Tình cảm là yếu tố cơ bản của
thơ, còn
thơ là nhạc phẩm ngưng đọng mà
nhạc khúc
được trổi từ cung đàn
tâm, là người bạn tri âm của tâm hồn biết thương cảm. Thơ xuất phát từ
cái nhìn cô đọng sâu lắng của thi nhân về cuộc đời. Thi ca luôn như bản
hùng ca băng vượt không gian thời gian đi vào lòng người chuỗi rung cảm
chân tình. Cảm xúc sáng tạo trong thơ ca sóng đôi với tình cảm. Tình cảm
càng lớn mạnh, hồn thơ càng mãnh liệt trong sáng và cảm xúc càng xuất thần.
Nội dung nghệ thuật và tư tưởng thi ca là sự phúc đáp chính xác, là hình
chiếu là bản sao của tình cảm. Thế nên thơ là hồn thiêng của tâm, của
núi sông dịu vợi, là lẽ sống miên trường. Lê Quý Đôn cho rằng “thơ xuất
phát từ trong lòng người ta”. Còn Ngô Thì Nhậm thì nhấn mạnh “hãy xúc động
hồn thơ cho ngọn bút có thần”. Xuất phát ra như thế nào và sao lại xuất
phát; xúc động thế nào để thần xuất hiện trong thơ, là điều cần
tìm hiểu. Ý kiến Lê Quý Ðôn vừa là lời nhận định, cũng vừa là lời khuyến
tấn thi ca và cuộc sống, là sự nhấn mạnh vai trò tình cảm và thần khí
trong thi ca.
Nói thơ xuất phát từ trong
lòng người ta, là Lê Quý Ðôn chú ý đến vai trò và ý thức chủ thể sáng tạo.
Thơ văn là sản phẩm của con tim và khối óc. Bản chất nghệ thuật trong
thi văn không tách rời chủ thể sáng tạo. Thế nên vai trò chủ thể sáng tạo
là đầu mối tiền đề tạo nên giá trị nội dung và bản chất nghệ thuật trong
thi ca.
Khi rõ thơ là người bạn trung
thành đồng hành với cuộc sống, đã bao lần khắc đậm trên chiếc trống đồng
muôn thuở thời gian, rung lên từng điệu hoà nhịp trữ tình, thì Ngô Thì
Nhậm nói: “Mây gió cỏ hoa xinh tươi kỳ diệu đến đâu, hết thảy đều từ
trong lòng mà nảy ra”. Có nghĩa đẹp xấu của hoa lá chỉ phụ thuộc cảm nhận
của con người mà thôi. Tách hồn thơ, rời tình cảm, thì đẹp xấu xinh tươi
của hoa lá đều vô nghĩa. Thế đó, tình cảm giữ vai trò quan trọng trong
thơ, nên nói đến thơ ca tức nói đến tình cảm và cảm xúc sâu lắng, nó là
linh hồn, là sinh mạng của nếp cảm nghĩ và lối suy tư của người nghệ sĩ.
Cuối cùng, thi văn bao giờ cũng là sản phẩm hiện thành nhào nặn rút tỉa
từ cảm xúc, từ ý tưởng và tư duy vừa lý tính vừa cảm tính về cuộc sống.
Sách nói rằng, “rung động là
khởi điểm của sáng tạo, không có rung động, thơ chỉ có phần xác mà không
có hồn”. Đúng vậy, thi ca giản đơn mộc mạc và có hồn nhất luôn có sự hòa
điệu nhịp nhàng với nhịp đập cảm xúc. Nó biểu hiện rõ nét tâm hồn để thơ
trào ra đầu bút, cho ngọn bút tung hoành dọc ngang mà vẫn gõ lên từng
cung bậc nhân tính. Giá trị tình cảm trong thơ mang phong cách và thái độ
tình người của thi nhân trước mọi cảnh đời. Khi hồn thơ càng lắng sâu
thì tình cảm biểu hiện trong thơ càng trong sáng; và chính lúc tình cảm
trào dâng, là lúc thi nhân cho ra đời áng thơ quý giá. Một thi nhân nói:
“Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người trước cuộc đời,
trước những gì diễn ra xung quanh mình, là tiếng nói tâm hồn con người
trước con người và đất trời…thơ là đồng điệu”. Nghĩa là thơ đã được đồng
hoá bởi những cảm xúc, hay chính những cảm xúc chân thành đã chắp cánh
cho hồn thơ; một phen hồn thơ được bộc lộ tức là một lần cảm xúc được
tháo tung bằng tình cảm đơn sơ thâm thiết, gắn liền với con người và thế
cuộc.
Bằng rung cảm chân thành, cảm
xúc trào dâng, nhà thơ Tế Hanh gởi gắm tình yêu quê hương đất nước, dòng
sông, con đò, gốc đa..., có khi gắn liền với tuổi thơ:
....Hỡi con sông tắm cả
cuộc đời tôi
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
….Tôi giơ tay ôm nước vào
lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ
Vì tình yêu quê tha thiết,
cuối cùng quê hương nơi chôn nhau cắt rốn với thi nhân trở thành tổng
thể hợp nhất. Bây giờ quê hương trong ông là mía là đường, là bài ca, là
hơi thở, khiến thi nhân cảm thấy quê hương là hương thơm vị ngọt mãi đến
vô cùng, nên dù xa quê thì tình Bắc Nam vẫn luôn trọn vẹn sánh đôi, như
rẽ nước hai ngã cùng về một cội nguồn xưa:
Tôi hôm nay sống trong lòng
miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim
thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng miền Nam
…Tôi nhớ cả những người không quen biết.
Yêu quê sâu sắc nhưng nhẹ
nhàng kín đáo của Tế Hanh đã bộc lộ rõ qua hình ảnh “con sông quê
hương”, hình ảnh gần gũi gắn liền với làng quê và biểu tượng của nguồn
sống thực. Thế đó, tình cảm là nòng cốt, là chủ đạo để thi ca ra đời.
Tình cảm ấy cố nhiên đóng vai trò quan trọng tiên quyết của thi ca, là
nguồn cảm hứng duy nhất, khởi đầu cho tài năng sáng tạo.
Còn thể hiện tình người, một
thi nhân viết:
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời…
Thơ nếu chẳng bắt nguồn từ
cảm xúc, tình cảm chân tình, thì chỉ là sự chợt ngẫu hứng, là trò sắp
chữ, cách gieo vần... và sao được mệnh danh là thơ!. Những bài
thơ nhiều tình cảm đòi hỏi một tâm hồn cảm xúc, một tình thương khoáng
đạt. Nếu không có tình cảm chân thành với quê hương, với con người thì
làm sao có thể “để tình trang trải với trăm nơi…”. Ta bắt gặp ở đây thứ
tình cảm trong sáng, lạc quan, phóng khoáng, một thứ tình cảm gợi mở
trong lòng độc giả sự cảm thông rộng lượng, xem tất cả là anh em mà
không kỳ thị chia rẽ, không “chia biệt người thành từng xứ cô đơn”.
Mọi cảm hứng và xúc cảm sáng
tác trong thi ca đều bắt nguồn từ yếu tố tình cảm. Cũng cần hiểu rằng
chính nhờ tình cảm mà ý thơ đôi lúc tỏ ra dứt khoát, cứng rắn, dõng dạc,
khí thế và sôi nổi, nên Ngô Thì Nhậm nói: “Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn
bút có thần”. Ngọn bút xuất thần của Phạm Ngũ Lão là:
Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh át sao ngưu…
Và Nguyễn Trãi trong Bình
Ngô Đại Cáo nói:
Ngẫm thù lớn há đội trời
chung
Căm giặc nước thề không
cùng sống
Lời thơ phú tràn trề sức
sống mãnh liệt, chí khí, nghị lực và rất “thần”. Thái độ dứt khoát,
quyết chiến đấu đến cùng với đôi vai vững chãi vươn về phía trước, lèo
lái chỉ hướng cho vận mệnh dân tộc. Tất cả nghĩa cử và khí thế của người
chiến sĩ ra trận đều bắt nguồn từ tình cảm trong sáng, lành mạnh, biết
“nhìn đời bằng ánh mắt chân tình”, biết rung lên từng hồi cảm xúc, biết
thương và bảo bọc giữ gìn chân quê. Cũng chính nhờ vì ý thức này mà
Nguyễn Ðình Chiểu trong Văn tế nghĩa sĩ bày tỏ thái độ đối với
quân thù:
“Bửa thấy bòng bong che
trắng đốp, muốn tới ăn gan;
Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ”.
Còn Nguyễn Trãi trong Bình
Ngô đại cáo thì lên án kẻ thù:“Nướng dân đen trong ngọn lửa hung tàn,
vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ, dối trời lừa dân đủ muôn nghìn kế, bại
nhân nghĩa, nát cả trời đất…”.
Khi thơ hay văn tế đã có
“thần” thì sẽ là bức thông điệp kêu gọi bảo vệ hoà bình, là vũ khí tối
tân giáp mặt quân thù. Thơ có “thần” cũng là vần thơ tải đạo. “Văn dĩ
tải đạo” là quan điểm, chủ trương nòng cốt của người có trách nhiệm với
vận mệnh đất nước. Xúc động hồn thơ của Nguyễn Trãi đặt trên nền tảng
nhân đạo sâu sắc. Ông chọn “dân đen” và “con đỏ” làm đối tượng chính khi
vạch trần tội ác quân thù. Qua đó cho thấy, “ngọn bút có thần” của Trần
Quốc Tuấn hay Nguyễn Trãi và Nguyễn Ðình Chiểu đều là ngọn bút hóa thân
từ cảm xúc.
Cần chú ý, tình cảm chủ đạo
trong sáng tác thơ văn không chỉ thuần tuý ở mặt tình cảm, mà lý trí
cũng đóng vai trò quan trọng bất khả phân. Tình cảm và lý trí không thể
tách rời nhau mà tồn tại. Thiếu một trong hai thứ thì cuộc
đời sẽ mù tối và khổ đau. Cả hai luôn quyện lẫn hòa hài nhau, là
nòng cốt khiến thơ hoàn thiện hơn về nghệ thuật, mạnh mẽ về chính khí,
chân thành về tình cảm, trong sáng về ngôn từ và hình ảnh…
Tuy rằng lý trí trong thi ca
phải được sóng đôi với tình cảm, cả hai đều là chất liệu bổ sung nhau để
thơ văn thêm mãi phần giá trị. Thế nhưng lý trí đây không phải để áp chế
tình cảm, đối kháng với cảm xúc, mà lý trí nhận định mức độ và xu hướng
của cảm xúc. Còn tình cảm trong thi ca không phải là tình cảm bế tắc
không lối thoát, u sầu bi quan, mà có sự chiếu rọi của lý trí. Vì thế
tình cảm trong thơ văn không bị đóng khung trong bế tắc nhận thức mà là
tình cảm và thái độ sáng, vạch ra hướng đi mới. Kết hợp tình cảm và lý
trí, nhà thơ Chế Lan Viên nói:
….Ôi!
Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông.
Như vậy cũng chính nhờ ông
từng thầm bảo “Ôi, Tổ quốc ta yêu như máu thịt, như mẹ cha ta như vợ như
chồng”. Cho nên chọn lấy cái chết mà tổ quốc giang san khắc ghi
mãi tên người. Chết để cho ngôi nhà tranh của mẹ tươi sáng mãi
những chiều thu, cho ngọn Trường Sơn mãi sừng sửng trầm hùng gào thét
giữa gió lộng mây ngàn, chết cho biển Thái Bình mãi uốn khúc, rạt rào
trong xanh giữa đôi bờ quê hương dịu ngọt. Chế Lan Viên đã xác định
hướng của cái chết nếu cần, không phải là chết tủi nhục, thất bại bi
quan, chán đời vô nghĩa, mà chết cho tình tự quê hương đi về vô chung,
cho non sông thêm gấm lệ kiêu hùng. Cho thấy nhờ tình yêu quê hương đầy
ắp như sóng vỗ triều dâng, nên thi nhân xem cái chết nhẹ tợ lông hồng.
Và cũng nhờ thi nhân cảm thấy “nếu lịch sử chọn tôi làm điểm tựa, vui gì
hơn làm người lính đi đầu, trong đêm tối tim tôi làm ngọn lửa…”.
Còn một thi nhân đương đại
với nhiều bài thơ tuyệt tác, thì chất “tình” và chất “thần” thể hiện ra
làm sao. Trong Mai tôi đi rồi, Mặc Giang thiết tha căn dặn:
Mai tôi chết, không cần
thờ linh vị
Đem đốt
đi, tro bụi rải quê hương
Tro
bụi bay trên khắp mọi nẻo đường
Mà khi sống, đoạn trường
đeo không dứt
Tại sao? Tại sao lại chọn
cách an táng đặc biệt này cơ chứ? Trong khi hầu hết người trên thế gian
đều muốn có một bia tháp lăng mộ, một nơi an nghỉ cuối cùng thật đẹp, có
địa thế khả quan, lưu tên tuổi và dấu tích hiển hách xông pha của một
thời oanh liệt. Thế mà tại đây thi nhân hoàn toàn ngược lại, chỉ cần máu
thịt và linh hồn mình được đi khắp mọi nẻo đường quê hương, để ôm ấp
trọn vẹn từng mảnh đất, từng hơi thở quê hương cho thỏa lòng ước nguyện.
Dệt nên tâm nguyện này cũng chỉ vì thi nhân đối với quê hương thì “khi
sống, đoạn trường đeo không dứt”. Mỗi nét chữ thi nhân “hóa tâm hồn”.
Chưa đủ, tác giả còn đưa chúng ta đi xa hơn để thấy tình cảm trong thơ
ông là một yếu tố tất yếu tồn tại và xuất hiện song hành nếp suy tư,
mạch xúc cảm. Người thơ Mặc Giang lại thêm một lần nữa không ngần
ngại:
Mai tôi chết, thả lên
rừng gió lộng
Gió mang đi, thét núi
khiếp oai linh
Dãy Trường Sơn ôm ấp
trọn bóng hình
Sóng biển Đông vỗ điệp trùng non nước
Chẳng màng gì sau khi nhắm
mắt xuôi tay, chỉ mong cứ theo mãi với gió núi bao la và biển sông bạt
ngàn để hát mãi khúc hát tự tình non sông bằng lời ca thiên cổ vĩnh hằng.
Cho nên “thét núi” theo tâm nguyện
của thi nhân chính là lời thệ nguyện kiên trinh, là sự bất tử của linh
hồn, là sự sống mãi với từng ngọn cỏ cây lau và cát đá núi sông của quê
hương Lạc Hồng.
Sở dĩ chất tình được
thể hiện sâu đậm hằng nguyên và kiên trinh như thế, chính là nhờ sự cảm
xúc về quê cha đất tổ trong thi nhân luôn được thiết lập trên nền tảng
tri ân và báo ân, nhờ đó tạo nên một nghĩa cử của lòng son không ngừng
băn khoăn lo nghĩ. Có lần Mặc Giang chân thành thốt lên:
Nhìn qua hình ảnh quê mình
Đọc trang Sử Việt nặng tình
nước non
Nơi đâu cũng có dấu son
Nơi đâu
cũng có gợn hồn núi sông
Nhìn qua hình ảnh quê
hương
Đọc trang Sử Việt vấn
vương tự tình
(Đọc trang Sử
Việt)
Trong mắt thi nhân, quê
hương chốn nào cũng đẹp, nơi nào cũng xinh, ở đâu cũng nặng tình. Tấm
chân tình có được nhờ lòng tri ân này mang lại cho thi nhân niềm tin yêu
cuộc sống, mà ở đó hồn sông núi luôn là nguồn giao cảm giữa quá khứ và
hiện tại, giữa cái đã mất và cái đang còn, giữa tổ tông và hậu duệ. Tự
tình quê hương ở đây cho ta thấy rõ đó là một tâm hồn, một khối óc, một
nỗi lòng đong đầy một hướng sống chân tình, tha thiết, gợi mở và sẵn
lòng hy sinh. Điều này khiến thi nhân cảm thấy mỗi lần “đọc trang sử
Việt” là mỗi lần “vấn vương tự tình”. Tự tình giăng bủa khắp châu thân
và kéo dài hun hút thăm thẳm đến cả cuộc đời, cho đến sau khi thân tàn
khí tuyệt, như thi nhân đã nói “Mai
tôi chết, thả lên rừng gió lộng. Gió mang đi, thét núi khiếp oai linh…”
Qua đó càng cho thấy rõ tình
cảm là yếu tố nòng cốt, là linh hồn , là mạch sống, là hơi thở của thi
ca; chính nhờ nó mà lời thơ, tứ thơ, hình tượng trong
thơ trở thành biểu tượng của tư duy,
tình và cảnh trở nên hòa nhịp tự nhiên, sống động lâng lâng hồn xúc cảm.
Ðể một hôm nào đó thi nhân tự tình:
Anh về thăm lại tình quê
Nghe hồn sông núi vỗ về
cảm giao
Mỗi bước đi, một tự hào
Mỗi bước chân, một rạt
rào nhớ thương.
Chính nhờ tình cảm mà hồn
thơ này rất lắm khi nổi trội yếu tố “thần” và “khí”, là sự trung trinh,
tiết liệt:
Lịch sử huy hoàng nước
Việt Nam
Muôn năm rạng rỡ đất
trời Nam
Hùng thiêng sông núi hồn
dân tộc
Tọa thị phương đài đã định
ban.
(Non nước Việt Nam)
Là sự khẳng định quyền tự
chủ của đất nước, sự phân định ngay từ thuở xa xưa. Ở đây rõ ràng còn
ngầm sự thách đố ý đồ đen tối nếu có của ngoại bang, nếu chúng bay còn
lăm le dòm ngó thì đừng trách ta không khách sáo. Ta khẳng quyết từ lâu
rồi mà...Tổ quốc
trời Nam thật vĩnh nhiên. ..Uy nghi lẫm liệt khí hùng thiêng…/ …Tim sắt
gan chì thanh sử kê. Thân tử khí hùng luôn bất tử/ …Đội trời, đạp đất,
sống hiên ngang,
hay Cương quyết không
tha bọn bá quyền.
Khí chất tựu thành từ nung
sắt luyện thép, nếm mật nằm gai của dân Việt khiến ngọn bút có thần
của Mặc Giang lại như thêm Phù Đổng vươn mây:
-
Dõng dạc tuyên
ngôn Nước Việt Nam
-
Hùng anh lẫm
liệt giống da vàng
-
Hiên ngang
bất khuất không hề khiếp
-
Quật khởi
quật cường chống ngoại xâm
Ðọc Mặc Giang, cho thấy
chất tình và chất khí trong thơ ông là chất men, là
chất xúc tác của thi ca. Tình cảm và thần khí nhen
nhúm lên ngọn lửa ấm nồng sưởi ấm hồn thi sĩ, đồng thời cũng là
huyết mạch luân lưu bồi đắp sinh khí cho hệ tim mạch cuộc đời và thi
phẩm.
Qua đó cho ta
thấy, khi thi ca xuất hiện cũng là khi tiếng nói của tình và lý lên
tiếng. Thế đó, thơ ca chân chính đúng nghĩa là tặng phẩm của tim và
óc, nên sẽ đi vào lòng người ấn tượng đẹp, những rung cảm sâu hun
hút giữa cõi sắc không. Ở đó mở ra một lối về, lối về của sự minh
triết chiếu rọi trên thi đàn và nguồn tâm.
Nói chung, thơ ca bắt nguồn từ tình cảm và sự khí
khái đường đường oanh liệt. Nói cách khác, tình và thần là chủ đạo, là
nòng cốt của thơ ca. Thơ đúng nghĩa là tiếng nói trung thực, là bạn tri
âm của tâm hồn thi nhân khí tiết. Tình cảm và rung động là khởi điểm của
sáng tạo. Tình cảm không hạn cuộc và đóng khung riêng tư mà là tình cảm
của muôn người, muôn xứ. Đôi lúc hồn thơ đặt trên lợi ích và cống hiến
cho non nước, nên thơ trở nên rất có thần. Tuy nhiên, tình được biểu
hiện trong thi ca sóng đôi với lý trí. Lý trí để nhận định, tình cảm để
bày tỏ cảm xúc. Hồn thơ càng sáng, lý trí trong thơ càng rõ, và tình cảm
cũng không thua kém vậy.
Chúng ta và thế hệ tương lai
cần biết gìn giữ và bảo lưu giá trị văn hoá tinh thần của dân tộc. Ngay
giờ nên xác định vai trò thơ ca trong nền văn hoá nước nhà để có nhận
định và hành động đúng trong việc chọn lựa những giá trị thiêng liêng
của văn học và văn hóa.
Tháng 3-2009
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/tinhvathan.htm