Mùa hạ mà hơi lạnh xông ướp cả gian phòng. Tắt điện,
thắp lên ngọn bạch lạp cắm vào một quả thông, nhựa sống vẫn còn mơn man
đâu đây, nồng nàn. Mấy mươi năm hiên ngang sừng sững, một cơn bão thổi
qua, thông bật gốc ngã quỵ, vương vãi xác xơ. Có gì tồn tại mãi đâu! Rồi
tất cả, cũng bị thiêu rụi như ngọn bạch lạp đang cháy dỡ…
Cây thông này ngày xưa được Hòa thượng Trúc Lâm trồng.
Giờ đây, người đã xa, chút kỷ niệm còn lại của bậc Cao Tăng với ngôi Đại
Tòng Lâm cũng khuất lấp. Bụi thời gian bám hờ thôi mà thật kinh khủng,
nó có thể xóa tan mọi chứng tích tưởng chừng vĩnh cửu. Trở dậy châm bình
trà. Mọi thứ đang xoáy sâu vào nỗi không tịch của trời khuya. Hình ảnh
cái tôi nhỏ bé mơ hồ được chiếu lên bức tường vô cảm, có cái gì nghe
rách nát giữa cõi vương vương vết dấu vô thường. Cuộc đời sao nghe cần
lắm những Hóa Thành để quay về nghỉ ngơi, tiếp sức cho chặng đường tìm
về Bảo Sở.
Trên tay tôi là bản thảo “Mở cửa nguồn tâm 2”
của tác giả Mặc Giang, một người không còn xa lạ trên thi đàn nước Việt.
Mặc Giang_ con sông trầm lắng mà cõi thơ lại trào dâng như bất tuyệt, mở
cửa để bao nguồn tâm bước vào và hòa chung nhịp đập của cảm xúc, xóa tan
ý niệm ngã-nhân, mất-còn… Hiểu được nỗi lòng trắc ẩn của từng kiếp lênh
đênh, Mặc Giang đã đưa ánh mắt choàng ôm tất cả những thân phận hao gầy,
cất tiếng yêu thương vỗ về ủi an những cõi lòng băng lạnh, như ánh lửa
hồng thắp ấm cánh tay đông. Trải bao mùa mưa gió, vượt bao chặng quạnh
hiu, dòng sông êm Mặc Giang vẫn hòa lòng vào biển cả, ngợi ca quê hương,
nhắn nhủ con người bằng tình thương thiết tha độ lượng. Niệm sống nhân
bản đó ấp ủ lâu ngày, để một hôm hiện thân trong những vần thơ ông kết
tặng cuộc đời. Từ đó, mầm thơ in dấu ảnh hình thưa gởi không còn của
riêng ai, tất cả, tất cả như lời sẻ chia chân tình mà cõi người cần nhắn
nhủ nhau nghe, để ngày mới thôi buồn trong gam lạnh. Từ đó, chúng ta
quay về an trú chốn bình yên sau khi dừng chơi chốn Hóa Thành. Thơ ông,
phải chăng, là Hóa Thành như kinh Pháp Hoa đã dạy!
Rồi lại được trầm tư cùng “Mở cửa nguồn tâm 2”,
tập thơ tiếp theo Mặc Giang xuất bản. Ở đó, chúng ta nghe thoang thoảng
hương hoa bất tử cùng những tha thiết mênh mông xoa dịu nỗi đau thân
phận, như lời tác giả từng tâm sự: “Từ lâu lắm rồi trên muôn nẻo
đường đời, trên trăm ngàn lối mòn trần gian đã phăng qua, chúng ta hẳn
đã ươm và hái rất nhiều hoa trái. Với chúng ta, nó là mật ngọt sinh
mạng, là sức mạnh ươm mơ sự sống, vỗ về tâm tưởng và hình hài… Chỉ có
những đóa hoa với mùi Hương Đạo Pháp, với sắc hoa được thấm nhuận từ
vườn chân tâm mới thực sự cho chúng ta những đóa hoa không bao giờ tàn
úa, thực sự hiến tặng cõi đời mùi hương miên viễn với thời gian…”
(Mở của nguồn tâm 1)
Mặc Giang, mấy mươi năm âm thầm bước đi trên hành
trình bất diệt, dầu chặng đường qua có gai nhọn thế nào, ngòi bút ông
vẫn ấm trào những vần thơ sâu lắng kêu gọi xây dựng lại yêu thương, xây
dựng lại niềm tin, nhìn và sống thế nào cho mắt mẹ khỏi buồn, cho tim
cha khỏi đau, cho người với người bớt nhuộm màu khốn khó, tay trong tay
ca reo ngày mới rộn rã ánh hồng tươi. Người thơ Mặc Giang mong sao trong
mỗi chúng ta đều sẽ cảm nhận được phần nào tâm sự qua những con chữ mà
mình đã góp gom hiến tặng cuộc đời như một món quà ngọt lịm quê hương.
Viết lời giới thiệu cho tập thơ đầy triết lý, với tôi,
là một niềm vui lớn, nhưng nó cũng tỷ lệ thuận với trách nhiệm, làm sao
cho trọn nghĩa vẹn dòng, làm sao cho tương ưng cùng những trao gởi của
tác giả đây. Ý niệm đó khiến ngòi bút trở nên luống cuống thật rồi!
Gác đi mọi giùng giằng tâm
thức, đôi lời kính cảm gởi đến nhà thơ Mặc Giang, gởi đến bạn đọc khắp
nơi, như một đóa hoa dại ven đường cố vươn mình dâng hiến chút sức lực
cõi còm, với ánh mắt thương yêu đầy trí tuệ.
Cánh cửa đã mở ra, mời mọi người cùng tìm kiếm nguồn
tâm của mình trong từng dòng thơ mà một đời tận tụy với cõi người, Mặc
Giang đã ấp ủ và gởi trao.
Huế, ngày 3 tháng 10 năm 2009
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/loigioithieuMCNT2.htm