Lời
Giới Thiệu Hành Trình Quê Mẹ
Tiến sĩ
Lý Việt Dũng
Người
phương tây thường nói “trẻ ước mơ, già hoài niệm”, nhưng sau khi đọc
xong tập thơ Hành Trình Quê Mẹ, tôi thấy tác giả, một nhà thơ ở
tuổi tri thiên mạng, nhưng lại luôn ghi lòng tạc dạ, nâng niu trân trọng
các giá trị được tài bồi bởi tiền nhân; tác giả còn hoài bảo, mơ vọng
một hướng sống thiết thực cho người Việt Nam nói chung. Với Mặc Giang,
hoài niệm và ước mơ nào có hạn cuộc bởi tuổi tác. Hoài niệm và ước mơ
ấy đã trở thành chất liệu tài bồi cho dòng thơ với chủ đề
Hành Trình Quê Mẹ tuôn
chảy không mỏi mệt, để nguồn thơ của thi nhân vốn nhào nặn từ
cuộc sống, trở lại phụng sự cuộc sống ấy, trở thành niềm tự hào kiêu
hãnh của trào lưu thi ca hiện đại.
Tập
thơ Hành Trình Quê Mẹ, trước tiên cho người đọc một sự bất ngờ
đầy thú vị về quá trình dong ruổi của tác giả trên các nẻo đường đất
nước Việt Nam. Với các địa danh và một vài chi tiết chấm phá của mỗi nơi,
tác giả đã nói lên tình tự của mình như một người con chính thống của
các vùng đất mà tác giả đi qua. Tập thơ có thể được xem như là một quyển
địa lý thi, một bản địa chí tóm tắt cho những ai chưa có dịp đi xa hoặc
chuẩn bị cất bước lên đường làm một cuộc viễn du xuyên Việt. Riêng tôi
vốn là một người trải bước giang hồ khắp 62 tỉnh trên cả nước, nên càng
có sự đồng cảm cao với tác giả, bởi qua những “quê tôi” của Mặc Giang,
tôi như sống và thấy lại các nơi mà có lần mình đã tạm dừng bước.
Về
hình thức, tập thơ được viết bằng nhiều thể loại, có thể xem là thơ tự
do, tuy nhiên lục bát vẫn giữ vai trò truyền thống của nó ở những nơi
mang nặng tình tự dân tộc. Về nội dung, tác giả biết dung hòa đan xen
nỗi niềm hoài cổ và phong cách hiện sinh. Ở đây, người ta bất chợt ngậm
ngùi về một thời lịch sử, về một vùng địa lý gắn liền với bao biến cố đã
qua. Ngậm ngùi mà không oán trách. Ngậm ngùi để trực nhận công đức của
tiền nhân, để nhìn lại mình, để thế hệ hôm nay càng có ý thức xây dựng
cuộc đời, gìn giữ và phát triển đất nước.
Thoát ra ngoài những phạm trù hạn cuộc về ý thức, và nhằm trở về nguồn
cội, tác giả lúc nào cũng xem mọi miền quê Việt Nam là “vùng đất hứa”
là nơi “quy cố hương”. Qua đó, đã hoàn thiện hoá những
hình ảnh tưởng chừng
đã rạc rời vì thương hải tang điền, hay bị tha hoá bởi làn sóng văn minh
cơ khí. Hình ảnh đó là ai? chính là những thanh niên, thanh nữ, thôn nữ,
nông dân, chinh nhân ….; họ là những con người đầy cốt cách và nghĩa
khí. Có thể nói, chỉ những thi nhân nào mang trong lòng nhịp đập của
trái tim Việt Nam, niềm tự hào dân tộc và sự vững tin vào linh khí Việt
Nam mới có thể có được phong cách thi ca đó.
Qua
đó chúng ta thấy, sự từng trải của tác giả qua các địa phương Viêt Nam
cũng là sự đi qua các nẻo đường của tâm thức, để cuối cùng trở về với
quê hương bản nguyên - quê hương vô tận vô biên tế. Vậy, ý niệm về Tổ
quốc quê hương của Mặc Giang là ý niệm về những giá trị văn hoá vật
chất và tinh thần, cụ thể là tâm linh của mỗi người chúng ta. Nói cách
khác, Tổ quốc hiện hữu một cách trọn vẹn ngay trong mỗi vùng đất, mỗi
ngọn núi con sông của mẹ Việt Nam, được vun đắp bởi xương máu, mồ hôi,
nước mắt của tiền nhân; vừa hiện hữu trong hơi thở cha ông, trong từng
nếp suy tư và dòng máu chúng ta đang mang.
Ôi ! “một nắm xương khô nghe lòng da diết, mộ giọt
máu đào thấm nhuận non sông”. Quê hương bây giờ và ở đây, bạt
ngàn vô tận nhưng cũng ngay trong tầm mắt, gang tay của mỗi chúng ta.
Mong quý đọc giả hãy cùng thi nhân cưu mang và sống trọn vẹn với quê
hương điền địa của mình.
Tháng 4/2007
Tiến sĩ
Lý Việt Dũng
Cẩn chí
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/loigioithieuhanhtrinhqueme.htm