Dân Mỹ càng ngày càng có khuynh hướng biến ý nghĩa hai chữ triết lý
(philosophy) thành ra lối sống hay lối hành xử trong cuộc sống
(lifestyle). Nếu cần uống một tách cà phê, chọn một chữ dễ hiểu thay cho
chữ rắc rối để giúp mình thư giãn thì e cũng nên làm. Triết lý ly cà phê
Starbucks!
Trong số những chàng trai làng chân quê, quen cuốc bộ với đôi chân trần
rám nắng, nay được về thành thị mang giày da, lái xe ô-tô bốn bánh; và,
cũng trong số những người nửa đời đã quen hưởng thú nhâm nhi ly cà phê bên
hè phố Việt Nam, nay qua nước Huê Kỳ bỗng thinh thích (chứ chưa hẳn là mê!)
ly cà phê Starbucks mỗi ngày… xin vui lòng tính luôn kẻ viết bài nầy.
Starbucks là ai mà ghê gớm thế? Hắn có tài ba gì mà dám nhổ
bật gốc cái “hương đồng cỏ nội” đã định hình bản sắc dân tộc trong ta?
Về mặt hình tướng, hắn chẳng có gì ghê gớm cả. Chỉ là cái
quán cà phê nhỏ nhắn, nép mình khiêm tốn bên góc của một khu thương mãi
mới xây. Có khi hắn thu mình gọn lỏn trong một phòng xép tại một trung
tâm kinh doanh nổi tiếng lẫy lừng và lâu đời nhất của một thành phố lớn
nhất nhì thế giới. Nhiều nơi, hắn cũng chỉ là cái sạp cà phê (coffee
stand) đứng nép mình khiêm tốn trong một siêu thị sang trọng hay trong một
nhà sách tư nhân lớn như một thư viện trung ương mang tên Barn & Noble.
Hắn là một tên khổng lồ kinh tế đang chu du khắp thiên hạ dưới dạng một gã
bán buôn lãng tử bình dân; một loại siêu sao bên hè phố.
“Hắn”! Đích thị là quán cà phê Starbucks.
Đạo quân kinh tế của Starbucks hiện đang có mặt trên khắp 50
tiểu bang của Mỹ với hơn 8.600 cửa hàng nhộn nhịp suốt ngày. Tổng số
Starbucks, hiện đang có khoảng 12.000 cửa hàng cà phê trên toàn thế giới
với 125.000 nhân viên phục vụ và doanh thu hơn 6 tỉ đô la hàng năm. Công
ty này đề ra mục tiêu là sẽ có 40.000 tiệm cà phê của họ trên toàn thế
giới. Họ dự kiến vào năm 2007 sẽ mở vào khoảng 2.400 cửa hàng mới; nghĩa
là cứ thuận đà mỗi ngày sẽ có 6 tiệm cà phê Starbucks mới tà tà mọc lên
đâu đó.
Khắp nơi trên đất Mỹ và tại một số thành phố lớn trên thế giới,
mỗi sáng sớm, suốt bốn mùa xuân hạ thu đông, mới bảnh mắt đã có người sắp
hàng trước quầy cà phê Starbucks. Có những sáng... – cũng đầy sương thu
và gió lạnh – mà phải đứng cả 15 phút để đợi đến phiên mua một ly cà phê
bé bỏng trong lúc ở nhà cà phê lon, cà phê gói vẫn ngoan ngoãn nằm chờ mới
thấy được tinh thần xông pha cao độ của giới hâm mộ cà phê Starbucks.
Càng ngày, tôi càng khám phá ra rằng, người ta mê, bất cứ mê gì, cũng đều
phải trải qua một quá trình thẩm định phức tạp. Đơn giản như trường hợp
người mê cơm hến Huế. Người ta mê không phải chỉ vì con Hến Cồn thanh nhã
hay vì hương vị của các loại rau nồng nàn níu gọi mà mê vì tổng hợp hương
vị của quán cơm hến. Dĩ nhiên, phải tính luôn cả sự hấp dẫn của cái áo dài
vá vai và cả cái nếm tỉnh queo ngon ơ của o chủ gánh cơm hến trước khi
chìa tô cơm hến cho khách nữa chớ(!)
E cái triết lý Starbucks nó cũng na ná như thế. Mặc dầu quán cà phê
Starbucks rất khiêm tốn đầu tiên của anh chàng Howard Schultz mở ra tại
Seattle – lại Seattle!... tổng hành dinh của Bill Gates chủ Microsoft giàu
có nhất thế giới và của William Boeing chủ công ty máy bay Boeing lớn nhất
thế giới – từ 35 năm trước, nhưng gã chân quê tôi đây chỉ mới làm quen
với hương vị Starbucks đâu dăm ba năm nay thôi. Đầu tiên, tôi thích hương
vị cà phê đen nóng Starbucks vì nó là trung bình cộng giữa hương vị đậm
đặc của tách cà phê phin “cái nồi ngối trên cái cốc” và hương vị nước lèo
“bèo dạt hoa trôi” nhạt thếch của cà phê Folgers chế bằng máy của Huê Kỳ.
Nguyên tại thành phố Sacramento, thủ phủ tiểu bang California nơi tôi đang
ở, cách đây trên 20 năm, có một nhà kinh doanh trẻ tuổi, trí thức Việt
Nam. Anh đã bỏ nghề giáo sư đại học để xây dựng nên hệ thống cà phê La Bou
nổi tiếng đứng hàng đầu trong vùng với hàng loạt cửa hàng mở ra khắp vùng
Bắc Cali và rất được ưa chuộng. Nhưng cách đây chừng 5 năm, khi hệ thống
cà phê Starbucks tiến vào cạnh tranh ở vùng nầy thì hệ thống La Bou dần
dần trở thành bóng mờ. Cũng tương tự như thế, hệ thống cà phê Java City
vang bóng một thời và gần 30 thương hiệu cà phê ở vùng nầy không cạnh
tranh nổi với hệ thống Starbucks.
Một ly cà phê đen, nóng, cở nhỏ của La Bou, Java City hay Starbucks cũng
chỉ tốn mất của tôi 1đô-la 45 xu mà thôi (so với giá trung bình của một ly
cà phê sữa đá tại các tiệm ăn Việt Nam tại Mỹ là 3 đô-la và một tô phở hay
bún bò là 5 đô-la.) Nhưng sao mỗi sáng lái xe trên xa lộ đông nghẹt, tôi
vẫn cố lách vào ngã rẽ có quán cà phê Starbucks xa hơn các tiệm kia tới
mấy dặm đường.
Câu hỏi then chốt đặt ra ở đây là: “Những nét đặc biệt gì và những phẩm
chất nào đã làm cho Starbucks trở thành một ‘anh hùng hè phố’ tại Mỹ cũng
như tại một số nước có nền kỹ nghệ và thương mãi tiên tiến như hiện nay?”
Trong cuốn “bạch thư” của ông chủ lớn và cũng là người sáng lập ra cà phê
Starbucks, Howard Schultz, nhan đề: Rót Cả Tâm Hồn vào Đáy Cốc:
Starbucks Đã Xây Dựng Công Ty Bán Lẻ Từng Cốc Cà Phê Như Thế Nào (Pour
Your Heart into It: How Starbucks Built a Company One Cup at a Time),
ông ta không dấu diếm về những bí quyết đã đưa Starbucks thành một trong
những công ty kinh doanh khổng lồ của thế giới như hiện nay. Dĩ nhiên, quá
trình không đơn giản. Một sự thành công hay thất bại nào trong kinh tế và
thương mãi cũng đều có sự liên quan chằng chịt với vô số vấn đề. Bên cạnh
các mặt tài chành, quản lý và cạnh tranh mà bất cứ cơ sở kinh doanh lớn
nhỏ nào cũng phải cần đến, có thể ở nhiều mức độ khác nhau, có 4 yếu tố mà
nhiều người cho là quan trọng nhất để tạo sức bật trong sinh hoạt kinh tế
là: (1) Tính quần chúng, (2) tính sáng tạo độc đáo, (3) năng lực quảng
cáo tiếp thị và (4) sức mạnh tổ chức nội bộ.
Theo Kristy Thurmond, một cây viết sắc sảo về lĩnh vực kinh tế và thương
mãi trong Moneyline (11-8-2006) của báo Lone Star Economy ở San Antonio
thì sự thành công của Starbucks chủ yều là vì đã đạt được tính quần chúng
rất cao. Thurmond trích dẫn lời của ông chủ và đồng thời cũng là người
sáng lập Starbucks, Howard Schultz, đã “cáo yết” trước quần chúng rằng:
“Chúng tôi không ở trong tư thế của tầng lớp kinh doanh cà phê mà ở về
phía khách hàng uống cà phê.” Nghĩa là ông ta muốn xác định rằng ông
ta và 12 vạn quân Starbucks thật sự đứng về phía “quần chúng nhân dân” hay
đồng nghĩa với sự làm giàu công khai trên thương trường với sự hưởng ứng
nồng nhiệt và tiếp tay đắc lực của khách hàng.
Kristy Thurmond bảo vệ cho nhận định của bà bằng cách dẫn chứng những việc
làm cụ thể của Starbucks qua các bài nhận định và phân tích trên Moneyline.
Thông qua mạng lưới truyền thông đại chúng và thông tin điện tử của chính
Starbucks (www. Starbucks.com) và các đối thủ đang ráo riết cạnh tranh;
cũng như qua quan sát và kinh nghiệm tiếp cận thường xuyên của khách hàng,
người ta có thể dễ dàng nhận ra 3 đặc tính trội bật của Starbucks như sau:
- Về hình thức, hầu hết mọi quán cà phê Starbucks đều xuất hiện một cách
khiêm tốn và bình dân. Từ mầu sắc các bức tường đến cách thiết kế trần nhà,
ghế ngồi, quầy hàng có một nét độc đáo riêng. Sự thiết trí là cả một nghệ
thuật hài hòa, cố dấu vẻ quý phái giàu có; đồng thời cũng giàu chất văn
hóa dưới một dáng vẻ “lùi xùi”, cởi mở như đang dang tay chào đón khách
hàng. Khách vào uống cà phê hay sắp hàng mua cà phê Starbucks mang đi,
tuy đủ mọi hạng người và mọi tầng lớp, giai cấp xã hội, nhưng hầu như mọi
người đều cảm nhận được bầu không khí ấm cúng, thân hữu và không phân biệt
khi bước vào bất cứ một quán cà phê Starbucks nào. Thử bất chợt ghé một
trong hàng trăm quán cà phê Starbucks vào một buổi sáng mùa Thu tại thành
phố Sacramento, tiểu bang California như tôi đang làm trong phút viết
những dòng nầy. Xa xa ngoài sân là mùa Thu Cali và lá vàng đang rụng.
Bên ngoài hiên, sau lớp tường kính là một bàn cà phê với những người mặc
đồ lớn vừa nhâm nhi cà phê vừa thảo luận về một đồ án gì đó đang trải rộng
trên bàn. Bàn bên cạnh phía góc hành lang là một gã vô gia cư (homeless)
râu ria xồm xoàm vừa uống cà phê, vừa hút thuốc nhàn nhã với ba lô quần áo,
mền chiếu gia sản đặt bên cạnh. Trong cửa hàng cà phê, bàn ghế bộ tròn,
bộ vuông, bộ xa lông… một bà cụ già chẳng ngó ngàng gì ly cà phê (có lẽ đã
nguội) trước mặt, chăm chú đan thêu. Bên cạnh một ông cụ già vừa hớp từng
ngụm cà phê, vừa nói chuyện rì rầm với bà cụ. Bàn trong góc, cô sinh viên
(?) đang lặng lẽ làm việc trên chiếc máy vi tính xách tay. Bàn bên phải
mấy cô cậu trẻ vừa khuấy ly cà phê của mình vừa cười nói hồn nhiên một lát
rồi yên lặng chăm chú vào công việc của mình như những người xung quanh.
Trước quầy, khách vẫn sắp hàng, đến và đi không ngớt. Dàn âm thanh trên
trần vẫn liên tục phát ra điệu nhạc jazz nhẹ. Bây giờ đã 11 giờ trưa,
sáng thứ hai. Ngày đầu tuần, mọi người đều tất bật làm việc thế mà chẳng
có ai quan tâm hay thắc mắc nhìn nhau hay tự hỏi là gần giờ ăn trưa rồi mà
vẫn có những người còn nhâm nhi ly cà phê một cách nhàn hạ đến như thế.
Hay vẫn có ngưới sắp hàng đứng chờ mua cà phê. Thật là một khung cảnh “văn
hóa cà phê” không hợp với nếp sống tất bật của xứ nầy mà người thích quan
sát nhưng nếu lại làm biếng phân tích như tôi chỉ chỉ có thể gọi là “một
không gian nội tâm Starbucks!”
- Vị trí của các quán cà phê Starbucks tại những khu thương mãi đồ sộ,
mới xây cất tại Mỹ là một kinh nghiệm quý báu về “tính quần chúng” cho các
nhà kinh doanh. Starbucks thường nằm ở một vị trí rất khiêm tốn trong
toàn khu thương mãi; phần lớn nằm ở vị trí của một góc nào đó. Nhỏ nhắn,
không trang trí màu mè, nhưng sự xuất hiện của Starbuck lại rất bắt mắt và
nổi bật trong một khu thương mãi có nhiều cửa hàng sang trọng, được kiến
trúc tân kỳ và mỹ thuật. Người ta sẽ ngạc nhiên một cách đầy thích thú và
thán phục khi biết rằng, những nhà chủ thầu kinh doanh xây dựng
(developer) thường gọi mời Starbucks đầu tiên trong số những cửa hàng
tương lai trong khu thương mãi. Thế nhưng cách chọn vị trí tại những góc
rất khiêm tốn trong toàn cảnh giữa trung tâm thương mãi chứng tỏ bản lĩnh
cao cường của tập đoàn kinh doanh Starbucks về các mặt tâm lý, kỹ thuật,
mỹ thuật và văn hóa. Xây dựng được một nhãn quan “chiêu khách” đầy sáng
tạo và tinh tế là chiếc đũa vàng của thành công trong bối cảnh kinh tế thị
trường mang tính toàn cầu trong thời đại mới.
- Tính quần chúng chiêu khách của Starbucks còn được thể hiện trên các sản
phẩm “cà phê” dành cho phụ nữ và trẻ em không bao giờ uống cà phê. Bởi
vậy, từ dân ghiền cà phê nhà nòi đến các tay uống cà phê tơ lơ mơ đều kiếm
được một ly cà phê hợp với trình độ và khẩu vị thưởng thức cà phê của mình.
Do đó, cà phê Starbucks tại Mỹ đang trở thành một dấu hiệu tượng trưng về
sự “sành điệu” của khách thích uống cà phê và thích ngồi quán cà phê.
Nhóm đầu não của Starbucks gần đây còn đề ra tham vọng là sẽ biến quán cà
phê Starbucks thành nơi gặp gỡ của tuổi trẻ. Họ hy vọng những danh từ
đường phố chết người của loài ma túy như “rock”, “speed”, “weed”, “crack”
sẽ được thay bằng những danh từ quen thuộc của các loại cà phê, trà… chế
biến trong các quán cà phê Starbucks “siêu sao bên hè phố”.
- Và, nét đặc trưng nhất của Starbucks là tính nhân bản hay nói một
cách nôm na hơn là tình người. Hơn một nửa trong tổng số 125 nghìn
nhân viên của Starbucks làm việc bán thời gian. Nhưng chỉ cần làm việc 20
giờ mỗi tuần trở lên (toàn thời gian theo luật lao động quốc tế là 40 giờ)
thì người làm cho Starbucks đã hưởng được bảo hiểm sức khỏe và quy chế an
sinh, phúc lợi xã hội căn bản. Chủ nhân Starbucks đã hãnh diện tuyên bố
rằng, tiền mua bảo hiểm sức khoẻ cho nhân viên còn nhiều hơn là tiền mua
cà phê từ châu Mỹ, châu Á, châu Phi để cung cấp cho toàn bộ hệ thống
Starbucks.
Đáng lẽ tôi chấm dứt bài viết về cà phê Starbuck nầy ngang đây. Nhưng
nhìn lên bàn viết, tôi thấy hộp cà phê Trung Nguyên do một người bạn vừa
về thăm quê nhà trở qua gởi tặng. Hộp cà phê xinh xắn từ quê hương yêu
dấu vẫn còn nằm nguyên. Trong dáng vẻ trầm tư phương Đông ấy, hộp cà phê
Trung Nguyên đang nói gì với tôi?
Vừa mới mấy ngày qua, trong số báo Time (Asia Edition) mới phát hành ngày
15-11-2006, phóng viên Kay Johnson tại Hà Nội có viết về hệ thống cà phê
Trung Nguyên của Việt Nam mà người sáng lập là Đặng Lê Nguyên Vũ (?), 31
tuổi, đã phát triển đến 400 tiệm trong nước và đang có khuynh hướng mở
rộng ra ngoài nước. Đây quả thật là một sự dấn thân đầy khai phóng vào
lĩnh vực kinh tế thị trường toàn cầu của tuổi trẻ Việt Nam thuộc thế hệ
sau chiến tranh Việt Nam đang thử thách.
Tôi chưa uống thử sản phẩm cà phê Trung Nguyên và chưa được bước chân
vào một quán cà phê Trung Nguyên tại quê nhà nên chưa nghe em cà phê lên
tiếng nói. Trước khi em tự giới thiệu mình bằng chính hương vị của em, có
lẽ tôi muốn nói với em một đôi điều trước đã.
***
Quan điểm truyền thống “nhất bản vạn lợi” hay “một vốn bốn lời” trong
quan niệm thương mãi truyền thống của Trung Hoa và xứ ta đã trở thành sự
mơ mộng hoang tưởng trong thời đại mới. Mỗi năm, như trong năm 2005 chẳng
hạn, doanh thu của hệ thống Starbucks là 6.3 tỷ đô la Mỹ, nhưng thu nhập
ròng (net income) chỉ còn lại là 494 triệu (7.8%). Nghĩa là nếu cả vốn
lẫn lời thu vào được 100 đồng thì chỉ kiếm được chưa tới 8 đồng bỏ túi.
Thế mà Starbucks được xem là ngôi sao thành công rực rỡ giữa thị trường
thế giới. Không ít những công ty Mỹ có tầm cỡ quốc tế bị phá sản, khai
báo khánh tận (bankruptcy) và phải đóng cửa trong năm qua. Bởi thế, quả
là không đại ngôn hay cường điệu tùy hứng khi cho rằng: Thương trường
cũng là chiến trường đầy bão liệt trong lĩnh vực kinh tế. Việt Nam
gia nhập WTO là trực tiếp tham gia một “mặt trận” – không phải là mặt trận
của máu xương mà là chiến trường của bản lĩnh kết hợp với chất xám của con
người!
Việt Nam, WTO và kỳ vọng mới.
Bước sang thế kỷ 21, sự chuyển mình theo khuynh hướng toàn cầu hóa trong
kỹ thuật, thông tin, thương mãi tiến nhanh theo một tốc độ chóng mặt.
Trong dòng chuyển ào ạt về kinh tế từ Đông sang Tây, Starbucks nổi bật như
một lực sĩ chạy đường dài vừa nhanh vừa khéo, vừa gần gũi giữa đám đông mà
ai cũng có thể thấy được. Tôi nói đến Starbucks như một cách hình tượng
hóa sự cạnh tranh trong thương trường nóng bỏng để sống còn, vươn lên và
chiếm lĩnh. Thế nhưng trong cái chung tự nhiên và lạnh lùng mạnh được yếu
thua giữa chiến trường kinh tế, một thế lực tranh đua lành mạnh và tích
cực vẫn có thể cùng lúc kết hợp hài hòa giữa tính lợi nhuận, tính sáng tạo,
tính văn hóa và tính nhân bản.
Sự kiện Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO (Tổ Chức Thương Mãi
Quốc Tế -World Trade Organization)
có vẻ như đang hâm nóng niềm hy vọng
vào một tương lai kinh tế tươi sáng cho Việt Nam. Người giàu hy vọng sẽ
giàu thêm; người nghèo khấp khởi mừng mình sẽ bớt khổ.
Sự thật thì WTO chỉ là một cơ hội lớn hơn đóng
vai một bến cảng cho những con tàu kinh tế ra khơi có trang bị hải đồ và
phương hướng. Nhưng việc tàu có đến được bến bờ mong muốn hay không còn
đòi hỏi phải có thuyền trưởng và thủy thủ giỏi, máy móc tốt, nhiên liệu
đầy đủ. Thuyền chìm vì đơn độc lạc hướng hay vì tàu không trang bị sức
người và sức của thích hợp thì cũng đều chung số phận nguy khốn như nhau
mà thôi.
Trong số 149 nước đã gia nhập WTO từ 10 năm qua
có những nước nghèo, không chuẩn bị hay không có đủ tài nguyên, sức người,
sức của… thì WTO chỉ làm cho nền kinh tế nước đó – ngỡ như phong phú hơn
trên bề mặt nổi vì hàng hóa nhập cảng gia tăng – nhưng cán cân mậu dịch
quốc gia thâm thủng một cách thảm hại.
Thử quan sát hiện trạng của một số nước nghèo
đã vào WTO như Angola (1996), Gambia (1996), Botswana (1995), Cambodia
(2004)… người ta sẽ thấy các nước nầy phải mở cửa cho các mặt hàng của
những nước giàu tuôn vào nước họ không có chỉ tiêu, không bị khống chế
nhiều bởi hàng rào quan thuế. Nhưng bù lại, họ chẳng có gì nhiều để bán
ra thị trường thế giới ngoài việc bán sức lao động trong các xưởng may mặc,
chế tạo các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp với tiền lương mỗi ngày chỉ được
một vài đô la Mỹ. Trong khi đó họ phải mua những mặt hàng kỹ thuật cao
cấp mà công nhân các nước giàu kiếm trung bình hàng trăm đô la Mỹ mỗi ngày.
Đã có sự so sánh tội nghiệp rằng, một trăm người Gambia may gia công trong
một tháng thì sản phẩm áo quần bán ra có giá trị tài chánh trao đổi giữa
thị trường chưa bằng một giờ sản xuất của một chuyên viên chế tạo “chips”
trang bị trong hệ thống điện tử cao cấp tại các nước Âu Mỹ giàu có.
Như người bạn láng giềng Campuchia của chúng ta
chẳng hạn. Từ ngày gia nhập WTO vào năm 2004, kinh tế chưa thấy lên về mặt
nào cả mà đã thấy xuống trong nhiều lĩnh vực. Trước hết là mức độ thâm
thủng mậu dịch tăng 12% trong năm đầu làm bạn với WTO (2005) . Với mức độ
thu nhập bình quân đầu người trên toàn quốc chưa tới 1 đô la Mỹ mỗi ngày,
trong lúc tất cả sách báo, trang thiết bị điện tử, những hàng CD, VCD, các
chương trình vi tính đều phải theo đúng luật lệ bản quyền (copy rights)
quốc tế… Hậu quả trực tiếp là giới trẻ và ngành giáo dục vốn đã khó khăn
trong vấn đề tiếp cận với mạng lưới truyền thông, thông tin quốc tế càng
trở nên khó khăn và tụt hậu xa hơn vì sự mất cân đối giữa cung và cầu;
giữa khả năng mua sắm quá thấp và giá hàng nhập cảng quá cao.
So với các nước chưa phát huy được sức mạnh WTO
kể trên, Việt Nam có một vị thế khác hẳn. Với đà tăng trưởng kinh tế
nhanh hàng thứ nhì trong vùng (chỉ sau Trung Quốc) và mức độ doanh thu
đang ở thế tích cực (xuất cảng sang Hoa Kỳ 5.7 tỷ đô la và nhập cảng chỉ
724 triệu) Việt Nam có hy vọng sẽ ở nửa phần trên trong 4 nấc thang chạy
đường dài của WTO:
- 1. Thắng, dựa vào WTO như một đòn bẩy kinh
tế giúp dân giàu, nước mạnh.
- 2. Lợi, WTO giúp cải thiện và nâng cao chất
lượng, phương pháp quản lý thị trường.
- 3. Bình, chẳng có lợi mà cũng chẳng có hại
gì sau khi gia nhập WTO.
- 4. Thua, thâm thủng mậu dịch và khủng hoảng
quản lý thị trường trước tác động của hàng hóa và văn hóa ngoại nhập dưới
cán dù của WTO.
Kinh tế thị trường giữa thế kỷ 20, 21 không có
phép lạ nào ngoài chính bàn tay và trí tuệ của con người làm nên cuộc sống.
Rồi đây, Việt Nam sẽ lần lượt gia nhập những tổ
chức kinh tế, tài chánh, thương mãi của thế giới. Và, hẳn nhiên là chẳng
có một cơ sở nào “bất chiến tự nhiên thành” như chuyện thần tiên giả tưởng
cả.
Trước mắt, có ba vế: Việt Nam, WTO và Kỳ Vọng
Mới. Đấy là một hình ảnh đầy khích lệ của cơ hội lẫn thách thức. Hay nói
theo chữ nghĩa Phật giáo thì đây là một hợp duyên tương tác, tương sinh.
Sự chọn lựa nào cũng kéo theo những ràng buộc và khó khăn riêng của nó. Ngày
Việt Nam “tương tác” với cộng đồng thương mãi thế giới thì cũng là ngày
Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng để vươn tới gần với những tiêu chí “tương
sinh” nhân bản toàn cầu: Ấm no, tự do, dân chủ và hạnh phúc thật sự.
-
Trần Kiêm Đoàn
-
San Antonio, TX, tháng 11-06
-
www.Trankiemdoan.net
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/trietly_lycaphe_Starbucks.htm