HỎI : Có mấy loại thiền ?
ĐÁP : Đức Phật dạy có nhiều loại thiền khác nhau, mỗi
loại đều có phương cách đối trị mỗi vấn đề riêng biệt hay để phát
triển trạng thái tâm lý đặc biệt. Nhưng có hai loại thiền phổ biến
và thường được sử dụng nhiều nhất là quán niệm hơi thở và quán từ
bi
HỎI : Nếu tôi muốn thực hành pháp môn thiền quán niệm
hơi thở thì tôi phải làm sao ?
ĐÁP : Bạn phải làm theo các bước sau đây, có bốn điều
cần biết: nơi chốn, tư thế ngồi, thực hành và những trở ngại .Trước
hết bạn tìm một chỗ ngồi thích hợp, có thể một căn phòng không ồn
ào và nơi đó bạn không bị quấy rầy. Ngồi tư thế tốt là chân bạn xếp
lại, dưới mông có một cái gối, lưng thẳng , hai bàn tay xếp lên nhau đặt
trên hai chân và mắt nhắm lại. Tùy theo sự lựa chọn, bạn có thể ngồi
trên ghế và giữ lưng thẳng lâu như bạn muốn.
Bước tiếp theo bạn phải áp dụng đúng như thế. Trong lúc
ngồi yên tịnh với mắt nhắm lại , bạn tập trung vào sự chuyển động
của hơi thở vô và hơi thở ra. Phép thiền này có thể làm bằng cách đếm
hơi thở hay theo dõi sự phình lên và xẹp xuống của bụng. Khi ngồi thiền
có thể có một số vần đề và khó khăn phát sinh. Bạn có thể thấy ngứa
ngấy khó chịu trên cơ thể và đau nhức nơi đầu gối. Nếu điều này xảy
ra, hãy cố gắng giữ cơ thể thư giản, không nhúc nhích và tiếp tục tập
trung vào hơi thở. Có thể sẽ có nhiều ý nghĩ xuất hiện ở tâm bạn
và làm xao lãng việc chú ý vào hơi thở của bạn. Cách duy nhất giải quyết
việc này nên trở lại chú ý hơi thở một cách kiên nhẫn. Nếu bạn tiếp
tục làm như thế, cuối cùng ý nghĩ kia sẽ yếu đi và việc định tâm của
bạn sẽ tốt hơn và bạn sẽ có được giây phút đi sâu vào sự an lạc
và thanh tịnh nội tâm.
HỎI : Tôi nên ngồi thiền bao lâu ?
ĐÁP : Thật là tốt để ngồi thiền mỗi ngày 15 phút, sau
đó cố gắng tăng thêm năm phút mỗi tuần cho đến khi bạn có thể hành
thiền trong 45 phút. Sau một vài tuần lễ ngồi thiền đều đặn như vậy,
bạn bắt đầu thấy việc định tâm sẽ tốt hơn, những ý tưởng tán loạn
sẽ giảm dần và bạn sẽ có những giây phút an lạc và yên tĩnh thật sự.
HỎI : Còn Quán từ bi là gì ? Cách thực hành ra sao ?
ĐÁP : Khi bạn quen thuộc với pháp môn quán hơi thở và thực
hành đều đặn rồi, bạn có thể bắt đầu thiền Quán từ bi. Phép quán
này nên thực hiện hai hay ba lần mỗi tuần sau khi thực hành quán hơi thở.
Trước tiên, bạn phải quay về quan tâm chính mình và tự nói những lời
như "Cầu mong cho tôi được khỏe mạnh và hạnh phúc. Cầu mong cho
tôi được an lạc và bình yên. Cầu mong cho tôi thoát khỏi mọi hiểm
nguy. Cầu mong tâm tôi không còn sân hận. Cầu mong tâm tôi đầy ấp tình
thương. cầu mong cho tôi khỏe mạnh và hạnh phúc". Kế đó bạn tiếp
tục rải tâm từ bi đến với người thân, những bạn bình thường, và
cuối cùng là những người mà bạn không thích, ước nguyện cho họ an
vui, khỏe mạnh như bạn từng ước mong cho mình vậy.
HỎI: Lợi ích của loại thiền quán từ bi này ra sao ?
ĐÁP: Nếu bạn thực hành đều đặn thiền quán từ bi
này với thái độ đúng đắn, bạn sẽ thấy trong bạn sẽ thay đổi theo
hướng tích cực . Bạn sẽ thấy mình có thể hướng tới việc chấp nhận
và tha thứ . Bạn sẽ thấy tình cảm dành cho người mình thương gia tăng
thêm. Bạn sẽ thấy mình thân thiện hơn với những người mà trước đây
mình thờ ơ và không quan tâm và bạn sẽ nhận thấy những ác cảm hay
oán giận mà bạn đã có với người nào đó nay sẽ giảm xuống và cuối
cùng sẽ biến mất . Thỉnh thoảng nếu bạn biết ai đó đang bệnh, buồn
rầu hay gặp khó khăn, bạn có thể nghĩ đến họ trong lúc hành thiền và
thường thì bạn sẽ thấy tình cảnh của họ được cải thiện.
HỎI: Điều ấy có thể như thế nào ?
ĐÁP: Tâm trí, khi phát triển thích hợp sẽ là một phương
tiện hùng mạnh. Nếu chúng ta biết tập trung vào năng lực tinh thần để
hướng đến người khác thì sẽ có ảnh hưởng đến họ. Hẳn bạn đã
có kinh nghiệm như thế. Có lẽ bạn đang ở trong một phòng đông người
và bạn có cảm giác rằng ai đó đang chú ý đến mình. Bạn xoay một
vòng xem và biết chắc là ai đang nhìn chằm chằm vào mình. Điều gì đã
xảy ra khi bạn bắt được năng lực tinh thần của người khác. Thiền
quán từ bi cũng giống như vậy . Chúng ta hướng năng lực tích cực của
tinh thần tới người khác và dần dần sẽ chuyển hóa được họ.
HỎI : Tôi có cần một người thầy hướng dẫn hành thiền
không ?
ĐÁP : Một người thầy thì hoàn toàn không cần thiết nhưng
một sự hướng dẫn cá nhân chuyên môn về thiền thì chắc chắn có ích.
Tiếc thay, một số tu sĩ và cư sĩ tự xem mình là thiền sư, kỳ thực họ
không biết mình đang làm gì. Hãy cố gắng chọn một người thầy đức hạnh,
có nhân cách và trung thành với lời Phật dạy.
HỎI : Tôi nghe rằng thiền định ngày nay được các nhà
tâm lý học và chuyên gia về tâm thần áp dụng rộng rãi. Điều đó có
đúng không?
ĐÁP : Vâng, đúng như thế. Ngày nay thiền được tiếp nhận
như một liệu pháp cao cấp ảnh hưởng sâu rộng và được nhiều chuyên
viên về sức khỏe tâm thần sử dụng để giúp làm thư giản và vượt
qua những ám ảnh và mang đến sự tỉnh thức . Sự soi sáng của Đức Phật
cho tâm trí nhân loại đang giúp rất nhiều cho con người hôm nay cũng giống
như đã từng giúp cho con người thời xưa.