Thế giới ngày nay đã khẳng định Cố Ðô Huế là bài thơ
đô thị, không gian Thuận Hóa ngày xưa đã trải rộng và thanh thoát theo
dư âm tiếng chuông chùa nhẹ rung, nhẹ bay vào sáng sớm tinh mơ hoặc vào
buổi chiều khi hoàng hôn phủ bóng đong đưa tiếng chuông ngân dài và tan
loãng vào hư không.
Huế, xứ Thần kinh trở thành đất trời thử nghiệm
định giá chất thơ, hồn thơ của nhiều thế hệ tao nhân mặc khách xuyên
suốt dòng chảy thời gian hơn 700 năm qua.
Mười lăm năm gần đây, thơ Mặc Giang đã góp gió và
cọng hưởng vào xứ thơ. Hồn thơ ấy đã thấm, thấm sâu vào lòng dân gian
khắp cùng những tao đàn cho đến tận hang cùng xóm vắng khát thơ, khát
đạo và giàu tin yêu trổi dậy bắt nhịp cùng với hơi thở đô thị, mở toang
cánh cửa đón nhận luồng sinh khí của thời đại mới. Chất thơ, chất đạo và
chất đời đã hòa quyện lan loãng gắn kết nhau một cách viên âm đầy vơi
nên thơ Mặc Giang dễ dàng nhập vào tâm tư mọi người, mọi giới, không hạn
chế ở tuổi tác, nghề nghiệp, không câu chấp định kiến tư duy trong cuộc
sống, mà dạt dào hương vị nồng ấm của xứ thơ đặt niềm tin yêu lên hàng
đầu “Chính khíươm mầm hoa đạo lý. Nguồn tâm tạo dựng vốn đầu tiên” như
câu đối của một đình làng miền Ô Châu:
Ðạo bổn vô tư, hiển pháp lưu thanh, tiên chính kỷ
Ðầu chung hữu báo, thiện căn phước quả, tổng do
tâm
Trong chiều hướng truyền thống tốt lành ấy, MỞ CỬA
NGUỒN TÂM của Mặc Giang xuất bản năm 2008 ra mắt bạn đọc gần xa. Thi
phẩm ấy đã được bạn đọc đón nhận như cảm thức của tác giả, như lời của
nhà dịch thuật nhà phê bình văn học Bửu Ý: “thơ Mặc Giang có nhiều nét
riêng biệt… Nhà thơ của chúng ta ước mơ đem hết tâm tư của mình ra đo
đạc mọi chiều của đất nước quê hương để nâng niu từng cái nhỏ mảy may”.
Còn giáo sư L.V.L thì cứ xuýt xoa: “Tôi năm nay đã ngoài 70, đã đọc thơ
của nhiều nhà thơ từ gần 300 trăm năm trở lại, nhưng thật tình mà nói,
tôi chưa thấy có nhà thơ nào trùm phủ tất cả mọi chủ đề mọi lĩnh vực như
nhà thơ Mặc Giang”.
Lời giới thiệu của Ni trưởng Thích Nữ Diệu Tấn, nhà
thơ thuộc khuynh hướng cổ điển, đã viết một cách chân tình: “nay có nhân
duyên dạo thăm vườn hoa của thi sĩ Mặc Giang, vườn hoa Ðạo Pháp, tôi cảm
thấy một vẻ đẹp lạ thường với mùi hương tuyệt diệu đang lan tỏa muôn
phương…. ”
Rơi vào đúng thời điểm này, chúng tôi đoán già
đoán non, thơ Mặc Giang đã lên tới con số hơn 1200 bài với nhiều thể
loại, nhiều chủ đề với cái nhìn về đất nước quê hương, nguồn tâm phong
phú và thâm hậu về muôn loài và non sông cẩm tú Việt Nam, đất nước được
thế giới tôn vinh có nhiều di sản văn hóa.
Mặc Giang làm thơ nhanh, kỳ tài như rút một cách
nhẹ nhàng từ trong đãy càn khôn bất tận, như lấy ngọc từ chéo áo. Uống
chưa xong một ly cà phê thì có một bài thơ hay, qua một chuyến đò ngang
liền có bài thơ tuyệt cú gởi trọn niềm tâm tư:
Trong cuộc đời ai không uống nước
Giữa trường đời ai chẳng qua song
Nhịp cầu khua, vọng vang mấy khúc
Hai đầu cầu, biết mấy dòng sông
Người như thế cảm thức sâu lắng đã tuôn trào kịp theo
hơi thở và thơ tức phải thấm đẫm hương vị thanh thoát mà gói khéo tâm tư
thành món tặng phẩm quý giá cho đời.
Chỉ mới đây thôi, non ba tuần lễ, nhà thơ Mặc Giang ở
xa quê sáng tác nhanh bài thơ NGUYỆN CẦU PHẬT ÐẢN 28 câu nhanh như chớp
ánh từ quang, gởi về cho kịp hội Phật đản tại Huế. Tiêu biểu 4 câu sau
cũng nói lên được cái tâm tha thiết vì hạnh phúc an vui cho cõi đời của
thi nhân:
Ngày Phật đản, chúng con xin cầu nguyện
Hoa Vô Ưu thơm ngát tỏa muôn phương
Đạo từ bi trang trải vạn con đường
Khắp pháp giới không còn nơi tăm tối
Chư Tôn đức điều hành Trung tâm Văn hóa Phật giáo
Liễu Quán và độc giả đều rất cung ngưỡng tấm lòng của Mặc Giang. Bút
hiệu Mặc Giang đã trở thành quen thuộc gần gũi với bạn yêu thơ, bình
thơ, kể cả giới lao động các ngành nghề bình thường:
Ta nằm yên đánh giấc
Rung động cả thiên thu
Sóng biếc vỗ đôi bờ
Sông Trường Giang Mặc Tử
Ðón gió chờ khách trẩy hội Phật đản trước chùa Linh
Mụ, mấy bạn đạp xích lô, xe thồ và xe máy đọc cho tôi nghe một số câu
thơ của Mặc Giang trong tập NHỊP BƯỚC ÐĂNG TRÌNH, rồi cười duyên chúng
tôi trong tình cảm tương lân, đạp xe tòn ten cả ngày mà không thấy mệt,
vì có người hiểu rõ về mình như một tri kỹ:
“Thức khuya mới biết đêm dài
Canh tàn mới biết bóng dài tàn canh
Xích lô tử thuở đầu xanh
Đến nay bạc trắng tròng trành xích lô”.
Cảm động làm sao! Bác Ðàng đạp xích lô từ đời cha đến
đời con, gọi tôi đến đọc bốn câu thơ trên để trút nguồn tâm sự về nghề
và nghiệp. Thì ra, tôi đạp mà bác tuổi con ngựa như tôi cũng đạp, khác
nhau là bác thì chở gạo, còn tôi thì chở trăng dạo quanh tháng ngày cho
trót lời thề với vợ con “một đời xe đạp, một đời hư”. Ði để mà học đường
học sá, học bạn đồng hành.
Tôi có cái nghề tay trái “chấm bản in”, chấm phết đủ
thứ trên đời qua văn chương chữ nghĩa đời nay. Ðó là cái nghiệp mà vợ
tôi cũng trối trời cái nghiệp quyền rơm vạ đá: đúng không ai khen, mà lỡ
sai sót thì lãnh đủ.
Về nhà in chấm bài, các công nhân nhà in thường trêu
chọc, chỉ riêng mấy cô đồng nghề đồng nghiệp chấm bản in thì tha cho
tôi. Làm chi cái nghề đi hôm về tối nghiệt ngã:
Giữa thinh không vọng lời khe khẻ
Nhạn lưng trời vỗ cánh bay xa
Có nghĩa gì một cõi ta bà
Một điểm son, hằng diễm tinh ba
Có ai ngờ đâu, nhà thơ Mặc Giang không sáng tác bài
“tôi là người chấm bản in”, thế mà thợ thầy nhà in Công ty cổ phần Thừa
Thiên Huế lại chọn cho ra bốn câu thơ của bài “Ðừng hỏi chi em” trong
tập NHỊP BƯỚC ÐĂNG TRÌNH để hù dọa tôi cho vui: giữa đêm khuya phải đọc
lại bản sắp in lần cuối cho giờ lên kẽm ráp vào máy in, cho ra thành
phẩm. Tôi nể phục luôn những thầy thợ nhà in có ý thức trách nhiệm cao
và kể cả những cô phụ trách K.C.S (kiểm tra chất lượng bản in).
Còn nhiều chuyện kể khá lý thú về việc đọc thơ và
thuộc thơ Mặc Giang trong nhân gian, đành xin khất lại kỳ sau in tiếp
nội san Liễu Quán và những ấn phẩm khác của Trung tâm Văn hóa Phật giáo
Liễu Quán. Xin tạm ngừng bút trước khi đọc bốn câu thơ, thay lời tác giả
trực tiếp ở phương xa:
“Nhưng tôi không có bán thơ đâu
Óng ánh sợi thơ gợn sắc màu
Ðôi mắt qua thơ đời tuyệt mỹ
Ðêm tàn còn đọng những canh thâu”.
Trong sáng tác sáng tạo, nhà thơ Mặc Giang viết nhanh
viết vội nhưng luôn đắn đo: cân, đong, đo và đếm. Hèn gì mà thơ Mặc
Giang được quảng bá rộng rãi trong mọi giới, số bản in ra không đủ, số
lượng ấn bản thường không đủ đáp ứng thị hiếu của người yêu thơ, yêu
triết lý và nghĩa lý nhiệm mầu.
Huế, ngày 16 tháng 5 năm 2009
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/duam.htm