Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
TỪ HỌC LÃO NHÂN
KHUYÊN CÁC VỊ TĂNG, NI TRẺ PHẢI SIÊNG NĂNG HỌC TẬP
Thích Quảng thọ dịch

 

Ngọc không dũa không thành ngọc tốt. Kẻ không học, không hiểu đạo lý. Tuổi trẻ xuất gia, thân may mắn thoát khỏi lưới trần, ở nơi chùa cao cảnh rộng, rất không nên lấy việc no cơm ấm áo làm tự mãn chí của mình.

Ngay lúc còn trẻ mạnh, nếu không siêng năng học hỏi, không tìm xét nghĩa lý, không chánh niệm hơi thở thì khi đối trước bậc Thánh, lấy gì để thưa hỏi? Đối diện với bậc sĩ đại phu, lấy chi để bàn nói? Một nét bút cũng không tập tành thì sớ sách làm sao viết được? Hàng trí thức có thư từ qua lại thì lấy văn tự đâu mà hồi âm, hướng đạo.

Người xuất gia, lòng dạ phải quán thông kim cổ, đặt bút thì văn chương trôi chảy như khói cuộn, mây bay. Được vậy mới có thể an thân, tỏ tâm, lập nên sự nghiệp vậy ! Nếu tự biếng nhác, thoái thác viện lẽ rằng bẩm chất ngu tối không tiếp nhận được đạo lý cao sâu, như thế thì tự làm hư hoại một đời mình vậy ! Hãy xem kìa, khỉ, vượn là loài thú mà còn có thể đem nghệ thuật dạy cho chúng hiểu. Nhồng, sáo là giống cầm mà còn có thể dạy cho nó hát ca. Còn con người là loài khôn thiêng hơn muôn vật, nếu không học tập thì xem như không bằng loài cầm thú vậy.

Bậc làm thầy người, phải giữ phép tắc cho uy nghiêm. Bởi vì thầy có uy nghiêm thì đạo pháp mới được tôn trọng. Đối với người tuổi nhỏ, nếu mất đi sự khoan dung dạy bảo thì ở lúc khác sẽ chuốc lấy sự oán hận của chúng. Chi bằng phải hết sức nghiêm túc dạy răn thì sau này mới mong có tình thương cảm mến. Con em nhà người bỏ cha mẹ vào chùa thờ thầy học đạo, nếu vị thầy không quan tâm dạy bảo, mặc tình cho chúng buông lung biếng nhác, đến lúc tuổi đã lớn, thời gian học tập qua rồi, thì chúng sẽ trở thành những kẻ thất học. Bàn luận Phật pháp thì chậm chạp, thưa bạch đạo lý thì dốt nát, làm việc thì sơ xuất chểnh mảng, viết sổ sách thì vụng về, khi vỡ lẽ ra thì việc gì cũng không có khả năng cả, đến lúc đó mới ăn năn tự trách thì đã muộn và chúng sẽ đổ lỗi cho thầy ngày xưa không dạy bảo ! Như vậy thì tình thầy trò làm sao có sự cảm mến chân thật được?

Nếu tuổi trẻ vừa cạo tóc theo thầy, được thầy hết lòng dìu dắt, dạy bảo phép tắc uy nghiêm khẩn thiết thì đối với những việc công chúng sẽ lo chu tất. Vậy sau mới dám sửa trị đến việc tư. Vị thầy phải luôn dạy răn, dùng biện pháp chế ngự mọi tính dối trá, bắt buộc chúng phải tuân theo lời dạy: “Đọc kinh sách phải thông cho hết quyển, chữ viết phải ngang ngay sổ thẳng, giáo nghĩa Phật pháp phải tinh thông và đạo niệm tu trì phải vững vàng”. Nếu được như thế thì ngày qua tháng lại, sẽ có lúc trở lại bản tánh sáng suốt sẵn có xưa nay và tới được chỗ mầu nhiệm rỗng rang của pháp giới.

Nhờ vậy mà biển tánh mới lắng trong. Tâm châu được ngời sáng. Cũng ví như kẻ học đạo tiên cốt phải tới được chốn Bồng Lai, người học Phật pháp trọn phải an tân nơi Lạc quốc thì đến một lúc nào đó chúng sẽ cảm nhận được công đức nghiêm huấn của Sư trưởng vậy !

Truy môn cảnh huấn

http://buddhismtoday.com/viet/ddtamly/Tu_Hoc_lao_nhan.htm

 


Vào mạng: 5-10-2001

Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"

Đầu trang