Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Giải thích câu:
“Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”
trong Kinh Kim Cang
Minh Hồng hỏi; Thích Giác Hoàng trả lời

Thưa Thầy,

Xin Thầy giải thích câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong Kinh Kim Cang.

Xin cảm ơn Thầy.

Phật tử Minh Hồng.

***

Xin chào Phật tử Minh Hồng,

Chắc Phật tử đã biết, Kinh Kim Cang là một trong những bộ Kinh trọng yếu của Phật giáo Đại thừa. Có lẽ vì bộ kinh này cô đọng, hàm súc tinh hoa lời Phật dạy, nên trong lịch sử khắc kinh trên đá và lịch sử khắc kinh trên gỗ của Trung Hoa, bộ kinh này được giới các bậc cao đức và giới nghệ nhân đặt lên vị trí hàng đầu. Tại vách núi Thái Sơn (một ngọn núi cao lớn nhất nhì Trung Hoa) có điêu khắc 2.799 chữ phủ kín trên 2.064 m2. Hình đức Phật điêu khắc đầu tiên cũng được tìm thấy trong bản Kinh Kim Cang khắc bằng gỗ trước tiên của Trung Hoa thuộc niên hiệu Đường Hàm Thông thứ 9 (868).

Trong thời Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (602-675), Kinh Kim Cang đã phổ biến khá rộng rãi trong giới học Phật, ngay cả trong giới cư sĩ. Chính nhờ Kinh này, một Bồ-tát tiều phu ở Lĩnh Nam đã đến với đạo Phật và trở thành bậc Tổ Sư Long Tượng siêu việt nhất trong lịch sử Thiền tông Trung Hoa, đó là Lục Tổ Huệ Năng.

Khi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn thấy nhân duyên truyền tâm ấn cho Huệ Năng đã đến, Ngài bèn mật hiệu cho Huệ Năng vào thất  rồi giảng Kinh Kim Cang cho. Đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”,  Đại Sư  Huệ Năng liền hoát nhiên đại ngộ. 

Nguyên văn đoạn kinh bằng Hán văn như sau:

  "Phật cáo Tu-bồ-đề: Ư  ý vân hà? Như Lai tích tại Nhiên Đăng Phật sở ư pháp hữu sở đắc phủ?

- Phất dã Thế Tôn! Như Lai tại Nhiên Đăng Phật sở, ư pháp thật vô sở đắc.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Bồ-tát trang nghiêm Phật độ phủ?

- Phất dã, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm.

Thị cố Tu-bồ-đề, chư Bồ-tát Ma-ha tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm"

Nghĩa là:

Phật hỏi Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao? Như Lai thuở xưa ở chỗ đức Phật Nhiên Đăng, đối với pháp, có sở đắc chăng?

- Bạch Thế Tôn, không phải vậy! Như Lai ở nơi đức Phật Nhiên Đăng, đối với pháp, thật không có sở đắc.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Bồ-tát trang nghiêm cõi Phật chăng?

- Bạch Thế Tôn, không phải vậy! Vì cớ sao? Trang nghiêm cõi Phật tức không phải trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm.

- Thế nên Tu-bồ-đề, các Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia.

 (Bản dịch của HT. Thanh Từ).

Kinh Kim Cương này được Hoà Thượng Trí Quang dịch giải, đoạn kinh văn đó được dịch như sau:

"Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
phải chăng Bồ tát
trang hoàng cõi Phật?
Không, bạch Thế tôn;
lý do là vì
trang hoàng cõi Phật,
sự trang hoàng ấy
Thế tôn đã nói
là phi trang hoàng,
thế nên Ngài nói
đó là trang hoàng.
Do vậy, trưởng lão,
Bồ tát đại sĩ
hãy sinh cái tâm
trong sạch như vầy:
không ở nơi sắc
mà sinh tâm ra,
không ở nơi thanh,
hương, vị, xúc, pháp,
mà sinh tâm ra;
hãy đừng ở vào
bất cứ chỗ nào
mà sinh tâm ra."
(Từ câu 403-426)

Như quý Phật tử thấy, Lục Tổ Huệ Năng chỉ nghe đến câu "ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" này mà Ngài đại ngộ. Nói theo ngôn ngữ của các Thiền sư thì quả là:

“Nhất đao triệt đoạn,
Nhất cú liễu nhiên sanh bách ức”

(Dịch ý: Chỉ cần một đao là cắt đứt sạch bòng bong mọi thứ trêm đời, chỉ một câu tỏ ngộ thì thoát vòng sanh tử trầm luân). .

Đại ý  câu Kinh thấy cũng đơn giản! Thế mà người viết mấy dòng chữ này đọc đi đọc lại và cũng có nghe quý Hoà Thượng giảng giải, mà không có lối vào như Tổ ngày xưa. Thế rồi, người  viết phải đọc lại các sách giảng giải cũng chẳng hiểu được đại ý câu này một cách thông suốt. Giả như có người đột nhiên hỏi thế nào là đại ý của "ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" theo  cách các Thiền Sư khán thoại đầu hay công án  thuở xưa, người viết thành thật không biết ngỏ trả lời.

Thế là lại một lần nữa tò mò, đọc lại bản dịch tiếng Anh, đọc xong cũng thấy tâm trí  mình như vậy, chẳng ngộ hơn gì cả. Tiện thể, ghi luôn đoạn dịch tiếng Anh nơi đây để Phật tử tham khảo thêm.

"This is why, Subhuti, that bodhisattva-mahasattvas should thusly give rise to the purified mind. They should not dwell in forms when giving rise to that mind; they should not dwell in sounds, odors, tastes, sensations, or dharmas when giving rise to that mind. They should dwell nowhere while giving rise to their thoughts." (Ấn bản internet The Diamond Sutra của Charles Patton)

Theo người viết, câu "ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" nên dịch thoát là: Đừng để tâm trong sạch vướng kẹt nơi nào thì rõ nghĩa hơn. Nếu dịch sát theo mạch văn: nên không có chỗ trụ mà sanh tâm thanh tịnh, thật rất khó hiểu.

Nếu hiểu theo cách giải thích dựa trên chữ nghĩa thì người viết xin trình bày như sau: Câu "ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" là câu kết luận của đoạn kinh đức Phật dạy các hàng đại Bồ-tát chớ  để lục căn dính mắc vào sắc thanh hương vị xúc pháp. Chính nhờ không dính mắc của lục căn với lục trần, mà các chúng sanh mới có thể thoát khỏi lưới trần. Cho nên một hành giả muốn thoát ly sanh tử thì phải đừng để cho lục căn dính mắc vào trong 6 trần. Đơn giản vậy thôi!

Lại có người hỏi: Nếu không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp làm sao có tâm? Vì các trạng thái tâm sở dĩ có mặt là do căn tiếp xúc với trần ? Đúng vậy! Các trạng thái tâm, thiện hay bất thiện phần lớn đều phải nhờ duyên trần cảnh mà phát sinh. Ngay cả tâm đại bi thương xót các loài hữu tình cũng do thấy chúng sanh đau khổ mà phát tâm. Nói một cách tổng quát, tâm phát sinh do 6 căn tiếp xúc với 6 trần. Sáu căn đó là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu trần là sáu đối tượng của 6 căn, đó là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp trần. Nói như vậy, theo quan điểm của Phật giáo Đại Thừa cũng chỉ là gượng nói, vì các nhà Đại Thừa cho rằng 6 căn tiếp xúc 6 trần sanh ra 6  sự phân biệt, gọi là 6 thức, chứ không phải là tâm. Người viết lại nhớ đến câu chuyện đức Phật gạn hỏi tôn giả A-nan 7 lần trong Kinh Lăng Nghiên về tâm.

Tuy nhiên, hiểu một cách đơn giản đoạn Kinh đó thì như vầy,  đức Phật dạy các hàng Bồ-tát không nên bị vướng kẹt trong các trần  dù là ở trong trần.  Thông thường, tâm của hàng phàm phu thường bị các ngoại trần chi phối. Do đó, đức Phật nói Kinh Kim Cang  nói cho các đại Bồ-tát, nhưng thực ra là cảnh tỉnh cho hàng phàm phu. Vì đã là Bồ-tát rồi thì đâu cần cảnh tỉnh gì nữa, Kinh này mượn hình ảnh tôn giả Tu-bồ-đề để nhắc nhở chúng ta thôi.

Như chúng ta thấy, chư Phật Thế Tôn và các vị đại đệ tử của Ngài vẫn ở trong trần mà không bị chi phối bởi trần. Vẫn thấy sắc, nghe thanh, ngửi mùi, nếm vị, thân xúc chạm và ý suy tưởng các pháp nhưng không bị các sắc, thanh, hương, vị, pháp chi phối, mà ngược lại dẫn tâm, hướng tâm theo đề mục của mình, tự tại du hí trong đó. Theo cách hiểu của người viết, đó  đã đạt được "ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" rồi vậy.

 Lại nữa, chúng ta có thể hiểu một cách tổng quát một cách khác về nguyên đoạn này là đức Phật dạy các hàng đại Bồ-tát nên tu tập tâm xả một cách rốt ráo, không kẹt vào  bất cứ đối tượng nào, dầu đó là quả vị giác ngộ tối thượng.

 Như quý Phật tử thấy, đại ý tổng quát Kinh Kim Cang, đức Phật dạy các hàng đại Bồ-tát hàng phải  phục tâm và an trụ tâm. Một trong những phương pháp hữu hiệu để đạt đến trình độ đó là phải đạt đến trạng thái xả ly, không vướng còn mắc trong các thành tựu, ngay cả Phật quả. Trong Kinh nầy đức Phật đã dùng lối phủ định của phủ định để đánh đổ một lần nữa cái mà mình vừa mới phủ định. Ví dụ, đoạn trên nói "Trang nghiêm cõi Phật tức không phải trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm." Cho nên toàn bộ Kinh nầy đều dùng một công thức "phủ định của phủ định" để đập đổ "cái tôi", "của tôi" và "cái thấy về cái tôi đó" của các hành giả. Nhờ đánh đổ các tâm niệm quy kết về bản ngã mà các hàng Bồ-tát mới hàng phục được tâm và an trụ tâm. Theo người viết, đó  cũng là điểm then chốt của Kinh nầy.

Vì tầm ảnh hưởng của nó sâu rộng trong mọi tầng lớp, nên tại Trung Hoa  và Việt Nam có nhiều bản dịch và sớ giải của nhiều vị danh tăng. Đạo Phật Ngày Nay có đăng tải  hai tác phẩm dịch và giảng giải của hai vị Hoà Thượng đạo cao đức trọng ở VN, đó là ấn bản Kinh Kim Giảng Giải của Thiền sư Thích Thanh Từ và bản  thứ hai Kinh Kim Cang  dịch và giải của HT. Thích Trí Quang.

Ngoài ra, nếu Phật tử có các bản như KIM CANG: Gươm Báu Chặt Đứt Phiền Não của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, các băng giảng và những tác phẩm của Pháp sư Thích Từ Thông đều có thể giúp cho hành giả hiểu thêm nghĩa lý nội dung của câu Kinh và toàn thể Kinh này.

Đây chỉ là bài viết mang tính gợi ý, mong cư sĩ tự tìm đọc sách để tự khai ngộ cho mình, và thân cận các bậc thiện tri thức khác để học hỏi thêm về diệu lý của Kinh. Các bậc thầy, các thiện hữu tri thức có kiến giải cao minh để giải nghĩa rốt ráo hơn, xin đóng góp cho ĐPNN, người viết xin thọ học và chân thành cảm ơn.

     Cầu chúc Phật tử Minh Hồng luôn tăng trưởng đạo tâm và trí tuệ, sống trong trần mà không nhiễm trần như trong Kinh đã chỉ dạy.

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/ungvosotru.htm

 


Vào mạng: 15-12-2001

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang