: "Nam-mô Đương-lai Hạ-sanh Di-Lặc Tôn Phật."

Di-Lặc phiên âm từ tiếng Phạn Maitreya, gồm các nghĩa: hoan hỷ, bao dung, tương thân tương ái. Tên hiệu của ngài là Từ Tôn, tức là Bậc Tu Tâm Đại Từ. Có tới 6 quyển kinh ghi lời Phật Thích-Ca giảng về những điều liên quan đến đức Di-Lặc. Kinh Di-Lặc, phẩm Thượng Sanh, cho biết ngài là một đệ tử của Phật sau khi đã tu hạnh Bồ-tát qua hàng trăm triệu kiếp. Khi Phật Thích-Ca thọ ký cho đức Di-Lặc làm Phật ở cõi sa-bà trong tương lai, ngài dạy rằng đức Di-Lặc sẽ sinh vào cõi trời Đâu-Xuất để tu tập cho đắc quả và sẽ trở lại thế giới này để giáo hóa chúng sanh.

Tại Bồ-đề Đạo-tràng ở Ấn-Độ, nơi Phật Thích-Ca thành đạo, các vị cao tăng đang xúc tiến "Maitreya Project" rất quy mô, nhằm thực hiện một khuôn viên tu học có tầm vóc quốc tế và hướng về tương lai nhân quần. Ở giữa khuôn viên là tượng Phật Di-Lặc ngồi, cao 150 mét (500 bộ Anh), tay phải bắt ấn, tay trái đưa ra đón như Phật A-Di-Đà. Tượng được tạc bằng những kỹ thuật và chất liệu tinh xảo nhất để có thể tồn tại trong 1000 năm, tổng hợp nhiều tài năng thế giới về mỹ thuật, điêu khắc, vi tính mô hình, cơ khí, kiến trúc, và địa chất. Coi www.maitreyaproject.org để biết thêm chi tiết.

Theo truyền thống Á Đông, hình tượng Di-Lặc là một vị Bồ-tát ăn mặc xuề xoà, ngồi phệt dưới đất, mập mạp, bụng phệ, gương mặt hiền hậu dễ dãi, và đặc biệt là miệng cười thật rộng, cười hả hê, cười hết mình, nhìn thẳng người đối diện như muốn trao hết niềm vui cho người ấy. Điểm này khác với vẻ mặt trang nghiêm, nụ cười nhẹ nhàng, và đôi mắt trầm tư của các vị Phật và Bồ-tát khác. Lại nữa, có những tượng, chúng ta thấy sáu đứa trẻ bám trên thân ngài. Đứa móc mắt, đứa bóp mũi, đứa rờ miệng, đứa nhéo tai, đứa gãi rún, đứa leo lên đầu, mà ngài vẫn thản nhiên. Nhìn sâu hơn, chúng ta hiểu rằng tượng Di-Lặc tóm gọn những lời dạy thường xuyên của Phật, nhắc nhở chúng ta xây dựng cuộc sống an bình.

Sáu đứa trẻ nghịch ngợm trên thân ngài Di-Lặc tượng trưng cho "sáu tên giặc" chuyên gây phiền lụy. Vì chúng ta thiếu khả năng thanh trừng sáu tên giặc này, bấy lâu nay bị chúng tung hỏa mù đánh lạc hướng, chúng ta tiếp tục làm khổ bản thân và những người chung quanh.

Phật dạy rằng con người có sáu căn, tức là sáu bộ phận cảm nhận (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý); tương ứng với sáu căn là sáu trần, tức là sáu loại kích thích từ bên ngoài (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp); sáu căn tiếp nhận sáu trần tương ứng, tạo nên sáu thức (nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức).

Với mắt, ta thấy hình ảnh, rồi khởi lòng tham ái hoặc ghét bỏ. Với tai, ta nghe âm thanh, rồi khởi lòng ưa thích hoặc chán nản. Với mũi, ta ngửi mùi, rồi khởi lòng ham muốn hoặc bực dọc. Với lưỡi, ta nếm vị, rồi khởi lòng thỏa mãn hoặc khó chịu. Rồi đến các ý tưởng không ngừng – chúng ta luôn bận óc để tính kế, bày mưu, tìm lời tranh cãi, phần lớn cũng chỉ là khen mình, chê người mà thôi. Nói chung, đối với các dữ kiện cảm nhận, chúng ta đều khởi tâm phân biệt, rồi đưa tới bất an: muốn mà không được cũng khổ, được mà không đúng như ý cũng khổ! Nhẹ thì nhức đầu, đau tim. Nặng thì đưa đến cãi vã, tranh chấp, chém giết, chiến tranh. Như thế, sáu tên giặc nguy hiểm đã, đang, và sẽ đẩy chúng ta luẩn quẩn trong vòng luân hồi sanh tử. Vì không biết chế ngự chúng, nên chúng ta tạo biết bao ác nghiệp.

Khi Phật còn tại thế, có một người tìm đến cầu học, hai tay cầm hai bó hoa lớn để cúng dường. Khi thấy người ấy, Phật bảo "Buông!" Ông ta buông tay trái, bó hoa rớt xuống đất. Phật lại bảo "Buông!" Ông ta buông tay phải, bó hoa kia cũng rớt xuống đất. Phật lại bảo "Buông!" Ông ta ngơ ngác, thưa: "Bạch Thế Tôn, con đã buông cả hai tay rồi. Còn gì nữa đâu mà buông?" Phật dạy: "Như Lai bảo ông buông lần thứ nhất là dạy ông buông sáu căn, lần thứ hai là dạy ông buông sáu trần, lần thứ ba là dạy ông buông sáu thức. Khi căn, trần, thức không còn vướng mắc thì tất cả 18 giới sẽ không tạo ra, lúc ấy ông được giải thoát."

Trong kinh Tăng Chi Bộ, Phật dạy trực tiếp: "Các thầy phải tu sáu pháp vô-thượng. Những gì là sáu?

Mắt thấy sắc, không ưa thích, ghét bỏ; trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Tai nghe tiếng, không ưa thích, ghét bỏ; trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Mũi ngửi mùi, không ưa thích, ghét bỏ; trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Lưỡi nếm vị, không ưa thích, ghét bỏ; trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Thân chạm xúc, không ưa thích, ghét bỏ; trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Ý đối với mọi việc, không ưa thích, ghét bỏ; trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.

Ai đạt được sáu pháp này là bậc vô-thượng, xứng đáng cho trời, người tôn trọng, cung kính, cúng dường."

Phật lại dùng biển làm thí dụ. Trong kinh Tương Ưng Bộ, ngài dạy: "Bậc thánh thấy mắt là biển, sắc trần là sóng; tai là biển, thanh trần là sóng; mũi là biển, hương trần là sóng; sáu căn là biển, sáu trần là sóng. Nếu ai kham nhẫn nổi những đợt sóng vùi dập của sáu trần – sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp – thì người ấy ắt qua được biển lớn, tức là sang được tới bờ giải thoát sanh tử." Chúng ta thấy chìa khoá mở cửa giải thoát nằm ngay trong tay. Khi tiếp xúc với sáu trần mà không bị chao đảo, thì con thuyền trí tuệ của chúng ta đủ vững để hướng thẳng tới bờ giải thoát.

Vì thế, trong kinh Thủ-Lăng-Nghiêm, Phật khẳng định: "Khiến cho luân hồi sanh tử là do sáu căn. Đạt tới an lạc giải thoát cũng từ sáu căn mà được."

Phật lại dạy: "Bốn tâm vô-lượng của Bồ-tát là cội gốc cho tất cả các hạnh lành." Bốn tâm vô-lượng là từ, bi, hỷ, xả. Đức Di-Lặc biểu hiện tâm hỷ xả. Thực ra, hỷ xả đi kèm với từ bi, vì có thương yêu ta mới biết tha thứ, có hạnh phúc ta mới có cái để chia xẻ với người khác. Thực hành xả là quán vô-ngã, đưa tới hết kiêu mạn. Nhờ thế, chúng ta sẵn sàng lắng tai nghe, mở rộng tâm trí để tiếp nhận ý kiến người khác một cách hài hoà. Tiến xa hơn, chúng ta không chấp trước hình thức, danh từ, ước lệ nữa – chúng ta xả hết. Tất cả chỉ là phương tiện tạm thời, cũng như cái bè cần để sang sông nhưng cái bè không phải là bờ bên kia. Như vậy, chúng ta thực hành lời dạy của kinh Kim-Cang. Khi xưa, Lục-tổ Huệ-Năng đã chứng ngộ khi nghe đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm." Sáu trần chính là nguyên do làm tâm chạy lăng xăng: mắt thấy sắc, tâm chạy theo sắc, là tâm động; mắt thấy sắc, tâm không chạy theo sắc, là tâm an. Muốn hàng phục tâm, đừng vướng mắc vào sáu trần, tức là buông xả mọi vọng tưởng. Khi hết vọng tưởng, thì an trụ được tâm.

Sau mỗi khoá lễ, chúng ta thường tụng Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh, mở đầu bằng câu: "Khi Bồ-tát Quán-Thế-Âm thực hành sâu xa trí-tuệ bát-nhã, ngài nhận thấy năm uẩn đều không, nên ngài vượt qua hết các khổ nạn." Năm uẩn là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thọ là cảm nhận qua các giác quan. Thí dụ, khi người kia cất tiếng nói, nhĩ căn tiếp xúc với thanh trần khiến ta nghe thấy họ nói. Nhưng, khi người ta chưa mở miệng phát âm, cái nhận-ra-tiếng-nói ấy không thể có. Cái nhận-ra-tiếng-nói tự nó không có, mà do duyên hợp của trần và căn. Vì là duyên hợp, nên cái cảm nhận không có thật, chỉ là cấu trúc chủ quan. Chúng ta thường cố chấp, nhận giả làm thật, rồi khởi tâm phân biệt. Phật bảo đó là ngu si. Người có trí tuệ, quán thấy thọ-uẩn là vô-ngã, nên không lệ thuộc vào nó, không bị nó chi phối, tức là an nhiên tự tại, vượt qua được mọi khổ nạn.

Trong kinh Thủ-Lăng-Nghiêm, khi Phật Thích-Ca hỏi các bậc đại Bồ-tát về cách tu chứng, ngài Đại-Thế-Chí nói: "Nếu chúng sinh thành tâm tưởng nhớ về Phật, thì hiện nay hay về sau, nhất định thấy Phật. Khi cách Phật không xa, thì không cần phương tiện, tâm sẽ tự được khai ngộ. Bản thân con đã dùng pháp niệm Phật mà chứng được cảnh giới vô sinh. Nay ở cõi này, con nguyện tiếp dẫn những người niệm Phật về cõi Tịnh-độ. Phật hỏi về viên thông, con xin thưa là con thu nhiếp tất cả sáu căn bằng cách niệm Phật liên tục để đạt tới chánh định."

Thêm nữa, trong kinh Phật Thuyết A-Di-Đà, Phật dạy: "Nếu ai trì niệm danh hiệu A-Di-Đà một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, cho đến bảy ngày, nhất tâm không loạn, thì khi thọ chung, người ấy sẽ được Phật A-Di-Đà cùng các thánh đưa sang cõi Cực-lạc." Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, Phật còn khuyên: "Ai nhiều giận hờn, thường cung kính niệm Bồ-tát Quán-Thế-Âm, liền khỏi được sân hận." Khi tâm chúng ta chỉ toàn là niệm về Phật và Bồ-tát, không còn các tạp niệm lẫn vào, thì quả là nhất tâm không loạn. Lúc ấy, sáu tên giặc hết lộng hành, và chúng ta an nhiên tự tại.

Tóm lại, chúng ta nhận thấy lời Phật dạy về sáu căn hiện diện khắp nơi, từ các bộ kinh Nam-truyền cho đến các kinh chính của Đại-thừa. Những giáo pháp phương tiện của Phật thu về một mối: Sáu căn là mấu chốt tu tập, chế ngự sáu tên giặc là điều kiện giải thoát. Phật tử chúng ta hãy ứng dụng điều này trong đời sống hàng ngày.

http://www.buddhismtoday.com/viet/xuan/012-sautengiac.htm

 


Cập nhật: 1-3-2001

Trở về mục "Xuân"

Đầu trang