Nguồn: Báo
Giác Ngộ số 452
Nhà chùa luôn có nhiều trái cây,
đặc biệt là chuối. Trước đây khi trái cây nước ngoài chưa nhập vào nhiều
và phong phú như ngày nay thì chuối là loại trá phổ biến nhất mà Phật tử
thường chọn để cúng dường. Hình ảnh nải chuối dâng cúng chư Phật có thể
xem đó là hình ảnh đặc trưng, gần gũi và thân thương của các ngôi chùa
và nhất là ở bàn thờ tại nhà của nhiều gia đình Việt theo đạo Phật.
Hồi ấy ở ngôi chùa nơi ân sư của
tôi trụ trì bổn đạo cũng không có nhiều trái cây để chọn, vì vậy với tấm
lòng thành nhiều người thường mang hương hoa và chuối để
cúng dường Phật. Chuối cúng nhiều đến mức
các cô làm công quả tại chùa thường ép chuối rồi mang lên sân thượng
phơi khô và để dành dùn đãi Phật tử mỗi khi về chùa. Vị ngọt của chuối
khô đã gắn liền ngôi chùa thân thương và với tuổi thơ của tôi và nhiều
tuổi nhỏ khác hay đến chùa cùng ba mẹ ngày ấy...
Quả chuối sứ có một vị ngọt thật
đặc biệt và thơm lúc chín mọng. Khi ép, quả chuối tươm ra nhiều mật với
mùi thơm lừng rất hấp dẫn, cũng chính hương thơm và vị ngọt này đã thu
hút ruồi và kiến thường kéo nhau đến “thưởng thức”. Các cô làm công quả
dùng vải mùng để che thì tránh được ruồi nhưng không ngăn được kiến. Và
khi kiến đã bu vào thì không ít thì nhiều khi phủi đi thì một số kiến
đồng thời cũng bị tiêu diệt...
Vô tình phải sát sanh nhiều sinh
vật điều này khiến ai cũng không vui nhưng vẫn chưa biết phải giải quyết
bằng cách nào. Và câu chuyện “vô tình sát sanh” ấy đến tai thầy trụ trì.
Một hôm, thầy gọi các cô đến rồi hướng dẫn rằng: “Hãy pha sẵn một thau
nước muối, sau khi ép chuối xong, thả chuối ngâm vào dung dịch ấy, sau
đó mới lấy ra phơi. Vì kiến và ruồi chỉ mê vị ngọt, với lớp muối bọc bên
ngoài chắc chắn ruồi và kiến sẽ chê và không đến nữa...”.
Các cô vâng lời làm theo cách
ấy, quả nhiên kiến và ruồi không đến nữa và sau đó khi thưởng thức chuối
khô còn tuyệt hơn vì có thêm một vị mặn rất lạ hòa lẫn với hương thơm
nồng và vị ngọt đặc biệt của chuối...
Hôm khác, lúc thầy trò quây quần
cùng nhau bên ly trà nóng. Phật tử trong chùa ai cũng tâm đắc và thích
thú với sáng tạo chế biển món chuối của thầy. Rồi thầy cười rất tươi và
nói rằng: Theo thầy thì việc sáng tạo ấy là bình thường. Trước hết là
chúng ta cần thực hiện tình thương với sinh vật, tránh tuyệt đối sự sát
sanh dù chỉ là vô tình và sau nữa sở dĩ ứng dụng của thầy thành công là
vì tất cả chúng sinh thường có thói quen là nôn nóng quyết đạt mục tiêu
mình mong muốn một cách nhanh nhất. Khi mục tiêu ấy không đạt được
thường thối chí, chán nản và bỏ ngay. Vị mặn thì trái ngược hoàn toàn
với ngọt vì vậy những sinh vật tìm kiếm sẽ rời xa khi không đạt được
điều mong muốn...
Tương tự như vậy, ở đời sự thành
công của mọi người thường đến không dễ dàng. Rất nhiều khi chúng ta đã
đến ngay sát mục tiêu cuối cùng nhưng có thể vấp phải một “vị mặn” làm
chúng ta chán nản và dừng bước nhưng nếu tinh ý thì rất có thể ẩn bên
trong vị mặn đắng ấy là hương vị của ngọt ngào của tưởng thưởng của
thành công...
phatphap.wordpress.com & phatphapnhiemmau.com
http://www.buddhismtoday.com/viet/anchay/antrongviman.htm