Mặc Giang Không Có
Bán Thơ Đâu
Thế Huyền
Đứng dậy loanh quanh một vòng. Khu vườn cuối đông trổ đầy hoa dại,
những cụm nứt nẻ tím vương, mấy chùm ngũ sắc kiêu hãnh, bụi cúc dại cũng
tím biếc hoan ca, rồi những loài không tên hay không biết tên vẫn hài
hòa nhịp sống. Mấy con chim vui reo giục mặt trời khan hiếm mùa đông lên
thăm hỏi. Loanh quanh một vòng. Đây là vòng thứ ba rồi. Không, thứ tư.
Mà thứ năm mới đúng. Bắt đầu một việc gì quả thật là điều quá khó khăn,
kể cả tiếng nói riêng thầm. Chúng nó đang xô đẩy nhau. Vâng, cảm xúc,
tôi nghe rõ ràng sự tranh chấp của chúng. Cũng phải hiểu và bỏ qua thôi,
tại dòng cảm xúc nào cũng muốn tuôn ra từ ngòi bút sớm nhất. Nguy hiểm.
Bao ngòi bút đã khô khan rồi mà chưa thành dòng được bởi sự tranh chấp
này, dù có lắm điều để viết.
Ôi, nấm mộ. Tôi lại nghĩ
đến nấm mộ. Phải bắt đầu từ nấm mộ thôi, những nấm mộ quen thân của muôn
vạn niềm diễm tuyệt. Mặc Giang ơi, tôi lại rung cảm về người thơ với nấm
mộ mất rồi.
Nấm mộ, trước mắt tôi là
nấm mộ. Mặc Giang trở thành nấm mộ khi nào mà nơi đó lại tái sinh, lại
nảy mầm những lời thơ bất biện, miên man? Tôi đang ngồi với nấm mộ, nơi
giao thoa giữa sự sống và cái chết, nơi mở đầu cho những cuộc tương
phùng của niềm đau và hạnh phúc, bất ngờ và thú vị. Mặc Giang đã khai
sinh liên tục từ thể trạng này sang thể trạng khác, rồi thể trạng khác
nữa trên cùng một xác thân, qua chỉ ánh mắt nhìn. Thơ ông chính là minh
chứng cho cuộc khai sinh kì lạ này. Bước ra từ nấm mộ, thoát thai từ
những ảo ảnh phù phiếm, người thơ reo ca trong thế giới khôn cùng, góp
chút lửa cho mùa đông ấm lại, rộng vòng tay cho đượm vị tình người, đem
chút gió cho những ngày khan hiếm, hòa chút lòng trên ánh mắt quê hương.
Trịnh Công Sơn được ca ngợi là gã hát rong phiêu du trong cõi tạm, viết
ca từ y như hệt trò chơi, lạ lẫm. Hàn Mặc Tử thì rêu rao u uẩn, hát ca,
thất tán, ru đời hiu quạnh bằng những trang thơ. Còn ai nữa? Nhiều lắm.
Mỗi người là một trang thơ, một bài ca rất mới. Mỗi người là một thế
giới thầm riêng. Với Mặc Giang, tôi có cái nhìn lạ về người thơ này. Mỗi
buổi trà khuya cùng người bạn già, người bạn đã để ngòi bút mình khô
khan khi viết chưa được mấy dòng bởi sự tranh chấp của cảm xúc, chúng
tôi hay nhắc đến thơ ông. Bạn biến cùn dấu bút trên đá, từ đá ươm thơ,
từ thơ làm nhịp thở, cũng thênh thang trong những nỗi đau đời để nở ra
đóa Diệu Liên Sơn bạch phát. Người bạn già hạnh phúc lắm khi đọc được
thơ Mặc Giang, hạnh phúc lắm khi hai người bạn - nối liền hai thế hệ
ngồi nghĩ về người thơ này. Có lần :
“ Tôi là tôi của âm ba
tích tắc
Vượt vô cùng đột phá mọi
âm thanh
Đến và đi trong một
thoáng thật nhanh
Sẽ có mặt nơi nơi cần
biến hiện ”
(Tôi sẽ ngủ một giấc yên,
bất động).
- Lâu rồi mới được đọc
những vần thơ như thế này. Bồ tát thiên thủ thiên nhãn. Tui có cảm tưởng
như Mặc Giang đã nói hộ tui những điều sâu kín. Ông sống chín quá, chắc
thao thức nhiều! Người bạn già đã tâm sự với tôi rồi cao hứng, lấy kính
đọc thêm vài trang thơ nữa, nghe xúc động dâng đầy. Tôi lên tiếng :
- Đúng chú à, thơ Mặc Giang
“hằng chuyển như bộc lưu”, ai ai đọc cũng sẽ thấy được một phần
hình ảnh mình trong đó. Ông viết thơ xem ra còn dễ hơn chú lôi điếu
thuốc từ trong hộp. Thơ chi mà lạ lùng, càng đọc càng thấm, có khi giật
mình.
- Người tui lặng lẽ tri ân.
Mà “hằng chuyển như bộc
lưu” thật. Lần đầu tiên tôi thấy một người làm thơ tài tình và dễ
dàng đến vậy. Vào cõi thơ ông, ta bắt gặp một điều gì rất lạ. Lạ tại
trong lúc đọc, tôi thử đưa tay qườ vào không gian là tưởng như nắm được
những hình ảnh tuôn chảy trong thơ. Lạ tại ở đâu thơ cũng có mặt, y hệt
như đó là những cuộc nói chuyện giữa con người và vũ trụ. Nhìn đây. Bước
đi. Đi tiếp. Thấy không? Thơ Mặc Giang đang có mặt. Thử bước ra đường.
Thấy chưa? Đây này, “Tôi là người đạp xích lô”, “Tôi là người
phu quét đường”, “Tôi là người phu khuân vác”, mờ mờ kia,
nhận ra chưa, “Tôi là người du thủ, em ơi”… Thử bước vào nơi quán
trọ kì khôi, kia kìa, “Tôi là người khùng”, “Tôi là người câm”,
“Tôi là người điếc”, ghé mắt nữa đi mà “Thăm viếng trại cùi”,
“Thăm viếng nhà thương”, “Thăm nhà thương điên” để
“Thương cảnh ngục tù"… Thử lên vùng cao một chuyến sẽ gặp “Tôi là
người cạo mũ cao su”, “Tôi là người phu hầm mỏ”, để cúi đầu
“Gởi người ở vùng cao”… Về đồng bằng, về vùng sâu nhé, nơi đó,
thấy chưa, có “Xóm nhỏ tình quê”, có “Tôi là người nông dân”
để “Tôi thương em bé nhà nghèo”, “Tôi là người dân quê đồn
điền” nên thương lắm những “Vợ chồng quê”. Bóng ai xa xăm
kia. Nhận ra rồi, “Tôi là người lái đò”, “Tôi chỉ là một ông
thầy tu” dừng lại hỏi han, đôi lời thăm “Người mua bán ve chai”,
“Thăm chị bán hàng rong”… thăm nhiều nơi nữa để “Thương cho
những người bất hạnh”, để nói lên một điều tưởng chừng như đơn giản
“Thương trẻ thơ quê nghèo khốn khó”… Mặc Giang bước đi, đi khắp
mọi miền, bước chân in vạn dặm đường qua. Đi để biết một ngày hoang vu.
Đi để hiểu một đêm mịt mù. Đi để về sống mãi với thiên thu. Đi để
“Vương hình cát bụi lang thang”, để hóa “Ta là ta mãi mãi”.
Cái giây phút nhiệm mầu lắm!
“ Ta đi bóng tối đêm dài
Để nghe sự sống miệt mài
về đêm
Ta đi ánh nắng vươn lên
Để nghe sự sống thênh
thênh ban ngày”.
( Ta xin vào cõi nhân gian
)
Mặc Giang đã là quê hương,
đã là Bắc Trung Nam nối liền một dải, đã là sóng biển hòa vào sương núi,
thở nhịp thở chung của nhân loại. Ông gieo vào đời những phiên khúc thực
tại rung cảm đến tình thương và hòa bình cho một ngày mới. Mặc Giang…
cầu xin… “Người thương nước lại hai lần thoát nước”… vong quê.
Con sông trầm lắng đã lìa cội nguồn rêu rao đời mình trên hành trình vô
định. Con sông lặng lẽ… trôi… tìm kiếm… đợi chờ… rồi đêm đêm xa xăm nghe
niềm đau buốt nhói!
“Ngày về mòn mõi ngóng
trông
Nào ai hiểu được người
vong quốc buồn”.
( Việt Nam, Quê hương còn
đó)
Con sông trầm lặng, cựa
mình xốn xang với những nỗi bọt bèo. Lạc dấu quê hương, con sông cuộn
mưa vào rưng rưng dòng lệ thảm. Quê xa, hành trang tay trắng, con sông
vốn tĩnh mặc cũng vài lần cựa mình tìm hơi thở Việt Nam, gần mà xa vạn
dặm. Xăm xoi đời mình trong lòng bàn tay. Mười ngón khô khốc như hệ số
nhân vạn lần nhớ thương cõi nhau rốn của một kiếp ra đi định mệnh. Trong
lòng bàn tay, những đường rẽ dọc ngang của tỉ con đường đời muôn hướng.
Nào ai hiểu được người vong quốc buồn? Câu hỏi hét toang cả vũ trụ. Quê
hương đâu rồi mà mang hai chữ "vong quốc", vác ba chữ "vong
quốc buồn" tới tới lui lui? Con sông thả mình lặng lẽ tìm về nguồn
xưa. Đi hướng nào đây khi đôi bàn tay chai xạn, những ngã dọc ngang càng
hiện rõ thiên hình? Những trằn trọc làm gợn sóng lăn tăn. Quê hương đây
rồi, trong hơi thở của sông êm, trong thoáng nhìn xuôi ngược:
“Người và tôi hít thở,
nói cười
Nhưng có lẽ tôi khác
người
Vì tôi mang hoài quê cũ
xa xôi
Nơi đó có tôi
Từ lúc sinh ra đến một
khoảng cuộc đời
Dòng máu nóng còn tươi
Nhồi nhét con tim
Chiếm trọn vẹn và dâng
tràn tâm tư lẽ sống
Còn nơi đây, quê hương
xứ người ơi ”.
( Niềm thương )
Dòng sông thao thức, thốt
ra những lời trong nỗi nghẹn ngào ứ đọng. Câu thơ gẫy khúc, đứt quãng,
tiếng nấc viễn xứ đã thành hình. Con thuyền viễn xứ lênh đênh, dòng sông
êm trôi mà chứa vạn ngọn ngành. Mặc Giang viết về quê hương như thở từng
hơi, có khi vội vàng, có khi thanh thản, lúc thì reo vui, lúc thì quàng
hoảng, gieo trong lòng người đọc những cảm xúc ứa nghẹn, rưng rưng. Dõi
mắt trong thơ, ta cứ ngỡ mình bước chân đi trên vạn đường đất Việt, con
đường sắc không mở ra từ cánh cửa vô thỉ và khép hờ ở cánh cửa vô chung,
cả hai cánh cửa chưa ai đi thấu, mà thật ra nó có hiện hữu không? Thơ
Mặc Giang trở thành biểu tượng quê hương, trở thành tiếng gọi tận cùng
tâm hồn của người biết cảm thông và sẻ chia trước mọi thân phận. Cô gánh
hàng rong vẫn đi về khi còn sương đọng; người phu quét đường gom luôn cả
ánh nắng hạ để gọi cơn mưa đông, xua lá thu để đẩy nét xuân về; bác đạp
xích lô oằn lưng như người lái đò đưa khách tới lui trong cõi ta bà; em
bé nghèo ngồi ao ước một điều gì rất lạ; rồi đó, những hình ảnh tang
thương, đau lòng, xót xa với bao thân phận nổi nênh trên cán cân đời
hoen dấu… Tất cả đều là tiếng nói sâu kín, khó thổ lộ, khó viết, vậy mà
Mặc Giang đã làm được. Nấm mộ - dòng sông, hình ảnh đẹp của buổi hoang
sơ. Nấm mộ lưu xuất hình hài. Dòng sông rọi soi ảnh bóng. Như cánh chim
bay ngang qua mặt hồ cúi đầu thăm hỏi, vần thơ nào đã thả xác giữa dòng
sông. Mặt hồ phẳng lặng nên bóng chim không níu giữ, còn câu thơ thả vào
dòng sông trở thành muôn vạn gợn sóng rì rào gửi giấc mơ đời óng ả. Mặc
Giang – dòng sông tĩnh lặng thì cái gì mà không thể soi bóng và hiện rõ
cơ chứ. Tất cả đã thành thơ như quá trình quán chiếu nội tâm. Đúng rồi,
Mặc Giang luôn soi dòng thơ mình trên ánh mắt của quê hương. Quê hương
bao mùa mưa nắng, vần thơ mấy lượt nắng mưa. Cả hai cuốn nhau đi trên lộ
trình vô tận, ấp ủ giữa dòng, trôi …
Tôi không biết gì về Mặc
Giang ngoài việc ông là một người thơ – nghệ sỹ. Người thơ – nghệ sỹ
lặng lẽ thu xếp đời mình lên đường đi góp nhặt những rác rưởi, chăm chỉ
thu gom phế thải, cần mẫn tích chứa những thứ tầm thường để chế biến
chúng thành những thức ăn rất tuyệt hiến dâng lại kẻ đã vứt đi, khiến
nhiều người phải giật mình sửng sốt. Tôi cũng mang tâm trạng như thế.
Đọc một vài lần thơ ông bỗng lẩn thẩn: “Ủa, đời mình đã đánh mất những
thứ bình dị mà rất đỗi thiêng liêng thế sao?”.
Lần này tôi đã lẩn thẩn với
câu hỏi trên trang giấy, để rồi hai ngày gác bút không viết được chữ
nào. Câu hỏi gì mà sâu hun hút. Hai ngày đi rong, lang thang đem thơ Mặc
Giang thả trôi khắp nẻo đường xứ Huế. Dừng lại ven dòng Hương Giang,
thấy câu thơ Mặc Giang nổi nênh bềnh bồng trên sóng nước. Cuối đông,
lạnh kéo về, mấy pho tượng trong công viên thu mình để lộ những nét uốn
cong. Tại sao? Tại sao? Câu hỏi dồn dập đến với tôi. Thư giản thôi, tôi
thở nhẹ:
"Ông
già thong thả chờ mưa tới
Quên kiếp bấp bênh chiếc thuyền nghèo”.
Dòng người tấp nập qua cầu.
Tại sao? Tại sao tôi lại viết nên cảm xúc của mình về thơ ông? Lại hỏi.
Nó đó, nó đã làm tôi thả viết, xuôi cuộc rong rêu hai ngày nay, tay bế
tay bồng một điều gì không rõ. Tại sao phải viết? Tại sao phải diễn tả?
Tại sao? Dòng sông ơi, trả lời cho ta với. Viết gì đây khi thơ Mặc Giang
đã bàng bạc mọi cảm xúc đời, mọi nỗi đau đời, mọi tiếng rao tìm cầu hạnh
phúc trên từng thân phận? Nói gì nữa đây khi thơ ông đã ấm tình người,
đã đầy tình quê, đã đưa lời thề Chân Như đến với loài người trong tình
thương vô ngã? “Tôi chỉ là một ông thầy tu”. Ôi, người nghệ sỹ
góp sỏi đá thành thơ cho cõi người nhiều thêm hơi ấm! Cảm xúc riêng của
mình là gì đây? Là trích thơ cho đầy trang giấy sao? Nếu trích thì trích
hết, mấy trăm bài thơ không thiếu một chữ, kể cả một dấu câu. Như thế là
người viết đã nói xong cảm xúc của mình rồi, đã viết lại toàn bộ từ ngữ
của người thơ Mặc Giang rồi. Thấy thơ ông nằm ở đâu chưa? Trên mỗi cát
bụi của mỗi nẻo đường đó. Tìm ra không? Ngay trong cái nhìn cố tìm thơ
đã là thơ rồi,
những đơn sơ đã thành thơ, bởi người nghệ sỹ thênh thang đã liễu lí
duyên sinh diệu vợi.
“Gã ăn trộm bỏ quên ánh
trăng bên cửa sổ”.
Ánh trăng vằng vặc như thế mà gã vẫn để quên, chỉ ham lao đầu vào những
điều gì huyễn hoặc. Chân lí là ánh trăng. Chân lí là sự hiện hữu đời
thường. Nói chi hạnh phúc khi không thấy đau thương. Sự sống được nâng
niu khi ta biết đường về cái chết. Thơ Mặc Giang xoáy sâu trong dòng
chảy duyên sinh, cái này mở cửa để đón nhận cái nọ. Cánh bướm bên kia
đại dương chao động cũng khiến không gian bên này đại dương thấp thỏm.
Cái quảy chèo nhẹ của lão ngư đầu nguồn cũng khiến nước sông trăng cuối
bờ gợn sóng. Thơ ông xuyên suốt được điều này, hầu như mọi hình ảnh đều
hiện hữu và đan xen với nhau khó tách rời, cho nên tất cả những gì ông
viết chung quy vẫn muốn mong con người có cái nhìn thiện cảm về nhau, bỏ
đi xiềng xích của cái lòng vòng, lẩn quẩn ngã – nhân. Đường tâm linh tuy
mỗi cõi mỗi thân nhưng gần gũi nhau lắm, vạn sự vạn hữu trong cái nhìn
người thơ đều liên hệ rõ ràng mật thiết. Đơn giản thôi. Bởi ông là cuộc
di cư của muôn ngàn tinh thể, rớt rơi vài giọt sương trong; là mặt trời
rong chơi cho trăng sao hiện hữu, mưa nắng đi về; là tiếng thơ vắt vẻo
trên lưng đồi cho phương xa nghe ngóng, sức lực hồi sinh. Một người bạn
thắc mắc khi cầm tập thơ Mặc Giang, bảo một tháng mà viết mấy chục bài
thơ thì làm sao có cái mới được, làm sao không lặp đi lặp lại được. Tôi
cười. Một điều nhiều người không biết đến, làm thơ đâu cần phải mất
nhiều thời gian. Một bài thơ có khi chỉ cần viết trong năm hay mười phút
là xong, không cần chỉnh sửa gì mà vẫn sâu và hay. Điều quan trọng của
người làm thơ không phải tính trên số lượng tác phẩm, tác phẩm chỉ là
khâu cuối cùng. Điều cốt tủy làm nên thơ phải là cách sống, cách nhìn.
Mặc Giang đã thấy, đã biết những bọt biển sương đèo, tánh là vậy, tướng
là vậy, dụng là vậy… Và viết, viết để cho thơ thành hình mà thôi. Dòng
duyên sinh trôi chảy trong người thơ, đó chính là Sự Thao Thức Nhân Bản
Của Một Đạo Sĩ. Mặc Giang đã sống, biết sống, sống hết mình trong tinh
thần vô ngã, hoạt dụng để hóa thân khắp cõi trần ai mà xoa dịu vết
thương trần thế, vẫy chào rộn rã bình minh. Dòng chảy duyên sinh trong
thơ ông hiện hình ngay trên từng dấu phẩy mỗi câu. Đọc kỹ chúng ta phải
giật mình. Những câu thơ bùng vỡ nguồn cơn, lặng người với mấy dấu phẩy
lạ lùng. Dấu phẩy ngạo nghễ, đứng hiên ngang phân chia khoảng cách giữa
các ngôn từ nhưng thật chất là kéo chúng gần lại với nhau hơn. Đọc kỹ,
mấy dấu phẩy làm hồn ta tê tái, rưng rưng như chuẩn bị cho một cuộc bùng
vỡ tâm linh có sự cộng tác của cuộc chấn động dữ dội mang âm hưởng thi
ca. Mặc Giang đã góp nhặt, nâng niu từng thân phận, cho đến thân phận
nhỏ bé của dấu phẩy, làm cuộc đời thêm đẹp và đáng trân trọng hơn trong
mắt ai. Có thể đó chỉ là một việc làm vô tâm, một việc làm phát xuất từ
tiềm thức nhưng chúng minh định một cách rõ ràng rằng, mọi thứ đã đầy đủ
trong người thơ, xúc sự hành tàng. Dòng duyên sinh cứ trôi, và dòng sông
êm cứ hát ca, ai cần rêu rao đổi chác:
“Nhưng tôi không bán thơ
đâu
Óng ánh sợi thơ gợn sắc
màu
Đôi mắt qua thơ đời
tuyệt mỹ
Đêm tàn còn đọng những
canh thâu”.
( Không bán thơ đâu )
Có lần đọc bài thơ, ngồi
một mình mà như thể tôi đang trò chuyện với thi sĩ: “Hàn Mặc Tử bán
trăng, Tú Xương bán nghèo, người ta bán thân phận thì thầy cứ bán thơ
đi, ngại gì! Bán đi thầy, ai mua thì người đó lỗ, lỗ đậm. Hay tại thầy
thương chúng sanh quá, muốn khuyên họ đừng mua thơ nên bảo trước không
bán?” Cuộc độc thoại làm tôi mĩm cười. (Chà! Biết đâu có Mặc Giang thì
ông đã viết thêm một bài thơ nữa khi thấy tôi cười cũng nên, nhưng nói
trước, tôi không dại mà mua thơ đâu). Mặc Giang không bán cũng phải, tại
thơ ông là tiếng nói của cuộc đời. Thấy đời là thấy thơ ông, lao vào đời
là lao vào thế giới thơ ông. Vậy thì mua làm chi cho dư thừa rồi không
có chỗ để, chẳng lẽ mua về lại thả trôi sông? Không, xin đừng làm dòng
mặc giang gợn sóng!
Hai từ quê hương trong thơ
ông đã xoáy sâu bao thế hệ, có đủ mọi con người, bao hàm cả thiên nhiên
làm cho hai từ này trôi chảy mãi không hết chuyện, người đọc vì thế mà
cũng xao xuyến, ưu tư. Quê hương là thân phận, là tình người, là tình
đất đá nở hoa, là lời Kinh tuyệt diệu vang xa để trở về nơi con sông
lặng lẽ trăng ngàn. Quê hương là Mặc Giang… thiên giang hữu thủy thiên
giang nguyệt… Người bạn già của tôi đã trở thành nấm mộ hoang vu, cắm
ngòi bút khô cằn làm bia không tên tuổi. Trên ngôi mộ ấy hoa cỏ lại tái
sinh… Thà uổng khẩu vô ngôn, ngậm miệng lại đừng nói gì cả… Mà nói chi
đây?... Nhìn lại thấy mình chưa nói gì… Quay đi nghe chừng đã hết
chuyện… Tôi thích hình dung… Tôi hình dung thấy dòng sông… lặng lẽ… thao
thức… đếm tóc bạc nghe chừng đời chưa trọn… ông lái đò khua mái chèo làm
tung vỡ cả ngàn trăng, sông ôm ấp… Bác phu xe thả giọt mồ hôi xuống mặt
nước, sông vỗ về… Chị hàng rong hắt phận nghèo qua ánh mắt, sông trân
trọng… Bạch phát thiên vân… Cảm ơn phu quét đường Mặc Giang, cảm ơn ngôi
mộ - dòng sông đã cho tôi trở về với những gì gần gũi… không dám làm
phiền, chao động sông êm.
Này em ơi, đừng
bao giờ hỏi thanh bình từ đâu có. Sống giữa cuộc đời với tình thương
không giới hạn, sự lân mẫn chẳng điểm dừng thì nơi đó ắt sẽ trổ yên vui.
Câu Sám Hồi Đầu vẫn còn vang vọng từ quê nghèo đến xứ sở xa xôi. Em ơi,
không thành danh cũng thành nhân, đừng phụ!
Giật mình, nhận ra ngòi bút
của mình cũng khô khan khi chưa thành ý bởi sự tranh chấp của những
dòng cảm xúc. Thôi, hẹn gặp lại Mặc Giang, hẹn gặp lại người thơ quê
hương ở một nơi nào đó, có thể ở nơi không ai thèm mua thơ, có thể trên
lộ trình miên viễn không tên để Nấm mộ - Dòng sông – Hồn thơ – Thế hệ
gắn quyện vào nhau. Nhưng chưa hết đâu, còn phải dâng tặng Mặc Giang một
bài thơ nữa. Thơ rút tỉa từ con chữ ông dùng, rút từ tựa đề của một số
bài. Có thể, đây cũng là cảm xúc mà Mặc Giang đã gửi vào thơ mình, nếu
tôi cảm nhận đúng về ông:
Em thấy đó, nơi xa mờ
hoang đảo
Dòng thơ ươm tình tự,
gởi quê hương
Tôi xin tôi là người phu
quét đường
Tôi gọi tên tôi – Bài ca
sỏi đá
Này em nhé, cuộc đời là thế
đó
Đôi vành khô ứ đọng,
nước mắt nào?
Ngày trở về
hoa nở giữa rừng hoang
Đi là đến, đường về luôn
bỏ ngỏ.
Em đừng hỏi An Bình từ
đâu có
Bên bờ lau biển động Sám
Hồi Đầu
Nơi quê nghèo nho nhỏ
gởi vùng sâu
Không thành danh cũng thành
nhân em nhé!
Xin chắp tay cho Hòa
Bình trở lại
Xin chắp tay tái tạo thuở
hồng hoang
Tôi muốn nói giữa muôn
ngàn miên viễn
Bùng vỡ Sắc không mĩm nụ
vô cùng
Vén lau lách bên bờ rêu sỏi
đá
Mai tôi về
trao thế hệ đàn em
Tôi thương
quê hương máu chảy ruột mềm
Nối một nhịp cầu
– Quê hương nguồn cội
Bài ca sỏi đá
- Tôi gọi tên tôi.
Hãy thử, chúng ta sẽ còn
viết được nhiều bài thơ như thế.
Tất cả như một lời tri ân
gửi đến Sự Thao Thức Nhân Bản của người thơ Mặc Giang, dâng lên dòng
chảy tâm linh đang lưu xuất nối liền muôn cõi…
Nơi nấm mộ, một ngày mới
lại bắt đầu… Nhật Tân… cuộc tái sinh thầm lặng của một dòng sông êm… Mặc
Giang… cuộc hóa hiện của những vần thơ không bán…
*****************
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/macgiangkhongcobanthodau.htm