Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Chết Để Sống

Minh Mẫn

Chết, là hình thái chấm dứt cuộc sống theo cái sống thông tục!

Chết, cũng có nghĩa khởi đầu cho cái sống, mang tính chuyển hoá!

Chết, cũng có nghĩa chấm dứt dòng truyền lưu nhàm chán!

Và Chết cũng là Sống theo nghĩa tương tục của giòng  Tâm thức luân lưu!.

 

Một cuộc sống cá nhân đang bế tắt, chán nản, đau buồn, thường chấm dứt sự sống mong tìm một lối thoát.

Một tổ chức, một phong trào bị khủng hoảng về sách lược; một công ty, một doanh nghiệp lâm vào đường cùng trong doanh thương…một là họ giải tán, hai là liên kết, ba là chấm dứt lề thói cũ, tìm một hướng mới như cuộc lột xác cho thích ứng với tình huống xã hội mong được tồn tại. Chấm dứt trạng huống cũ để nẩy mầm lối thoát mới đều tạm gọi là chết.

 

Một thể chế, một quốc gia cũng vậy, tự thân không thích ứng kịp thời với nhu cầu thời đại, thường đưa đến khủng hoảng và xơ cứng. Thời đại ngày nay, khoa học mọi ngành luôn cải tiến để tồn tại và để phục vụ, bắt buộc người dân cũng phải nâng cấp kiến thức để cuộc sống tự thân và xã hội được cập nhật; Kiến thức người dân và nhu cầu xã hội luôn biến đổi, biểu hiện cuộc sống luôn tươi mát vươn lên, với điều kiện giới lãnh đạo một quốc gia cũng phải nhạy bén kịp thời để đáp ứng cho nhu cầu tất yếu đó. Vì thế, ngày nay không một quốc gia nào tự mình bế quan, cách biệt với thế giới nếu không muốn lùi về thời đại bán khai. Tinh cầu biến thành ngôi nhà chung thì mỗi quốc gia là một thành viên cùng sinh hoạt, cùng tồn tại qua cấp độ giao lưu văn hoá, nhu cầu vật chất và mức độ tâm linh không cách biệt nhau lắm.

 

Những thế kỷ hai mươi về trước, một số quốc gia chưa chuyển mình kịp thời trong giấc ngủ Đông triền miên của xã hội thủ công nông nghiệp. Chưa quen giao hoà với cộng đồng nhân loại, thường duy trì những cá tánh cách biệt một cách thủ cựu, không đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp tiến của quần chúng, thường đưa đến sự rối loạn, bùng nổ;

 

Miền Nam Việt Nam trước kia, khi đất nứơc chia đôi, gia đình nhà Ngô cai trị  xã hội bằng một tập quán quan liêu phong kiến của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn, cộng thêm một tư duy Thần Học được giáo dục bởi nhà Dòng, theo học thuyết “Cần Lao Nhân Vị” Từ Ngô Đình Thục và Ngô Đình Nhu mà kiến thức chính trị cũng như niềm tin đều ảnh hưởng từ Vatican và học lý phương Tây; Một đất nước cai trị bởi tập quán và  kiến thức ngoại lai chưa thích hợp với một dân tộc lâu đời tiêm nhiễm Tam Giáo, dân trí chưa phát triển đồng bộ tương thích với cộng đồng thế giới, thì sự cưỡng chế tâm thức trong quần chúng không tránh khỏi; Lúc bấy giờ xã hội miền Nam hiện rõ hai khối ý thức tâm linh rõ nét; Gia Đình trị nhà Ngô cố gắng đem học thuyết Thần học của Ngô Đình Thục hổ trợ cho học thuyết chính trị của Ngô Đình Nhu hầu xây dựng một xã hội thuần tuý Duy Linh để đối trọng với chế độ Duy Vật của Miền Bắc; Thay vì tạo một ý thức tự nguyện hoặc qua phương sách giáo dục tiệm tiến để quần chúng thích nghi khả dĩ chấp nhận, nhà Ngô đã dùng quyền lực, địa vị, vật chất ( từ viện trợ của Mỹ) để mua chuộc, khống chế, cưỡng bức, đẩy nhân dân vào thế đối cực, dĩ nhiên, đó là lợi thế cho miền Bắc lúc bấy giờ.

 

Ngoài Tam giáo đồng lưu, miền Nam còn có nhiều giáo phái khác như Hoà Hảo, Cao Đài Bến Tre, Cao Đài Tây Ninh, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương…và một số đảng phái phát sanh từ thời Pháp thuộc. Những năm đầu chấp chánh sau khi truất quyền Bảo Đại, nhà Ngô nóng vội đã triệt tiêu Ba Cụt, Năm Lửa, Trịnh Minh Thế… hy vọng thâu tóm quyền hành và ổn định xã hội mà không có một chính sách ổn định nhân tâm, vì thế Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc phải di nạn sang Campuchea, một số nhân sĩ trí thức các đảng, giáo phái phải tìm cách thoát thân, một số người dân phải thoát ly vào mật khu giải phóng. Tâm lý xã hội bắt đầu phát sanh một cuộc khủng hoảng mới. Tính chủ quan, nóng vội, độc tài của anh em nhà Ngô muốn đốt giai đoạn trong thời gian thật ngắn, dùng Kitô giáo hổ trợ an dân chống giặc, muốn miền Nam là một Philippines thứ hai, quần chúng cảm nhận được sự bế tắc tự thân, phát sanh tâm lý bảo lưu cố thủ, biến nhân dân thành chiến tuyến vô hình dè chừng với chế độ. Tuy nhiên, những quan chức, những giai cấp có quan hệ tốt với chế độ lúc bấy giờ khi có một vị thế ổn định thì chế độ trở thành một công ty bảo hiểm để đời sống của họ vươn lên;

 

Phật giáo miền Trung lúc bấy giờ đã xây dựng hệ thống tổ chức khá nề nếp và vững mạnh, thừa hưởng những thành quả Chấn Hưng Phật Giáo của các đàn anh; Khuông, Vức là cơ sở hạ tầng biết vận dụng sức mạnh quần chúng, giáo dục đức tin mà phần lớn Gia Đình Phật Tử là đoàn thể được xây dựng vững mạnh; Tuy Ngô Đình Cẩn quan hệ thiết thân với thầy Trí Quang, nhưng không vì thế mà hổ xám miền Trung có thể nắm được Phật giáo; Cái chủ quan của Ngô Đình Thục đã đẩy chế độ nhà Ngô vào bế tắc với Phật giáo, cộng thêm  tính thủ đoạn chính trị của Ngô Đình Nhu và kiêu mạn của Trần thị Lệ Xuân, phu nhân Ngô Đình Nhu, càng tạo hố ngăn cách lớn giữa Phật giáo với chính quyền nhà Ngô và sự bất mãn trong quần chúng; Nắm quyền sinh sát toàn miền Nam, cứ ngỡ chủ động được mọi vấn đề, chế độ đã không hàn gắn được với lực lượng Phật giáo bằng sự chân thành mà còn dùng thủ đoạn đánh lừa quốc tế về những thủ thuật chính trị, bà Trần thị Lệ Xuân càng đi giải độc với thế giới về Phật giáo thì càng tạo phản ứng trái ngược, cả chế độ không đánh lừa được tổ chức Liên Hiệp Quốc, Tổng Thư Ký LHQ bấy giờ đã phải vào cuộc;

 

Xương máu Tăng Ni, quần chúng Phật tử đã hy sinh, trước đó các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử  đã bị thủ tiêu, bắt bớ khá nhiều. Sự hy sinh xương máu của toàn thể Phật Giáo Việt Nam không phải chống lại để lật đổ chế độ mà muốn chuyển hoá tâm chất của giới lãnh đạo độc tài, thường thì những người cực đoan nắm quyền lực ít chịu lắng nghe, họ chủ quan với quyền lực; Cùng tắc biến, Bồ Tát Thích Quảng Đức là giọt nước cuối cùng để ly nước phải tràn.

 

Sự kiện Thích Quảng Đức là một hiện tượng ý hệ chuyển hoá, khi mà ngôn ngữ, không đủ năng lực chuyển tải; Ngài đã dùng chính mạng sống để cho Phật giáo được sống và nhân dân miền Nam có sức sống,  như Thánh Cam Địa đã chết cho dân tộc Ấn được sống tự do. Mục sư LutherKing chết cho dân da màu được sống bình đẳng.

 

Trên thế giới có rất nhiều cái chết cho đại nghĩa. Thánh Cam Địa, mục sư LutherKing bị ám sát, nhưng Bồ Tát Thích Quảng Đức chủ động cái chết. Trong cuộc đấu tranh sống còn với chế độ gia đình trị, một thiền sư Việt Nam lãnh đạo Phật giáo đã nói: Tôi nguyện đem xương máu trang trải cho Phật pháp, nếu chết thì như cái chết của chân lý trước bạo lực chứ không phải chết vì bạo lực nầy kém bạo lực khác! Với lời minh xác như thế, Sa Môn Thích Quảng Đức tự biến mình thành cây đuốc sống để soi sáng chế độ, ngọn lửa Từ Bi bùng phát chấn động cả thế giới chứ không phải ngọn lửa sân hận cháy thiêu tam giới, hà tất huỷ diệt chế độ! Tuy sự kiện Thích Quảng Đức phát sinh từ một trạng huống xã hội, nhưng ánh sáng ngọn đuốc sống  đó, không vì thế mà chìm theo thời gian. Tâm nguyện của Bồ Tát được minh chứng bởi quả tim bất diệt, lưu cho hậu thế bài học  ngàn đời: “ Cho dù quyền lực tột đỉnh, cũng chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định, nhưng tâm nguyện Từ Bi- Vị Tha, sẽ sống mãi với cuộc đời.”

 

Cổ nhân từng nói: “ thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”, lòng người là lòng trời, hợp lòng Trời là đạo đức làm người, cho dù trên ngôi cửu ngũ hay dưới cỏi bàn dân, đạo đức luôn là yếu tố tồn tại; Đạo đức không phải là thủ thuật chính trị để bảo vệ ngôi báu mà là khí lực nhân cách để nuôi dưỡng cuộc sống, bình ổn lòng dân;

 

Thời đại Phật giáo cực thịnh không phải chùa cao Phật lớn, tu sĩ tràn lan, đó là dấu hiệu suy thoái nếu bị lạm phát. Đạo lực phát triển chốn già lam, đạo đức duy trì trong dân chúng, đó là dấu hiệu vững mạnh của một dân tộc. Người lãnh đạo có Đức Nhân, cán bộ có đức nghĩa, quần chúng có Đức lễ, tôn giáo có đức Từ thì chắc chắn xã hội thịnh vượng. Một khi cuộc sống đánh mất những đức tính căn bản Đạo làm người, xã hội sẽ lâm vào bế tắc, tao loạn; Một khi  giới lãnh đạo thiếu nề nếp kỷ cương của Tâm Đức, nhân dân sẽ mất niềm tin, như nhà cao tầng đang bị xói mòn chân móng.

 

Ngọn lửa Quảng Đức không chỉ là lời cảnh báo cho một trạng huống đương thời, mà là bài học cho mọi thế hệ trong mọi quốc gia.

 

Ngọn lửa Quảng Đức không chỉ là  giọt  cuối cùng để tràn ly nước, mà cũng là khởi đầu cho cuộc sống trong mọi xã hội, phải biết tự soi chính mình, biết xây dựng kẻ khác, biết cảm thông, chia xẻ và hy sinh. Thiền sư không chỉ chuyển hoá cuộc sống bằng đạo lực, mô phạm bằng thân giáo, xây dựng bằng ngôn từ mà còn thể hiện Bồ Tát hạnh khi nhu cầu xã hội cần đến.

 

Việt Nam ngày nay, tuy kết thúc chiến tranh trên 30 năm, nhưng lòng dân vẫn chưa có hoà bình, nhân dân chưa thừa hưởng được một nền giáo dục đạo đức căn bản trong xã hội. Chúng ta đánh mất những tâm đức căn bản nhất vì chạy theo xu thế thị trường và lợi nhuận. Một xã hội phương Đông đang chối bỏ nền tảng đạo lý tổ tiên để học đòi theo văn hoá thực dụng phương Tây, cho dù đó là văn hoá ký gửi, vay nợ, thụ hưởng. Cuộc sống của người dân trên các nước Tư Bản hiện nay như loại tầm gửi bám trên nhành lá, đọt cây của một xã hội thị trường, cùng phát triển, cùng tồn tại, nhưng  một giai đoạn khủng hoảng về kinh tế, tài chánh, năng lượng, bất động sản, tiền tệ….toàn bộ mạng lưới tầm gửi đó sẽ đồng loạt bị tác hưởng, giao động. Xã hội Việt Nam ngày nay cũng thế, những nhà cao tầng, những cơ sở quy mô, phần lớn đều được thế chấp để lấy vốn kinh doanh, một góc độ  khác, thì họ đang ở  nhà thuê, dù đồng vốn họ bỏ ra xây dựng, đang là sở hữu của ngân hàng, nếu không đủ khả năng hoàn nợ, coi như mất nhà; kinh doanh của họ tuỳ thuộc khắn khít với kinh tế thị trường. Ngược lại, một số vùng nông thôn của châu Á, cuộc sống cá biệt  sản xuất, tự cung tự tiêu, họ ít chịu áp lực giao động qua những cuộc khủng hoảng thế giới, vì thế, cuộc sống có phần cá biệt.

 

Cuộc giao thoa với thế giới bên ngoài, đòi hỏi bản thân đất nước phải có bản năng duy trì văn hoá và đạo đức bản địa, hội nhập không có nghĩa hoà tan mọi đặc thù mà là chắt lọc và đào thải; có như thế ít bị áp lực tác hưởng cái tốt lẫn cái xấu từ ngoại giới.

 

Cuộc sống luôn biến đổi từng giây như giòng chảy của bộc lưu, đứng lại là bị loại khỏi dòng tiến, chạy theo không có định hướng đồng nghĩa tự đánh mất mình; Đòi hỏi tận dụng trí tuệ cho mọi ngõ ngách để không bế tắc, lỗi thời, cũng không vong bản, tha hoá.

 

Ngọn lửa Quảng Đức không chỉ soi sáng một chế độ trong quá khứ, mà còn là ánh đuốc cho xã hội hiện tại, tránh cực đoan, biết lắng nghe và phải hy sinh. Trái tim lưu lại cho hậu thế một lòng Từ bao la mà tình người cần phải có; Việt Nam đủ mọi đức tính cao đẹp của tiền nhân, có đủ căn bản đạo đức Tam giáo, vấn đề còn lại phải vận dụng phát huy ; đồng thời mạnh dạn loại trừ những tật xấu, những học đòi tiêm nhiễm của cuộc sống thực dụng, để trên dưới cùng gắn bó thì ngoại bang làm sao dám ngỗ nghịch.

 

Ngọn lửa Quảng Đức luôn sáng tỏ với thời gian và không gian! Như thế  chết nhưng vẫn sống, hạnh nguyện Bồ Tát vẫn sống và giúp mọi thế hệ vẫn sống cho ra sống bằng trí tuệ  và tình người của mình.

 

Chết để được sống là cái chết cao đẹp nhất trong muôn ngàn cách chết của kiếp người; thế giới vẫn tôn vinh cái chết của Bồ Tát Quảng Đức, vì thế,  Phật Giáo Việt Nam và  đất nước Việt Nam có chỗ đứng xứng đáng trong sự ngưỡng mộ của cộng đồng nhân loại hiện nay.

 

                                                                                                    14/6/09

 

***

  http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/chetdesong.htm

 


Vào mạng: 15-06-2009

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang