-
"THẾ À!"
-
-
Trần Kiêm Đoàn
-
Natomas, Mùa Vu Lan 2007
Tiền
thoại:
-
Này, nhà sư hổ mang. Cái bào thai
kia là của ông đấy!
-
Thế à!
Tám tháng sau…
-
Bớ gã phàm tăng, con của ông đây,
giữ mà nuôi nó đi.
-
Thế à!
Ba năm sau…
-
Thưa đại sư, xin thầy từ bi hỷ xả,
tôi đã đổ oan cho thầy.
-
Thế à!
Cuộc chiến đấu với thị phi đã kéo dài 2 nghìn 500
năm. Nếu thay tiếng “Thế à!” bằng lời phẫn nộ, đay nghiến, mắng nhiếc,
lý sự, trả đũa… thì đạo Phật đã trở về với cát bụi bên bờ sông Hằng Hà
như những Kim Tự Tháp của Ai Cập bị chôn vùi trong sa mạc hay như những
lâu đài La Mã chỉ còn trơ lại dăm mảnh của đấu trường…
***
Tâm
lý thường tình cho rằng, những chuyện khen chê – thị phi… nhập nhằng –
chỉ xẩy ra trong những mảnh đời sống vụn vặt hàng ngày mà thôi. Còn
những lĩnh vực “đại sự” như tôn giáo, chính trị, văn hóa… thì phải cần
đến những sự vụ đao to búa lớn hơn là những chuyện thị phi như thế.
Thực tế thì đốm lửa và đám cháy rừng lắm lúc vẫn có những quan hệ hữu cơ
ngoài tầm dự liệu. Tuy nhiên; đốm lửa, đám cháy và cánh rừng sẽ không
bao giờ là ba thực thể, ba đối tượng ngang nhau cả. Đạo pháp và chuyện
thị phi cũng thế. Đạo Phật, người tu theo đạo Phật và chuyện khen chê
xưa nay không thể có sự lẫn lộn.
Từ thuở đức Phật Thích Ca thành đạo, chuyển pháp luân
cho đến ngày hôm nay đã trải qua hơn 25 thế kỷ, bên cạnh những lời ngợi
ca vang vọng lâu đời nhất thì vẫn có những lời chê bai đầy biên kiến
nhất. Cho nên, chuyện thị phi trong sinh hoạt Phật giáo hay bất cứ một
tôn giáo nào không bao giờ thiếu vắng như hai mặt sáng tối, nóng lạnh
tất nhiên của đời sống.
Sau năm 1975, Phật giáo Việt Nam cũng theo dòng người
di tản lan ra nước ngoài. Đời sống tâm linh, tôn giáo mang dấu ấn văn
hóa và xã hội của con người tin theo. Phật giáo Việt ở nước ngoài, từ
gốc rể cũng mang bản sắc của người Việt tha hương. Tuy nhiên, tác động
của hoàn cảnh cụ thể từng nơi đã trở thành những “trợ duyên” cho sinh
hoạt thờ phụng, chiêm bái và tu học. Mội trường kinh tế, xã hội và nếp
sống thực dụng tại các nước phương Tây trở thành một sự thử thách mới
cho Phật giáo Việt Nam truyền thống. Tinh thần Đại Thừa phát huy mạnh
mẽ do tác dụng khách quan lẫn chủ quan của môi trường kinh tế thực dụng
và truyền thông đại chúng quá phong phú và đa dạng tại các xứ nầy. Sự
thử thách mới cụ thể, thường xuyên, trực tiếp và mạnh mẽ nhất đối với
khuynh hướng tu hành thanh tịnh và tinh tấn là vật chất (tự viện, tiền
bạc, xe cộ, vật dụng) và sắc dục (vẻ đẹp hào nhoáng khêu gợi bên ngoài,
cung cách tự do cởi mở, có sẵn phương tiện vật chất, lòng ham muốn tính
dục…)
Sự thử thách mới đã tự chứng tỏ quyền năng của nó
trong suốt 30 năm qua trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Cũng có
tu sĩ Phật giáo đã rủ áo hoàn tục. Cũng đã có hiện tượng tăng ni không
giữ được bồ đề tâm kiên cố và dính mắc vào những hệ lụy đời thường. Tuy
nhiên, đây cũng là ngọn lửa thử vàng đối với các bậc cao tăng thạc đức,
những bậc tu hành vẫn giữ được tấm gương ngời sáng của bậc chân tu, tiếp
tục hành đạo và hóa đạo cho đời.
Hệ quả tất nhiên của một xã hội vàng thau lẫn lộn như
thế là phản ứng của đời thường. Mức độ và nguyên nhân tuy khác nhau
nhưng có thể tìm thấy được rằng: (1) Do động cơ chính trị; (2) do động
cơ “thánh chiến” giữa các tôn giáo chống báng nhau; (3) do sự bất mãn,
ganh tỵ, mưu đồ trục lợi; (4) do thiện chí nhưng “lực bất tòng tâm” vì
sự hiểu biết hạn hẹp và quan điểm chủ quan, phiến diện; (5) do thành
tâm thiện ý muốn xây dựng đạo cho đời.
Bao năm qua, người theo đạo Phật cũng như đồng hương
đứng ngoài, càng ngày, càng cảm thấy không còn nhiệt tình quan tâm và
hứng thú để theo dõi những ý kiến khen chê, những lời bình luận về sinh
hoạt chùa chiền tự viện và về những tu sĩ Phật giáo “có vấn đề.” Lý do
đơn giản là vì lý luận nghiêm túc thì ít mà hý luận vu vơ thì nhiều;
biên kiến ngày càng khơi rộng thì chánh kiến càng ngày càng hiếm hoi.
Con người càng đi nhiều, biết rộng; càng trở nên tỉnh táo hơn, độc lập
hơn trong thái độ lựa chọn một hướng đi, một nếp sinh hoạt riêng cho đời
sống tâm linh, tín ngưỡng của mình. Do đó, mọi sự vọng động nhằm lôi
kéo người Phật tử thời nay nghiêng lệch, đảo điên bằng phương kế tin
đồn, sách báo xuyên tạc, băng đĩa dèm pha… đang trở thành những trò chơi
phù phiếm, lỗi thời của quá khứ.
Phải chăng đấy là lý do mấy tập sách mang tên “Giặc
Thầy Chùa” của ông Đặng Văn Nhâm – ngỡ như là sẽ làm chấn động giới chùa
chiền – lại không tạo được một phản ứng nào ngoạn mục về phía “giặc” lẫn
phía người đọc nghiêm túc trong suốt mấy năm qua.
Khi “dường như đã lãng quên” thì tin tức Giặc Thầy
Chùa lại bỗng đâu lù lù hiện đến. Qua thông tin trên mạng lưới vi tính
đề ngày 31 tháng 7 năm 2007, hàng chữ đậm in đầu trang đập vào mắt người
đọc như sau: Án Lệnh Chung Quyết của Tòa án Tư pháp Sơ thẩm khu vực
tài phán thứ 165, hạt Harris, Texas về vụ án 2006-71920 xử vào ngày
16-2-2007. Nguyên cáo là cô Lương Thùy Trúc và Giáo Hội Long Hoa Phật
Nhị Hội nộp hồ sơ thông qua tổ hợp luật sư Hoang & Associates kiện ông
Đặng Văn Nhâm về tội mạ lỵ. Ông Đặng Văn Nhâm không đến hầu tòa nên
bị xử khiếm diện. Phiên tòa kết thúc với phán quyết là: “Tòa án đã
tìm ra và phán quyết rằng bị cáo Đặng Văn Nhâm đã bịa chuyện mạ lỵ với
ác ý” (Founded, adjudged and ordered that Defendant Nham Van Dang made
the libelous statements with malicious intent.) Theo phán quyết
nầy, tòa án ra lệnh cho ông Đặng Văn Nhâm phải đền bù thiệt hại về vật
chất 25.000 đô la; bồi thường danh dự 100 đô la; trả 500.000 đô la
thiệt hại về đức hạnh. “Tập sách Giặc Thầy Chùa III cấm phát hành
vĩnh viễn. Bất cứ ai tiếp tục phổ biến tập sách nầy phải chịu trách
nhiệm về sự sai trái mà toà án đã phán quyết.” (The book Giac Thay Chua
III, Bandit Monks III, is to be permanently enjoined from distribution.
Any distribution of this book is a continuation of such libel and the
party distributing this book is also responsible for such libel.)
Những người không theo dõi “khổ nạn” chữ nghĩa nầy từ
đầu sẽ thắc mắc đại khái như: Ôi! Không biết có gì trục trặc đây? Cái
nước tự nhận là tự do ngôn luận tận lông mày, chân tóc như Huê Kỳ mà lại
đi xử ép nhà văn An Nam ta nặng nề như vậy sao?! Thật ra, tự bản chất
của vụ án, đây không phải là một phán quyết của tòa án về tự do ngôn
luận mà chỉ là một cách giải quyết của luật pháp về trò “lộn xộn” chữ
nghĩa của thánh… bất hiền mà thôi. Người ném chữ nghĩa vi vút là nhà
văn Đặng Văn Nhâm – Hội viên hội Nhà Văn Chiến Đấu Tây (Association des
Écrivains Combattant Francais); cựu chủ tịch Hội Văn Bút Nước Nam Hải
Ngoại – từ nước Đan Mạch xa xăm lặn lội sang Huê Kỳ hành hiệp và khổ chủ
bị ném trúng phoóc là cô Lương Thùy Trúc.
Nhà văn Đặng Văn Nhâm đã cho ra đời 4 cuốn sách được
in ấn và bày bán rộng rãi tại Mỹ. Ba cuốn nhan đề là “Giặc Thầy Chùa 1,
2, 3” và cuốn “Đời Tôi” y như thể là “My Life” của cựu tổng thống Mỹ
Bill Clinton (!) Nội dung của 3 cuốn Giặc Thầy Chùa viết về các tu sĩ
Phật giáo tại nước ngoài mà trọng điểm là tại Mỹ. Liên tục trong 3 cuốn
nầy, ông Đặng Văn Nhâm đã lôi các nhà sư có tên tuổi để hài tội, luận
tội và kết tội họ về các phương diện (1) quan hệ tình dục, (2) thâm lạm
tiền bạc, (3) lợi dụng quyền thế.
Mở đầu cho cuốn Giặc Thầy Chùa I, ông Đặng Văn Nhâm
đã noi gương và trích dẫn chuyện Chiếc Áo Đại Triều (The Emperor’s New
Suit) của đại văn hào Đan Mạch, Hans Andersen và nhấn mạnh về cái phương
pháp luận “xích tử chi tâm” mà ông sẽ ứng dụng trong sách ông viết. Nói
một cách nôm na là ông Đặng Văn Nhâm chủ trương “tấm lòng con đỏ”, thấy
chi nói nấy chứ không gạn đục khơi trong, vo tròn bóp méo gì cả. Nói về
quan điểm nầy, ông Hồ Hoàng Đức viết trên báo Phù Sa số 126 – tháng
6/2006, đã nhận định một cách đầy tính hoạt kê về chiến lược “con đỏ”
của ông Đặng như sau: “Nhà văn là người làm văn hóa, người đem vẻ đẹp
của ngôn từ và tư tưởng vào tác phẩm mà phục vụ cho đời. Nay Đặng Văn
Nhâm dùng lối ‘xích tử chi tâm’ như con nít sơ sanh vớ phải cục cứt gà
cũng tưởng nhằm là vú mẹ đun ngay vào miệng, không gạn lọc, chọn lựa,
sắp đặt, trang trí cho hay cho đẹp thì còn gì là văn vẻ, văn chương…”
Tôi không muốn lạm bàn về chuyện văn chương như ông
Hồ Hoàng Đức, nhưng cũng đành phải để cho cái “tôi” đáng ghét của mình
xuất đầu lộ diện chút đỉnh vì nhà văn Đặng Văn Nhâm đã sử dụng trên cả
nghìn trang viết làm phương tiện truyền thông về một lĩnh vực có liên
quan đến phạm vi chuyên môn của tôi. Trong lúc đó, ông Đặng chưa chứng
tỏ và chứng minh được một phương pháp thu thập dữ kiện nào đáng tin cậy,
có tính thuyết phục trước khi áp đặt những kết luận “điếng người” về
những nội vụ thuộc về một lĩnh vực nhân sinh cực kỳ nghiêm trọng. Đấy
là lĩnh vực điều tra các vụ án xâm phạm tình dục.
Trước hết, tôi xin tóm tắt về những hiểu biết khiêm
tốn của mình về lĩnh vực vừa nêu. Từ ngày 1 tháng 8 năm 1988, tôi làm
việc cho cơ quan CPS (Children’s Protective Services: Cơ quan bảo vệ
thiếu niên) của Sacramento thuộc tiểu bang California. Đây là cơ quan
làm việc trực tiếp với nạn nhân và thủ phạm để điều tra và bảo vệ trẻ em
từ lúc còn ở dạng bào thai đến 18 tuổi. Trong các hình thức ngược đãi
trẻ em thì sự lạm dụng tình dục (sexual abuse) là nghiêm trọng nhất. Sự
lạm dụng tình dục có 3 mức độ: Làm tình (intercourse), đụng chạm xác
thịt (molestation) và lợi dụng tình dục (exploitation). Ngoài ra, có
hàng chục hình thức, khái niệm và diễn giải liên quan đến sự quan hệ
tình dục.
Để thụ lý một hồ sơ về sự xâm phạm tình dục, khởi
đầu, tôi phải đi từ việc nghiên cứu nội dung của báo cáo (hay tố cáo),
xác định mức độ đáng tin cậy của dữ kiện nội vụ, thu thập tất cả hồ sơ
về tiền án của nạn nhân và thủ phạm. Bước tiếp theo là trực tiếp phỏng
vấn nạn nhân và tất cả những ai có liên hệ hay biết về nội vụ. Sau đó
đối chứng lời khai của nạn nhân, thủ phạm, những người chứng và đưa vào
bộ phận chuyên môn kiểm nghiệm y khoa (DNA, thương tích thế xác, tình
trạng tinh thần…) và một trong những yêu cầu đặt nặng hàng đầu là phải
hoàn toàn nghiêm khắc giữ bí mật (strict confideltiality) nội vụ và
tuyệt đối tránh ảnh hưởng chủ quan, cảm tính cá nhân vào quá trình làm
việc.
Suốt 18 năm làm việc liên tục trong lĩnh vực điều
tra, bảo vệ trẻ em tại Mỹ, tôi quá đỗi kinh ngạc khi đọc những bài viết
tường trình về các trường hợp “xâm phạm tình dục” giữa các tu sĩ và đối
tượng tình dục do ông Đặng Văn Nhâm kể lại trong các trận đánh “Giặc
Thầy Chùa” của ông. Kinh ngạc không phải vì những kết luận “oanh liệt”
như những chiến thắng mà ông Đặng đã đắc chí đưa vào trong sách; nhưng
là vì tác giả tự chứng tỏ cái “nghề mọn riêng tay” của mình quá đơn giản
và ngô nghê khi “mang thai Thị Mầu níu đầu Thị Kính” bằng những thông
tin mà ngành điều tra chuyên môn của Mỹ gọi một cách đầy hoài nghi và
mĩa mai là “streetwise hearsay” (thông tin nghe ngóng lém lỉnh kiểu hè
phố) không đáng tin cậy. Lượng thông tin thuần trực giác và cảm tính
trong Giặc Thầy Chùa cùng với một văn phong thô nhám, dung tục tự nó đã
làm mất vẻ trí tuệ và sức thuyết phục cần thiết khi tác giả đang cần xây
dựng một luận điểm cơ bản cho nội hàm tác phẩm của mình.
Cũng là một người theo đạo Phật và cầm bút tiêu
khiển, trong cảnh vàng thau lẫn lộn như đã có dịp trình bày ở phần trên,
tôi sẽ rất tôn trọng và khâm phục khi ông Đặng Văn Nhâm có can đảm nói
lên được những điều sai trái của một số người lợi dụng, núp bóng nhà
tu. Và cũng như nhiều Phật tử thầm lặng khác, chúng tôi không ngây thơ
để tin kính vô điều kiện vào chiếc áo nhà tu; cũng như chẳng vội vàng
mất thì giờ quan tâm đến những hiện tượng ồn ào, cáo buộc bung xung, tùy
hứng nhất thời. Nếu nói đúng, chúng ta sẽ góp phần tích cực vào việc xây
dựng và cải thiện đạo Phật và sẽ được hưởng phước quả tốt đẹp của tinh
thần Duy Ma Cật. Nếu cố tình nói sai để mưu cầu tiếng tăm dễ dãi thì sẽ
nhận hậu quả ngược lại. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh và ý hướng nào
thì cũng mong ông Đặng Văn Nhâm vui lòng lưu ý đến “luật chơi.” Nghĩa
là người cầm bút cần sử dụng phương pháp và phương tiện thích hợp. Khi
phê phán và quy kết một điều gì, nhất là những điều liên quan đến uy
tín, danh dự của kẻ khác nếu chưa đủ bằng chứng khách quan, chứng lý
khoa học thì phải tự lượng sức mình để khỏi suy diễn chủ quan, có khả
năng làm trò cười cho đại chúng.
Giữa ánh sáng truyền thông công cộng nhanh như chớp
mắt của thế kỷ 21, chúng ta nên tỉnh táo nhìn rõ và nhìn đúng vấn đề lẫn
đối tượng làm căn bản cho “sự nghiệp sáng tạo văn chương” của mình để
tránh tình trạng lẫn lộn giữa bóng và hình, giữa dữ kiện và tin đồn,
giữa hiện tượng và thực chất. Kết luận hay suy diễn vội vàng có thể tạo
ra sự nở rộ, hấp dẫn thoáng qua nhưng tác hại lại lâu dài, vì một trăm
cuốn sách viết sai sẽ trăm lần tệ hơn một câu viết đúng.
Nhân đây, cũng xin được thưa với nhà văn Đặng Văn
Nhâm rằng, tôi tự hào và hãnh diện khi có một nhà văn xứ mình đã từng
lãnh đạo giới Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và nay lại được đứng vào đội
ngũ Nhà Văn Chiến Đấu Pháp như ông. Tuy khác nhau về đất ở nhưng tôi
tin rằng nhà văn là người trân trọng truyền thống tốt đẹp của dân tộc
mình và dân tộc bạn. Và ít nhiều thì những tác phẩm văn chương của hội
viên như Giặc Thầy Chùa cũng phản ánh khuynh hướng “chiến đấu” trên mặt
trận văn học nghệ thuật của Hội. Mong rằng, nhà văn Đặng Văn Nhâm sẽ góp
phần truyền đạt và uốn nắn cho các bạn đồng môn trong Hội Nhà Văn Chiến
Đấu Pháp tinh thần khiêm cung và lễ độ; tránh những sự áp đặt tư tưởng
thô thiển và lối hành văn dung tục khi họ viết về con người và bối cảnh
Việt Nam, nhất là viết về các nhà tu.
Không rõ luật lệ ở nước Đan Mạch nơi nhà văn Đặng Văn
Nhâm trú ngụ như thế nào, nhưng riêng luật pháp tại Hoa Kỳ thì hầu như
tất cả các trường hợp “đánh đấm” trong Giặc Thầy Chùa đều có khả năng đi
đến kết luận tương tự như trường hợp của cô Trương Thùy Trúc.
Nhưng sự im lặng từ trước đến nay của các tu sĩ Phật
giáo bị “lên list” trong Giặc Thầy Chùa là sự im lặng của thiền sư “Thế
à!” Thế mà hay!
Trong dòng chảy từ thời xa xưa của quá khứ, lịch sử
nhân văn đời đời vẫn nhận ra dáng vẻ bất chính, ồn ào, vọng động của Thị
Mầu là ma vương quỷ sứ. Nhưng sự im lặng “Thế à!” của Thị Kính vẫn muôn
đời là tiếng hải triều âm vang vọng của Bồ tát Kính Tâm.
http://www.buddhismtoday.com/viet/diemsach/baivietveGiacThayChua.htm