Thời gian dẫu vô tình đến
mấy
Con đò vẫn cập bến sông
Thương.
Không gian dẫu vô tận đến
đâu
Hoàng hôn cứ đỗ đầu núi
nhớ ...
Hoàng Linh vẫn còn
đứng đó. Tà áo lam hiền cùng chiếc nón trắng xứ Huế trông thật dễ thương.
Con thuyền vẫn chưa cập bến. Ở đời, cái gì thuộc về trái tim thì còn mãi
giữa lòng người. Thời gian bốn mùa đắp đổi nương nhau, thế mà cái thuộc
về trái tim trong cô vẫn chưa tròn ước nguyện. Chờ lâu, cô dạo bước
quanh quẩn tới lui trong khoảng không gian bến đợi con thuyền:
Lênh đênh làm khách phong
trần mãi!
Trên sông, từng
dòng nước gợn sóng vỗ nhẹ vào bờ. Mấy quả sung chín rụng rơi lã chã.
Đứng trước bên sông chiều, nhìn cảnh sông nước mênh mông, một nỗi buồn
len lén chợt dâng lên trong lòng Hoàng Linh:
"Từ giã quê hương ta đi tìm đất sống
Giã biệt xóm làng, nơi cắt rốn chôn rau
Đi đến thật xa núi thẳm rừng sâu
Đôi tay trắng vẽ khung trời gian khổ"
(Mặc Giang)
Cảnh ấy đã tác động
vào tâm hồn Linh một chút gì đó gọi là thi sĩ: yêu thơ! Kiếp phù sinh
hiện hữu, dòng thơ của Mặc Giang gợi về trong ký ức:
"Quãng đường qua sỏi đá cũng ghê gai
Bước phong sương mòn sức lực dặm dài
"
Hoàng Linh nghĩ về
một quá khứ xa xôi, một tương lai mờ ảo huyễn tưởng. Cảnh sông nước mênh
mông đang gợi cho Linh nhớ đến thơ hay tình thương đang dạt dào tuôn
chảy sâu lắng của thi sĩ. Bao lời thơ Mặc Giang cũng từ đó hiện về:
"...Trăng lặn dòng sông đêm mấy canh.
Tầng không én liệng buồn bay cuối trời...''
...Đã bao lần rồi, mỗi
khi lặng nhìn đời, con người, thế cuộc thì vần thơ của thi sĩ chợt
hiển hiện sáng ngời trong tâm hồn Hoàng Linh. Vì lẽ đó, lắm lúc mọi nỗi
buồn, lo lắng... trong cuộc sống lại tan biến vào hư vô, thay vào đó là
niềm tin, sự an tịnh nội tâm khi tiếp xúc với vần thơ của người. Dù xa
quê hương, xa gia đình, xa mẹ cha và bà con lối xóm, nhưng Hoàng Linh
đâu thấy thiếu trong mỗi bước chân qua. Bởi lời thơ của Mặc Giang như
người mẹ hiền, luôn dìu dắt, an ủi, động viên Hoàng Linh đi hết cuộc
đời này.
...Con đò chiều đưa Linh
về lối cũ. Sông nước mênh mông, ánh nắng vàng còn le lói chưa chịu
nhường chỗ cho hoàng hôn, Hoàng Linh nhìn ra xa, dòng sông nhuốm phủ một
màu tím mộng của cánh hoa lục bình. Và không nằm im như những tảng bèo
kia, vẫn có nhiều cánh bèo đang xuôi ngược tám hướng giữa dòng sông xứ
Huế. Con thuyền vẫn ung dung lướt đi trong cõi mộng, ngao du giữa chốn
phiêu bồng. Và em đã đi đâu?:
"Vào cửa tử sinh tôi đi tìm cõi sống
Của chính tôi rồi sẽ đi về đâu
Qua những thềm hoang sách vở phủ đầu
Tắc ngẽn đó không tìm ra lối thoát"
...Cậu bé đen ngòm trong
chiếc nón tơi tả đang bơi chiếc xuồng
khua mái chèo đi vớt
những khúc gỗ trôi linh đinh trên sóng nghiệp. Linh nhìn cảnh ấy mà lòng
xót thương cho kiếp nhân sinh:
Thôi rồi:
"biển đục phù sinh loang lổ hoang tàn" thì ta: "gieo chi nữa những sắc
màu hoen ố". Con thuyền chưa cập bến, Linh nhìn hai bên bờ sông, những
cành lau trắng muốt đang vẫy gọi trong gió chiều, gửi tình thương yêu
vào sự sống trong gam tím của sắc màu xứ Huế:
"Thà
làm cỏ cây xanh ngát bên đường
Hơn
hoa mỹ thêu thùa bên bờ lau gió bụi"
Cảm ơn đời, ta xin vào
cõi nhân gian:
"Trong
bóng đen tội tình chi lầm lũi
Giữa
khung trời, tỏa rộng ánh thiều quang
Sống
thanh thiên như gió mát trăng ngàn
Cho
đêm tối bừng hỏa châu tỏa sáng"
Bên kia bờ, tiếng
gọi yêu thương theo lời thơ của Mặc Giang đang vẫy chào, bắt nhịp vào
tâm hồn kiếp nhân sinh:
"Gom cát bụi bên bờ rêu giá lạnh
Góp hoang tàn bên bờ đá rêu xanh
Để lắng nghe từng giọt lệ long lanh
Rơi xuống biển trần gian nhiều gai góc".
Mặc Giang ơi! con
đường của thế gian thì nhỏ hẹp, con đường của thi sĩ thì rộng lớn thênh
thang, ngang dọc tự do "mây nước tỳ khưu tùy ý ruỗi" Trên từng con đường
quen thuộc, ven theo lối cỏ xanh và vào từng ngõ ngách của xóm làng, heo
hút núi rừng, bước chân người đã đi qua với biển tâm, rải tình thương
bằng những vần thơ viết về con người và thế cuộc. Vần thơ ấy đã làm hiển
hiện trong ký ức Hoàng Linh một bóng hình, thi sĩ là bậc chân tu sáng
ngời đạo hạnh và đức độ. Vần thơ ấy đã theo từng bước chân người đi bằng
chất liệu "vô tâm", ''vô niệm", nên vào cửa "vô môn". Chính cửa vô môn
đó mà bao người con Phật đã ra vào tư tại:
"Tôi chẳng có gì bán cái không
Đã không nên chẳng có đôi đồng
Không ai mua hết nhìn còn rộng
Đem chất hoài nhưng vẫn trống không"
Những vần thơ của
thi sĩ cho thấy cái cốt cách nhân bản, oai nghi khác thường, tâm từ đỉnh
đạc, gợi lên trong lòng người nhiều bài pháp vô ngôn. Lời thơ ấy đã bay
vào cát bụi của kiếp người một cách thầm lặng rồi lại ung dung ra khỏi
cuộc đời nhẹ tựa hồng mao, thật đúng là vần thơ diệu dụng.
Và lúc này đây, trên
dòng sông xứ Huế, thơ của người đang bắt nhịp êm đềm trôi chảy. Tình
thương bao la, tâm từ rộng lớn đã gửi vào hồn thơ bay bỗng đến từng tâm
hồn đang còn chơi vơi trong biển khổ, để từ đó, nhân rộng, bao trùm và
chan chứa hết thảy. Vì vậy, bao nhiêu khách phong trần ngồi trên đây, ấy
thế mà con thuyền vẫn nhẹ nhàng lướt trên sóng nước. Hoàng Linh cảm nhận
từ thơ một luồng từ trường mới mẽ, xoa dịu mọi nỗi âu lo của kiếp người.
Cảm ơn thi sĩ, người đã đem đến những lời thơ khai mở tâm con, đánh dẹp
ý thức vọng động, hàng phục vọng tâm, hồi phục chơn tâm. Thơ Mặc Giang
mênh mông như sông nước, mỗi giọt nước là một giọt sữa pháp được rót từ
uyên nguyên giáo pháp. Cảm ơn người, ta hãy sống tốt hơn, giữa sanh tử
khổ đau ác kiến chập chùng. Biết thương yêu nhau, quả Bồ Đề chia chung
trái ngọt...
Con thuyền vẫn lướt
trên sông nước, dạo chơi qua cõi hồng trần. Dù cho nắng gió, sương sa,
và cát bụi tơi bời, nhưng vượt qua là cập bến. Hoàng Linh nhẹ bước lên
bờ. Cô đã vẫy chào tất cả.
Ôi!"Trong cuộc đời ai không uống nước
Giữa trường đời ai chẳng qua sông
Qua sông nhớ giữ lấy lòng
Vần thơ nơi ấy gieo lòng thế nhân"
Mặc Giang ơi! Con
thuyền kia chở đầy ăm ắp những vần thơ của thi sĩ đang quay về bến đợi,
nhẹ nhàng đưa lữ khách phong trần trở lại "Bến Đỗ Yêu Thương"...
Và nơi đó, những
chồi non được vun bón giờ đây đã xanh lá. Dầu chưa trở ngọn đầu mùa,
nhưng có thể đứng vững để tiếp tục xanh tươi, đã góp phần tạo nên bóng
râm cho đất:
" Trời chiều kéo
hoàng hôn
Chim bay về tổ
ấm
Cho gừng cay
muối mặn
Hoa trái kết đơm bông"
Hương giang, tháng 6-2009
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/bendobinhyen.htm