Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
 Lại trăn trở cho ‘Giác Ngộ’
Nh. Th.

Sau khi viết bài "Những ý kiến xung quanh bài viết Những nẻo đường du học" được trang Chuyển Pháp Luân và Đạo Phật Ngày Nay đăng, chúng tôi hy vọng các biên tập viên báo Giác Ngộ đã nhận thức ra được sai lầm của mình. Trái với những gì chúng tôi suy nghĩ, chúng tôi vô cùng đau lòng khi thấy bài "Đôi điều trăn trở về thực trạng du học” của Phúc Đoàn tiếp tục chường mặt trên tuần báo ‘Giác Ngộ’. Chúng tôi lấy làm lạ khi một tờ báo đại diện cho tiếng nói Phật giáo đã bị các biên tập viên biến trở thành một tờ báo lá cải như thế, làm ảnh hưởng xấu đến thanh danh của Ban biên tập. Hay là chúng tôi quá ‘lý tưởng hoá’ mà ‘ưu ái’ đối với tiếng nói của Phật giáo trên ‘Giác Ngộ’ để rồi lại thất vọng thảm thê khi ‘một con sâu làm rầu nồi canh’ như thế?!

Chúng tôi hầu như vô cảm khi thấy bài của Phúc Đoàn trên mạng Chuyển Pháp Luân, vì đây là trang Web của cá nhân TT Thiện Bảo. ĐĐ Thanh Chương coi đó là ‘thông tin loại lá cải không đáng quan tâm’. Song, theo tôi, qua cách đăng tin, bạn đọc biết được quan điểm, ý thức hệ của Webmaster trang nhà này. Những bài viết nào phù hợp với suy nghĩ, tâm tư của Webmaster thì đương nhiên có mặt. Đó là ‘quyền’ tự do của mỗi người mà! Tiếc thay!...

Tuy nhiên, một khi bài viết này xuất hiện trên tuần báo Giác Ngộ thì có nhiều điều đáng trăn trở lắm! Thầy thư ký và các biên tập viên Báo ‘Giác Ngộ’ đã làm cho tuần báo này thành tờ báo lá cải không? Nhìn lại mấy số báo qua, chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời. Số 250 đã đăng một bản tin với hình thức không đứng đắn, nội dung xuyên tạc sai lạc trầm trọng với cái nhìn thiển cận. Người đăng tin với quan điểm đố kỵ, ganh tỵ, với động cơ chia rẽ, bỉ thử, với tâm ý bất thiện, chỉ thấy cái lợi trước mắt của bản thân mà quên đi tiền đồ Phật pháp, với ý đồ ‘vô tình’ một cách ‘cố ý’ để rồi làm tổn thương đến Phật pháp như vậy là một ‘thực trạng’ đáng ‘trăn trở’.

Ở đời, ‘lật áo cho người xem lưng’ đã là tệ. Ở Đạo, còn tệ hại hơn. Thế nên không còn ngôn ngữ nào có thể diễn tả được nữa khi lật áo lên rồi, tự "vẽ ngoằn ngoèo" trên lưng rồi chỉ cho thiên hạ mà nói rằng đó là "sẹo!" Đau đớn biết chừng nào?!

Thế mà thầy thư ký thiếu lương tâm chưa chịu dừng lại ở đây. Số báo 254 tiếp tục đăng bài “Đôi điều trăn trở về thực trạng du học” của Phúc Đoàn. Bài này còn tệ hơn bài ‘Thư gửi từ Delhi’ và tỏ lộ ý đồ đen tối, sự toan tính, lo xa đến mức thừa thải của người viết mà chỉ có người thế gian tâm ý hạ liệt mới bận lòng đến. Đây là hành động thiếu chánh kiến của người có tâm hồn đen tối, ích kỷ nhỏ nhen. Đến mức này thì cả ‘trăm ngàn điều trăn trở về thực trạng’ của tờ báo ‘Giác Ngộ’ hiện nay chứ không phải đôi điều nữa rồi!

Bạn đọc ‘Giác Ngộ’ là những ai?

Đạo Phật là một tôn giáo dành cho tất cả mọi người, phù hợp với đủ các căn cơ. Do đó, một tờ báo Phật giáo nên thể hiện và phát huy tinh thần độc đáo này của giáo lý Đức Phật qua những bài viết đăng trên báo. Liệu ‘Giác Ngộ’ đã làm được điều này chưa? Nếu tiếp tục đăng những bài viết ‘dzỏm’ như những số báo gần đây, ‘Giác Ngộ’ vô hình trung tự hạ thấp đến tận đáy những giá trị, uy tín mình gầy dựng được từ bấy lâu nay. Trước đây, độc giả ‘Giác Ngộ’ có thể trải rộng trong nhiều tầng lớp quần chúng, nay ‘Giác Ngộ’ sẽ tự co mình thu hẹp lại để phục vụ cho một số ít người chỉ muốn biết chuyện lạ tai đây đó mà không cần quan tâm đến tính chính xác của vấn đề. Hay là ban thư ký báo Giác Ngộ tập đã bắt đầu học theo cách kinh doanh của nhiều tờ báo tầm thường phương Tây, cứ săn tìm những tin ‘giật gân’ đưa lên báo để bán được với số lượng nhiều? Nếu vậy là ‘thất sách’ rồi. Bạn đọc báo Phật giáo không hiếu kỳ theo kiểu đó đâu. Họ đọc ‘Giác Ngộ’ với hy vọng tìm được nơi ấy một chút hương vị đạo pháp để tự nhắc mình trên con đường tu Phật đó thôi. Hơn ai cả, Ban biên tập ‘Giác Ngộ’ nên biết điều này và chọn độc giả của mình. Lệch chuẩn là điều cần quan tâm và chỉnh đốn, càng sớm càng tốt.

Vị trí của ‘Giác Ngộ’ đối với công tác truyền bá Phật giáo

Chúng ta ai cũng ý thức được, ngòi bút có sức mạnh hơn cả súng ống đạn dược. Lịch sử dân tộc ghi nhận điều này với những minh chứng hùng hồn của "Nam Quốc Sơn Hà’, ‘Hịch Tướng Sĩ’, ‘Cáo Bình Ngô’…vv. ‘Văn dĩ tải đạo’ không chỉ trong các phương diện chính trị, văn hoá mà trong lãnh vực tôn giáo, những phương tiện truyền bá tư tưởng văn hoá lại càng có giá trị hơn gấp bội lần. Như thế chúng ta đủ biết trọng trách của tờ báo ‘Giác Ngộ’ như thế nào đối với sự nghiệp xiển dương chánh pháp của Đức Phật. Chúng tôi mong rằng ban thư ký báo Giác Ngộ nên hiểu được trọng trách của mình, để không làm giảm uy tín của chư tôn đức ban biên tập.

Liệu những người có trách nhiệm săn tin, kiểm bài và đăng tin có ý thức được trọng trách này không, hay chỉ là ‘điếc không sợ súng’, thấy lợi gần mà không lường nguy xa? Xin thưa, dù có điếc hay giả điếc, nghiệp nhân quả không chừa người ác tâm ôm lòng đố kỵ tỵ hiềm. Người làm công tác báo chí mà không có đạo đức lương tri nghề nghiệp thì không xứng đáng ở trong làng văn chút nào, huống nữa là trong văn đàn Phật giáo. Thế mà ban thư ký báo Giác Ngộ lại để cho những bài viết không phục vụ được mục đích lợi tha như bài của Phúc Đoàn xuất hiện trên trang báo. Tôi thiết nghĩ những bài viết thiếu nhân bản như thế không nên có mặt trên tờ báo phục vụ cho việc truyền bá văn hoá Phật giáo – một tôn giáo lấy chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ làm nền tảng. Để ‘Giác Ngộ’ xứng đáng là phương tiện hữu hiệu xiển dương giáo lý Phật giáo, ban thư ký cần thận trọng và ý thức được vị trí của ‘Giác Ngộ’ trong việc đem ánh sáng chân lý đến với quần chúng.

Báo ‘Giác Ngộ’ – cần nhìn lại một cách nghiêm túc

Chúng tôi có cảm giác tờ báo ‘Giác Ngộ’ bị một vài cá nhân lộng quyền vượt cấp nên mới có bi kịch của ngày hôm nay. Chúng con cầu mong Hoà Thượng Tổng ban biên tập và chư vị có trách nhiệm với tờ báo để tâm hơn nữa vào cơ quan truyền tin của Phật giáo này để thực hiện đúng chức năng của nó trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Cần những người có tâm huyết với Đạo pháp hơn, có nhận thức toàn diện và công tâm hơn, có quan điểm viên dung sự lý hơn để đảm nhận công việc biên tập, kiểm duyệt bài và đăng bài trên báo ‘Giác Ngộ’.

Bức thông điệp đầu tiên của Đức Phật đối với chư đệ tử Ngài là ‘vì sự an lạc cho số đông, vì sự hạnh phúc cho số đông…’ vang vọng từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, vượt không gian và thời gian, vẫn còn đó; chúng ta nên lấy điều này làm tôn chỉ trong suy nghĩ và hành động của mình để không làm người phá đạo và trở thành nghịch tử của Như Lai. Ban thư ký báo Giác Ngộ cần nghiêm túc hơn trong công tác của mình. Đừng vì thành kiến cá nhân mà có những hành động vượt cấp lộng quyền, lạm quyền, bóp méo sự thật, xuyên tạc tăng chúng, nhân danh là một người con Phật nhiệt thành mà lại làm những việc tổn thương đến Phật pháp như vậy. Rất mong ban thư ký báo Giác Ngộ sớm "giác ngộ" được điều này, để không làm khổ mình và khổ người!

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/trantro.htm

 


Vào mạng: 22-12-2004

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang