Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
LẦN THEO DẤU VẾT XƯA
 
Cư Sĩ Liên Hoa

Gió bụi, đường xa, sương còn rơi lạnh
Ngày cùng đêm bịn rịn lúc chia tay
Ánh bình minh ẩn mình trong khói bạc
Lòng người đi mở rộng tấm chân tình
 
Phiến đá ngày xưa còn in đậm dấu
bước chân non thanh tịnh ẩn bao đời
dấu thời gian giữa mộng đời hư ảo
dấu của tâm linh mưa pháp ấm tình

 

   Ai lặng đứng nhìn dấu chân xưa đó
      ai thấm lòng, cung kính chấp đôi tay
      cánh sen tâm duyên nở tỏa miên trường
      từng cánh hạt mà trời tâm quì xuống
 
     Xin đảnh lễ Nguời- Cha Lành cao cả
     xin nương về Bậc Thầy của trời người
     theo dấu chân, đường thênh thang mở rộng
     rời ưu phiền, tâm lại trở về tâm….

                                                Minh Thanh

 

 

            Vừa xong thời Kinh buổi sáng, tôi ngồi im lặng nhìn lên Đức Phật- một vị Thánh nhân mà trên thế gian nầy đều ca tụng, xưng tán, kính phục v.v…không phải bởi vì sức mạnh của bạo lực, tiền tài, danh tiếng, nhưng bởi vì Trí tuệ vô biên và lòng Từ Bi vô hạn của Ngài. Đã hơn 2500 năm qua, đến nay vẫn vậy và mãi mãi sau nầy, trừ phi nhân loại không còn biết giá trị thực sự của đời sống đạo đức, tâm linh, bao dung, tự tại, giải thoát…Hình ảnh thật đẹp và trang nghiêm, miệng như đang mỉm cười. Nụ cười an lạc, tự tại, hạnh phúc của một người đã siêu thoát, vượt qua mọi sự chi phối của vô minh. Hình ảnh nầy, dù biết rằng như Kinh Kim Cang nói:” Nếu lấy sắc, lấy âm thanh…để cầu, để thấy Ngài, đều là những sự sai lạc”, nhưng thật lòng, thì với đời sống trần tục, vẫn còn vưóng mắc trong sắc thanh hương vị xúc pháp…đôi khi hình tướng, sự tướng cũng cần thiết để dẫn tâm vào trong vùng trời bao la của Chân Tánh, của Thực Tại, của Vô ngã.

            Nhìn qua cửa sổ, cái hồ còn dày đặc sương mù, thỉnh thoảng cơn gió thổi qua, rượt bắt, xua đuổi sương dạt về một hướng, hiện rõ trên mặt hồ những cơn sóng nhỏ, mỏng cánh như từng thìa nước. Sóng nhấp nhô, chơi vơi, nối lìền, từng đợt nầy kết nối với đợt sóng khác. Có phải đó là nước, là sóng, là những lọn tóc bạc đầu, mang nặng hơi sương, ghì kéo hơi gió, gánh nặng màu nhật nguyệt, của ánh nắng trải dài trong bao ngày qua, của những đêm tối mịt mùng, của lúc bầu trời có những vì sao xuất hiện, nhấp nháy, reo vui, có ánh trăng, có ánh sáng. Hay, chính đó cũng là biểu tượng của cuộc đời, của nhân duyên trùng trùng duyên khởi, của một là tất cả, của cái nầy có cái kia sinh. Một kiếp người của ngày hôm nay, là bóng dáng của vô lượng kiếp nối tiếp đã qua và là viễn ảnh của một ngày mai, nếu tâm không ngơi nghỉ, dừng lại.

Cuộc đời, nhất là đời sống hiện tại, với mọi phương tiện truyền thông, quảng cáo, nhiều kích động v.v…một mặt nào đó, có thể đưa con người tiếp cận với đời sống thường nhật, mở rộng tầm nhìn, vũ trụ như tóm gọn lại, gần gủi…nhưng mặt khác, nếu không bình tâm, tỉnh trí …thì chính những phương tiện đại chúng, phổ thông đó, lại đưa con người đánh mất tâm an tịnh, bị lôi kép vào những thị phi, tranh chấp, sống huớng ngoại, đua đòi theo những nhu cầu vật chất., tâm hồn sẽ nghèo nàn, dễ bị phân hoá, vong thân. Khi chúng ta đi một hướng nào đó, không trở về với tâm trung dung, con đường trung đạo, thì dễ kéo đi theo một hướng cố định, đánh mất sự sáng suốt cần thiết, bỏ rơi những chia xẻ, thân tình.

Tin tức bao ngày qua, trên truyền hình, trên báo chí, có những thảm cảnh xẩy ra, của người cha liệng bốn đứa con xuống con sông, những đứa bé vô tội. Nhưng tin tức nóng sốt về chiến tranh, chỗ nầy đặt bom giết hại người dân lành, nơi kia chiến trận bùng nổ vì sắc tộc, vì kiêu binh, bè phái…Thị trường chứng khoán chao đảo, động đất, cháy rừng, kinh tế suy sụp ảnh huởng đến toàn cầu. Nhiều nơi trên thế giới mưa bão, khí hậu thất thường, ảnh hưởng đến môi sinh…Căn nhà của trái đất nầy nhỏ bé quá, như trước mặt, ở đây và mình là người trong cuộc...Giữa biết bao nhiêu xáo động của đời sống, của môi trường xung quanh v.v…dẫn đến những biến thái tâm lý của nhiều người ở mọi giai tầng xã hội, phải dùng đến thuốc ngủ mỗi ngày hoặc những chất liệu khác, bằng bất cứ hình thức nào để chạy trốn thực tại, để xoa dịu tâm hồn, ổn định tạm thời thần kinh nhạy cảm…Những biến động nầy ảnh huởng đến hệ thần kinh, bộ não của nhiều người. Nhiều thống kê cho thấy rằng bệnh tâm thần đang lan rộng, nhất là đối với những người không có đời sống tâm linh, tâm hồn rỗng, đam mê vật chất. Phải chăng, vì thế mà tôn giáo rất tối cần thiết trong đời sống hiện đại, khi trong tâm tư mọi người không an?

Phật giáo là một trong những tôn giáo được đề cập nhiều đến, vì qua những kinh sách bao la, rộng lớn, bao trùm hết tất cả mọi triết thuyết của nhân loại, nhưng đặc điểm siêu việt của Phật giáo là đến với, vì con người, với đời sống hiện tại và hướng đến giải thoát khổ đau bằng chất liệu thiền định, tĩnh lự để chuyển hoá. Đạo Phật đặt căn bản từ con người đang mang tất cả gánh nặng phiền não, nghiệp chướng, nhưng qua phương pháp tu tập, giản dị, trung dung… đem lại cho con người sự quân bình của đời sống, không hứa hẹn đến một sự cứu rổi hay cảnh giới nào khác. Cuộc sống hiện tại bị mất quân bình, đau khổ thì bất cứ ở cảnh giới nào cũng mang nhiều nổi khổ đau, biến cảnh giới đó thành nổi trầm luân tiếp diễn. Cho nên, với phương pháp tu tập, vì sống với con người thực tại và với hiện tại, ngay bây giờ, Phật giáo không chỉ là một Tôn giáo, mà còn là nếp sống, một cuộc sống thực tiển.

Phật giáo hay Đạo Phật lại bắt nguồn từ sự Giác ngộ Chân Lý của một con người- đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Rất là hy hữu trên thế gian nầy mới xuất hiện một con người như vậy, qua bao ngàn năm qua chỉ có Một. Từ vị Thánh nhân đó mà giáo lý Duyên Khởi được tuyên thuyết, ngôi nhà vô minh được xây cất bởi mắc xích của 12 nhân duyên mới được chỉ rõ tường tận, để gỡ bỏ, dẫm trên đường thong dong, tự tại; rồi đến bước chân của Bốn Thánh Đế là một chân lý, bao trùm khắp cả thế gian và xuất thế gian, mới được đào sâu, để từ Tục đế bước qua Chân đế và mở tung được vùng trời bao la, vô tận của Từ Bi-Trí Tuệ với Đại Nguyện, của tâm Vô Ngã.

Trong kinh A Hàm nói: "Một chúng sinh duy nhất , một con người phi thường đã xuất hiện trên thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì lòng bi mẫn , vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và loài Người ".

Sự xuất hiện của Đức Phật là một hạnh phúc cao thượng cho trời người, không có gì để có thể so sánh, hay nghĩ bàn, vì Ngài thị hiện trên cuộc đời để chỉ bày cho con người “Mọi loài chúng sinh đều có Phật tánh và nếu biết khai phá, thể nhập, thì sẽ là vị Phật tương lai”. Một cùng tử đi hoang, lang thang trên mọi nẻo luân hồi, bỗng nhiên gặp lại được người Cha thân yêu, trao cho gia tài vô giá và chính mình là sở hữu chủ. Còn sự sung sướng nào hơn nữa, còn sự bình đẳng nào có thể so sánh.

Là người Phật tử, từng nghe lời Kinh, từng nghe thuyết giảng, từng suy tư để thấu tận mỗi một niệm khởi, cũng như biết bao nhiêu nhà nghiên cứu, nhà khảo cứu, nhà tâm linh trên thế giới v.v…đều mong muốn tìm hiểu, sống với hoặc thể nhập vào, về Con Người Siêu Việt nầy. Đó không phải là con nguời huyền sử hay giả tưởng, nhưng là một Thánh nhân lịch sử bằng xương bằng thịt, đã xuất hiện hơn 2651 năm qua.

Hai đoàn xe lao vùn vụt như muốn đuổi theo thời gian để hướng về Lumbini ở Vương quốc Nepal. Xe chạy đến biên giới Sonauli giữa Ấn Độ và Nepal, phải dừng lại để làm Visa nhập cảnh. Nepal là quê ngoại của Thái tử Siddharta và sau nầy là Phật Thích Ca. Vì không xin visa trước, nên đến biên giới nầy mới làm thủ tục xin nhập cảnh cho một số người quá đông, đã mất  gần 3 tiếng đồng hồ. Đoàn xe tiếp tục lên đường, những bài pháp thoại được giảng trên xe, những sinh hoạt văn nghệ bỏ túi do những giọng ca vàng của những người trong đoàn, làm cho đoạn đưòng dài hơn 7-8 giờ xe qua mau. Ai nấy đều cảm thấy mệt mỏi, nhưng như có sự mầu nhiệm nào đó hay vì lòng nôn nóng muốn đến nơi những Thánh tích, đã làm cho mọi vẩn động trong tâm xoá nhoà, biến mất.

Vừa qua biên giới, trên đoạn đường dài, từ cổng thành, đến nhiều ngã tư hay các ngã đường, có treo hình hoặc thờ tượng Đức Phật, làm cho tâm hồn mọi người đều cảm thấy hân hoan, vui mừng, ấm cúng.

Đường xa, ổ gà nhiều, xe chạy vùn vụt, những cảnh tiêu điều, xơ xài ở hai bên đường nối nhau chạy lùi. Vì không đủ giờ, vì trời cũng đã ngã chiều, nên đoàn dự tính bỏ tham quan nơi Tháp của Nữ La Hán Mahapajapati Gotami, dù trong lịch trình của chuyến đi có đến chiêm bái nơi nầy. Người  là vị Tỳ kheo ni đầu tiên, sáng lập Ni đoàn thời Đức Phật, và là Dì cũng là mẹ kế của Thái tử Siddharta. Dù quyết định như vậy, nhưng người tài xế của 2 đoàn xe cũng vẫn chở đoàn người Hành hương tới nơi Tháp của Người. Cổng vào đóng kín, người gìn giữ ngôi Tháp cho biết, nếu muốn, họ sẽ mở cổng cho vào chiêm bái, nhưng rất tiếc, trời đã nhá nhem tối, nếu đi vào trong cũng không thể thấy gì rõ hoặc không thể chiêm bái được. Tháp của Nữ La hán ẩn mờ sau bóng đêm đang kéo tới dần. Thôi thì đành đứng ngoài cổng, chụp vài tấm hình có thể, để rồi nhìn lại hình ảnh cũng không thấy rõ được gì.

Đoàn tiếp tục đi và đi, xe vẫn chạy cuốn rút, như hối hả, như tha thiết, như mong ước…đây cũng là tấm lòng của người con Phật, đang hướng về…Hy hữu mới được làm thân người, sau bao nhiêu kiếp ở nơi đâu, trầm luân như thế nào? Hy hữu của một kiếp người là gặp được giáo pháp thâm diệu của Đức Phật, giáo pháp dạy làm con người thực sự, những bài học thiết thực của tính nhân bản, lòng trực tâm, lối sống cao thượng, hạnh phúc….

 

Sáu cánh sen lòng, sao huyền diệu

nụ xuân hồng hương tỏa viễn xa

cánh mắt biếc long lanh không sắc

cánh thanh âm dời bến tình nồng

cánh của hương trầm qua ảo mộng

cánh con thuyền dừng bến thực xưa

cánh bóng tâm không ảnh không hình

cánh của ý trời sao biển rộng

 

Ồ thật đẹp, “tâm không” thật đẹp

tháng năm qua, mà nở hôm nay

một chút lòng son, xin dâng Phật

là trời tâm quán chiếu bao ngày

hạnh phúc mỉm cười trong an lạc

cười reo theo hơi thở nhịp nhàng...

                                          Minh Thanh

 

Đêm về, màn đêm bao phủ khắp mọi nơi, Đoàn đã đến khách sạn, lấy chỗ ngủ, dùng buổi cơm tối và những sinh hoạt bình thường của đoàn người lữ khách. Mệt nhoài, nhưng lòng ai nấy đều vui, cái vui tinh thần, cái vui của đời sống tâm linh, mà đôi khi vật chất không thể mua được. Trong giấc ngủ, dù nổi tiếng là dễ ngủ do thường quán chiếu, để tâm không, bỏ mọi ưu phiền sau lưng, sau một ngày làm việc. Nhưng đêm nay, lòng tôi cứ bồn chồn, mắt vẫn cứ mở trong sự an lạc, trong một hạnh phúc nào đó, không diễn tả được. Tôi cứ chập chờn, chờ đợi sáng…..

Một buổi sáng thật đẹp, sương còn dày mang hình ảnh đám mây chập chờn, ẩm lạnh trải dài, phủ lên trên đôi vai của mọi người.. Đoàn người rời xe, đi kinh hành tiến vào cổng của khu vườn Lumbini. Mặt trời chưa lên, chưa tỏ, sao lòng ai nấy như đều tỏ rạng. Gương mặt vui mừng hớn hở, những nụ cười an lạc nở trên môi. Thật là quá đông người, của nhiều đoàn hành hương khác, từ nhiều quốc gia, đã có mặt. từ trước. Đoàn vẫn tiếp nối đi, tiếng niệm Phật vang rền….Tôi không biết xưa kia, khi Thái tử Siddhata đản sanh, trời người vui mừng như thế nào hoặc khảy nhạc trời trổi vang, tung hoa nhiều sắc màu, đầy hương thơm tuyệt diệu toả khắp mọi nơi, rải khắp nơi cúng dường hay lòng người hạnh phúc, sung suớng ra sao…Nhưng hôm nay, những hình ảnh đó như đang có mặt nơi đây, nở rộ, chan hoà, chen lẫn với hương năm màu sắc tuyệt diệu trong tâm hồn người con Phật, là hương của tín, của tinh tấn, của niệm, của định, của huệ căn.

 

Ngày là đây, đêm có là đây

Sao mai đổi chỗ để làm ngày

thời gian ngừng lại như chờ đợi

một áng trời trong xóa bóng mây

 

trời người hoan hỷ, lòng hớn hở

bỏ lo, không bận, gỡ ưu phiền

bỏ từng phiến đá bao năm nặng

một cõi  trời quang, không bóng mây……

                                     Minh Thanh

 

Lumbini nằm trên ngọn đồi thuộc chân núi Hymalaya, trước thuộc tiểu bang Ultar Pradesh, Ấn độ. Vào năm 1857, thực dân Anh khi đó đang đô hộ Ấn độ và khi quy hoạch lại biên giới, đã cắt ra một số đất nhường cho Vương quốc Nepal, bao gồm luôn Thánh tích Lumbini. Nay, thuộc phía Tây Nam của Nepal.

Qua bao nhiêu biến thiên, thăng trầm của lịch sử, với hàng trăm năm sau khi đoàn quân Hồi giáo xâm chiếm Ấn độ và đã đập phá biết bao nhiêu là Thánh tích của Phật giáo, giết hại các vị tu sĩ, máu tưởng chừng như đỏ thẳm trải rộng nhiều nơi chốn, thấm đất, thấm nổi đau, thấm với lòng thương cho sự mù quáng, cuồng tín của tôn giáo. Máu đỏ nuôi dưỡng cho những thân cây xum xuê lá, bồi bổ cho những vùng đất, và từ đó, đất cây trở thành rừng, trở thành đồi đất như có sức sống lớn mạnh, bao che phủ khuất những Thánh tích nầy, dù tuởng chừng như các Thánh tích Phật giáo bị chôn vùi, quên lãng theo thời gian, theo luật vô thường, sinh diệt.

Qua di tích trụ đá do vua Asoka- người là vị vua Phật tử đã góp công truyền bá giáo Pháp của Đức Phật lan rộng ra các vùng Đông Á- gần 400 năm sau đó đã đến nơi đây hành hương, đã đặt viên đá chính xác nơi Phật đản sanh và dựng trụ đá như đã nói trên, để đánh dấu chổ Đấng Thiên Nhân Sư đã chào đời. Nhà khảo cổ người Đức Fuhrer năm 1895, đã khám phá ra trụ đá nầy, mở màn cho một kỷ nguyên mới cho sự phục hoạt dòng sống tâm linh cao thượng. Trụ đá hiện nay vẫn còn nguyên vẹn, cao khoảng 15 mét, được bao bọc bởi hàng rào sắt để gìn giữ, tuy có hoang sơ, điêu tàn, nhưng dấu nét của dòng chữ ghi khắc lại Sắc Luật khắc trên đá (the Rock Edicts) vẫn còn rõ ràng, sáng rực : "Devànampiye Piyadasì làjà hevam àha……..Hida Pudhe Jàta Sàkyamunìti" «Sau hai mươi năm lên ngôi, vua Priyadarsi (Vương hiệu của Vua Asoka), người được chư Thiên yêu mến, đã thân hành viếng thăm và cúng dường cũng như lễ bái nơi đây, bởi vì Ðức Phật, Thánh nhân dòng họ Thích, đã được sanh ra nơi đây ». 

Đoàn đã ngồi trước trụ đá, nơi ghi dấu chỗ Đản Sanh của Thái tử Siddharta để thiền quán và thành kính cùng nhau tụng kinh, đảnh lễ. Chung quanh, cũng có nhiều đoàn khác do các vị Sư của nhiều quốc gia khác nhau, hướng dẫn tụng kinh, kinh hành, nhiễu chung quanh nơi ghi dấu Thánh tích nầy….Lời Kinh vang dậy như những âm thanh của nhạc từ bi, nhạc của trời Càn Thát Bà dâng cúng, nhạc của lòng thành kính, nhạc của muôn tấm lòng dừng lại, trong giờ phút hiện tại dâng lên Đấng Cha Lành. Ôi ! không gian bao la, thành trụ hoại diệt không ai biết được. Thời gian vô thủy đến tận cùng chung nào ai hay, nhưng chỉ một niệm lòng thành lúc nầy, nơi nầy, chư Phật ba đời đã tùy tâm thị hiện.

Có lẽ ai nấy đều có cảm giác lạ lùng, huyền diệu từ nơi chốn nầy. Chỉ một số chứng cớ của Thánh tích còn lại, không còn nhiều khi so sánh với nhiều sử liệu xưa kia, những hình ảnh trù phú, an bình, thanh thoát, sung túc v.v..còn ghi đậm qua những Ký sự của các nhà Hành Hương như Ngài Pháp Hiền ở thế kỷ thứ V, Ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ VII…….nhưng kỳ lạ thay, nhiều hình ảnh dù ngày nay không còn hiện hữu, đã bị hủy hoại, nhưng như vẫn còn đầy đủ, to lớn, mở rộng vô biên trong tâm mỗi người con Phật. Đây là dấu ấn của tâm linh, của sức mạnh nội tại, là Tâm pháp, là Chân như, là Tánh Phật, là Pháp tánh, là Vô ngã…rọi lên suối nguồn của vô thủy dẫn đến vô chung. Dù có bao nhiêu sức mạnh của bạo lực, của vô minh, mù quáng tôn giáo gieo rắc, tàn phá, hũy hoại, cố mong sạch gọn những dấu vết của các pháp hữu vi,  dù họ vẫn biết rằng trong đó nội hàm mang nặng dấu vết, tấm lòng là giáo lý Từ bi- hỷ xả - giải thoát đem lại sự hạnh phúc, an lạc cho muôn loài, mà do vì cuồng tín- họ không cần biết, không cần thấy, không cần tin và phải quét sạch. Nhưng thưa rằng : tận trong mỗi hạt cát, mỗi cơn gió, một thoáng thời gian trong không gian nhiệm mầu, đã đủ vực dậy tất cả sức sống, như cơn thủy triều vươn dậy, đó là Phật Pháp, không aì có thể tiêu diệt được, không một ai có thể xóa bỏ được.

Gần nơi trụ đá do vua Asoka ghi dấu lại, cách vài chục thước là cái hồ nước linh thiêng mà xưa kia Hoàng hậu Maya sau khi sanh Thái tử đã tắm rửa. Mạch nước nóng lạnh được ghi lại trong lịch sử có 2 con rồng phun nước tắm Thái tử vẫn còn chảy ngầm phía dưới, tuy hồ đã bị ngăn đắp lại bằng bờ xi măng ở chung quanh bởi chánh quyền Nepal làm thành hình chữ nhật, ngang khoảng 7 mét, dài khoảng 10 mét, bốn phía đều có bậc tam cấp xuống hồ. Do ý muốn để bảo quản Thánh tích, nhưng lại vô tình làm mất vẻ thiên nhiên của nơi chốn nầy và làm cho nuớc hồ đổi màu không còn trong xanh và mạch nước ngầm không còn cuộn chảy, dù hồ nước vẫn còn đầy. Tuy nhiên, cũng phải hiểu đó cũng là tấm lòng thành kính của chánh phủ Nepal đối với những Thánh tích  Phật giáo ghi dấu nơi Phât đản sanh. 

Kế bên là ngôi đền Mẫu hậu Maya (Maya Devi Temple) được xây dựng cách đậy 2600 năm. Ngôi đền có kiến trúc hình vuông như cái hộp chụp lên trên những dấu tích của các tháp thờ, có chiều dài khoảng 25 mét, cao 7 mét bằng bê tông sơn trắng. Nơi đây, có hình bức phù điêu của Mẫu hậu Maya đang vịn cây Vô Ưu (Ashok) hạ sanh Thái tử, đã xưa cũ. Do các nhà khảo cổ còn đang khai quật tiếp, nên vẫn còn dang dở nhiều công trình. Có một lối đi bằng gỗ rộng khoảng 2 mét, có lan can bao quanh cao khoảng 1 mét dẫn các đoàn hành huơng xếp thành hàng một, tiếp bước đến cuối ngõ cụt, nhìn xuống bên dưới có cái hộp kính, bên trong đang chứa viên đá màu vàng đất (The Marker Stone) có dấu chân của Thái tử khi vừa đản sanh, đi 7 bước. Sau khi chiêm bái, chụp hình, rồi mọi người đều quay ngược ra ngoài. Đoàn đã đi nhiễu chung quanh nơi Thánh tích nầy nhiều vòng, vừa kinh hành vừa niệm danh hiệu Phật. Có rất nhiều, rất nhiều đoàn khác cùng đi theo, và cả những dân chúng địa phương gồm đủ mọi thành phần lớn bé, già trẻ, quần áo đủ màu sắc v.v…với tất cả tâm thành cùng đi chiêm bái và kinh hành. Ngôi đền nầy trước kia thuộc sở hữu của người Nepal không phải Phật giáo, vì họ cho rằng Đức Phật Thích Ca là hóa thân thứ chín của thần Vishnu (vị thần tối cao của Hindu giáo) và Mẫu hậu Maya Devi  là Rupa Devi - vị Nữ Thần Mẹ của Lumbini (Mother Goddess of Lumbini). Nhưng nay, chánh phủ Nepal đã trao lại ngôi đền và toàn bộ khu vực nầy cho Phật giáo.

Trên gò đất cao, cạnh đó, có cây bồ đề, gốc có một khoảng trống hẹp được gọi là “Hope hole” (Lỗ hy vọng). Chung quanh cây bồ đề, người Tây Tạng giăng những dãy phướn năm màu khắp 4 hướng, có in những câu thần chú, hình Phật. Gió làm cho những dãy phưón có màu sắc rực rỡ, tung bay theo gió,  tạo thành cảnh quan huyền bí, linh thiêng như uớc muốn của mọi người đều mong được an lạc, hạnh phúc.   

       Để duy trì Thánh tích Lumbini, với khuôn viên gồm có  4 mẫu vào năm 1967, Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc U Thant, người Myanmar, cũng là người Phật tử, đã vận động để trùng tu và biến nơi đây là Trung tâm Hoà Bình của Thế giới, của Liên Hiệp Quốc. Hiện nay, chung quanh Khu vườn Thiêng liêng (Sacred Garden) được rào bằng lưới mắt cáo và đang phục hồi xây dựng, tạo một sinh khí tâm linh không những cho người dân địa phương, quốc gia sở tại mà còn cho tất cả các Phật tử và những người hũu tâm trên toàn thế giới. Hiện nay, chung quanh khu vực của vườm Lumbini, có rất nhiều ngôi Chùa Phật giáo của các quốc gia đã được thành lập, tạo thành khu vực thanh nhả, an lành, hoà bình.

Lumbini đây ! Thánh địa ghi dấu nơi Bồ Tát Hộ Minh, bậc Thầy của trời người, đản sanh nơi đây ! Những phút giây nầy sao tuyệt diệu, làm tâm hồn mọi người như no đủ trong hạnh phúc, an lạc. Hình ảnh xa xưa của ngày Thái tử Siddharta đản sinh như khúc phim quay lại, mở rộng, rực rỡ, huy hoàng….Nước mắt tôi chợt rơi, không cầm được. Nước mắt của xúc động, nước mắt của tâm an tịnh, thanh thoát, vượt thoát khỏi ảnh huởng vô thường của các pháp hữu vi đang suy tàn, biến dạng….

Cuộc đời con người có bao nhiêu là dấu ấn. có những dấu ấn của tuổi thơ, của một nơi chốn nào đó làm hoài niệm, nhớ nhung. Dấu ấn của tình cảm, của cảm thọ khổ đau hay hạnh phúc, mà có khi chỉ một gợi nhớ sẽ gây vẫy vùng như biển sóng của bất hạnh hay niềm hoan lạc. Dấu ấn của một đời người với những biến chuyển của nội tâm, của một quốc gia qua những thăng trầm vinh nhục, qua sự đổ vỡ, chia ly, tan tác, gia đình rời xa. Dấu ấn ký của những người lãnh trọng trách của một cơ sở, một xí nghiệp. một tổ quốc…mà qua ấn ký đó, có thể làm đảo lộn mọi chuyện từ nhỏ đến lớn hoặc có thể tạo thành một nổi đau khủng khiếp hay là đem lại đời sống thanh bình, an cư lạc nghiệp cho người liên hệ, tùy theo những quyết đoán có bị chi phối bởi si tham sân hay không.

Chỗ viên đá có dấu chân của Thái tử bước khi vừa chào đời. Dấu chân non thanh tịnh, ấn sâu vào đá như dấu ấn của vùng trời tâm linh biểu trưng vào thời không gian đó, để khởi đầu và lan tràn đến hôm nay và mãi mãi, dù vạn pháp vô thường. Có thể một lúc nào đó, sự biến hoại sẽ cuốn trôi tất cả mọi hữu vi pháp, nhưng dấu ấn tâm linh đó vẫn no lớn, kỳ diệu và tròn đầy. Nếu đến được những nơi Thánh địa nầy, chúng ta mới tận mắt thấy và cảm niệm ân trọng sâu dày và công hạnh của Đức Phật vì chúng sinh.

Dấu ấn tâm linh mà một lần chạm phải, một lần tưởng niệm, tâm sẽ khai mở vào vùng đất kỳ lạ, nhiệm mầu của tâm xuân.

 

Vô thủy tâm xưa rọi xuống đời

Vô chung tâm vẫn trú cùng tâm

Hoa tạng mở khai trong vô niêm

Móng tay khẻ búng, hiện ba đời

 

Trên đường, lữ khách không dừng bước

Phong trần rủ bụi, bụi không vương

Trong vô lượng kiếp tâm thị hiện

hạt sương hiện tỏ cõi vô cùng

 

Hãy đến một lần, trà cạn chén

Nghe trong hương vị, có năm hương

Hương đời như gió hoà trong cảnh

Hương của tâm thanh xoá bụi trần…..

                                                        Minh Thanh

 

Chung quanh đâu đây, vẫn còn những dấu tích của các Tháp, nền nhà, tu viện…nhưng bị hư hoại, biến dạng như bản chất của những hữu thể vật chất, giúp nhận thức rõ tường tận được duyên sinh hợp tan của các pháp vô thường, có sinh có diệt.

Những chỗ mà Đoàn đã đi qua, nhìn rõ được hình ảnh của người dân còn rất nhiều khốn khổ, đói rét. Phụ nữ bị xem thường, thấp kém. Nghĩ đến đồng bào Viêt Nam ruột thịt của mình ở những vùng quê đã nghèo đói, nhưng vẫn còn đỡ hơn nhiều so với dân cư các vùng nơi đây, quá khổ. Nhà cửa nhỏ, chật hẹp, quần áo xơ xài, rách nát. Trường học nhiều chỗ học sinh phải ngồi ngoài trời, dưới đất để học, nhưng có điều lạ là ở Ấn Độ có rất nhiều nhân tài, nhất là trên mặt Tin học, Y khoa  v.v…

Chúng ta đã thấy, đã chiêm bái, đến tận nơi chốn của những Thánh tích của Phật giáo, được tiếp cận, ôm ấp và quán chiếu được các bài Pháp vô giá cho con đường tâm linh. 

Đức Phật- người khai sáng ra đạo Phật, đã thị hiện nơi cuộc đời nầy bằng tình yêu không bờ bến đối với muôn loài và hoàn thành nguyện lớn mà bao đời qua, Ngài thường tâm niệm, tu hành.

Vì đại nguyện mong cho tất cả muôn loài khỏi khổ đau, được an lạc v.v…mà trong vô lượng kiếp qua, Ngài thường thực hiện hạnh Bồ tát, bố thí từ tài sản vật chất, chí đến thân mạng của mình.

Vì đại nguyện, Ngài từ bỏ nơi cung trời Đâu Suất, thị hiện đản sanh nơi cõi Ta bà đầy ác trược.

Vì đại nguyện, Ngài từ bỏ quyền quí, vinh hoa, tương lai rực rỡ, tuổi trẻ, sức lực dồi dào, dấn thân làm người khất sĩ, tìm đạo giải thoát.

Vì đại nguyện, Ngài từ bỏ tất cả các con đường tu khổ hạnh, cực đoan, ép xác…không đem lại kết quả thành đạo.

Vì đại nguyện, Ngài đã ngồi dưới cội cây Bồ đề để quán chiếu những biến chuyển của tâm, tìm tận cội nguồn vô minh đã làm cho chúng sanh bị lôi kéo trầm luân trong nghiệp lực và tìm ra chân lý, đắc đạo quả.

Vì đại nguyện, Ngài đã không nhập vào Vô dư Niết bàn, mà trụ thế, bước chân đất qua mọi nơi chốn, để đem giáo Pháp giải thoát, hạnh phúc chỉ bày, thuyết giảng cho chúng sinh, tất cả duy nhất vì tình yêu cao thượng của tấm lòng người cha, mong cho mọi người hiểu rõ đâu là ba độc si tham sân, đâu là tự tại an lạc và hướng dẫn tìm được “con người muôn thưở” của chính mình, đó là Tánh Phật trong tâm mỗi loài.

Đó là tâm hoan hỷ hay hỷ lạc (Priti hay Piri). Cái tâm vượt qua sự chi phối của tham sân si, đến từ tâm bồ đề vững chắc, tâm không phân biệt, không có cái ngã điều khiển và đến từ tình yêu cao cả, siêu việt do lòng từ nhân rộng lớn, do ngọn đèn trí huệ quang minh nhìn rõ nghiệp lực của chúng sanh, nên không nao núng, không nản chí, không  lùi bước, dấn thân vào cõi tương đối… chỉ muốn hướng dẫn chúng sanh đến bờ giải thoát, vào trú xứ an vui hạnh phúc. Kinh Pháp Cú 193, nói :"Khó gặp được Như Lai, không phải đâu cũng có . Chỗ nào Phật đản sinh nơi đó tất an lạc".

Đức Phật không đòi hỏi chúng sinh phải cung kính, cúng dường Ngài hay là hứa hẹn một sự cứu rỗi hay một cảnh giới xa vời nào đó cho chúng ta, hoặc giả ban ân ban phước,và phải tin tưởng Ngài vì Ngài là nầy là nọ v.v…không, Ngài chỉ mong chúng ta nhận thức được rằng, trong cái thân hữu cơ, thân cấu tạo bởi năm uẩn, có một Tánh giác luôn có mặt, mà nếu khai phá, sống với, thể nhập…chúng ta sẽ vượt qua khổ đau chi phối bởi tham sân si và trở thành con người nhân bản thực sự, ích mình lợi người đem lại cho thế giới hoà bình an lạc. Một niệm tỉnh giác, thì nơi sát na tỉnh giác đó, một Đức Phật đã có mặt, ra đời, Đức Phật của chính mình.

Là người con Phật, cảm niệm ân trọng của Ngài qua sự thực hành giáo lý, quán chiếu nội tâm…chúng ta đã học và làm được những gì để báo thâm ân đó.

Từ những giáo lý căn bản của người sơ cơ học Phật, chúng ta lớn dần lên với những nấc thang giáo lý cao siêu, nhưng tựu chung lại, là để nắm rõ đường đi và tìm lại “bản lai diện mục” của chính mình. Cái gì làm cho con người đắm chìm trong sanh tử, thăng trầm theo dòng chảy của luân hồi và con đường nào để đi đến an vui hạnh phúc chân thật ?

Mỗi người khi thực hành giáo lý của Đức Phật, đều tự chiêm nghiệm được hạnh phúc đến trong từng sát na một, không phải nơi nầy, chỗ nọ, mà giây phút sống thực tại đó. Tự bản chất, giáo lý của Đạo Phật chỉ thẳng đến Tánh giác để thể nhập, bằng cách nào?

Bằng đốn ngộ, người hành giả trực nhận Phật tánh nơi mình, dù có những đám mây vô minh che phủ, nhưng tự bản chất của Tánh giác vẫn tròn sáng, không sinh không diệt, xa lìa tất cả mọi cấu trần. như ánh đèn xóa nhòa bóng tối. Khi người hành giả nhận thức được như vậy tức mở đường ngọn đèn trí tuệ chiếu tan bóng tối vô minh và tánh rỗng không vô ngã chan hoà.

Bằng con đường tiệm ngộ, người hành giả cần bưóc đi trên con đường giới-định-tuệ, ba giải thoát môn nầy dung thông và có mặt trong tất cả các tông phái, dù thiền, dù tịnh hay mật giáo. Đó là bước chân cần thiết, tất yếu cho con đường đến bờ giải thoát, trừ trường hợp những người có đại duyên, đại căn, đại trí nhiều đời nhiều kiếp và nay, là để thành tựu viên mãn Tất địa giải thoát.

Theo thiển ý, như đã nhiều lần thưa, có người nói rằng phương pháp mà tôi theo tu học, mới là pháp tu chánh yếu đưa đến an lạc, các phương pháp tu hành khác là sai. Những quan niệm như vậy, chỉ là biên kiến, muốn áp dụng một phương thuốc chung cho các bệnh nhân mà quên rằng mỗi bệnh nhân đều có cơ thể, tâm sinh lý khác nhau, hay như nghiệp lực khác nhau.

Qua sự từ giả cõi đời của các vị Thánh nhân, có nhiều nhà khoa học muốn đem khoa học ra giảo nghiệm hay muốn mổ xẻ bộ óc của các vị đó, để mong tìm ra nơi nào là Tánh Phật, là tâm trong một cơ thể hữu cơ, nhưng có lẽ, họa chăng là chỉ biết có bao nhiêu neurons, tế bào não, chỉ số IQ v.v…nên cần phải nghiên cứu lại Kinh Lăng nghiêm mà qua đó, Đức Phật  chỉ rõ vọng tâm cho Ngài A Nan để thấy và nhân ra được chân tâm và từ đó, mới nắm bắt được tinh thần của Kinh Kim Cang như:”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

Chúng ta đã bước qua từng lộ trình tâm linh, con đường từ cái niệm đầu tiên, tiến đến tìm con đường đi chánh đáng cho cuộc lữ làm người ( trạch pháp), tiếp theo, là nổ lực, tinh tấn để đạt được sự tự tại, an vui. Sự tu tập sẽ đem lại cho hành giả, lòng Hỷ Lạc. Đây là biểu cảm của tâm hay là tâm sở, nhưng ảnh huởng đến thân và tâm

Có nhều người lấy sự thành đạt, danh vọng, tiền tài, sắc đẹp v.v..làm niềm vui Hay có người quan niệm, sự hỷ lạc là sự chiếm hũu và đạt được một pháp nào đó. Có nhiều người nói rằng hỷ lạc là sức mạnh, là quyền lực, của cải dư thừa, ăn sung mặc sướng, là tất cả những gì muốn mà được, nhưng quên rằng các pháp dù hữu vi hay vô vi, tất cả các hiện tượng cũng đều vô thường, giả hợp và dù có giá trị như thế nào, nếu bám víu, tham chấp vào sẽ đưa đến khổ đau.

Sự chạy rong ruổi theo bên ngoài, chìu theo dục vọng, săn sóc cái thân vô thường, bỏ quên cái thân huệ mạng, say mê một pháp nào đó, không cởi mở, thì trên căn bản đã mất quân bình và đưa đến đau khổ, bất an. Bệnh thần kinh, mất ngủ, hoang tưởng, cô độc, bất an v.v…đều đến từ sự mất đi suối nguồn an lạc của tâm. Gốc của bất hạnh đều do si tham sân, khiến cho lòng tham chấp, thủ trước và sợ mất. Với cái tâm vọng, chúng ta có cả thiên hà vũ trụ đầy dẫy trong tâm, vi tế hay to lớn vô cùng, nhưng là giả hợp.

Sự khác biệt giữa tâm hỷ lạc và sự vui mừng đến từ thoả mãn những ước muốn dục vọng, là một bên đưa đến hạnh phúc, và một đàng dẫn đến khổ đau.

Niềm tin vững chắc mình có đầy đủ Tánh giác, là Phật sẽ thành và để đạt được bổn tâm thanh tịnh, người hành giả cần phải trau dồi và phát triển tuệ quán, rèn luyện tâm, kiểm soát những tâm bất thiện và làm triển nở những tâm thiện. Tất cả đều do chính người hành giả thực hành, thực chứng, ngoài ra không một ai có quyền chế ngự, giải thoát dùm.

Có nhiều người hỏi rằng, người tu học theo Phật sẽ được gì và làm gì cho chính mình và cho xã hội, con người?

Từ câu hỏi nêu trên, chúng ta- những người con Phật đều cảm niệm, thâm ân công đức và tình thương cao vời vợi, bao la của Đức Phật, người khai sáng ra Đạo Phật, mà dù qua bao nhiêu sự thăng trầm, biến thiên, phá hoại, hũy hoại bằng cách nầy hay cách khác của các thế lực, thần quyền….thì  giá trị hoà bình – bao dung - giải thoát – chia xẻ của giáo Pháp của Ngài vẫn tồn tại mãi và đem lại lợi ích an lạc cho mọi loài, trừ phi nhân loại không còn lòng từ bi, đạo đức và bị vô minh chế ngự hoàn toàn.

Cám ơn Ngài Asoka, vị Vua Phật tử, đã vì sự nghiệp tâm linh cao quí của nhân loại, đã có đại duyên đến chiêm bái những nơi Thánh tích Phật giáo, xây Tháp, dựng cột trụ ghi dấu v.v…nhờ đó, mà ngày nay, nhân loại còn có diễm phúc trở về cội nguồn tâm linh. Người ta biết và mang ơn Ông, không phải vì những chiến công hiển hách trên trận mạc, giết hại bao sinh linh….mà vì chuyển tâm từ người hiếu chiến, trở thành vị Vua có tấm lòng từ bi, nhân bản làm ích lợi cho mọi người.

Cám ơn những bậc Tổ sư, các vị Thánh nhân, các vị Tôn Túc Thạc đức Phật giáo ở tất cả các quốc độ, v.v…đã bao ngàn năm qua, đã vì sự nghiệp độ sanh, mà hoá độ, dấn thân vào những nơi chốn ô trược, đầy dẫy tham sân si, đầy những chụp mũ, tù tội, đôi khi mất cả danh tiếng, danh dự, chịu nhục  v.v…nhưng vẫn không sờn lòng, nhẫn nhục đem tấm lòng từ bi, trí tuệ, hỷ xả, đem tinh thần vô úy đối trước bát phong, để che chở cho chúng sanh trong những cơn giông bão, sóng gió của cuộc đời trước những bóng tối vô minh, đúng như lời nguyện” Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật”. Từ hành xữ đúng, với chánh nghiệp, chánh kiến nầy, thì năng lực của Hỷ Lạc tràn đầy làm lợi lạc mọi người.

Trước những xáo trộn, bất an trên thế giới, tiếng nói Phật giáo là tiếng nói từ bi, hoà bình, trí tuệ đến từ những con người tỉnh thức, do tu tập, do chuyển hoá và nhận thức nổi khổ đau của đồng loại, nên sẳn sàng dấn thân vì cuộc đời. Trong Đạo Phật không có hận thù, tranh chấp, gây bất an cho con người, gây khổ đau cho tha nhân, trong khi con người đã đang chịu quá nhiều đau khổ dưới biết bao nhiêu là áp lực của bản thân, môi trường, đời sống. Đạo Phật là tiếng nói luôn sát cánh với bất cứ tôn giáo nào, bằng trực tâm, bằng chia xẻ và chưa bao giờ muốn là độc tôn, thần thánh hoá tôn giáo của mình là duy nhất, vì ý thức rằng mỗi tôn giáo đều có những đóng góp cho đời sống tâm linh của con người tùy theo địa phương, trình độ dân trí, chủng tộc. Cho nên, Đạo Phật khắp nơi trên thế giới đang được phổ biến, lan rộng, vì mọi người đều cảm thấy sự an ổn, hạnh phục khi tiếp xúc được suối nguồn tâm linh nầy.

Riêng tại Việt nam, vì hoàn cảnh nghiệt ngã của đất nước, vì chiến tranh lan rộng trong thế kỷ vừa qua, cướp đi bao nhiêu là sinh mạng, tài nguyên bị sụp đổ, nhà cửa tan nát, bao thế hệ thanh niên bị đẩy ra chiến trường để phục vụ cho ý thức hệ ngoại nhập. Đạo Phật trong thời gian đó cũng chung số phận như lịch sử hơn hai ngàn năm gắn liền với dân tộc, khi dân tộc bị hoạn nạn, điêu linh, phân hoá thì Đạo Phật cũng bị thăng trầm, suy vi. Các vị tu sĩ Phật giáo bị đẩy vào hoàn cảnh bất đắc dĩ, dù không biết làm chính trị, nhưng cũng lấy thân mạng, thân tâm ra gánh vác trách nhiệm chuyển hoá khổ đau, làm lợi ích sinh linh..

Vào cuối thập niên 1960, do nhiều nguyên nhân đã đưa đến sự phân hoá Phật giáo, do thế quyền, do thần quyền, do ngoại quốc và do lòng người bất an….muốn chia rẽ sức mạnh tâm linh của Phật giáo v,v,,, nên đã làm đau lòng cho biết bao nhiêu người con Phật và những người đang cần cầu tấm lòng từ bi, giải thoát, hoá giải của Đạo Phật. Người Phật tử đã không theo bên nầy hay bên kia, khối nầy hay khối nọ, hay chống đối, gây thêm chia rẽ, vì biết rằng nổi đau của dân tộc, nổi nhục nhằn, bi thảm của quê hương đã làm cho các vị Truởng Thượng, các vị Thầy bất đồng ý kiến, nhưng tự thâm tâm các Ngài cũng muốn tìm cách nào để chấm dứt những khổ đau của quê hương, vì trong thâm tâm các Ngài là lòng xót xa cho thân phận con người. Chính trị không phải là sở trường của các Ngài, của những người tu sĩ Phật giáo, vì chính trị đòi hỏi mưu lược, đôi khi đầy tham sân si, hỷ nộ ái ố và đưa đến tham chấp; trong lúc các Ngài học theo hạnh Phật, luôn thường quán chiếu tâm mình để loại bỏ ba độc tham sân si, chuyển hoá tâm mình, tâm con người, tâm xã hội v.v…để đem lại hạnh phúc thực sự trên trần gian đầy biến động, mưu chước nầy…Đó chính là chính trị, lý tưởng và nguyện lớn của các con người mang chiếc y ngàn cánh, mang hạnh nhẫn nhục, vì sự khổ đau của chúng sinh.

Cho nên, tất cả người con Phật đã đứng ngoài vòng tranh chấp, đứng độc lập, và chuyển tâm để thực hành giáo Pháp để chuyển hoá những chia rẻ, vọng tưởng, bất an của chính mình, tự trong nội tâm và từ đó, mong đem hạnh phúc đóng góp vào con đường hoà bình, an vui của đất nước. Tấm lòng đó như những cơn sóng biển dâng cao, của người con Phật, của các thanh niên “Nơi nào thiếu tình thương, tôi đem tình thương đến. Nơi nào có hận thù, chia rẽ, tôi đem lòng bao dung, đoàn kết chở che đến v.v…” ( Bất bạo động và hiện tình đất nước).

Nhưng, bất hạnh đã tàn nhẩn chụp lên trên một dân tộc, đã làm sụp đổ tất cả bằng mất mát, bằng nước mắt, bằng tù đày, bằng nghi kỵ …đã đưa làn sóng người tị nạn chúng ta đã vượt tất cả mọi hiểm nguy dù phải trả giá bằng sanh mạng, bằng mọi cách để ra nước ngoài và đem theo cả gia tài, văn hoá thương yêu, trong đó có tâm linh Phật giáo.

Qua những kinh nghiệm xương máu đó, bằng mồ hôi, bằng nuớc mắt, bằng sự gắng sức, người Việt đã thành công và truởng thành nơi xứ người, có một danh vị, đóng góp đáng kể cho con người và đất nước sở tại.. Đạo Phật do những con người nặng lòng vì Đạo, vì muốn chuyển hoá đời sống tâm linh, sau những bi thương của cuộc đời, sau những mưu sinh thuờng tình… cho nên, nhiều Chùa chiền đã thành hình, lớn mạnh. Chúng ta đã đoàn kết, thống nhất và tiến đến tạo thành sức mạnh tâm linh, an vui, giải thoát v.v..những mong chuyển hoá những bất an của xã hội, con người nơi sở tại và thúc đẩy cho nền an vui, hạnh phúc của ngưòi Việt. Nhưng, lại một lần nữa, giông bão đã đến, không tha, mong làm sụp đổ căn nhà Phật giáo đang có nội lực tâm linh vững mạnh.

Kính mong tất cả những người đang mang tâm hồn của người con Phật, dù ở bất cứ vị trí nào, bất cứ ở nơi đâu, hãy quán chiếu lại mình, hãy nhìn lại lịch sử đau thương đã từng xẫy ra cho đạo Phật. Chúng ta đều biết rằng đạo Phật không phải ở nơi hay lệ thuộc vào bất cứ hình thức nào, danh xưng nào, bởi vì tất cả danh xưng, tất cả hình thức nào cũng đều là pháp hũu vi, giả hợp, giai đoạn và vô thường. Trong khi, Đạo Phật là Đạo giải thoát, là tánh Phật trong tâm tất cả mọi loài. Biến cái đoản kỳ phủ lấp cái trường kỳ của tâm linh, sẽ làm tổn hại, làm đau cho những người liên hệ, do bất đồng ý kiến, do danh vọng, quyền lợi v.v…Vì thế, dù bất cứ thế lực vô minh nào cũng chỉ có thể làm gãy đổ hoặc làm xóa tan danh xưng, tổ chức nầy nọ, nhưng không có bất cứ ai có thể làm tan biến Tánh Phật nơi con người.

Từ những tâm cảm của người con Phật, trước tinh hình  Đạo và Đời bị rối ren, tôi chợt đến Bài thơ đã viết về Ngôi Chùa Phật Giáo Việt Nam, được sáng tác ngày 01.01.1999:

 

sừng sửng đó, bao năm người có mặt

dù rêu xanh phủ kín cả chân trời

ngàn vết hằn lở loang trên thân thể

nhưng môi Người vẫn nở nụ cười, vì quê Mẹ Việt Nam

Từ Lumbini, Ấn độ

đến Việt nam, hai vai mang tình tự

người không đem những tư tưởng, giáo thuyết mới lạ

làm nhạt nhoà văn hoá Việt Nam

nhưng cưu mang cả một tấm lòng

lau sạch bụi trần còn bám trên viên ngọc mani trong mỗi người dân Việt

không phải đến để gieo rắc chiến tranh, thù hận, chia rẽ

làm trong mỗi trái tim của giống nòi, đau xót, nhức nhối

và giữa anh em cùng dòng giống Lạc Hồng

cùng ngôn ngữ, nhưng nhìn nhau xa lạ

người đến với trái tim nóng bỏng tinh nguời

đôi bàn tay dịu dàng trìu mến như bà mẹ yêu con

vỗ về, săn sóc, trao hạt giống từ bi trí tuệ

để bồi đắp

như cát phù sa bồi đắp sông Hồng, sông Củu

làm xanh mướt từng ruộng đồng, từng mảnh đất quê hương

đôi vai người gồng lên

như núi Lỉnh. núi Tản, Trường Sơn, Ngũ Hành, núi Sam

gánh vác, chịu đựng, nhọc nhằn, che sương gió

để đàn con Việt trưởng thành, lớn mạnh

lưng khòm xuống, tay mở rộng

ấp ủ, sưởi ấm từng tấc đất, bờ biển

trải dài theo đường Nam tiến đến tận Mũi Cà Mau

người không chỉ là Hùng Vương, Chữ Đồng Tử, Lý Phật Tử, Khuông Việt, Vạn hạnh, Lý Công Uẩn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Phúc Chu v.v...

nhưng Người còn là bà Mẹ đầy sinh lực trổ bông hoa Hỷ xả

đôi bầu sữa  ngọt vẫn căng tròn cho con no ấm

trong hưong trầm giải thoát

đứng trước sự nô lệ văn hoá, nguy cơ làm rã rời dân tộc

làm tiêu hũy nhân tâm người việt

người nhìn thẳng đương đầu, đối thoại bằng tam Pháp Ấn, Tứ Diêu đế

bằng tinh thần bao dung, khai phóng của biển Trí tuệ Từ bi

hoá giải, hài hòa làm phong phú cho nền văn hoá nước Viiệt

khi đất nước điêu linh, lầm than, nô lệ ngoại xâm

người có mặt đi đầu, hừng hực tình thương, lòng yêu nước

người là bạn đồng hành, là con dân Việt

để bảo vệ mảnh đất thân yêu trọn vẹn

Khi thái bình, muôn dân an lạc

người trở về ẩn dật, vẫn áo vải nâu sồng

vẫn chiếc dép cũ năm xưa

thong dong tư tại

tưong chao, dưa muối, cơm đạm bạc

nên muôn đời, người vẫn chỉ là

Phật Giáo của Việt Nam……

                               Minh Thanh

 

         Là người Phật tử mang nặng ân của Đức Phật, nếu chúng ta tinh tấn rèn luyện tâm, tu học, chuyển hoá và có nhiều an lạc và hạnh phúc, cần nên chia xẻ đến mọi người và đem an lạc hoà bình cho tất cả cư dân trên trái đất nầy bằng tấm lòng kiên định như vậy.

Tin tưởng vào nhân quả “gieo nhân nào tức gặt quả đó” mà không ai có thể tránh được, chỉ sớm hay muộn mà thôi. Danh vọng, tiền tài, quyền uy, sắc đẹp v.v… rồi sẽ biến hoại, vô thường, không một ai có thể giữ mãi, chỉ còn có nghiệp lành hay nghiệp ác đi theo mình, khi lìa bỏ cuộc đời. Vì biết rằng “Người trí sợ Nhân, chúng sanh sợ Quả”, cho nên, người con Phật luôn tâm niệm làm thiện và tránh làm điều ác để đóng góp vào đời sống tâm linh của nhân loại, một giáo lý tuy đơn giản, nhưng là tất cả bầu trời tâm siêu thoát, không chia rẽ, không hận thù. Chúng ta giữ giới để kiểm soát thân tâm, có định để có an lạc, tự tại và có huệ để nhận rõ những khổ đau của mình, của người để cùng chia xẻ. Chúng ta đem đến cho con người, cho xã hội những tấm lòng rộng mở, an vui, bao dung, kiên quyết, từ bi, hoà bình …mà chúng ta đạt được do sự tu tập, thực hành giáo Pháp, nhìn rõ tham sân si, hoá giải những vọng nghiệp, ác nghiệp. Chúng ta chia xẻ, chuyển hoá con người, xã hội theo đường hướng lục hoà của Phật giáo, bằng sự đối thoại, hướng dẫn, chỉ rõ những sai lầm do quán tính, do nghiệp lực tác động ảnh huỡng đến thân tâm, để cùng nhau làm người nhân bản, có an lạc, có hạnh phúc, có hoà bình. Chúng ta không thể đối xữ với nhau - giữa người và người - bằng tâm sân hận, thù oán, gây chia rẽ v.v…vì đó không phải là thái độ của người học và thực hành giáo pháp của Đạo Phật. Chúng ta thường nguyện rằng” đem tất cả công đức có được, làm được…hướng đến tất cả mọi người, mọi loài, để mình và người đều trọn thành Phật đạo”, thì không thể nói rằng giữ giới hay lời nguyện là một việc khác, còn những ai đụng chạm, không theo đúng đường lối, không tuân phục v.v…thì chúng ta có quyền dùng bất cứ những gì có thể để truy hại, hạ nhục... để thoả mãn ý muốn của ta .Đó là một thái độ vô cùng nghịch lý và gây ác nghiệp cho chính bản thân chúng ta trước tiên và đánh mất cái tâm Hỷ Lạc.

Kính mong đừng ai vì tham quyền, vì riêng tư, vì tham vọng, vì muốn nổi lên như một người lỗi lạc, vì muốn chi phối hết tất cả mọi người, vì sợ hãi, lo âu, tính toán v.v..mà biến Phât giáo là sở hữu riêng và phục vụ cho chính mình, bất chấp thủ đoạn, chụp mủ, đánh phá, cố công làm sụp đổ ngôi nhà Phật giáo của người Việt nam và vui thích, mừng rỡ, dẫm chân lên trên những tấm lòng chân thành của những con người vì Đạo Pháp, vì Dân tộc

 

Phật Pháp thật đơn giản, nhưng mầu nhiệm như Kinh Pháp Cú số 183 ghi rằng:

 

Chớ làm điều ác

gắng làm các việc lành

giũ tâm ý trong sạch

đó là lời Phật dạy

 

Thành kính nguyện với tất cả tâm thành, mong lắm thay!
Cẩn chí,
Viết xong ngày 18.02.2008



 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/lantheodauvetxua.htm

 


Vào mạng: 26-4-2008

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang