Một cái nhìn về thơ Mặc Giang
Bảo Luân
(Trong giới hạn bài này, người viết chỉ bàn một số nội dung, còn nghệ
thuật thì xin được miễn.
Những vế, những câu trong ngoặc kép “”, nhưng ngay trước và sau nó không
nêu xuất xứ,
cũng là thơ của Mặc Giang ).
Bàn về thơ của thi hào Mặc Giang, tôi không muốn học đòi cách nói như cụ
Võ Đình Cường đã tả trong Ánh Đạo Vàng là “đời Ngài là một biển cả, mà
múc nước con chỉ có hai bàn tay”. Chỉ nói đơn giản thôi, thi phẩm của
nhà thơ Mặc Giang là rừng bát ngát thẳm sâu, còn tôi là kẻ lạc lỏng ngơ
ngác gom nhặt từng ngọn lá lưa thưa. Đem sở học mình để bàn thơ Mặc
Giang, như nhìn trời qua cuộn giấy vo tròn trong tay. Thế nhưng sao lại
dám“cất bước phiêu lưu” như thế ? Vì chẳng phải viết cho riêng bất kì ai.
Chung cho con cháu tổ tiên Lạc Hồng. Đối với di sản được kết tinh bằng
cả tâm hồn trí huệ và lòng nhiệt thành của Cha Anh, chúng ta phải nâng
niu giữ gìn, cho dù chỉ bằng những giọng tiếng yếu ớt hay bàn tay èo uột
dờn xanh. Bằng không, mẹ Âu Cơ của chúng ta sẽ nhỏ lệ nhạt nhòa trên
vách đá oằn lịch sử thời gian, Cha Long Quân sẽ tủi mặt khóc thầm giữa
non sông gấm lệ. Trong cái nhìn hun hút tận đầu mạch nguồn, Mặc Giang
chỉ ra, trong chúng ta, có máu lệ của tổ tiên, mang mãi hồn sông núi
Việt Nam muôn đời thân thương. Nên nhứt cử nhứt động của Mặc Giang, đều
trên cơ sở xây đắp tình thương, tài bồi đạo nghĩa cho con cháu Rồng Tiên.
Để biết được tư tưởng tư duy vượt thời đại ấy thể hiện ra sao trong toàn
bộ tác phẩm cuộc đời, chúng ta hãy thử tìm hiểu vài nét tinh anh trong
thơ của Mặc Giang.
1.
Nhân sinh quan trong thơ Mặc Giang
Quan niệm, quan điểm về bản
chất hay nguồn gốc con người và vạn hữu, là thuộcàtriết học hoặc siêu
hình học. Đã có những minh sư hiền triết trình bày dưới nhiều quan điểm
và dạng thức khác nhau. Tùy mức độ trí tuệ nhận thức của loài người, mà
quan niệm đó được nhìn nhận đánh giá thông qua những giá trị khác nhau.
Trong dòng sống không thể hình
dung đâu là khởi thủy này, sự xuất hiện mỗi tư tưởng, vừa được xem là sự
tiếp thu một cách sâu sắc, thông minh, biết phân tích và sáng tạo về
triết lí nhân sinh, nhưng cũng vừa là một tư tưởng đột phá tuyệt siêu.
Tư tưởng đại diện trong một thời đại nhất định nào đó, tuy được xem là
sự thống nhất hài hòa của xưa và nay, tiền bối và hậu bối ; thế nhưng
giá trị sau cùng vẫn chính tùy thuộc trí tuệ sắc sảo nhạy bén, biết suy
tư và chiêm nghiệm một cách thông minh, sắc bén, thuần chính. Từ góc độ
này để nhận định đánh giá một tư tưởng lớn, thì dù muốn dù không, cũng
phải khẳng nhận rằng, tư tưởng thơ Mặc Giang đã chiếm một vị thế ổn định
sáng giá trong dòng tư tưởng viên dung giữa triết lí hiện sinh và triết
học tư biện. Xuyên qua ngòi bút kiều diễm, lời thơ thống thiết, như đang
chắp cánh bay vào cuộc sống để cải tạo cuộc đời của ông, chúng ta sẽ có
cơ hội có được cái nhìn, cách nghĩ cuối cùng độc lập khách quan đối với
tư tưởng thơ Mặc Giang.
Qua thơ ông, ta thấy cái gọi
là vạn hữu vũ trụ có mặt từ thuở hồng hoang, hay kiếp sống con người lan
trải rộng dài trên vạn nẻo đường, luôn trong trạng thái
diệt sanh, sanh diệt nhanh
hơn dòng thác lũ. Sống và chết, chết và sống là những
cõi đời vô định phiêu lưu. Xưa
kia và cả nay mai, những biến cố hải chấn, địa chấn và bao tai họa khác,
làm hàng ngàn hàng vạn người “mới ngày nào những ân tình trìu mến, mới
ngày nào những bịn rịn chia xa” đột ngột đi vào cõi chết
đến não lòng, thì ai
cũng sẽ thấy:
Sống và chết, không kịp
chia tích tắc
Có khi chết một cái ào, tím
ngắt
Có khi chết một cái ào, im
re
Có kinh chết, một cái ào
nín khe
Thật mơ hồ, trông còn hơn
mộng mị
(Mặc Giang, bảo vệ hành
tinh xanh)
Sự biến chuyển từ mạch sống hân hoan trong dệt mộng ươm đời hạnh phúc,
đến cái chết kêu ông xanh không thấu, gọi bà dày không hay như thế, đúng
còn hơn cả chiêm bao. Trong thế giới đối đãi, mộng thì không phải thực,
mà thực thì không phải mộng, nhưng giờ thì không thể phân ranh xẻ giới.
Vì “chết thật tình mà nghe sao vô lí, …mới đó mà trôi về một cõi lãng
quên, mới đó mà lung linh mờ cát bụi”. Triết lí về vô thường biến hoại ở
đây khiến ta ý thức được, “trong hội ngộ đã sẵn mầm chia li…”. Đồng thời
với ý thức này, người ta càng thấu biết “trong tích tắc, biết bao nhiêu
sự chết, chứ đâu cần một đêm với một ngày, chứ đâu cần một tháng với
môït năm…”
Hình ảnh thân thiết gần gũi sau chết chóc li tan, là một hiện trạng chua
chát phủ phàng, khiến con người thêm chán ngán về sức mạnh của vô
thừơng, là hình ảnh một chiều nào đó:
Đi trong nghĩa trang chợt nhìn nấm mộ
Nắp quan tài vỡ một lỗ tan hoang
Nhìn vào trong tôi rún rấy bàng hoàng
Một đầu lâu với xương khô vụn vỡ
…Nấm mộ kia một thời nào kiếp trước
Nắm xương tàn còn sót lại phôi phai
(Mặc Giang, vào cửa tử tôi tìm về cõi chết)
Lối nhìn nhận, quan niệm sâu xa thống thiết về lẽ sống như thế, biết đâu
có ai đó trong
cõi diêm phù ngộ tưởng là cái nhìn thiếu lạc quan, buồn tẻ thê lương.
Sao không
thả mộng hồn say phách tán cho chuỗi ngày hoan lạc dương gian, mà lại
trầm ngâm với nỗi buồn não nề cõi chết. Đâu không biết rằng, trốn chạy,
phớt lờ, không đủ nghị lực, không dám đối diện sự thật muôn đời, khiếp
sợ đến nỗi không dám nhìn, không muốn bàn, mất đi tiết khí chí dũng
trong đời, mới là bi quan. Tội nghiệp, và xót xa biết bao !!!…
Trong cái gọi là“sống và
chết gảy cung đàn bất tận” hay là “tử sinh hai nhịp vơi đầy, cung đàn
sống chết còn đây vô thường” ấy, là có cơ hội để con người tiếp xúc với
triết lý trong dòng sống chết luân lưu. Đó là tiếng chuông báo động về
luân hồi. Ý thức, ý niệm về luân hồi, là một trong những nét son về
triết lí hiện sinh nổi bật trong thơ Mặc Giang. Trình bày về triết lý
này, Mặc Giang nói :
Khi dòng sinh đã bắt đầu
chuyển mạch
Thì dòng tử mở ra môït
cõi đi về
Hoặc
Khi cõi sinh hiện ra
thêm một vệt
Thì cõi tử lại trống mất
một ô
(Mặc Giang, Tôi bước đi
giữa đôi bờ sinh tử)
Ông chỉ ra, sống và chết
chẳng phải hai cõi riêng rẽ phân thù sai khác, mà tương quan
mật thiết, bất khả
phân giữa hai chỉnh thể đối lập, thống nhất trong mâu thuẫn.
Nó là một vòng tròn
khép kín liên tục. Ngay khi mạch sống mới bắt đầøu hé nụ,
thì mầm chết đã kết trái trên
cánh hoa tàn. Để có một chúng sanh thọ thai ở nơi này, thì trước phải có
một chúng sanh ở chỗ khác qua đời. Trong Vạn Hữu Trường Ca, phần “ma quỷ
thân thương”, Mặc Giang tả : “kìa em bé vừa sinh ra đó,
trên
dương gian bỏ xó một người. Em cười mở mắt sáng ngời, đã tan hồn phách
của người trần gian.” Em bé quỷ con mới sinh ra đó, không ai lạ, mà
chính là tái sinh
thoát kiếp của một linh
hồn của kiếp người. Tác giả lại khẳng định thêm :
Sáu nẻo xuống lên là
chi nhĩ !
Bốn loài sinh tử tợ chiêm bao !
Xa xưa như mới hôm nào !
Ngày mai
mờ mịt cớ sao đón chờ ?
( Mặc Giang, Vạn hữu
trường ca )
Trong mạch tử sinh luân hồi, là hình ảnh của những kiếp thác thai bất
định, hôm nay là người, nhưng mai kia là kiếp sống thay hình đổi dạng
trong mạch tương lưu giao cảm của kiếp hữu tình. Con người sau khi chết
không nhất định tái sanh trở
lại làm người, mà tái sinh xoay chuyển vào trong sáu cõi bốn loài, bởi
con người không phải là chúng sanh duy nhất. Do đó có thể kết luận, “tử
là điểm ngừng mà sinh là tinh ba xuất phát, linh tri đó ứng tùy một thân
khác, chiêu cảm cùng vạn hữu khứ lai ”, và vì khi “ đã đi thì không phải
là hai, nhưng khi đến là hai chứ không phải một, như một bản trường ca
tương tục âm thanh nhiều nốt…”. Chết chỉ là đánh dấu bước ngoặc chuyển
tiếp trong dòng sống luân lưu vô tận, còn linh tri hay linh hồn tiếp tục
trong một đời sống mới, như mặt trời tuy lặn nơi này, nhưng thực tế đang
mọc ở nơi kia. Thì ra, “giữa tử sinh có sợi dây vô hình kì diễm,
như bản trường ca sinh tử vô cùng.”
Thế nên, chết là sự thể hiển nhiên đau thương ngàn đời hiển hiện, nhưng
chỉ là huyễn hữu như giấc mộng phù du, vì “lang thang từ kiếp luân hồi,
mà không thật có có luân hồi cưu mang, vẽ lên lối dọc đường ngang, lối
dọc biến mất lối ngang không về, tử sinh sinh tử lí hề ……” Cả nhân gian
sinh tử luân hồi thống khổ mà chỉ như một trò hề. Sau hiện tựơng sống
chết ấy là cái không từng sống chết.
Triết lý về sống chết của nhà thơ Mặc Giang, cho chúng ta hiểu rõ, hai
bờ sống
chết là trên cùng một mạch tương thông, mà ở đó đâu còn nghe tiếng gõ
nhịp của thời gian. Giá trị thời gian không thể thiết lập. Theo Mặc
Giang, ý niệm sanh
và tử, chỉ là danh từ của tương quan đối đãi, trong những giả định về
thời gian. Xuyên qua đó, nhà thơ cũng đã chỉ ra, trong hiện tại cũng có
mặt xa xưa, và trong xa xưa cũng vốn đeo bòng cái hiện tại sống động này
đây, và tương lai càng không thể thiết lập và minh định. Thông qua chuỗi
luân hồi sáu nẻo, Mặc Giang cho chỉ chúng ta nhận thức được triết lý về
thời gian theo Kim Cang Kinh , là “quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm
bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.” Ý thức được sự tương quan giữa ba
khoảng thời gian ấy, là cơ sở để chúng ta càng hiểu thức rõ :
Mồ hoang như ảnh ảo huyền
Thân như bèo bọt người thuyền phiêu du
Từ trong vũ trụ âm u
Em như điểm sáng thiên thu vẫn còn
(Mặc Giang, Vô tình tôi thăm Nấm mộ hoang Bé Thơ)
Em ơi ! buồn khóc mà chi,
tiếc thương mà chi ! Nấm cô mộ lạnh lùng đến tàn nhẫn ấy, nào phải hình
hài đích thực của em, nó chỉ là “ ảnh ảo huyền”. Em vẫn còn mãi giữa
thuyền đời vô tận đó nghe em, ! Tôi đã thấy rồi, em ra đi lang thang từ
ngàn xưa, và cho đến cả mai sau. Do đó nên biết, tuy là “đường sinh tử
đã mòn lối
cũ, nẻo hợp tan đã phủ bao lần, bụi mờ rũ bóng phong trần” , nhưng mà em
và tôi vẫn chưa hề
sống hay chết, vẫn là “trăng sao chưa nhạt phù vân chưa nhòa.”
Đây hẳn là sự tương quan giữa cái hữu hạn và vô hạn, giữa hữu hình và vô
hình, giữa vật chất
và phi vật chất. Trong sanh diệt, tồn tại cái không từng sanh diệt, đó
là chân thể bất biến, là linh tri vĩnh hằng. Sống và chết có mặt trong
nhau, là sự tương quan :
…Sông với nước chung đôi
một bóng
Nước với sông một bóng chung đôi
Trăm năm cũng chỉ
một
đời
Nghìn năm cũng chỉ một lời nước sông.
( Mặc Giang, Vạn hữu trường ca )
Lìa sông thì đâu còn nước.
Không nước thì sao có thể thành sông. Sông nước chỉ là hai khái niệm
được thiết lập trên trục tương quan đối đãi. Thực chất là một quan hệ
đẳng thức. Trong sinh diệt có cái bất sinh diệt. Trong ra đi đã có sự
hứa hẹn trở về. Trong cõi đi về đã có sẵn ngày biệt li. Qua trình bày
triết lý về dòng sinh mệnh, Mặc Giang chỉ ra, không cần phải né tránh
cái chết, và đi tìm cầu sự sống, vì cả hai vốn có mặt trong nhau, vốn có
quan hệ “sông với nước chung đôi một
bóng, nước với sông
một bóng chung đôi… sông đã có cớ chi nhớ nước, nước đã
hòa một thể cùng sông.” Hiện tượng sóng đào bọt bèo phập phều của sông
không vốn không tách rời bản tánh bất biến của nước. Cái hạn hữu sinh
diệt sinh diệt theo thời gian và ý niệm, nào có cách biệt với cái bất
sinh diệt.
Vậy nên, chớ khi sinh ra
mới bảo là có, chớ khi chết rồi mới nói là không, vì “có
từ thuở hồng hoang
mờ ảo, tán từ thời tuyệt xảo lân tinh, mờ mờ ảo ảo dáng hình, có không
không có lưu linh vậy mà.” Nên nếu bảo rằng không, thì phải không
ngay lúc ra đời .
Nếu nói có thì phải ngay khi không. Ý niệm về “có- không”, không nên để
bị đánh lừa bởi thế giới hữu hình, vô hình, hay bởi kiến văn giác tri
thường thức. Mặc Giang còn chỉ rõ thêm, “sinh là lúc từ không ra có, tử
là thời từ có ra
không, có không một
thể tương đồng, duyên còn ta có đến không ta về” .Vì “có không một thể
tương đồng”, nên chớ khi sanh mới nói là có, khi chết rồi mới nói là
không. Cả hai đều vần vũ có mặt trong nhau. Hiểu được vậy, cũng chính là
lúc ta
huênh hoang hát lời ca trên
đồng hoang sinh tử:
Từ trong cát bụi tử sinh
Ta xin nhớ lại bóng hình của
ta
Từ trong tỉnh mộng đêm qua
Ta xin nhớ lại quê nhà xưa nay
(Mặc Giang, Ta đây, hiện hữu
vô cùng )
Do thông suốt lẽ sinh tử, nên nơi đây, Mặc Giang đã chỉ rõ thêm, lặn hụp
chơi vơi trên
từng nhịp bước tử sinh như sự chuyển tiếp của sóng mòi, như cát bụi hư
nát phủ
mờ dòng sông, thế nhưng bản tánh chân thân chưa từng biến chuyển đổi
thay. Ra đi biền biệt trong dặm trường tử sinh, nhưng ta nào có ra đi,
mà đã và đang trở về với ngôi nhà chân thể. Thế nhưng trở về mà thật
sự đâu có trở về, vì có ra đi bao giờ đâu mà trở về. Ngôi nhà quê
hương xưa ấy vốn ở ngay trong mọi sinh linh. Từ đó, sẽ vang vọng “tiếng
hát chưa tan” :
Tôi đi từ chỗ không đi,
Luân hồi không đến ngại gì
có không
Tôi đi pháp giới rỗng
không,
Tôi về vạn hữu hằng còn
hiện ra
(Mặc Giang, Sắc không mỉm
nụ vô cùng)
Tại đây, quan niệm về nhân
sinh và vạn hữu của thi hào Mặc Giang đã đưa chúng ta đi sâu thẳm hun
hút tận cùng của lối về tĩnh lự, để phóng cái nhìn sâu thẳm vào diệt
sanh của dòng đời, vào hữu hạn của kiếp người. Con người lù lù một đống
ấy vì không thật có, nên nói rằng sinh ra từ chỗ không sinh, mà chết đi
cũng chẳng phải đi vào cõi lunh linh ảo huyền. Đi hay về, sống hay
chêát, chỉ trên cùng một mạch tương thông lưu cảm, nào có ngại gì “có”ù
với “không”. Pháp giới còn đó nhưng lại hằng rỗng không, vạn hữu rỗng
không nhưng không khi nào không hiện hữu. Từ trong hữu thể mà thấu đạt
vô thể, từ trong hữu cùng mà thấy rõ vô cùng, nhà thơ lại dẫn chúng ta
trên lộ trình đi về “nguyên sơ, còn đó bóng hình” :
Vỡ toang, chấn động ba ngàn
Mười phương thế giới chưa
tràn chân lông
(Mặc Giang,Ta đây, hiện hữu vô
cùng )
Cả vũ trụ mênh mông, càn
khôn mười phương thế giới khôn cùng như thế, nhưng lại nhét chưa đầy một
chân lông. Theo chiều hướng tư duy thông thường, sẽ thấy thật qúa vô lý,
nghịch biện, làm cho choáng voáng, vo đầu bóp trán. Thế nhưng nhà thơ
Mặc Giang chẳng phải chỉ nói rõ sự thật muôn đời, chân lí vĩnh hằng đó
sao. Ba ngàn cõi nước và mười phương thế giới chỉ là có ở hiện tượng phù
phiếm huyễn hóa, như hoa đốm trong hư không, bởi lý thể nó là không. Nhờ
“không” mà thiên hà đại địa và con người có mặt. Lìa “không” thì ngay
một vi trần cũng không thể tựu thành. Pháp giới tuy thiên hình vạn
trạng, nhưng thực chất không thể nắm bắt và khái niệm. Do đó “mười
phương thế giới chưa tràn chân lông” chính là triết lý “sắc chẳng khác
không, mà không cũng chẳng khác sắc”. Tuy như thế, nhưng thực ra nhân
sinh và thế giới quan của nhà thơ chẳng phải dừng lại ở chỗ minh định sự
không khác nhau giữa không và sắc, mà chính đang triển khai tư tưởng
biện chứng về mối quan hệ tương tức tương nhập, mở ra một “ cõi đi về”
trong vô thỉ vô chung, đó là “sắc tức là không”, và “không cũng tức là
sắc”. Đó chính là thông điệp của “pháp huyền vi có mặt từ nhịp bước vạn
đừơng… có với không thật ra chỉ một chữ, không với có thật ra chỉ một
lời” . Từ đây,
nhân sinh quan của
nhà thơ như nhắn gởi cho nhân loại hiện tại này và mai sau khúc ca chứng
đạo bay vào cát bụi của kiếp người, là “đã không thì mấy cũng vừa,
có thì một điểm cũng
thừa mà thôi”
Thông qua nguyên lí sắc
không ấy, nhà thơ đã mang lại cho con người cái nhìn
triệt để tận cùng
huyền vi. Con người và vũ trụ vạn hữu chỉ sanh diệt còn mất trong thế
giới hiện tượng, còn bản thể thì chưa từng sanh hay diệt, đến hay đi…….
Chính nó tự tiêu dung trong những phạm trù khái niệm đối lập. Thế giới
và nhân sinh vốn tồn tại từ vô thỉ, nhưng cũng chính là vừa xuất hiện
ngay trong đương niệm. Tất cả vạn hữu trải dài trong vô tận, không ngằn
mé, nhưng cũng chỉ là nhét chưa đầy chân lông cọng tóc mà thôi. Chúng ta
thấy rõ ràng, trong quan niệm về nhân sanh vạn hữu, nhà thơ Mặc Giang đã
vo tròn đơn vị không gian và thời gian thành một khối “nhất chân”, không
tìm đâu ra, nhưng không đâu mà không có. Không đâu không có nhưng lại là
mất hút tự ngàn xưa và chưa từng lên tiếng bao giờ.
Ngay khi nói, “sắc chẳng
khác không”, là trong thâm ý Phật tổ đã mốn nói “sắc tức là không” rồi.
Không phải ngẫu nhiên nhà thơ lại đưa ra luận thuyết về sự tương quan
giữa sinh tử và không sinh tử, giữa hiện tượng và bản thể, hay nhân sinh
là vô thường biến chuyển, luân hồi, khổ đau, không thực có. Mục đích tối
hậu mà nhà thơ Mặc Giang, chính là muốn chỉ ra cho con người, muốn thắp
sáng cho cu?c đời là nguyên lí duyên khởi của sự vật. Đó là một chuỗi
móc xích liên hệ vô cùng, cái này có nên cái kia có, cái này không thì
cái kia không. Vì mang tính chất duyên khởi, nên vô ngã vô thường khổ
đau và luân hồi. Vì duyên khởi nên tánh vạn pháp là không. Tánh của vạn
hữu là không là vì duyên khởi.
Nhờ sự chiếu rọi của ánh
sáng duyên khởi, con người mới hiểu rõ, sinh tử sở dĩ có mặt là do sự
khơi đôïng của sơ niệm vô minh, là sự khơi ngòi cho của tiến trình luân
hồi và khổ đau. Cho nên nói rằng, vô minh, là cái bất giác đầu tiên
trong tiến trình duyên khởi của dòng sống. Mà những gì được vận hành
dưới nguyên lí duyên khởi thì không thật. Nên vô minh không có cái ngã
tồn tại biệt lập, vì vậy có thể chuyển hóa. Chỉ khi nào chuyển hóa hay
chấm dứt vô minh, mới chấm dứt mọi tiến trình sống chết. Vậy, đưa ra cái
nhìn về sự tương quan giữa bản thể và hiện tượng của dòng sinh mạng con
người, nhà thơ Mặc Giang muốn không những chỉ có chỉ ra cho con người
hiểu rõ bản chất dòng sống là duyên sinh, không có một cái ngã độc lập,
mà còn muốn nói rằng, trần gian là hoàn toàn có thể cải tạo chuyển hóa,
khổ đau có thể chuyển thành an lạc.
Từ những gì đã đề cập một
cách khái quát sơ lược trên, chúng ta thấy nhà thơ Mặc Giang có cái nhìn
trầm thống, chìm lắng, sâu sắc về những giá trị vĩnh hằng và và khiếm
khuyết của nhân sinh. Cái nhìn này đương nhiên đã được sàng lọc qua sự
phân tích, thực nghiệm, kinh nghiệm sâu dày của con tim và khối óc. Con
tim đã từng rung lên từng nhịp đập yêu thương cuôïc đời, khối óc đã bao
kiếp rồi thẩm thấu liễu tri những vụn vỡ thành hoại của dòng sống. Từ
đó, cho chúng ta càng thấy rõ, nhân sinh quan của ông hơn lúc nào hết,
cần được tư duy phân tích một cách chín chắn, siêu việt những giá trị
khoa học thường thức, để đi đến tiếp nhận như không khí và hơi thở. Nếu
không, thì những giá trị quý báu chân thực về quan niệm nhân sanh sẽ đi
vào hư ảo méo mó, rỗng không và tụt hậu.
Có được cái nhìn về nhân
sinh và vũ trụ như thế ấy, không biết tự lúc nào, đã tạo nên một Mặc
Giang hiên ngang đầy nghĩa khí , đã “nện một khèo, ứ nự, giáng một
búa, thất kinh, hư vô
treo mông mênh, hỏi làm chi vũ trụ”, rồi chụp bắt tầng không
trong bàn tay, để mà
“gom ông trời một bọc, gom trái đất một bao, như đời tôi
một túi”. Và đã tuệ
tri ,“tay cầm chuỗi hạt chưa lần, Long Hoa đã hiện, Linh Sơn
chưa tàn.” Vậy phong
thái sống cụ thể đối trước cuộc đời, với còn mất vinh nhục ra làm sao,
thiết nghĩ, chỉ cần tìm hiểu vài chí khí, nghĩa tiết thể hiện trong vài
thi phú tuyệt tác của ông, thì cũng bổ ích cho thế đạo nhân tâm lắm rồi
! không thì chẳng phải đáng tiếc lắm sao!
2.
Thái độ và
hướng sống
Như chúng ta đã biết, thơ là kết tinh tinh hoa của tâm hồn, là tiếng nói
trung thực và rung động chân thành của nhịp đập cảm xúc. Tiếp xúc với
thi phẩm và tác giả, cho chúng ta nhận ra, diễn biến tâm tư biểu đạt
trong thơ với con người đích thực của ông là một nhịp hòa điệu. Để rồi,
cốt cách thể hiện trong thi phẩm, càng cho chúng ta hiểu nhiều hơn, sâu
hơn về thái độ và một hướng sống chí thiện viên dung.
Giữa biển đời quay tít mù khơi, giữa vật lộn bon chen trong dòng sống
hoa lệ, khổ đau, thành bại nhục vinh, đổi thay của thời cuộc và ấm lạnh
tình người, nhà thơ đã nện những bước chân vững chắc, đầu ngẩng cao
hướng về phía trước, đôi mắt sáng ngời nhìn tới tận trăng sao.
Bước đi trong đời giữa bốn
mùa hoa lá, giữa gió nắng mênh mông đong đầy cát bụi dặm trường, chúng
ta bắt gặp ngay hình ảnh của một người phiêu du vô định. Đối với phiền
toái của thế sự, thì biết “ quên đi cho cạn ưu phiền, bỏ đi cho sạch đảo
điên cuộc đời, ta vui ta hát ta chơi…” Đó cũng là hình ảnh của một người
khùng, đang ngao du cùng khắp thiên hạ. Bên cạnh những người “giàu sang,
phú qúi, keo kiệt, bòn chài”, là hình ảnh một người :
…… Đi khắp đất đâu nơi
nào có cửa
Ngủ khắp nơi đâu chẳng
phải là nhà
Giàu có quá ta, chẳng có
chi mà dư thấy bà
… Đâu tham lam, nhỏ mọn,
hẹp hòi, ích kỉ
…Danh lợi, quyền uy, đem
nhét một bồn binh
Bỏ trong túi tanh hôi,
ôm mối sầu vạn kiếp
Lâu lâu móc ra coi, nó
kêu đồ oan nghiệt
…Nếu tái sinh và cần
chọn lựa, thì tôi là một người điên…
(Mặc Giang, tôi chỉ là một
người điên)
Ôi ! người điên“tội nghiệp” của tôi ơi !!! Điên kiểu đó thì khó có tỉnh
nào“theo” cho kịp, khùng kiểu ấy thì hiếm trí nào “sánh” cho ngang. Điên
mà khiến trời đất nghiêng mình, gà tàng mà làm “ngân hà xao xuyến tiếc
hơn thua !!!” Danh lợi quyền uy đã trở thành đồ phế liệu tanh hôi, nên
cho vào trong một xó như đôi dép bỏ; nhỏ mọn, ghét ganh, tật đố đã quẳng
một gánh cho trôi sông. Đó cũng chính là thái độ “lợi danh rao bán không
mua, ngàn vàng ế ẩm dư thừa mà thôi.”
Không biết cốt cách của
người điên đã tạo ra sự phóng khoáng “đi khắp đất đâu nơi nào có cửa”,
hay chính thái độ xem “ngủ khắp nơi đâu chẳng phải là nhà” đã phác họa
nên người khùng ấy, rồi hát tặng nhân gian lời xình xoàng: “tôi bước đi
trời cao điểm tựa, tôi
bước đi đất rộng tương lân, trời xanh không vướng đầu trần, đất màu
chẳng vướng bước chân dặm dài.” Trứng có trước hay gà có trước? nếu
nói một trong hai
rơi vào trước hoặc sau, thì lập luận chỉ là một vòng xoáy li tâm. Bước
đi mà “đầu không vướng trời, chân không vướng đất” ấy, là hệ qủa của con
người đích thực của tác giả; hay chính phong thái ấy đã tạo tựu chân
nhân của tác giả, thật vi tế, khó mà quan niệm cho được. Trong thước đo
thời gian để đặc định về hiện hữu giữa con người chân nhân và phong
thái, thì đó là bước chân dung dị bình thường, nhưng rất đỗi phi thường.
Trước, trong và sau khi đạt được phong thái thong dong, nhà thơ đều đã
chiêm nghiệm được “lợi danh, là một bãi
phù du lầy lội. Cuộc đời, là
một bãi nhiễm thể phù sinh, trôi bồng bềnh những cặn bã nhục vinh, và
bầm dập những rong rêu thành bại”. Đồng thời, tại đây chính tác giả cũng
âm thầm thức tỉnh thế nhân, “công danh giàu sang như mây nổi, năm tháng
đời người tợ tên bay” ( HT Thanh Từ dịch, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục,
sanh tử nhàn nhi dĩ )
Xem nhục vinh, lợi danh, thành
bại đều là thứ lầy lội cặn bả rong rêu, khiến anh
“khùng
thế kỉ”--- khùng mà mở ra một chân trời cao rộng đi về
“viễn
xứ”, khùng
“chẳng
có chi mà dư thấy bà” ấy chẳng biết làm chi cả, mà chỉ :
…Góp
nhặt lá vàng trên những con đường sỏi đá quanh co
Đói ăn, khát uống, mệt nghỉ
ngáy kho kho
(Mặc Giang, tôi chỉ là một ông
thầy tu).
Tuy rất bình thường, nhưng nếu
làm việc này lại là người
“chẳng
có chi mà dư thấy bà”, thì lại siêu thường. Phải chăng đây là phong thái
“đói
thì ăn chừ cơm tùy ý, mệt thì ngủ chừ nào có quê hương…
Nhọc chút chừ nghỉ đất
hoan hỉ, khát uống no chừ thang tiêu dao.” (HT Thanh Từ dịch, TTTS ngữ
lục, phóng cuồng ca ) . Những món như cơm tùy ý, đất hoan hỉ, thang tiêu
dao, vì siêu thực, nên không tìm đâu ra, nhưng cũng không ngoài cái
thực, nên không đâu là không có. Ở đây, tác giả lại vì
“đốt
bếp lên hâm chẳng có lò”,
nên ăn uống như là việc vào rừng không động lá, vào biển không quậy
sóng, dọc ngang cùng khắp mà chẳng rơi vào “có”
“không”. Đây hẳn chính là lúc chúng ta bắt gặp một người, mà
:
Kinh luân trống rỗng, lúa thóc
thủng bồ
Đưa không nhận, đẩy không cho
Đường không đến, nẻo không đi,
không thêm không bớt
(Mặc Giang, tôi chỉ là một
ông thầy tu)
“Kinh
luân trống rỗng, lúa thóc thủng bồ”
là cái nghĩa khí phi thường của đấng trượng phu. Nếu nói đủ thì chỉ cần
một chữ cũng đã đủ. Nếu không đủ thì ngàn vạn lời cũng là trống không.
Đó cũng có thể là gia tài kếch sù nhưng nhìn không thấy, không thấy
nhưng lại sờ sờ trước mắt; đổ hoài không đầy, lấy mãi không cạn. Nên
không thèm nhận, mà chẳng cần cho. Khi tác giả ung dung trên con
“đường
không đến, nẻo không đi, không thêm không bớt”,
là lúc :
Cõi trần gian, an lành, xáo
trộn, vẫn bỉnh bơ !
Lòng thế nhân đãi bôi, hờ
hững, con cóc khô !
(Mặc Giang, tôi chỉ là một ông
thầy tu).
Người ta thường đảo điên
choáng voáng trước khen chê, nguyền rủa, được mất, thịnh suy… Mặc Giang
xem nó chỉ là trò huyễn hoặc, là “con cóc khô”. Sự an nhiên, điềm tĩnh,
mặc xác trước những nóng lạnh tình đời này càng khắc họa rõ chân dung
một hiền sĩ trí dũng, đúng là :
“như
tảng đá kiên cố không lung lay trước gió; cũng vậy, người trí bất động
trước bình phẩm khen chê của thế gian”. (kinh Pháp Cú). Đạt được sự điềm
nhiên tĩnh tại này, cũng chính là muốn bảo với thế nhân:
Đó là mới thật thâm sâu
Tiểu nhân, quân tử, trước sau
khác gì
Trăm năm một cuộc cười khì
Cười như tùng bách xanh rì
trăm năm
(Mặc Giang, khôn chết! dại
chết ! biết sống)
Thế đó, cuối cùng rồi người
thông minh tài trí anh hùng, kẻ ngu si dại dột đều chỉ một nấm mồ. Cho
nên, đối với Mặc Giang, cuộc đời với bao biến cố tang thương, bao vùi
dập hư vinh nổi trôi ấy chỉ là một cuộc cười khì. Cái cười của tâm hồn
đồng điệu với hiền Thánh, xót xa thương cảm cho cuộc đời. Đó là cái cười
vang tận không gian, vượt thời gian để đi vào vĩnh hằng, nên cái cười ấy
trở thành cười như tùng bách xanh rì trăm năm. Không biết tự bao giờ,
cái cười đơn sơ thường hằng ấy đã vang tiếng nói của “tao nhân mặc khách
trong trời đất”, là:
Ngao du sơn thủy cho cùng
khắp
Để tặng nhân gian một nụ
cười (Mặc Giang, Chia chung NỤ CƯỜI)
Và bây giờ, trong mỗi bước
chân ngao du cùng khắp sơn thủy, hay trong lối sống như Trần Tung là
“gió mát trăng thanh sanh kế đủ, non xanh nước biếc nếp sống đầy” ấy, là
cái cười của đầu nguồn mạch Tào Khê, chảy xuyên qua dòng lịch sử, hòa
vang trên cao xa, nhưng lại quyện lấy hồn sông núi quê hương, thỏ thẻ
thì thầm với mỗi cá thể trong dòng đời. Bấy giờ ở đó là hình ảnh của một
người du thủ không nhà, nhưng không đâu chẳng phải là nhà, chính vì đã
tự xác định, “cuộc đời tôi, một cuộc đời viễn mộng, bước phiêu du, như
khúc rẽ dòng sông, đi đi mãi giữa đất trời lồng lộng, đi cho cùng điếm
cuối cũng như không.” Mỗi bước chân phiêu du là bước chân đi về vô định,
không quay trở lại như khúc rẽ của dòng sông, đi mà như chưa từng ra đi,
là phong thái trượng phu nghĩa khí, lúc nào cũng an vui. Đó cũng chính
là cuộc sống “chẳng cần cửa tía, chẳng cần rừng, rốt cuộc chỗ nào chẳng
an tâm.” (HTThanhTừ dịch, TTTS Ngữ lục, viếng Đại sư Tăng Điền) Tức
không màn phố thị giàu sang lòe loẹt hào nhoáng, cũng không cần rừng rậm
vắng xa tĩnh mịch, mà tâm vẫn an nhiên trầm tĩnh. Rồi tác giả tiến thêm
một bước khẳng định :
Cuộc đời tôi, đi nhưng không
cần đến
Mỗi thời không chỉ là điểm
dừng chân (Mặc Giang, bức lục ngân sương)
Hướng sống chân chính là sống
với tinh thần đi để mà đi, chứ không phải đi để mà đến. Đi để mà đi là
bước đi ổn định, không ước vọng ngày mai, không tìm cầu quá khứ, biết
sống trọn vẹn với hiện tại, vì theo Mặc Giang thì, “cái hôm qua, không
là của hôm nay, cái ngày mai chỉ là một bến đợi”. Nếu cho rằng có một
đích đến, là tự giam hãm mình trong thành trì của bước hãm tiến bộ tâm
linh, tự nhốt mình trong lâu đài tự mãn. Nếu đi để mà đến, là tâm trạng
“vì không biết, nên âu lo, sợ sệt; vì không thông, nên hoảng hốt chẳng
yên”, chứ không phải là tâm thái “đường thênh thang, ta cứ bước thong
dong, Cứ vui sống, và hòa reo vạn hữu” của phong độ đi để mà đi.
Thế rồi, từ bước chân đi mà
không cần đến, khiến kẻ không nhà đi càng sâu, càng rộng vào đại tạo vô
cùng, thoải mái như cánh chim giữa trời không :
Tung cánh gió, nhấc mình xa
điểm tựa
Bổng lưng trời, xé từng khoảng
không gian
Vượt mênh mông, cỡi sóng lướt
mây ngàn
Trong bất bận, tôi lù lù
lao tới
(Mặc Giang, Đại bàng tung cánh
gió)
“Tung cánh gió, Bổng lưng
trời, lướt mây ngàn” là hình ảnh cụ thể chân thực, thân thiết nhất về
một cánh chim rong chơi không biết mỏi mệt giữa thú vui non nước điệp
trùng. Hình ảnh này khắc họa sự không vướng kẹt vào tình đời, không bị
ràng buộc bởi thế gian lụy phiền như danh vọng quyền bính, không gian
thời gian. Tâm hồn thênh thang, không bị khống chế vùi dập trói buộc bởi
cảm xúc hay ảo ảnh trần gian này, là sự hòa điệu nhất quán với phong
thái:
Trời đất liếc trông chừ
sao thênh thang
Chống gậy
rong chơi chừ phương ngoại phương
Hoặc cao cao
chừ mây đỉnh núi
Hoặc sâu sâu chừ nước trùng
dương
(HTThanhTừdịch,TTTS Ngữ lục,
phóng cuồng ca)
Rõ ràng là một tâm hồn cuồng
nhiệt, nhiệt thành, mạnh mẽ, tự tin. Rồi nơi chốn ngao du không nơi chỗ
ấy, một cách hào khí, “giữa khung trời vạch một nét đường ngang, cuối
góc biển chắn một lằn lối dọc.” Tại đây, con người du thủ, con người
phiêu bạt ấy âm thầm xác định, mỗi lần đến và đi, đều chỉ là mỗi cuộc
hành trình của người khách độc hành, của những “sân ga không đến không
đi”, của “Bến xe không đỗ… cứ lững thững đến đi nhưng không phải là
nhà”, của “thuyền không xẻ nước”. Nên trong từng cuộc hành trình ấy,
không cần ai chào ai vẫy, không hẹn không thề, và chỉ cần rung khúc nhạc
không tiếng, gảy cây đàn không dây mà thôi ! Để cuối mỗi cuộc hành
trình, con người phiêu du tư lự với chính mình rằng, “cuộc đời tôi, một
giấc mơ ! mượn thân hư huyễn trôi bờ tử sinh. Cuộc đời tôi, một bóng
hình ! mờ mờ nhạt nhạt lung linh dặm trường”.
Con người của tụ hội tất cả
tiết khí chí dũng nêu trên, ngao du trong bốn phương trời như cánh đại
bàng vút đi mạnh mẽ thế đó, nhưng thực ra, mỗi chuyến ra đi cũng chính
là sự trở về quấn quýt lấy rừng đước và tổ ấm ngày xưa. Con người du thủ
ấy thong dong tĩnh tại trong mỗi cuộc hành trình, nhưng chính trong mỗi
cuộc rong chơi giữa bốn mùa đắp đổi ấy, đã chuẩn bị tư lương cho sự trở
về. Trở về để “khua âm vang khúc nhạc lên đường, ngân tình dài muôn vạn
yêu thương”, hay là “dùng tình thương làm một bản trường ca, dùng hiểu
biết làm nhịp cầu chuyển hóa.” Để hoàn thành sứ mạng chuyển tải tình
thương này, người rong chơi không dám mơ mộng gì cao xa, mà chỉ với Tâm
nguyện bình thường là:
Tôi xin vào trong ngõ kẹt
Nhìn trông mảnh tối cuộc
đời
Tôi xin vào nẻo đơn côi
Nhìn trông những người cô
độc
Tôi xin vào nơi hẻm hóc
Nhìn trông cuộc sống âm u
Tôi xin vào chốn mịt mù
Nhìn trông mảnh đời đau
khổ
(Mặc Giang, Đừng có mãi hoàng
hôn và đêm tối !)
Hai tiếng “Tôi xin”, nghe dễ
thương qúa đi thôi !!!, nó khác xa với “tôi sẽ” nhiều lắm chứ ! “Tôi
xin”, hàm nghĩa là tôi không cao vọng, không mơ ước, không thề thốt,
không lên giọng, và chỉ mong những gì tối thiểu nhất, đơn giản và khiêm
tốn nhất. Chỉ cần được vậy là tôi thỏa nguyện rồi, đời tôi không cần gì
nữa. Đi vào trong hẻm hóc, ngõ kẹt, nẻo đơn côi, hay chốn mịt mù ở đây,
chính là sự cảm thông sâu sắc, vỗ về, an ủi xót thương cho sựï gian lao
vất vả, kém may mắn, khốn khổ bất hạnh của những những mảnh đời như:
người mắt Cườm, người cùi, em bé mồ côi, thân phận người mù, em bé nhà
nghèo, em bé cơ cùng, người nghèo, người khuyết tật, người câm, người
điếc, người mù, người mua bán ve chai, người phu cầu đường, người xây
mộ, người tiều phu, người phu quét đường, người phu khuân vác, người cạo
mủ cao su, người phu hầm mỏ, người bán hàng rong, người lính chiến,
người nông dân, gia đình bất hạnh,người phế nhân, trẻ thơ quê nghèo khốn
khó, miền quê, vùng sâu, miền nước mặn đồng chua....
Những nỗi khổ niềm đau, ước
vọng, buồn thương, chán chường tủi nhục, hay những tâm sự về nỗi tuyệt
vọng, tan nát rã rời tự thầm kín đáy lòng của những mảnh đời này đã được
thể hiện rõ nét sinh động dưới ngòi bút của nhà thơ Mặc Giang. Mổ xẻ,
phân tích trạng thái tâm tư tình cảm của những nẻo đời thương tâm gian
khổ, kém may mắn, đắng cay, bất hạnh, nhưng tác giả dường như không phải
viết về họ, mà như đang viết về chính mình. Do đó nên biết, không phải
ngẫu nhiên mà con người “cỡi rong rêu cùng vũ trụ đi hoang” này lại thêm
vào hai chữ “tôi là…”, hay “tôi mang thân phận…”. Như nhan đề “người
câm” với “tôi là một người câm”, hoặc “người mù” với “tôi mang thân phận
người mù”, thì ý nghĩa chuyển tải cách xa nhau nhiều lắm! Đây là sự hóa
thân đặc biệt tài tình. Nhờ đó mà tác giả đã lột tả tận cùng ngõ ngách
của những tâm hồn băng giá thê lương, đã sống trọn vẹn, nhập cuộc với
mỗi cảnh đời đau khổ. Và như thế, mỗi một nẻo đời đều sẽ có cảm giác là
thi nhân đang xót thương, chia sẻ, đang an ủi vỗ về, hiểu biết cảm thông
sâu sắc, và đang đối thoại với chính mình. Chắc chắn họ sẽ cảm thấy ấm
lòng hạnh phúc nhiều lắm, vì đã tìm được tri kỉ cho đời mình. Đời chỉ
cần một tri kỉ là đủ lắm rồi !
Từ hướng sống thong dong
tĩnh tại, tiêu dao phóng khoáng, cảm thương mọi nẻo đời cô độc, đắng
cay, bất hạnh, khiến người du thủ từng có mặt trong những cuộc hành
trình vô tận ấy chẳng màng gì cao xa, mà chỉ mong và làm những gì nhỏ
nhoi tầm thường bình dị nhất mà thôi. Con người phiêu bạt tự độc thoại
với mình rằng:
Người đi cao vọng hơn thua
Tôi về nước mặn đồng chua
lúa vàng
...Người đi công toại bao
nhiêu
Tôi về tô vẽ nhiễu điều
giá gương
Người đi cho thõa đường
trường
Tôi về ôm mộng bình thường
tình quê
…Người đi thõa chí hùng
anh
Tôi về vá viú mái tranh
hoen mờ
(Mặc Giang, Hai nẻo cùng đường)
Tại đây, thêm một bước khẳng
định tâm hồn hay hướng sống của tác giả. Khi thiên hạ leo đồi vinh quang
thành tựu, tỏ mặt nở mày với đời, thì Người từng xem danh lợi “quyền uy,
mòn đá cụi cũng lung lay”, từng “ngao du cho hết cõi đời” ấy chỉ cần trở
về ấp ủ nước mặn đồng chua quê nghèo, nâng niu bồi đắp tình thương đồng
loại (tô vẽ nhiễu điều giá gương), trân qúy tình quê. Rồi chỉ “vá víu
mái tranh hoen mờ” mà thôi. Ôi! ước nguyện, chủ trương khiêm tốn đơn sơ
nhưng rất đỗi cao sang! bởi hiếm ai làm nỗi, chẳng ai chịu và thỏa mãn
cuộc đời “tôi xin muôn kiếp bóng hình nhỏ nhoi” ấy cả.
Sở dĩ phát nguyện và làm nỗi
những dung dị bình thường nhưng phi thường, là vì “Người về” cảm thấy:
“đi-về, một vạch nối liền, về-đi, không cách có phiền ngại chi.” Người
đi và tôi về chỉ trên cùng một trục lộ thẳng tắp, chạy dài đến tận cùng
không gian và thời gian. Rồi sẽ gặp nhau đâu đó trên quê hương muôn
thuở. Cũng là bởi cảm nhận sâu sắc rằng, “sá gì kẻ ở người đi, đa mang
như thế, tuyệt kỳ nghe chưa.” Bấy giờ trên phố xá hoa lệ, hay trên đường
quê nghèo sỏi đá quanh co, con người đi hay về đều tự tại thong dong ấy
ngỏ lời nhắn gởi bội phần thống thiết :
Tôi muốn nhìn bóng đèn mờ le
lói
Để thấy những vùng heo hút âm
u
Những bản làng sương gió mịt
mù
Sống lây lất như thời xưa
hoang dại
…Tôi nhắm mắt để nghe trong
tiếng khóc
Của những con người mỏi mắt
kêu thương
Của những con người trong cảnh
thê lương
Thử đến đó làm sao ta sống nỗi
!
(Mặc Giang,
tôi nhắm mắt thu mình căn gác nhỏ)
Đó là những gì thấy được và
nghe được từ trong rung động của con người phiêu bạt khi thu mình căn
gác nhỏ. Cái nhìn cái nghe bằng linh cảm linh tri của cội nguồn chiều
sâu tâm thức này, hoàn toàn hòa nhịp với mỗi bước chân đơn côi, mỗi hơi
thở nặng nề, mỗi ánh mắt mỏi mòn trông đợi ngày mai của con người trong
những bản làng sương gió mịt mù, của những con người trong cảnh thê
lương. Trong lần hội ngộ không hạn cuộc thời không này, Mặc Giang giả có
nói chi với con người khốn khó đói nghèo ấy đâu, mà chỉ thì thầm tâm sự
: “tôi muốn về thăm lại quê xưa, ngồi yên đâu đó một chiều mưa, để nghe
quạnh quẽ hồn cô lữ, lệ sử điêu tàn gởi giọt mưa. Chẳng biết lúc nào,
người lữ khách độc hành ấy đã tự khẳng định giá trị của giọt thương
trong cõi phù sinh, là “lệ sử điêu tàn gởi giọt mưa”. Nước mắt khóc cho
những cảnh đời hẩm hiu của tôi là những giọt khô lăn dài trên dòng sử
Việt, chảy dài đến tận ngày mai. Nó tuy tan tụ mong manh, nhưng lại như
mưa móc tưới tẩm cho bao buồn bã, đau thương trên những ruộng tâm ê chề
nát tan.
Khi đã xác định được
những giá trị thường hằng trong cõi vô thường ấy, thì tác giả chỉ lập
nguyện trong từ tốn khiêm cung:
…Không như
cây lá sum xuê
Thì làm hoa
dại mân mê lối mòn
…Không như
tàu lớn ra khơi
Thì như
thuyền nhỏ đưa người qua sông
(Mặc Giang, Khôn chết, dại
chết, biết sống)
Hễ mang lại lợi ích thiết thực
cho đời, cho dù chỉ là những gì tầm thường nhỏ nhặt nhất, thì con người
đầy chí khí này vẫn người tình nguyện tiên phong, chứ không chịu ngồi
vòng tay. Rõ ràng Mặc Giang không để thẹn với non sông, xấu hổ là con
cháu Lạc Hồng, vì không xứng danh với tiết tháo của quân tử trượng phu,
là làm trai chí hướng xông trời đất. Do đây, trong con người đi thênh
thang trên hành trình du thủ trong thế giới ba ngàn này, lại chấp nhận
một cách thật dễ thương:
Người vào Hoa tạng người chơi
Ta vào sinh thử cho đời bớt
đau
…Người thương cây cỏ lá hoa
Ta thương bốn loại trong nhà
thê lương
Người thương diệu hữu chơn
thường
Ta thương muôn vật trên đường
phù sinh
(Mặc Giang, Ta đi, một cõi phù
sinh hiện về)
Trong cõi không, cõi vô sắc,
Người làm việc của Người. Trong cõi hữu sắc, tôi làm việc của tôi. Chỉ
đơn giản và âm thầm thế thôi. Tại đây, ta càng thấy, thì ra, con người
phóng khoáng dọc ngang trời đất, tưởng như thờ ơ quay lưng với đời ấy,
lại tình nguyện đi hun hút giữa gió chướng mây ngàn, để mang yêu thương
đến với tận cùng ngõ ngách đời khốn khổ đau thương. Từ đó, giữa không
gian bao la và thời gian vô cùng, chúng ta bất chợt bắt gặp hình ảnh :
Cây đa còn đứng đầu đình
Cành mai trước ngõ nghiêng
mình trổ bông
(Mặc Giang, Ta đi, một cõi
phù sinh hiện về)
Cũng chỉ tại những gì “tôi”
làm trong cõi hữu hình này tuy không như “Người”, nhưng chính động cơ
tác ý của hành động, đã nói hộ rằng, tôi và Người đâu phải hai thể riêng
nhau, mà chỉ là một. Là một quan hệ “hai chiều chạy dọc bờ đê, dòng sông
chuyển hóa chưa hề tồn sinh.” Cho nên, một cách tự nhiên, trong im lặng
của trời đất, trong sự chuyển giao vần vũ của bốn mùa và càn khôn vạn
hữu, đã xuất hiện hình ảnh “nghiêng mình” của cành mai.
Mai là biểu tượng của tinh anh
thuần khiết và chí dũng, dám ngạo nghễ tự hào khoe mình trước giang sơn
mỗi khi đông về hay hạ đến. Và cố nhiên khi trổ bông, thì càng làm cho
chim sa cá lặn, nhật nguyệt thẩn thờ. Thế mà bây giờ ngay cảnh khi khai
hoa, nó đành phải khiêm cung “nghiêng mình”. Đây là do đâu? vì
cành mai đã thẩm thấu được điểm khác biệt nhưng lại đồng nhất giữa Người
và tôi, phải vậy chăng ! Nếu “tôi” nói không đúng thì xin đừng tiếc lời,
hãy chỉnh sữa lại giúp.
Nói tóm, qua một số câu thơ
nổi bật của Mặc Giang, chúng ta thấy rõ phong cách và hướng sống đặc
biệt của nhà thơ. Đó là sự không cố chấp, xem khắp nơi đều là quán trọ,
xem thường những danh lợi phù phiếm, bình thản bất động trước khen chê
đãi bôi của người đời, tiêu dao phóng khoáng giữa non nước mây ngàn,
quan tâm cảm thông thân thiết những mảnh đời bất hạnh, lập nguyện cống
hiến cho con người và xã hội những gì mình có thể, cho dù chỉ đơn giản
và nhỏ nhoi nhất… Đó là sự tương giao hài hòa đặc biệt giữa giữa tình và
lí, giữa hữu hạn và vô hạn, giữa hình thể và phi hình thể. Phong cách và
hướng sống bình dị nhưng cao thượng, viên dung và siêu việt này, ảnh
hưởng mạnh mẽ đến những tâm hồn sâu lắng biết suy tư của người Việt Nam.
Và đương nhiên, tư tưởng lớn đâu chịu dừng lại ở đây. Còn thao thức vò
võ và vạch cho con người Việt Nam phương cách hành xử cụ thể.
1. Quê hương nguồn cội
Cải tạo cuộc đời hay nhân
sinh, là khiến hành xử tình người trở nên lương tri thánh thiện, nhằm
kiến tạo một xã hội an bằng tốt đẹp hơn. Nói cách khác, ý nghĩa việc cải
tạo cuộc đời chính là mở ra cho thời đại một hướng đi mới, không còn
nhẫn tâm dẫm trên những bất thiện từ thô đến tế. Chúng là lối mòn cố hữu.
Đã từng khiến bao lớp con cháu Tiên Rồng thống khổ nhưng vẫn không chịu
dừng bước. Về phương diện này, Mặc Giang có những dòng thơ với nội dung
có ý nghĩa triết lí sâu sắc cô đọng, có sức mạnh chinh phục cảm hóa lòng
người hơn bao giờ cả. Nên hiểu, cuộc đời hay thời đại mà nhà thơ Mặc
Giang nhắm chuyển hóa ở đây, là người Việt Nam (người cùng da vàng và
cùng chung tiếng nói )
Liên quan đến ý thức hệ đầu
tiên được hình thành qua yêu thương trân quýnguồn mạch nòi giống, nên
thơ Mặc Giang có giá trị ý hướng kiến lập đạo đức chân chính, chủ yếu là
cho người Việt Nam. Đó đó là ý thức sâu sắc thâm thiết về hai mối đại
quan hệ, là giữa nhà thơ với hơn tám mươi triệu người Việt Nam, giữa mọi
người Việt Nam với nhau.
Đầu tiên, do Mặc Giang luôn
mang những ý thức và rung động sâu xa về nguồn cội Việt Nam. Do đó,
trong những thi phẩm tuyệt tác nói về đất nước Việt Nam nòi giống Tiên
Rồng qua năm ngàn năm lịch sử oai hùng, Mặc Giang thường biểu hiện một
tâm trạng vừa tự hào nhưng lại vừa tủi nhục, vừa sung sướng nhưng lại
vừa đau nhức, vừa trầm ngâm nhưng lại vừa hùng tráng… Hình bóng và chất
liệu quê hương Việt Nam, hậu duệ của Hùng vương Văn Lang, không biết tự
thuở nào, đã trở thành tiền đề, thành chất xúc tác để ông sống, hành
động và lên tiếng.
Ý thức về nguồn cội Việt Nam,
cũng chính là xác định mối quan hệ giữa con người Việt Nam. Trong Quê
hương nguồn cội, Mặc Giang âm thầm nhắn gởi nhắc nhủ cho đàn em mai sau
:
Em sinh tại
quê hương, tôi sinh vùng đất khách
Dù xa xôi cách
biệt, nhưng là người Việt nam
Em máu đỏ da
vàng, nhìn tôi đâu có khác
Tóc em đen óng
mượt, tóc tôi chẳng lạ gì
Cảm động biết bao! Tảc giả
khẳng định, không gian ngăn cách nào có nghĩa gì đâu. Có ngăn cách gì đi
nữa, cũng không ngăn được tình người Việt nam không biên giới. Tại đây,
Mặc Giang âm thầm nhắn gởi rằng, dù mặt em có biến dạng bởi những vết
sẹo, nám xịt bởi phong trần bao nhiêu đi nữa, thì tôi vẫn mãi nhận ra
em. Vừa nhìn từ xa trong mưa gió mù khơi, tôi cũng nhận ra em ngay. Cho
dù ra đi giáp mặt cuộc đời trong muôn nẻo ngàn phương, nhưng chúng ta
vẫn đồng cùng một nguồn cội. Không gì có thể thay đổi mối quan hệ của
chúng ta. Tất cả đều mang trong mình giọt máu của một Mẹ Âu. Tác giả Mặc
Giang còn muốn giải thích thêm cho đàn em là :
Cùng con cháu vua Hùng, à! thì
ra chỉ một
Nhìn chữ S cong cong, Sao nghe
đau vời vợi
Tôi từng nghe tiếng gọi, dân
tộc Việt yêu thương
Dù xa cách dặm trường, tình
yêu thương chỉ một
Giang sơn gấm vóc chúng ta đã
bồi đắp biết bao mồ hôi xương máu của các cha anh từ thuở dựng nước cho
đến hôm nay. “Một nắm xương khô nghe lòng da diết, một giọt máu đào thấm
nhuận non sông”, cho nên “một mảnh dư đồ chữ S cong cong, là tinh hoa
tiết liệt qua nhiều thời đại. Năm ngàn năm lịch sử nhục vinh thành bại,
đã biết bao lần chất chồng xương núi máu sông. Do vậy, nhìn giang sơn
một cách ý thức và sâu sắc, thì chúng ta càng tự hào bao nhiêu, lại càng
nhức nhối, đau vời vợi bấy nhiêu. Chỉ chừng ấy thôi, không cần giải
thích phân tích, cũng đủ cho ai cũng thấy biết được ý thức hệ về tình
quê hương tình dân tộc của Mặc Giang. Nhà thơ đã mở ra cho chúng ta lối
về quê hương nguồn cội chỉ có một mà thôi. Đó là lối về của yêu thương,
yêu thương vô điều kiện, không mang tính tạc thù ước lệ, không đòi hỏi
yêu sách bất kì điều gì. Chỉ cần gặp nhau cho dù chưa từng quen biết,
chúng ta cũng có thể ôm choàng lấy nhau mà khóc, rồi cùng nhau ôn lại
“dòng lịch sử còn rung thời tiết đọng, Thuở dựng cờ, khai tổ quốc giang
san”, kế đến cùng khóc cười mà hát điệp khúc: “tình quê ca khúc nẻo
đường, em reo ca khúc quê hương muôn đời”.
Nhà thơ còn đưa chúng ta
hiểu sâu rằng, tự hào và niềm đau vốn đan xen trong nhau, trong nụ cười
đãù có những giọt nước mắt canh thâu. Bởi :
Nhìn quê hương
anh nghe nhiều cay đắng
Nhìn cội nguồn
tôi thấm những niềm đau
…Mẹ nằm đó,
mặt lệ nhòa, không nói
Cha trầm ngâm
trắng phếu bạc mái đầu
(Mặc Giang Sông bến cũ, mái nhà xưa
ấm lạnh)
Niềm cay đắng của anh, nỗi đau
thương của tôi, nhòa lệ trong im lặng của Mẹ và dáng điệu trầm ngâm bạc
đầu của Cha, đều là cùng trầm thống về quê hương, về con người Việt Nam
cùng chung máu đỏ da vàng, cùng tránh phong ba qua vách chắn của Trường
Sơn, cùng uống nguồn nước ngọt lịm của Thái Bình. Nhưng tại sao Mẹ Cha
Âu Lạc lại buồn đau khi đất nước đã có một lịch sử oai hùng năm ngàn
năm, có đàn con cháu đề huề sinh ra từ một bọc? Phải chăng vì đàn con
của Mẹ ứng xử với nhau theo cách mà Mẹ không muốn, theo cách mà cha nào
có dạy bao giờ.
Cùng dòng sữa Mẹ dưỡng
nuôi, cùng tiếng ru hời Cha ấp ủ, lí đáng người con Việt Nam hiểu và
thực thi lời ca dao của cha ông để lại: “nhiễu điều phủ lấy giá gương,
người trong một nước phải thương nhau cùng, bầu ơi thương lấy bí cùng,
tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Cũng còn chưa đủ, mà còn nên
hiểu thêm:
Anh và tôi, đâu phải người xa
lạ
Dù không quen, cũng gợi cảm
tình người
Huống chi cùng sữa mẹ dưỡng
nuôi
Sao để mẹ bạc đầu, không nói
Tiếng hồn thiêng, âm thầm khẻ
gọi
Bước chân về bên cội rừng xưa
Tay nắm bàn tay, đừng nói, dư
thừa !!!
Đưa mắt nhìn nhau ngậm ngùi ứa
lệ
(Mặc Giang, Cuốn mộ bờ lau,
bụi mờ bỏ lại)
Phải hành xử, phải nìn nhau
như thế, mới xứng danh là con của Mẹ, là niềm hi vọng của Cha. Bởi con
đã thật sự thẩm thấu được âm ba của “gió lộng Trường Sơn núi rừng hùng
vĩ, sóng bạc Thái Bình biển cả mêng mông”. Còn minh chứng hùng hồn rằng,
con rất sợ cái cảnh “tiếng khóc quê hương tê tỉ ruộng đồng, tóc mẹ
trắng, xõa chiều dài lịch sử.” Thế nhưng giờ đa phần các con sống ngược
lại, không có dễ thương với nhau. Các con không những không “cùng dắt
nhau về ngưỡng cửa yêu thương, cùng lắng nhau nghe hai tiếng nhiễu
điều”, rồi “đưa mắt nhìn nhau ngậm ngùi ứa lệ”, mà còn phản bội Mẹ, phụ
bạc Cha. Quên mất nghĩa núi tình sông, các con của Mẹ tệ bạc với nhau
nhiều lắm. Các con :
Đường cao rộng, lại đi về ngõ
tắt
Lối thênh thang lại cắt xẻ dọc
ngang
(Mặc Giang An bình ơi,
ngươi trốn mất ở đâu )
Gia tài của mẹ để lại cho
chúng ta đồ sộ lắm. Đó là một Việt nam, là con đường cao rộng của tình
thương, là lối thênh thang của tình người. Là con đường quang minh chính
đại, nẻo về của sự sống và vun bồi tình quê muôn thuở. Nhưng đau lòng
thay! rất nhiều trong số con mẹ không chịu đi trên đường rộng sáng, mà
lại láo liếng trốn nhủi trốn chui trong bóng tối của ngõ tắt của chia rẽ
hận thù. Rồi “cùng phun ra những chất độc hung tàn.” Cái hung tàn này là
bước rẽ lối quanh co, trớ trêu. Các con hành xử theo kiểu: “cái chân
thật biến giữa ngàn quan ải, cái giả danh, lại phóng bổng trời xanh,…
cái thiện mỹ, chận, rào, ngay ngoài ngõ, cái tạp ô, lại mời gọi vô nhà”.
Và nghiệt ngã hơn nữa là, không ai bảo ai, chẳng ai hẹn ai, mà lại cùng
nhau không khác. Nên bậc Thánh hiền đau lòng lằm khi than: “trần gian
chật hẹp người chen lấn, Tịnh đôï thênh thang hiếm kẻ tìm”. Trần gian là
biển sinh tử giập vùi, khổ lụy ê chề, là trái đắng não nuột, nhưng nào
mấy ai chê. Cứ chui rúc dành nhau sống và mang đau khổ cho nhau. Cõi
tịnh độ, hay chính những phương trời cao rộng, an lành, hòa vui, mà mấy
ai đoái hoài. Thảo nào nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã nói “bao nhiêu năm
rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt….” Đi loanh quanh
vòng vo trên con đường ganh ghét hờn căm, mà đi mãi như thế thì mỏi mệt
lắm chứ ! nhưng phần nhiều ai cũng xung phong! Rứa mới là nghịch đời
chứ! Bất giác, nào có hay sự xoay vần của nhật nguyệt, hồn thiêng cội
nguồn Việt Nam, vốn trinh nguyên chưa hoen ố sắc màu. Con của mẹ, con
của đất nước ngàn năm văn vật, đã không đi tiếp con đường mang linh hồn
của Mẹ, có hình bóng và nỗi niềm của Cha. Đi ngõ tắt, về ngõ hẽm quanh
co như thế, cũng tại “bởi trần thế, ngửa nghiêng dòng uế trược, bỡi nhân
tình, lặn hụp bến sông mê”.
Mặc Giang còn đau lòng hơn
nữa, là khi các con của Mẹ vì “chữ đức nhân đã mờ mịt trước đèn, chữ
quân tử rải lên thềm băng giá”, nên thậm chí cố tình làm cho “đứt phanh
tuột đà”. Trong “Máu chảy về tim, rung lòng nhân thế”, tác giả viết :
Chiều rũ bóng, rừng
già ru cỏ dại
Bờ lau
lách, ao tù, reo ếch nhái
…Trong ngõ tối, “dế
mèn phiêu lưu kí”
Vạn vật gườm nhau,
tha hồ đố kị
…Tình nhân thế,
“ngàn cân treo sợi tóc”
Quả là hình sắc âm thanh buồn
mênh mang, não nuột. Nỗi buồn da diết và ghê rợn nhất trong màn đêm dày
đặc, làm nát tan vụn vỡ không gian, là hình ảnh “dế mèn phiêu lưu kí”,
là “vạn vật gườm nhau”, rồi “tha hồ đố kị”. Có bóng tối, thì chúng xuất
hiện. Hễ những thứ này xuất hiện, là báo hiệu bóng đêm đã phủ mờ trong
sương pha giá lạnh. Hai hình ảnh này rất tự nhiên, đã có trong nhau tự
thuở nào. Từ đó, tạo nên cảnh trạng nín thở “ngàn cân treo sợi tóc” của
tình nhân thế. Hình ảnh này, phải chăng tác giả đã gián tiếp tế nhị kín
đáo chỉ ra, chính là cái trạng huống “say quyền lực, đắp bạo tàn nhũng
lạm. Mị dân tình, be tham vọng hư vinh. Ai chết mặc ai, miễn không đả
động tới mình” của bao người anh em Việt nam. Nếu qủa có cảnh “nồi da
xáo thịt” như vậy, thì hỡi ôi, còn gì đau đớn hơn ! Thật “thương cho em
có trái tim không dám thở” . Xót xa cho em “Miệng ngậm câm dù lòng có
vạn lời”. Người ta “sống mà máu nóng đã phai”. Nhưng nào có biết, nếu
vậy thì “chết đi máu lạnh tuyền đài đem phơi.”
Xót xa buồn tủi cho những nhân
tình đắng cay, Mặc Giang thống thiết kêu gọi, này anh em, này chú bác…,
nếu vậy thì quả là “uổng không một kiếp phù sinh, còn thua gỗ đá trêu
mình thế nhân”. Đôi lúc Mặc Giang còn thấy, những người anh em chỉ còn
sống trong xót xa của “trần gian còn chút đỡ đần, trơ trơ như phỗng lựa
lần mà tru !!!” Đây chính là niềm đau khôn nguôi, khiến Mặc Giang thao
thức trằn trọc bâng khuâng. 60 ngày đêm liền không ngủ. Khi bạn mất,
Nguyễn Khuyến nói “rượu ngon không có bạn hiền. Không mua, không phải
không tiền, không mua”. Nay Mặc Giang không ngủ, là vì trầm tư trước sự
vùi dập rách nát loang lỗ hoang tàn của quê hương, chứ không phải không
ngủ vì bị mất ngủ. Trong bài “kỉ niệm 60 đêm không ngủ”, ông viết :
Ngọn hải
đăng cho tàu về bến cảng
Ngọn sao đêm
cho trời bớt âm u
Ngọn đèn pha
cho sáng tỏa mịt mù
Để làm chi
mà sao tôi cũng có
Không phải không có lý do khi
ông đưa ra ba hình ảnh với ba công năng, rồi đi đến kết thúc khổ thơ
bằng câu “Để làm chi mà sao tôi cũng có”. Đã âm thầm xác định nguyên
nhân việc không ngủ. Cũng chính là ý thức danh phận và trách nhiệm của
mình trong cuộc đời, đặc biệt là trong cuộc đời đảo lộn khùng điên. Hay
đó cũng chính là cái hùng dũng nghĩa khí mà Nguyễn Khuyến đã từng phát
biểu: �đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông�.
Nếu không có cái nghĩa khí đó, thì làm sao Mặc Giang lại tiếp:
…Hai ngọn đèn không cần phải
châm dầu
Sáu mươi đêm cháy hoài không
muốn tắt
…Tôi nằm yên, nghe đến từng
hơi thở
Tôi đăm chiêu, nghe mềm cõi
tâm tư
Điều giá trị ở đây là hiện
tượng “không muốn tắt” của hai ngọn đèn, cho dù đã cháy đăng đẳng sáu
mươi đêm. Ấn tượng mạnh ở đây là “mềm cõi tâm tư” trong sáu mươi đêm.
Trong cảnh này, “không muốn tắt” và “mềm cõi tâm tư” là một quan hệ hệ
qủa hai chiều. Sáu mươi đêm không ngủ, mang nặng hình của nước. Hai
tháng trời thức trắng, mang nỗi niềm mặn đắng trên môi. Cũng có ý nghĩa
lắm khi Mặc Giang đặt tựa đề bài thơ là “60 đêm không ngủ”. Không ngủ
với mất ngủ, nội dung khác nhau xa lắm chứ !
Rồi từ đó, những dòng thơ tràn
ngập triết lí sống và dạt dào tình thương, đã thâm thiết mở ra cho đồng
bào Việt nam lối về tình quê muôn thuở. Đó là linh hồn của ngọn hải đăng,
ngọn đèn trung thành thức trọn 60 đêm với ông trong trầm tư mặc tưởng.
Với hi vọng tổ tiên có thể mỉm cười với sử xanh, với lúa vàng đồng nội,
với dòng sông quê lỡ bồi phù sa, với “mọi nẻo hương quê, rung hồn lệ sử”.
Ai cũng biết đau thương, nhưng
nào có mấy ai biết đi đúng hướng để hàn gắn đau thương. Mặc Giang đã chỉ
cho chúng về nẻo yêu thương :
Cùng sống trong một
cõi trần gian
Sao không xây tình
thương và sự sống
Mang từ tâm, xóa
tan đi bao biến động
Mang tâm bi, trang
trải những yêu thương
(Mặc Giang, tiếng gọi yêu thương )
Chủ ý nhà thơ là, chúng ta là
con người, là con cùng một bọc trứng mẹ Âu sinh ra, không có lí do gì để
chúng ta không yêu thương đồng loại. Không có ý do gì để “cùng một dòng
máu sao mà tệ bạc? Cùng một màu da sao nỡ can tâm?” Tại đây, Mặc Giang
cho chúng ta thấy, là con người, thì không thể sống thiếu nhau. Cỏ cây
vô tình cũng cần bàn tay chăm sóc của con người, mới tốt tươi xanh um.
Cụ Trịnh Công Sơn có lời ca :
Mưa vẫn mưa bay
cho đời biến động
Làm sao em biết
bia đá không đau ?
Xin hãy cho mưa
qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá
cũng cần có nhau
Vâng, hãy trang trải tình
thương khắp vạn hữu. Ngay sỏi đá cũng cần có tình thương . Nó đâu phải
vô tình. Nó cũng biết đau như ai. Nó cũng cần có nhau. Giữa chúng có mối
tương quan mật thiết. Giữa con người, cũng là một quan hệ tương sinh
phức tạp, tế nhị: “Vì trông ngày, nên đêm dài đến rứa. Nếu không đêm,
ngày có nghĩa gì đâu”. Trong tôi có anh, trong anh có tôi. Anh và tôi
uống cùng sữa Mẹ Âu Cơ. Thế mà tại sao anh và tôi lại nhẫn tâm chà đạp
vùi dập nhau. Anh hãm hại tôi, thì chẳng phải anh cũng không thể sống
còn đó hay sao???ù. Anh yêu thương trân quý tôi, thì chính anh cũng đang
vun bồi cho cây an bình hạnh phúc của anh đó mà thôi. Hỡi người anh em
thân yêu của tôi ơi !
Xác định sâu sắc giá trị và
nhu yếu tình thương của hết thảy vạn loại, trong “Bước qua ngưỡng cửa dị
đồng”, Mặc Giang hướng dẫn chúng ta đường đến cùng tận đầu nguồn tình
thương, là “bằng thân thiện, để cùng nhau nương tựa. Bằng nhịp cầu, để
nối kết cảm thông.” Thân thiện và cảm thông, mới là chất liệu để chúng
ta tiếp bước trên :
Dòng lịch sử, muôn
đời, ta chung sống
Hồn quê hương,
muôn thuở ta đắp xây
Tình anh em, mãi
mãi, ta tiếp tay
Tình dân tộc, ngàn
đời, không lay chuyển
(Mặc Giang, ta
bước đi trên quê hương ta)
Có một lịch sử oai hùng, hồn
quê hương ngọt ngào đường mía lau như thế, thì anh em chị em phải đắp
xây. Phải “tay trong tay, tình trong tình, máu trong máu”, để tình dân
tộc ngàn đời không lay chuyển. Một nhạc sĩ nào đó viết về quê hương cũng
khá cảm động… quê hương, mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi, quê
hương nếu ai không hiểu, sẽ không lớn nỗi thành người.” Không hiểu, có
nghĩa là không biết trân quý, xây dựng tình đồng loại, để “cho vạn vật
nhân sinh hòa điệu sống.” Vậy thì thành thân mà không thành danh, thành
khí mà không thành chất, thành hư mà không thành thực.
Ý thức, tự hào về dòng
giống Rồng Tiên cao qúy, xác định trách nhiệm với quê hương nòi giống,
cũng chính là lúc mỗi chúng ta ý thức về sự có mặt trên cuộc đời là:
“kiếp nhân sinh không nỡ tạc thù chiếu lệ, kiếp con người không lẽ sống
chết thì xong”. Mà phải trang trải tình người, phải thay đổi cách hành
xử với người anh em cùng Mẹ. Phải “đừng đem thương ghét chận đường thế
nhân.” Để giúp sống cho ra sống, để cuộc sinh tử có “chút gì còn để cho
nhau”. Nhà thơ Mặc Giang thêm lần nữa thống thiết nhắc nhủ đàn em:
Rồi một mai, cũng lăn vào cõi
chết
Cọp để da, người để tiếng
chiêm bao
(Mặc Giang, Nhân sinh tự thán)
Người xưa nói : “trăm nay
bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.” Là cái hướng để con
người sống và hành động. Nếu sống mà phản bội quê hương nòi giống, ghét
ganh thù hận, đãi bôi đâm thọc, nguyền rủa mắng nhiếc, vu khống hãm hại,
bán đứng bán ngồi danh giá người khác…, thì chết rồi sẽ “làm đau cho cát
bụi hư hao, và làm đau cho sương pha giá lạnh”. Ôi ! còn gì nhức nhối
hơn thế nữa !
Mặc Giang chân thành
thiết tha kêu gọi tám mươi triệu đồng bào ruột thịt anh em, ngay bây giờ
hãy xây dựng lập trường và hướng sống đích thực là:
Vì con người, nếu ta còn
nước mắt
Vì nhân sinh, nếu ta còn
chút tư lương
Nước mắt kia xin nối lại
tình thương
Máu chảy về tim, rung lòng
nhân thế!!!
(Mặc Giang Máu chảy về tim, rung
lòng nhân thế!!!)
“Máu chảy về tim”, lá rụng về
cội, nước đổ về nguồn, vừa là cái lẽ tất yếu, vừ làm lời khuyên thống
thiết của nhà thơ. Cho dù sống đến tàn hơi cuối cùng, cũng phải sống vì
con người, vì nhân sinh.Bấy giờ chúng ta sẽ “cùng bước chân, đừng có nói
năng gì. Ta sẽ nghe sóng lòng rơi biển mặn. Tan hết rồi những niềm đau
cay đắng”. Vậy, không qúa muộn màng để sữa một lỗi lầm. Chỉ cần “anh hãy
quay đầu” thì lập tức “bóng tối chìm sâu”. Còn tôi ư ? “tôi cuốn một bờ
lau, bụi mờ bỏ lại”. Xong, chúng ta cùng “dệt nên một mái, bếp lửa nhà
tranh. Em, tôi và anh. Ngọn lửa thêm hồng, Việt Nam trời đông, quê hương
ta đó !!!”.Còn không, thì anh nên nhớ : “một lỡ bước, gieo vạn sầu thế
kỉ” đó nghe, người anh em!
Thơ Mặc Giang còn có ý,
nếu anh em hòa vui, quên hận thù, là cũng đang sống cho người đã chết,
vì người đã mất. Chiều nay, thắp nén nhang trên án thờ Hùng Vương, đặt
nhành hoa lên bia liệt vị anh hùng đã nằm xuống vì tổ quốc. Ta nghe đau
nhói hơn bao giờ cả. Sẽ thấy máu của tổ tiên vẫn còn thắm đỏ Thái Bình,
xương thịt cha anh mãi bồi đắp ngọn Trường Sơn thêm hùng vĩ. Anh em nhìn
nhau, gạt dòng lệ nóng. Tạ tội với Mẹ Cha. Con là đứa con bất hiếu! đã
từng làm mẹ khổ đau, làm cha nhức nhối. Hứa rằng, từ nay chúng con sẽ
không còn khiến “Thành Hoàng rủ mặt buồn không nói, tượng đá trơ trơ
lặng lẽ nhìn” vì cái lỗi “gãy một nhịp cầu sa bóng nước, sóng tràn loang
lở mấy bờ đê” của chúng con nữa. Theo Mặc Giang, những nghĩa cử này là
sức mạnh để ta sống cho ra lẽ, sống cho tổ tiên qúa cố. Cũng nhờ vậy, mà
chúng ta biết nâng niu trân qúy từng dải đất ngọn núi quê hương. Từ đây,
ta tình nguyện “xin cho nhau nụ cười, đã gượng gạo từ lâu.” Nụ cười tô
thắm tình thân, có sức mạnh mở ra cho dòng sử Việt trang sách mới.
Nhìn chung, ý thức cải tạo
cuộc đời, hay nỗi niềm quê hương của thi hào Mặc Giang, là sự liên quán
từ niềm tự hào con cháu Lạc Hồng, xác định mối quan hệ giữa những cá
thể, xót xa lỗi lầm của nhân thế, vạch ra cho thế hệ đàn em hướng sống.
Đây là một qúa trình. Quá trình này được xuyên suốt bằng sợi chỉ của
tình thương yêu cao thượng và trí huệ đặc thù.
Tạm thay lời kết :
Tư tưởng và triết lý, vốn
không mang tính thi ca. Nhưng thi ca của bút lực vô song, làm thơ mà như
không làm, lại mang tư tưởng và triết lý sâu xa. Xây dựng giá trị tư
tưởng, ý hướng phục vụ cuộc đời từ một nhân sinh quan tuyệt diệu, một
hướng sống tích cực sáng chói, một ý hướng cải tạo cuộc sống qua thi ca,
Mặc Giang đã thành công rực rỡ. Cả ba yếu tố này vừa là tiền đề, vừa là
kết qủa, thống nhất và bổ sung lẫn nhau. Bề dày, bề ngang và chiều dọc
của tính triết lí và giá trị nhân bản, cố nhiên là càng phải nghiêng
mình! Có ý kiến cho rằng “mỗi tư tưởng của một nhà thơ chắc chắn chứa
đựng tiềm năng vô cùng trọng đại, như năng lực tiềm ẩn trong một cục
than đá hay một tế bào sống, vô cùng vi tế, không thể cân lường, nhưng
thật sự hùng mạnh” (Ouspensky, “Tertium Organum”, trang 125) . Chẳng lạ
gì khi trong bài “xin đừng nghĩ”, Mặc Giang viết:
…Một câu thơ, mà còn hơn
triều sóng,
Một ngòi bút, mà hơn cả
trống chiêng,
…Một lời thơ, trăng sao
còn lấp lánh
Một ý thơ, rung động cả
thiên thu
*****************
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/motcainhin.htm