...... ... |
.. |
. |
.. |
. |
. |
- Khuyên Đừng Ăn
Mạng
-
Cư Sĩ Thiện Thông
Thầy nói “ăn mặn” xuất xứ
từ chữ “ăn mạng” mà ra. Sau này “ăn mạng” người ta nói quen riết thành
ra ăn mặn cho dễ nghe. Thật sự, nói mình ăn mặn tức là ăn mạng, nghĩa là
ăn mạng con này con nọ như thịt, cá, đồ biển…. Trong bài này, tôi khuyên
đạo hữu đừng nên ăn mặn, đạo hữu nên hiểu là đừng nên ăn mạng, chứ không
phải đừng nên ăn vị mặn. Tôi khuyên đạo hữu đừng nên ăn mặn vì nhiều lý
do. Thứ nhất, ăn mặn làm mình dễ bị bệnh và việc ăn mặn lại càng nguy
hiểm đến sức khỏe. Mình đâu biết những xác con này con nọ có bệnh này
bệnh nọ không. Thứ 2, theo đạo Phật, mình sát sanh thì sẽ mang nhiều thứ
bệnh và đoản thọ, và những chúng sanh bị mình giết sẽ trở thành oan gia
trái chủ của mình. Thứ 3, theo đạo Phật là những con vật, con cá, đồ
biển… đều có sự sống và chúng nó cũng sợ chết như mình, nó cũng tham
sống sợ chết như mình. Nếu nó không sợ chết và không biết đau, thì chúng
nó không cố gắng giẫy giụa hay tìm cách thoát chết khi mình giết nó. Tuy
nó hình thể khác mình, nhưng nó cũng là sự sống dưới hình dạng khác. Thứ
4, theo đạo Phật, những con vật mình sát hại hoặc ăn, mình đâu biết đó
có thể là cha, mẹ, vợ, chồng, anh, em…của mình từ nhiều kiếp trước. Thứ
5, theo đạo Phật mình không ăn mặn để trưởng dưỡng tâm từ bi của mình.
Có người nói ăn chay thì
không đủ chất, đều đó không đúng. Đâu phải chỉ có thịt, cá, đồ biển hay
con này con nọ… mới có chất này chất nọ…Trong rau, quả, trái cây, đậu
nành… cũng có những chất như trong thịt, cá… Nếu nói ăn chay không đủ
chất, thì tại sao nhiều Thầy tu ăn chay trường từ nhỏ mà vẫn sống thọ và
khỏe mạnh. Tôi thấy đa số Thầy tu đều sống thọ, có nhiều Thầy tu ăn chay
từ nhỏ, ăn chay trường mà vẫn khỏe mạnh. Tôi có kinh nghiệm riêng, lúc
trước tôi ăn mặn, tôi thường cảm thấy mệt và khó thở, đi bác sĩ vẫn
không biết lý do tại sao tôi bị triệu chứng như thế. Bác sĩ cũng không
biết thật sự nguyên nhân như thế nào. Thời gian sau, tôi ăn chay tự
nhiên tôi cảm thấy khỏe và không bị mệt và khó thở nữa. Tôi trở lại bác
sĩ và nói, tôi ăn chay và không còn cảm thấy mệt và khó thở nữa. Bác sĩ
cũng ngạc nhiên và nói tốt. Có lúc tôi ăn mặn lại thì cảm thấy mệt và
khó thở nữa. Và hầu như, nhiều lần sau tôi ăn mặn thì vẫn cảm thấy mệt
và khó thở nữa. Nhưng khi tôi ăn chay thì không khó mệt và khó thở nữa.
Bây giờ tôi đã ăn chay rồi và vẫn còn đang ăn chay. Câu chuyện tôi kể là
sự thật. Tôi nghe có đạo hữu nọ nói, có người giàu kia, ăn nhiều đồ mặn
và ăn tôm hùm, thời gian sau bị bệnh sau đó chuyển sang bệnh thận. Không
phải có tiền mà ăn mặn nhiều là khỏe mạnh, đó là quan niệm sai lầm. Còn
vấn đề mà bệnh do di truyền hay bệnh do sống dưới môi trường nguy hiểm,
thì không nói tới. Bệnh có thể phát sinh ra do những gì mình ăn vào.
Người ta có câu, “họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập”, nghĩa là
mình mang họa cũng do miệng mình nói xấu hay ác, bệnh cũng xuất phát từ
những gì mình ăn vào. Chắc đạo hữu có nghe tiếng Thầy Tuệ Hải trị nhiều
người hết bệnh, thật ra là một trong những cách trị bệnh của Thầy là
không có ăn mặn. Mình không ăn mặn, nhiều khi đó là thuốc hay để trị
bệnh. Chứ mình ăn nhiều đồ mặn khi mà độc tố nhiều vào cơ thể thì tới
lúc đó nó sẽ phát sinh ra nhiều bệnh, tới lúc đó uống nhiều thuốc hay
cũng không trị được nữa. Thật ra người bệnh trên mà tôi kể đạo hữu nghe,
trước đây người đó ăn đồ mặn, thời gian sau bị bệnh rồi mới uống thuốc
vào, nhưng thuốc cũng là con dao hai lưỡi, nó trị bệnh này, xong phản
ứng phụ của thuốc làm mình sang tới bệnh khác, như người đó trước đây
bệnh khác, nhưng uống thuốc sau đó bệnh chuyển sang bệnh thận. Đó là câu
chuyện thật. Nếu mình không sát sanh mà ăn đồ mặn, thì mình cũng gián
tiếp sát sanh, thì tội mình cũng ít nhiều trong đó, nếu mình không mua
đồ mặn ăn thì làm sao người khác sát sanh để mà bán.
Nếu mình ăn đồ mặn nhiều,
nữa những chúng sinh đó cũng ăn lại mình thôi. Đạo hữu thử nghĩ đi, từ
hồi mình sanh ra tới bây giờ, cái bụng chứa bao nhiêu là xác của những
con vật, con cá, đồ biển…? Thì phải nói là tội mình không nhỏ. Bây giờ
đạo hữu nghe tôi khuyên, nên bỏ việc ăn mặn đi. Nhân Quả ba đời Quá Khứ,
Hiện Tại và Vị Lai là không sai. Mình tạo Nhân tốt, mình được Quả tốt.
Mình tạo Nhân xấu, mình lãnh Quả xấu. Nếu Nhân sát sanh và ăn mặn thì
cái Quả hiện tại hay tương lai cũng không tốt gì. Đạo hữu nên tin luật
Nhân Quả. Luật Nhân Quả là thật sự có, Đức Phật có khả năng thấy biết
được điều đó. Có thể, bây giờ 1 người tạo Nhân tốt hay xấu, tùy nhân
duyên mà Quả tốt hay xấu có thể đến với người đó ở cuộc đời này, hay
kiếp sau, hay nhiều kiếp sau nữa… Ví dụ: nếu người đó sát hại người thì
Quả xấu sẽ là bị người giết lại hoặc mang bệnh hoặc bị đoản thọ ở cuộc
đời này, hay kiếp sau hay những kiếp về sau nữa…Như đạo hữu thấy đó, có
người giàu, nghèo, đẹp, xấu, sang, hèn, bệnh tật, khỏe mạnh, chết yểu,
sống lâu…Tất cả đều có Nhân Quả cả, không có tự nhiên mà có những sự sai
biệt như thế. Trong nhà Phật, không có gì là may rủi, hên xui với may
mắn cả. Muốn biết đời trước (hoặc nhiều kiếp trước) mình như thế nào,
thì xem lại Quả hiện tại mình như thế nào, nếu muốn biết Quả đời sau và
những đời sau như thế nào, thì xem lại Nhân hiện tại của mình tạo.
Đôi lúc mình không có khả
năng thấy biết hay chứng kiến tận mắt được Luật Nhân Quả thì không phải
là không có, mà thật sự là luật Nhân Quả là có, nhưng mình chưa có khả
năng hiểu và thấy biết luật Nhân Quả 1 cách toàn diện. Như đạo hữu muốn
có trái đu đủ (Quả), thì phải gieo hạt giống đu đủ (Nhân). Chứ không thể
gieo trái giống ổi mà ra trái đu đủ được.
Có người gieo Nhân đời này,
mà được hưởng Quả đời này hoặc có thể kiếp sau hoặc nhiều đời nhiều kiếp
sau mới hưởng cái Quả. Khi Nhân đã có, phải hội đủ duyên thì cái Quả mới
trổ. Ví dụ, như gieo hạt giống đu đủ (Nhân), thì phải có duyên hội tụ
đầy đủ là điều kiện khác, yếu tố môi trường như đất, nước, ánh sáng,
người chăm sóc…khi nhân duyên đã đầy đủ mới ra trái đu đủ (Quả). Nhân
Quả cũng thế. Khi đã có Nhân thì phải có đầy đủ duyên khác, khi nhân
duyên đã đầy đủ lúc đó Quả đến, trong đạo Phật dùng từ là Định Nghiệp
thì lúc đó có chui vào lòng đất, trốn trong hang, bay lên trời cũng
không tránh được cái Quả. Cho dù trước đó là mình là phàm phu mà tạo
Nhân xấu, nhưng khi mình tu tới quả vị Thánh thì vẫn trả Quả xấu mình
tạo ra lúc còn phàm phu. Trong nhà Phật có câu: Bồ Tát sợ Nhân, chúng
sanh sợ Quả. Bồ Tát thấy được luật Nhân Quả, nên không tạo Nhân ác để
tránh Quả ác. Chúng sinh không thấy luật Nhân Quả nên tạo Nhân xấu, khi
Quả xấu tới thì mình sợ. Luật Nhân Quả, mình phàm phu chưa hiểu hết luật
Nhân Quả 1 cách toàn diện, nhưng trong cuộc sống, mình ít nhiều cũng
thấy phần nào đó.
Không phải lúc nào mình tạo
Nhân gì thì mình lãnh Quả đó. Nếu mình biết cách chuyển thì Quả xấu sẽ
nhẹ hơn mức độ nào đó. Nếu mình làm nhiều điều thiện, điều lành, sám hối,
bố thí, trì giới, trì danh hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, tạo các Công Đức
lành…Nếu mà Nhân xấu thì Quả xấu sẽ nhẹ hơn ở mức độ nào đó, chứ không
phải là Quả xấu hoàn toàn mất tất cả. Nếu như 1 nắm muối bỏ vào tô nước,
tô nước đó sẽ rất mặn, nếu cũng cùng 1 nắm muối, nếu bỏ vào hồ nước thì
hồ nước sẽ đỡ mặn hơn nhiều. Cũng như thế, nếu mình biết làm nhiều điều
lành, điều thiện, sám hối, bố thí, trì giới, trì danh hiệu NAM MÔ A DI
ĐÀ PHẬT, tạo các Công Đức lành… Thì mình sẽ chuyển đổi cái Quả xấu mình
ở mức độ nhẹ nào đó, chứ không mất hoàn toàn. Bên cạnh đó, mình đừng nên
tạo những Nhân xấu, ác khác nữa. Ví dụ như: đừng nên sát sanh và ăn đồ
mặn nữa…
Đạo hữu thấy không sống
trong kiếp sống sanh tử luân hồi này rất nguy hiểm và đau khổ. Ví dụ như
việc ăn mặn này, theo quan niệm thế gian nhiều người cho rằng ăn mặn
không phải là điều xấu. Quan niệm sai lầm như thế, đã kéo nhiều người
tạo Nhân xấu, mà những người đó không hề hay biết. Kết quả là những
người đó phải chịu Quả Báo xấu sau này. Mình sống trong cuộc sống này
khi chưa biết Phật Pháp ít nhiều gì tâm mình cũng bị nhiễm bởi những
quan niệm sai lầm như những người trên như thế, và tạo những Nhân xấu
như thế. Những người quan niệm sai lầm như trên thật đáng thương, họ si
mê và còn đi vào trong tối, thì thử hỏi chừng nào họ mới thoát khỏi sanh
tử luân hồi đau khổ. Chúng ta biết Phật Pháp, đừng nên tạo Nhân xấu, để
đừng rơi vào Tam Ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) để chịu nhiều đau
khổ và khó ngày ra khỏi. Nay mình biết Phật Pháp, biết sát sanh, ăn mặn
là những điều ác thì mình nên tránh.
Đạo hữu nên tu theo Pháp
Môn Tịnh Độ để được vãng sanh Cực Lạc sau kiếp này. Vãng sanh Cực Lạc
tức là đạo hữu không còn sanh tử luân hồi đau khổ nữa. Theo đạo Phật,
đây là thời Mạt Pháp, sau thời Mạt Pháp này qua rồi, Phật Pháp bị diệt
phải đợi rất rất rất lâu thì Phật mới ra đời. Nếu mình đánh mất cơ hội
tu theo pháp môn Tịnh Độ cuộc đời này, mình sanh tử luân hồi lại rất là
đau khổ và nguy hiểm, cho dù ở cõi Người đi chăng nữa lúc đó ngoại đạo,
những người ác, những cái ác và cái xấu sẽ rất nhiều và lẫy lừng trong
xã hội. Lúc đó không gặp Phật Pháp thì làm sao mình thoát khỏi sanh tử
luân hồi tới lúc đó mình rơi vào Tam Ác đạo là địa ngục, ngạ quỷ và súc
sinh rất là dễ. Thêm vào đó, nếu mình tái sanh ở cõi này, nếu không gặp
được Phật Pháp, tới lúc đó gặp nhiều cái ác, cái xấu, người xấu, người
ác, không có thiện tri thức hướng dẫn mình tu theo Chánh Pháp (Phật Pháp),
tức là bỏ cái xấu, cái ác, làm điều thiện điều lành…Thì mình rất dễ rơi
vào Tam Ác Đạo (là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Tới lúc đó chịu rất
nhiều đau khổ và thời hạn bị đọa cũng rất là lâu. Những điều trên tôi
không nói dối vì tôi có thọ trì năm giới cấm (trong đó có giới cấm không
nói dối) và những điều trên tôi nói đúng với Phật Pháp và đúng với những
lời Thầy dạy
Đạo hữu nên nhớ tu theo
pháp môn Tịnh Độ (tức là Pháp Môn Niệm Phật), có Tín (nghĩa là lòng tin
chân thật, tha thiết, bền vững), Nguyện tha thiết, Hạnh (nghĩa là đạo
hữu chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT nhiều
mỗi ngày và giữ trọn đời không thay đổi). Lúc lâm chung cố giữ sao cho
được mười niệm tiếp nối liền nhau. Thì đạo hữu chắc chắn sẽ được vãng
sanh Cực Lạc sau khi lâm chung ở cuộc đời này. Vãng sanh Cực Lạc tức là
đạo hữu không còn sanh tử luân hồi đau khổ nữa.
Chúc đạo hữu thân tâm đều
an lạc và tất cả được sớm vãng sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà ở
Tây Phương.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Cư Sĩ Thiện Thông,
Đây là những phần trích trong những bài viết của những Thầy mà tôi đã
trích. Đạo hữu nên đọc để hiểu thêm những điều hại và nguy hiểm do ăn
mặn (ăn mạng) gây ra
Khai Thị Về Ăn Chay
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Mỗi
người đều có nhân quả báo ứng của riêng mình. Hễ tạo nghiệp gì
thì chịu quả báo đó. Không những chỉ có loài người là phải chịu
quả báo mà tất cả chúng sanh cũng vậy; tạo nghiệp từ xưa, ngày
nay gặt quả. Ðiều đó không dễ hiểu đâu. Ví như bị đọa làm súc
sinh hoặc ở nơi ác đạo thì rất khó khôi phục lại thân người; nên
nói rằng:
Nhất
thất nhân thân,
Vạn kiếp
nan phục.
Nghiã là:
Thân
người mất rồi,
Vạn kiếp
khó tìm.
Trên thế gian, có hai
loại nhân: một là nhân thiện, hai là nhân ác. Khi mình trồng
nhân thiện thì gặt quả thiện, khi trồng nhân ác thì gặt quả ác.
Song,
cái nhân ác lớn nhất là gì? Tức là sát sinh! Con người nếu phạm
Ngũ Giới (sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu) thì sẽ
rất dễ đọa vào ba ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) và cũng
rất dễ thành kẻ đầy dẫy tri kiến sai lầm, tà vọng, không tin
Phật Pháp, không kính Tam Bảo. Ðọa vào ba đường ác (địa ngục,
ngạ quỷ, súc sanh) rồi thì khổ không cách gì nói được.
Tội lỗi
lớn nhất mà mình đã phạm là gì? Tức là sát sinh, ăn thịt. Nếu
bạn ăn thịt của người thì sau đó người sẽ ăn thịt của bạn lại.
Hỗ tương ăn thịt lẫn nhau, hỗ tương chém giết, rồi hỗ tương đọa
lạc. Một khi đã đọa lạc thì khó mà tiến lên được, đó là điều hết
sức nguy hiểm, là đi vào "hiểm lộ" vậy.
Khi mình giết súc vật thì cũng tạo ra một thứ oán hận trong tâm
chúng; lúc gần chết vì quá khủng khiếp và sợ hãi nên chúng nảy
sinh lòng cừu hận muốn báo thù. Bởi vậy từ nơi lòng oán hận phẫn
uất ấy phát tiết ra một độc tố thấm suốt da thịt chúng, nên hễ
ai ăn thịt chúng thì giống như ăn phải chất độc vậy! Lúc ăn thì
không thấy hại, nhưng dần dà sẽ mắc đủ chứng bịnh kỳ quái mà
chẳng có thuốc gì cứu nổi.
Ăn
Chay
Thích Thiện Hoa
2. Vì muốn tránh quả
báu luân hồi
Phật dạy: "Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến
nay, cứ tạo nhân tội ác, sát hại ăn thịt lẫn nhau, nên bị ác quả,
là sanh tử luân hồi mãi trong sáu đường". Kinh Lăng Nghiêm nói:
"Hễ giết một mạng thì hãy trả lại một mạng; tâm giết hại chẳng
dứt trừ, thì không thể nào ra khỏi trần lao được." Vậy muốn
tránh oan báo luân hồi, tránh các điều tội lỗi thuộc về giới sát.
Phật tử phải ăn chay. Nếu ăn mặn hoài thì không thể nào hết nợ
thân mạng và nợ xương thịt, máu huyết được.
3. Vì hợp vê sinh
Không phải mới từ nay mà từ ngàn xưa, một
triết gia, ông Senèque, đã nói rằng: "Mỗi bữa ăn, người ta dùng
thịt là tự đầu độc, thành thử con người tự sát ngấm ngầm mà
không hay biết, do đó con người bị mạng yểu, chết sớm". Thật thế,
ngày nay những nhà y khoa bác sĩ trứ danh như ông Soteyko, Varia
Kiplami có nói: "Trong các thứ thịt, có nhiều chất độc rất nguy
hiểm cho sức khỏe con người". Bằng chứng cụ thể là rau cải để
lâu ngày thì héo khô, hoặc ung bấy mà ít hôi; còn thịt cá để lâu
ngày thì sình, ương, hôi tanh không ai chịu nổi, và khi ăn vào,
ta thấy trong người rất nặng nề, mệt nhọc ,khó tiêu. Hơn nữa,
các loài thú vật, thường mắc bệnh này hay bệnh khác như: bệnh
lao, bệnh thương hàn v.v...,nếu chúng ta ăn vào, sẽ vướng bệnh,
rất nguy hiểm.
Ðể tránh những bệnh tật, và tăng sức khỏe,
chúng ta nên ăn nhiều rau cải. Các nhà khoa học, cũng như các
nhà y học Ðông, Tây đều công nhận đồ ăn chay là nhẹ nhàng, thanh
khiết, dễ tiêu hóa và có nhiều sinh tố rất bổ. Bởi thế, ở nước
Nhật có hội "Tổ Thực Chủ Nghĩa", ở Pháp, Ðức, Anh, Mỹ đều có "Thảo
Mộc Thực Hội".
Có nhiều người có thành kiến sai lầm rằng: ăn
thịt cá, mới có đủ sức mạnh. Thật ra, người ăn thịt không có sức
mạnh và sức chịu nhọc dẻo dai bằng người ăn chay trường. Chính
Giáo sư Irwin Fischer ở Ðại học đường Yale, sau nhiều cuộc thí
nghiệm, đã long trọng tuyên bố rằng:
"Ăn thịt hay ăn những vật có nhiều chất đạm,
sẽ làm cho con người không đủ sức chịu nhọc, không khác nào như
người uống rượu".
Bà White, một bác học gia cũng đã tuyên bố
rằng:
"Các thứ hột, các thứ trái cây, đậu và rau
cải là những thức ăn mà thiên nhiên đã dành để nuôi chúng ta.
Các thức ăn ấy nấu nướng một cách giản dị, thì rất hợp vệ sinh
và rất bổ. Nó làm cho thân thể tráng kiện, tinh thần sáng suốt
và tránh biết bao nhiêu bệnh tật".
Ăn Chay, Sát Sanh và Quả Báo
Tác giả:
Thích Tâm Anh
1. ăn chay được mạnh
khoẻ, sống lâu
Thứ nhất:
thức ăn chay không độc, thịt có độc
Thức ăn chay phần nhiều đều là rau quả, sinh
trưởng lớn lên từ đất, hoặc rong biển… đã nhiều dinh dưỡng lại
không có độc tố. Những thực vật này giúp máu giữ được chất kiềm
– đây muốn chỉ máu ấy trong sạch. Y học gọi là kiềm tính thực
vật. Thực phẩm có thịt ăn vào có thể khiến cho máu mang tính
chua – đây muốn chỉ máu ấy dơ, do đó thịt được gọi là thực phẩm
mang tính chua. Người ăn chay máu sạch, nên tuần hoàn nhanh,
khiến cơ thể nhẹ nhõm thoải mái, hoạt bát, chịu đựng giỏi, suy
nghĩ nhanh lẹ và sống lâu. Như Hòa thượng Triệu Châu, một cao
tăng Phật giáo đời Đường sống đến 150 tuổi. Hòa thượng Hư Vân
thời cận đại sống được 120 tuổi. Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Đài Loan,
nhờ nhiều năm trường trai, 95 tuổi mà vẫn sáng suốt. Những điều
này đều là hiện thực chứng minh ăn chay mạnh khỏe, sống lâu. Lại
như quán quân bơi lội Mậu-lâm-la-tư của thế vận hội Olimpic, lần
đầu tiên, tốc độ của anh ta thật kinh người. Là vận động viên
nổi tiếng nhất, anh ta là một người ăn chay. Theo báo cáo của
Kiện Đức, một nhà hóa học trứ danh Pháp quốc, ông ta phát hiện
thực phẩm thịt là một loại thực phẩm trúng độc mang tính chậm.
Bởi vì xuất xứ của thịt là từ heo, dê, gà, vịt… mà động vật lúc
vội vàng, giận dữ hoặc sợ hãi thì trong cơ thể sản sinh một vật
tiết ra độc tố, độc tố ấy nhanh chóng truyền khắp các mạch máu
vi tế và thịt trong toàn thân. Vật tiết độc chất này thông
thường đều đầy trong cơ thể, tác dụng “cái mới thay đổi cái cũ”
bài xuất ra ngoài, hoặc ra bằng đường đại tiểu tiện. Nếu con vật
bị giết trong lúc đang giận dữ hoặc sợ hãi, bộ máy cơ thể bị
đình chỉ hoạt động, vật tiết xuất độc tố này không được bài xuất
ra, vẫn tồn đọng trong máu thịt. Nếu ăn vào loại thịt này, tất
bị trúng độc tố ấy. Cho nên, ăn thịt bằng với trúng độc mang
tính chậm. Đã từng có người thí nghiệm qua. Động vật trong lúc
giận dữ hoặc sợ hãi, chất tiết độc tố mà cơ thể sản sinh ra, nếu
hút ra bằng ống thủy tinh, chỉ cần độc tố bằng một cây nhang đã
có thể giết chết một mạng người. May mà độc tố này khi gặp rau
quả, bị hóa giải bớt một phần nào.
Thứ hai:
Nhân loại nên ăn chay, chớ nên ăn thịt
Theo tiến sĩ Hàn Đinh Đốn của trường đại học
Ca-luân-tỷ-á Mỹ quốc, đã từng giải phẫu phân tích đường ruột,
chứng minh con người thích hợp ăn chay mà không thích hợp ăn
thịt. Ông ta giải thích ruột non của động vật ăn thịt thì ngắn,
ruột già thẳng và trơn nhẵn; ruột non của động vật ăn chay thì
dài, ruột già cũng dài; ruột của động vật ăn thịt lẫn ăn chay
dài hơn động vật ăn thịt, ngắn hơn động vật ăn chay. Ruột già
của con người dài khoảng 5 – 6 mét và quằn tới quằn lui, vách
ruột không láng đồng thời chồng lên một đống. Đường ruột như thế
chỉ thích hợp với ăn chay, không thích hợp với ăn thịt. Bởi vì
thịt ít chất xơ, sau khi tiêu hóa để lại cặn bã. Ruột của con
người tương đối dài, thức ăn ở trong ruột quá lâu sẽ sinh ra độc
tố, tăng thêm gánh nặng cho gan. Gan quá sức chịu đựng sẽ trở
nên xơ cứng, thậm chí ung thư. Lại nữa, trong thịt có rất nhiều
a xít uric, Urê, ăn vào tăng thêm gánh nặng cho tạng thận, dẫn
đến bệnh thận. Vả lại, thịt ở trong ruột già, ruột non phải qua
sự hấp thu quá độ không cần thiết. Và thịt vốn lại thiếu chất xơ,
dễ tạo nên táo bón, dẫn đến bệnh trĩ và ung thư trực tràng. Sự
phân tích đường ruột con người trên đây, đủ để chứng minh con
người ăn thịt là “tự rước họa vào thân”.
Thứ ba: Thức
ăn thịt dễ dẫn đến bệnh tật
Sự nguy hại lớn nhất đến sức khỏe của người
già, trung niên là colesterin, mà hàm lượng colesterin tương đối
có nhiều trong não, thần kinh, máu, nước mật, lòng vàng trứng và
mỡ… của động vật. Colesterin là chủ thể cấu thành hocmon của
tuyến thượng thận và vitamin D. Tố chất dinh dưỡng này, thanh
niên, trung niên hấp thu một lượng vừa phải rất là hữu ích. Nếu
trong máu của một người chứa colesterin quá nhiều, sẽ dẫn đến xơ
cứng động mạch, bệnh tim, bệnh cao huyết áp… Tuổi trung niên trở
lên thì cơ thể, sinh lý có chiều hướng suy dần. Tất nhiên, cần
phải tránh ăn nhiều thực phẩm thịt hàm chứa phong phú chất
colesterin để giữ sức khỏe cơ thể.
Lại một chứng minh nữa: nhà dinh dưỡng học
Kha-lâm-tư, Mỹ quốc nói: “Nhân loại nếu có thể bỏ ăn thịt, thì
sẽ thu được lợi ích vô cùng”. Ăn chay có thể giữ lâu tuổi trẻ,
tinh lực dồi dào, đầu óc mẫn tiệp, da thịt mềm mại, đây là hiện
tượng của tuổi trẻ. Ngược lại, thân thể mệt nhọc, thần trí hôn
ám, da thịt xù xì, lộ ra dáng vẻ lão hóa. Nay lấy ba cái này làm
chuẩn, so sánh giữa ăn chay và ăn mặn, nhà dinh dưỡng học Chu Tu
Tuệ nói: “Ăn nhiều thực phẩm có thịt, trong y học gọi là thực
vật mang tính chua, có thể làm cho máu mang tính chua, máu dơ.
Lúc muốn trung hòa tính chua này, chất canxi trong máu phải tiêu
hao lượng lớn. Lượng canxi mất, tế bào sẽ bị lão hóa, cơ thể mỏi
mệt không sức chịu đựng, dễ đưa đến thần trí hôn ám và suy yếu.
Còn ăn nhiều rau xanh, trái cây, những thực vật mang tính kiềm
này, có thể làm cho máu giữ được chất kiềm, máu trong sạch,
khiến cho cơ thể nhẹ nhàng, thoải mái, chịu đựng giỏi, đầu óc
nhanh nhạy đồng thời có thể sống lâu”.
Trên đây, đã đối chiếu sức khỏe và tinh thần
của người ăn chay và người ăn mặn, rõ ràng đã thấy: một giữ được
vẻ thanh xuân, một suy yếu lão hóa. Sự láng mịn và xù xì của da,
chỉ nhìn qua ta có cảm giác ngay là già hay trẻ. Cho nên, da
thịt mịn màng là điều kiện chính của sự trẻ mãi. Ăn chay làm sao
giữ được nước da mịn màng? Điều này cần phải nói từ thực phẩm
dầu mỡ nào mà người ăn chay đã ăn. Giá trị dinh dưỡng của mỡ là:
thứ nhất, cung cấp nhiệt năng. Thứ hai, duy trì nhiệt độ cơ thể,
bảo vệ nội tạng và làm tươi nhuận da. Thứ ba, giúp đỡ hấp thu
vitamin. Chất mỡ quá nhiều làm cho người ta mập, dễ mắc bệnh cao
huyết áp, mạch máu não cho đến các bệnh tim, gan, phổi, thận…
Nếu mỡ quá ít khiến cho người ta gầy gò, dễ mắc các chứng suy
nhược cho đến các bệnh về da. Có hai nguồn mỡ: một là mỡ từ động
vật, như mỡ của heo, dê và thịt mỡ, gọi là mỡ động vật. Hai là
mỡ từ nhân thực vật, như dầu phụng, dầu đậu nành, gọi là dầu
thực vật. Sự hơn thiệt của hai loại dầu mỡ này khác nhau rất lớn.
Mỡ động vật là mỡ bão hòa, nhiều colesterin, dễ dẫn đến xơ cứng
động mạch, cao huyết áp, bệnh tim, cũng có lợi cho việc sinh sản
ung thư tế bào. Dầu thực vật không phải là dầu bão hòa, có thể
thúc đẩy tăng gia bài tiết tính chua của nước mật, làm cho
colesterin xuống thấp, tránh được bệnh tim và các chứng huyết
quản khác. Từ đó có thể thấy, người ăn chay sử dụng dầu thực vật,
quả thật là một yếu tố lớn để khỏe mạnh tươi da. Hàm lượng dầu
trong thực vật, nhiều nhất là ở hồ đào, chứa 66.90%. Thứ hai là
đậu phụng, chứa 48.70%. Thứ ba là mè trắng, chứa 48.23%. Thứ tư
là đậu nành, chứa 20.20%. Những dầu này đều không phải là dầu
bão hòa, ăn vào có ích không hại. Hàm lượng mỡ trong động vật,
nhiều nhất là ở thịt heo, chứa 57.80%. Thứ hai là thịt dê, chứa
25.00%. Thịt bò chứa 13.50%. Nhưng những loại mỡ này đều thuộc
mỡ bão hòa, chứa rất nhiều colesterin, dễ dẫn đến bệnh tim, bệnh
huyết quản.
4. Người ăn chay tăng
trưởng lòng từ bi
Ăn chay đối với nhân loại mà nói, không
kể là giữ được thân thể khỏe mạnh, hay tránh được nhân quả
nghiệp báo, những lợi ích khác không thể nói cùng. Lại từ một
người khuếch đại đến quốc gia xã hội, khiến cho xã hội an lành,
thế giới hòa bình, có thể thấy lợi ích của ăn chay thật không
thể tính đếm. Trong vô lượng lợi ích, tôi cho rằng lợi ích lớn
nhất của ăn chay, phải là tăng trưởng lòng từ bi.
Sát sinh ăn thịt thật là ác nghiệp, tất phải
thọ báo không còn nghi ngờ gì nữa. Có điều là thọ báo tùy theo
tâm giết và cách giết tàn nhẫn hay không mà có nhanh chậm, nặng
nhẹ, không thể nói một cách khái quát. Nếu sau khi sát sinh, sám
hối tu thiện cũng có thể chuyển hậu báo thành hiện báo, trọng
báo thành khinh báo. Tôi vì muốn để cho mọi người hiểu một cách
thiết thực việc ác báo sát sinh ăn thịt, không ngại hiện thân
thuyết pháp.
Làm sao tránh kiếp đao
binh
1. Cội gốc đưa đến chiến
tranh
Chúng ta phải hiểu rõ rằng, hết thảy nỗi thống khổ
của chiến tranh từ đâu mà có? Không có điều gì là không có nhân quả. Quá
khứ tạo nhân bát khổ, thì hiện tại phải chịu quả bát khổ. Hiểu được quan
hệ của nhân quả thì biết ngay kiếp can qua cũng là một loại quả báo.
Nhưng có một số người không tin vạn pháp đều có lý nhân quả. Bởi không
học Phật, cho nên họ không tin lý nhân quả. Không tin nhân quả, vậy can
qua nguyên nhân do đâu? Trí tuệ của phàm phu chỉ biết được hiện tại.
Cách nhìn của phàm phu thế gian và cách nhìn của Thánh nhân căn bản
không giống nhau. Cách nhìn của phàm phu chia làm hai loại: thứ nhất, họ
cho rằng kiếp can qua là do bọn xâm lược chủ nghĩa đến quốc gây ra, muốn
chinh phục thế giới mà gây nên chiến tranh. Cách nhìn thứ hai, họ cho
rằng do bọn dã tâm trong nước không giữ bổn phận, nhiễu loạn trị an nội
bộ, tạo phản dẫn đến đánh nhau, nên đã xảy ra kiếp nạn can qua. Phàm phu
thường tình cho hai điều này chính là nguyên nhân gây nên chiến tranh.
Thật ra, đây hoàn toàn không phải là nguyên nhân chính, chẳng qua chỉ là
một trợ duyên mà thôi. Kiếp can qua là duyên, vậy thì nhân của nó ở đâu?
Điều này không phải là cái mà kẻ thường tình có thể hiểu được, phải là
bậc Thánh trí tuệ siêu xuất mới có thể thông tỏ.
2. Trí tuệ bậc thánh
có thể thấy được quá khứ
Phật Pháp vô biên. Chỉ có Phật giáo mới có thể nói rõ
được nguyên nhân vì sao xảy ra chiến tranh. Chúng ta đưa ra một ví dụ:
Gieo hạt giống dưa xuống đất, đó gọi là nhân. Sau hạt giống nảy mầm, lớn
lên ra trái, gọi đó là quả. Trợ duyên chính là điều kiện sinh trưởng.
Giống như sau khi gieo hạt giống xuống, phải tưới nước, bón phân, có ánh
sáng mặt trời mới sinh ra quả. Cho nên, chắc chắn có nhân, có duyên mới
có quả. Như vậy, xem ra rõ ràng hơn rất nhiều. Thấy quả thì biết ngay
nhân, giống như thấy dưa thì biết ngay dưa là từ hạt giống dưa mà có.
Hiện tại, sở dĩ bị quả báo chiến tranh, là do đời trước tạo nhân chiến
tranh. Quý vị phải biết, quả báo của chiến tranh là chết chóc, thì nhân
của nó chắc chắn phải là nhân giết chóc. Lại thêm trợ duyên của bọn dã
tâm và chủ nghĩa đế quốc, nên đã xảy ra quả báo chiến tranh. Nhưng rất
tiếc, phàm phu không biết được nhân này, chỉ có Phật, Bồ tát mới hiểu rõ
được. Điều này không phải nói dóc hay suy đoán. Phật, Bồ tát có thiên
nhãn thông, cho nên thấy rất rõ nhân quả của chiến tranh, thấy được
chúng sinh từ xưa đến nay luôn tạo nghiệp sát, không ai là không sát
sinh. Và sát sinh được phân làm hai: một là trực tiếp giết, hai là gián
tiếp giết. Tạo hai nghiệp sát này, lâu này gặp duyên tất kết thành quả
chiến tranh. Vậy thì, thế nào là trực tiếp giết và gián tiếp giết? Đồ tể
trực tiếp giết heo, dê, bò gọi là trực tiếp giết. Vì ngày nào chúng ta
cũng ăn thịt nên đồ tể mới giết. Vì chúng ta họ mới giết, nên gọi là
gián tiếp giết. Hai loại này đều là nhân sát.
3. Thủ phạm giết chính
Mọi người đều cho rằng, tội của người giết
nặng còn tội của người ăn nhẹ, điều này không đúng. Luật pháp
chính phủ, phạm tội cũng chia làm hai loại, đó là chủ phạm và
tòng phạm.
Chủ phạm chính là tự tay mình làm, tòng phạm
là hùa theo. Vậy thì người trực tiếp giết là chủ phạm hay là
người ăn là chủ phạm? Điều này không nhất định. Thí như lúc đồ
tể giết heo đi bán, lúc này đồ tể chính là chủ phạm, người mua
thịt là tòng phạm. Nhưng thịt không đủ bán, người mua thịt nhiều
quá, đồ tể bèn giết thêm, lúc này người mua thịt trở thành chủ
phạm, và đồ tể là tòng phạm. Cho nên, có nhân như thế nào thì
mỗi người tự chịu quả báo như thế ấy. Người thời nay không tin
lý nhân quả báo ứng bằng người xưa. Trước đây, không những dân
lành sợ nhân quả, mà ngay cả kẻ đồ tể cũng sợ nhân quả báo ứng,
nên lúc sắp giết heo, miệng họ luôn nói thế này: “Heo này! Heo
này! Mày đừng hận tao, mày là món ăn của thế gian, họ không ăn
tao không giết, mày hãy đòi nợ người ăn thịt ấy!”. Bạn xem,
chẳng phải người giết heo cũng sợ heo đến đòi mạng sao? Và rốt
cuộc heo đòi nợ người ăn hay là đòi nợ người giết? Tục ngữ có
câu nói rất hay: “Oan có gia trái có chủ”. Cho nên ăn có quả báo
của ăn, giết có quả báo của giết.
Trong kinh cũng có một bài kệ rằng: “Cho dù
trăm ngàn kiếp, nghiệp tạo ra hãy còn. Lúc gặp phải nhân duyên,
quả báo phải nhận chịu”. Nghĩa là: Giả sử có trải qua trăm ngàn
kiếp đi nữa, một thời gian lâu dài như thế, thì những nghiệp tốt
xấu mà mỗi người ra tạo cũng không mất. Nên biết, giữa nhân và
quả còn có cái duyên, khi nhân gặp duyên thì mình vẫn phải chịu
quả báo.
http://www.buddhismtoday.com/viet/anchay/khuyendunganmang.htm
|
|