Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Hai Quyết Tâm

   Tỳ kheo VISUDDHACARA
TTQ dịch, trích Loving and Dying

Nguồn: Văn hóa Phật Giáo số 70

 

Khi tôi viết những dòng này, tôi nhớ lại mới hôm qua một nhà sư bạn tôi chết. Thầy ấy bị ung thư, giai đoạn cuối cùng đã tám tháng. Khi tôi ở bên cạnh thầy tại bệnh viện một vài ngày trước khi thầy chết, thầy đang ở trong cơn đau đớn. Tôi cố gắng đút cho thầy ăn một chút canh nhưng thầy không ăn được. Thầy trông rất hốc hác và khủng khiếp. Thầy hầu như không nói được. Bệnh ung thư đã tàn phá thân thể thầy và không phải là một nhiệm vụ dễ dàng để chịu đựng cho tinh thần của thầy. Tôi cố nài thầy lưu ý quan sát cái đau đớn như ông thường làm trong lúc hành thiền, để càng giữ được bình tĩnh và thanh thản càng tốt. Thầy là một người có khả năng thiền định vững vàng và tôi chắc chắn thầy đã thiền vào chính phút cuối cùng này.

Tôi nhớ lại một dịp khác khi tôi đến thăm một ông già khả ái bị bệnh bạch cầu. Ông cũng ở trong cơn đau đớn. Đau đớn hiện trên nét mặt ông. Có những giọt mồ hôi trên trán và mặt ông. Tôi ghé vào tai ông thì thầm cố gắng làm cho ông giảm đau. Ông này cũng là người hành thiền và tôi lại nhắc nhở ông giữ chánh niệm quan sát cái đau càng điềm tỉnh càng tốt. Tôi cảm thấy vui khi nhìn thấy vẻ đau đớn biến mất trên mặt ông. Một lúc sau đó thân nhân đến và tôi ra về. Một vài giờ sau, ông chết. Tôi vui vì đã có thể giúp ông một chút trước khi ông tắt thở.

Mặt dù có hạnh phúc trong cuộc sống, những vẫn có khổ đau. Hạnh phúc hình như rất phù du – nó ra đi không đợi chờ chỉ để rồi được thay thế bằng phiền muộn và bất mãn. Bởi vì, sự sống kết thúc bằng cái chết nên tự nó là một thảm kịch. Có người nói đời sống giống như một củ hành: bạn bóc nó làm chảy nước mắt. Đức Phật nói sinh là khổ đau vì sinh dẫn đến suy tàn và chết. Chúng ta nên hiểu rõ điều này. Nếu chúng ta chấp nhận sự sống, chúng ta phải chấp nhận cái chết. Nếu chúng ta muốn khóc khi người nào đó chết thì chúng ta cũng nên khóc vào lúc người ấy ra đời. Vào lúc đứa trẻ sinh ra thì mầm mống của cái chết đã ở trong nó. Nhưng chúng ta lại mừng rỡ khi đứa trẻ được sinh ra. Chúng ta cười và chúc mừng cha mẹ đứa trẻ. Nếu chúng ta hiểu sinh – nó phải dẫn đến cái chết – thì khi cái chết đến chúng ta có thể đối mặt với nó bằng một nụ cười.

Nhìn con người chết trong đau đớn ra sao, thân thể của họ bị suy sụp vì bệnh, và thấy tất cả đời sống phải kết liễu bằng cái chết (sự việc đó đã làm cho tôi hiểu mỗi lần đi đến nhà quàn để tụng kinh), hai quyết tâm phát sinh trong tâm tôi:

Trước nhất: đến lúc tôi chết, tôi muốn chết với một nụ cười trên môi. Tôi muốn tôi có thể giữ được chánh niệm và được thanh thản. Nói một cách khác, tôi muốn giữ bình tĩnh. Tôi muốn có thể vẫn mỉm cười dù cái đau đớn nó hành hạ tôi đến thế nào đi nữa. Tôi muốn tôi có thể mỉm cười với tất cả khách khứa đến thăm viếng tôi. Tôi muốn tôi có thể mỉm cười với tất cả các bác sĩ và y tá tốt bụng săn sóc tôi. Tôi muốn tôi có thể mỉm cười với những bệnh nhân tôi bạn tôi để giúp họ làm bất cứ cách nào có thể ở bệnh viện, hoặc để truyền cảm hứng hoặc để an ủi.

Thứ hai: Thay vì những bác sĩ và y tá hỏi tôi có khỏe không, tôi muốn hỏi họ “Bác sĩ có khỏe không? Chị có khỏe không? Hôm nay quý vị thế nào? Quý vị biết không quý vị đang làm một công việc cao cả. Chúng tôi rất may mắn có quý vị. Xin tiếp tục công việc tốt đẹp này. Xin cảm ơn quý vị nhiều”. Và với những khách là Phật tử, tôi sẽ nói Phật pháp. Tôi sẽ nói: Hãy nhìn tôi. Tôi sắp chết rồi. Kết thúc rồi! Quý bạn biết đấy, hành thiền lúc sắp chết không phải dễ. Vậy nên, trong khi bạn còn khỏe hãy cố gắng tận dụng điều đó. Hãy hành thiền! Hãy thực hành Pháp! Không còn hối hận sau này. Đừng đợi đến lúc bạn đau nặng thì đã quá trễ. Nhưng nếu ngay bây giờ bạn thực hành thiền, khi bạn bệnh, bạn sẽ không bị khó khăn nhiều lúc phải đối phó với cơn đau. Bạn có thể quan sát nó và thậm chí vượt qua nó.

Các bạn biết đấy, Đức Phật bảo chúng ta rằng mọi thứ đều vô thường. Nếu chúng ta hành thiền chăm chỉ đầy đủ, chúng ta có thể hiểu được sự thật về vô thường sâu xa hơn, như vậy chúng ta không bị trói buộc vào tâm và thân này. Chúng ta biết chắc chắn thân này không phải của chúng ta, tâm này cũng chẳng phải của chúng ta. Hiểu biết, chúng ta có thể buông bỏ. Chúng ta sẽ không bị trói buộc vào những dục lạc thô thiển của sự sống. Chúng ta có thể sống một cách khôn ngoan hơn. Chúng ta về già một cách thanh nhã. Và chúng ta không cần sợ chết.

Đức Phật nói khổ đau gắn liền với đời sống. Và chúng ta phải học hỏi cách sống với nó và vượt qua nó. Chỉ bằng cách áp dụng chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày và hành thiền, chúng ta có thể thâm nhập vào chân lý của khổ đau. Khi chúng ta hiểu được khổ đau một cách sâu xa, chúng ta sẽ tranh đấu để loại bỏ nguyên nhân của nó, đó là tham ái, bị trói buộc vào đời sống, vào sức cám dỗ của những cảnh tượng vui thích, âm thanh dịu dàng, những mùi vị dễ chịu, và những đụng chạm êm đềm. Chúng ta sẽ cố gắng thanh tịnh tâm trước tất cả các ô nhiễm.

Theo Đức Phật, khi tâm chúng ta được tẩy sạch tham, sân, si, chúng ta sẽ vượt qua được tất cả khổ đau. Chúng ta sẽ không bao giờ phản ứng lại bằng luyến chấp và ác cảm với bất cứ gì. Thay vào điều đó sẽ có trí tuệ và từ bi trong chúng ta. Chính điều này chính là chấm dứt khổ đau. Không bám víu nữa, chúng ta sẽ không bao giờ khổ đau. Cả đến cái đau thể xác cũng không làm tinh thần đau vì tâm không phản ứng bằng ác cảm và giận dữ. Tâm sẽ bình an. Có chấp nhận và hiểu biết. Khi chúng ta chết trong lúc có loại trí tuệ và an bình này, Đức Phật nói điều đó là sự chấm dứt khổ đau. Không còn tái sanh, không còn trở lại vòng sinh tử. Nếu chúng ta không tái sanh, không còn suy tàn và chết kèm theo khổ đau. Chấm dứt! Hạ màn! Cái khối đau khổ bị dập tắt. Và chúng ta có thể nói giống như các vị thánh thời cổ đã nói: Làm được cái đáng phải làm. Được sống là cuộc đời thánh thiện.

Đương nhiên, ngay bây giờ chúng ta có thể vẫn còn xa mục tiêu. Nhưng người ta nói, hành trình ngàn dặm bắt đầu bằng một bước đi. Cho nên tôi là người lạc quan. Vâng, tôi là một Phật tử và một người lạc quan (Ai nói người Phật tử là người bi quan?) Và tôi tin rằng mỗi bước đi trên con đường chánh niệm sẽ mang chúng ta bước gần hơn tới mục tiêu – mục tiêu Niết bàn, sự kết thúc của mọi khổ đau. Và là một người lạc quan, tôi thích nghĩ rằng sớm hay muộn chúng ta sẽ đạt tới Niết bàn.

phatphap.wordpress.com & phatphapnhiemmau.com

Đánh máy: Cư sĩ T.Mai

 

                                           

***

 

  http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/haiquyettam.htm

 


Vào mạng: 26-12-2008

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang