Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Hà Tiên Trong Tôi
Tâm Chơn

 

Khi biết tôi sống ở Hà Tiên, có nhiều người đã hỏi:“ Nghe nói Hà Tiên đẹp lắm phải không?” Còn với những người đã đến Hà Tiên rồi, dù chỉ mới lần đầu hay đã đến nhiều lần thì đều có chung nhận xét: “Hà Tiên nhỏ mà đẹp”.

Thật vậy. Hà Tiên không phải là một đô thị sầm uất với nhiều nhà cao tầng, ồn ào, náo nhiệt. ø Hà Tiên chỉ là một thị xã nhỏ thuộc tỉnh Kiên Giang, nơi cuối miền Tây Nam tổ quốc. Tương truyền vì nơi đây có nhiều cảnh đẹp, non nước hữu tình nên thuở xa xưa thường có tiên xuất hiện. Từ đó có tên gọi là Hà Tiên.

Hà Tiên xưa kia thuộc vùng đất Mang Khảm do ngài Mạc Cửu, người Quảng Đông, Trung Quốc khai khẩn lập nên. Năm ất mão(1735) khai trấn Mạc Cửu từ trần, con là Mạc Thiên Tích thế tập. Mạc Cửu giỏi tài dụng binh, Mạc Thiên Tích giỏi văn chương thi phú. Và Mạc Thiên Tích chính là người  đã sáng lập nên tao đàn Chiêu Anh Các(1736).

Đến Hà Tiên bạn có thể đi theo hai hướng:

1.      Rạch Giá- Hà Tiên

2.      Châu Đốc – Hà Tiên.

Hà tiên từ xưa vốn là vùng đất có 10 cảnh đẹp mà đến ngày nay người ta vẫn còn truyền tụng là “ Hà Tiên thập cảnh”.

Trong Văn học Hà Tiên, cố thi sĩ Đông Hồ đã có những nhận định rất tinh tế về Hà Tiên như sau:

“Ở đó, kỳ thú thay, như gồm hầu đủ hết.

Có một ít hang sâu động hiểm của Lạng Sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long, có một ít núi vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Một ít chùa chiền của Bắc Ninh, lăng tẩm của Thuận Hoá. Có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, có một ít Nha Trang, Long Hải.

Ở đây không có một cảnh nào to lớn đầy đủ; ở đây chỉ nhỏ nhắn xinh xinh mà cảnh nào cũng có.

Phân tích được điều đó rồi mới biết vì sao, ai đến thăm Hà Tiên, thoạt nhìn, không thấy có cảnh nào đặc sắc, mà sao lòng cứ như lưu luyến dễ say lòng.”

Nghĩ ø cũng lạ. Ngay như chính tôi đã có thời gian kha khá sống ở Hà Tiên và kể như là người Hà Tiên mà vẫn thấy là Hà Tiên đẹp. Dĩ nhiên cái đẹp của một Hà Tiên thơ mộng đáng yêu sẽ không theo cái kiểu “ rong bám chân cầu nhìn lâu cũng đẹp”. ø Hà Tiên trong mắt tôi ngày thêm “lưu luyến dễ say lòng” và chưa bao giờ cũ vậy.

Để rồi:

“Dù cho đi khắp trăm miền

Vẫn thương vẫn nhớ Hà Tiên ruột rà”.

Vâng! Tuy tôi biết đến danh thắng Hà Tiên từ thuở còn cắp sách nhưng để gọi là “say lòng” với vùng đất thần tiên này thì mới chỉ 10 năm nay. Và cũng kể từ những ngày đầu về đây sinh sống, tôi đã xem Hà Tiên là quê hương của mình.

 Mọi người đều có quyền tự hào về quê hương xứ sở của mình. Và với tôi, bên cạnh niềm tự hào về một “thành phố biển” Kiên Giang “có những cánh đồng lúa phì nhiêu, có rừng vàng, biển bạc, có hải đảo, đồi núi …” thì niềm tự hào về một Hà Tiên duyên dáng tức nhiên phải có. Bởi vì ở đó không chỉ có nhiều phong cảnh đẹp mà nó còn là một địa điểm cuối cùng của cuộc Nam tiến trường kỳ của dân tộc Việt.

Còn bạn! Dù bạn chưa đến Hà Tiên bao giờ hay đã từng tham quan non nước Hà Tiên rồi thì ít nhiều có nghe, có thấy nhắc đến 10 cảnh đẹp của Hà Tiên. Điều này cũng không có gì khó hiểu. Hà Tiên được nhiều người biết đến vì nó gắn liền với tên gọi “ Hà Tiên thập cảnh”. Cho nên, tôi xin được phép nhắc lại “thập cảnh” đó:

1. Kim Dữ Lan Đào.

Kim Dữ là hòn đảo vàng. Lan là ngăn chặn, như cánh cửa khép lại. Đào là sóng to. Kim dữ lan đào là hòn đảo vàng ngăn chặn sóng to gió cả ở cửa biển Hà Tiên.

2. Bình San Điệp Thuý.

Bình san là ngọn núi dựng như bức bình phong. Điệp thuý là lớp lớp, từng từng một màu xanh cánh trả. Bình san điệp thuý là ngọn núi như tấm bình phong sắc xanh lớp lớp.

3. Tiêu Tự Thần Chung

Tiêu tự là cảnh chùa vắng vẻ tịch mịch. Thần chung là tiếng chuông thỉnh mỗi sáng.

Tiêu tự thần chung là tiếng chuông buổi sáng sớm, ngân vang ở cảnh chùa tịch mịch.

4. Giang Thành Dạ Cổ

Giang thành là thành bảo đồn thú bên bờ sông. Dạ cổ là tiếng trống cầm canh ban đêm. Giang thành dạ cổ là tiếng trống cầm canh, ở chỗ đồn thú bên bờ sông, về ban đêm.

5. Thạch Động Thôn Vân.

Thạch động là động đá. Thôn vân là nuốt mây. Thạch động thôn vân là động đá nuốt mây.

6. Châu Nham Lạc Lộ.

Châu nham là ngọn núi như châu ngọc. Lạc lộ là đám cò trắng bay đáp xuống nghỉ cánh.

(Đặt là Châu nham vì trong động đá, thạch nhũ có chất tinh quang sáng chói, soi đuốc vào lóng lánh như châu ngọc. Lạc lộ vì ở đây có một cảnh tượng đặc biệt. Thuở họ Mạc khai phá Hà Tiên thì ở đây là cảnh ao đầm duyên hải. Trong đầm có dãy núi đá dựng thích nghi cho giống thuỷ cầm sinh hoạt).

Châu Nham Lạc Lộ là ngọn núi đá có đàn cò trắng bay đáp xuống nghỉ ngơi. Ngày nay gọi là núi Đá Dựng.

7. Đông Hồ Ấn Nguyệt.

Đông hồ là hồ phía Đông thành Hà Tiên. Vì hồ ở phía Đông nên khi trăng mọc thì nhô lên ngay giữa mặt nước gương hồ. Thi nhân nhìn thấy bóng trăng in xuống mặt hồ y như chiếc ấn tròn đóng trên tờ giấy bạch nên gọi là ấn nguyệt. Đông hồ ấn nguyệt là trăng in đáy nước hồ Đông.

8. Nam Phố Trừng Ba

Nam phố là bãi biển phía nam Hà Tiên. Trừng ba là lặn sóng.

Vì mùa giông nam ở Hà Tiên từ tháng tư đến tháng bảy, suốt mặt biển Tây Nam đâu đâu cũng có sóng gió non bạc trùng trùng. Nhưng có một cánh bãi tục gọi là bãi Ớt nhờ địa thế nằm nép khuất sau một mũi núi sóng gió không lọt vào được. Thành ra dẫu là mùa nam biển động mà cánh bãi nầy vẫn êm đềm lặng lẽ như mặt nước ao thu nên gọi là Nam phố trừng ba, tức là bãi biển phía Nam lặng sóng.

9. Lộc Trĩ Thôn Cư.

Lộc trĩ là mũi Nai, mũi núi như hình con Nai. Thôn cư là chốn thôn trại điền trang. Lộc trĩ thôn cư là xóm mũi Nai.

10. Lư Khê Ngư Bạc.

Lư khê là Rạch vược. Rạch vược là nơi có nhiều giống cá Vược. Ngư bạc là thuyền ngư đỗ bến. Lư khê ngư bạc là bến chài Rạch vược.

Để kết luận và để dễ nhớ danh xưng địa điểm mười cảnh của Hà Tiên, chúng ta có bài tổng vịnh của Mạc Thiên Tích như sau:

 

HÀ TIÊN THẬP CẢNH TỔNG VỊNH.

Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình

Non non nước nước gẫm nên xinh

Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy

Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh

Tiêu Tự, Giang Thành chuông trống ỏi

Châu Nham, Kim Dữ cá chim quanh

Bình San, Thạch Động là rường cột

Sừng sững muôn năm cũng để dành.

Như trên là tôi đã lược trích từ hai tác phẩm Văn Học Hà Tiên của Đông Hồ và Hà Tiên Thập Cảnh của Đông Hồ & Mộng Tuyết. Để có cái nhìn thấu suốt hơn xin mời bạn đọc vào nguyên tác.[1]

Cũng xin bạn cảm thông cho dùm, ở đây, tôi không dám bắt trước Lý Bạch, một nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc đã nghiêng mình trước cảnh đẹp của Hoàng Hạc Lâu và khâm phục tài thơ của Thôi Hiệu mà thốt lên rằng: Cảnh hay trước mắt nói không đặng/Thôi Hiệu đề thơ ở trên đầu. (Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc/Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu). Mà với tôi, quanh đi quẩn lại cũng không ngoài chữ nghĩa của tiền nhân. Thôi thì đành mượn cả lời lẫn ý của người xưa để bạn tinh tường vậy.

Dẫu thế, tôi cũng muốn lưu ý bạn rằng Hà Tiên không chỉ có “thập cảnh” mà còn có nhiều cảnh đẹp khác. Thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Tiên một tổng thể hài hoà giữa núi và biển. Nào là cụm danh thắng chùa Hang – hòn Phụ Tử với những hang Gia Long, giếng Tiên… Nào là động Mo So, bãi biển Hòn Heo, núi Tô Châu, núi Đèn, chùa Tam Bảo, chùa Phù Dung, mộ Bà cô năm…  đều là những di tích gắn liền với huyền thoại và lịch sử kháng chiến của mảnh đất Hà Tiên vốn thơ mộng mà kiên cường.

Hồi chưa đi học xa, vào những buổi chiều nhạt nắng tôi thường cùng một vài người bạn đi “khám phá” lại từng ngóc ngách của những núi đồi, hang động thuộc mảnh đất Hà Tiên. Cũng như mỗi khi có khách quen đi du lịch Hà Tiên, tôi đều tháp tùng đưa họ tham quan một vòng Hà Tiên.

Bây giờ cũng thế, cứ mỗi lần về Hà Tiên là tôi lại đi một vòng thưởng ngoạn. Từ đó tôi nhận ra một điều như cố thi sĩ Đông Hồ đã kết luận là “thoạt nhìn, không thấy có cảnh nào đặc sắc, mà sao lòng cứ như lưu luyến dễ say lòng”. Đối với những thắng tích của Hà Tiên, từng điểm, từng cảnh không mấy gì là đặc sắc cả. Nhưng nếu nhìn tổng thể sẽ thấy nơi Hà Tiên một cảnh sắc vời vợi, bâng khuâng…

Cho nên, sẽ thật thiếu sót nếu bạn đến Hà Tiên một cách vội vàng. Hãy thử dành trọn một buổi chiều ngồi lặng lẽ trên đỉnh Bình San cạnh lăng tẩm dòng họ Mạc mà hướng mắt nhìn một Hà Tiên thơ mộng với một bên là biển Đông, một bên là núi Tô Châu soi bóng xuống Đông Hồ. Hay bạn leo núi Tô Châu để nhìn bao quát một thị xã Hà Tiên đang từng ngày phát triển mà vẫn yên bình như một làng quê xưa. Rồi dõi mắt hướng xa xa là những dãy núi xanh của đất nước bạn giáng giềng. Cũng có thể bạn nên dành trọn một ngày để “thám hiểm” từng hang động trong núi Đá Dựng hoặc núi MoSo…  Chao ôi! Hãy còn nhiều lắm những cảnh đẹp hoang sơ mà ít người tìm đến nơi Hà Tiên bé nhỏ này.

Thế nhưng, như trên đã trình bày, Hà Tiên không chỉ lưu luyến lòng người bởi vẻ đẹp hài hoà của non nước hữu tình, mà Hà Tiên còn có một nếp sống hiền lành, hiếu khách của người dân nơi đây. Những con người thuần lương, chất phác mà riêng tôi đã cảm tình và mang nặng nghĩa ân.

TP.HCM tháng 04/2006

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/Hatientrongtoi.htm

 


Vào mạng: 28-12-2007

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang