Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Những Thanh Âm Xuôi Dòng Bản Thể
Thích Phước Hạnh

Trong cuộc sống vô vàn những tấc bậc lo toan của dòng xoáy cơm – áo gạo – tiền chi phối, có bao giờ bạn để lòng mình thanh thản nuốt từng âm vang tiếng vọng chuông chùa trong không gian lắng đọng?. Nếu chưa, thì bạn hãy một lần tìm về với chính mình, chính cái bản thể nhất như nguyên mẫu không tạp nhiễm trần lao, không say men ái dục mà nó đã “vong thân” đối với mỗi chúng ta như vô tình không hay biết. Tiếng chuông chùa như một tiếng động thiêng liêng, chuyên chở tâm thức con người ta ra khỏi sự đam mê lặn hụp không biết chán chường trong biển “ái” sông “hà”. Công năng diệu dụng của tiếng chuông không chỉ đơn thuần là sự đánh thức cõi lòng đang “lưu vong trên đất khách”, mà nó còn là sự hiện thân trác tuyệt của lòng Từ bi “Thượng thông thiên đường, hạ triệt địa phủ”.

Dường như tận trong chiều sâu ngõ nghách tâm hồn mỗi con người có sự hiện hữu của một kho tàng vô giá, trưng bày những sắc màu “tiếng vọng nhiệm mầu?”. Và đó phải chăng là tiếng lòng thánh thiện, tiếng nhịp đập hướng thượng của con tim hòa cùng “chủ âm” khơi nguồn chuông chùa có sứ mệnh phụng sự  khúc “khải hoàn ca” cho người tìm về “cố quốc”.

Sức sống miên viễn của tiếng chuông chùa tạo thành dòng chảy bất tận, mang về bao cảm xúc cho suối nguồn ký ức những hồi tưởng ngập tràn hạnh phúc một thưở chùa quê:

 

“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông”

(Nhớ Chùa – Huyền Không)

 

Và mỗi tối trăng thanh, tiếng chuông chùa theo gió lan xa, lan xa mãi đến từng mái nhà tranh ẩn hiện bao tấm lòng hiền hòa của người dân quê.

“Mỗi tối dân quê đón gió lành

Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh

Tiếng chuông thức tĩnh lan xa mãi

An ủi dân hiền mọi mái tranh”.

(Nhớ Chùa – Huyền Không)

 

Tiếng chuông chùa còn là niềm tự hào của những người con xa quê hương: “Quê hương tôi Miền trung, sớm hôm chuông chùa nhẹ rung, con nghe lời kinh chiều nay vơi đầy . . .” (nhạc “Từ Đàm quê hương tôi”). Tiếng chuông chùa sao hay đến thế! Cứ mỗi âm vang thâm trầm dìu dặt là sự khơi nguồn cho những cung bậc cảm xúc tình cảm ào ạt tràn về làm đau xé lòng người con xa mẹ:

 

“Thu sang lá rụng sân chùa củ

Mà mẹ ra đi chẳng hẹn về

Lắng nghe chuông ngân hòa nhịp mõ

Nghe lòng chết lịm nỗi đau tê”

(Khương Vi)

 

Hay, khi không gian trời chiều sắp buông phủ, thì đâu đây trong âm ba chuông chùa đã làm cho Xuân Tâm chợt nhận ra mình không còn có mẹ trên đời:

 

“Hoàng hôn phủ lên mộ

Chuông chùa nhẹ rơi rơi

Tôi thấy tôi mất mẹ

Là mất cả bầu trời”.

 

Trong không gian trăng lặng, quạ kêu, sương đầy trời; hai hàng cây ven bờ sông im lìm say giấc ngủ nồng; và thấp thoáng khơi xa leo lét những ánh đèn của Ngư ông thuyền chày thì bỗng đâu tiếng chuông chùa Hàn San (Sơn) đi đến tìm khách sầu đang neo thuyền tại bến Phong Kiều. Đó là cảm xúc của Trương Kế – nhà thơ Đường, Trung Quốc qua Bài Phong Kiều Dạ Bạc

 

“Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,

Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên.

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,

Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền”.

 

Tiếng chuông chùa không chỉ đi vào thơ ca, âm nhạc, văn học, . . .  Mà nó, còn là một tiếng động thiêng liêng, tiếng linh hồn của cả một dân tộc - như đất nước xứ sở Hoa Anh Đào, xứ sở Kim Chi và kể cả Trung Quốc. Theo truyền thống, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, tất cả mọi âm thanh đều phải “mặc niệm” đón mừng chỉ một loại thanh âm duy nhất: Tiếng chuông chùa. Tiếng chuông có ý nghĩa như một lời chúc phúc đầu năm. Và đặc biệt, nó được xem như  một loại “âm thanh mãn tính” nhắc nhớ và đánh thức mỗi con người luôn tìm về với chính mình trong giây phút thực tại để thấy cõi lòng được thanh thản hơn.

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/nhungthanham.htm

 


Vào mạng: 26-12-2008

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang