Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Lời Mở Đầu Hành Trình Quê Mẹ

Mặc Giang


Dù được sinh ra bất cứ nơi nào, sống ở đâu và làm gì, tình tự quê hương ai cũng cưu mang, ôm ấp trong lòng. Non Nước Việt Nam, trải dài từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau, từ rừng núi, cao nguyên, đồng bằng, hải đảo đến phố phường, thành thị, thôn quê, từ thắng cảnh danh lam đến sông lạch ao hồ, kia con đường cái quan, nọ mái trường làng, kia lối ngõ đầu thôn, đây bên lề góc phố, ai không từng trải qua một thời đâu đó, và ai không chạnh lòng một thoáng nhớ thương !

 

Non nước Việt Nam, con người Việt Nam, chỉ vỏn vẹn bốn chữ hai lần đi chung với nhau, nhưng là một trời quê hương đã 5000 năm từ thuở cha ông, một dòng huyết thống luân lưu Lạc Hồng tạo nên vóc dáng hình hài. Mới nghe qua, tưởng chừng thuở sơ khai hồng hoang Văn Lang dị sử xa xưa, thuở đồ đá đồ đồng qua khảo cổ còn vài di tích ! Sót lại “nền cũ lâu đài bóng tịch dương” !  Nhưng từ Lạc Long Quân – Âu Cơ và những dấu chân xưa, từng thời kỳ đi qua hun hút theo chiều dài lịch sử, ta mới có hơn 80 triệu người chung sống 61 tỉnh thành trên toàn cõi Việt Nam và khắp nơi.

 

Năm 2003, tác giả viết bài Non Nước Việt Nam - một bài thơ 96 câu biến thể tự do - lục bát, như một phát họa trên dấu ấn, đi trên từng nét son vàng đó là đi trên cả quê hương địa chí vương vài dấu chấm phá lịch sử. Có người nói, làm vài bài về Tỉnh BĐ đi, viết một bài về tỉnh đó đi ! Tôi chỉ mỉm cười, im lặng, không nói gì. Nhưng vô tình, thầm hứa trong lòng, viết là viết tất cả chứ không viết riêng tỉnh nọ tỉnh kia, hay viết về tỉnh của mình – nơi chôn nhau cắt rốn - để khi nào rảnh cái đã, rồi sẽ tính. Và thời gian cứ thế trôi đi, đã nhiều năm có lẽ ! Ngày tháng thấm thoát đưa thoi, dòng đời triền miên cuốn hút. Thỉnh thoảng nhớ lại sự thầm hứa kia, đôi lúc băng qua một thoáng, đôi khi trằn trọc kéo dài, khắc khoải không nguôi !

 

Vào đầu tháng 3 – 2007, bèn quyết định phải cho xong mới được, chứ lỡ có gì, sẽ mang một nỗi ân hận mà lúc đó dù muốn cũng không xong, tuy chẳng ai bắt buộc. Lục trong tủ sách lấy nhiều cuốn sử, cuốn địa, Non Nước Việt Nam, Danh Lam Nước Việt, lật tới lật lui, tự nhủ, các cuốn này không giúp được những điều muốn viết. Tìm không ra các quyển của Vương Hồng Sển, Sơn Nam nói về Miền Nam, Nam Kỳ lục tỉnh, có lẽ ai mượn, chỉ còn Miền Bắc Khai Nguyên của Toan Ánh Cửu Long Giang với Tập Bản Đồ Hành Chính Việt Nam in năm 2003. Dán mắt và trầm ngâm vào bản đồ Việt Nam dán trên tường, nghe tâm tư chùn xuống, toàn nước Việt Nam hiện ra, ôm ấp vào lòng.

 

Nơi đây, xin thưa trước, chứ không dám mạo nhận và nơi nào cũng “quê tôi”. Bởi nước Việt Nam là nước của mình, người Việt Nam là người của mình, dù sinh ra ở tỉnh nọ, miền kia. Bởi khi ai nói tới Việt Nam, lắng nghe thử họ nói gì ! Ai nhắc đến mọi miền đất nước quê hương, lắng nghe thử nói gì ! Nếu có ai nhắc đến một địa danh, một ngọn núi, một dòng sông, một danh lam, một cây cầu, một hải đảo nào đó, dù biết hay không biết, lòng đã sung sướng lên rồi. Tình tự quê hương thật đơn sơ, giản dị, mà cũng thật chân tình, thiêng liêng. Tác giả xin phép hòa cùng quí vị viếng thăm từng vùng đất quê tôi từ quận huyện trở lên, chứ không đi xuống các đơn vị nhỏ hơn như phường, xã, buôn, làng, để “ôm lấy quê hương vào lòng”, hai con mắt đứng lại, nhìn thật xa, chìm sâu.

 

Nhìn vào bản đồ tổng thể Việt Nam treo trước mặt, đếm bao nhiêu tỉnh giáp Biển Đông, bao nhiêu tỉnh giáp Trung Hoa, Lào, Cao Miên, … và còn lại bao nhiêu tỉnh nằm gọn trong lòng quê hương, không dính biển cả hay lằn ranh biên giới. Tự hỏi, sẽ bắt đầu từ đâu, từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, từ tỉnh quê mình, các tỉnh thân quen, để khơi nguồn của ý ??? Lạ chưa ? quê hương non nước của mình mà lại quen không quen ? Đâu cũng là quê cha đất tổ ! Đâu cũng là đất mẹ Việt Nam ! Lật quyển Bản Đồ Hành Chính một lần nữa, từ trang 6 đến trang 71, cứ mỗi trang là một tỉnh thành, khơi lên nguồn mạch đây rồi, cứ đi từng trang, từng trang, tuần tự từ đầu tới cuối mà thôi.

 

Thế rồi “… quê tôi”, “quê tôi”, tiếp theo “… quê tôi”, và thật không ngờ, ròng rã 10 ngày, kết thúc 62 bài cho 61 tỉnh thành, vừa soạn vừa đánh máy, trong đó có ngày bận không động một chữ nào, cọng thêm 38 trong số 700 bài đã viết, cấu thành 100 bài cho Hành Trình Quê Mẹ.

 

Hành Trình Quê Mẹ chân tình đơn sơ như thế đó, không hoa mỹ, không kiêu kỳ, không trau chuốt.

 

Hành Trình Quê Mẹ, tự nó đã thắm đượm đậm đà, chơn phương mà sâu xa, bình thường mà tha thiết như tâm tư, tấm lòng, nhìn, thấy, biết, để thương để nhớ, rung động, thiêng liêng.

 

Hành Trình Quê Mẹ như cha ông còn đó muôn đời, hôm nay gìn giữ nâng niu, ngàn sau tiếp nối trên những bước đi quê hương gấm vóc, núi non hùng vĩ, biển rộng sông dài.

 

Kính mong Hành Trình Quê Mẹ, xin gởi đến và được chia sẻ với người dân của từng tỉnh thành “quê tôi” để sống với và ôm ấp quê hương vào lòng, lắng  nghe tình tự mênh mang.

 

Ngày 20 tháng 4 năm 2007

Mặc Giang

Trân trọng

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/loimodauhanhtrinhqueme.htm

 


Vào mạng: 07-01-2009

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang