Viên Giác với Tâm
Như Bất Thối
Chơn Hoàng
Cuộc
đời được trang bị bằng một tấm thảm nhung muôn màu muôn vẻ, mà con người
lại nhìn qua lăng kính màu, do đó mà tạo ra một cuộc sống phù du, bon
chen tất bật, để rồi trôi lăn trong luân hồi kiếp này sang kiếp nọ,
không biết ngõ thoát ra, khổ này nối tiếp khổ khác không bờ bến. Với
lòng từ bi vô lượng vô biên, Thế tôn đã chỉ cho chúng sanh thấy được
nguyên nhân của khổ, đó là do không liễu tri được bản chất của các pháp,
chúng vốn không có thật thể, do duyên hợp mà thành, như người bệnh mắt,
thấy có hoa đốm trong không gian. Mục đích cuối cùng mà đức Thế tôn nhắm
chỉ cho chúng sanh, là thấy được viên minh châu trong chéo áo. Cũng thế,
kinh Viên Giác cũng nhắm đến ý chỉ này. Nhà thơ Mặc Giang đã nhận được
chân lý này, nên đã cảm tác bài thơ như sau:
Giữa muôn
trùng biền biệt
Thật ra chẳng hai
bờ
Lật bức ảnh
mịt mờ
Chắp tay hoa mầu
nhiệm
Nhìn cái huyễn, không huyễn
Ðã dứt sạch huyễn rồi
Thỏng thay mà
buông lơi
Trụ tâm như bất thối
(Mặc Giang, Tâm Như bất
thối)
Đây quả là một bài thơ đã
nói lên được thật tánh của các pháp. Giữa thế giới trùng trùng điẹp điệp,
vạn vật kết lại như môt tấm thảm, nhưng thật ra chúng chẳng có gì, chỉ
là giả huyễn. Nếu biết được nguyên lý này, tâm ta vắng lặng không còn
chấp trước, không còn khổ đau, mà trụ ở Tâm Như và thỏng
thay vào đời.
Với bốn câu thơ đầu, thi sĩ
Mặc Giang nói :
Giữa muôn trùng biền
biệt, thật ra chẳng hai bờ,
Lật bức ảnh mịt mờ,
chắp tay hoa mầu nhiệm,
Thế giới chúng ta đang
sống nhìn thấy muôn trùng khơi như thế, nhưng thật ra chỉ do duyên hợp
mà thành, do chúng sanh chập chặt rồi đặt tên, chứ thật ra nó là nó, nó
lìa mọi khái hiệm hư danh, chỉ do con người ngụy tạo cho nó rồi đặt
chúng vào phạm trù đối đãi. Nếu phân tích ra, thì không có gì là tự ngã,
năng sở đều vong; tuy chúng là “muôn trùng biền biệt” như
thế, nhưng “thật ra chẳng hai bờ”. Một khi nhận ra vỡ lẽ
chân lý này, thì ta đã lật được bức màn vô minh, bức màn cố chấp để mà
chắp tay sống trong thế giới “hoa mầu nhiệm”; bấy giờ nhìn
gì cũng vi diệu cả.
Hai câu thơ sau của khổ
thơ thơ thứ nhất, nhà thơ đã cho ta cái nhìn xuyên thẳng như những gì
trong Viên Giác đã nói, sở dĩ chúng sanh thấy huyễn cứ lầm chấp huyễn ấy
là thật sinh thật diệt, nên kinh dạy : “tất cả chúng sanh từ vô thỉ
đén nay, điên đảo như người mê thấy bốn phươngđổi dời, vọng nhận tứ đại
làm tướng của tự thân… như người vị nhậm mắt, thấy trong hư không có hoa
đốm … thiệt ra hư không vốn không có hoa đốm, do ngừơi bệnh vọng chấp có.
...Do ngộ nhận như vậy nên không những làm cho hoa đốm phát sinh từ hư
không, mà còn lầm chấp hoa đốm thật phát sinh từ hư không
Khi hiểu được như thế, thì
sẽ “nhìn cái huyễn không huyễn ”, rồi ra sẽ trụ vào tâm
Viên Giác-Tâm Như. Do ta mê lầm vọng nhận các pháp là thật có, nên sinh
ra đắm nhiễm rồi khổ đau, luân hồi. Vì vậy, kinh đã chỉ cho ta quán
chiếu là hư huyễn để ta bỏ tâm chấp ngã tham đắm.
Thế nhưng thông thường, khi
ta quán sát rồi lại chấp vào đó cho rằng, ta diệt hết huyễn rồi thìcòn
không phải huyễn. Thật ra, có và không là hai mặt của một thật tại. Nếu
còn ở trong cái không phải huyễn thì vẫn còn kẹt trong đó, còn tham đắm
thì không thể giải thoát, mà như vậy là cách xa với tinh thần Viên Giác;
tâm viên giác vốn như như, nếu nói không phải diệt huyễn rồi để trở về
với nó, thì là một sai lầm. Viên Giác như hư không, thênh thang vô cùng
tận, và hoa đốm cũng chẳng có, chỉ vì ta mê mà cho rằng, hoa đốm sanh ra
từ hư không.
Phật dạy ta diệt vọng trở
về chân, đó là phương tiện tiệm tu, chứ thật ra chân vọng vốn không hai,
nếu nhận được thìta sống với nó, không cần phải tốn công phí sức. Và đây
chính là tinh thần mà nhà thơ Mặc Giang đã nói: “nhìn cái huyễn
không huyễn, đã dứt sạch huyễn rồi, thỏng thay mà buông lơi, trụ tâm như
bất thối.”
Đọc qua đoạn thơ này, ta
tưởng tượng bức tranh thứ 10 trong Thập mục ngưu đồ, quả là sinh động,
hành giả trụ trong Tâm Như, nên thỏng tay vào chợ, an nhiên tự tại không
gì vướng bận lòng; đến đây, hành giả đã làm xong nhiệm vụ, trở lại hoằng
hóa độ sanh.
Qua đây, cho ta thấy, nhà
thơ là người đã nhận chân được bản tâm, vui sống trong biển tâm Viên
giác. Bài thơ đã chỉ chi ta cách tu, là tiếng chuông thức tỉnh cho những
ai còn mê muội, là mũi khoan xuyên thủng lớp vỏ chấp thủ, vô minh. Bài
thơ còn cho ta thấy được hình ảnh vô cùng tự do tự tại của tác giả. Nếu
ai nhận ra được nó, sóng với tâm chân như thì dù có đi đâu, ta vẫn “vạn
duyên buông xuống” hay “thỏng tay mà buông lơi”, không gì
có thể trói buộc chúng ta. Bấy giờ hoa đốm sanh diệt trong không gian,
chúng ta nhìn thấy nó những đám mây lơ lửng bay ngang bầu trời. Nhà thơ
Mặc Giang đã tạo nên một tinh thần Viên Giác bằng vần thơ điệu nhạc!
thật tuyệt vời!
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/viengiac.htm