Tâm Như Bất Thối
qua Viên Giác
Ân Học Sinh
Nếu
hạnh phúc là đối tượng mà nhân loại mãi đi tìm, thì hẳn phương pháp tìm
ra đáp số về bài toán hạnh phúc là mối quan tâm của nhân loại. Hạnh phúc
ở đâu, nó là gì, những điều này được giải đáp thỏa đáng trong tinh thần
Viên Giác. Viên Giác chỉ cho ta thấy rằng, tất cả là sự lưu xuất là
phóng ảnh của tâm thức. Trở về với tâm là trở về với suối nguồn hạnh
phúc dạt dào từ thuở ban sơ.
Có lẽ cũng cảm hứng từ điều này
mà trong Tâm Như bất thối, nhà thơ Mặc Giang có đoạn:
Giữa muôn trùng biền biệt
Thật ra chẳng hai bờ
Lật bức ảnh mịt mờ
Chắp tay hoa mầu nhiệm
Nhìn cái huyễn, không huyễn
Ðã dứt sạch huyễn rồi
Thỏng thay mà buông lơi
Trụ tâm như bất thối
(Mặc Giang, Tâm Như bất thối)
Ðây là một bài thơ hay. Phải
chăng là một kinh nghiệm về sự thể nhập thể tánh chất của Tâm Như xuyên
qua quán chiếu các huyễn. Có lẽ câu hỏi cũng chính là câu trả lời, mà
nội dung của nó không nằm trong ngôn từ mà ẩn náu đằng sau những gì mong
manh nhất mà ngôn từ thể hiện.
Tuy nhiên, để dọn đường câu trả
lời hay đáp số được thỏa đáng, điều đầu tiên, chúng ta cần hiểu rằng,
thế giới thiên sai vạn biệt này được đan kết bởi các duyên điệp trùng
trong sự tạo tác của biệt nghiệp và cọng nghiệp. Sự bất khả tư nghìcủa
nghiệp thì không thể diễn bày ra mà chỉ cảm nhận bằng mọi tri giác và
mọi giai tầng của tâm thức. Thật sự khi nhìn vào tự tánh của chúng, hay
chính là những giả tạo hư ngụy của “muôn trùng biền biệt”, ta mới
phát hiện ra cái gút mắc căn bản mà từ đó chúng thiên biến vạn hóa.
Tuy thiên biến vạn hóa mà “chẳng
hai bờ”; hai bờ khiến ta liên tưởng ngay đến thế giới nhị nguyên được
mất xấu tốt, sanh tử Niết-bàn. “Chẳng hai bờ”, do chúng xuất phát từ cái
“một” miên viễn, là bản tâm, điều mà Viên Giác dạy : “Nhất thiết Như Lai
viên giác diệu tâm bổn vô bồ-đề cập dự Niết-bàn; diệc vô thành Phật cập
bất thành Phật, vô vọng luân hồi cập phi luân hồi”. Cái “Chẳng hai bờ”
nói lên tự tánh vô ngã của các pháp, hay chính của “muôn trùng biền
biệt”. Cho nên dù là thiên hình vạn trạng khác nhau, như hoa đốm
lăng xăng, nhưng quán sát bằng trí huệ thì thấy chúng vốn vô tướng, là
huyễn sinh huyễn diệt. Vậy, cái “chẳng hai này” không phải là cái “một”
có hình tướng khác với hai hay nhiều, mà là cái “một” của sự thanh tịnh,
bình đẳng biến khắp Viên giác diệu tâm. Cho nên khi nhận ra thật tánh
của vạn pháp, tức là đã đưa tay lật lại một uế độ của thế giới huyễn hóa
thành một Tịnh độ mầu nhiệm của Hoa Nghiêm.
“Lật bức ảnh”,
một lối nói thật thơ! Cái bức ảnh vũ trụ này được lật thành môt cảnh
giới hoàn toàn khác. Cái “lật” của chuyển đổi tâm mà không đơn thuần lật
lui lật tới như lật trang sách. Cái lật ở đây là cả một quá trình tu tập
và đột nhập vào “cái chẳng hai”, vào thẳng tâm tủy của những “muôn
trùng biền biệt”. “Lật bức ảnh” là sự xuyên qua các huyễn
tướng của “không hoa”, xuyên qua cái vô minh mịt mờ đã giăng từ vô thỉ
để có được sự mầu nhiệm của thế giới đầy hoa.
Nhận ra cái “không hai” này, ta
sẽ có ngay thái độ điềm tĩnh và dám “lật đổ” cả một thế giới mịt mờ mà
lâu nay chúng ta vìnó mà đau khổ thất vọng….Hay nói đúng hơn, cái khổ sở
của con người chỉ biến mất khi người đó đặt xuống tất cả những bám víu
của vọng tâm, những ham muốn dẫn dắt con người lang thang vô định. Sự
nhiệm mầu như như của Hoa chỉ có được khi tâm thức trở nên vắng lặng
“giữa muôn trùng biền biệt”, giữa có không, được mất, cũng là khi mà
:
Nhìn cái huyễn không huyễn
Đã dứt sạch huyễn rồi
Thỏng tay mà buông lơi
Trụ tâm như bất thối
Nhưng làm sao để dứt sạch cái
huyễn, tác giả Mặc Giang không nêu ra, mà chỉ “nhìn” từ căn bản nhận ra
cái “không hai” của vạn pháp. Cái nhìn đó chứa đựng cả môt sự liễu tri
về cái huyễn và căn nguyên của nó. Chúng phát sanh từ “viên giác Diệu
tâm”, hay chính là cách nói khác : “Nhất thế chúng sanh, chủng chủng
huyễn hóa, giai sanh ư Như Lai Viên Giác diệu tâm. Do như không hoa, tùy
không nhi hữu, huyễn hoa tuy diệt, không tánh bất động hoại” Những huyễn
hóa được sanh từ mống dậy của vô minh trong biển tâm Viên giác tròn đầy
như sự nhô lên của từng đợt sóng. Tướng của sóng vốn từ nước, sóng hết
rồi thì trở lại thành nước. Cũng vậy, huyễn hóa sanh từ tâm, diệt rồi
trở về tâm, tương tợ như hoa đốm xuất hiện trong không gian, chúng diệt
rồi mà không gian thì bất động. Sự có ra của các huyễn không phải lỗi ở
Viên Giác, cũng như sự có các hoa đốm không phải lỗi tại không gian, mà
chính do con mắt bị nhặm đỏ. Mắt nhậm sinh hoa đốm, tâm bệnh sinh huyễn
tướng. Các huyễn này mất đi khi bệnh được chữa lành. Trong Tín Tâm Minh,
ngài Tăng Xán dạy : “nhãn nhược bất thụy, chư mộng tự trừ; tâm nhược bất
dị, vạn pháp nhất như ” (Nếu mắt không ngủ thì không có chiêm bao, tâm
không trú trước thì không sanh sự sai biệt về vạn pháp).
Vậy sự có ra các huyễn tướng
đánh dấu sự sai lạc của tâm thức ô nhiễm. Nhưng bản thân các huyễn này
không thật, như sự không thật của hoa đốm hay của giấc mộng; nên nó có
hay không, thì hoàn toàn tùy thuộc vào tâm ta, là vấn đề của tâm, cho
nên nói rằng: “như mộng trung nhân, mộng thời phi vô, cập chí ư tỉnh,
liễu vô sở đắc”, hay chỉ cần nhận ra bản chất không thật của huyễn thì
huyễn diệt: “tri huyễn tức ly….. ly huyễn tức giác”, mà không cần làm gì
hơn là để cái tâm thanh tịnh chiếu soi.
Bấy giờ chỉ cần “Thỏng tay mà
buông lơi” mà thôi, đó là trạng thái tâm thức ly khai các huyễn,
không còn mê muội; liễu tri các huyễn tướng vốn an trú trong thật tướng
của nó; mà thật tướng xưa nay vốn đầy đủ, không cần tạo tác, bởi nó vốn
là vi diệu của tâm. “Thỏng tay mà buông lơi”, gợi lên phong cách
phóng khoáng của chư vị tổ sư đã vượt qua bên này bên kia vòng kiến chấp
và đang thỏng tay vào chợ, thị hiện hóa độ chúng sanh, thiết lập v ô trú
xứ Niết-bàn, do đã “Trụ tâm Như bất thối”.
Đoạn thơ Tâm Như bất thối
của Mặc Giang là cả một triết lý sâu sắc về nghĩa lý Viên giác. Để có
thể nói lên biểu đạt được điều đó, đòi hỏi cả một sự nghiền ngẫm tư duy
và thể hiện độ “chín” của tâm thức của tác giả Mặc Giang. Không cần phải
làm gì đối với thế giới phù hoa mà chỉ cần quay lại khám phá, sửa đổi và
khám phá cái tâm, quán sát những đặc tính đa thù của nó.
Ôi! Cái huyễn! sức tàn phá của
nó vô cùng tàn bạo đối với tâm thức còn mịt mờ u tối; nhưng lại trở nên
rất mong manh như hoa đốm, như sương sớm, như nắng chiều dưới cái nhìn
đầy trí huệ. Bản chất vô tự tính của các huyễn gợi cho ta khả năng vươn
tới sự nỗ lực tích cực để thấy đằng sau cái huyễn là những gì không phải
huyễn. Ðó là sự nỗ lực của tâm thức Ðại thừa, nhân cách Ðại thừa : thỏng
tay vào chợ, điều mà mà Tâm Như bất thối đã dọn đường cho chúng
ta.
-----------
Xin đọc nguyên bài Tâm Như
Bất Thối
Đời có chi là khổ
Ta cứ sống an lành
Như mây trắng trời xanh
Thong dong bay cùng khắp
Dù cội già gai góc
Dù hoa lá xinh tươi
Ta vẫn cứ mỉm cười
Giữa đồi cao gió hát
Mang nguồn tâm của ý
Gởi hương nội cỏ đồng
Cho hoa lá đơm bông
Đến bờ lau sỏi đá
Có, thì có tất cả
Không, vốn đã là không
Nhìn pháp giới rỗng không
Băng ngang dòng sinh diệt
Giữa muôn trùng biền biệt
Thật ra chẳng hai bờ
Lật bức ảnh mịt mờ
Chắp tay hoa mầu nhiệm
Nhìn cái huyễn, không huyễn
Đã dứt sạch huyễn rồi
Thỏng tay buông, thảnh thơi
Trụ tâm như bất thối.
http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/tamnhu_batthoi.htm
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/tamnhu.htm