Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt    

   

...... ... ..  . ..  .  .
Quan Điểm Phật giáo về Sát Sanh và Chiến Tranh

 

Chiến tranh đi liền với sát sanh. Chiến tranh đồng nghĩa với tội ác. Sát sanh là nhân, chiến tranh là quả và ngược lại. Hai yếu tố này hỗ trợ cho nhau để tạo nên chia lìa, đau đớn, khủng hoảng, tan tóc, đau thương cho cuộc đời. Khi nào còn chiến tranh, nghĩa là con người còn phải gánh chịu đau khổ, giết hại, thù hằn, đấu tố. Chiến tranh sẽ không bao giờ chấm dứt nếu con người còn tâm địa giết hại thú vật không thương tiếc, giẫm lên mạng sống của muôn vật, không biết quý trọng mạng sống của đồng loại!

Nhân trả lời một nghi vấn của một Phật tử: “Tổng thống Bush có phạm tội sát sanh hay không khi đem quân đi đánh Afghanistan hay không?  Người viết xin trình bày sơ bộ các cách phán đoán tội của một người phạm tội sát sanh cũng như các cấp độ của sát sanh và vài vấn đề liên hệ đến chiến tranh để bổ sung cho câu trả lời trên.

I. Các yếu tố cần và đủ để đánh giá một hành động sát sanh:

Theo quan điểm của Ngài Buddhaghosa (Phật Âm hoặc Phật Minh), nhà sớ giải lớn nhất của Phật giáo Thượng Tọa Bộ, muốn đánh giá  mức độ bất thiện của hành động sát sanh cần dựa vào năm yếu tố:

1. Ðối tượng:  Con người, phi nhân, động vật bậc thấp hay động vật bậc cao.

2. Tác ý: hành động được đi kèm với nhận thức, ý thức, có suy nghĩ thận trọng và có mục đích.

3. Nhận thức: Nhận rõ đối tượng mình giết là loài gì.

4. Nỗ lực: Bất cứ hình thức nào dẫn đến cái chết

5. Kết quả: Con người chết là do hành động của mình.

Tiêu chí trên được áp dụng cho cách phán đoán mức độ phạm tội của các hàng Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo-ni, đặc biệt là bốn trọng giới: dâm, đạo, sát, vọng. Tuy nhiên, chúng ta có thể áp dụng rộng rãi để đánh giá mọi hành động thiện hoặc bất thiện trong xã hội ngày nay. Cũng cần nói ở đây, theo ý của người viết chỉ cần bốn yếu tố là đủ rồi, không cần yếu tố thứ ba, vì yếu tố này đã thuộc vào yếu tố thứ hai. Ðại Ðức Thanissaro trong tác phẩm The Buddhist Monastic Code[i] cũng đồng ý quan điểm này. Vì nếu không nhận rõ đối tượng mình giết là ai, làm sao gọi là “tác ý” được? Do đó, chúng tôi chỉ trình bày 4 yếu tố thôi.

1. Ðối tượng

Vì đối tượng bị giết khác nhau, nên dẫn đến tội khác nhau: Ví dụ, một vị Tỳ-kheo giết một một chúng sanh không phải là con người như một Dạ-xoa (Yakkha), một Naga, một loại quỷ (peta), thậm chí là một chư thiên (davata) thì phạm tội Thâu-lan-giá, chứ không phạm tội Ba-la-di (Pàràjika).

Một vị Tỳ-kheo cố ý giết một động vật thì bị xem như là phạm tội Ba-dật đề (Pacittiya) (giới 61) chứ không bị phạm Ba-la-di.

Trong Kinh có ghi một trường hợp: một vị Tỳ-kheo đào hố để sập bẫy người hay thú, nhưng nếu dã thú bị sập bẫy mà chết, ông chỉ phạm tội Ba-dật-đề (Pacittiya), ngược lại nếu người rơi vào đó mà chết, ông phạm tội Ba-la-di.

Nếu một vị Tỳ-kheo cố ý tước đoạt mạng sống của con người dù là “phá thai” như bằng cách sắp xếp chỗ mổ, cung cấp thuốc thang, khuyến khích hướng dẫn phá thai đều phạm tội Ba-la-di.

Nếu đối tượng bị giết hại là cha mẹ, là các bậc A-la-hán hoặc các bậc Thánh khác thì chịu  tội cực nặng, nặng hơn ba-la-di, sau khi thân hoại mạng chung, do nghiệp ác chiêu cảm liền đi vào các cảnh giới đau khổ như các địa ngục Vô Gián.

2. Tác ý

Ðây là điểm quan trọng nhất trong 5 yếu tố. Vì “tác ý” (cetanà) là quyết định có dụng tâm, có ý thức và có mục đích”. Đức Phật nói, “Này các Tỳ-kheo, chính tác ý là nghiệp” (Cetanaaha"m bhikkhave kamma"m vadaami).

Do đó, cũng cùng một hành động, kết quả giống nhau, nhưng tác ý khác nhau, dẫn đến nghiệp quả khác nhau. Ví dụ, một người làm nhà ở trên vô tình làm rớt đồ xuống người phía dưới, có thể dẫn đến tử vong. Trường hợp như vậy, không kết tội người ấy là kẻ giết người được. Một người tài xế, xe bị đứt thắng, vô tình làm chết cả mấy chục người. Kết cục là vậy, nhưng không thể kết tội tài xế ấy là giết người được!

Trong Luật tạng ghi lại câu chuyện một vị vì thương đồng học của mình mà giới thiệu thuốc để uống, nhưng rất tiếc cả hai đều không biết dược tính của thuốc ấy và bệnh trạng, thế là sau khi uống xong, người bệnh chết. Ðiều này cũng không thể kết tội vị kia là kẻ sát nhân được.

Trường hợp không cố ý giết, chỉ muốn làm bị thương hoặc đau đớn, nhưng không ngờ kết quả dẫn đến cái chết, thì chỉ phạm tội Ba-dật-đề (Pacittiya).

3. Nỗ lực

“Nỗ lực” ở đây không chỉ cho ý chí muốn giết, mà chỉ cho ý chí đó được thể hiện bằng hành động, ngôn ngữ. Bộ Samantapàsàdikà liệt kê 6 cách sau có thể dẫn đến chấm dứt đời sống của một chúng sanh. Ðó là: (i) Chính tay người ấy hạ sát, (ii) xúi giục kẻ khác hạ sát, (iii) các loại vũ khí như tên, đạn, (iv) dùng   thủ đoạn (như sập bẫy hoặc thuốc độc), (v) ma thuật hoặc bằng năng lực huyền bí[ii].  Nói chung, dù gián tiếp hoặc trực tiếp sát hại một con người đều phạm tội sát cả. Trường hợp  giả như kẻ kia đáng lẽ bị tự tay mình giết, nhưng chưa kịp thực hiện được ý định của mình, kẻ kia lại tự vẫn, hoặc bị chết do ai giết, v.v… thì cũng không buộc người có ý định giết người kia là phạm giới sát “ba-la-di” .

Bộ Samanta Pàsàdika cho rằng một vị Tỳ-kheo xúi giục mọi người rằng: tại một địa điểm nào đó có một tướng cướp đang trú ẩn, nếu ai cắt đầu được tên tướng cướp kia thì được vinh dự, được nhiều vàng bạc, v.v… Nếu tên tướng cướp kia bị giết do lời xúi giục của vị Tỳ-kheo này thì vị Tỳ-kheo ấy cũng phạm tội Ba-la-di. Nói chung, khi thọ mạng của con người chưa hết, mà bằng cách hiểm độc nào đó khiến cho người kia chết, đều phạm tội Ba-la-di. Trong Vinita Vatthu[iii]  ghi lại câu chuyện một tội phạm bị chính quyền chặt tay, chặt chân, sống trong sự đau khổ. Một vị Tỳ-kheo bảo với thân nhân của anh chàng kia rằng: các ngươi có muốn hắn chết sớm không? Nếu muốn thì cho hắn uống thuốc độc, thế là họ làm theo. Nếu vậy, vị Tỳ-kheo kia phạm Ba-la-di.

Nói về các nguyên nhân dẫn đến  người tử vong thì vô số, nhất là trong chiến tranh, vô số thủ đoạn được thực hiện để đạt được mục tiêu “chiến thắng” của mình. Do đó, bất cứ phương tiện nào được sử dụng có chủ ý giết người thì người thực hiện đều phạm tội sát sanh cả.

4. Kết quả

Một khi đã có tác ý cố sát, biết rõ đối tượng mình sát là con người, dùng nhiều thủ đoạn, mưu mẹo để giết, nhưng kết quả khác nhau, thì luận tội cũng khác nhau.

Nếu có một Tỳ-kheo phạm tội giết người có chủ ý, như vậy vị ấy phạm Ba-la-di rồi, nhưng nếu đối tượng kia không chết liền, mà đau đớn, chết từ từ có phạm không? Chắc chắn là phạm ! Tuy nhiên, nếu người kia không chết, mà chỉ bị tổn thương đến sức khỏe, đến thể hình thì người kia không phạm Ba-la-di mà chỉ phạm Thâu-lan-giá (Thullaccaya). Nếu  đã cố tâm, nhưng không làm cho người kia chết hoặc đau đớn gì thì phạm tội đột-kiết-la (dukkata).

Bốn yếu tố này là điều kiện không thể thiếu để nhận định mức độ tội lỗi “sát sanh”. Các nguyên tắc này đã được Ngài Buddhaghosa và Ðại Ðức Thanissaro triển khai rộng, đặc biệt về các giới trọng của hàng Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni.

II. Các cấp độ sát sanh

Sát sanh nói riêng hoặc làm một việc bất thiện khác nói chung, có mối liên hệ mật thiết với tác ý và và mức độ hiểu biết của đương sự. Do đó, để đánh giá một hành động sát sanh ở mức độ nào, cần phải chia thành nhiều cấp độ để dễ đánh giá. Theo Tiến sĩ Peter Harvey, giới sát có thể chia thành 5 cấp độ, đại lược như sau: (1) hành động không có tác ý, làm tổn hại đến côn trùng; (2) Biết rõ hành động ấy là ác, nhưng không kềm chế được vì các tâm bất thiện đang khống chế; (3) Một hành động bất thiện, nhưng không biết rõ đối tượng mình giết là ai; (4) Một hành động bất thiện khi có tác ý, biết rõ những gì đang làm và biết rõ hành động ấy là bất thiện; (5) Một hành động bất thiện có chủ ý, biết rõ những gì đang làm, nhưng không nhận ra đó là hành động sai lầm.[iv]

Theo người viết, thứ tự  từ nhẹ đến nặng phải được sắp xếp lại sau: (1) hành động không có tác ý, làm tổn hại đến côn trùng; (2) Một hành động bất thiện, nhưng không biết rõ đối tượng mình giết là ai; (3) Biết rõ hành động ấy là ác, nhưng không kềm chế được, vì các tâm bất thiện đang khống chế; (4) Một hành động bất thiện khi có tác ý, biết rõ những gì đang làm và biết rõ hành động ấy là bất thiện; (5) Một hành động bất thiện có chủ ý, biết rõ những gì đang làm, nhưng không nhận ra đó là hành động sai lầm. Trong cách sắp xếp của người viết, trật tự chỉ thay đổi số 2 thành số 3 và số 3 thành số hai.

1.  Hành động không có tác ý, làm tổn hại đến côn trùng

Trong cuộc sống tương đối này, chúng ta đi lại, làm việc làm sao tránh khỏi giẫm đạp, giết hại những côn trùng, hoặc sâu bọ. Mặc dầu chư Tỳ-kheo được cảnh tỉnh là phải chú tâm đến từng bước chân của mình để khỏi đạp phải côn trùng,  sâu bọ, nhưng không thể nào khỏi một cách tuyệt đối. Ví dụ: khi sử dụng đèn, đặc biệt các loại đèn dầu  trong một số chùa quê thì con thiêu thân cứ đâm đầu vào lửa. Cuốc đất trồng cây, chăm sóc hoa kiểng, khai khẩn nương rẫy, ép mía làm đường,v.v…  như ở các chùa miền quê Việt Nam, làm sao không sát hại côn trùng!

Các trường hợp bị bắt buộc như trên hoặc trong trường hợp tâm trí  của can phạm bất thường, bị điên, bị khùng thì vị ấy không bị kết tội là “Ba-la-di” (Trong nhiều bộ Luật).

2. Một hành động bất thiện, nhưng không biết rõ đối tượng mình giết hại

Ví dụ, có người đi săn chỉ giương cung bắn chơi, không ngờ lại giết người, hoặc khi đi săn, chủ ý giết thú chứ không giết người, nhưng kết quả là “giết người”. Trong trường hợp như vậy, người giết nhầm kia không thể bị kết tội là kẻ “sát nhân” được. Cũng tương tự cho các vị xuất gia, tùy theo trường hợp mà xử trị.

3. Biết rõ hành động ấy là ác, nhưng không kềm chế được, vì các tâm bất thiện khống chế

Trường hợp này khi người sát hại biết việc làm của mình là tổn thương đến người khác, là vi phạm đạo đức xã hội,v.v… nhưng không thể làm chủ được các bản năng xung động như tham lam, sân hận đang phác tác dữ dội  trong tâm. Có người làm xong rồi đi tù cũng chịu, còn thề độc là chết đọa địa ngục cũng cam lòng, v.v…  Các hạng người này nóng nảy nhất thời, không kịp suy nghĩ chín chắn, cho nên tội nhẹ hơn người  làm một việc mà biết rất rõ hành động đó là ác độc, nhưng vẫn cứ thực hiện để trả thù cho một chuyện gì đó. Hạng người này tuy bên ngoài  có vẻ hơi ác, nhưng thật ra họ không có tâm ác độc sâu hiểm như  hai cấp độ sau.

4.  Một hành động bất thiện khi có tác ý, biết rõ những gì đang làm và biết rõ hành động ấy là bất thiện

Trường hợp này cũng có thể đi theo chiều hướng tốt hoặc chiều hướng xấu. Nếu đã biết rõ đó là hành động xấu, đem lại kết quả xấu mà vẫn làm, chứng tỏ con người có lập trường, có quan điểm độc lập, có bản lĩnh, nhưng khó tiến bộ về phương diện đạo đức và tâm linh vô cùng. Tuy nhiên, họ cũng có thể tiến bộ,  vì đã nhận ra đó là hành động xấu, có thể đem đến nghiệp quả xấu cho mình, cho nên các tâm niệm hối hận có thể xuất hiện. Chính nhờ các tâm niệm hối hận xuất hiện mà họ có thể quay đầu hướng thiện một cách dễ dàng.

5. Một hành động bất thiện có chủ ý, biết rõ những gì đang làm, nhưng không nhận ra đó là hành động sai lầm

Trường hợp này được cho là  tệ hại nhất vì nó kết hợp với vô minh. Mặc dầu thông thường chúng ta dễ đi đến kết luận là hành động này vô tội, vì họ làm nhưng không biết đó là một hành động bất thiện, cứ tưởng rằng đó là đúng. Giống như một người gây tội giết người mà họ không biết hành động đó sẽ dẫn đến tù chung thân hoặc bị xử tử, vì họ không biết được luật pháp !

 Kinh Na-tiên Tỳ-kheo [v]cho rằng kẻ trí làm điều dữ ít bị tai vạ hơn người ngu. Ngài Na-tiên đưa ra ví như hai người cầm một khúc củi cháy đỏ, người không biết nó nóng sẽ bị phỏng nhiều hơn người biết rõ nó nóng như thế nào.  Vì người trí, khi phạm một lỗi lầm, có thể khởi lên tâm ân hận, ăn năn hối lỗi, hoặc làm các việc phước thiện để bù lại, còn người ngu thì không biết đó là tội, thế là làm hoài, các nghiệp ác làm nhân làm duyên cho nhau, thế là mãi miết làm ác và chịu quả báo đau khổ triền miên!

III. Phật giáo và Chiến tranh

1. Quan điểm của Phật giáo về chiến tranh

Nói một cách tổng quát, Phật giáo không chấp nhận chiến tranh dưới bất cứ hình thức nào, dù đó là chiến tranh dưới danh nghĩa gì. Vì chiến tranh là đồng nghĩa với tội ác, là  gieo rắt sự nghèo nàn, tật bệnh, đói khát cho cả hai: chủ chiến và bị chiến. Chưa từng thấy có một đoạn nào Kinh điển nào trong Phật giáo tán thưởng đánh phá lẫn nhau, dù đó là đánh với danh nghĩa “cứu khốn phò nguy” hay danh nghĩa “bảo vệ quốc gia”. Như chúng ta thấy, chính  dòng họ của đức Phật gần như gặp phải nạn diệt chủng, thế mà đức Phật không dùng thần thông để đánh bại kẻ thù, cứu lấy giòng tộc! Khi vua Tỳ-lưu-ly đem quân đánh phá thành Ca-tỳ-la-vệ để trả thù cái nợ xỉ nhục của ông khi trước, đức Phật đã ba lần trưa nắng ra tận biên ải để khuyến hóa vua Tỳ-lưu-ly cũng như để cản bước tiến của đoàn quân thiện chiến của Tỳ-lưu-ly. Nhưng kết quả ra sao? Bất thành! Vua Tỳ-lưu-ly đã làm cỏ dòng họ Thích-ca. Đặt trường hợp chúng ta, có lẽ chúng ta đã nghĩ rằng chúng ta phải có nhiệm vụ bảo vệ giang san,  xã tắc, đánh bật kẻ thù, v.v…. và viện dẫn bao nhiêu là lý do để bào chữa hành động của mình. Nhưng đức Phật thì khác,  với Phật nhãn Ngài  biết rõ đâu là nhân, đâu là duyên của chiến tranh đó. Ngài còn chỉ trích các Bà-la-môn đã thọ nhận tín thí cúng dường mà còn bàn đến chiến sự (Kinh Phạm Võng, số 1, thuộc Trường Bộ Kinh). Lại nữa, trong Giới của hàng Tỳ-khưu (số 48 thuộc Ba-dật-đề) không được xem diễn binh tập trận. Qua đó, chúng ta thấy thái độ của đức Phật, không giống như các vị giáo chủ khác, Ngài không hề quan tâm đến chính sự. Nói như vậy,  không có nghĩa là cả cuộc đời đức Phật không có  đối mặt đến những vấn đề chính trị, tội phạm, chiến tranh. Xin đưa ra hai dẫn chứng. Một lần  dòng họ Sakya (Thích-ca) và dòng họ Koliya chuẩn bị đánh nhau vì tranh chiếm dòng nước. Ngài nhận thấy  nhân duyên Ngài có thể hóa độ được, nên Ngài đã đích thân đến phân giải, cuối cùng hai bên đều hòa thuận và sử dụng chung dòng nước[vi]. Trường hợp thứ hai, khi vua A-xà-thế (Ajàtasattu)  muốn cất binh đánh nước Vajjì, liền sai đại thần Vassakàra (Vũ-xá) đến thỉnh vấn đức Thế Tôn, đức Phật không trả lời trực tiếp, mà chỉ hỏi tôn giả A-nan (Ànanda) về truyền thống tốt đẹp của dân Vajjì có được gìn giữ không? Qua đó, đại thần Vassakàra đã hiểu được yếu chỉ của đức Thế Tôn muốn nói. (Kinh Ðại-bát Niết-bàn, số 16, thuộc Trường Bộ)

Trở lại vấn đề mà nhiều người thường đặt câu hỏi: Trường hợp các cuộc thánh chiến của Thiên Chúa giáo và Hồi giáo thời Trung cổ và cận đại, các cuộc thánh chiến xâm lăng thuộc địa của Hồi giáo ở vùng Trung Á và Tây Á, hoặc các cuộc xâm lăng của các Ðế quốc thuộc Thiên Chúa giáo để mở mang nước chúa, họ có tội không?  Vì họ nghĩ rằng họ làm vì chúa, họ đâu làm vì bản thân họ, cho nên sẵn sàng hy sinh thân mình. Theo lời Phật dạy, gieo ác nhân thì gặt ác quả. Do đó, họ mãi bị cộng nghiệp chiến tranh, giết hại lẫn nhau, oan oan tương báo, không biết khi nào mới chấm dứt được.

2. Quan điểm của Phật giáo về “lòng yêu nước”

Có một số trường hợp buộc phải giết người, họ gọi là “tội ác cần thiết” (necessary evil), như giết kẻ thù để bảo tồn quốc gia, hành động đó được xếp vào loại nào? Họ vì yêu nước mà sẵn sàng hy sinh thân mình, lại bảo đó là một hành động bất thiện sao?  Họ có thể là những con người lương thiện, đạo đức, yêu quê hương, yêu đất nước, yêu dân tộc, họ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, lại gán cho họ là những kẻ ác nhân thì có lẽ là không công bằng!  Họ giết giặc nhiều chừng nào thì chính thể đó trao huân chương nhiều chừng ấy, vậy theo quan điểm của đạo Phật thì sao? Theo đạo Phật, có rất nhiều cấp độ để chúng ta đánh giá hành động đó là thiện hay ác. Chứ chưa hẳn giết được nhiều giặc là hành động đáng khen ngợi, hoặc chưa hẳn trốn tránh nhiệm vụ của mình là hành động đáng tán thưởng. Tất cả phải tùy thuộc tâm của người ấy để đánh giá. Vì cùng ra trận để đánh kẻ thù, để bảo tồn quốc gia, nhưng tâm niệm khác nhau dẫn đến kết quả nghiệp báo khác nhau. Một người   thực hiện một hành động vì mọi người thì kết quả khác xa so với một người làm để thỏa mãn tính hiếu sát của mình. Biết bao nhiêu người không nỡ hạ sát kẻ thù khi thấy kẻ thù đang thất thế, đớn đau. Cũng biết bao nhiêu người thỏa mãn, khoái trá khi thấy kẻ thù đang bị khổ sở, hành hạ!. Chính những tâm niệm này là nền tảng để chúng ta đánh giá cùng một hành động mà kết quả khác hay giống nhau.

Lại nữa, giết người thì phải đền mạng, đó là luật pháp của hầu hết mọi quốc gia. Còn trường hợp giết người  lại được thưởng, đó là giết mấy tên trùm mafia, những tên tướng cuớp khét tiếng, đây cũng là điều khuyến khích của mọi quốc gia. Nếu chúng ta chỉ xét trên hành động, mà không xét về mục đích, động cơ thì mấy ông quan Tư Khấu thời xưa, nay là ban Tư Pháp sẽ là những người giết người nhiều nhất. Vì gần như ngày nào họ cũng phải dùng đến nhiều biện pháp để tra khảo,  như đánh đập, tra tấn các tội nhân. Thậm chí phải giết  bỏ, như vậy họ đều phạm tội sát sanh hay sao ? Không phải vậy, mỗi người có mỗi nhiệm vụ riêng, người làm quan phán xét theo luật pháp phân minh, góp phần tạo dựng xã hội được an bình, được thái hoà, thì rất có phước. Người làm lính, hết lòng bảo vệ biên cương lãnh thổ quốc gia cũng có phước. Đây là đạo đức nhiệm vụ của một người mà buộc phải chu toàn.

Nói như vậy, không có nghĩa là chúng tôi khuyến khích chiến tranh để tiêu diệt các tên khủng bố, hay tiêu diệt các tên trùm mafia. Như trên đã nói chiến tranh là đồng nghĩa với tội ác, mặc  dù chúng ta thực hiện chiến tranh với một mục đích tốt đẹp cho mấy, nhưng không làm sao tránh khỏi tổn thương đến những đứa trẻ vô tội, con phải xa cha, vợ phải xa chồng, các  bà mẹ sẽ vĩnh viễn không còn được trông thấy mặt con. Sau khói lửa chiến tranh, lưu lại bao tàn tích của tật nguyền,   đói khát,  bệnh hoạn v.v… nói không thể hết ! Chính vì vậy, các chính sách hoà giải, hiệp ước là chính sách tốt nhất mà đạo Phật hằng kêu gọi.

3. Vài trường hợp sát sanh khi đức Phật còn đang tu hạnh Bồ-tát

Ðại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh (số 156) trong Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh có trình bày câu chuyện tiền thân của đức Phật. Câu chuyện này có thể là một trong những dẫn chứng phù hợp  cho trường hợp này. Thuở xưa lúc đức Phật Thích-ca còn đang trong quá trình tu tập, lúc bấy giờ Ngài buộc phải giết một kẻ làm trinh thám cho 500 tên cướp để ngăn chặn cuộc tấn công của 500 tên cướp này, mặc dầu người do thám đó đã từng là bạn của Ngài.

Một câu chuyện khác được đề cập trong Huệ Thượng Bồ-Tát Vấn Ðại Thiện Quyền Kinh  (số 345), lúc bấy giờ đức Phật còn đang tu hạnh Bồ-tát, Ngài là thuyền trưởng của đoàn thương buôn  500 người đã giết  một tên tướng cướp để cứu lấy 500 thương nhân đó. Ngài nghĩ rằng nếu vì giết một tên cướp này mà Ngài phải vào địa ngục, Ngài cũng sẵn lòng, vì điều đó còn tốt hơn để chúng giết hại biết bao nhiêu người! Trên thực tế, sau khi thân hoại mạng chung, Ngài được tái sanh lên cảnh giới chư thiên. Sau này Ngài thành Phật cũng chịu quả báo, nhưng không phải quả báo mất mạng mà chỉ giẫm gai trên đường !

4. Lịch sử một vài nước Phật giáo với chiến tranh

Trường hợp vì sự tồn vong của quốc gia mà giới sát   có thể được xem là nhẹ. Trường hợp này có thể lấy điển hình ở Việt Nam vào thế kỷ XII, nhà Trần ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông lừng lẫy, oai hùng dưới sự lãnh đạo tài tình của những người vừa là Phật tử vừa là những người cầm vận mệnh quốc gia. Nếu chúng ta cứ khư khư chấp chặt thì nhân dân Việt Nam có lẽ đã bị vó ngựa Mông Cổ giẫm nát rồi, chưa hẳn có một đất nước độc lập như ngày nay. Trường hợp như vậy, người cầm   vận mệnh quốc gia phải đặt đại thể dân tộc lên hàng đầu, lấy nhiệm vụ lãnh đạo quốc gian đặt lên trên đạo đức bản thân. Do đó, cứu lấy nhân dân thoát khỏi ách xâm lược, đô hộ là phước đức, chứ không phải tội lỗi. Nếu chúng ta so sánh trận đánh của người Việt Nam xưa kia với trận đánh của Mỹ với Afghanistan vừa rồi, chắc chắn số người thiệt mạng cả Trung Hoa và Việt Nam hồi đó hơn không biết bao nhiêu lần số người thiệt mạng vừa rồi. Phật giáo không kết án những trận đánh như vậy,  cũng không tán thán, mà tin tưởng có nghiệp báo vay trả nhiều đời nhiều kiếp. 

Thế kỷ thứ XI dưới triều vua Langdarma, Phật giáo Tây Tạng bị pháp nạn. Nhà  vua này vì nghe lời dèm pha của đạo Bön, ra lệnh tiêu diệt Phật giáo, phá chùa, giết Tăng. Hơn hai năm sau, có một vị Lạt-ma tên là Palgyi Dorjé lẻn vào cung ám sát vua rồi trốn đi. Nhờ đó Phật giáo không bị tiêu diệt hoàn toàn. Như vậy, người giết nhà vua đã hủy Phật, phá Tăng đó có phạm tội sát hay không? Theo nhân quả thông thường thì dễ đi đến kết luận là có, nhưng chưa hẳn, vì động cơ của người vị Tăng kia đâu phải giết người vì các tâm sở bất thiện như tham lam mà giết, sân hận mà giết, không thỏa mãn mà giết, mà giết chỉ vì động cơ bảo vệ chân lý, bảo vệ đời sống tâm linh cho mọi người. Nhân quả phức tạp trùng trùng, chứ không đơn giản là “gieo nhân nào gặt quả nấy”, do đó chưa hẳn vị Tăng ấy bị đọa vào các cảnh giới khổ đau như thông thường chúng ta nói.  Chúng ta có thể tin được câu chuyện đức Phật trong thời quá khứ đã từng giết một tên cướp để cứu lấy 500 thương nhân, không phải vì thế mà đọa vào cõi xấu, ngược lại được sanh lên chư thiên, nhưng  dư nghiệp cũng không tránh khỏi, đến khi thành bậc Chánh Ðẳng Giác rồi mà còn giậm phải gai nhọn. Trường hợp vị Tăng kia cũng vậy, nếu vì Chánh pháp trường tồn ở nhân gian hoặc vì an ninh của quốc gia mà buộc phải hạ sát một số người nào quá ác độc, theo thiển ý của người viết  thì phước đức nhiều hơn tội.

Lại nữa, câu chuyện của Ngài Gunavarman (Cầu-na-bạt-ma), khoảng thế kỷ thứ V khi đến truyền giáo ở vùng Java, nay là Indonesia cũng là một dẫn chứng tốt để chúng ta học hỏi. Lúc bấy giờ   Java bị vua lân bang đánh phá, nhà vua hỏi tôn giả Gunavarman có nên đánh trả không, vì sợ rằng điều đó trái với giới luật nhà Phật ? Tôn giả Gunavarman đã trả lời là nhà vua nên thực hiện nhiệm vụ của mình, nhưng khởi tâm  đại bi thương xót mọi loài, bất đắc dĩ mới dùng hạ sách này[vii].

***

 Tóm lại, Phật giáo không chủ trương sát sanh để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân cũng như quyền lợi cho một nhóm hoặc cho dân tộc mình. Tuy nhiên, trong trường hợp cần phải bảo vệ dân tộc, bảo vệ chân lý thì các hình thức bạo động với thiện ý được cho phép, nhưng chỉ là giải pháp nhất thời, chứ không phải là giải pháp tối ưu. Đạo Phật là một đạo tôn trọng sự sống của mọi chúng sanh, không riêng gì con người. Do đó, bất cứ hình thức nào như tự mình giết, hoặc bảo người khác giết, hoặc thấy giết mà đem lòng vui đều không được chấp nhận đối với một Phật tử.

Trái đất này được xanh tươi hay không, nhân loại được hạnh phúc không, tuỳ thuộc rất lớn vào mỗi người. Trong vòng sinh tử vô tận, vô số những người thân của ta, nay trở thành thân hoặc sơ, thậm chí đứng ở thế hai chiến tuyến đối lập. Chiến tranh là đỉnh cao của thù hận, mâu thuẫn, sát sanh, tranh giành tài sản, v.v…. Đây là một nghiệp tích luỹ của tội ác và bạo tàn. Do đó, mỗi Phật tử chúng ta nên ăn chay, hoà thuận, biết sống san sẻ, thương yêu kẻ khác là gieo nhân hoà bình, đem lại nguồn an vui và thịnh lạc cho mỗi người và cho toàn thể xã hội. Được như vậy thì quý biết bao!

“Hận thù diệt hận thù

Đời này không có được

Từ bi diệt hận thù

Là định luật ngàn thu”

(Kinh Pháp Cú, số 5)


[i] Tác phẩm này được in tại Mỹ, do nhà xuất bản Library of  Congress Cataloguing-in-Publication Data Pending tái bản lần thứ hai, năm 1996), trang 69. Một vài ý, chúng tôi có tham khảo cuốn sách này.

[ii] Trong cuốn The Buddhist Monastic Code của Thanissaro Bhikkhu (in tại Mỹ, do nhà xuất bản Library of  Congress Cataloguing-in-Publication Data Pending tái bản lần thứ hai, năm 1996), trang 69 ghi là có 6 trường hợp: Một là chính người đó giết bằng  tay, chân, hoặc các loại vũ khí như dao, gậy, dùi cui, v.v…Hai là các hình thức ném, bắn như ném đá, bắn tên, hoặc là bắn súng. Ba là  vận dụng quỷ kế, như sập bẫy, bỏ độc, v.v… Bốn là tà thuật như kêu gọi ác quỷ giết người, v.v…Năm là dùng năng lực tâm linh của mình để giết. Sáu là khuyến khích người khác giết người. Một số ý khác, chúng tôi cũng có tham khảo cuốn sách này.

[iii]  Tác phẩm này chưa được dịch sang tiếng Việt và tiếng Anh, tài liệu này được rút ra từ cuốn The Buddhist Monastic Code của Thanissaro Bhikkhu đã được giới thiệu ở trên.

[iv] Dựa theo cuốn An Introduction to Buddhist Ethics: Foundations, Values and Issues. Cambridge: Cambridge University Press, 2000, trang 53-55.

[v] Xem ấn bản Internet có đăng trên trang nhà Buddhasasana do Binh Anson  biên tập.

[vi] Câu chuyện này có thể coi trong nhiều nơi, đặc biệt bản sớ giải Kinh Pháp Cú bằng tiếng Anh Dhammapada Commentary (tr. E. W. Burlingame) Buddhist Legends, 3 vols., Harvard Orientation Series, Cambridge, Mass., Harvard University Press, 1921; repr. London, PTS, 1979.

[vii] Câu chuyện trên được P.V. Bapat ghi trong cuốn  2500 Years of Buddhism (Phật Giáo 2500 Năm) in tại Delhi, Ministry of Information and Broadcasting, Government of India, 1st Ed. 1959, trang 83. Câu chuyện trên có thể xem trong Thần Tăng Thiên Trúc  do Ðại Ðức Thích Hằng Ðạt biên soạn (phần IV)  có đăng trên trang nhà  Ðạo Phật Ngày Nay.

 


Vào mạng: 1-6-2002

Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"

Đầu trang