Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
HÀNH HƯƠNG TRỞ VỀ TÂM LINH
Cư Sĩ Liên Hoa

 

Vào trong sanh tử
lấy cây khều trăng
trăng cao vời vợi
nhón cây ngút ngàn
 
Hỏi trăng bao tuổi
hỏi đời bao lâu
hỏi chuyện đâu đâu
quên vòng sanh tử
 
Ngở rằng trăng rụng
lấy đâu đùa trăng
sợ trăng úa tàn
tay nào giữ được
 
Tay buông cây xuống
để trăng thảnh thơi
cho trời đất thở
cho lòng sáng trăng.....
                        Minh Thanh     

Chiếc máy bay KL 662 của Hoà Lan đã rời khỏi mặt đất, đem mấy trăm hành khách trong chuyến bay hướng về Amsterdam, Hoà Lan. Ngày 25.11.2007, phái đoàn gồm 8 người từ Houston đi Amsterdam và từ đó, sẽ chuyễn máy bay để đi Hành hương tại Ấn độ. Đây là một lịch trình đi thật kỳ lạ, vì thường thì sẽ đi về các nước Á châu như Thái Lan, Nhật bản v.v..để đổi chuyến bay qua Ấn độ, chứ không phải từ nước Bắc Âu qua Ấn độ như chuyến Hành hương nầy. Tuy nhiên, đây cũng là điều thú vị, hy hữu.

Những người trong nhóm đi mới gặp nhau lần đầu, bở ngỡ, xa lạ nhưng nụ cười, sư tin cẩn làm cho gần gủi, xoá bỏ khoảng cách vì cùng chung chuyến Hành Hương. Gọi là chuyến Hành Hương chiêm bái Thánh tích Phật giáo, nhưng theo thiển ý, phải gọi là “ Đường Hành hương trở về tâm linh” mới đúng ý nghĩa, vì khi đi chiêm bái, có thể chỉ vì do tín ngưỡng, do lòng quí kính, cầu phước, hiếu kỳ, may mắn hãnh diện v.v...nhưng gọi “Đường Hành hương trở về tâm linh” hình như lại mang tính tích cực hơn, vì qua đó, sẽ chiêm nghiệm, sống thực và nhận thức đúng ý nghĩa của lý do tại sao phải là trở về suối nguồn của tâm. Tuy nhiên, dù sao cũng phải chờ đến nơi, đến chốn những nơi còn lưu dấu Thánh tích, mới cảm nhận đúng ý nghĩa ra sao?

Tiếng của một số những người bạn nhỏ đâu đây, xì xào, to nhỏ...làm tôi liên tưởng đến đứa con gái qua câu chuyện kể sau khi đi du lịch ở Hawaii mới về vài ngày trước.

Ba mẹ à! Trong chuyến đi chơi nầy, con học được nhiều chuyện lạ, hay lắm, ngoài những cuộc viếng cảnh non nước hữu tình của vùng trời đất nầy. Một lần, con cùng mấy người bạn đi tour ra đảo Maui, nhưng lại quên đem theo áo khoát, nên cảm thấy hơi lạnh thấm người vì thời tiết thay đổi bất ngờ. Sợ bệnh quá, con vội chạy mua bộ áo khoát tại một quầy bán cho du khách của người địa phương, nhưng giá mắc quá. Đành chịu thôi, cũng phải mua vì không lẽ để chết lạnh.

Khi tàu chở về đất liền. Con thấy có nhiều quày bán bán hàng và có chiếc áo khoát mà con đã mua ngoài đảo, hỏi thử thì biết là giá rẻ hơn mấy chục đô. Con liền phàn nàn với vợ chồng người bạn đi cùng về sự chênh lệch giá cả đó. Tuy nhiên, con lại học được bài học rất đẹp từ người bạn nầy.

-          Này bạn! Tại sao mình lại quan niệm mắc rẻ như thế? Có phải là mình đã may mắn có tiền

để  chia xẻ cho người khác và trong cái lạnh lẻo ngoài đảo, vị Bồ tát nào đó đã hiện cho mình có đầy đủ điều kiện tức thời, đúng lúc để mua chiếc áo khoát che chở cơn lạnh không?...

Ba mẹ biết không! Con mắc cở quá, khi nghe người bạn chia xẻ ý tưởng nầy. Mình tự xưng là

Phật tử mà đôi khi lại không thông thoát, quan niệm bị chật lại, hay than phiền....”

            Câu chuyện nhỏ bên lề cuộc đi chơi của đứa con gái kể lại, làm tôi chợt mỉm cười, suy nghĩ. Đời là những bài học, tuy nhỏ nhưng là những bài học sống, đẹp. Khi chúng ta chuyển nhận thức của mình trước những dữ kiện hay vấn đề đang đối diện, mình sẽ chuyển được sự cảm nhận, cách nhìn  và thay đổi được hoàn cảnh, dù là nghịch cảnh. Tất cả đều đến từ tâm và do tâm mà chuyển hoá, sẽ chuyển khổ đau thành hạnh phúc, chuyển bất hạnh thành an lạc.

Mấy ai trên cuộc lữ làm người tự nhận mình có đầy đủ hạnh phúc chân thật, dù là đang đầy đủ danh vọng, tiền tài, sắc đẹp, của cải vật chất v.v...một cơn gió vô thường thoáng qua, chợt thấy mọi sở hữu đều rơi rụng, biến chuyển, vượt ngoài mọi nắm bắt.

Từ những hụt hẫng trong đời sống qua sự chấp thủ, vô vọng trong trò chơi nắm bắt, con người tự đặt lại quan niệm sống, một nhân sinh quan cho chính mình.

Trong thập niên 1960, tôi may mắn được quen vị Thầy khả kính- giáo sư Tam Ích, là nhà văn và là nhà tư tưởng, nhưng ông đã ngã gục vì tư tưởng của mình. Thầy Nghiêm Xuân Hồng- sau nầy là Cư sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng, với “ Đi tìm một căn bản tư tưởng” hay “Xây Dựng Nhân sinh quan”  v.v… và đi cùng với biết bao nhiêu những nhà văn, nhà tư tưởng khác…để tìm cho mình một sinh lộ, khi chung quanh là đổ vỡ, là chiến tranh, là chết chóc, là những sự vô lý dồn dập đày đọa lên thân phận con người. Tuổi trẻ của chúng tôi lúc đó, trong thời gian đó, là sống để sống, sống để chờ ngày chết, sống để đi tìm….và dựa hơi trên những những nền tảng nhận thức của người khác để làm của mình, vẫy vùng để sống với nhân sinh quan vay mượn, nhưng đôi khi lại thấy rỗng không, không thích hợp với mình..

Qua biết bao nhiêu dâu bễ, biến thiên của trời người, của đất nước, nhìn lại đoạn đường qua, chợt thấy mình vô lý. Tại sao lại rong ruổi đuổi theo những tư tưởng, theo những áng mây trời mênh mông, theo những vọng niệm bềnh bồng, lại bỏ quên chính tâm mình.

 
Ta cứ ngỡ thời gian là dĩ vãng
Là hồ bơi thoáng ngát hương đời
mặt trời lên, dòng thời gian vỡ vụn
hương không còn, hồ cạn, bóng về đâu ?
                                                 Minh Thanh

Như người chèo thuyền ra biển cả, thấy mảnh trăng non hiện rõ trên bầu trời, long lanh, đẹp rực rở. Ai đã từng ngắm trăng sẽ thấy trăng có sức thu hút kỳ lạ, quyến rủ đầu óc tưởng tượng của con người. Vội vàng lấy cây khều trăng để làm của riêng mình, để trăng cao vời vợi, để nhón gót kéo dài thêm cây, mong với tầm nhìn. Vì cuộc sống quá nhiều bận rộn, lo âu và vật chất thì quá đầy đủ, nhất là đối với cuộc sống ở nước ngoài hay là của người cầu tâm bên ngoài, vọng ngoại, quên hẳn tâm mình.

Một cuộc đuổi bắt ròng rả, trăng vẫn cao và người thì rả rời, vô vọng, cuốn mình theo sanh tử tử sanh. Chỉ có khi nào dừng chân lại để trăng là trăng, để hơi thở vẫn còn cuồn cuộn và để thấy trong mình, vầng trăng thực sự vẫn muôn đời rạng sáng, không biến hoại- mảnh trăng của tâm thanh tịnh.

Con đường dài trên bước tiến tâm linh là một con đường kỳ diệu, không chỉ vì chúng ta già tuổi đời nên mới ý thức và cần tới, nhưng đó là con đường đưa đứa bé thành người trưởng thành, đưa người lớn vững vàng, lớn lên với vóc dáng của tâm hồn,  là con đường của bao thế hệ cần được nuôi dưỡng. Con đường tâm linh là con người của đối diện với tử sanh, hãnh diện tiếp xúc với nghiệp lực của chính mình trên thân phận một hữu tình, để tìm được gút mắc mở đường hạnh phúc chân thật.

Đức Phật nhận thức cuộc đời là khổ, sau khi dạo qua bốn cửa thành, thấy sinh già bệnh chết, thấy sự khổ là chuổi dây nhân duyên phủ lấp thân phận muôn loài. Giữa đêm khuya, từ giả vợ con, giàu sang phú quí, địa vị danh vọng đang chờ…để đi tìm chân lý.

Con đường tâm linh như lời kêu gọi thống thiết, là hướng đi của chi thứ hai- Trạch Pháp hay Phân biệt ( Dhammavicaya ) đến từ Chánh Niệm.  Vì sao phải có sự đi tìm, khi cuộc đời quá đầy đủ, khi dục lạc sung túc, khi nhìn thấy bao quanh là hạnh phúc, vương quyền…nhưng Ngài nhìn thấu rõ rằng tất cả đó chỉ là giả tạm, của mộng trong mộng, của ảo ảnh trong đêm dài vô tận của kiếp người, là khổ đau chồng chất thêm đau khổ khi bị ràng buộc trong những triền cái, ngăn chặn hướng đi giải thoát. Đây là sự chuyển tâm quan trọng, khám phá ra ngọn nguồn của sanh tử là vô minh. Đó là cái nhìn Chánh Kiến về bản chất của thực tại, của vạn pháp từ hữu đến vô vi pháp, bản chất là khổ không- vô thường- vô ngã.

Bao lâu, con người còn dễ duôi, mở rộng sáu căn, để cho thân miệng ý thâu nhận những chất liệu làm sai lạc, ngộ nhận, xem vô thường là thường, coi khổ đau là hạnh phúc và rồi tham đắm, thủ chấp, thì sự ngụp lặn trong sanh tử vẫn kéo dài. Đó không phải là cuộc chạy trốn kiếp người, mượn nầy để thế nọ, mê muội tâm hồn, nhưng là tiếp cận, quán chiếu và chuyển hoá, để sự sanh sự tử chỉ là những nguyện lực vì lợi ích của con người.

Ngài đã ra đi để tìm chân lý, đã thành tựu được Giác Ngộ và để lại cho nhân loại một kho tàng vô giá của tâm linh, một kho lương dược kỳ diệu có khả năng chuyển hoá mầm mống sanh tử, chuyển khổ đau thành hạnh phúc, chuyển trói buộc thành giải thoát, chuyển vô minh thành trí tuệ sáng suốt, nếu biết khéo thực hành.

Tất cả chúng ta- ai nấy đều cũng phải ra đi để tìm đáp số cho cuộc đời chính mình. Hạnh phúc hay khổ đau đều do chính mình định đoạt, không một ai có quyền sanh sát, ban ân huệ trong nghiệp lực của mình.

Trạch pháp là con đường đi tìm và trở về, khi có cái nhìn thấu đáo, tường tận về bản chất của thực tại. Ai ra đi mà không trở về. Sự sanh ra đời cũng là con đuờng nối dài đến sự chết. Sự gặp gỡ cũng là khởi đầu của chia tay. Đứa bé vừa chào đời cũng là một người già nua ngày nào đó. Sự có  cũng là đầu mối của mất mát….

 
Đã biết nhau rồi, qua nhiều kiếp mộng
gọi ngày vừa qua, bỗng thấy ngày mai
gọi những cơn mê, nắng sớm mưa chiều
gọi cơn gió đìu hiu còn qua lại
 
lời mời gọi ngày nào, nay sao xa lạ
có phải người là màu mắt năm xưa
sao nhìn nhau. không thấy lời trọn vẹn
mỗi giây qua vụt rơi  mất dấu về
 
bóng dáng ngày nào, lụa là êm ả
tấn tuồng vừa xong, cởi dấu hình hài
đứa bé đó bỗng già nua bênh cạnh
môi còn son, mà nhân lớn tuổi đời…
                                                           Minh Thanh

Cuộc Hành Hương tâm linh trên những vùng Thánh tích ở Ấn Độ, làm cho tôi có những suy tư đến cuộc đời. Khi biết đến đạo Phật và trở thành người Phật tử, áp dụng những lời dạy của Ngài vào đời sống. Tôi trọng ân Đức Từ Phụ vô cùng, đó là một hạnh lớn của đời người mà mình được may mắn gặp, thực hành. Từng ngày qua, nhìn lại tâm mình, dù nghiệp lực vẫn còn đầy dẫy, dù tham sân si vẫn múa rối bao lần, dù khổ đau vẫn luôn rình rập v.v…nhưng trong lòng, tận chiều sâu, lại thấy mình vẫn luôn luôn có ánh sáng của Tánh Phật soi rọi. Đó là một gia tài vô giá, không có gì có thể đánh đổi được và từ đó, thấy cần phải làm gì để báo đáp chút ân mọn lên Đức Phật và Giáo Pháp của Ngài.

Tại Thánh địa Lumbini- nơi Đức Phật Đản Sanh ở Nepal, tôi đã gặp được Thầy Huyền Diệu- người Thầy mà tôi kính quí trọng. Tôi không có thần tượng hoá một người nào, vì trong tâm tôi đã có Đức Phật, nhưng luôn kính quí những người biết hy hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp Tâm linh, và vì lợi ích cho mọi người. Gặp Thầy bằng xương bằng thịt, và được nghe Thầy kể lại những việc làm khi xây dựng ngôi Chùa Việt Nam đầu tiên tại Thánh địa nầy. Thầy là người không thuộc Giáo Hội nào như lời Thầy kể, và Thầy chỉ là người con Phật, tu theo Phật và làm Hạnh của Phật làm.

Ngôi Chùa Việt Nam Phật Quốc Tự khi bắt đầu khởi công với biết bao nhiêu là chướng duyên : Kỳ thị tôn giáo, bị ám hại để làm nản lòng, bị bao lời dèm pha, quấy nhiễu, phá phách, gây hấn v.v…nhưng vì đại nguyện theo Hạnh Phật và để tỏ lòng tri ân hồng ân của Phật trong muôn một, Thầy không ngả lòng và Ngôi Chùa nay đã được thành hình như ngày nay. Hiện Thầy đang mang trọng trách là Sứ giả Hoà bình của đất nước Nepal. Xin thành tâm đảnh lễ những sự hy sinh và tấm lòng cao quí vì Đạo vì Đời như vậy.

Trong Lịch sử Phât giáo Việt Nam cận đại- vào năm 1963. Chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh của Bồ Tát Thích Quảng đức, nguyện đem thân mình làm đuốc soi sáng vô minh, mong đem lại Tự do- Bình Đẳng và Hạnh Phúc cho mọi người.

 
Lửa đá cháy bùng lên thiêu thân xác
nhục thân Ngài bỗng hoá biến vô biên
lòng thù hận bao năm trời điên đảo
chợt cúi đầu run sợ bóng từ bi
 
Có xá gì đâu thân bốn đại
Có màn gì vòng danh lợi lợi danh
Máu đã đổ tẩm y vàng thanh khiết
lửa vùng lên xoá bỏ hận thù
 
Trời đất vẫy vùng lên cơn gió bụi
một phút giây nầy ghi dấu đậm thiên thu
thân có rả tan trong cơn bão lửa
nhưng tâm tình dung chứa mọi sinh linh
 
Ngài đã đến và đi như mộng ảo
dấu từ bi rõ sáng trí trong ngần
hạnh phúc muôn loài, lấy thân làm đuốc
gọi bao lòng chia xẻ nổi đau thương
 
Ôi ánh sáng vầng hồng chiếu rực rỡ
Đâu sánh bằng trái tim hùng Bồ tát
sử xanh ghi, bao oan khiên giải kết
 trái tim hồng, vô úy, chở nạn sinh linh ….                                           
                                                    Minh Thanh

 

            Từ những tấm lòng biểu trưng đó, nhìn thấy rõ được tâm Bồ đề vững mạnh trước bao phong ba bão táp của cuộc đời, của dư luận, của thế lực, của tiền tài danh vọng….Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã nuôi dưỡng và nối kết với dân tộc Việt Nam đã hơn Hai ngàn năm và đến ngày nay, bởi những vị Thánh Tăng mà với những Hành trạng vì Đời vì Đạo, quả là bất khả tư nghì, bất khả ngôn luận., đều mang dấu ấn của tâm Bồ Đề. Vâng, cái tâm muốn báo ân Phật qua những gì mình thực hành và thấu chứng được; cái tâm vì lợi ích nhân sinh, muốn đem con người vượt qua nổi trầm luân của kiếp người trước bao vấn nạn đè nặng lên thân phận con người và do con người gây ra.

Cái tâm đó cũng là cái tâm Vô úy- một tinh thần kỳ diệu, cao cả của Đạo Phật, đến từ Tâm Từ Bi- Trí Tuệ và Đại Hùng Đại Lực, dám đối diện trước Bát phong với tinh thần Bất Bạo Động. Do hiểu được cuộc đời là vô thường, coi thường danh vọng tiền tài là giẻ rách và cái chết chỉ là sự chuyển đổi thân xác tứ đại, nên họ dám đối diện với tất cả mọi vấn nạn, mọi áp lực, mọi thế lực, mọi gây hấn, mọi thù hằn, chụp mũ, chia rẻ, mọi chống đối, mọi hàm oan v.v…vì họ không sợ chết. Cái chết mà không sợ, thì họ còn sợ gì nữa và với tâm Bồ Đề Vô úy- đó là phương pháp tháo gỡ mọi vấn nạn của cuộc đời.

Giữa biết bao nhiêu biến động gây khổ đau cho con người trên thế giới, một môi trường bất an, dầu sôi lửa bỏng, có nguy cơ đưa nhân loại đến họa diệt vong. Các quốc trên thế giới đã nhận thấy được giá trị Hoà bình, An Lạc và Giải thoát của Đạo Phật- đáp ứng cho nhu cầu của các xã hội như một lương dược giải án cho khổ đau của nhân sinh. Đạo Phật đã ngày càng được lan rộng, được mọi người tin tưởng và thực hành. Sự tu tập đưa con người chuyển khổ đau, tâm bệnh của chính mình và của mọi người.

 
Có một nhà thơ nói rằng:
 
Xuân tằm đáo tử ly phương tận
lạp cự thành hôi lệ thủy cạn  
                             ( Lý thường Ẩn )
Tạm dịch :
 
Tằm xuân đến chết, tơ mới cạn
nến chảy thành khô, lệ mới ngưng….
                                    ( Minh Thanh )

 

Người con Phật vì Đời vì Đạo, khi thân xác đã hoá tro bay, nhưng trách nhiệm vẫn chưa xong. Chúng ta không thấy làm lạ khi đã bao lần nghe được câu nguyện như:” hồi nhập Ta bà, phân thân vô số, hoá độ chúng sanh..” Chí đó đâu phải nhỏ, nguyện đó đâu đã mòn, vì để báo ân Phật và Thầy Tổ, mà lòng luôn canh cánh một bên.

Phật giáo Việt Nam đang qua một khúc quanh lớn, và người con Phật Việt Nam đang đổ dồn tâm lực và cầu nguyện. Chúng ta phải làm gì để tháo gở mọi áp lực, thế lực vô minh đang manh tâm chia rẻ, đánh phá lương tâm, lương tri của con người.

Chúng ta ý thức rằng là người con Phật, đã bao lần mình đã xót xa khi thấy mình sanh ra đời không được gặp Phật, không được gặp Chánh Pháp, luân chuyển với bao nhiêu kiếp người lên xuống, nay, may mắn được nghe Phật Pháp và được Thầy Tổ dạy dỗ tu học để cầu giải thoát và luôn luôn cầu nguyện rằng, dù sinh ra trong chỗ nào cũng đều gặp được Phật Pháp.

Chúng ta đã từng được dạy phải sống theo tinh thần Lục hoà- đó là phương pháp Hoà bình của Đạo Phật.

Chúng ta đã từng đọc Bốn Đại Hoằng Nguyện mỗi ngày: “ Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ. Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học. Phật Đạo vô thượng, thệ nguyện thành”.

Chúng ta cũng thường tâm đắc khi đọc Mười nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền như là một kim chỉ nam cho cuộc sống tiếp cận với mọi người, vì Đạo và Đời, vì báo ân Phật.

 
Nhất giả lễ kính chư Phật.
Nhị giả xưng tán Như Lai.
Tam giả quảng tu cúng dường.
Tứ giả sám hối nghiệp chướng.
Ngũ giả tùy hỷ công đức.
Lục giả thỉnh chuyển pháp.
Thất giả thỉnh Phật trụ thế.
Bát giả giả thường tùy Phật học.
Cửu giả hằng thuận chúng sanh.
Thập giả phổ giai hồi hướng
 

Ngày nào, chúng ta còn tự nhận mình là người Phật tử, là người noi theo dấu chân của Đấng Cha Lành để làm lợi mình, lợi người. Ngày nào. Chúng ta vẫn còn nghỉ đến Đức Phật, đến ân đức sâu dầy của Ngài, đến Thầy Tổ v.v…thì không có bất cứ lý do gì, chúng ta không dám Kinh Lễ - Xưng Tán – Cúng Dường Chư Phật, để sám hối nghiệp chướng của mình và người, để tùy hỷ công đức, để thỉnh Phật Pháp còn mãi, để chuyển Pháp luân, để được học Phật, để hằng thuận chúng sanh, và để mọi người, mọi loài đều được An Lạc và Hạnh Phúc trong Giáo Pháp Từ Bi của Đức Phật.

Nếu chúng ta vì thế lực, vì áp bức, vì sợ nầy sợ nọ, sợ mất danh mất lợi, sợ chụp mũ, sợ phe phái, sợ đến nổi phải nói xấu lẫn nhau, tạo đất bằng dậy sóng, vu cáo lẫn nhau, chà đạp hại lẫn nhau một sống một còn v.v…. thì đó là sự đau lòng vô cùng cho người con Phật, vì đánh mất tinh thần Vô Úy, trốn lánh, sợ sệt được phủ lấp bởi những hình dung từ cao đẹp …vì không dám xưng tán, cúng dường Đức Phật- Người Cha Lành của muôn loài, mà chúng ta đang theo dấu chân Ngài, cũng như mang trọng ân Ngài.

Cầu xin cho mọi người  không ai gây hại ai. Mọi oán thù đều dập tắt. Mọi chia rẻ đều vô hại. Chiến tranh đều ngưng lại và mọi người đều được sống trong An Lạc và Hạnh Phúc.

Với tất cả lòng kính thành dâng lên tất cả mọi người, nhân sau ngày đi Hành Hương Trở Về Tâm Linh.

 
Kính mong lắm thay!
Ngày 21.12.2007
Cư sĩ Liên Hoa

 



 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/hanhhuongtrovetamlinh.htm

 


Vào mạng: 26-4-2008

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang