- XUÂN
THA HƯƠNG
- Minh
Phước
Bán xong tấm vé số cuối cùng, nó
cẩn thận vuốt lại những tờ giấy bạc cong queo rồi chạy tạt vào chợ
ngắm nghía. Kỳ kèo mãi nó mới mua được ba bộ đồ trẻ em và một ít
bánh mứt. Xong xuôi, nó quày quả thẳng vào Xa cảng miền Tây, lên xe về
Đồng Tháp. Chiếc xe già nua rùng mình rời bến muộn màng vào một giờ
chiều ba mươi tết.
Từng cơn gió lùa vào vờn lên mặt
nó. Cái cảm giác lành lạnh ấy càng khiến cho nó nôn nao hơn về không
khí đầm ấm của gia đình.Lúc này, trong trí nó lại tưởng vẽ ra cảnh
mẹ đang loay hoay thêm củi vào nồi bánh; cha chưng dọn lại hoa trái; còn
mấy đứa em thay nhau chạy ra đầu ngõ, nhón chân mong ngóng anh hai ở trên
trển mang quà về cho mấy đứa em thơ.
Nó nghĩ phải làm gì để tạo ra sự
bất ngờ. Phải rồi! Mình sẽ đi vòng ngõ sau và đợi đến khi vào tận
nhà mới lên tiếng. Chứ không như những lần trước, mình đã kêu vang từ
hi còn ngoài đầu ngõ.
Lòng lại thầm cười, tán thưởng
với mình về ý định vui vui đó.
Khi xe đến ngã ba An Hữu, có xe
khách khác vượt lên ép xe nó phải tấp sát vào lề. Hành khách trên xe chới
với. Nó giật mình thét lên : Má ơi!
Chợt có bàn tay ai đó lay lay nó với
giọng ngái ngủ:
-Mơ thấy khỉ gì mà lảm nhảm má
ơi má hỡi? Để người ta ngủ chút coi.
Thì ra nó đang nằm mơ. Oâi! Giấc
mơ mới tuyệt làm sao. Càng nhớ nó càng tiếc hùi hụi và thầm trách: “Cha
tài xế lái ẩu quá trời!”.
Thôi thì mình cố dỗ giấc ngủ,
biết đâu chừng lại mơ thấy đến nhà. Ngủ đi! Ngủ đi! Nó cố dỗ
dành mà không sao chợp mắt được. Bao nhiêu dòng kí ức cuộn chảy về.
Ngày ấy, cứ mỗi lần sắp Tết,
nó cứ đếm đi đếm lại từng ngày. Trong lòng cứ mong sao cho mau đến Tết
để được mặc bộ đồ còn thơm mùi vải mới, để được vui đùa thỏa
thích, để được những bao lì xì đo đỏ…
Trước khi chuẩn bị đón giao thừa,
nó chạy ra lu múc nước rửa mặt rồi đến nằm bên cạnh mẹ đang ngồi
đun nồi bánh tét sôi sùng sục, để được nghe mẹ kể về sự tích
Bánh Chưng Bánh Dày. Nó lắng nghe say sưa và ngủ thiếp đi lúc nào không
hay cho đến khi mẹ đánh thức dậy.
Nó mỉm cười như tự phân bua với
mình: Con nít mà! Ai hổng vậy.
Lặng lẽ rời khỏi chỗ nằm, nó
kéo nhẹ tấm chăn đắp lại cho mấy đứa bạn đang nằm co như tôm luộc,
trong lòng trào dâng nỗi niềm chua xót, thương cảm. Tuy mỡi đứa mỗi quê,
nhưng gần giống nhau ve hoàn cảnh sống đời tha phương, đón xuân nơi đất
khách quê người. Ờ, mà nói đón xuân cho xôm thôi chứ có đón có đợi
gì đâu. Mới bảnh mắt ra là đã vội vã đi bán đến chiều rồi!
Trời đêm nay khi không mà trở lạnh
hơn, khiến cho hai hàm răng cứ “oánh nhau hoài”. Nó đến ngồi trên băng
đá, khoác thêm lên người chiếc áo mong manh. Công viên giờ đây vắng
tanh, thỉnh thoảng mới có vài tiếng xào xạc của mấy chiếc lá cuối
cùng rơi xuống tiễn biệt hơi đông còn muộn màng luyến tiếc. Đường
phố giờ đây thưa dần bóng người qua lại. Có lẽ lúc này ai nấy cũng
quây quần bên nhau để chuẩn bị chào đón
giây phút thiêng liêng. Có cái gì đó chợt nhen nhúm, cựa quậy,
len nhẹ , nghèn ngẹn dâng lên rồi vỡ òa trong nó. Trời ơi! Nó thèm được
hơ hai bàn tay vào bếp lửa hồng bập bùng tí tách; thèm được đứng cạnh
ba mẹ lạy tổ tiên trong khung cảnh trang nghiêm đầm ấm. Nó thèm…
Dù nhớ nhà lắm, nhớ đến đau lòng.
Nhưng nó cố dằn, cố nén ở lại. Tết này nó tự nhủ phải đi xa hơn,
phải “cày” nhiều hơn nữa. Có như vậy mới mong gom góp được nhiều
tiền gởi về quê. Năm nay lũ về sớm nhanh lắm. Vườn ruộng xanh tươi
giờ đây mênh mông biển nước. Quê hương đã nghèo, giờ lại càng thêm
xác xơ. Hôm xem truyền hình, số người chết ở quê toàn là em nhỏ, trong
lòng nó cứ thấp tha thấp thỏm.
Nó quay lại dõi mắt nhìn vì sao sáng đang nhấp nháy hướng
quê hương rồi chấp tay lâm râm khấn nguyện lời cầu đầu năm cho miền
quê ấy xuân đến yên bình.