Có một lịch sử
oai hùng, hồn quê hương ngọt ngào đường mía lau như thế, thì anh em chị
em phải gìn giữ, đắp xây, phải “tay trong tay, tình trong tình, máu
trong máu”, để tình dân tộc ngàn đời không biến chuyển đổi thay. Thế mới
chính là đích thực yêu quê hương, thương nòi giống Âu Lạc, trân quý
nguồn cội Tiên Rồng.
Một nhạc sĩ nào
đó viết về quê hương cũng khá cảm động “…… quê hương, mỗi người chỉ một,
như là chỉ một mẹ thôi, quê hương nếu ai không hiểu, sẽ không lớn nổi
thành người.” Không hiểu, tức không biết trân quý, không xây dựng tình
thương , để “cho vạn vật nhân sinh hòa điệu sống.” Không lớn nổi thành
người là thành thân mà không thành danh, thành khí mà không thành chất,
thành hư mà không thành thực; không thực sự cưu mang tiếng hát ầu ơ của
Mẹ, tiếng hát vượt băng vách chắn thời gian; không thực sự mang hình hài
cốt khí của Cha, hình hài càng sắc nét, càng linh tri theo sóng nước lan
tỏa không gian.
Để xây dựng tình
yêu quê hương trọn vẹn trong hoàn thiện tình người, thì bước đầu tiên,
phải xác lập sự thân thiện, lòng cảm thông. Nên biết rằng, hiểu nhau và
thương nhau là nhu yếu khơi
dòng của mạch
sống, hôm qua hôm nay ngày mai, đầu tiên sau cùng và mãi mãi. Nhạc sĩ
vượt thời gian Trịnh Công Sơn có lời ca như là một lời nhắn nhủ thâm
thiết, là ý thức đầu nguồn không thể thiếu để thiết lập dựng xây, vun
vén tình người :
Mưa vẫn mưa
bay cho đời biến động
Làm sao em biết bia đá không đau !
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau
Ngay sỏi đá, đâu
phải vô tình, giữa chúng có mối tương quan mật thiết, chúng cũng biết
đau, cũng cần có tình thương, cần có nhau, thì con người, chúng ta chắc
ai cũng tự biết.
Thiết lập trọn vẹn tình huynh nghĩa đệ, tràn đầy ý thức cùng mang
dòng máu cha ông, là lúc chúng ta hội đủ tư cách của một đấng trượng phu
với phong thái :
Ngước mặt ngẩng đầu sống dọc ngang
Cho hay
con cháu giống da vàng…
(Mặc Giang, xin
nguyện làm người nước Việt Nam)
Là chính thức
xác định mình trong ý thức tình tự quê hương dân tộc. Ý thơ vừa như một
lời thệ nguyện kiên trinh, lại vừa như một lời khuyên chân tình của thức
giả, lời kêu gọi thân thiết của người bạn hiền, lời vỗ về tâm can của
cha, lời dặn dò như van lơn của mẹ. Vâng! phải cao thượng, phải khí
tiết, nhìn lên không thẹn với trời xanh, ngó xuống không hỗ với đất dày,
như thế mới xứng danh con cháu Tiên Rồng, mới đủ tư cách dự vào hàng ngũ
hậu duệ của Văn Lang. Đã là con cháu Rồng Tiên, thì nên sống như thế;
sống được như thế, mới đúng hợp với chất liệu cốt cách Tiên Rồng.
Chính nhờ thế,
nên một cách khẳng khái, quyết đoán, trong Xin nguyện làm người nước
Việt Nam, thi sĩ Mặc Giang đã tình tự nát cõi tâm can với non sông gấm
lệ, với Linh Hồn Tiên Tổ rằng :
Kiếp sau nếu được làm người nữa
Xin nguyện
làm người nước Việt Nam
Như thế, nói với
chính mình, nhưng chẳng khác nào tác giả như đang nói với đàn em đó
sao! Vì trong quê hương, là hơi thở của em, là nụ cười của thi nhân, như
thi nhân đã khẳng định: “em vẽ một vòng tròn, tôi vẽ một hình vuông,
khép hai chữ vuông tròn, thành quê hương muôn thuở”, đây là chất
liệu và cũng là tiền đề để dựng xây bồi tô cho Quê hương nguồn cội.
Có như thế, chúng ta mới càng thêm tự hào khẳng
định sự tồn tại miên trường bất diệt của quê hương, đó là sự thể hiện
một cách hoành tráng, rung động như trống chiêng, và cũng êm ái dịu dàng
như khúc rẽ dòng sông:
Việt Nam tổ quốc quê hương tôi,
Thời thế thế thời dẫu đổi ngôi,
Lịch sử năm ngàn không biến đổi,
Truyền trao thế hệ mãi tô bồi
(Mặc Giang, Nguyện làm người nước Việt Nam)
Đó cũng chính là khúc hát của Việt Nam quê hương còn
đó, với lời ca vang vượt cả mây ngàn và gió núi bao la: “xưa nay trang
sử lựa là, lật ra một cái còn ta với mình, Việt Nam muôn thuở tồn
sinh, quê hương muôn thuở như mình với ta”. Đó là cách thể hiện hùng hồn
nhất tấm lòng tri ân báo ân, biết cội biết nguồn, biết trân trọng
nâng niu dòng máu khai sinh, biết quý thương từng dải giang san đẫm
xương máu cha ông qua bao thời đại, và đó chính là sự thể hiện “Uống
nước nhớ nguồn cây nhớ cội”. Có thế mới làm cho “ngàn năm rạng rỡ giống
Rồng Tiên”
Những chất liệu mặn mà của quê hương luôn thẩm sâu
trong lòng thi nhân những khúc tao đàn tuyệt diệu, như những tình tự
khắn khít niềm tin yêu: “thương quê từ bấy đến giờ, yêu quê từ độ bơ
vơ khơi dòng”. Chính những chất liệu này càng thêm nung nấu nóng chảy
niềm nhớ thương của nhà thơ Mặc Giang. Trong Thầm Lặng, thi nhân gởi
trao niềm nhớ thương khôn nguôi :
Khóc mẹ ủ gầy tận cuối quê
Thương em èo uột khổ trăm bề
Đôi tay nương níu hồn sông núi
Ước vọng ngày nao bước trở về
Chỉ cần rung lên nỗi niềm tình tự, chỉ cần chùn xuống
tận nẻo tâm tư, sẽ thấy bụi tre hàng dậu
nghiêng bóng thân quen, thưởng thức được hương vị thơm ngon của trái bắp
củ khoai vùi trong đống tro tàn, uống được từng ngụm nước sông ngọt lành
đựng trong chiếc gáo dừa bền chắc, đen điu, bóng láng. Chỉ có qua những
đậm đà hương vị thấm đượm tình quê ấy, chúng ta mới uống được luôn cả
quốc hồn quốc túy Việt Nam. Chúng sẽ nuôi dưỡng chúng ta lớn thêm lên
nhiều lắm, mà sơn hào hải vị năm châu làm sao sánh được !
Khúc hát tình tự về
quê hương Việt Nam của Người thơ Mặc Giang mãi mãi như con tàu tình cảm
dân tộc, đưa hướng ta đi trên hành trình vô tận không bến bờ, không sân
ga, để tạo tựu chất liệu keo sơn, xây dựïng bồi tô cho non sông gấm vóc
ba Miền, vun vén cho nghĩa đệ huynh thêm bao la. Nên dù anh có đi muôn
hướng, chị có đến ngàn phương, thì chỉ có một chỗ duy nhất để trở về, và
nẻo trở về Quê Hương chỉ một con đường mà thôi, con đường hướng đến chân
trời xanh ngát màu xứ sở, hướng về buôn làng lúa trổ đòng đòng của đất
mẹ dấu yêu. Quê hương mãi mãi là điệp khúc hay nhất trong tất cả các
điệp khúc mà tôi hát cho anh nghe, cho chị nghe, và cho em nghe. Tình tự
quê hương của thi sĩ Mặc Giang luôn rung động trào dâng thân thiết nhất
trong các tình tự. Trong đó, chúng ta càng có cơ hội dệt thêm sắc màu
của bếp lửa nhà tranh, để “ngọn lửa thêm
hồng, Việt Nam
trời Đông, quê hương ta đó !!! ” . Nét đặc biệt trong tình tự quê hương
của nhà thơ Mặc Giang khiến ta bất chợt nhớ đến lời khẳng quyết: “một
câu thơ, mà còn hơn triều sóng ……một ý thơ, rung động cả thiên thu”,
cũng vì chủ đề quê hương đất nước của thi nhân đã mở ra cho hôm nay,
cho cả mai sau lối về của ý, cõi đi về của tâm thể trên dòng đời miên
viễn, xuyên suốt vô tận thời gian, bạt ngàn vô hạn không gian.
Gió đồng nội
chiều nay mát lắm, khúc mía lau như càng thêm lịm ngọt, chuyến đò ngang
vẫn lững lờ đợi khách sang sông, từng cánh én đang tung mình trên nền
trời quê hương xanh thẳm, những em bé mục đồng đang lùa trâu về trong
ráng hồng yếu ớt… Đâu đó trong gió thoảng lưng đồi, là tiếng chày giã
gạo liên hồi, tiếng ru hời của mẹ yêu như đanglâng lâng lan tỏa trên
sông dài biển rộng mênh mông, ngút ngàn giữa núi thẳm rừng xanh bao la
của con người Việt Nam. Cả thi nhân, cả chúng ta như đang từng bước
châïp choạng của bóng đêm để tìm về mái tranh ấm hồng bếp lửa, ngồi bên
Mẹ dấu yêu, ngồi bên Cha trầm lắng, anh chị em cùng hát và kể cho nhau
nghe về điệp khúc của tình Quê Hương muôn thuở. Chắc rằng, câu chuyện sẽ
cuốn hút, chìm sâu, lắng đọng tâm tư để nghe, nghe cho đến khi, ô kìa,
trời Đông đã quá ửng hồng !!!
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/quehuongmuonthuo.htm