Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Xuân Trong Ta
Trần Kiêm Đoàn
 

 

Không biết từ thuở nào, ý niệm “nửa chừng xuân” đã trở thành khái niệm “nửa vời” trong văn chương tiếng Việt.  Cuộc chơi đang vui phải bỏ dở nửa vời, cuộc tình đang đẹp nửa đường đứt gánh, tuổi trẻ hoa mộng nửa chừng hụt hẩng.  Cái “nửa” tương đối đó thật là thiên hình vạn trạng, khó ai mà xác định được thời gian.  Cô Đạm Tiên “nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương...” không rõ trong tâm thức nghệ sĩ Nguyễn Du nàng được bao nhiêu tuổi khi “chết xuống làm ma không chồng”.  Rồi cô Mai trong Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng; cô trinh nữ trong đám xuân xanh ấy, phải “theo chồng bỏ cuộc chơi” của Hàn Mạc Tử;  “Xuân đến hoa mơ hoa mận nở, gái xuân giũ lụa trên sông Vân” của Nguyễn Bính... đều là những nhân vật phi thời gian; những hiện thân của mất mác và chia lìa.

“Bỏ cuộc” (!) không phải là một bi kịch của đời sống.  Nhưng mùa Xuân giữa cuộc đời mới chính là thủ phạm của những bi kịch đó.  Tại sao?  Tại vì mùa xuân của con người đi theo một con đường thẳng.  Trong khi mùa xuân của đất trời lại đi theo một vòng tròn.  Xưa, Lý Bạch bên Tàu trong bài thơ Mời Rượu đã ví mùa Xuân của đời người như con nước sông Hoàng Hà, một lần tuôn ra biển khơi là sẽ không bao giờ còn trở lại.  Trăm họ về sau buồn man mác mỗi lần nhắc lại lời họ Lý nói lên một sự thật xót xa rằng:  “Hoàng Hà nước đổ người ơi.  Xuôi dòng ra biển muôn đời chẳng lui. (Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi – Lý Bạch; Tương Tiến Tửu.)

            Xuân!  Tự bản chất là trung tính, chẳng thiên về giới tính, nam nữ gì cả.  Thế nhưng, trong sinh hoạt thực tế, có vẻ như Xuân lại là độc quyền của nữ giới.  Gái Xuân. tuổi Xuân, nụ Tầm Xuân, tình Xuân, hài Xuân, mơ Xuân... đều là sản phẩm của phái đẹp hay dành cho phái đẹp. Trong văn chương cũng như ngoài xã hội, sự “bất công” nầy đã thành quy ước.  Nghệ thuật tha thiết nhắc đến lòng Mẹ, hòn Vọng Phu, chinh phụ, cô phụ, góa phụ... mà chẳng có nghệ sĩ nào thật tình tha thiết nói đến giới mày râu.

            Từ xa, nhìn về quê mẹ là thế.  Và nếu thật sự đến gần hay được hòa vào dòng sống của quê hương... thì có lẽ cũng thế thôi! Thế là thế nào?  Là mùa Xuân và phái đẹp trên quê hương Việt Nam – tuy trên danh nghĩa là công dân hạng hai, đàn bà sau đàn ông một bước, nhưng trên thực tế là hạng nhất, là hạng siêu sao – vẫn còn đáng yêu.  Cái đáng yêu nhất của người phụ nữ Việt Nam truyền thống (xin gạch dưới hai chữ “truyền thống” nhé!) là sự hóa giải những cực đoan.  Bất cứ cái gì, điều gì mà chỉ có một phía là cực đoan.  Dành được một vị trí vinh quang như thế là nhờ người phụ nữ Việt truyền thống không lạm dụng ba “quyền căn bản” như người phụ nữ Âu Mỹ, nên họ có thể “uốn nắn” (?!) được người đàn ông – kể cả lớp đàn ông “râu hùm, hàm én, mày ngài” như Từ Hải – phải  quay về nẻo chánh; dẫu cho khát vọng tự nhiên tha thiết hướng đến nẻo... tà cũng đành chịu thua!

            Trong hoàn cảnh đối diện với những sự cực đoan tương tự, người phụ nữ phương Tây (dĩ nhiên cũng đáng yêu lắm chứ!) sẽ không hóa giải mà bứt phá cực đoan bằng những hình thức chọn lựa một cách giải quyết cực đoan khác như sống đời độc thân, ly dị, ly thân, bạo động, tự tử...

            Ba sự lạm dụng mang tính cực đoan hàng đầu của phụ nữ mang thiên chức làm mẹ đã kéo nền đạo lý phương Tây, nhất là Hoa Kỳ, xuống thấp hơn so với nửa thế kỷ trước.  Đó là:  Muốn có con mà vẫn tôn thờ chủ nghĩa độc thân (single mother by choice), nam nữ sống với nhau, có con ngoài giới hạn hôn nhân.  Ly dị bừa bãi, bất chấp hậu quả đối với bản thân, con cái và gia đình. Và, tự do buông thả quan hệ giới tính trong lứa tuổi vị thành niên đưa đến tình trạng “em bé có em bé” (children having children.)

            Trong một cái khung xã hội như thế với điệu sống đặt nặng trên căn bản tự do cá nhân là chính, người phụ nữ phương Tây quan niệm mùa Xuân của cuộc đời và tuổi Xuân của một người không có giới hạn thời gian.  Ngày nào một người còn sống vui chơi, thoải mái và hạnh phúc với chính cuộc đời của họ thì ngày đó là mùa Xuân, là tuổi Xuân.  Hiện tượng Xuân muộn của những cặp vợ chồng mới cưới nhau ở vào lứa tuổi “Thất thập cổ lai hy. Bát tuần thượng thọ...” (Thọ tới 70 xưa nay hiếm. Tuổi thọ cao tới 80... )  xảy ra rất thường tình trong xã hội Âu Mỹ ngày nay.  Những đôi  uyên ương chưa trăm năm mà đã cùng răng long đầu bạc nầy hầu hết bày tỏ niềm vui tươi mới và hạnh phúc đằm thắm trong hôn nhân ở lứa tuổi Xuân hoàng hôn của họ.  Như ông bà Dick và Vicky Anderson, đồng chủ nhân các công ty du thuyền ở Florida và San Diego, đồng tuổi 75, đám cưới đầu Xuân 2002.  Sau gần 5 năm chung sống đã hoan hỷ trả lời phóng viên hôn nhân báo Suncruise rằng, “Chúng tôi tìm thấy tuổi Xuân trong nhau.  Tuổi trẻ và mùa Xuân vật lý thì do thiên nhiên ban cho.  Nhưng tuổi trẻ và mùa Xuân của tình yêu thì phải do hai người chung sống trong cuộc tình, bất chấp ở lứa tuổi nào, phải cùng nhau đầu tư và sáng tạo ra không được quên lãng một giây phút nào cả mới có được.”  Khi phóng viên Casper Hoover dí dỏm hỏi về “phép lạ kích dục” nào đã giúp cho hai ông bà Anderson giữ được sự quân bình và hạnh phúc gối chăn ở lứa tuổi “trâu già ra cà ổ rơm” vậy kìa?... Chàng lão Xuân Dick Anderson cười nụ trả lời: “Kích dục và thỏa mãn tính dục là chỉ làm cho no một cơn đói. Càng hay ăn thì càng hay đói.  Càng ngấu nghiến thì càng thèm ăn. Tình yêu không có điểm đích cuối cùng bằng sự thỏa mãn mà là một chuỗi cảm nhận sâu xa, trân trọng nâng niu. Khi yêu là khi người ta sống với và hướng về một đối tượng cao viễn hơn là những gì ở trong tầm nhìn và tầm tay. Ví như mối quan hệ của trái đất với mặt trời.  Cần nhau, nương nhau, tương giao từng giây phút và bao giờ cũng mới...” Phóng viên Hoover nầy bèn nói tếu để thay cho lời kết luận trong bài phỏng vấn này, rằng: “Nghe ông Anderson giảng về ‘đạo Tình’, tôi làm dấu chữ thập (?!) Không dám cười và lẳng lặng đi ra.”

            Ôi! Xứ Tây quý cụ tám chục Xuân xanh mà vẫn chưa chịu “nửa chừng Xuân.”  Cớ sao tuổi lứa đôi đầy mộng mơ xứ ta lại hóa ra nhiều nửa chừng Xuân đến thế?! Người ta thế đó; còn người mình thì sao đây?

            Gần ba thập niên sống trên xứ Mỹ, tôi vẫn thường có một cảm nhận “dùng dằng” (mà dân Mỹ thường gọi là emotional ambivalence.)  Nghĩa một trạng thái tâm lý và ý thức cứ chợt bên nầy, chợt bên kia giữa hai bờ đối nghịch.  Mỗi lần vào dạy một lớp mới, tôi thường hỏi sinh viên – thường là một tập thể đủ mọi thành phần màu da, chủng tộc và văn hóa từ nhiều nơi trên thế giới – rằng là: “Mỹ có phải là một xã hội nam nữ bình quyền không?  Nếu phải thì tại sao khi người đàn bà lấy chồng rồi, phải bỏ họ mình lấy họ chồng; lịch sử nước Mỹ chưa hề có đàn bà làm tổng thống; cái gì do con người tạo ra thì gọi là ‘man-made’, nghĩa là do người đàn ông làm ra?!”  Một lần, có một sinh viên da trắng đã trả lời rằng: “ Giáo sư có để ý là người Mỹ để tên cá nhân mình trước và tên giòng họ sau; trong khi người châu Á lại để tên họ trước và tên riêng sau không?  Người Mỹ chuộng thực chứ không chuộng danh.  Cá nhân người đàn bà trong xã hội phải thật sự bình đẳng trong đời sống cá nhân, vợ chồng và gia đình trước đã.  Sau đó mới tính đến chuyện bình đẳng ngoài xã hội và toàn thế giới.”  Cũng như tôi khi nghe anh sinh viên nầy lý sự như thế đâu khoảng ba năm về trước, có thể câu trả lời của anh ta không làm thỏa mãn mọi người, nhất là người Việt chúng ta.  Đơn giản chỉ vì triết lý hành động “hy sinh vì đời” theo tinh thần kẻ sĩ nhà Nho của ta và triết lý sống thực “sống cho ta trước đã” kiểu Tây Đầm là hai cánh bay ngược chiều nhau trên cùng một thân thể con đại bàng nhân loại vừa thực tế, vừa lý tưởng.  Thế nhưng, nếu mất đi một trong hai cánh cực đoan đó thì lại rơi vào một cực đoan kế tiếp:  Gãy cánh!  Đại bàng gãy cánh thì còn tang thương hơn là gà vịt bán thịt ngoài chợ.

            Chúng ta chỉ nghĩ đến chuyện “tề gia” căn bản như ăn cơm cho chắc bụng trước đã.  Tiếp theo sau đó là sẽ “trị quốc” và “bình thiên hạ”.  Nghe ra, tất cả đều là một chuỗi hy sinh rôm rả cứu nhơn độ thế chứ không nghe nói đến niềm hạnh phúc riêng tư nào cho cá nhân mình cả.  Phải chăng, đấy cũng là một sự cực đoan như học giả Hồ Diên An, học phái Hồ Thích, nói đến lý tưởng viễn mơ của mình là “Nho giáo đã tự hóa thánh mình một cách không thực!”

            Trước mùa Xuân, nào ai biết đâu là đời mình đang đứng trước ngưỡng cửa của khúc quanh Một Đời Xuân, Nửa Chừng Xuân, Một Thoáng Xuân hay chỉ là nếp mòn của một dòng sống loanh quanh không bao giờ thay đổi.

            Để vươn lên từ hai phía cực đoan, những đầu óc khôn ngoan, siêu việt nhất từ xưa tới nay chỉ còn một con đường hay một thái độ giữ thế quân bình.  Chọn con đường ở giữa:  Trung dung, trung đạo, trung không – Middle Path!

            Phụ nữ Việt Nam ta cũng đã chọn một con đường khiêm cung mà sáng quắc như thế đó.  Nhưng khi nguy biến cũng hiên ngang cầm gươm ra trận, đối mặt với binh đao, chiến đấu với quân thù ở chốn sa trường như bà Trưng, bà Triệu.

            Đang đón Xuân đến là đang đưa Xuân đi.  Làm sao để những mùa Xuân không già đi, héo úa mà vẫn còn trở lại hoài.  Hương sắc một mùa Xuân chỉ trọn vẹn khi nhìn được mùa Xuân thật như chính nó; không nửa chừng xuân mà cũng chẳng một đời xuân. Xuân đến và xuân qua theo bước vô thường.  Vui để mùa Xuân trở lại.  Chẳng buồn để mùa Xuân đừng đi qua.  Giữ lấy mùa Xuân trong ta. Xuân Trong Ta mới là mùa Xuân rất thật.

 
                                                                                                Trần Kiêm Đoàn
                                                                                     Elk Grove, Cali mùa Noel 2007

                       

           

http://www.buddhismtoday.com/viet/xuan/xuantrongta.htm

 


Vào mạng: 01-02-2008

Trở về mục "Xuân"

Đầu trang