Thơ là tiếng nói đầu tiên
của tâm hồn khi đụng chạm đến cuộc sống, làm thơ là để bày tỏ cảm xúc
tình cảm của mình. Khi tâm hồn nhà thơ Mặc Giang rung cảm trước cảnh vật
thì bất chợt những dòng thơ cũng sẽ tuôn trào như thác đổ. Với Mặc Giang
thì: “sông dài trời rộng tâm ta rộng”. Người đã hóa thân vào mọi cảnh
khổ bằng trái tim yêu thương tất cả muôn loại, thương xót bao mảnh đời
cơ cực, khó khăn của cuộc sống, mà bao người đã phải chịu trong kiếp
sống phù du này:
Tôi đã thấy những con
người bần hàn cơ cực
Sống gian truân trong
bóng tối cuộc đời
Sống khổ đau đầy dẫy
khắp nơi nơi
Từ thành thị đến thôn
quê đâu đâu cũng có
(Vơi hết khổ thì tình người
mới đẹp)
Lòng từ bao la, thơ ông
tuôn chảy thành dòng cảm xúc vô tận. Làm sao đó để “vơi hết khổ thì tình
người mới đẹp”, phải chăng cũng vì lẽ đó mà “dòng sông nhân ái” ra đời:
Kéo đại dương cho biển
khơi nhỏ lại
Xếp trùng khơi, để thu
hẹp hai bờ
Đưa bàn tay bắt một nhịp
nên thơ
Cây cầu đã nối liền muôn
giới tuyến.
Con người Mặc Giang tuy
nhỏ bé giữa đất trời bao la, nhưng tấm lòng rộng lớn cao cả đến nhường
nào. Sự đối lập đó đã tạo nên một dòng cảm xúc, để rồi lại cứ “mở cửa
nguồn tâm” mà nâng niu từng hạt cát. Vì vậy mà trái tim biết thở và hãy
hát đi:
Hát nữa đi anh
tiếng tự tình muôn thuở
Hát nữa đi em lời
chan chứa yêu thương
Tiếng tình tự trao
nhau như thế đó
Vẹn câu thề trang
trải vạn tin yêu
(Trái tim biết thở)
Thơ! mỗi người mỗi vẻ. Ðôi
lúc thơ mang một nỗi buồn, thơ là lời tâm sự (Hàn Mặc Tử), hay là một sự
ngợi ca quê hương và nỗi nhớ (Quang Dũng). Còn Mặc Giang, thơ là cả một
tấm lòng. Biển thơ! Rừng thơ!... Ta uống trà làm thơ. Trà chưa ra, cà
phê nhỏ chưa hết giọt mà thơ Mặc Giang tuôn trào như thác đổ, “đẩy tan
những sắc màu buồn thảm” và “quét sạch đi những bóng dáng tối tăm”. Mở
cửa tình thương để nghe sỏi đá gọi bên đường và để thấy “Xuân cười gió
nắng”.
Đọc những dòng thơ Mặc
Giang giữa mỗi độ đông về, ta cảm nhận điều gì đó kỳ lạ, đó là khiến
tình người ấm áp hơn lên:
Ðông lạnh buốt mà sao
lòng vẫn ấm
Lửa yêu thương đốt cháy
những oán cừu
Thơ Mặc Giang là dòng cảm
xúc chảy dài vô tận. Nó không dừng lại nơi đâu mà cứ đi, đi mãi khắp mọi
miền của Tổ quốc. Người như đang hóa thân thành những mảnh đời cơ cực,
muốn dang tay ôm tất cả vào trái tim mình và lòng lại cứ thương:
Tôi thương người dân quê
trải cuộc đời mưa nắng
Tôi thương những người
nghèo mua gánh bán bưng
Tôi thương người dân phu
mỏi gối còng lưng
Tôi thương người di dân,
khẩn hoang xây cuộc sống
(Tôi thương)
Tình thương hay là thơ? Thơ
cũng chính là tình thương
Bởi tình thương vô bến
nên biết nói sao cùng
Hỡi người nhân gian hòa
tiếng gọi kêu chung
Hãy trang trải tình
thương, cho ấm lòng nhân thế
Ðó chính là mục đích cuộc
sống và tấm lòng nhà thơ, nó có thể làm thay đổi tất cả như ánh nắng ban
mai của một ngày mới hiện về… Nhật Tân.
Tác giả an nhiên từng buớc
trên mọi nẻo đường quê hương, nhìn thẳng vào bản lai diện mục khổ đế của
trần gian. Cái cảnh vợ bị lao tù, chồng thay vợ chăm sóc con, được thi
nhân viết thành lời thơ chân tình mộc mạc:
Em ơi em! Thôi em đừng
khóc
Anh thay em làm gà trống
nuôi con.
Nếu tâm hồn khép lại không
rộng mở cảm thông trìu mến thì không dễ gì thi nhân có được lời thơ dễ
thương dễ cảm đó. Đây là những câu thơ neo lại vững chắc trong tâm trí
người đọc, theo mãi thấm đậm giữa tháng năm. Người đọc lắm lúc rơi nước
mắt khóc cùng tác giả, cũng có khi họ để cho trái đập rạo rực theo nhịp
sống, bước đi và hơi thở của muôn loài để lắng lòng yêu thương chia sẻ,
và thêm một lần “Mở cửa mà đi”.
Ði! Mặc Giang đi đến cuối
chân trời góc biển, đến hang cùng ngõ hẽm của những xóm làng heo hút, cơ
cực, để nhìn, để hóa thân và để thấy:
Trăng mờ sao tỏ,
núi gối đầu non
Thời gian không mòn
niềm đau nhân thế!
Ông cứ đi và thả lại sau
lưng một “núi thơ” chứa chan đạo tình và bao tiếng nói sâu thẳm của con
tim để hy vọng những gì cho tương lai, trả tiêu điều xơ xác lại cho quá
khứ và chỉ mong một ngày kia “Xuân cười gió nắng”.
Người đã hóa thân vào bất
tận, ấp ủ bao mảnh đời khốn khó khắp nơi, để cho tình người cứ gần nhau
mãi mãi:
Trao tin yêu tràn ngập
bến tình thương
Cùng tắm mát trên dòng
sông nhân ái
Mặc Giang nhìn đời bằng ánh
mắt đồng cảm, bằng tấm lòng chan chứa yêu thương. Cùng “Nhịp bước đăng
trình” thấy lòng sao cay đắng, nghe giọt lệ mằn mặn trên môi. Hãy lặng
yên đưa nhau qua khổ ải và dìu dắt nhau về ngưỡng cửa yêu thương. Và cứ
thế hãy trao và đón nhận. Người bên người sống để yêu thương.
“Tôi thương và tôi thương
và còn nhiều nữa chứ. Bởi tình thương vô bờ bến nên biết nói sao cùng”.
Tôi còn “Thương em bé nhà nghèo”. Thi nhân Mặc Giang đã hóa thân vào
từng thân phận để cảm thông chia sẻ nỗi khốn cùng của họ. Tác giả còn
hóa thân “Tôi là người mù”, “Tôi là người phu khuân vác”, “Tôi là người
câm”, “Tôi là người đạp xích lô” và ngay cả “Tôi là một người khùng”,
“Tôi là một người điên”,…
Thơ ông là thế đó, tâm hồn
ông là thế đó. Ông đã ra khỏi cái tôi hạn hẹp ích kỷ để chia sẻ và hòa
vào cảnh chung của con người.
Cho thấy thơ Mặc Giang
không phải là những gì trừu tượng hay bóng mây lơ lửng cuối chân trời,
mà rất gần gũi thân quen với cuộc sống. Thơ Mặc Giang là những gì trước
mắt ta đang có, nó có thật trong cuộc sống biển trần đọa đày khổ đau này.
Nó giúp ta ý thức ý nghĩa thâm sâu của cuộc sống và biết rằng ta phải
làm gì? Thu mình trong ốc đảo độc thiện kỳ thân hay “Hãy trang trải tình
thương, cho ấm lòng nhân thế”.
Hãy nhìn “Mở cửa nguồn tâm”
thì sẽ thấy tất cả thơ Mặc Giang với bút pháp lạ lùng, niềm nhân ái cứ
gieo vào lòng nhân thế, để cho người biết yêu thương, biết vỗ về nâng
niu và chia sẻ. Cho nên Mặc Gang nói:
Không, tôi không có bán
thơ đâu
Óng ánh sợi thơ gợn sắc
màu
Ai có muốn mua chăng thì
Mặc Giang cũng không bán đâu mà chỉ muốn ban phát. Còn tôi, tôi cũng
không mua thơ ông. Dù có cất giữ thơ ông nhưng thật ra nào có cất giữ,
vì cất giữ thơ Mặc Giang cũng chính là cất giữ nâng niu cảm thương những
mảnh đời cơ cực đó thôi, cũng chính là sự chia sẻ ngọt bùi để làm lẽ
sống cho mình và tất cả, và để trở về với đôi bờ nhớ thương:
Tôi dang ra để tránh mưa
tầm tã
Anh thụt lùi để khỏi đẫm
mưa tuôn
Khi đã qua cơn thác lũ
điên cuồng
Nước rút xuống cùng trở
về đầu ngõ
Vậy ta hãy “góp tin yêu
chói sáng tỏa tình người” và “mang chân thực cho trần gian tươi đẹp ”
Mặc Giang là ai nhỉ? sao
không bán thơ mà nơi đâu cũng có thơ ông, người ta nhắc đến ở trong lòng.
Qua thơ Mặc Giang, ai cũng có thể tìm thấy cái cốt cách nhân bản, rồi
truyền trao cho nhau khắp mọi nơi, như chính cuộc hành trình với tâm hồn
rộng mở mà thi nhân đã đi qua.
Ngoài ra, một hồn thơ bình
dị chân quê như “Trái cây bốn mùa”, “Muôn chim ca hát”, “Sông bến cũ mái
nhà xưa ấm-lạnh”, “Xóm nhỏ quê nghèo”, “Một mái chùa quê” và “Đợi trăng
về” cũng chính là xuất phát từ tấm chân tình, yêu thương cả đất trời vạn
loại của người thơ; đó là một tình yêu thương trong sáng. Nước tình
thương lưu xuất từ biển tâm, êm đềm như tình mẹ ru mãi ngàn năm.
Huế 2008
Minh Ân