Chẳng ai hiểu vì sao bờ sông ấy lại có cái tên là Bến Sông Mê. Các cụ
già trong làng bảo người ta đã gọi như thế từ thuở xa xưa lắm rồi. Mỗi
cái tên đều gắn liền với sự kiện cùng ý nghĩa về sự tồn tại của nó. Con
sông và cái bến cũng đâu thoát khỏi quy luật bất thành văn đó. Tên này
chẳng có trên văn bản pháp lý, vậy mà vẫn tồn
tại đi qua cùng thời gian năm tháng.
Đã là sông mê, nên nó quy tụ mọi thứ ô hợp tạp nhiễm từ trên trời dưới
đất. Cư dân ở dọc theo bờ sông, sống bằng nghề trục vớt tất cả những gì
có từ dưới lòng sông rồi quăng xuống đó các loại phế thải từ phân rác
đến xác súc vật, góp phần làm cho con sông trở nên tanh hôi vẩn đục và
nghẽn tắc mọi dòng chảy. Đời sống nghèo khó cơ cực lại xô bồ phức tạp
nên cũng phát sanh lắm hủ tục. Người ta ăn đó thải đó. Hít thở cả bầu
không khí xú uế, nên sử dụng ngôn từ cũng không lấy gì làm văn hoa mỹ
cảm. Những tấm thân vàng vọt xanh xao cùng ánh mắt lúc nào cũng ngơ ngơ
ngáo ngáo. Cho dù họ có nhìn bầu trời trong xanh bay ngang tầm mắt thì
cũng đồng dạng như nhìn đám bùn lầy cô quạnh đen thâm dưới mặt nước.
Sự đời có xấu ắt phải có tốt, có bến đục thì cũng phải có dòng trong để
tạo nên thế cân bằng đối đãi theo lẽ tương quan sanh diệt. Ở bên kia
sông, đối diện với bến mê, dòng nước bỗng trở nên trong lành văn vắt
nhìn suốt tận đáy. Con nước nơi ấy lúc nào cũng chảy xuôi, không một gợn
bùn, không một cọng rác. Trên bờ sạch bóng, lại có cả thảm cỏ cây xanh
bóng mát. Người ta dạo chơi trên đó để ngắm dòng sông và tận hưởng làn
gió mát dịu êm giữa chốn phồn hoa đô hội. Nơi đây được mệnh danh là bờ
Thanh Lương. Thật chẳng còn tên gọi nào hay và có ý nghĩa hơn. Dân cư
sống yên bình sung túc với đủ mọi ngành nghề, từ công chức nhà nước cấp
cao, cho đến thương nhân, giáo viên, thầy thợ cùng những người buôn bán
nhỏ. Họ sống hài hòa và luôn ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường chung.
Lại nói về bến sông mê. Vì ở đây có vô vàn điều đáng nói. Và dù sống ở
tận cùng đáy xã hội, con người ta vẫn nung nấu bao điều tốt đẹp để vươn
lên. Bởi lẽ trong sâu xa ý thức của mỗi người vẫn luôn tiềm ẩn mọi điều
chơn thiện mỹ. Ngày ngày bám trụ cùng bùn lầy, họ huân nhiễm mọi thói hư
tật xấu. Chỉ vì tìm cầu cho có miếng ăn, họ phải vất vả nhặt nhạnh những
thứ mà người khác bỏ đi, để đem đổi lấy mấy đồng tiền ít ỏi. Sáng chiều
cuộc đời cứ trôi qua như thế. Mà họ có dám nghĩ đến điều gì tốt đẹp hơn.
Dù có nghĩ thì điều đó cũng khó mà xảy đến với những con người cứ sinh
tồn vất vưởng mãi nơi bến sông mê muội này.
Một buổi sáng không biết từ đâu xuất hiện một thầy tu áo vải chân đất đi
dọc theo bờ sông. Thầy hết ngắm mặt nước đen thâm lại nhìn vào đám người
mình trần da xám đang chen chúc lẫn trong bùn nhơ để mò cua bắt ốc. Một
vài đôi mắt ngước lên nhìn thầy với vẻ xấc xược pha chút tò mò gay gắt.
Họ không quen thấy người xa lạ nhàn du tản bộ và xoáy vào họ bằng cặp
mắt thương hại như thế. Hơn nữa đó lại là một thầy tu. A! Thầy tu thì đã
sao nào. Bộ thầy tu ở trên thượng giới, nên lạ lẫm với cảnh trần tục lắm
sao mà đến thị sát tìm hiểu. Họ nghĩ vậy rồi thôi. Mặc! Việc ai nấy làm,
có liên quan gì nhau đâu mà bận tâm cho mệt.
Rồi người ta lại
xì xào to nhỏ với nhau về việc thầy cất một am tranh ngay cạnh đống rác
để tịnh tu. Khuya tối tiếng mõ chuông vang lên giữa mùi hôi thối từ lòng
kênh cùng những âm thanh hỗn tạp của đám dân hạ lưu: - “Ôi! Cái ông thầy
đó bộ hết chỗ cắm dùi rồi hay sao mà lại tìm về cái nơi dung tục này.
Lại bày đặt chuông mõ ì xèo, có ai thích nghe đâu chứ!” Xưa nay những
người trôi dạt về đây nếu không là kẻ tứ chiếng cô thân thì cũng thuộc
dạng tuềnh toàng bần cố. Nhiều người thắc mắc tự hỏi chẳng biết thầy là
người chốn nào lại lạc lối đến nơi này…
Theo thời gian
họ cũng quen dần với sự có mặt của thầy. Bởi mọi người còn phải lo làm
kiếm cái ăn. Vả lại thầy đâu có đụng chạm gì đến quyền lợi của ai. Thầy
cũng hay quảy tay nải đi đâu đó từ sáng tới chiều tối. Thì thầy cũng
phải đi hóa duyên chứ ở đây dân nghèo lại không biết làm phước cúng
dường. Làm thầy tu cũng phải thọ thực để sống như những người bình
thường vậy thôi. Có lúc thầy ở yên trong tịnh thất suốt cả tuần. Rỗi
rảnh thì thầy ra ngoài giẫy cỏ hoặc quét dọn mấy đống rác bừa bãi, lân
la trò chuyện với đám con nít lượm ve chai gần đó. Thế rồi một ngày đẹp
trời, thầy quy tụ bọn trẻ đến phát bánh kẹo, cùng tập vở và bảo chúng
tối tối đến thầy dạy chữ. Trẻ con hớn hở đua nhau đến nghe thầy giảng
giáo lý, dạy học để có bánh kẹo ăn. Người lớn lúc đầu tỏ ý ngờ vực dèm
pha. Song họ làm ngơ vì thấy cũng chẳng hại gì. Con họ biết chữ biết đạo
lý mà không phải mất tiền, vẫn hơn là để chúng rong chơi lêu lổng phá
xóm phá làng.
Lại có những
người lạ mặt tìm đến nơi này. Bọn họ vận đồng phục màu xanh dương, y như
là công chức nhà nước thì phải. Nhưng cái bến sông đen này từ lâu lắm
rồi nào có thấy ai đếm xỉa tới đâu. Chẳng biết họ đến đây làm gì nhỉ?
Thế rồi những đoàn xe đất cát ùn ùn chạy tới lui suốt ngày đêm. Họ đổ
đất xuống bãi trống, rồi xúc rác cho vào xe mang đi. Phía bờ sông cũng
ầm ầm tiếng máy bơm máy trục vớt rác rưởi. Nơi các ngõ đường đều có nhân
công lo đào xới mở rộng xây lắp mặt đường chuẩn bị tráng nhựa. Các nhà
thầu thì gấp rút thiết kế sơ đồ quy hoạch. Nghe đâu Nhà nước sẽ giải tỏa
hết những khu nhà ổ chuột. Người dân ngơ ngác. Họ chưa nhận thông tin
chính xác; nhưng điều đó chắc chắn sẽ thành hiện thực nay mai. Biết làm
sao bây giờ. Tự nhiên họ mất công ăn việc làm, bấp bênh chỗ ở. Rồi đây
họ biết đi đâu về đâu? Sẽ sống ra sao? Chẳng thể kêu ca với ai, họ tức
tối kéo đến tịnh thất của thầy phản ứng:
- Thầy là người
từ đâu đến, tu hành tụng kinh tụng kệ thế nào… mà làm cho cuộc sống tụi
tui đang yên ổn lại bị đảo lộn cả lên. Người ta giải tỏa hết thì dân
chúng sống ra sao? Đống rác và con sông dù dơ bẩn cũng là nguồn thu nhập
duy nhất của mấy trăm hộ dân ở đây. Bộ muốn chúng tui chết đói cả lũ à?
Thầy từ tốn phân trần: - Quý vị xin hãy bình tĩnh… bình tĩnh đã nào.
Thầy cũng là người dân bình thường như quý vị thôi. Nhưng theo thầy được
biết thì đây là quy định chung của Nhà nước. Nơi này rồi sẽ hình thành
nhà máy chế biến rác thành điện năng. Trước mắt là làm cho môi trường
thông thoáng, tránh cho dân chúng bị ô nhiễm sanh bịnh tật. Người ta sẽ
cho nạo vét dòng kênh, làm đường xây bờ kè trồng cây xanh. Họ cũng xây
chung cư nhà ở để dời dân ven kênh về đó. Quý vị sẽ có việc làm, có
lương bổng và đời sống chắc chắn sẽ ổn định sung túc, dân trí càng phát
triển đi lên…
Mọi người nghe thầy nói thì im lặng không còn to tiếng giận dữ. Song
người ta vẫn chưa hết băn khoăn lo lắng. Chắc cũng là lời nói suông với
bao hứa hẹn mà họ đã quen nghe, quen cam chịu như kiếp đời lầm than cơ
cực nơi chốn bùn lầy nước đọng.
¯¯¯
Mới mấy năm mà
mọi dấu vết của cái bến sông dơ bẩn ngày nào đã được xóa sạch. Những con
đường lát gạch. Những hàng cây xanh thẳng tắp. Dọc theo đó là những tòa
nhà cao tầng, những khu chung cư khang trang rộng rãi. Rồi nhà máy,
trường học, chợ búa, công viên, tất cả được mọc lên như từ một phép lạ
vậy. Dòng sông đã trong xanh. Hai bờ kè có ghế đá hoa kiểng xinh tươi.
Bây giờ khách phương xa thường tìm đến thưởng ngoạn đã không ngớt lời
khen ngợi. Người dân lam lũ một thời thì đangï sống thoải mái lịch sự,
hưởng dụng đủ mọi tiện ích đời thường. Am thất của thầy cũng được dời
lên một ngọn đồi thấp bên mé sông gần vùng dân cư. Thầy đang bắt tay vào
việc xây dựng những cơ sở cho chùa như mở lớp học tình thương, lớp dạy
nghề miễn phí cho thanh thiếu niên, phòng thuốc nam, lại có khóa tu niệm
Phật hằng tuần. Có ai thắc mắc hỏi kinh phí đâu mà thầy hoạt động thì
thầy cười cười nói: - Ơ… Con Phật làm phật sự thì Phật sẽ hộ trì.
Dù gì thì đời sống tu hành của thầy cũng thật giản dị. Nơi thầy ở vẫn là
mái am tranh đơn sơ, ăn uống thì đạm bạc, áo vải sờn vai mà vẫn thong
dong tự tại với tháng ngày. Luôn bận rộn chuyện tu hành phật sự, nhưng
Thầy cũng dành thời gian lắng nghe và chia sẻ với mọi người bằng chút
tâm tư tình cảm cùng ít vật thực mà mình có. Những người từng nhìn thầy
bằng con mắt khác lạ nghi ngờ, thì nay cũng trở thành Phật tử thuần
thành. Ngày rảnh rỗi họ lên chùa tụng kinh làm công quả chứ không tụm
lại bài bạc rượu chè như trước. Ngôi chùa nhỏ đã trở thành chốn thiêng
liêng để họ quay về. Trong cuộc sống đầy đủ về vật chất, họ luôn cảm
nhận là mình không thể thiếu vắng một cõi riêng để cùng tu dưỡng đạo tâm.
Bây giờ người ta lại bảo nên đổi lại nơi này là Bến Giác. Thì cũng là
cái tên gọi thôi mà. Cuộc đời này có gì là thật đâu. Vậy cớ gì phải chấp
vào tên gọi vốn chỉ để định hình cho sự vật. Ừ, cũng là tên gọi mà có
khi ý nghĩa cụ thể lại cách xa vời vợi cả hằng hà sa số kiếp. Quay đầu
là bờ giác. Đơn giản vậy thôi mà sao lâu nay người ta vẫn cố bám víu vào
cái bến sông mê đầy rác rưởi ấy. Aáy thế mà, giờ đây tất cả đã thay đổi.
Con đường hạnh phúc chơn lạc đang hé rộ phía trước. Bến sông mê ngày nào
chỉ còn nằm trong ký ức xa xôi của những ai từng đến đi một thời trong
cõi mộng/.
http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/bensongme.htm