Nào Có Ra Đi (Quê
Hương Nguồn Cội)
Kiên Giang - Hà Huy
Hà
“Dù xa cách mấy trùng dương
Ở đâu cũng có quê hương trong lòng”
Tháng 3/2007, có người trao cho tôi Tuyển tập nhạc
Dòng Thơ Gọi Tình Người và Tập thơ Quê Hương
Nguồn Cội của cùng tác giả Mặc Giang. Tôi nay đã 80, đang tập
trung viết hồi ký, từ bỏ mọi sinh hoạt thù tạc, nhưng khi nhìn tựa đề 2
cuốn sách, tự dưng có thiện cảm nên gác lại mọi việc để đọc trong nhiều
đêm, suy tư chìm lắng… thẳm sâu… ưu tư… với hồn thơ Mặc Giang.
Qua các bài : Quê hương còn đó, Ta đi trên quê hương, Ta đi trên nước
non mình, Đưa nhau đi trên quê hương, Về thăm quê cũ, Việt Nam còn đó
muôn đời, Sông núi hồn thiêng, . . . tôi liền bị cuốn hút theo Mặc
Giang vào dòng chảy tình tự về kỷ niệm tuổi thơ, gia đình, bè bạn, và
danh lam, thắng cảnh, gấm vóc, sử tích, cội nguồn v.v…
Mỗi nhà thơ là một vũ trụ thu hẹp. Vũ trụ của nhà thơ
Mặc Giang không những đậm đà, sâu lắng, dịu vợi, bao trùm cả quê hương
ba miền Trung Nam Bắc, mà còn lan tỏa đến tình thương nhân loại. Vũ trụ
tâm hồn của Mặc Giang thật là cao rộng.
Không hề biết mặt, không hề một lần giao tiếp, với
mối đồng cảm của nhà thơ cao tuổi, tôi xin đón nhận và vẫy chào.
Theo tôi, không nên chẻ sợi tóc làm ba đánh giá so le
khi chưa thấu triệt ý nghĩa trầm tích trong từng bài thơ : Tình cha
muôn thuở, Tình mẹ muôn đời, Reo binh minh thức dậy, Nghe rừng khua gió
núi, Con người phiêu bạt, Lời thùy dương, Chiếc bóng thời gian, Miền Bắc
quê hương tôi, Miền Trung quê hương tôi, Miền Nam quê hương tôi …
Chúng vừa là ấn tượng, vừa là tiếng nói con tim của tâm linh tiềm tàng
tình quê, hồn nước, sâu lắng trong hơi thở, cô đọng trong huyết thống
của mỗi người Việt Nam đối với quê hương cố thổ.
Mỗi người đều ôm ấp quê hương trong lòng, bởi Tình
quê hong giọt nắng, Thuyền về bến cũ, Mơ màng ôm vũ trụ, dù sống ở
đâu, vẫn có đôi mắt trong trái tim, trái tim trong ánh mắt, để nhớ để
thương từng tên sông tên núi, từng ngọn cỏ lá rau, từng bóng dáng thân
quen trên mọi nẻo đường. Từ niềm vui lẫn nỗi buồn cũng như từ hy vọng
lẫn đau thương, Mặc Giang viết rất thật, cảm thụ rất sâu, nên người đọc
không riêng gì thân nhân mà độc giả mỗi miền đều có sự đồng cảm với tác
giả.
Tâm hồn Mặc Giang tuy bay bổng nhưng biết đáp xuống
trên từng phần đất mà tổ tiên dày công khai phá, gìn giữ, bảo tồn, và tứ
thơ Mặc Giang khơi dậy nỗi niềm, tâm tư, chất chứa niềm tự hào, khí tiết
của dòng chảy truyền lưu qua từng thế hệ.
Thi sĩ chân chính phải có khí tiết của bậc cao sĩ vô
danh, là biết siêu việt và viên dung mọi giá trị đối lập. Giá trị này
hẳn nhiên đã được gợi mở bằng giáo lý Bồ-tát đạo-- một giáo lý đề xướng
tinh thần cứu độ chúng sinh của nhà Phật. Biết nghĩ và làm như thế, nên
nhà thơ Mặc Giang có thể đánh động và xoáy động tình người, và hơn thế
nữa là kêu gọi thiết lập tình nhân loại, để ai cũng tập nhìn về mối quan
hệ “bốn biển đều là anh em”, để lúc nào cũng thấy rằng, “anh với tôi
đâu phải người xa lạ, dù không quen cũng gợi cảm tình người ”. Là
cái nhìn vượt lên mọi phân định về ý thức hệ, mở ra một chân trời sáng
lạn của thông điệp tình thương.
Đọc kỹ, nghĩ sâu, phân tích, phân đoạn trong Lời giao
cảm của tác giả, chúng ta đã thấu hiểu và khám phá được Mặc Giang một
phần lớn rồi. Tin tưởng Mặc Giang và mỗi chúng ta còn giữ mãi quê hương
trong lòng đến cuối đời, để muôn kiếp Ta còn Việt Nam, sông núi hồn
thiêng.
QUÊ HƯƠNG : mãi mãi
trường
tồn
NGUỒN CỘI : có căn nguyên vẫn là giá trị trầm tích mà
con người cần ôm ấp trong lòng, cần đào xới và gìn giữ.
Hy vọng Quê Hương Nguồn Cội của Mặc Giang sẽ
được đa số người Việt Nam ở quê nhà cũng như ở phương xa đón nhận bằng
cả tấm lòng.
Phú Lạc 04-04-2007
Kiên Giang - Hà Huy Hà
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/naocoradi.htm