-Về già người ta thường thích sống hòa mình cùng thiên nhiên cỏ cây...sông
núi ruộng vườn.
Ông Thái đã nói với các
con như thế. Sau đó ông quyết định dời nhà về bên chân núi. Ông sống một
mình. Sáng sáng leo núi đi bộ cho giãn gân giãn cốt. Có khi ông ghé tạt
vào một ngôi chùa trên đỉnh núi để đàm đạo cùng các nhà sư. Chiều chiều
ông chăm bón vườn cây rau quả quanh nhà, hoặc thả bộ để ngắm mây trời
thưởng gió núi, mà vui hưởng cảnh điền viên dân dã.
Vợ mất đã nhiều năm. Con
cái đều khôn lớn và có gia đình riêng. Khi ông lui về núi sống đời ẩn sĩ
, các con phản đối. Ông liền bảo:
_Ba còn khỏe. Ba có thể tự sống được. Các con đừng lo cho ba.
Người già lại thích sống nhiều với kỷ niệm. Nhất là cuộc đời người lính
như ông đã từng kinh qua bao cuộc chiến cam go nguy hiểm. Ký ức của ông
chứa đầy những tháng năm chiến đấu nơi vùng rừng Sác, Trường sơn. Trong
số bạn bè của ông, bao người nằm xuống, bao người còn lại để nhìn thời
gian trôi qua, tuổi già chồng chất. Ýùnghĩa cuộc đời mà ông cảm nhận
được sau bao năm là sự hiến dâng, là tấm lòng trang trải. Thời tuổi trẻ
ông đã sống cho Tổ quốc, cho gia đình. Bây giờ ông sống cho riêng mình
và cho cuộc sống chung quanh.
Ông có một người bạn vong niên thời chiến đấu. Ông này từng chỉ
huy một binh đoàn vượt trường sơn đi cứu Quốc. Bây giờ về hưu, ông đâm
ra nhớ da diết cái quảng đời anh dũng hiên ngang ngày trước. Thế là ông
cho xây một hòn non bộ ngay trước sân nhà, thả đầy một bầy kiến lửa trên
đó. Bây giờ, ông nổi tiếng là người lính già khéo điều khiển cả một sư
đoàn kiến lửa lượn quanh lên xuống trên hòn giả sơn.
Ông Thái rất khâm phục và tôn trọng những hồi ức về kỷ niệm
của bạn. Nhưng ông lại có cách sống khác. Là người xưa nay theo quan
niệm chủ nghĩa hiện thực, nên ông ít chú ý lắm về mặt tâm linh. Chuyện
ông đi chùa lễ Phật, phát xuất từ một nguyên nhân sâu xa mà ông đã từng
tâm sự với vị sư trên núi. Câu chuyện của ba mươi năm về trước. Vào một
đêm trăng rằm tỏ sáng.
Hôm ấy bị truy kích gắt quá, ông đã
chạy hằng giờ. Chạy dọc theo con rạch nhỏ trong khu rừng Sác. Tưởng khó
thoát khỏi. Chợt ông nghe có tiếng chuông chùa từ xa. Ông tìm lối chạy
vội vào đó rồi ngất lịm đi. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình nằm trong căn
hầm trú ẩn của chùa. Các vị sư nữ chăm sóc thuốc thang cơm cháo cho ông
suốt cả tuần. Cảnh chùa yên tịnh. Các vị nữ tu đạo mạo lại rất mực từ
tốn hiền lành. Họ bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra khi nuôi chứa một
người lạ mặt. Và cũng chẳng quan tâm điều gì khác, ngoài việc lo lắng
vết thương cho người bị nạn. Thường thì các vị chỉ lặng lẽ làm việc.
Nhưng từng cử chỉ vẻ mặt đều toát lên sự độ lượng cảm thông và am tường
sâu sắc. “Những con người mang tâm hạnh Bồ Tát vào đời, luôn sống hết
mình vì cuộc sống bằng tấm lòng vị tha nhân ái...mà không mong cầu sự
đền ơn báo đáp”
Các vị sư trên núi đã nói vậy. Và ông
cũng thường tâm niệm như thế.
Mấy ngày ở chùa, ông thấy mình như đang
sống nơi mái nhà quê hương. Tâm trí cũng thật yên lành thanh thản. Khi
đã khỏe hẳn, một vị sư cô trẻ chèo ghe đưa ông vào rừng tìm về đơn vị.
Đêm đó trăng rằm. Vầng trăng bị áng mây che khi mờ khi tỏ. Ra đi vào
thời khắc thế này thật là nguy hiểm. Nhưng ông không thể lưu lại lâu hơn
nữa. Sư cô đưa ông đến bìa rừng thì quay ghe trở lại. Trời đã khuya.
Cảnh vật im vắng. Ông nhìn theo chiếc xuồng nhỏ khuất dần trong vùng
hiểm địa. Tiếng khua nước rì rào cùng bóng trăng vằng vặc vừa nhô ra
khỏi đám mây cũng ngầm nói lên bao điều bất trắc. Không kịp nói lời từ
giả, ông chạy vội vào rừng. Vừa khuất dạng trong lùm cây, ông đã nghe
tiếng súng nổ, cùng tiếng la của người con gái. Có thể sư cô đã bị địch
phát hiện bắn chết. Lòng ông đau nhói, biết mình không thể làm gì được,
ông lặng lẽ chắp tay khấn nguyện. Ánh trăng đêm ấy đã thay ông nói lời
tiễn biệt một con người, một vị chân tu...
Từ đêm trăng ấy, hình ảnh vị ni cô trẻ dũng cảm chèo ghe đưa
người lính thoát đi trong đêm khuya cứ mãi ám ảnh ông. Khi đất nước
thanh bình, ông cũng nhiều lần cất công kiếm tìm. Ông tìm hầu hết các
ngôi chùa ni trong các vùng lân cận. Nhưng do trước kia vì ngần ngại ông
không hỏi tên vị sư trụ trì…và cả tên ngôi chùa, nên chẳng ai biết đến
ông mà ông cũng không thể nhận ra được ai. Ông mong muốn có một ngày gặp
lại để lạy tạ ơn những người từng cứu mạng mình. Những người đang sống
và những người đã mãi mãi ra đi. Những tấm lòng Bồ Tát đến đi không lưu
lại bóng hình.
&&&***&&&***&&&
Đêm đêm trong căn chòi nhỏ bên chân núi. Người ta nghe
tiếng ông già Thái tụng kinh. Giọng ông hòa nhã trầm ấm mà âm thanh vang
dội cả núi đồi. Đêm đêm khi ánh trăng vừa tròn sáng,…người ta lại nghe
tiếng hát ngân nga của ông bên hiên nhà. Có khi ông quy tụ một đám trẻ
nhỏ quanh xóm núi để cùng ca hát .Ông đem cho bọn nhỏ mấy gói quà bánh
mà con ông mang vô hồi chiều. Ông dạy chúng hát, kể cho chúng nghe những
câu chuyện huyền thoại về một thời chiến đấu xa xưa.
Người ta bảo với ông là trăng trên đỉnh núi thường sáng đẹp hơn bất cứ
nơi nào. Riêng ông lại cảm thấy trong sâu tận đáy lòng mình, luôn ẩn
hiện một vầng trăng không bao giờ tắt. Vầng trăng chiếu tỏ một thời quên
thân vì đại nghĩa. Vầng trăng soi sáng bao tâm tình người trong cuộc
sống. Tất cả đã trôi xa. Duy chỉ có tất lòng tri ân, nhớ ơn thì vẫn còn
đó như bóng hình theo mãi với tháng năm./.