Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

 

BÀI HỌC Ý NGHĨA SAU CHUYẾN HÀNH HƯƠNG THẬP TỰ

Trí Liên



Ngày hành hương thập tự đầu năm Mậu Tý bắt đầu vào lúc 7 giờ 30 sáng 9-2-2008, khi hơn 200 Phật tử đồng hương vân tập tại Chánh điện chùa Phật Đà để tụng một thời kinh ngắn, nguyện cầu cho chuyến đi được tốt đẹp và thành tựu viên mãn dưới sự chủ lễ và hướng dẫn của Thầy trụ trì chùa Phật Đà-Thích Thiện Hữu.

Trong không khí trang nghiêm và lắng đọng tâm hồn của mọi người, những lời cầu nguyện dâng lên, như chung vang trong không khí trong lành mát mẻ của một ngày mới. Như được đức Phật chứng minh, gia hộ độ trì, nên những tia nắng sớm lấp lánh chiếu trên trần chánh điện, trên đầu Phật đang long lanh toả chiếu ánh sáng của trí tuệ và phủ đầy tình thương.

Thầy Thiện Hữu đọc nội quy của chuyến đi và danh sách những người trong đoàn, phân ra trên 4 chiếc xe bus, mỗi xe có 57 chỗ ngồi bao gồm 2 người phụ trách chính. Một trưởng và phó đoàn có nhiệm vụ chăm sóc mọi người trên chiếc xe của mình đảm nhận.

 

Địa điểm đầu tiên của chuyến hành hương là Chùa Pháp Quang. Mọi người đi xem cảnh và vào lễ Phật. Thầy Thiện Hữu đại diện cho đoàn dâng lời tác bạch lên Thầy viện chủ chùa Pháp Quang. Trong thâm tâm và lời tác bạch của Thầy Thiện Hữu, ngưỡng mong hồng ân Tam bảo ban cho mọi người tất cả an lành, trọn vẹn trong tâm khảm tôn sùng đạo pháp, sống đúng tinh thần lục hoà và chúc cho Chùa Pháp Quang ngày càng phát triển nhiều hơn, mang lại lợi ích cho Phật tử đồng hương nhiều hơn, và sau đó là cúng dường tịnh tài lên Tam bảo do mọi người đóng góp.

Để đáp lại tấm lòng ưu ái của đoàn hành hương, Thầy viện chủ Chùa Pháp Quang cũng ban bố một thời pháp rất đủ đầy ý nghĩa, như ước ao mọi người hướng về phục vụ dân tộc, sống trọn vẹn trong Chân Thiện Mỹ của tự thân. Mọi người chụp hình lưu niệm với hy vọng sẽ lưu lại một dấu ấn khó quên trong những quảng đời còn lại.

 

Sau đó, đoàn xe lại lên đường, thẳng tiến đến Chùa Linh Sơn, Darra.

Vì chánh điện Chùa Linh Sơn không đủ sức chứa trên 200 người, nên chỉ có một số Phật tử đồng hương vào nghe Thầy Thiện Hữu thưa chuyện với Ni sư trụ trì.

Thầy Thiện Hữu nói rằng, tuy ngôi chùa nhỏ, nhưng tấm lòng của vị sư trụ trì không nhỏ, và chúc cho chùa Linh Sơn phát triển mọi mặt, nhất là trong việc hoằng pháp độ sanh.

Nơi hành hương kế tiếp theo là chùa Trung Thiên, thuộc hệ thống Phật Quang Sơn của người Đài Loan. Ngôi chùa thật nguy nga, đồ sộ, tráng lệ với cấu trúc hiện đại, đầy đủ những đại sảnh đường rộng lớn, đủ đầy bảo tàng viện, văn phòng hành chánh, lớp học nhạc, lớp học giáo lý, lớp học thư pháp và một phòng bán đồ lưu niệm.

Nói chung, một số sinh hoạt xã hội tiêu biểu và lành mạnh đã được thu gọn trong ngôi chùa này.

Vì trong dịp Tết Nguyên Đán, người Đài Loan ăn Tết cũng giống như người Việt Nam, nên ngôi chánh điện cũng đầy đủ những Phật tử, đang kính cẩn thành tâm, dâng cả tâm hồn trong lời kinh tiếng kệ. Nên đoàn hành hương chỉ đứng bên ngoài chánh điện, hướng vào đức Thiên Thủ Thiên Nhản, thành tâm vỏn vẹn 3 xá, rồi tham quan những nơi bên ngoài, hoặc ngắm nhìn cảnh trí của hoa viên lộng lẩy với những tượng A La Hán bằng đá quí. Sau đó, quí sư cô và Phật tử đại diện Chùa Trung Thiên cũng đã hướng dẫn vào viếng thăm ngôi bảo tháp mới thiết lễ khánh thành chưa đầy 2 tháng qua. Bên trong ngôi bảo tháp 9 tầng, được trang hoàng lộng lẫy, ánh đèn sáng sủa rực rỡ khắp nơi. Mọi người vào lễ Phật ở gian phòng bên trái, nơi thờ Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát và bên phải là nơi thờ tôn tượng A Di Đà Phật. Cả hai gian phòng lớn này đều có xây dựng những hộc tủ nhỏ vuông vắn để thờ tro cốt chư hương linh quá vãng và được tôn trí dọc theo các bức tường. Cái hay ở đây là hộc tủ nhỏ đều đặn có chạm hình nổi đức Địa Tạng Vương Bồ Tát trên mặt bên ngoài rất đẹp, tất cả đều giống nhau, thể hiện tinh thần bình đẳng vô phân biệt của đạo Phật và nói lên, dù có tranh giành hơn thua, cao thấp, lớn nhỏ gì đi nữa, khi chết vẫn bình đẳng như nhau. Tầng trên cùng là nơi tôn thờ các bậc tổ sư, các bậc tiên hiền của người Đài Loan từ ngày hình thành đảo quốc giàu có này.

Thầy Thiện Hữu cũng nói những lời cầu chúc tốt đẹp với sư cô Trụ trì và sư cô Trụ Trì cũng chào mừng phái đoàn hành hương và tặng quà lưu niệm 1 bức hình gỗ Bảo Tháp Điện của chùa Trung Thiên như nhắn gởi và hy vọng tình pháp lữ giữa Phật giáo Đài Loan và Phật Giáo Việt Nam ngày một tốt đẹp và vững bền.

Mọi người lên xe từ giả ngôi chùa Đài Loan to lớn mang dáng vẻ văn minh hiện đại, chứ không mang những nét u hoài, hay một bóng dáng cổ xưa cô tịch của những ngôi chùa đã từng có bước chân thời gian đi qua. Có lẽ, một phần vì Phật giáo Trung Hoa có phần khác biệt với Phật giáo Việt nam trong thời đại khoa học phát triển này, đặt biệt là trên mảnh đất Úc châu này, nên Phật giáo của mỗi quốc gia cũng phải tuỳ nghi, tuỳ thời, tuỳ duyên mà biến đổi, sao cho thích hợp với quần chúng địa phương, đáp ứng những nhu cầu căn bản của người Úc, trong tiến trình tiến bộ xã hội.

Chặng đường kế tiếp là chùa Amitabha-Tịnh Tông Học Hội. Đến đây đã sau 12 giờ trưa, nên Thầy Thiện Hữu đã thông báo cho mọi người tự nhiên tìm chỗ thích hợp, mát mẻ dưới các gốc cây trong khuôn viên chùa mà nghỉ ngơi và dùng trưa với ổ bánh mì chay chứa đầy tình thương sự sống.

Sau khi dùng trưa xong, đa số được vân tập trong chánh điện của chùa để nghe Thầy Ngộ Thông giảng một thời pháp. Thầy nói thao thao bất tuyệt về pháp môn Tịnh độ và khuyên mọi người nên gieo trồng hạt giống Phật, để hạt giống giải thoát nẩy mầm trong vườn tâm Bồ đề. Thầy nhấn mạnh thêm, pháp môn Tịnh độ là pháp môn thù thắng dễ dàng được vãng sanh về thế giới Tây phương cực lạc.

Thầy Thiện Hữu cũng đáp tạ lại, cúng dường tịnh tại. Sự khéo léo, cách nói chuyện thu hút của Thầy đã mang lại những nụ cười cho mọi người, nhất là giữa lúc trưa hè nóng bức của tiểu Bang nắng ấm tình nồng này.

Đoàn hành hương lại tiếp tục lên đường tới chùa Phật tổ. Nơi đây, đất rộng, cây cối còn hàng hàng lớp lớp nguyên sơ. Khung cảnh vẫn còn thiên nhiên chưa có bàn tay con người tô vẻ, thật thích hợp cho những tâm hồn thật sự muốn trở về yên tịnh cả bên ngoài lẫn bên trong cõi lòng.

Mọi người vào chánh điện tụng 1 bài kinh và đãnh lễ Tam bảo. Thầy Thiện Hữu giải thích vì vùng này còn đang khó khăn trong việc đem dòng nước từ phía chính phủ, nên ở chùa chỉ sử dụng nguồn nước mưa thiên nhiên. Quý Thiện nam có nhu cầu giải quyết luân hồi ngũ cốc thì có thể bước ra phía sau, tự nhiên thải nước. Biết đâu, hôm nay, nhờ có dòng nước của mọi người tưới xuống mà đất đai trong mảnh già lam này sẽ được mát mẻ, cây cối thêm xanh tươi. Còn quý Thiện nữ thì được ưu tiên vào sử dụng những nhà vệ sinh bên trong phòng khách của chùa. Mọi người như xua tan những mệt nhọc và cảm thấy thoải mái trong thời gian ngắn ngủi tại nơi này.

Vì chánh điện không đủ sức chứa trên 200 người, nên tốp nào vào trước thì tuần tự bước ra để cho những tốp sau vào lạy Phật và nghe Thầy nói về những dự án phát triển của chùa sau này.

Ngôi nhà tiếp khách phía trước có nhiều phòng, đầy đủ tiện nghi với phòng ngủ, phòng tắm, nhà bếp sạch sẽ. Hình như mới tân trang lại nên còn thơm mùi gạch mới, không khí mới.

Có một bộ bàn ghế cẩn xà cừ rất đẹp mà ai cũng trầm trồ khen ngợi do một người Việt nam đồng hương tự tay đóng mộc khắc cẩn mang từ Việt nam sang từ hơn 20 năm qua mà vẫn còn cất kỷ chưa xài. Nay có duyên lành cúng cho chùa Phật tổ. Vỏ ốc xà cừ cẩn trên mặt gỗ lim, màu nâu láng mịn rực rỡ các màu sắc với những hình Mai, Lan, Cúc, Trúc hay những hình điển tích của lịch sử Trung Hoa.

Ra vườn xá Phật Bà Quán Thế Âm, vừa lúc Thầy Thiện Hữu cũng tới nơi và nói cho những người có mặt quanh tượng Bồ Tát biết lý do tại sao Thầy dựng tượng tại đây.

Trước mặt Bồ Tát là một hồ nước nhỏ thoai thoải giữa những hàng cây rừng, sau này sẽ trồng sen thêm trong hồ này.

Sau khi lên xe rời chùa Phật Tổ, đoàn hành hương đã tới chùa Campuchia. Tới nơi, vị sư trụ trì còn đang dỡ dang phiên hợp với Phật tử nên không mở cửa chánh điện để đoàn hành hương có thể vào trong đảnh lễ, chiêm bái được. Đoàn hành hương đành phải đi tham quan bên ngoài, nhìn thấy cấu trúc ngôi chùa hình vòm chụp xuống như cái chuông màu vàng óng ả lấp lánh mát rượi, giống như kiểu kiến trúc của các ngôi đền bên Ấn độ cổ xưa.

Được biết, ngôi chùa này tự tay vị sư Trụ trì chọn lựa hoa văn chính thống Campuchia và đích thân Ngài thực hiện chứ không thông qua những kiến trúc của người Úc. Ngay cả những vật liệu xây dựng như: gạch, ngói, xi-măng, từ nóc chùa đến những bậc thềm của các cầu thang đều vận chuyển từ xứ sở chùa tháp mang qua.

 

Thời gian không cho phép nấn ná lâu hơn, nên đoàn hành hương lại lên xe đến chùa Thái Lan.

Đất rộng thoáng, chỉ có vài cây lớn làm cảnh, còn khuôn viên để trống trải cỏ xanh.

Ngôi chánh điện rộng lớn trần cao vút thoáng khí sáng trưng. Hai trùm đèn pha lê trên trần cao có lẽ là đồ trang trí duy nhất để toả ra chùm ánh sáng trí tuệ trong những buổi lễ hoặc những buổi lễ cầu nguyện.

Trong chánh điện thờ duy nhất một Đức Phật Thích Ca bằng vàng ròng. Một tượng đồng đen gần đó là tượng của vị sư khai sơn.

Trống, thoáng, đơn giản mà cực kỳ sâu sắc. Các vị sư trong chùa ngồi trên bộ gỗ vàng nhạt nhìn đám đông hành huơng đang chiêm ngưỡng lễ bái Phật một đôi mắt từ bi hoan hỷ. Sau đó, vị sư trụ trì chùa Thái nói chuyện và Thầy Thiện Hữu đã dịch sang tiếng Việt và đáp lại bằng lời cầu chúc cho Chùa Thái phát triển mạnh mẽ đúng chánh pháp, mang lại lợi lạc cho cộng đồng Thái và truyền bá nét đẹp văn hoá Phật giáo trong xã hội Tây phương. Sau đó là phần dâng tịnh tài cúng dường Tam bảo. Món quà tuy nhỏ nhoi, nhưng mang cả tấm lòng của mọi người hành hương dâng cúng.

Sư trụ trì cho biết là các sư Nam tông không được quyền giữ tiền, mà có một bang có trách nhiệm trông coi, chu toàn mọi việc cho quý sư.

 

Ngôi chùa kế tiếp được tham quan lễ bái là chùa Tích Lan.

Chùa này có cây Bồ đề lớn và các tượng Phật được đặt xung quanh bức tường thấp thành vòng tròn chuyển pháp luân.

Có cả 1 tượng Quán Thế Âm do người Việt nam hỷ cúng, dù vẫn biết Phật giáo Nam tông không có truyền thống tôn thờ Bồ Tát.

Thầy Trụ trì chùa Tích Lan đã nói sơ lược lịch sử ngôi chùa với sự đóng góp nhiệt tình của các Phật tử Việt Nam hữu duyên. Điển hình là vườn Lâm Tỳ Ni, cây Bồ Đề, tượng Quán Thế Âm đều do bàn tay khéo léo của những Phật tử Việt nam.

Thầy Trụ trì chùa Tích Lan còn cho mọi người biết thêm, thâm tình của Thầy với Thầy Thiện Hữu đã gắn bó nhiều năm qua, và lúc nào, thầy trụ trì cũng xem mình là vị sư đệ của Thầy Thiện Hữu.

Cuối cùng, mọi người lắng lòng nhận lời kinh chúc phúc do vị sư Trụ trì ban bố và lạy Phật ra về trong không khí nhẹ nhàng xúc động ấm áp hương vị tình đạo dù không cùng chủng tộc.

Trái tim ấp áp nhân hậu của những tâm hồn lớn toả ra tình thương cho những người có duyên được tiếp xúc và tiếp cận.

Bài học đủ đầy ý nghĩa đạo vị tình người từ chuyến hành hương này là tấm lòng chân thật, tình thương nhân loại, từ ái là dòng nước mát thanh lương làm tan biến những vị kỷ tầm thường trong cõi đời nóng bức. Mọi người trở nên bao dung hơn, mở rộng vòng tay và chia xẻ cho nhau nhiều hơn. Những tấm áo cà sa đơn sơ mà rực sáng chiếu ngời cho chúng ta sự gần gủi thắm thiết hơn là những hình thức đồ sộ tráng lệ bề ngoài, mà phải giữ một khoảng cách phân biệt.

Chuyến hành hương kết thúc ở chặng đường nguyên thuỷ. Một sự ngẫu nhiên tình cờ đầy ý nghĩa vì theo lịch trình, thì còn một ngôi chùa Lào nữa, nhưng vì thời gian đã kết thúc và trên một số gương mặt của các bác cao niên đã lộ vẻ thắm mệt vì chặng đường dài, nên Thầy Thiện Hữu đã quyết định ngừng nơi đây. Vì vậy, tuy chuyến hành hương không đầy đủ thập tự như đã dự trù, nhưng cũng đã thành công tốt đẹp.

Bát Tự hay Cữu Tự cũng đều là những con số mang ý nghĩa thật đẹp. Những con số chỉ mang ý nghĩa biểu trưng, nhưng Bát Chánh Đạo, Cữu Phẩm liên hoa vi phụ mẫu là những con số, những hình ảnh đẹp tuyệt vời mà người con Phật cả đời hằng mong ước.

Thiết nghĩ, chuyến hành hương đã gieo duyên lành là được đi lễ Phật trong những ngày đầu năm mà lần đầu tiên Brisbane mới tổ chức.

Được chiêm bái các ngôi chùa bạn và hiểu thêm về lịch sử cũng như những truyền thống tâm linh của các nước Phật giáo khác, đã hổ trợ cho người Phật tử Việt nam hiểu nhiều hơn trong hệ thống Phật giáo mênh mông.

Đúng 5 giờ chiều, đoàn hành hương đã có mặt tại chánh điện Chùa Phật Đà, như đoạn đường chấm dứt chuyến hành hương thân thương dễ mến.

Thầy Thiện Hữu đã chân thành cảm ơn sự có mặt tham dự của hơn 200 Phật tử đồng hương. Nếu không có sự tham dự chân tình của mọi người, thì sẽ không có được chuyến hành hương tràn đầy ý nghĩa cao quý này.

Thầy Thiện Hữu đã ghi nhận tất cả tấm lòng thành vì đạo pháp, vì tình người và tán thán công đức đóng góp của mọi người hiện diện.

Nhân đó, thầy Thiện Hữu cũng laỵ tạ hồng ân đức Phật, đã gia hộ độ trì cho chuyến đi được an ổn vui tươi và thành tựu viên mãn.

 

Dưới ánh nắng hanh hanh của buổi chiều, mọi người ra về trong niềm hoan hỷ an lạc, tuy chắc chắn sẽ có vài bác cao niên mệt mỏi vì sức khoẻ hạn chế, con xin cầu nguyện cho các bác nhờ hồng ân chư Phật che chở sẽ sớm được hồi phục để trở lại sinh hoạt với những Phật tử đồng hương trong những ngày sắp tới tại chùa Phật Đà.

Thật sự, ít ra, một lần trong đời cũng có người hành hương thập tự là đã kết duyên lành. Ít nhất, trong hơn 200 người tham dự, sẽ có rất nhiều người được tăng trưởng thiện duyên với chánh pháp, với những ngôi chùa mà đất thánh đã khai quang ánh sáng trí tuệ, giờ chỉ còn bước tới ươm mầm Tịnh độ.

Đã có khởi đầu, chắc chắn sẽ có những tiếp nối sau đó. Xin chấp tay hẹn gặp lại những người bạn cũ trong chuyến hành hương mới. Xin hy vọng kết nối những thâm tình với những gương mặt mới trong chuyến hành hương kế tiếp, với những thâm tình đượm thấm tình người, đủ đầy tình đạo.

Ít ra chuyến đi cũng đã mở rộng tâm hồn, mở rộng tầm nhìn, để mọi người có thêm cơ hội mở lòng nhân ái, có thêm cơ hội mở đôi mắt thanh lương, có thêm cơ hội để dang rộng bàn tay thập thiện với những người kém may mắn hơn mình và cuối cùng, để mọi người biết chia xẻ và thực hành những bước chân tuyệt vời nhất của Từ- Bi Hỷ- Xả.

 

Brisbane, ngày 12/02/2008

 

           

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/hanhhuong.htm

 


Vào mạng: 03-03-2008

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang