Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Có phải các ngày mùng một, rằm là ngày hội
của chư Phật không ?
Ðông  Phương góp ý; Thích Giác Hoàng trả lời

 


 

Nam-mô A-Di-Ðà Phật.

Kính thưa quý Thầy phụ trách phần Hộp Thư Phật Học

Con vừa đọc xong bài Tại sao ăn chay ngày rằm và mùng một, con có vài suy nghĩ như vầy. Theo sự hiểu biết nông cạn của con thì các ngày chay ấy là ngày hội của chư Phật và Bồ-tát. Còn các ngày khác như ngày 18, 23... là ngày vía của chư Phật, chư Bồ-tát. Ðiều này con có nghe ông nội con nói từ hồi nhỏ. Sau này con đọc được cuốn Con Ðường Tu Tắt nên con hiểu thêm. Con biết là Kinh sách ba tạng không ai có thể đọc hết được nên có người không biết việc này, người khác không biết việc kia là chuyện thường. Con chỉ muốn bổ sung điều con biết được chút đỉnh này thôi. Con nghĩ là thư con không cần đăng lên đâu.

Kính mong quý Thầy tha lỗi nếu con có gì sai trái.

Kính,

Ðông Phương

******* 

Phật tử Ðông Phương quý mến,

Ðúng là Kinh sách ba tạng của hai truyền thống lớn Thượng Toạ Bộ và Ðại Thừa thì khó mà đọc hết được. Mà giả như có đọc hết được cũng chưa chắc là nắm vững và lý giải đúng như Phật ý nữa. Cho nên, quý Phật tử  có những kiến giải khác để bổ sung là điều vô cùng quý báu. Quý Thầy Cô rất tán thán tinh thần “kiến hoà đồng giải” như vậy.

Thật ra, theo các Kinh Luật Luận căn bản mà quý Thầy được học thì chưa có nơi nào trình bày vấn đề ngày ăn chay như vậy. Các bậc tôn túc mà Thầy có dịp thọ học cũng chưa có vị nào giảng dạy như vậy. Thứ nữa là xét về phương diện thời Phật còn tại thế như kinh điển còn ghi lại, thì không có ngày nào là ngày cố định để đức Phật, cũng như chư đại A-la-hán hội họp. Mà đã là những bậc giác ngộ rồi, thì mọi kiết sử trần lao được đoạn tận, không còn vướng lụy điều gì nữa, tự tại ra vào ba cõi tùy duyên hóa độ, chứ không còn như những phàm phu chúng ta phải tụ họp để trao đổi kinh nghiệm, phân nhiệm vụ, hoạch định kế hoạch, v.v... Ðọc các kinh hệ của Phật giáo Thượng Toạ Bộ, chúng ta thấy đức Phật đến với hội chúng Tỳ-kheo là để đả thông một vấn đề mà quý Tỳ-kheo lúc bấy giờ còn đang nghi hoặc, đang tranh luận, hoặc đức Phật đích thân đến các hội chúng của các tôn giáo khác để trình bày một vấn đề đang được các du sĩ đó bàn luận.

Lại nữa, các ngày như mùng 8, 23... , không thể nói đó là ngày vía của chư Bồ-tát. Vì trong số các ngày  tưởng niệm đức Phật và chư Bồ-tát, các ngày không trùng các ngày 1, 8, 15,  23 hoặc 30 cũng rất nhiều.

Ví dụ:

Mùng 6 tháng giêng: Vía Đức Phật Nhiên Đăng

Ngày 19 tháng 2: Vía Bồ-tát Quán Thế Âm ra đời.

Ngày 21 tháng 2: Vía Bồ-tát Phổ Hiền.

Ngày 16 tháng 3: Vía Bồ-tát Chuẩn-đề.

Ngày mùng 4 tháng 4:Vía Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi.

Ngày 19 tháng 6: Vía Bồ-tát Quán Thế Âm thành đạo.

Ngày 13 tháng 7: Vía Bồ-tát Đại Thế Chí.

Ngày 19 tháng 9: Vía Bồ-tát Quán Thế Âm xuất gia.

Ngày 17 tháng 11: Vía Đức Phật A-di-đà.

Ngày 6 tháng 12: Vía Đức Phật Nhiên Đăng

 Thầy chưa có dịp đọc cuốn Con Ðường Tu Tắt mà hiện tại nơi Thầy ở không có cuốn đó, nên cũng không biết trong đó lý giải vấn đề như thế nào. Tuy nhiên, nếu sách đó khuyến khích các Phật tử cố gắng tu hành, ăn chay, niệm Phật, tạo công đức  trong các ngày đó, thì ấy cũng là phương pháp “dĩ huyễn độ mê” (lấy pháp không thật độ người còn đang mê mờ) cũng rất tốt.

Thôi thì, dù ngày đó như thế nào cũng được, miễn là ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, giúp người, mến vật, làm các việc phước thiện, v.v... vào những ngày này cho thật nhiều hoặc các ngày khác cũng vậy thì quý không lường.

Cầu chúc Phật tử luôn tinh tấn học hỏi giáo pháp và thực hành những lời dạy cao quý của Ðức Phật để đem lại nguồn an lạc cho tự thân và tha nhân.

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/ramvamungmot.htm

 


Vào mạng: 1-6-2002

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang