Lời
Giao Cảm Quê Hương Nguồn Cội
Mặc
Giang
Khi
được sinh ra, lớn lên, đi vào trường học với chiếc áo thư sinh chưa thấm
vị học đường, bước vào trường đời của kiếp nhân sinh dong ruổi trên mọi
nẻo đường lại bạc sắc phong sương. Đối diện với phồn tạp bên ngoài, cảm
nhận vui-mừng-buồn-đau-thương-tiếc-tự hào, nếu có những gì liên hệ đến
hai tiếng Việt Nam. Đối diện chiều sâu của tâm tư, rung lên những bồi
hồi-cảm xúc-ray rức-nhớ nhung-vọng tưởng khi tự tình lần mò dấu xưa,
tích cũ trôi về dĩ vãng, vương vấn bóng dáng, hình hài từ Quê Hương
Nguồn Cội ?
Bên
dốc đá nhìn lên đỉnh núi, cạnh bờ sông ngược mãi về nguồn, trên đầu
ghềnh lắng nghe biển cả, càng thấm thía ý nghĩa : “Ba năm bồng ẵm cảm Ơn
Cha, Chín tháng cưu mang nhờ Đức Mẹ”, “Nhớ trăm con một bọc xa xưa, Năm
ngàn năm lịch sử có thừa, Luôn tiếp nối truyền trao thế hệ, Lạc Hồng con
cháu gắng nghe chưa”, “Em vẽ một vòng tròn, Anh vẽ một hình vuông, Khép
hai chữ vuông tròn, Thành quê hương muôn thuở”. Càng khởi động linh tri
: nơi cắt rốn chôn nhau còn đó, nơi nguyên quán sinh ra còn đây, đi về
dòng sông quê ngoại, bắt gặp rừng nội quê cha, xa hơn, xa hơn nữa, ngược
dòng thời gian, lại gặp từng thời kỳ qua các triều đại, hình dung mốc
điểm sơ khai, thấy 50 anh em xuống biển mở đường, 50 anh em lên non trấn
thủ, và hai bóng cả sinh thành Lạc Long - Âu Cơ đang vỗ về, nhắn nhủ,
bảo bọc, truyền lưu.
Từ
đó, cho dù bất cứ nơi đâu, nhưng như “ta đi trên nước non mình”, cho dù
hoàn cảnh, cuộc sống, đường đời có trôi nổi muôn phương, nhưng dòng máu
đang mang là huyết thống cha ông, tình tự lâng lâng là ngọt ngào sữa mẹ,
tiếng vô thinh có gõ cửa hư vô, tiếng hữu thinh có đàn hồi âm vọng, ở
một góc độ nào vẫn mãi mãi, “Ta còn Việt Nam, sông núi hồn thiêng”.
Một
âm vọng nào Miền Bắc, tình tự dâng lên cội nguồn gốc rễ phôi sinh cái
nôi năm ngàn năm dân tộc. Một âm hưởng nào Miền Trung, hình ảnh mở mang
bờ cõi cả ngàn năm mà tiền nhân đã nằm xuống cho đồi núi chập chùng. Một
âm vọng nào Miền Nam, bóng dáng 300 năm mồ hôi, nước mắt, máu xương của
3 thế kỷ trải dài cho sông nước Miền Nam vỗ bờ, cho Việt Nam liền dãi
cong cong mảnh dư đồ chữ S, từ Nam Quan tới Cà Mau, có Biển Đông kê
vách, Trường Sơn gối đầu.
Thi
Tập nầy có thể chứa đựng, phảng phất, cưu mang, chuyển tải, tài bồi, tô
thắm, thấm nhuận theo từng cung bậc, trình tự và dòng chuyển miên trường
cho tình người ươm sống, hoa trái đơm bông, đều có và xuất phát từ Quê
Hương Nguồn Cội.
Thi
tập nầy, đã được nối kết du dương qua cung bậc âm sắc thanh tao của
khoảng 20 nghệ sĩ tài hoa, được kết điệu 7 nốt trầm bỗng trên dòng nhạc
chuyển hóa tuyệt kỳ của khoảng hơn 30 nhạc sĩ tài danh, phải chăng đó là
sự giao thoa, âm hưởng và bắt nhịp đồng điệu cho thi ca, tao đàn, âm
nhạc cao vút trên nghệ thuật tuyệt vời, cùng rung lên theo dòng sống,
tâm hồn, gởi tặng vào đời từ Quê Hương Nguồn Cội.
Giọng diễn ngâm đã lan xa, lời hát ca đã cao vút, thì cái gì đón nhận,
trao tay, nhìn thấy, đọc xem, khen chê, phê bình, đánh giá, tác giả xin
đón nhận từ mọi người, với ước mong bắt một nhịp cầu cảm thông qua thi
tập Quê Hương Nguồn Cội.
Hy
vọng thi tập nầy sẽ được đến tay quí vị với những thịnh tình cảm mến,
hoan hỷ, cởi mở, và là động lực cảm kích, trợ duyên cho hơn 650 bài thơ
còn lại sẽ được dàn trải theo từng chủ đề, lần lượt có mặt như một cống
hiến chân thành.
Ngày 20-02-2006
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/loigiaocamcuaMacGiang.htm