- KINH TẾ HỌC PHẬT GIÁO
- Thạc sĩ Đông Nam Á Học.
Nhiều người cho rằng Phật giáo
là một tôn giáo nên không có sự quan hệ với vấn đề kinh tế đó là
nhận định sai lầm, bởi vì con người là một hợp thể do ngũ uẩn tạo
thành chia làm hai phần là Vật chất (sắc) và tinh thần (danh). Con người
không thể chỉ dựa vào tinh thần không thôi mà có thể tồn tại được,
nhưng con người cũng không thể chỉ là động vật thuần nhất về kinh tế
vật chất. Điều không thể nghi vấn là con người muốn sinh tồn cần phải
có đầy đủ những nhu cầu vật chất căn bản nhất như ăn, mặc, ở,
thuốc thang… Phật giáo không bài trừ vấn đề kinh tế nhưng nói sự
phát triển tinh thần mà không chấp nhận điều kiện vật chất thì không
phải là chủ trương và cái nhìn của Phật giáo. Phật giáo nhấn mạnh sự
phát triển toàn diện của con người cần hội đủ những vấn đề về
phát triển tinh thần, sự tráng kiện của thân tâm cùng sự bảo đảm về
điều kiện kinh tế. Trong kinh Phật dạy con người có bốn mong cầu là :
- Mong cầu đầy đủ tiền tài. Nói cách khác đối
với một người bình thường sự giàu có là mong cầu trước nhất của họ.
- Sau khi đầy đủ tiền tài thì mong muốn tiếng tăm
của mình được vang vọng khắp nơi, chỉ ít là trong bạn bè và người
thân.
- Đầy đủ tiền tài cùng danh vọng lại mong cầu
được mạnh khỏe và sống lâu.
- Được tiền tài danh vọng cùng tuổi thọ rồi
người ta lại mong sao sau khi chết đi được sanh về cõi tốt hơn.
Trong kinh "Andha Sutta" đã chứng
minh bốn điều mong cầu trên của con người và chỉ ra trên thế gian có
ba hạng người là :
- "Người mù" đã không có con mắt về tiền
tài, không biết giữ gìn nguồn tài chánh vốn có của mình cùng tạo dựng
cho mình nguồn tài chánh mới, lại cũng không có con mắt về đạo đức nên
không hề nghĩ và không hề biết tu tập trên phương diện đạo đức.
- "Người chột mắt" là người chỉ có
con mắt về tiền tài mà không có con mắt về đạo đức, người ấy chỉ
biết bảo vệ nguồn tài chính vốn có và xây dựng nguồn tài chánh mới
nhưng không hề biết tu dưỡng và xây dựng nền tảng đạo đức cho chính
mình.
- "Người hai mắt" là người vốn là có
con mắt về tài chánh lại đầy đủ con mắt về đạo đức, biết phát
triển đồng nhất và đầy đủ về cả hai phương diện vật chất và
tinh thần trong cuộc sống của mình.
Phật giáo ca ngợi người có hai mắt
và xác định rằng nếu người mù hoặc người chột thì không thể là người
hạnh phúc được. Trong bộ kinh này lại phân tích có hai hạng người nữa
là người đen tối và người quang minh.
- Nếu một người nghèo lại không có tín ngưỡng
thì người ấy từ trong bóng tối bước vào đen tối.
- Nếu một người tuy nghèo nhưng có tín ngưỡng
thì người ấy từ trong đen tối bước ra ánh sáng quang minh..
- Nếu một người giàu có nhưng lại không có tín
ngưỡng thì người ấy đã từ nơi ánh sáng bước vào đen tối.
- Nếu một người đã giàu có lại đầy đủ về
tín ngưỡng thì người ấy từ ánh sáng bước vào nơi ánh sáng quang minh
hơn nữa.
Người đen tối thì nghèo khó, người
nghèo khó lại bị đen tối; người quang minh thì giàu có, người giàu có
lại quang minh. Đây là sự khác biệt giữa nghèo hèn và giàu có, giữa
bóng tối và ánh sáng. Tuy thế, người nghèo cũng có thể bằng nỗ lực của
tự thân để trong bóng tối đi ra ánh sáng nhưng sự nỗ lực này so với
người giàu có thì khó khăn gấp nhiều lần vì người nghèo không dễ
dàng có được ánh sáng quang minh.
Phật giáo phản đối cái nghèo, Đức
Phật đã từng khẳng định: nghèo hèn là một tai nạn. Có lần Đức Phật
hỏi các đệ tử "Đối với người đời, nghèo hèn có phải là tai
ương không?" Đệ tử đáp:"thưa phải". Phật lại hỏi
"Đã nghèo còn mang thêm nợ thì có phải là tai ương không?". Đệ
tử đáp "Thưa phải".Phật lại hỏi:" người đang mắc nợ lại
vay thêm nợ nữa thì có phải là tai ương không?" Đệ tử đáp:"
Thưa phải".Phật nói"Đến lúc đó chủ nợ đến đòi nợ, người
ấy không trả nổi bị chủ nợ làm nhục thế có phải là tai ương không?".
Đệ tử đáp"thưa phải".
Với cái nhìn của Đức Phật,
trong một hoàn cảnh nhất định, có đầy đủ những nhu cầu tối thiểu
về vật chất lại quan trọng hơn là niềm tin tín ngưỡng. Có một người
nông dân bị mất bò đi tìm suốt ngày vẫn không thấy, khi đi ngang nơi Phật
đang thuyết pháp và muốn được nghe pháp, Phật biết anh ấy suốt ngày
chưa được ăn uống gì nên Ngài gọi đệ tử chuẩn bị cơm canh cho anh
ấy ăn trước rồi sau mới nghe pháp. Điều này chứng minh rằng Đức Phật
biết rất rõ, khi con người đang bị đói khát thì không thể nói đến vấn
đề tín ngưỡng được. Không những thế sự nghèo khó luôn gắn chặt với
bạo lực và tội phạm. Trong kinh "Dìgha Nikaya" dạy:"
"Sự thiếu thốn về văn minh vật
chất làm cho nghèo khổ phát sinh, từ trong nghèo khổ mà trộm cắp hoành
hành. Hơn nữa giết người, bạo lực, phỉ báng, chửi rủa, vọng tưởng,
tà kiến, phi đạo đức và những dục vọng biến thái cũng từ đó phát
sinh, thậm chí còn dẫn đến sự leo thang của tội ác, niềm tin tôn giáo
bị phá vỡ và sự ổn định của trật tự xã hội sẽ không giữ được."
Trong xã hội cổ đại của Ấn Độ
với chế độ phân biệt giai cấp những giai cấp thượng đẳng như Bàlamôn
có được cuộc sống vinh hoa phú quí, ăn trên ngồi trước; còn giai cấp
hạ đẳng như Thủ-đà-la chỉ biết suốt đời làm nô lệ. Vì sao lại như
vậy? Bởi vì kinh điển quyền uy Phệ Đà của Ấn Độ giáo cho rằng:
giai cấp Bàlamôn được sanh ra từ miệng Phạm Thiên, giai cấp Thủ-đà-la
được sanh ra từ gót chân của Phạm Thiên. Do vậy mà giai cấp Bàlamôn vốn
sinh ra đã là giai cấp cao quí, còn giai cấp Thủ-đà-la thuộc về giai cấp
hạ tiện nhưng Đức Phật phản đối điều này Ngài khẳng định, không
có sự khác biệt vốn có của giai cấp mà chỉ có sự khác biệt về điều
kiện kinh tế mà thôi.
Trong kinh" Sighalovada Sutta".
Đức Phật dạy:"Hạnh phúc và vận may vốn đến từ sức mạnh của
kinh tế, không nợ nần và cuộc sống trọn vẹn về đạo đức". Từ
những điều trên chúng ta biết rằng Phật giáo không chấp nhận sự
nghèo khó không phải là càng nghèo càng quang vinh. Phật giáo nhấn mạnh đến
tinh thần đồng thời cũng đề cao sự quan trọng của vật chất. Phật giáo
không bài trừ kinh tế vì trong kinh điển Phật giáo đã đề cập rất nhiều
đến vấn đề kinh tế. Nhưng trong kinh điển Phật giáo đề cập đến vấn
đề kinh tế không có nghĩa là có một lý thuyết về kinh tế học tồn tại
trong kinh điển Phật giáo. Trong Phật giáo có hay không có kinh tế học cần
phải được học giả nghiên cứu vì người viết sức học có hạn, khong
dám quả quyết điều này nhưng khi đọc qua một số kinh điển Nam truyền
sẽ có thể phát hiện được một số khái niệm và lý luận quan trọng về
kinh tế học hiện đại mà Đức Phật đã đề cập và đưa ra cái nhìn
chính xác của Ngài như một hệ thống. Tuy nhiên, hệ thống này không thể
tìm được trong một quyển kinh duy nhất mà chúng ta cần phải dụng tâm
thu thập phân tích từ các lời dạy của Ngài trong hệ thống kinh điển và
tổng hợp để hình thành nên một khái niệm về kinh tế học của Phật
giáo.
- TRUNG ĐẠO LÀ KINH TẾ HỌC PHẬT GIÁO
Kinh tế học Phật giáo được xây
dựng trên nền tảng giáo nghĩa trung đạo Phật giáo.
Có một loại dục vọng chính là
nhu cầu căn bản nhất của con người, nơi nào có con người nơi ấy nhất
định sẽ tồn tạo dục vọng này. Đó là dục vọng tự nhiên, là nhu cầu
tự nhiên căn bản nhất như ăn, uống, thuốc thang, sự quan tâm…Đây vốn
là nhu cầu thiết yếu nhất, là dục vọng hữu hạn nhằm duy trì sự tồn
tại của sắc thân nên Phật giáo chấp nhận nhu cầu ham muốn này. Phật
giáo cho rằng chỉ khi nào nhu cầu căn bản này được đáp ứng thì mới
có thể tiến cao hơn trong thế giới tinh thần được.
Ngoài nhu cầu căn bản ra, con người
còn có một ham muốn khác đó là tham dục. Tham dục là hình thái của tội
ác vì nó vượt qua khỏi nhu cầu căn bản của con người, là ham muốn
quá đáng, ham muốn quá mức nên không thể đạt được trọn vẹn. Vì để
thoả mãn tham dục nên con người đã bất chấp mọi thủ đoạn nhằm đạt
được tham cầu của mình, tham dục không có giới hạn. Bạo lực và tội
phạm phi đạo đức một mặt đến từ đói khổ, mặt khác cũng xuất phát
từ tham dục. Do vậy Phật giáo không chấp nhận đói nghèo đồng thời
cũng cự tuyệt tham dục.
Tham cầu là tai ương, nghèo đói cũng
là tai ương. Phật Giáo đề xướng không tham cầu và không đói nghèo. Phật
giáo cho rằng hết thảy mọi hoạt động kinh tế đều phải tuân thủ
nguyên tắc này tức là phải xuất phát từ nhu cầu căn bản nhất của
con người. Đây chính là kinh tế học Trung đạo của Phật Giáo.
- SỬ DỤNG NGUỒN TÀI CHÁNH.
Kinh tế học là bộ môn nghiên cứu
về hoạt động kinh tế. Hoạt động kinh tế là nghĩa rộng, nhìn gọn từ
một góc độ thì kinh tế học có thể chia thành ba bộ phận là: tạo lập
nguồn tài chánh, phân phối nguồn tài chánh và sử dụng nguồn tài chánh
có được. Bởi vì bất kể là sản xuất, kinh doanh hay phân phối điều có
quan hệ mật thiết với việc sử dụng tiền của có được. Tài sản bao
gồm hai mảng là tinh thần và vật chất.
Với quan điểm của Phật Giáo nguồn
thu nhập của quốc gia hay cá nhân đều nên phân thành bốn phần để sử
dụng.
- Một phần dùng cho nhu cầu thường nhật như ăn,
mặc, ở, đi lại, y tế…
- Một phần để dành dùng khi cấp bách
- Một phần dùng kiến tạo công đức phước báo
như bố thí, cúng dường, phúc lợi xã hội, viện trợ nước nghèo…
- Một phần dùng để đầu tư, tái đầu tư để
mở rộng sự nghiệp, phát triển đất nước
Tiền tài dùng cho nhu cầu căn bản
của cuộc sống con người, con người không phải là động vật kinh tế nên
vật chất nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người, chớ con người
không phải sống vì vật chất. Con người cần vật chất vì sanh tồn và
hạnh phúc chứ không vì mục đích nào khác. Có được tiền tài chúng ta
nên dùng nó để làm năm việc sau:
- Làm cho bản thân sung túc.
- Phụng dưỡng cha mẹ.
- Lo cho gia đình.
- Giúp đỡ đồng nghiệp, người thân.
- Cúng dường các bậc đạo đức tu hành.
Trong kinh "Vasala Sutta" Phật
dạy nên biết đem tiền của phụng dưỡng cha mẹ, người không biết phụng
dưỡng cha mẹ thời khó giàu có được. Lại trong kinh"Pattakama
Sutta" Phật dạy tiền bạc nên dùng vào việc lo cho người thân, khách
khứa công nhân viên chức của mình và đóng thuế cho nhà nước.
Phật Giáo cho rằng người dân đóng
thuế cho nhà nước là điều phải làm vì nhà nước cần nguồn thuế thu
được đó để giúp đỡ người nghèo, người tàn tật, người già neo
đơn, để xây dựng công trình phúc lợi xã hội và công trình tiện ích
công cộng phục vụ cho cuộc sống của người dân trong nước. Nhưng Phật
Giáo cũng khẳng định nhà nước không được đem tiền thuế của dân để
xây dựng những công trình không thiết thực và tiêu tao lãng phí tiền thuế
mồ hôi nước mắt của người dân. Đức Phật đã từng chủ trương tiền
thuế của dân không được chi dụng vào những hoạt động lễ lược rầm
rộ, qui mô to lớn, liên hoan tiệc tùng lãng phí. Phật Giáo còn nhấn mạnh
thuế không được lạm thu và quá cao làm đau khổ cho nhân dân, cũng giống
như ong hút mật không thương tổn đến hương sắc của hoa. Phật Giáo phản
đối một chính sách và chế độ thuế khóa khắc nghiệt.
Trong bộ kinh khác"Dhammajani
Sutta" Phật dạy tiền bạc dùng trong việc xây dựng hạnh phúc cho bản
thân, làm cho người khác được hạnh phúc, dùng dự trử cho mình, đóng
thuế và tích tụ công đức.
Thế nào là công đức? Nhiều người
nghĩ rằng công đức là cúng dường cho chùa miếu hay các bậc tu hành, thật
ra thì không hoàn toàn như vậy mà đó chỉ là một loại công đức. Theo
Phật Giáo phàm việc gì có lợi cho người, có lợi cho mình một cách hợp
lý thì đều được coi là công đức như một thùng nước tưới cây, một
vá đất đắp cây, hết thảy đều là công đức.
Trong kinh chia người sử dụng tiền
tài thành ba hạng.
- Người chỉ biết cất góp tiền tài không dùng
cho mình, không giúp người khác và cũng không làm công đức.
- Người chỉ sử dụng tiền tài cho hạnh phúc cá
nhân, không giúp người và không làm công đức.
- Người biết dùng tiền tài xây dựng hạnh phúc
cho mình, giúp đở người khác, cùng tích tập công đức.
Phật dạy người thứ hai tốt hơn
hạng người thứ nhất là hạng người có tiền cũng như không vì không
biết sử dụng tiền tài có được để kiến tạo hạnh phúc cho bản
thân, giúp người, cùng tích tạo công đức nên đã lãng phí tiền tài mà
mình có. Phật khen ngợi cách sử dụng tiền tài của hạng người thứ ba
vì biết lo cho mình và cho người. Phật dạy làm người phải có tâm biết
san sẻ cái mình có được với người khác vì thế giới là tập hợp những
nhân duyên không ai có thể tồn tại độc lập mà phải nhờ vào sự giúp
đỡ của người khác. Do vậy, khi nghĩ đến nhu cầu của bản thân đồng
thời cũng phải biết nghĩ đến nhu cầu của người khác cùng san sẽ với
họ những nhu cầu ấy.
Đức Phật khuyến khích mọi người
sử dụng nguồn tài chánh có được. Không nên chỉ biết tích góp để thành
người bủn xỉn nhưng không đồng nghĩa với việc Đức Phật khuyên bảo
mọi người lảng phí tiền bạc một cách không có ý nghĩa. Phật Giáo vốn
dạy phải"Kiệm phước", phản đối việc lãng phí, phản đối
hai điều cực đoan nên Đức Phật dạy mọi người "Phải biết sử dụng
nguồn tài chánh có được không bủn xỉn, không lãng phí, không dùng trong
tội ác và những việc tìm ẩn điều nguy hiểm".
Đức Phật dạy mọi người có
sáu con đường làm cho tiền của của chúng ta bị tiêu tán.
- Ăn nhậu.
- Suốt ngày đi chơi rong ở phố phường.
- Đánh bạc.
- Chơi với bạn xấu.
- Lười biếng.
- Đắm đuối trong sắc dục.
Phật dạy một khi người dân trong
nước chỉ biết sống với những điều trên thì đất nước sẽ suy tàn.
Phật Giáo phản đối việc chi tiêu
lớn bởi vì.
- Việc chi tiêu phí lớn làm cho xã hội mất ổn
định vì sẽ đào sâu hố phân cách giữa giàu và nghèo trong xã hội. Người
giàu tận hưởng lắm vinh hoa còn kẻ nghèo thời ba buổi cũng chẳng no. từ
đó người nghèo sẽ sanh đố kỵ và bất mãn, còn người giàu thì sanh
tâm lo sợ thường nghĩ cách để bảo vệ tài sản và quyền hạn của
mình làm cho xung đột xã hội phát sinh.
- Việc chi tiêu lớn làm cho nguồn tài nguyên thiên
nhiên có hạn sẽ nhanh chóng cạn kiệt như dầu mỏ…một khi đã cạn
thì không sao có thể có nữa được.
- Một khi con người đã bị dục vọng chi phối
thì sẽ bất chấp thủ đoạn để nhằm thoả mãn tham dục của mình. Bất
kể là chủng tộc, quốc gia hay cá nhân đều như vậy cả. Một số nước
vì để duy trì việc chi tiêu lớn của mình nên đã không ngừng phát động
chiến tranh. Sự chi tiêu ở mức cao thường phát nguồn từ tham muốn quá
mức nó không phải được kiến lập trên nền tảng của những nhu cầu
thiết yếu nên nó không phù hợp với nguyên lý kinh tế học của Phật
Giáo, Đức Phật dạy chúng ta không được chi tiêu vượt quá nguồn thu nhập
vì như vậy sẽ làm mất cân đối thu chi trong cuộc sống của mình. Phật
Giáo còn dạy mọi người phải cẩn trọng giữ gìn nguồn tài sản của
mình chống mất trộm, hoả hoạn, lũ lụt, kẻ thù, bạn xấu và xúc phạm
đến công quyền. Đức Phật khuyên chúng ta phải biết để dành một phần
nguồn tài chánh của mình cho tương lai nhằm đảm bảo nhu cầu căn bản và
cũng để dự phòng khi gặp thiên tai lũ lụt, hạn hán và dịch bệnh…
vì cuộc sống của tương lai cần phải biết tích trữ nhưng nguồn tích
trữ này không được là kết quả của sự chi tiêu lớn mà phải là nguồn
tiết kiệm từ trong những nhu cầu thường nhật. Nói cách khác đầu vào
của nguồn tài chánh để dành có liên hệ vấn đề sản xuất ra loại sản
phẩm gì. Vì như thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm cần thiết thì sẽ
giảm đi việc chi tiêu lớn như vũ khí, ma tuý chất gây nghiện không cần
thì không nên chi tiêu mà phải loại trừ thì thị trường sẽ không nãy
sinh vấn đề giá cả leo thang và thiếu thốn nguồn sản phẩm cần thiết
trong cuộc sống, nên đất nước và nhân dân sẽ có được nguồn tiền tích
lũy.
Phật Giáo cho rằng nguồn tài
chánh để dành phải được chi dụng cho nhu cầu căn bản nhất không được
dùng nó để sản xuất vũ khí, chất gây nghiện, độc dược và những sản
phẩm thoả mãn sắc dục độc hại. Nguồn vốn tích luỹ phải dùng để
phát triển kinh tế và nhân văn. Nói đến việc tích luỹ không thể không
nói đến sự nợ nần. Phật Giáo cho rằng không nợ là một trong bốn loại
hạnh phúc của con người. Nếu ngập tràn trong nợ thì chính là tai hoạ,
đất nước cũng vậy, cá nhân cũng vậy đều cần tránh những món nợ lớn
dù trong nước hay ngoài nước, nên cần giảm thiểu đến tối đa việc
vay nợ, nếu việc vay nợ là cần thiết thì phải được chi dùng cho những
nhu cầu căn bản mà thôi.
Nợ và nghèo vốn đi liền với
nhau. Trên thế giới này bất kể là nước giàu hay nước nghèo luôn tồn
tại nghèo khốn. Ơû những nước giàu mặc dù vất phẩm gia tăng rất
nhanh nhưng vẫn không xoá bỏ được nghèo khó. Như nước Mỹ ngày nay vẫn
còn mấy trăm nghìn người sống dưới mức nghèo khó. Đức Phật khẳng
định nghèo khó là tai nạn cần phải được xoá bỏ.
Phật Giáo cho rằng có 3 nguyên
nhân làm cho nghèo khó là:
- Sự phân bố tài nguồn tài nguyên thiên nhiên
không đồng đều, nơi nào nguồn tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn thì nơi
ấy sẽ rất dễ rơi vào tình trạng nghèo khốn. Đây là căn nguyên tự
nhiên.
- Một số người nghèo khó vì say đắm tửu sắc,
hành vi bất chánh, lười biếng…Đây là nguyên nhân cá nhân.
- Những chính sách sai lầm của nhà nước đặc biệt
là những chính sách kinh tế sai lầm là nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến
sự nghèo nàn.
Trong kinh "Digha Nikaya" đã dẫn
chứng những bậc vua chúa đã đưa ra những chính sách sai lầm hay những
chính sách không có ích lợi là làm cho đất nước và nhân dân nghèo khó.
Xoá bỏ nghèo nàn là điều có thể làm được vì nguồn lợi thiên nhiên
nghèo nàn có thể dựa vào sự hợp tác của khu vực hoặc quốc gia để
phân bổ và khắc phục, hành vi sai lạc của cá nhân có thể được sửa
đổi bằng sự phát triển của tinh thần, còn chính sách sai lầm cũng có
thể giảm thiểu đến mức thấp nhất.
- TĂNG TRƯỞNG TẠO NGUỒN TÀI CHÍNH.
Căn cứ vào nguyên lý kinh tế học
Phật Giáo thì tăng trưởng nguồn tài chánh phải xây dựng trên nền tảng
sáng tạo nguồn nhu cầu căn bản của con người.
Phật Giáo chia phương pháp tăng
trưởng nguồn tài chánh có ba loại:
- Bạo lực và phi pháp.
- Bạo lực hợp pháp và phi bạo lực nhưng phi pháp.
- Phi bạo lực hợp pháp.
Tiền của phải được tích góp một
cách chính đáng. Phật Giáo phản đối vịêc dùng bạo lực và thủ đoạn
phi pháp để làm giàu và thủ đắc nguồn tài chánh.
Đức Phật từng dạy rằng "Tiền
của phi nghĩa dù có được dùng trong việc chánh đáng như hiếu thảo với
cha mẹ thì sau khi chết vẫn bị đoạ vào địa ngục". Đức Phật nhấn
mạnh có năm hoạt động kinh tế cần bị ngăn chặn là:
- Liên hệ đến vũ khí.
- Liên hệ đến ma tuý.
- Liên hệ đến các độc tố
- Nuôi thú lấy thịt.
- Mua bán thịt động vật.
Có một số hoạt động kinh tế không
có chỗ đứng trong Phật Giáo dù cho hoạt động kinh tế ấy có được
nguồn lợi tự nhiên phong phú, sản xuất dễ dàng vẫn không được khuyến
khích. Bởi vì những hoạt động kinh tế này sẽ tác hại đến sức khoẻ
và việc nâng cao đời sống tinh thần của con người. Phật Giáo ngăn cấm
việc sản xuất những sản phẩm có hại và không thuộc nhu cầu cần thiết
của con người.
Trong kinh điển Phật Giáo đã đề
cập đến rất nhiều những phương pháp chánh đáng để tăng nguồn tài sản
như nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, chính trị, bảo an, kinh tế
cá thể và kế toán…
Nói về sách lược phát triển kinh
tế trong kinh "Kutadanta Sutta" chỉ ra bốn bước quan trọng để phát
triển kinh tế là:
- Những nhà sản xuất kinh doanh về nông nghiệp
và công nghiệp phải được nhà nước khuyến khích và dành cho họ những
điều kiện ưu đãi, cung cấp vốn và nhu cầu sản xuất căn bản như giống,
sức kéo, đất đai, phân bón, nguồn nước cùng hệ thống thuỷ lợi để
họ phát triển. Nói tóm lại phải nâng cao địa vị và coi trọng những
ai sản xuất kinh doanh về nông nghiệp và công nghiệp căn bản những ngành
tạo nên và phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của nhân dân.
- Nhà nước cần khuyến khích hộ trợ các nhà đầu
tư vào lĩnh vực thương mại phải giúp họ có được nguồn vốn kinh
doanh. Nhà nước cần ngăn cản hiện tượng bóc lột trong hoạt động kinh
tế nhưng phải tạo điều kiện dễ dàng thuận lợi để các nhà mậu dịch
thương mại được vay vốn mà không nên thiết lập những rào cản trên
phương diện này.
- Những người là công nhân viên hành chánh, người
làm việc chính sự nhà nước cần bảo đảm tiền lương đầy đủ cho họ,
chính phủ có chính sách khuyến khích những nhân viên cần mẫn trong công
vịêc, có tâm và có trách nhiệm mà không phải là dung túng và bao che tạo
điều kiện cho những kẻ tham ô, móc ngoặc không có tinh thần và cái tâm
lo cho dân cho nước. Đồng thời nhà nước cũng cần bảo đảm được quyền
tự chủ và quyền lợi mà người công chức phải có.
- Nhà nước phải tận lực khuyến khích đầu tư
cho sự truyền bá và tăng trưởng món ăn tinh thần, văn hoá và tín ngưỡng
cho người dân.
Con người là nhân tố quan trọng
trong hoạt động kinh tế do vậy vịêc sử dụng thích ứng nguồn nhân lực
cũng cần được chú trọng. Công ăn vịêc làm cho người dân cũng rất
quan trọng và cần được bảo đảm vì mọi mặt phát triển đều dựa vào
yếu tố căn bản này. Đức Phật dạy "Nếu mọi người đều có vịêc
làm ổn định thì nghèo khó sẽ được cải thiện và đất nước sẽ
được phồn vinh."
Chính phủ phải giúp đở những
người thất nghiệp cho đến khi nào họ tìm được việc làm, những người
tàn tật phải được chăm sóc đó là trách nhiệm của chính phủ. Nếu người
thất nghiệp nhiều sẽ tạo thành gánh nặng cho đất nước nhưng đây cũng
là kết quả của xã hội tạo nên. Trong kinh Phật dạy:"Tiêu chuẩn
đơn giản nhất để nhìn thấy được sự phồn vinh của đất nước đó
là người dân trong nước có được nguồn thu nhập ổn định hay không?".
Trong kinh điển Phật Giáo có câu
chuyện kể rằng có người hỏi những người trộm cướp vì sao lại làm
vịêc ấy. Họ nói rằng vì họ nghèo đói. Vua nghe được chuyện này
phát lòng thương xót nên ra lệnh chu cấp cho họ tiền bạc và vật phẩm
nên vịêc trộm cướp đựơc tạm thời chấm dứt nhưng một thời gian
sau khi dùng hết số tài vật được chu cấp họ lại tiếp tục trộm cướp
bởi vì họ không có cách nào duy trì cuộc sống ổn định của họ. Điều
này cho thấy tạo ra công ăn việc làm cho người dân quan trong hơn nhiều và
có giá trị hơn nhiều so với việc chu cấp viện trợ.
Nhu cầu công ăn việc làm cho người
dân là rất quan trọng nhưng cần phải nâng cao phẩm chất và tay nghề cho
họ. Phật dạy nông dân , công nhân viên chức, thương nhân cần phải tinh
chuyên và nỗ lực trong công việc của mình, mặc khác mở trường đào tạo,
đào tạo lại và dạy nghề cho nhân dân là điều mà nhà nước cần làm
tốt để người dân có đủ điều kiện làm tốt công việc của mình. Phải
căn cứ vào năng lực , sở trường và nghề nghiệp để phân công công việc
thích ứng cho họ. Người giỏi về nông nghiệp không thể cho họ đi buôn,
người biết kinh thương không thể để họ là nông. Phật dạy một thương
nhân giỏi cần có ba đức.
- Có trí tuệ phân biệt chất lượng tốt xấu của
hàng hóa.
- Có khả năng kinh thương.
- Có chữ tín và được người khác tin tưởng.
Trong một bộ kinh khác Đức Phật
lại khẳng định người thương nhân tạo ra nguồn lợi nhuận bằng phương
thức chánh đáng, nguồn vốn kinh doanh phải rỏ ràng, hợp pháp, không được
"Treo đầu dê bán thịt chó", kinh doanh phải biết nghĩ đ?n nhu cầu
của khách hàng, phải có đạo đức kinh thương, cùng tính chuyên cần.
Cần biết rằng lao động có hai dạng
là lao động chân tay và lao động trí óc. Khi Phật còn tại thế từng có
người ngoại đạo từng chỉ trích Phật không làm gì cả Phật đã trả
lời:"Ta cũng giống ông, cũng làm ruộng bằng hạt giống tín ngưỡng,
nguồn nước khổ hạnh, lưỡi cày lý giải, mương nước khiêm tốn, nguồn
phân thâm tư để tạo nên hạt quả trí tuệ. Công vịêc ấy với mục đích
là làm lợi lạc quần sanh, tạo phúc muôn loài.". Con người ngoài cuộc
sống vật chất cần có cuộc sống tinh thần cho nên lao động chân tay và
lao động trí óc đều quan trọng như nhau trong cuộc sống không thể thiếu
một được.
Đức Phật khẳng định mục đích
của lao động không chỉ nhằm sáng tạo ra vật chất mà còn nhằm phát
triển cuộc sống tinh thần cho con người. Đức Phật hy vọng rằng thông
qua lao động thân tâm và đạo đức của con người ngày thêm tiến bộ.
Hay như Lục tổ Huệ Năng dạy:"đi, đứng, nằm, ngồi đều là thiền,
lao động cũng là một phương thức thiền".
- PHÂN PHỐI NGUỒN TÀI CHÁNH.
Phân phối nguồn tài chánh không phải
là khái niệm mới nhưng vốn là vấn đề mấu chốt của kinh tế học.
Theo quan điểm của Phật Giáo thì
một sự phân phối tuyệt đối bình quân là điều không thể làm được.
Bởi vì con người khi mới sinh ra vốn đã khác nhau nên điều kiện tổng
hợp của từng con người vốn là không đồng nhất. Nhưng một sự phân
phối hợp lý là điều có thể làm được. Trong Phật Giáo không chấp nhận
sự bóc lột, Phật Giáo cho rằng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nghèo
khó là sự phân phối không hợp lý, thiếu công bằng. Theo Phật Giáo giải
quyết những mâu thuẩn nãy sinh từ sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội
có thể làm được bằng chế độ thuế khoá hợp lý, giảm thiểu sự
bóc lột trong lao động, đẩy mạnh hoạt động từ thiện, phúc lợi xã hội.
Trong kinh ghi lại nhiều bậc quân vương, hào phú ngày xưa thường làm vịêc
bố thí cho người lỡ đường, khách phương xa, người bệnh, người gặp
nạn, bậc tu hành y phục cùng vật thực.
- SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CỦA CON NGƯỜI.
Từ những nhận định trên chúng
ta thấy rằng nghèo khó là tai nạn, để đáp ứng nhu cầu căn bản của
cuộc sống tiền tài là cái cần phải có, Phật Giáo không phản đối tư
hữu tài sản, Phật Giáo khuyến khích mọi người phát triển sự nghiệp
tư và sự nghiệp công bằng phương thức chính đáng, khuyến khích vịêc
tích luỹ tài sản bằng con đường phi bạo lực và những thủ đoạn hợp
pháp nhưng Phật Giáo cho rằng một khi tiền của vượt quá nhu cầu căn bản
của cuộc sống thì không có ý nghĩa. Bởi vì bất kể nam, nữ, giàu,
nghèo, da trắng, da đen…mọi người đều phải chết, chết và huỷ diệt
là kết cục của tất cả mọi sinh vật. Có người nhầm lẫn khi cho rằng
có tiền là có tất cả, dù là tiền non bạc bể cũng không thể đổi
được cái chết cùng sự trường thọ. Phật dạy tiền bạc không đi theo
con người khi chết nhưng người chết không mang theo được tài sản của
mình. Mọi người đều biết tiền có thể mua được"giường đẹp nệm
êm" nhưng không mua được giấc ngủ cho chúng ta, dùng tiền để mua sách
nhưng không mua được trí tuệ cho ta, tiền có thể mua được "sơn hào
hải vị" nhưng mua không được sự ngon miệng, tiền có th? mua ngọc
ngà trang sức nhưng mua không được sắc đẹp tự nhiên, tiền có thể mua
được nhà cao cửa rộng nhưng đó chưa chắc đã là gia đình, tiền có thể
mua được sự hào hoa nhưng không phải là niềm an lạc, tiền có thể mua
được sự sung túc nhưng không phải là hạnh phúc đích thực, tiền có thể
mua được thánh kinh nhưng không phải là sự giải thoát. Do vậy, Đức Phật
cảnh giác chúng ta không nên trở thành nô lệ của đồng tiền. Cần biết
rằng con người không phải sống vì tiền, con người không phải là động
vật kinh tế đơn thuần, tiền của vượt quá nhu cầu căn bản thì mất hết
ý nghĩa. Mục tiêu cao cả của cuộc sống là phát triển thế giới tinh thần
của con người. Sự cao quí của con người không do dòng dõi quyết định,
cũng không phải do giàu có. Trong kinh"Esutari Sutta" Phật dạy : "này
chư sa môn ta không tuyên bố con người cao quí được quyết định bởi
lượng tiền của người ấy có được, sự cao quí của họ đựơc quyết
định bởi cuộc sống thanh cao đạo đức của họ.". Lại trong kinh
"Vaddhi Sutta" Phật dạy chúng ta cần tuân theo năm phẩm chất đạo
đức là bác ái, tu trì, trí tuệ, thuần khiết, tín ngưỡng vì năm phẩm
chất đạo đức này quí giá hơn tiền của và là tài sản chân chính của
con người.
Nói tóm lại Phật Giáo xem trọng
cuộc sống vật chất nhưng không xem đó là mục đích của cuộc sống. Phật
Giáo khẳng định tài vật nhằm duy trì sự sống và sự phát triển của
con người. Mục đích chung nhất là phát triển thế giới tinh thần của
con người, vì sự phát triển toàn diện của con người. Con người dựa vào
chính mình để phát triển toàn diện chứ không phải chỉ dựa vào Phật.
Đức Phật dạy Ngài chỉ là bậc đạo sư chỉ dạy đường đi và phương
hướng cho chúng ta còn chúng ta phải tự mình bước đi. Quyết định vận
mạng của chúng ta là do bởi chính mỗi người chúng ta, nếu chúng ta
không mở mắt nhìn và cất bước đi thì không bao giờ có thể đi đến
đích được. Chúng ta là chủ nhân của chính mình Đức Phật chỉ cứu những
ai biết tự cứu mình.
Đây là khái lược về kinh tế học
Phật Giáo nếu biết đem nguyên lý kinh tế học Phật Giáo áp dụng vào nền
kinh tế thì mọi người có đựơc cuộc sống đạo đức, mọi người làm
tròn bổn phận của mình, đất nước phát triển, an ninh, hoà bình, người
dân hạnh phúc, gia đình an lạc, cuộc sống thanh bình.
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/kinhtehoc.htm