Tìm hiểu nhân sinh quan trong thơ Mặc
Giang
(Những vế, câu ở
trong ngoặc kép "", nhưng ngay trước và sau nó không nêu xuất xứ, cũng
là thơ của Mặc Giang)
Nguyễn Trần Nhất Sinh
Quan niệm, quan
điểm về bản chất hay nguồn gốc con người và vạn hữu, là thuộc triết học
hoặc siêu hình học, đã có những minh sư hiền triết trình bày dưới nhiều
quan điểm và dạng thức khác nhau. Tùy mức độ trí tuệ nhận thức của loài
người, mà quan niệm đó được nhìn nhận đánh giá thông qua những giá trị
khác nhau.
Trong dòng sống
không thể hình dung đâu là khởi thủy này, sự xuất hiện mỗi tư tưởng, vừa
được xem là sự tiếp thu một cách sâu sắc, thông minh, biết phân tích và
sáng tạo về triết lí nhân sinh, nhưng cũng vừa là một tư tưởng đột phá
tuyệt siêu. Tư tưởng đại diện trong một thời đại nhất định nào đó, tuy
được xem là sự thống nhất hài hòa của xưa và nay, tiền bối và hậu bối ;
thế nhưng giá trị sau cùng vẫn chính tùy thuộc trí tuệ sắc sảo nhạy bén,
biết suy tư và chiêm nghiệm một cách thông minh, sắc bén, thuần chính.
Từ góc độ này để nhận định đánh giá một tư tưởng lớn, thì dù muốn dù
không, cũng phải khẳng nhận rằng, tư tưởng thơ Mặc Giang đã chiếm một vị
thế ổn định sáng giá trong dòng tư tưởng viên dung giữa triết lí hiện
sinh và triết học tư biện. Xuyên qua ngòi bút kiều diễm, lời thơ thống
thiết, như đang chắp cánh bay vào cuộc sống để cải tạo cuộc đời của ông,
chúng ta sẽ có cơ hội có được cái nhìn, cách nghĩ cuối cùng độc lập
khách quan đối với tư tưởng thơ Mặc Giang.
Qua thơ ông, ta
thấy cái gọi là vạn hữu vũ trụ có mặt từ thuở hồng hoang, hay kiếp sống
con người lan trải rộng dài trên vạn nẻo đường, luôn trong trạng thái
diệt sanh, sanh diệt nhanh hơn dòng thác lũ. Sống và chết, chết và sống
là những cõi đời vô định phiêu lưu. Xưa nay, những biến cố hải chấn, địa
chấn và bao tai họa khác, làm hàng ngàn hàng vạn người "mới ngày nào
những ân tình trìu mến, mới ngày nào những bịn rịn chia xa" đột ngột đi
vào cõi chết đến não lòng, thì ai cũng sẽ thấy :
Sống và chết,
không kịp chia tích tắc
Có khi chết một
cái ào, tím ngắt
Có khi chết một
cái ào, im re
Có kinh chết,
một cái ào nín khe
Thật mơ hồ,
trông còn hơn mộng mị
(Mặc Giang, bảo
vệ hành tinh xanh)
Sự biến chuyển
từ mạch sống hân hoan trong dệt mộng ươm đời hạnh phúc, đến cái chết kêu
ông xanh không thấu, gọi bà dày không hay như thế, đúng còn hơn cả chiêm
bao. Trong thế giới đối đãi, mộng thì không phải thực, mà thực thì không
phải mộng, nhưng giờ thì không thể phân ranh xẻ giới. Vì "chết thật tình
mà nghe sao vô lí, ...mới đó mà trôi về một cõi lãng quên, mới đó mà
lung linh mờ cát bụi". Triết lí về vô thường biến hoại ở đây khiến ta ý
thức được, "trong hội ngộ đã sẵn mầm chia li...". Đồng thời với ý thức
này, người ta càng thấu biết "trong tích tắc, biết bao nhiêu sự chết,
chứ đâu cần một đêm với một ngày, chứ đâu cần một tháng với môït năm..."
Hình ảnh thân
thiết gần gũi sau chết chóc li tan, là một hiện trạng chua chát phủ
phàng, khiến con người thêm chán ngán về sức mạnh của vô thừơng, là hình
ảnh một chiều nào đó:
Đi trong nghĩa
trang chợt nhìn nấm mộ
Nắp quan tài vỡ
một lỗ tan hoang
Nhìn vào trong
tôi rún rấy bàng hoàng
Một đầu lâu với
xương khô vụn vỡ
...Nấm mộ kia
một thời nào kiếp trước
Nắm xương tàn
còn sót lại phôi phai
(Mặc Giang, vào
cửa tử tôi tìm về cõi chết)
Lối nhìn nhận,
quan niệm sâu xa thống thiết về lẽ sống như thế, biết đâu có ai đó trong
cõi diêm phù ngộ tưởng là cái nhìn thiếu lạc quan, buồn tẻ thê lương.
Sao không thả mộng hồn say phách tán cho chuỗi ngày hoan lạc dương gian,
mà lại trầm ngâm với nỗi buồn não nề cõi chết. Đâu không biết rằng, trốn
chạy, phớt lờ, không đủ nghị lực, không dám đối diện sự thật muôn đời,
khiếp sợ đến nỗi không dám nhìn, không muốn bàn, mất đi tiết khí chí
dũng trong đời, mới là bi quan. Tội nghiệp, và xót xa biết bao !!!...
Trong cái gọi là
"sống và chết gảy cung đàn bất tận" hay là "tử sinh hai nhịp vơi đầy,
cung đàn sống chết còn đây vô thường" ấy, là có cơ hội để con người tiếp
xúc với triết lý trong dòng sống chết luân lưu. Đó là tiếng chuông báo
động về luân hồi. Ý thức, ý niệm về luân hồi, là một trong những nét son
về triết lí hiện sinh nổi bật trong thơ Mặc Giang. Trình bày về triết lý
này, Mặc Giang nói :
Khi dòng sinh đã
bắt đầu chuyển mạch
Thì dòng tử mở
ra một
cõi đi về
Hoặc
Khi cõi sinh
hiện ra thêm một vệt
Thì cõi tử lại
trống mất một ô
(Mặc Giang, Tôi
bước đi giữa đôi bờ sinh tử)
Ông chỉ ra, sống
và chết chẳng phải hai cõi riêng rẽ phân thù sai khác, mà tương quan mật
thiết, bất khả phân giữa hai chỉnh thể đối lập, thống nhất trong mâu
thuẫn. Nó là một vòng tròn khép kín liên tục. Ngay khi mạch sống mới bắt
đầu hé nụ, thì mầm chết đã kết trái trên cánh hoa tàn. Để có một chúng
sanh thọ thai ở nơi này, thì trước phải có một chúng sanh ở chỗ khác qua
đời. Trong Vạn Hữu Trường Ca, phần "ma quỷ thân thương", Mặc Giang tả :
"kìa em bé vừa sinh ra đó, trên dương gian bỏ xó một người. Em cười mở
mắt sáng ngời, đã tan hồn phách của người trần gian." Em bé quỷ con mới
sinh ra đó, không ai lạ, mà chính là tái sinh thoát kiếp của một linh
hồn của kiếp người. Tác giả lại khẳng định thêm :
Sáu
nẻo xuống lên là chi nhĩ !
Bốn
loài sinh tử tợ chiêm bao !
Xa xưa như mới hôm nào !
Ngày
mai mờ mịt cớ sao đón chờ ?
( Mặc Giang,
Vạn hữu trường ca )
Trong mạch tử
sinh luân hồi, là hình ảnh của những kiếp thác thai bất định, hôm nay là
người, nhưng mai kia là kiếp sống thay hình đổi dạng trong mạch tương
lưu giao cảm của kiếp hữu tình. Con người sau khi chết không nhất định
tái sanh trở lại làm người, mà tái sinh xoay chuyển vào trong sáu cõi
bốn loài, bởi con người không phải là chúng sanh duy nhất. Do đó có thể
kết luận, "tử là điểm ngừng mà sinh là tinh ba xuất phát, linh tri đó
ứng tùy một thân khác, chiêu cảm cùng vạn hữu khứ lai ", và vì "khi đã
đi thì không phải là hai, nhưng khi đến là hai chứ không phải một, như
một bản trường ca tương tục âm thanh nhiều nốt...". Chết chỉ là đánh dấu
bước ngoặc chuyển tiếp trong dòng sống luân lưu vô tận, còn linh tri hay
linh hồn tiếp tục trong một đời sống mới, như mặt trời tuy lặn nơi này,
nhưng thực tế đang mọc ở nơi kia. Thì ra, "giữa tử sinh có sợi dây vô
hình kì diễm, như bản trường ca sinh tử vô cùng."
Thế nên, chết là
sự thể hiển nhiên đau thương ngàn đời hiển hiện, nhưng chỉ là huyễn hữu
như giấc mộng phù du, vì "lang thang từ kiếp luân hồi, mà không thật có
có luân hồi cưu mang, vẽ lên lối dọc đường ngang, lối dọc biến mất lối
ngang không về, tử sinh sinh tử lí hề ......" Cả nhân gian sinh tử luân
hồi thống khổ mà chỉ như một trò hề. Sau hiện tựơng sống chết ấy là cái
không từng sống chết.
Triết lý về sống
chết của nhà thơ Mặc Giang, cho chúng ta hiểu rõ, hai bờ sống chết là
trên cùng một mạch tương thông, mà ở đó đâu còn nghe tiếng gõ nhịp của
thời gian. Giá trị thời gian không thể thiết lập. Theo Mặc Giang, ý niệm
sanh và tử, chỉ là danh từ của tương quan đối đãi, trong những giả định
về thời gian. Xuyên qua đó, nhà thơ cũng đã chỉ ra, trong hiện tại cũng
có mặt xa xưa, và trong xa xưa cũng vốn đeo bòng cái hiện tại sống động
này đây, và tương lai càng không thể thiết lập và minh định. Thông qua
chuỗi luân hồi sáu nẻo, Mặc Giang cho chỉ chúng ta nhận thức được triết
lý về thời gian theo Kim Cang Kinh , là "quá khứ tâm bất khả đắc, hiện
tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc." Ý thức được sự tương quan
giữa ba khoảng thời gian ấy, là cơ sở để chúng ta càng hiểu thức rõ :
Mồ hoang
như ảnh ảo huyền
Thân
như bèo bọt nương thuyền phiêu du
Từ
trong cõi mộng âm u
Em
như điểm sáng thiên thu vẫn còn
(Mặc Giang, Vô tình tôi thăm Nấm mộ hoang Bé Thơ)
Em ơi ! buồn
khóc mà chi, tiếc thương mà chi ! Nấm cô mộ lạnh lùng đến tàn nhẫn ấy,
nào phải hình hài đích thực của em, nó chỉ là " ảnh ảo huyền". Em vẫn
còn mãi giữa thuyền đời vô tận đó nghe em, ! Tôi đã thấy rồi, em ra đi
lang thang từ ngàn xưa, và cho đến cả mai sau. Do đó nên biết, tuy là
"đường sinh tử đã mòn lối cũ, nẻo hợp tan đã phủ bao lần, bụi mờ rũ bóng
phong trần" , nhưng mà em và tôi vẫn chưa hề sống hay chết, vẫn là
"trăng sao chưa nhạt phù vân chưa nhòa." Đây hẳn là sự tương quan giữa
cái hữu hạn và vô hạn, giữa hữu hình và vô hình, giữa vật chất và phi
vật chất. Trong sanh diệt, tồn tại cái không từng sanh diệt, đó là chân
thể bất biến, là linh tri vĩnh hằng. Sống và chết có mặt trong nhau, là
sự tương quan :
...Sông
với nước chung đôi một bóng
Nước
với sông một bóng chung đôi
Trăm
năm cũng chỉ một đời
Nghìn
năm cũng chỉ một lời nước sông.
( Mặc
Giang, Vạn hữu trường ca )
Lìa sông thì đâu
còn nước. Không nước thì sao có thể thành sông. Sông nước chỉ là hai
khái niệm được thiết lập trên trục tương quan đối đãi. Thực chất là một
quan hệ đẳng thức. Trong sinh diệt có cái bất sinh diệt. Trong ra đi đã
có sự hứa hẹn trở về. Trong cõi đi về đã có sẵn ngày biệt li. Qua trình
bày triết lý về dòng sinh mệnh, Mặc Giang chỉ ra, không cần phải né
tránh cái chết, và đi tìm cầu sự sống, vì cả hai vốn có mặt trong nhau,
vốn có quan hệ "sông với nước chung đôi một bóng, nước với sông một bóng
chung đôi... sông đã có cớ chi nhớ nước, nước đã hòa một thể cùng sông."
Hiện tượng sóng đào bọt bèo phập phều của sông vốn không tách rời bản
tánh bất biến của nước. Cái hạn hữu sinh diệt diệt sinh theo thời gian
và ý niệm, nào có cách biệt với cái bất sinh diệt.
Vậy nên, chớ khi
sinh ra mới bảo là có, chớ khi chết rồi mới nói là không, vì "có từ thuở
hồng hoang mờ ảo, tán từ thời tuyệt xảo lân tinh, mờ mờ ảo ảo dáng hình,
có không không có lưu linh vậy mà." Nên nếu bảo rằng không, thì phải
không ngay lúc ra đời . Nếu nói có thì phải ngay khi không. Ý niệm về
"có- không", không nên để bị đánh lừa bởi thế giới hữu hình, vô hình,
hay bởi kiến văn giác tri thường thức. Mặc Giang còn chỉ rõ thêm, "sinh
là lúc từ không ra có, tử là thời từ có ra không, có không một thể tương
đồng, duyên còn ta có đến không ta về" .Vì "có không một thể tương
đồng", nên chớ khi sanh mới nói là có, khi chết rồi mới nói là không. Cả
hai đều vần vũ có mặt trong nhau. Hiểu được vậy, cũng chính là lúc ta
huênh hoang hát lời ca trên đồng hoang sinh tử:
Từ trong cát bụi
tử sinh
Ta xin nhớ lại
bóng hình của ta
Từ trong tỉnh
mộng đêm qua
Ta xin nhớ lại
quê nhà xưa nay
(Mặc Giang, Ta
đây, hiện hữu vô cùng )
Do thông suốt lẽ
sinh tử, nên nơi đây, Mặc Giang đã chỉ rõ thêm, lặn hụp chơi vơi trên
từng nhịp bước tử sinh như sự chuyển tiếp của sóng mòi, như cát bụi hư
nát phủ mờ dòng sông, thế nhưng bản tánh chân thân chưa từng biến chuyển
đổi thay. Ra đi biền biệt trong dặm trường tử sinh, nhưng ta nào có ra
đi, mà đã và đang trở về với ngôi nhà chân thể. Thế nhưng trở về mà thật
sự đâu có trở về, vì có ra đi bao giờ đâu mà trở về. Ngôi nhà quê hương
xưa ấy vốn ở ngay trong mọi sinh linh. Từ đó, sẽ vang vọng "tiếng hát
chưa tan" :
Tôi đi từ chỗ
không đi,
Luân hồi
không đến ngại gì có không
Tôi đi pháp
giới rỗng không,
Tôi về vạn
hữu hằng còn hiện ra
(Mặc Giang,
Sắc không mỉm nụ vô
cùng)
Tại đây, quan
niệm về nhân sinh và vạn hữu của thi hào Mặc Giang đã đưa chúng ta đi
sâu thẳm hun hút tận cùng của lối về tĩnh lự, để phóng cái nhìn sâu thẳm
vào diệt sanh của dòng đời, vào hữu hạn của kiếp người. Con người lù lù
một đống ấy vì không thật có, nên nói rằng sinh ra từ chỗ không sinh, mà
chết đi cũng chẳng phải đi vào cõi lung linh ảo huyền. Đi hay về, sống
hay chết, chỉ trên cùng một mạch tương thông lưu cảm, nào có ngại gì
"có" với "không". Pháp giới còn đó nhưng lại hằng rỗng không, vạn hữu
rỗng không nhưng không khi nào không hiện hữu. Từ trong hữu thể mà thấu
đạt vô thể, từ trong hữu cùng mà thấy rõ vô cùng, nhà thơ lại dẫn chúng
ta trên lộ trình đi về "nguyên sơ, còn đó bóng hình" :
Vỡ toang,
chấn động ba ngàn
Mười
phương thế giới chưa tràn chân lông
(Mặc
Giang,Ta đây, hiện hữu vô cùng )
Cả vũ trụ mênh
mông, càn khôn mười phương thế giới khôn cùng như thế, nhưng lại nhét
chưa đầy một chân lông. Theo chiều hướng tư duy thông thường, sẽ thấy
thật qúa vô lý, nghịch biện, làm cho choáng voáng, vo đầu bóp trán. Thế
nhưng nhà thơ Mặc Giang chẳng phải chỉ nói rõ sự thật muôn đời, chân lí
vĩnh hằng đó sao. Ba ngàn cõi nước và mười phương thế giới chỉ là có ở
hiện tượng phù phiếm huyễn hóa, như hoa đốm trong hư không, bởi lý thể
nó là không. Nhờ "không" mà thiên hà đại địa và con người có mặt. Lìa
"không" thì ngay một vi trần cũng không thể tựu thành. Pháp giới tuy
thiên hình vạn trạng, nhưng thực chất không thể nắm bắt và khái niệm. Do
đó "mười phương thế giới chưa tràn chân lông" chính là triết lý "sắc
chẳng khác không, mà không cũng chẳng khác sắc". Tuy như thế, nhưng thực
ra nhân sinh và thế giới quan của nhà thơ chẳng phải dừng lại ở chỗ minh
định sự không khác nhau giữa không và sắc, mà chính đang triển khai tư
tưởng biện chứng về mối quan hệ tương tức tương nhập, mở ra một " cõi đi
về" trong vô thỉ vô chung, đó là "sắc tức là không", và "không cũng tức
là sắc". Đó chính là thông điệp của "pháp huyền vi có mặt từ nhịp bước
vạn đừơng... có với không thật ra chỉ một chữ, không với có thật ra chỉ
một lời" . Từ đây, nhân sinh quan của nhà thơ như nhắn gởi cho nhân loại
hiện tại này và mai sau khúc ca chứng đạo bay vào cát bụi của kiếp
người, là "đã không thì mấy cũng vừa, có thì một điểm cũng thừa mà
thôi"
Thông qua nguyên
lí sắc không ấy, nhà thơ đã mang lại cho con người cái nhìn triệt để tận
cùng huyền vi. Con người và vũ trụ vạn hữu chỉ sanh diệt còn mất trong
thế giới hiện tượng, còn bản thể thì chưa từng sanh hay diệt, đến hay
đi....... Chính nó tự tiêu dung trong những phạm trù khái niệm đối lập.
Thế giới và nhân sinh vốn tồn tại từ vô thỉ, nhưng cũng chính là vừa
xuất hiện ngay trong đương niệm. Tất cả vạn hữu trải dài trong vô tận,
không ngằn mé, nhưng cũng chỉ là nhét chưa đầy chân lông cọng tóc mà
thôi. Chúng ta thấy rõ ràng, trong quan niệm về nhân sanh vạn hữu, nhà
thơ Mặc Giang đã vo tròn đơn vị không gian và thời gian thành một khối
"nhất chân", không tìm đâu ra, nhưng không đâu mà không có. Không đâu
không có nhưng lại là mất hút tự ngàn xưa và chưa từng lên tiếng bao
giờ.
Ngay khi nói,
"sắc chẳng khác không", là trong thâm ý Phật Tổ đã muốn nói "sắc tức là
không" rồi. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ lại đưa ra luận thuyết về sự
tương quan giữa sinh tử và không sinh tử, giữa hiện tượng và bản thể,
hay nhân sinh là vô thường biến chuyển, luân hồi, khổ đau, không thực
có. Mục đích tối hậu mà nhà thơ Mặc Giang, chính là muốn chỉ ra cho con
người, muốn thắp sáng cho cuộc đời là nguyên lí duyên khởi của sự vật,
đó là một chuỗi móc xích liên hệ vô cùng, cái này có nên cái kia có, cái
này không thì cái kia không. Vì mang tính chất duyên khởi, nên vô ngã vô
thường khổ đau và luân hồi. Vì duyên khởi nên tánh vạn pháp là không.
Tánh của vạn hữu là không là vì duyên khởi.
Nhờ sự chiếu rọi
của ánh sáng duyên khởi, con người mới hiểu rõ, sinh tử sở dĩ có mặt là
do sự khơi đôïng của sơ niệm vô minh, là sự khơi ngòi của tiến trình
luân hồi và khổ đau. Cho nên nói rằng, vô minh, là cái bất giác đầu tiên
trong tiến trình duyên khởi của dòng sống. Mà những gì được vận hành
dưới nguyên lí duyên khởi thì không thật. Nên vô minh không có cái ngã
tồn tại biệt lập, vì vậy có thể chuyển hóa. Chỉ khi nào chuyển hóa hay
chấm dứt vô minh, mới chấm dứt mọi tiến trình sống chết. Vậy, đưa ra cái
nhìn về sự tương quan giữa bản thể và hiện tượng của dòng sinh mạng con
người, nhà thơ Mặc Giang muốn không những chỉ có chỉ ra cho con người
hiểu rõ bản chất dòng sống là duyên sinh, không có một cái ngã độc lập,
mà còn muốn nói rằng, trần gian là hoàn toàn có thể cải tạo chuyển hóa,
khổ đau có thể chuyển thành an lạc.
Từ những gì đã
đề cập khái quát sơ lược trên, chúng ta thấy nhà thơ Mặc Giang có cái
nhìn thẩm thấu, trầm thống, sâu sắc về những giá trị vĩnh hằng và khiếm
khuyết của nhân sinh. Cái nhìn này đương nhiên đã được sàng lọc qua sự
phân tích hợp lý, thực nghiệm, kinh nghiệm sâu dày của con tim và khối
óc. Con tim đã từng rung lên từng nhịp đập yêu thương
cuộc
đời, khối óc đã bao kiếp rồi thẩm thấu liễu tri những vụn vỡ thành hoại
của dòng sống. Từ đó, cho chúng ta càng thấy rõ, nhân sinh quan của ông
hơn lúc nào hết, cần được tư duy phân tích một cách chín chắn, siêu việt
những giá trị khoa học thường thức, để đi đến tiếp nhận như không khí và
hơi thở. Nếu không, thì những giá trị quý báu chân thực về quan niệm
nhân sanh sẽ đi vào hư ảo méo mó, rỗng không và tụt hậu.
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/timhieunhansinhquan.htm