Khoa học là hình thức đa thù của cuộc sống.
Đạo học là nội dung thuần nhất của cuộc sống ấy.
Lời giới thiệu: Thế kỷ
thứ 21 được mọi người nghĩ là thế kỷ của Khoa học. Những tiến bộ vượt
bực của Khoa học trong thế kỷ này đã đưa nền kinh tế thế giới, do đó mức
sống nhân loại nói chung lên cao chưa từng thấy. Cho nên người ta nghĩ
Khoa học chính là nền tảng của tiến bộ, phải là thước đo cho mọi tiến
bộ. Người ta lấy mắt Khoa học nhìn vào mọi chuyện để định hay dở, đôi
khi phải trái. Thế nhưng, cùng với cao độ của nền kinh tế thế giới nhờ
Khoa học, những thống khổ của con người - thương vong và tử vong vì
chiến tranh lan rộng, giết chóc, tàn phá, chạy chốn, giam cầm,tra tấn,
tù đầy, căm thù, báo oán, đói khổ, phá hoại môi sinh..- vẫn không giảm
sút, mà chỉ có chiều hướng gia tăng, cũng nhờ áp dụng kỹ thuật Khoa học
như vỏ khí nhiều hơn, tàn độc hơn giam cầm tra tấn tối tân hơn, chủ
nghĩa tiêu thụ (consumerism) được khuyến khích nhiều hơn…Hạnh phúc nhân
loại và Khoa học dường như không song hành. Thượng tọa Thích Thông Huệ
đã làm ngược lại là lấy con mắt Đạo học nhìn vào Khoa học để tìm một
hướng đi mưu cầu hạnh phúc cho con người.
Phần chính văn là một đoạn văn trích trong cuốn”Thiền trong đời thường”
của Thượng tọa Thông Huệ. Phần phụ đính là của người giới thiệu để làm
sáng tỏ thêm vấn đề. Bạn đọc muốn xem toàn bộ cuốn sách xin liên lạc với
bất cứ thiền viện nào thuộc hệ thống Trúc Lâm của Hòa thượng Thích Thanh
Từ, để được sách biếu không
***
Pascal nói: “Tôi tư duy, do vậy tôi hiện hữu” (Je pense, donc je
suis)(2). Tư duy là hành vi của ý thức, có phân biệt chủ thể
và đối tượng, có lúc sanh lúc diệt, khi đến khi đi. Nếu nhận tư duy là
mình thì không suy nghĩ gì cả mà vẫn biết. Cái biết đó là ai? Và nếu tư
duy là mình thì chẳng lý nào mình lại biến thiên nhiều mặt, buồn vui
thiện ác… đến thế? Quan niệm “có tư duy là có mình” thật ra cũng
hợp lý trên phương diện Tục đế nhưng không chính xác trên Chân đế, bởi
vì ta lầm cái giả ngã động dụng là mình mà không thấy chân ngã bất động,
nhận hình tướng sai biệt đa thù mà không nhận bản chất thuần nhất bất
sanh. Đây là sự mê lầm của con người, và chư Phật thương chúng sanh một
cách bình đẳng cũng vì cái vô minh ấy.
Ngày
nay, Khoa học đã đi đôi hia bảy dặm, để có những bước đột phá về cả hai
lãnh vực vũ trụ và nhân sinh. Tinh thần Khoa học là dám hoài nghi và
tiếp thu có chọn lọc những tri thức và kiến thức của nhân loại. Sở
trường của Khoa Học là vận dụng chất xám trong suy luận, phân tích và
tổng hợp để khám phá những bí mật của con người và thế giới, mục đích
phục vụ cho đời sống con người. Tuy nhiên, vì có đối tượng là bản ngã
nên Khoa học lầm lẫn ngay từ đầu, vì còn ngã chấp là còn đau khổ, còn
bất an. Nhiều thành tựu của Khoa học lại bị áp dụng để phục vụ cho tham
vọng của con người, tạo điều kiện cho kẻ mạnh áp bức kẻ dưới, nước giầu
lấn át nước nghèo. Ngay đối với ngành Y, một ngành Khoa học có ý nghĩa
cao đẹp là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người, hiện tại cũng bị những
người vô đạo đức biến thành một thứ kỹ nghệ, một ngành kinh doanh mới,
thậm chí trở thành tội ác. Ví như kỹ thuật ghép nội tạng, mục đích cứu
mạng sống cho bệnh nhân, nhưng có những tổ chức biến công việc này thành
thị trường mua bán nội tạng, con người trở thành món hàng trao đổi. Tứ
đó những phương pháp điều trị hiện đại bỗng trở nên xa lạ đối với truyền
thống nhân bản của nhành Y. Cho nên một nhà khoa học đã nói: “Khoa
học không có lương tâm chỉ là sự huỷ hoại của linh hồn”(3).
Từ
sự bế tắc của Khoa học, một số nhà bác học quay sang nghiên cứu về Đạo
học , và cho rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của Khoa học và Tâm linh. Albert
Einstein, nhà bác học hàng đầu của thế kỷ 20 đã nhận xét: “Tôn giáo
tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt trên mọi ý nghĩa thấn linh,
giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy sẽ bao quát tất cả phương diện tự
nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên cơ sở đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm
tổng thể mà không rời nhất thể. Phẫt giáo đáp ứng được những yêu cầu ấy”(4)
Đạo Phật vượt trên ý nghĩa thần linh vì Đức Giáo chủ đã xác nhận mình
chỉ là một vị thầy dẫn đường, không là một đấng quyền năng ban phước
giáng họa. Đạo Phật không có giáo điều vì không hề đưa ra những khuôn
khổ cứng nhắc, không hề có giáo quyến bắt buộc người khác tuân theo; và
nhờ uyển chuyển tùy duyên, suy tiến sự tự nguyện tự giác nên suốt 25 thế
kỷ truyền đạo, chưa bao giờ làm hại một ai. Giáo lý của đạo Phật không
mang tính cách mặc khải thần học, mà bao quát cả tự nhiên lẫn siêu
nhiên; tự nhiên là tự nó vốn có, tồn tại, độc lập với ý thức con người
như lý vô thường nhân quả; siêu nhiên là sống ngay cảnh đời mà không bị
đời ràng buộc. Người tu Phật biết thân mình là vô thường sanh diệt,
nhưng ngay thân vô thường nhận ra tự tánh bất sanh; biết con người nhỏ
nhoi hữu hạn; nhưng ngay thân phận hữu hạn nhận ra bản thể vô hạn bao
la. Tự nhiên là thuộc Tục đế có sanh có diệt, siêu nhiên là Chân đế bất
sanh, cả hai đều được liễu hội và tiêu dung trong tinh thần bất nhị độc
đáo của nhà Phật. Và chính trong tinh thần ấy, những bậc đạt đạo đã có
kinh nghiệm tổng thể lẫn biệt thể về vũ trụ vạn loại bằng sự thấy biết
như thật. Đây là hành vi của trực giác Bát Nhã, của trí vô sư nên không
có ngã tướng. Những nhà tu Phật cũng là những khoa học gia, nhưng là
khoa học tâm linh vượt trên khoa học vật thể, vì các ngài khám phá được
bản thể của muôn pháp và thực hành những phương tiện giúp mình và giúp
mọi người thoát trần lao sanh tử.
Như
vậy Khoa học muốn là công cụ hữu ích thì phải song hành với Đạo học.
Khoa học là hình thức đa thù của cuộc sống. Đạo học là nội dung thuần
nhất của cuộc sống ấy. Hình thức và nội dung phải đi đôi, phải
hòa hợp, phải quân bình.
Nhiều người là Phật tử, nhưng do choáng ngợp trước sự phát triển vượt
bực của Khoa học mà muón xét lại quan điểm của Đạo Phật, cho rằng như
thế là phù hợp với thời đại. Quả thật Khoa học là phương tiện hữu ích để
kiểm chứng và xác định giáo lý đạo Phật, nhưng không vượt qua được hệ
thống giáo lý ấy. Cái nhìn của Khoa học chỉ phiến diện theo thức tri
tưởng tri trong phạm vi thế gian mà không khám phá được pháp giới, và
không bơi lội vào trạng thái siêu nhiên của những bậc đạt đạo. Đối tưọng
nghiên cứu của Khoa học chỉ trong thế giới hữu hình, tinh tế nhất là
dạng sóng và hạt cũng chỉ là hữu hình trong vũ trụ. Trong khi Đạo Phật
bao quát cả pháp giới vừa hữu hình vừa vô hình. Đức Phật bằng cái thấy
minh triết, đã triển khai cặn kẽ về lý duyên sinh vô thường của các
pháp, đồng thời chỉ dạy cùng tột về bản thể chân như vô tướng. Ánh sáng
Khoa học lần lượt soi rọi những bí mật vũ trụ nhận sinh, càng chứng minh
những điều Đức Phật đã nói trước đây 25 thế kỷ là vô cùng chính xác. Và
trí tuệ siêu xuất của ngài đã làm thế giới văn minh Tây phương ngạc
nhiên bái phục, đến nỗi một lần nữa, Eistein phải thừa nhận: “Nếu có
một tôn giáo nào thỏa mãn được các nhu cầu của Khoa học hiện đại, thì đó
l à Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để theo
Khoa học, vì Phật giáo bao gồm cả Khoa học, và hơn thế, vượt qua Khoa
học”
Trong cuộc sống thường nhật, nếu con người áp dụng Khoa học song song
với Đạo học, nếu nền văn minh nhân loại có đạo đức soi đường, thì cuộc
đời là thiên đàng hạnh phúc. Có đạo lý, sự vui tươi giải trí mới có
ý nghĩa, nếu không thì chỉ thỏa mãn những thị hiếu, những dục vọng tầm
thường. Một số thanh thiếu niên ngày nay không có hưóng đi đứng đắn, gia
đình quá nuông chiều, đã lãng phí tuổi xuân vào những cuộc vui không
lành mạnh, cuối cùng chuốc lấy những hiệu quả khó lường. Ngay cả những
tiện nghi sinh hoạt, người sản xuất phải luôn thay đổi kiểu dáng, mặt
hàng và đủ cách tiếp thị, khuyến mãi. Con người có thể bị vây hãm trong
trường hỗn độn của mầu sắc, mùi vị, âm thanh; bị lôi kéo bởi tính đa thù
của sự vật bên ngoài mà quên mất thể tánh thuần nhất bên trong. Từ đó
đánh mất luôn sự bình an muôn thuở.
Ném
một hòn sỏi xuống hồ, sức chấn động từ hòn sỏi tạo thành những vòng tròn
đồng tâm lan khắp mặt hồ. Đây là ảnh hưởng tương tác. Biệt nghiệp của
mỗi chúng sanh khác nhau, nhưng cộng nghiệp cũng ví như sự lan ttruyền
của chấn động nói trên. Mỗi người có ảnh hưởng hỗ tương với những người
xung quanh và môi trường họ đang sống. Ta khởi một niệm ác thì niệm ác
này có tác dụng xấu ra xung quanh; nếu tâm từ phát sanh thì cả cây cỏ
chim muông cũng đều cảm nhận được. Điều này thấy rõ khi ta ở gần mỗt vị
chân tu đắc đạo; từ trường của Ngài tỏa lan khiến ta có cảm giác bình an
tươi mát, dù Ngài không làm gì nói gì.
Đức
Khổng Tử đã nói: “Chỉ có bậc thượng trí và kẻ hạ ngu là chẳng thể đổi
dời. Những hạng trung gian có thể chuyển đổi từ ác sang thiện và ngược
lại”(5) Chúng sanh đa phần không hiểu đạo lý, mãi tạo
nghiệp hư vọng điên đảo, không việc ác nào chẳng làm, không việc làm nào
chẳng ác, như kinh Hoa Nghiêm diễn tả: “Gỉa sử nghiệp ác có hình
tướng thì mười phương hư không cũng chẳng dung chứa hết” . Đó là
nhân đọa vào ba đường dữ(6). Người biết đạo đức bỏ ác làm
lành là tiến một bước trên đường hướng thượng, tạo phước báo nhân thiên,
nhưng còn hữu vi hữu tướng, nên chưa ra khỏi luân hồi. Các vị Thánh Nhị
thừa lánh xa tướng đa thù, rũ sạch nợ đời đoạn ly sanh tử, trở về bản
thể thuần nhất bất động và an trú trong đó. Các bậc Bồ Tát và các vị A
La Hán lợi căn thì sau khi liễu đạo, các Ngài thấu triệt tinh thần Bất
Nhị nên siêu việt thiện ác, phiền não và bồ đề, phát nguyện trở lại Ta
bà độ tận chúng sanh.
Là
thiền sinh, chúng ta phài có công phu thiền tập. Dù tư biện huyền đàm
khéo giỏi đến bao nhiêu mà không đi sâu vào mảnh đất tâm của chính mình
thì chỉ như đếm tiền dùm người khác. Chứng nghiệm thiền không nhờ chữ
nghĩa chuyên chở, mà nhờ quá trình tu tập giúp mình nhận rỏ từng dấu vết
của tâm niệm, từng sự biến đổi của vạn hữu, từ đó phăng tìm nguyên ủy là
thể tánh tự tịnh tự tri. Đây là tiến trình bơi ngược dòng nước, từ vạn
tượng đa thù nhận ra bản thể thuần nhất.
(1)
Thượng tọa Thích Thông Huệ là viện trưởng Thiền thất Viên Giác,
Nha Trang. Thiền thất này nằm trong hệ thống dòng Thiền Trúc Lâm của Hòa
Thượng Thích Thanh Từ.
(2)
Câu này thực ra do nhà toán học lừng danh René Descartes khi
viết cuốn Discours de la Méthode
(3)
Câu này là của Francois Rabelais : “Science sans conscience n’est
que ruine de l’âme”
(4)
Nguyên bản bằng tiếng Anh như sau: “The religion of the future
will be a cosmic religion. It should transcend personal God and avoid
dogma and theology. Covering both the natural and the spiritual, it
should be based on a religious sense arising from the experience of all
things natural and spiritual as a meaningful unity. Buddhism answers
this description. If there is any religion that could cope with modern
scientific needs it would be Buddhism”.
(5)
Thiện và Ác hay Lành và Dữ không phải là những ý niệm đơn giản,
phân định rạch ròi. Hòa Thượng Thanh Từ, trong sách giảng giải Kinh Thập
Thiện, đã phải viết cả trang để giải thích Lành Dữ theo Phật giáo. Cuối
cùng Hòa Thượng viết:”Tóm lại điều Thiện là việc làm trong hiện tại ,mình
cùng người đều được lợi ích và nhiều đời vị lai cũng được an vui. Hoặc
hiện đời tuy mình bị thiệt thòi, người cũng có chút ít thiệt thòi, nhưng
vị lai, mình cùng người đều được lợi ích an vui. Đó là điều Thiện. Ngược
lại việc làm hiện tại mình có lợi mà di hại cho người, hoặc hiện tại
mình có hại, người có hại, cho đến mai sau mình và người cùng đau khổ.
Đó là việc Ác”.
(6)
Ba dường ác là Súc sanh, Ngạ quỷ và Địa ngục trong Lục đạo luân
hồi. Ba đường kia là Thiên, Nhân và A Tu La..
Đào Viên
Tháng 9, năm 2008
http://www.bu