Tiếp chuyện với nhà thơ Mặc Giang
Trần Ngọc Bảo Luân
Đầu tiên, tôi
được tiếp xúc thơ Mặc Giang qua trang mạng Đạo Phật Ngày Nay. Khi biết,
để lúc nào cũng có thể trầm ngâm hay đọc thơ Mặc Giang mà không cần phải
lên mạng, tôi đã download tất cả những bài đăng trên trang Đạo Phật Ngày
Nay và đã in ra gần 350 trang khổ giấy A4, thì nhà thơ Mặc Giang đã giới
thiệu cho tôi địa chỉ để có thể đọc thêm là :
<http://www.luongsonbac.de/thidan/index.php?do=list&tid=414>
và
<http://www.luongsonbac.de/thidan/index.php?do=list&tid=416>
. Đó là nhân duyên tri ngộ của chúng tôi. Sống cách xa hàng vạn hải lí,
chúng tôi chỉ đành trao đổi một vài vấn đề về thi phú qua phương tiện
thông tin bằng thư điện tử. Nhưng rồi, chiều nay, nhà thơ Mặc Giang đã
gọi cho tôi. Nhà thơ gọi tôi với tư cách là, tác giả của một đại thi
phẩm thăm hỏi người hâm mộ tác phẩm của mình. Vậy thôi!
Trong phút giây
vụt thoáng đầu tiên, tôi nghĩ : “ui chao ! một nhà thơ đương đại tầm cỡ
như Mặc Giang mà lại gọi điện cho tôi, tôi mà lại được thi hào Mặc Giang
gọi điện thoại thăm hỏi !!!???”. Nỗi niềm vui mừng, bỡ ngỡ, tự hào, vinh
hạnh, bỗng nhiên cảm thấy đời mình thật có ý nghĩa, không biết lúc nào
đã xâm chiếm hồn tôi. Vì vậy, những phút đầu tiên, tôi không tránh khỏi
hơi hồi hộp, nhút nhát, vụng về, không biết lời nào nên nói trước, lời
nào nên nói sau, và nói như thế nào ? Nói thật, lúc ấy tôi như muốn nhảy
tót lên và la thật to, nhưng lại không dám, vì như vậy thì không được
điềm đạm cho lắm, nên đành thôi”
Sau khi ân cần
hỏi thăm cuộc sống và điều kiện du học của tôi, thì tôi được nhà thơ kể
cho nghe về tâm nguyện, mục đích cao xa thầm kín, tấm lòng ưu đời mẫn
thế trong sự nghiệp tác thơ của mình. Sau đó tôi thăm hỏi về những thuận
lợi và khó khăn trong việc phổ nhạc ngâm thơ, hòa âm phối khí, hát, thu,
diễn tiến và sự thể ra sao với số lượng lớn các bài thơ gồm tất cả các
thể tài thể loại, thì được nhà thơ cho biết một cách khái quát nhưng cụ
thể, rõ ràng. Đoạn nhà thơ kể xong, tôi tiếp: “Chú ơi !, Chú sống xa quê
hương Việt Nam lâu dữ rứa rồi và chưa hề về, mà răng đọc thơ Chú, cháu
cứ tưởng như mới tháng trước hay ngày trước chú vừa đi ngang qua những
miền thôn hẻo lánh, ruôïng vườn khô cháy, đất cày lên sỏi đá của quê
hương Việt Nam ; cứ ngỡ như Chú đã từng sống chung với những em bé lam
lũ bên vỉa hè, với những cụ già hẩm hiu cô độc. Rồi qua thơ của Chú,
cháu thấy Chú có được lòng cảm thông sâu sắc trước những hoàn cảnh
thương tâm tủi nhục oán hờn, và xót xa ray rứt cho những mảnh đời 'không
áo cơm cù bất cù bơ' nhưng không còn lối thoát”. của các tỉnh thành từ
Bắc chí Nam. Cháu thật không thể hình dung nỗi. Nhà thơ cười ha ha một
cách trầm ấm rồi hỏi: “chắc là cháu thấy lạ lắm, phải không ?”, rồi ôn
tồn giải thích đơn giản, và cười”. Tôi cũng khá nhanh miệng, tiếp theo
liền : “Chú ơi !, từ nay về sau, cháu gọi chú bằng Thầy, được không ?,
'Thầy' mà cháu gọi không phải là Thầy trong Chùa, hay là Thầy dạy chữ
cho cháu ; Thầy ở đây được hiểu là Bậc Thầy tư tưởng lớn trong thế giới
thi đàn, trong tư trào thi ca đương đại”. Chú Mặc Giang chỉ cười ha ha
nhưng rất đỗi trang nghiêm cẩn mật, rồi chầm chậm bảo : “Cháu khen Chú
nhiều qúa, e rằng chú không xứng đáng đâu. Thì tùy cháu, nếu cháu thích
thì cứ gọi vậy”. Tôi tiếp lại ngay : “thế là từ nay trở đi, cháu gọi Chú
là Thầy Mặc Giang”. Nhà thơ lại cười và cười trong âm giọng đoan trang,
mực thước và mô phạm
Trong cung cách ấy, tôi cảm nhận ra rằng, khiêm
cung hạ mình là một trong những đức hạnh quý báu nổi bật nơi nhà thơ Mặc
Giang. Phong độ, tiếng cười hay giọng nói trầm tĩnh, ổn định, ôn hòa và
thong thả chậm rãi của nhà thơ, khiến tôi không thể không liên tưởng đến
phong thái nói chuyện thuyết giảng từ những Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây
Tạng huyền bí.
Điều đặc biệt
trong lần nhân duyên tiếp chuyện này là, nhà thơ đã cho tôi nghe qua
điện thoại vài bài ngâm thơ hay vài bài hát (được phổ từ thơ của Người)
được biểu diễn bởi giọng ca của những nghệ sĩ, ca sĩ ưu tú trong nước.
Có bài thì nghe rất rõ, có bài thì nghe không rõ lắm, nhưng tôi cũng
hiểu được ý chỉ của âm từ. Vì cái điện thoại tôi là mái máy dổm, nên có
đến ba lần đang nghe hay ho nửa chừng thì tự nhiên nó bị cúp máy. Lát
lâu (vì Thầy Mặc Giang cứ tưởng tôi đang nghe cho đến hết bài), nhà thơ
gọi lại, rồi kiên nhẫn phát lại bài đó từ đầu cho tôi nghe, và có đến 3
lần như vậy .
Là một người
chai lì và khó mà nhỏ nước mắt, nhưng khi nghe những bản ngâm thơ, bài
hát ấy, thì tôi lại khóc ngon lành. Tôi biết, đó là biểu hiện của một
hiện tượng yếu mềm, không đủ nghị lực. Nhưng theo tôi, được nguyên nhân
dẫn đến việc rơi nước mắt, thì việc cảm động lại được đánh giá theo một
giá trị khác. Do vậy có thể nói, sự rung cảm đôi khi lại rất cần thiết
cho đời sống đạo đức. Nếu là một Phật tử chân chính hay là một tu sĩ
Phật giáo chân tu, thì làm sao bạn lại không rung động khi đọc những
đoạn mô tả khung cảnh trước khi Đức Phật sắp từ giã cõi đời, phải vậy
không ?. Theo tôi, đó là những xúc cảm quan trọng. Nếu không có nó, bạn
sẽ khó mà tiến bộ trên con đường tu. Nay nghe những lời thơ, tiếng hát
đong đầy tình người, chứa chan tình đồng loại, đầy ắp niềm cảm thương
đến cả cỏ cây hoa ngàn, suối chảy vô tình hay đá trắng vô tư của nhà thơ
Mặc Giang, tôi cảm nghe vạn vật không gian như đang ngừng lại, lắng đọng
và khóc cùng tôi, khiến tôi thay đổi cách nghĩ và hành xử, cụ thể là
sống tốt hơn, biết nâng niu và trang trải tình thương đến với mọi nẻo
đời.
Cứ sau khi mở
cho tôi nghe xong một bài, thì Nhà thơ lại hỏi : “cháu nghe có được rõ
không và cảm thấy thế nào ?”, và trước khi nghe từng bài, nhà thơ cũng
cho tôi biết về xuất xứ, rồi giải thích chậm rãi, chân thành và nhiệt
tình, từ đầu đến cuối.
Ông Cuội trong
câu chuyện cổ tích nhi đồng khiến cho trẻ thơ thấy rằng, Ông đâu phải ở
trên cung trăng cao xa với không tới, mà đã rời cung trăng dạo chơi
trong dân gian, kể cho các em nhi đồng nghe nhiều về các sự tích. Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni khi được dân chúng hoan hô là vị Thầy sáng lập Đạo
Phật, là Thầy cứu tinh của nhân loại, thì Ngài đâu phải ngồi trên tòa
cao, mà là đi khắp nơi, chăm sóc quan tâm diễn biến cảm xúc của mỗi
người. Đức Phật đã từng thân thiết ngồi xuống bên cạnh và giải thích,
khai đạo cho những người nghèo nàn cùng khổ, bị xã hội xa lánh ruồng bỏ.
Phải chăng chính vì vậy, trong vô hình trung, Đức Phật vốn đã vĩ đại,
lại càng vĩ đại hơn.
Chiều nay, tôi
bỗng thấy mình được ưu đãi như một thượng khách trong thế giới thi đàn
và văn đàn. Bên ngoài, hoàng hôn như đang chạy đua với thời gian, ánh
đèn của vài nhà bên cạnh đã chiếu hắt ánh sáng qua khung cửa sổ bên tôi,
và đâu đó, từng phiếm đàn đang được gảy lên cao vút với những nốt nhạc
của cung bậc tình thương, rồi hòa tan vào cỏ cây mây ngàn và hoa lá đơn
sơ. Tôi đứng lên rồi, nhưng vẫn còn cảm nghe văng vẳng bên tai tiếng nói
chuyện ôn tồn và giọng cười hòa ái khả kính Thầy Mặc Giang.
Mai này, dù con
ở bất kì phương trời nào, dù trải qua bao rêu mờ tuyết phủ sóng thời
gian, không hề được nghe lại âm tiếng của Thầy, thì con vẫn mãi nhớ về
Thầy ; giả sử có nghe bao lời dù đánh giá, phê bình, khen chê, hay tán
tụng tác giả Mặc Giang đi nữa, thì Thầy vẫn mãi trong con như ngày nào,
vĩnh viễn không bao giờ “thay vị đổi ngôi”. Chỉ cần nghĩ đến Thầy vẫn
đang khỏe mạnh ở một nơi nào đó trên năm châu bốn bể, là con thấy hạnh
phúc lắm rồi !. Mai kia, dù có sống trong cơ hàn bên mái tranh nghèo xơ
xác, hay trong nhung lụa bên dãy ngói đỏ tươi, thì con vẫn mãi tôn thờ
Thầy--- một người Thầy đại diện cho sứ giả tình yêu thương và triết lí
sống đẹp giữa cuộc đời ; giả sử con có làm quyền cao chức trọng, hay chỉ
là kẻ phục tùng mệnh lệnh “thì Thầy Mặc Giang vẫn mãi trong lòng con như
thuở ban sơ, trinh nguyên điềm đạm, cao sang mà hiền hòa bình dị, trang
nghiêm mà thân thiện khoang dung”.
Vẫn biết rằng,
thế gian là thống khổ, đời là một sự biến đổi tang thương, không có gì
đáng để bám víu, nhưng chính thời gian trong cuộc đời nhiều khi lại tạo
nên những giá trị bia đá sử xanh. Vì thế, hôm nay con chân thành cảm
kích hướng về Thầy, cầu mong sao Thầy luôn an lành và trường thọ, cho dù
trăm năm vẫn còn ngắn lắm, Thầy ơi !!!
*****************
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/tiepchuyen.htm