Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... ..  . ..  .  .
Hội Từ Thiện  Đạo Phật Ngày Nay

 

KHÁNH THÀNH CẦU BÌNH AN – XÃ BÌNH AN  
VÀ KHÁNH THÀNH  NHÀ SINH HOẠT VĂN HÓA 
TẠI TRẠI GIAM K 20 -  TỈNH BẾN TRE

 

 

Thực hiện chương trình xây dựng đường giao thông nông thôn, xóa cầu khỉ, cầu ván, cầu tạm thô sơ thay thế bằng cầu bê- tông. Trong số những chiếc khỉ, cầu tạm được thay thế đó là địa điểm nối liền ấp 3 xã Châu Bình với vùng đất trại giam K.20 là khu vực vùng sâu. Nhưng điều kiện kinh tế vật chất tại trại giam vẫn còn nhiều khó khăn, cho nên Ban giám đốc Trại giam K.20 cùng phối hợp với Đại Đức Thích Nhật Từ vận động các nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng chiếc cầu (diện tích 18 x  2,6 mét) với tổng kinh phí 150 triệu đồng. Hôm nay (ngày 25 tháng 9 năm 2007) chiếc cầu đã được hoàn thành và bàn giao với tên gọi là chiếc cầu Bình An.

Thật có ý nghĩa với bản chất tên gọi của nó. Bởi vì, trước đây mọi người, mỗi khi đi qua  đi lại trên chiếc cầu ai cũng phải thót tim ra ngoài vì tính nguy hiểm đến tính mạng con người có thể rơi xuống nước bất cứ lúc nào, nhất là các cụ già, phụ nữ, đặc biệt là các em học sinh thường xuyên đi học qua chiếc cầu tạm vô cùng khó khăn và không được bình an, trên vùng đất nông thôn xa xôi hẻo lánh mà vốn nó đáng lẻ ra rất bình an và yên tỉnh. Vậy mà, sự thiếu vắng của một chiếc cầu bê-tông để cho việc di chuyển an toàn hơn đã làm khuấy động cuộc sống, làm cho bà con sống trong tâm trạng bất an, lo sợ và chờ đợi. Vì dân nghèo, phải lo cho miếng ăn mỗi ngày còn chật vật thì làm sao có thể đóng góp xây dựng được chiếc cầu lên đến hàng trăm triệu đồng như thế, cho nên bà con chờ đợi là đều dễ cảm thông. Sự chờ đợi ấy, ước mơ được bình an của bà con nay trở thành hiện thực. Chúng tôi thiết nghĩ, nếu như không có những tấm lòng biết quan tâm, những bàn tay của con người biết tôn tạo thêm vẻ đẹp cho mảnh đất, cho cảnh vật, cho con người mà tự nhiên ban  tặng thì sự bình an ấy cũng chỉ mãi mãi là trong ký ức mà thôi. 

Nhìn thấy chiếc cầu khang trang, sang trọng nổi bật nhất trên vùng đất thôn quê này khi chiếc cầu được khánh thành trong niềm hân hoan, phấn khởi, sung sướng dâng trào trong tâm hồn mọi người chứng kiến tại buổi lễ khánh thành, của dân làng và cả cảnh vật xung quanh nơi đây. Từ nay, các cụ già, các bác nông dân vận chuyển các vật liệu phân bón bằng xe máy vào đồng ruộng của mình dễ dàng, các chị em phụ nữ mua gánh bán bưng không còn vất vả hồi hợp mỗi khi qua cầu, các em bé có thể chạy nhảy trên chiếc cầu, reo hò “Ôi, thật sướng quá” vì không còn lo sợ có thể bị té xuống nước vì chưa biết bơi... 

Chắc chắn sự bình an của tự nhiên mà có sự kết hợp với cái tâm, với bàn tay của những con người thì đó là sự bình an hoàn mỹ nhất.

 

KHÁNH THÀNH NHÀ SINH HOẠT VĂN HÓA
TẠI TRẠI GIAM K.20 - BẾN TRE.

 

 

Cùng ngày 25 tháng 9 năm 2007 niềm vui khi thấy chiếc cầu Bình An hoàn thành chưa lắng dịu, thì niềm vui khác lại tiếp tục đến tràn ngập cả tâm hồn của tất cả những người cùng đi với đoàn do Đại Đức Thích Nhật Từ hướng dẫn. Đó là một mái nhà được che phủ bởi khung sườn làm bằng thép, thật là mái mẻ, khang trang, thoáng rộng với diện tích 500 m2 do Đại Đức Thích Nhật Từ khởi xướng vận động ủng hộ xây dựng với tổng kinh phí quyết toán  300 triệu đồng. Vì mỗi khi đoàn từ thiện đến thăm nhìn thấy hình ảnh các anh chị em phải ngồi chung với nhau (với số lượng khá lớn 1.850 người) để sinh hoạt giao lưu văn nghệ và nghe thuyết trình dưới ánh nắng gay gắt ngoài trời phải dùng các giấy cat-tong để che nắng và mùa mưa cũng đã đến.

Hôm nay cũng là ngày đặc biệt ngày rằm tháng 8 (Tết Trung Thu) thì cũng là ngày Khánh thành nhà sinh hoạt văn hóa tại trại giam K.20 - Huyện Giồng Trôm - Bến Tre. Cùng đến chứng minh khánh thành nhà sinh hoạt Văn Hóa tại trại giam K.20 hôm nay, chúng tôi nhận thấy: ĐĐ. Thích Nhật Từ, Ni trưởng Huệ Từ - Phó ban Từ Thiện Trung Ương Giáo hội, Ni sư Như Như, Ni sư Như Thanh (chùa Phước Viên – Q.Bình Thạnh), Tăng Ni Phật tử chùa Giác Ngộ và các chư Ni T.V Linh Chiếu và ông chủ tịch xã Châu Bình, cùng với toàn thể cán bộ trại giam K.20.

Hai lần trước đây, mỗi khi đoàn từ thiện Trung Ương Giáo Hội PGVN, và Đại Đức Thích Nhật Từ  đến thăm các anh chị phạm nhân, ngoài việc tặng những phần quà nho nhỏ về vật chất và tinh thần thông qua các bài thuyết trình tràn đầy tình người và sự hiểu biết, đã gói trọn tất cả tấm lòng của những người thực hiện chương trình thì không sao diễn tả hết được, chỉ với sự mong mõi các anh chị em phạm nhân học tập tốt và trở về xã hội là một con người mới, là những con người đã hoàn toàn thay đổi, từ bỏ những thói quen cũ, sau khi đựơc học tập tại trại giam. Bên cạnh đó còn được nghe một số bài thuyết trình “Quay đầu là  bờ”; “Tự  do nội tại”  và  lần này “Từ bỏ kiếp giang hồ”.v.v...

Cũng như các lần trước chương trình văn nghệ chiếm thời gian dài nhất, do các ca sĩ nhiệt tình phục vụ với những bài hát đi vào tâm hồn mỗi phạm nhân, có người  đã trầm lắng mỗi khi bài hát cất lên gợi lại nỗi nhớ cha và mẹ, xen kẽ những bài hát sôi động để xóa tan những ưu phiền giúp tăng thêm nghị lực, tự tin vào chính mình, với tiểu phẩm hài “Tình Cha con” gây nên tiếng cười đầy ý vị và cảm thông. Lần này lại có thêm chương trình phục vụ những bài Thiền ca Phật giáo do các Tăng Ni sinh trẻ (hiện còn đang đi học) cũng tham gia hướng dẫn các phạm nhân hát, cùng vỗ tay hòa nhịp với phạm nhân và các phạm nhân học thuộc lời ca tại chỗ để gieo thiện duyên với Phật pháp. Đây là lần đầu tiên các tu sĩ Phật giáo cùng hát và sinh hoạt vui cùng với các phạm nhân. Cho nên trong buổi đầu còn nhiều bỡ ngỡ, sau đó thì không khí sinh hoạt văn nghệ ấm lên kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ làm cho không khí càng sôi động và ấm áp tình người, đến nỗi Ni sư Như Như cũng vào cuộc với bài vọng cổ.

Để có được niềm vui ấy, sau hơn hai tháng vượt qua những khó khăn trong buổi đầu vận động nhiều bàn tay chung một tấm lòng đóng góp ở trong nước và ngoài nước những đồng tiền quý báu của mình, sẵn sàng hưởng ứng chương trình này để khuôn viên 500 m2 này trở thành nơi sinh hoạt văn hóa được khang trang hơn, tiện nghi hơn cho các phạm nhân sau những ngày lao động cải thiện đời sống trong trại giam.

Đặc biệt, nhà sinh hoạt văn hóa này có ý nghĩa quan trọng hơn nữa đó là nó không những chỉ có giá trị về vật chất, hay chỉ có chức năng dùng để che nắng, che mưa, giao lưu văn nghệ, lễ hội, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, nghe các bài thuyết trình nhằm chuyển hóa thói quen theo tinh thần lời Phật dạy. Theo lời của Ni sư Như Như thay mặt đoàn đã phát biểu “Chúng tôi không chỉ dừng lại nơi đây, mà sẽ tiếp tục cùng với Ban cán bộ trại giam vì sự nghiệp trăm năm giáo dục nhân cách con người, trở thành người có giá trị.”

Chính sự quyết tâm của Đại Đức Thích Nhật Từ mà ngôi nhà sinh hoạt văn hóa tại trại giam K.20 để lại nhiều ý nghĩa bồi dưỡng đạo tâm, đem đến sức mạnh tinh thần và cơ hội mở rộng, sưởi ấm lại trái tim “mùa đông” cho các phạm nhân. Và cũng đem lại niềm an vui hạnh phúc của “người cho” và “người nhận”. Trong ý nghĩa cả hai tương quan với nhau trong việc bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất “làm người” trong công cuộc thiết lập hòa bình và chất liệu an lạc nội tâm cho các phạm nhân trong ngôi nhà văn hóa này.

Đoàn từ thiện ra về đã để lại trong tâm hồn các phạm nhân những ấn tượng sâu sắc về hình ảnh các vị tu sĩ đem tình  thương chia sẻ những khó khăn, cảm thông và sự hiểu biết. Đó là tinh thần từ bi trong Phật giáo. Tối nay, mặc dù đoàn đã ra về nhưng các chị em vẫn còn niềm vui sinh hoạt trong đêm Trung Thu, ăn bánh Trung Thu, và có lẽ trong số những phạm nhân sẽ có người nhớ lại những hạnh phúc khi còn sống trong tình thương của gia đình, do nhiều hoàn cảnh đưa đẩy khác nhau, có người vì nghèo, có người thì giàu nhưng họ đều cùng chung “kiếp giang hồ” nên mới sống chung bên nhau trong trại K.20 này.

Một Phật tử nói với chúng tôi nghe “Thật là đáng thương! các phạm nhân đa số còn rất trẻ trong độ  tuổi lao động (từ 18 – 35 tuổi), đáng lẽ ra họ phải làm việc, lao động, học tập phục vụ trước hết cho bản thân và cho gia đình, vậy mà ...”

Nếu các bạn trẻ đang sinh sống, làm ăn chưa vi phạm, chưa vấp ngã hoặc đã có vi phạm mà pháp luật chưa phát hiện... khi thấy những hình ảnh bạn đồng trang lứa đang ngồi tại trại giam K.20 thì các bạn hãy sớm thức tỉnh, giác ngộ, gác kiếm, dừng bước hoặc từ chối kiếp giang hồ vẫn chưa muộn. Hãy sống với những hạnh phúc mà bạn đang có trong tầm tay của bạn. Đó là lời cuối cùng mà người viết muốn nói với những bạn, những anh chị em và tất cả những ai đã dấn thân, đang dấn thân và sẽ dấn thân vào kiếp giang hồ tương tự như các hành vi của các phạm nhân tại trại giam K.20 ./. 

Bến Tre ngày 25 tháng 9 năm 2007

 

http://www.buddhismtoday.com/tuthien/khanhthanhcaubinhan_va_nhasinhhoat.htm

 


Vào mạng: 28-09-2007

Trở về mục Từ Thiện

Đầu trang