Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Thu Đông Cuộc Đời
  Thích nữ Thông Tiên

Màn đêm buông xuống, bóng tối phủ khắp không gian, mọi vật đã chìm trong giấc mộng thu. Thu Sài Gòn ! Làm gì có hả em? _ Đúng thế! Sài Gòn không có mùa thu! Nhưng đêm nay, đêm nay không hiểu sao phố Sài Gòn chợt trở nên tịch mịch, cô liêu và mát mẻ vô cùng khiến Nó_ người con quê  hương xứ thành kinh bổng nhớ quê da diết! Mùa thu Huế tuy không lý tưởng như mùa thu ‘với áo mơ phai dệt lá vàng” của xứ Hà thành nhưng cũng đủ đẹp, đủ lãng mạn để níu kéo những nguời con tha hương mơ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình ! Nơi ấy : bình yên_thơ mộng_ yêu kiều nhưng cũng lắm gian truân. Chính nơi ấy Nó đã cất tiếng chào đời và “vùng vẫy’ mười hai năm đầu đời của Nó. Thế rồi :

“ Mười hai tuổi con rời xa Cha Mẹ

Lạy ba lần con cất bước ly hương”.

Kể từ  đó Nó bắt đầu cuộc sống của một chú điệu trong một ngôi chùa ở miền Trung thương nhớ. Cuộc sống trôi qua thật  bình yên, thanh đạm. Nó nhớ như in ngày Nó khăn gói lên đường vào chùa: Mẹ đưa nó lên xe, mắt rưng rưng buồn. Còn Nó, vẫn vô tư, háo hức đi theo Sư Cô tuy Nó chỉ biết đi là đi chứ chẳng biết  gì gọi là “phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng” mà sau này Nó học được trong Quy Sơn cảnh sách.

Bây giờ Nó đã lớn, đã đường đường… Ni tướng rồi nhưng nhìn lại đời mình Nó buồn vô hạn vì đã xấp xỉ cái tuổi ‘tam thập’ rồi mà chưa ‘nhi lập” được gì cả! Ngày ngày Nó vẫn đều đặn ‘cày’ chiếc xe tri kỷ( vì đã đồng hành cùng Nó từ khi Nó đặt chân lên xứ người) cũ hoắc của Nó để “chiều Vạn Hạnh ta cùng bao pháp lữ, làm ni sinh trong Một Cõi Đi Về”.

Cuộc sống vẫn trôi qua trong êm đềm, thanh đạm; chẳng khác mấy so với lúc Nó mới vô chùa: đi học, chấp tác việc chùa, bài vở, chạy lăng xăng công việc. Thời gian rảnh thì Nó học kinh, đọc sách, đọc báo, thỉnh thoảng cao hứng thì Nó làm mấy bài thơ con cóc cho vui. Chả biết thơ con cóc của Nó làm được mấy bài mà nghe Nó “tự sự” oách ra phết, y như là những cao thủ trong phong trào Thơ Mới của thế kỷ trước:

“Ta đã một  thời vang bong chức thi nhân

Chỉ cầm bút và vẽ thơ trong mây gió

Tâm hồn ta thường ngao du đây đó

Nhặt ý thơ trong Một Cõi Đi Về”

Mà chắc Nó cũng là thuộc ‘tip’ người ‘tâm hồn treo ngược cành cây’ thật nên Nó mới cảm nhận được Thu _Sài _Gòn đang đến ! Thu kiếm đâu ra giữa xứ hai mùa mưa nắng! Sài Gòn vào Thu hay tâm hồn Nó vào Thu? Chỉ mình Nó hiểu.

Giờ đây, màn đêm ngự trị không gian, mọi người đã yên giấc, đường phố Sài Gòn vốn ồn ào, xe cộ tấp nập cũng trở nên yên tĩnh hơn, ngôi chùa ‘bùng binh’ nơi Nó ở bình thường  vẫn ‘được’ ‘thưởng thức’ tiếng xe máy suốt đêm cũng trở nên yên tĩnh khác thường. Nó ngồi đó, một mình đối diện màn hình vi tính. Nó như cảm nhận được luồng tư tưởng vẫn tuôn đều như dòng máu đang chạy trong cơ thể. Tư tưởng này khởi lên, chưa kịp lắng đọng, luồng tư tưởng khác chợt đến; như những làn sóng xô đẩy nhau, vào bờ, tan vở. Còn tư tưởng của Nó cũng liên tiếp nhau, chồng chất nhau, xô đẩy nhau. Về đâu? Hay nén lại thành một khối ưu tư, trăn trở. Nhưng đời người tu mà, có gì ưu tư trăn trở hơn mối trăn trở ‘sanh tử đại sự’! Mà sanh tử là chuyện tất nhiên, vốn là như vậy, tất yếu nó phải thế. Đại sự ưu tư mà lại vô tư. Thế là Nó lại ưu tư ba chuyện ‘tiểu sự”: Hai phần ba cuộc đời Nó đã đi qua hai phần ba đất nước và giọng Huế trong Nó cũng đã pha lẫn giọng ba miền. Biết bao đổi thay, bao buồn vui, bao tâm sự của một người đồng chân nhập đạo. Bấy nhiêu ‘tiểu sự’ thôi cũng đủ làm Nó ưu tư trăn trở.

Ưu tư đầu tiên mà Nó cảm nhận được chẳng đáng để ưu tư, nhưng hồi đó, với Nó_đứa trẻ mười hai tuổi đầu là cả một vấn đề: Nó không biết nấu cơm, mỗi lần Nó nấu cơm là Nó ‘đãi” hai Sư cô chùa Nó ‘thưởng thức” cơm ….khét! Và mỗi lần nấu cơm là nó nhẩm tới nhẩm lui bài học ‘mấy lon gạo thì đổ mấy ca nước’ mà Sư cô dạy Nó. Nó ‘luyện’ ở chùa được khoảng hơn một năm thì Mẹ từ Huế vào thăm Nó và không quên mang theo cái nồi nấu cơm bằng gang vào chùa cho Nó để mỗi lần nấu cơm Nó ‘đốt’ vô tư mà cũng không sợ bị cơm khét. Lớn lên, bao ưu tư của thời con nít cũng trôi vào dĩ vãng. Tưởng chừng đã được vô tư ! Ai ngờ ưu tư cũng tỉ lệ thuận với độ tuổi của Nó. Bốn năm Nó học trung cấp Vĩnh Nghiêm cũng là bốn năm Nó bon chen lết bên ngành ngoại ngữ. Việc chùa, việc học, học đạo, học đời: ưu tư đè nặng đôi vai. Nó nếm cũng đủ mùi vị cuộc đời nên Nó trưởng thành chút ít( chút ít thôi thế mà mọi người ai cũng bảo Nó già trước tuổi ! Thôi kệ_ Nó tự nhủ_ chắc là do mặn, nhạt, chua, cay, đắng và chát của cuộc đời làm cho Nó như thế.). Rồi cũng như bao sinh viên khác, Nó ra trường. Nhưng không làm gì ngoài những ‘trọng trách’ của một người ‘ăn  mày cửa Phật’. Nhiều lúc Nó nghĩ, học ra rồi làm được gì mà bon chen vô cái xứ Thành đô này cho khổ cực. Tu hành mà, học chi cho nhiều, ngày xưa Quý Ngài tu hành đâu có đi học trường nọ lớp kia gì đâu ! Nhưng Nó đã lâm vào cảnh ‘phóng lao đành phải theo lao”. Thế là Nó thi vô học viện Phật học và hiện nay Nó đã ‘nhập khẩu’ học viện được hơn hai năm. Cuộc đời Nó cũng thăng trầm buồn vui xen lẫn trong hai năm qua.

Vào Phật học viện, Nó học được thật nhiều thứ( kiến thức chữ nghĩa, kinh  nghiệm sống, tu tập, cách đối nhân xử thế) và tiếp xúc với nhiều người. Mỗi người đều có cái hay cái dở, Nó học hết ! Nhưng phong ba cuộc đời lại thổi lên, quét mạnh, như thách thức, như khiêu chiến. Tuổi trẻ mà, dể vượt qua nhưng cũng dể gục ngã. Thành trì vững chắc nhất mà họ có thể dựa vào để tránh những cơn gió lốc cuộc đời là Cha Mẹ, anh chị em, bạn bè. Nhưng họ là người ‘cát cái từ thân’ nên chổ dựa của họ không ai khác hơn là thầy tổ, huynh đệ, bạn bè. Họ có tránh được nổi ưu tư không khi thầy tổ, huynh đệ không là bệ đỡ và chổ ẩn náu của họ? Họ có lạc quan tin yêu cuộc đời không khi bạn bè pháp lữ thâm giao không còn là mối lương giao tin cậy! Tất cả như dàn ra trước mắt một khối trăn trở cho mọi người. Nó cũng không ngoại lệ. Nó  ‘nhiễm’ quá nặng cái triết lý ‘trăm năm trong cõi người ta’… . Nó ưu tư là phải. Hồi học phổ thông, khi học đến trích đoạn “Hạnh phúc của một tang gia” của Vũ Trọng Phụng, lần đầu đọc tiêu đề, với lối tư duy của người con Phật, Nó hình dung: chắc người chết này có phước, được làm đám tang long trọng, được rước Tăng Ni về tung kinh chú nguyện, con cháu trong nhà biết tu, ngày đưa đám chắc vàng y rực cả con đường nên tang gia mới hạnh phúc! Nhưng khi đi vào tìm hiểu tác phẩm thì hoàn toàn ngược lại. Sau này lớn lên, Nó mới thấy hồi đó Nó sao mà ‘ngố’ thế! Thôi còn nhỏ ngố thì đã đành, sau này ‘lết’ qua mấy trường rồi Nó vẫn còn ngố, ngố đến độ làm cho người khác thấy buồn cười: Số là Nó đọc được bài văn có tựa đề “Đám tang giả và hạnh phúc của người thiếu phụ”. Nó lại ngớ người ra: Đời gì mà đủ thứ giả, đến nổi đám tang mà cũng giả! Mà giả đám tang để làm gì? _Đương nhiên là giả làm được việc người ta mới giả chứ! Như có bộ phim nói về việc người ta làm một cái đám tang giả để đưa người chết đi chôn, nhưng nằm trong cái hòm không phải là xác chết mà là hàng lậu. Nghe người ta giải thích thế Nó cũng ‘khai thông’ được phần nào nhưng vẫn không khỏi thắc mắi ‘tại sao là thiếu phụ( gối chiếc chăn đơn) mà lại hạnh phúc? Đám tang giả là làm đám tang cho người sống hay sao? v.v và v.v…    Thật ra cuộc sống muôn màu muôn vẻ, cứ ngồi đó mà hỏi tại sao và tại sao thì có nước đầu bạc trước tuổi. Nó cũng hiểu ra như thế nên cho vấn đề qua một bên

 

Thời đại @ rồi, thế hệ 8X gần ‘tam thập nhi lập’ của Nó người ta không lên trăng, lên mây thì cũng lên nhà lầu xe hơi hay ít ra cũng đã ổn định một nghề nghiệp, một nơi ăn chốn ở để mưu sinh. Còn Nó? Sự nghiệp của Nó không gì hơn ba cái chữ nghĩa cùn. Rồi không biết tương lai của Nó sau này ra sao? Trách nhiệm của một người xuất gia thật nặng nề. Nó ý thức được điều đó, Nó cũng mang nhiều ước mơ và hy vọng, xây mộng đẹp cho tương lai; Nhưng rồi Nó tự nhủ:

Ai hy vọng mới trách đời bạc nhược,

Ai ước mong mới khổ bởi ngày dài.

            Và                          Ai hy vọng không viết thành ngôn ngữ,

Ai ước mơ không nói được nên lời

Thế là khổ:

Khổ hơn niềm thất vọng

Khổ hơn ước không thành.

May mắn cho ai sống có lý tưởng để dẫn đường, có tia hy vọng để hướng tới, có đích để quay về. Đời người cũng hai mùa mưa nắng, cũng bốn tiết xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân trôi qua với cuộc sống tuổi thơ hồn nhiên, vui tươi, nhí nhảnh. Mùa hạ đến với trăn trở của tuổi thành niên, với ưu tư của một con người có trách nhiệm, với ước mơ cháy bỏng của một thời đầy sức vóc và nhiệt huyết. Mùa thu đang lại dần với lá thu phai, dịu dàng, nhẹ nhàng, bay bỏng, đi đâu về đâu trong cõi nhân sinh. Mùa đông kết thúc kiếp phù sinh trong băng giá. Làm gì cho cuộc đời khi ra đi là mùa xuân tươi mát và mùa thu êm dịu chứ không phải là mùa đông băng tuyết! _Sức sống Thu Đông phải lấy nhựa sống từ Xuân Hạ đất trời. Hành trang vào đời tuổi trẻ là quyết định. Bệ phóng tuổi trẻ từ đâu? Tự mình tạo ra? Người khác tạo ra? Hay vẫn cứ lung lay để Thu Đông Cuộc Đời trôi qua trong nhạt nhẽo, lạnh lẽo ! Chắc chắn mỗi người đều có cho mình một câu trả lời như ý nhất.

Đồng hồ điểm giờ, Nó ngước nhìn: 2h thiếu 15’. Ngoài phố xe vẫn ồn ào, nhộn nhịp; cái tĩnh mịch của đêm thu đã không còn. Bây giờ Nó mới thấy người ta  đúng: Sài Gòn làm gì có Thu! Nó vươn vai, hít thở, nhìn xuống màn hình, drag chuột đến đồng hồ, dòng chữ  ‘23/ tháng 10/2007’ hiện lên. Nó nhủ thầm: Hôm nay, đúng một năm mười ngày trôi qua kể từ ngày 13/ 10/ 2006( ngày đáng nhớ nhất trong đời của Nó)! Click vào Start_turn off  đóng màn hình và đi vào giấc ngủ. Mặc kệ tiếng xe chạy ồn ào quanh cái chùa ‘bùng binh’ nơi Nó ở.

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/thudongcuocdoi.htm

 


Vào mạng: 01-11-2007

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang