Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Sân Chơi Hè

Minh Mẫn

 

Năm nay, nhuận hai tháng năm âm, thay vì sau tuần Đản Sinh, các trường Hương khai Hạ, vì thế mùa an cư cũng có phần hơi muộn. Đó là truyền tục theo giáo luật Phật giáo Bắc tông, dành cho tu sĩ; Những năm gần đây, với PGVN có thêm một sinh họat “bán tôn giáo” dành cho cư sĩ, ngoài Bát Quan Trai, đó là Trại Hè Thanh Thiếu Niên.

 

Trại Hè dành cho Thanh Thiếu Niên tuy chưa phát triển sâu rộng trong các cơ sở Phật giáo, nhưng cũng đã nổi bật tại tụ điểm chùa Hoằng Pháp, Phật Quang, giờ đây ở Vĩnh Minh Tự Viện nằm nơi núi rừng Đại Ninh, Phú An, Đức Trọng, Lâm Đồng, tuy thiếu nhiều phương tiện, cũng can đảm đứng ra chiêu nạp 700 em, đủ mọi thành phần, trình độ, tuổi tác khắp nơi quy tụ.

 

Theo chương trình, ngày 31/5/2009, trại sinh vân tập về chùa để chia nhóm, nhận phù hiệu, bố trí phòng ốc, thế nhưng, có những em, tuy cách chùa trên dưới 30km, cũng đã vội vàng trang bị ba lô lên đường; Trên xe bus, các em chuyện trò rôm rả kể nhau nghe những kỷ niệm trại hè năm rồi. Các em tham dự được hạn chế tuổi từ 15 đến 30, một số dưới tuổi 13 cũng xin đăng ký. Ban Tổ chức bối rối, vì các cháu quá nhỏ, không ai chăm sóc. Nhà nước chỉ cho phép 300 em tham gia, nhưng 700 danh sách đã chuyển đến, chưa phải là lượng số cuối cùng!

 

So với chùa Hoằng Pháp, mỗi trại Hè có trên ba ngàn trại sinh tham dự, thì chùa Vĩnh Minh, chỉ bằng một phần năm cũng đủ tạo vất vả cho BTC. Chùa Hoằng Pháp có nhân sự, cơ sở vật chất đầy đủ; quen tổ chức, phần lớn là những con em của các Phật tử nên tương đối nề nếp. Vĩnh Minh tiếp nhận cả những trẻ sắc tộc ở các tỉnh lân cận như Daklak, các sinh viên ở Tiền giang, một số trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình, và dĩ nhiên không phải hoàn toàn là Phật tử, vì thế  ngôn cách của các em còn luông tuồng; một số ít vừa đến, đã xô đập bể kính cửa phòng, gãy vòi nước vệ sinh, làm vỡ nắp bình trà sứ..., quý thầy vẫn vui vẻ. Cũng như chùa Hoằng Pháp, các trại sinh hoàn toàn miễn phí. Vĩnh Minh trội hơn Hoằng Pháp khi ra về, mỗi trại sinh đều khoác lên người tấm áo trại hè Vĩnh Minh màu xanh để kỷ niệm; Thầy Nguyên Hiền, trụ trì Vĩnh Minh cũng can đảm hơn, dám vay nợ để tổ chức trại suốt một tuần cho các em. Cái hay của Vĩnh Minh, huy động đa số Tăng-Ni trẻ trong tỉnh để phụ giúp; Mỗi lều trung bình từ 30 đến 40 em được ba tu sĩ điều hành; mỗi nhóm có một tên riêng và sắp theo trình độ.

Vĩnh Minh tự viện là hậu thân của Chơn Nghiêm, do cố HT T.Tâm Thanh khai lập năm 1972; HT viên tịch vào năm 2004, trước đó một năm, ĐĐ Nguyên Hiền  đã được kế thế để HT nhập thất; Hiện Nay, Vĩnh Minh có 20 vị tu sĩ, kể cả điệu chúng. Vĩnh Minh có một khuôn viên rộng ba mẫu, nhiều cây cao bóng mát. Ngoài những vườn tượng như Lâm Tỳ Ni, Long, xà, tượng, điểu chầu phục đức Thế Tôn, cố HT còn tôn tạo một  báu tượng Bổn sư Niết Bàn dài 20m. ĐĐ Nguyên Hiền đang thực hiện tâm nguyện của thầy mình, xây dựng một thánh tượng Di Đà cao 32m. Vĩnh Minh nép mình dưới bóng mát rừng xanh, suối và đồi vây quanh khu đất Phú An, tạo nên một vùng đất trù phú tâm linh mà 95% là tu sĩ được chiêu tập. Thập niên 60, cố HT T. Thiền Tâm, được sự tán đồng của  HT Bửu Lai, HT Bửu Huệ, đã chọn Phú An làm nơi ẩn cư, đất lành chim đậu, vì thế đã chiêu cảm một số lớn tu sĩ từ các nơi về đây lập am tu niệm. Dân cư không tới 20 nóc gia. Đời sống kinh tế của dân địa phương, ngoài ruộng vườn, khó mà phát triển về kinh doanh; Hàng trăm am thất, tự viện, ngoài Hương Nghiêm của cố HT Thiền Tâm, chỉ có Vĩnh Minh là phát triển trội nhất. Ngày nay, có thêm một danh sư, được xem là một trong ba trụ cột danh tiếng của Phật giáo tại vùng đất thiêng nầy: cố HT Thiền Tâm, cố HT Tâm Thanh và sư bà Hải Triều Âm đương tại.

 

Đời sống của chư Tăng-ni có vẻ trầm lắng; Trước 1975, nơi đây còn hoang vu, rừng cây phủ xanh núi đồi, khí lạnh trùm khắp cỏ cây. Đôi khi 8 giờ sáng mà sương mù còn dầy đặc. Con đường độc đạo, hẹp, dẫn về Lâm Đồng nằm vắt mình trên các núi đồi, xuyên qua rừng xanh cứ như con rắn ốm đói, thỉnh thoảng vang tiếng rầm rì  đều đặn của bánh xe miết trên mặt đường nhựa dội vào rừng sâu; Những thập niên 70 về trước, ba giờ chiều đã vắng xe lên xuống, thời chiến tranh  nơi nào cũng vậy, khách lãng du từ đồi cao nhìn những chiếc xe khách vội vả như chạy trốn cảnh hoang tịch, lòng mênh mông muốn níu gửi nổi buồn! Giờ đây, nhà cửa ven đường tăng thêm số lượng, nhưng nét trầm lắng vẫn muốn nhấn chìm thôn ấp hoang vu. Vĩnh Minh nằm sâu vào hơn km từ quốc lộ, thế mà toát hiện nét hùng tráng, vừa như thắng cảnh cho khách nhàn du, vừa như Tòng Lâm cho người thoát tục. Nó vừa mang dáng dấp cảnh tịnh, vừa muốn hội nhập với xã hội thế gian. Tu sĩ trẻ ngày nay có cái nhìn thông thoáng, đã hướng Phật giáo vào con đường thể nhập, góp tay giáo dục thế hệ con em theo chiều hướng thuần thiện để đất nước bớt nặng gánh âu lo.

 

Lần đầu tiên mở trại hè năm ngoái, chính quyền ngần ngại khi cấp phép, chưa hiểu cái lợi về giáo dục đối với Thanh thiếu niên, e ngại có điều gì đó nằm ngoài vòng kiểm soát; Nhưng sau mùa sinh họat vui chơi đó, có những trại sinh sắc tộc về chuyển hóa gia đình bỏ các cổ tục mê tín, có những em thay đổi thái độ gàn dở, giảm bớt đam mê trò chơi điện tử, và có mấy em phát tâm xuất gia tu học;

 

Sài Gòn có những khu giải trí như Đầm sen, Suối Tiên… chỉ là giải trí trong vài giờ, không chuyển hóa gì cho các em trong suốt mùa hè, những em đã từng tham gia các trại hè do chùa tổ chức, chắc chắn ít nhiều thấm nhuần được sự giáo dục từ quý Thầy cô; Trại hè Hoằng Pháp đã từng gây xúc động cho các em qua những chủ đề Bóng Mây do ĐĐ Thiện Thuận diễn giảng, từng được ĐĐ Trí Chơn phân tích cho trại sinh thấy được tầm nguy hại của tuổi trẻ trong thời đại mới, ĐĐ Quang Thạnh giúp cho tuổi trưởng thành hoàn chỉnh nhân cách trước thế giới hội nhập… Đòan Thanh niên CS chỉ hướng dẫn các em tham gia mùa Hè xanh, hướng dẫn giao thông và một số sinh họat xã hội, nhà chùa giúp các em những giải trí lành mạnh, học hỏi đạo đức gia đình và xã hội, có nơi còn bổ túc kiến thức thế học. Chùa Hoằng Pháp nặng về chương trình tu học, thì Vĩnh Minh thiên hướng sinh họat xã hội, giải trí vui chơi. Những giờ sinh họat nhóm, quý thầy cô lắng nghe, chia sẻ niềm ưu tư của các trại sinh, thiền hành, tụng kinh, phép ăn chánh niệm và những thời pháp thoại ít nhiều gieo vào chủng tử các em hạt giống thiện lành; bao nhiêu trại sinh xuất thân từ các trại hè là bấy nhiêu công dân trẻ tránh đuợc con đường sa đọa tội lỗi. Trại tù nhà giam không công hiệu bằng nhà chùa, trại hè. Chính vì thế, cha mẹ rất yên lòng gởi con em vào nơi sinh họat lành mạnh như thế.

 

Trong tương lai, các chùa nên mở trại hè dành riêng cho trẻ dưới tuổi 13, tuy là khó nhọc nhiều mặt, nhưng giúp cho các cháu làm quen với sinh họat tập thể và tôn giáo, thay đổi sinh khí nhàm chán trong gia đình; Trại hè cho lứa tuổi như thế, chẳng khác là nhà giữ trẻ, nhưng nhà trẻ một tuần có ảnh hưởng sâu rộng hơn nhà trẻ quanh năm của các trường mầm non.

 

Phật giáo ngày nay, các Tăng Ni trẻ đang tìm một lối thoát hội nhập, góp mặt với xã hội ngoài các họat động từ thiện theo quán tính. Biết đâu mai nầy, các chùa sẽ là cơ sở huấn nghiệp và hướng nghiệp cho tuổi trẻ nếu chúng ta chưa đủ tầm vóc như một hội Từ Tế của Đài Loan do ni sư Chứng Nghiêm khởi xướng và lãnh đạo; Xã hội Việt Nam đã thoát khỏi bao cấp, các tổ chức xã hội phi chính phủ đang được thành hình, có một sân chơi cho các nhà hảo tâm góp tay xây dựng đất nước. PGVN bị xơ cứng trong cơ chế tổ chức thì tu sĩ trẻ như chồi non tự tìm một lối thoát cho hành động thực tiển đồng hành cùng xã hội, đó là thái độ hội nhập của Phật giáo trong mọi thời đại. Tu sĩ trẻ Phật giáo ngày nay có kiến thức, có nhân cách là tín hiệu đáng mừng để Phật giáo được tươi nhuận trong giòng sống của dân tộc.

Trại hè là một hiện tượng tích cực đang tiếp tục phát triển song song với các Đạo tràng để không còn Trẻ vui nhà, già vui chùa nữa. Mà già trẻ cùng vui khi mái chùa che chở hồn dân tộc - nếp sống muôn đời của tổ tông (Huyền Không). Các Phật tử và mạnh thường quân không ngần ngại góp công giúp của để cùng quý Thầy làm việc công ích như thế.

 

Tuy không thuần túy về họat động tôn giáo, nhưng trại hè là một hình thức đem Đạo vào Đời để Đời có một lối sống Đạo trong tương lai.

 

                                                                                               01/5/09

 

***

  http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/sanchoihe.htm

 


Vào mạng: 04-06-2009

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang