Khoa học và Phật giáo: Trước ngã tư
đường
Qua việc so sánh thế giới quan của Khoa
Học và Phật Giáo bằng cách khảo sát mỗi một trong ba học thuyết căn bản
của Phật Giáo, trước tiên là ý niệm về "Vô Thường" tiếp đến là "Duyên
Khởi" và "Tánh Không". Sau đó, chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề tại sao
trái ngược với các tôn giáo độc thần, Phật Giáo bác bỏ quan niệm về sự
hiện hữu của một vị "Thượng Đế" hay là một "Đấng Sáng Tạo". GS. Trịnh
Xuân Thuận đã góp phần làm sáng tỏ một câu hỏi lớn mà khoa học ngày càng
quan tâm: Với những khác biệt có vẻ cơ bản trong cả phương pháp và mục
tiêu, như vậy có thể có một nền tảng chung để đối thoại giữa khoa học và
Phật giáo hay không? Phật giáo có gì để nói về bản chất của hiện tượng
khi đây không phải là mối quan tâm chính, mà là những mối bận tâm của
những bộ môn khoa học?
I. Có những nền tảng nào cho một cuộc
đối thoại?
Khoa học và Phật giáo vốn có những phương
thức khác biệt rất cơ bản trong việc nghiên cứu thực tại. Trên bình diện
khoa học, tri thức và luận lý nắm giữ những vai trò then chốt. Khoa học
thu lượm những hiểu biết về thế giới thực tại rồi cô đọng chúng lại
thành những quy luật có thể kiểm chứng được. Bằng cách phân chia, xếp
loại, phân tích, so sánh, và đo lường, nhà khoa học diễn giải những quy
luật này thông qua một loại ngôn ngữ khá trừu tượng của toán học. Dĩ
nhiên trong khoa học, trực giác không phải là không có chỗ đứng, tuy
nhiên nó chỉ mang lại kết quả khi nào được hệ thống hóa trong một cấu
trúc chặt chẽ của toán học mà hiệu độ được đảm bảo bằng quan sát và phân
tích. Ngược lại, chính trực giác –hay kinh nghiệm nội tâm- lại đóng vai
trò chủ yếu trong phương cách Phật giáo dùng để tiếp cận thực tại. Trong
khi khoa học hướng ngoại thì Phật giáo hướng nội, dùng quán chiếu làm
phương thức tiếp cận. Trong khi khoa học chỉ bận tâm về thế giới khách
quan thì mối quan tâm chính yếu của Phật giáo là cái ngã tự thân.Thay vì
chẻ nhỏ thực tại ra thành từng bộ phận khác biệt như phương pháp quy
giản của khoa học, Phật giáo với phương thức tiếp cận toàn bộ sự vật mà
mục đích là để hiểu chúng như một tổng thể nguyên trạng. Phật giáo không
cần đến những thiết bị đo lường và cũng không cần nương tựa vào bất cứ
phương tiện quan sát tinh vi nào vốn là xương sống của nền khoa học thực
nghiệm. Nó thiên về định phẩm hơn là định lượng.
Tuy nhiên sự khác biệt chính yếu giữa sự
theo đuổi kiến thức trong khoa học và Phật giáo là do ở những mục tiêu
rốt ráo của chúng. Mục tiêu của khoa học là tìm hiểu về thế giới hiện
tượng. Trọng tâm chính yếu của nó là những kiến thức về vũ trụ vật lý,
được xem như mang tính khách quan và có thể xác định số lượng, cũng như
nhằm đạt đến việc kiểm soát thế giới tự nhiên. Ngược lại trong Phật giáo,
kiến thức được thu nhận chủ yếu chỉ nhằm vào những mục đích trị liệu.
Mục tiêu của Phật giáo vì thế không phải tìm hiểu vũ trụ vật lý cho lợi
ích của riêng mình mà chỉ để nhằm giải phóng nhân sinh ra khỏi những khổ
đau hệ lụy gây ra bởi sự dính mắc thái quá vào cái thực tại biểu kiến
của thế giới ngoại tại. Những tra vấn mang tinh thần thực nghiệm được
thúc đẩy bởi tính tò mò tri thức không phải là mục tiêu chính mà Phật
giáo nhắm đến. Thay vào đó, họ muốn hiểu rõ bản tánh chân thật của vạn
pháp để có thể xóa tan đi đám mây mờ vô minh và mở ra cánh cửa vào Giác
ngộ và con đường giải thoát. Thay vì dùng viễn vọng kính, hạt gia tốc
hay kính hiển vi, Phật giáo dùng tâm như là một khí cụ để nghiên cứu vũ
trụ. Nó nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của sự giải thích bản tánh của
tâm thông qua kinh nghiệm thiền quán trực tiếp. Trải qua hàng thế kỷ
Phật giáo đã đề ra một phương thức tiếp cận sâu sắc và nghiêm ngặt liên
quan đến những hiểu biết về những trạng thái tâm linh và bản tánh rốt
ráo của tâm. Tâm đứng đằng sau mỗi một kinh nghiệm của đời sống. Nó
khẳng định cách thế mà ta nhìn thế giới. Chỉ một thay đổi cực nhỏ trong
tâm thức của ta, qua cách thức mà ta đối phó với những trạng thái tâm
linh và nhận thức về người và vật như thế nào cũng đủ để thế giới của
"ta" hoàn toàn đảo lộn. Như thế, thay vì chuyên chú hoàn toàn vào
ngôi-thứ-ba, tức là lãnh vực của thế giới khách quan hiện tượng như là
nền khoa học cổ điển, Phật giáo đồng thời cũng đặt trọng tâm của mình
vào lãnh vực liên quan đến ngôi-thứ-nhất.
Với những khác biệt có vẻ cơ bản trong cả phương pháp và mục tiêu, như
vậy có thể có một nền tảng chung để đối thoại giữa khoa học và Phật giáo
hay không? Phật giáo có gì để nói về bản chất của hiện tượng khi đây
không phải là mối quan tâm chính, mà là những mối bận tâm của những bộ
môn khoa học? Ta có một câu trả lời dứt khoát cho những câu hỏi này là
có. Một trong những nhiệm vụ chính của triết học Phật giáo là nghiên cứu
về bản chất của thực tại. Trong khi khoa học không phải là mối bận tâm
chính của Phật giáo, nó cũng đã từng đặt ra những câu hỏi tương tự với
những vấn đề được nêu lên bởi nền khoa học đương đại. Có thể nào những
hạt rời bất khả phân là những khối cấu trúc cơ bản của thế giới hiện
tượng? Có phải chúng thực sự hiện hữu hay chỉ là những ý niệm giúp ta
hiểu biết về thực tại? Phải chăng những định luật vật lý là bất biến, có
những hiện hữu tự thân như những quan niệm lý tưởng của Plato? Phải
chăng có một thực tại chắc thật đằng sau những sắc tướng? Đâu là nguồn
gốc ban đầu của thế giới hiện tượng, và cái thế giới chung quanh mà
chúng ta cho là "thực" có thực sự hiện hữu? Đâu là mối liên hệ giữa động
và tĩnh, giữa chủ thể và khách thể? Bản chất của không gian và thời gian
là gì? Những triết gia Phật giáo trong suốt 2,500 năm qua đã không ngừng
nghiên cứu, trăn trở về những vấn nạn này. Kinh văn Phật giáo phong phú
với những bộ luận bàn thảo về tri thức cũng như lý giải về những cấp độ
khác nhau của thế giới hiện tượng, kể cả những bộ luận về tâm lý học
khám phá những lãnh vực khác biệt của ý thức và bản chất rốt ráo của tâm.
Diễn giải Geshe Thupten Jinpa (phía trái
xa), giáo sư Ned Kalin và Đạt Lai Lạt Ma đang lắng nghe nhà vật lý Andy
Roberts (phải) giải thích phương pháp máy gia tốc tandem sản sinh ra
những chất đánh dấu sử dụng trong các máy scaner PET ở Phòng thí nghiệm
Keck.
Trong khi những phương pháp nghiên cứu của
Phật giáo và khoa học nhằm khám phá thế giới hiện tượng thoạt nhìn có vẻ
rất khác nhau, nhưng khi nhìn kỹ hơn người ta thấy rằng Phật giáo cũng
như khoa học đều dựa vào phương pháp thực nghiệm để khám phá thực tại.
Phương pháp phân tích của Phật giáo thông thường sử dụng 'suy nghiệm'
cũng được dùng rộng rãi trong khoa học. Đây là những thí nghiệm tưởng
tượng được tiến hành trong tâm thức, dẫn đến những kết luận khó có thể
bác bỏ được, cho dù là những thí nghiệm này thực sự không hề được tiến
hành. Kỹ thuật này thường được sử dụng bởi những chuyên gia hàng đầu
trong khoa học, cụ thể như Einstein. Thí dụ, khi khảo sát về bản chất
của không gian và thời gian, nhà vật lý tưởng tượng ra mình đang cưỡi
lên một hạt ánh sáng. Thế là khi nghĩ đến trọng lực, lập tức y cảm thấy
mình đang ở trong sự vận hành của gia tốc. Cũng một kiểu cách như vậy,
những nhà Phật học dùng phép suy nghiệm để phân tích mổ xẻ thực tại.
Phật giáo cũng giống với khoa học ở chỗ khuyến khích tinh thần hoài nghi
trong việc xây dựng niềm tin. Đức Phật đã từng khuyến khích chúng ta
không nên chấp nhận một cách mù quáng giáo thuyết của ngài nếu như không
tự mình suy nghĩ thấu đáo. Ngài dạy rằng: "Giống như một người khôn
ngoan biết đâu là vàng thật sau khi đã thử nghiệm bằng cách cắt ra, nung
chảy hay chà xát, những lời dạy của ta cũng thế, chỉ được chấp nhận sau
khi đã suy xét thấu đáo chứ không phải là do kính trọng ta." Nếu chúng
ta xem "khoa học" mang ý nghĩa "một hệ thống kiến thức chính xác, chặt
chẽ và có thể kiểm chứng được" hoặc như là "một loạt những quy luật và
tiến trình liên hệ đến sự nhận ra và công thức hóa một vấn nạn, công
thức dựa trên những giả thiết và dữ kiện được thu thập thông qua quan
sát và thí nghiệm để kiểm chứng những giả thiết này" (từ điển Webster),
thì Phật giáo có thể được mô tả như là một "khoa học quán tưởng" hay nói
rõ hơn, "một khoa học về tâm". Thế nhưng ở đây, phạm trù nghiên cứu
không phải chỉ đơn thuần là một thế giới vật chất "khách quan" mà ta có
thể khảo sát, đo lường, tính toán một cách vật lý, một thế giới chỉ có
thể được mô tả qua ngôn ngữ của phương pháp định lượng ngôi-thứ-ba,
nhưng là một thế giới được nhân rộng ra bao gồm toàn thể phạm vi của
kinh nghiệm sống "chủ quan" của con người bao gồm cả lãnh vực tâm thức
chỉ có thể nhận thức được thông qua nội quan ngôi-thứ-nhất.
Trong những phần tiếp theo, chúng tôi sẽ cố gắng so sánh những quan điểm
về thực tại được trình bày qua lăng kính của khoa học lẫn Phật giáo,
cũng như bắc lên những chiếc cầu nối liền giữa khoa học của thế giới vật
lý và khoa học về tâm. Mục đích của chúng tôi ở đây không nhằm khoác lên
khoa học một chiếc áo thần bí cũng như không hề biện hộ cho những trụ
chống của Phật giáo trước những khám phá của nền khoa học đương đại.
Khoa học hành xử chức năng của mình một cách tốt đẹp, nó mang tính độc
lập và hoàn thành những mục tiêu đã vạch một cách hoàn hảo mà không cần
đến sự hỗ trợ triết học từ Phật giáo hay bất kỳ tôn giáo nào. Mà thực ra,
một khi tôn giáo nghĩ rằng mình có thể mang "chân lý" đến cho khoa học
thì đó cũng là lúc vấn nạn xuất hiện, cụ thể như thảm kịch mà Giáo Hội
lên án Gallileo vào năm 1633. Phật giáo là khoa học của sự Tỉnh Thức,
thế nên cho dù Quả Đất có quay quanh Mặt Trời hay ngược lại, điều đó
cũng không hề tạo nên bất kỳ hệ quả nào đối với nền tảng triết lý của nó.
Phật giáo đã hiện hữu trên hành tinh này 2,500 năm rồi trong khi nền
khoa học hiện đại chỉ mới bắt đầu từ thế kỷ thứ 16. Tuy nhiên bởi lẽ cả
hai đều khao khát đi tìm chân lý, và để đạt mục tiêu này đều sử dụng đến
những tiêu chuẩn mang tính chân xác, chặt chẽ và luận lý, những thế giới
quan tương ứng của họ vì thế không thể đưa đến kết quả đối nghịch không
thể vượt qua mà ngược lại cả hai có thể bổ sung nhau một cách hài hòa.
Nhà vật lý Werner Heisenberg đã phát biểu quan điểm này một cách đầy
thuyết phục như sau: "Tôi xem cái hoài vọng nhằm khắc phục những đối
nghịch, trong đó một sự tổng hợp bao gồm cả nhận thức thuần lý lẫn kinh
nghiệm thần bí về nhất thể, là cái 'mythos'(*), dù có được nói ra hay
không, của thời đại chúng ta".
II. Vô Thường giữa lòng thực tại.
Phật giáo phân chia ra hai loại vô thường, thô và tế. Thô bao gồm tất cả
những đổi thay hiển nhiên của cả con người và sự vật mà chúng ta chứng
kiến trong cuộc sống hàng ngày: sự đổi mùa, núi mòn sông lở, quá trình
biến đổi từ tuổi trẻ đến tuổi già, những tình cảm luôn biến chuyển trong
ta. Thể vi tế của vô thường cụ thể như: trong mỗi sát na, bất cứ những
gì có vẻ hiện hữu đều thay đổi. Vũ trụ không phải được tạo thành bởi
những thực thể riêng biệt, rắn chắc mà ngược lại, giống như một dòng
suối bao la của những sự kiện, và những dòng chảy năng động mà trong đó
tất cả đều được nối kết và liên tục tác động lẫn nhau. Khái niệm về sự
thay đổi không ngừng và khắp nơi trong Phật giáo tương ứng với chủ đề
quan trọng về thuyết tiến hóa trong mọi lãnh vực khoa học của thế kỷ 20.
Bây giờ hãy nhìn đến khoa vũ trụ học đương đại. Khái niệm về những thiên
giới không hề biến đổi của Aristote và vũ trụ tĩnh lặng của Newton đã đi
vào quá khứ. Mọi sự mọi vật đều biến đổi và chuyển động, tất cả đều vô
thường, từ một hạt cơ bản cực nhỏ cho đến toàn thể vũ trụ, kể cả những
dải ngân hà, tinh tú, hành tinh cũng như nhân loại. Vũ trụ không ở thể
tỉnh, mà không ngừng trương giản do bởi những xung lực ban đầu nhận được
từ vụ nổ sơ khởi. Cái vũ trụ năng động này được mô tả bởi những phương
trình về luật Tương Đối Tổng Quát. Với lý thuyết "Big Bang", vũ trụ
không còn là một cái gì đó thường hằng vĩnh cửu. Nó có một khởi đầu, một
quá khứ, một hiện tại và một tương lai. Nó đang có một lịch sử. Theo
những quan sát gần đây, nó sẽ trương giản bất tận, ngày càng lạnh giá
hơn và cuối cùng chết trong trạng thái băng giá. Bên cạnh sự chuyển động
trương giản, tất cả những cấu trúc của vũ trụ -những vẫn thạch, sao chổi,
hành tinh, tinh tú, những dải ngân hà, nhóm thiên hà -tất cả đều không
ngừng chuyển động và dự phần vào một khúc luân vũ mênh mông của toàn vũ
trụ: chúng quay quanh trục của mình, quanh tinh thể khác, xúm lại hay
dang ra khỏi nhau. Chúng cũng có một quá trình, được sinh ra, trưởng
thành, rồi chết. Những tinh tú có một sinh mệnh kéo dài hàng triệu hoặc
hằng tỷ năm.
Thay đổi và tiến hóa cũng đi vào những lãnh vực khác của khoa học. Trong
địa chất học, những đại lục mà chúng ta nghĩ rằng đã dính chặt vào vỏ
Trái Đất bây giờ được biết là đã di động khoảng vài cm mỗi năm, tạo nên
những núi lửa và động đất tại những vùng tiếp giáp của các thềm lục địa.
Mặt Trái Đất luôn luôn thay đổi và tự tu sửa. Trong lãnh vực sinh học
cũng thế, khái niệm về thuyết tiến hóa đã được nhà tự nhiên học Charles
Darwin đưa ra vào năm 1859. Con người không còn là một cái gì đó thuộc
dòng dõi thánh thần. Họ không là những hậu duệ của Adam và Eve do Thượng
Đế sáng tạo ra như trước đây người ta đã nghĩ mà là sản phẩm của cả một
chuổi dài tiến hóa được hình thành bởi sự lựa chọn tự nhiên. Đi ngược
lại quá khứ, tổ tiên của con người từng là những động vật linh trưởng,
những loài bò sát, cá tôm, những loài động vật không xương sống và những
sinh thể đơn bào sơ khai.
Định luật vô thường không phải chỉ có mặt ở trong thế giới vĩ mô mà ngay
cả ở trong những lãnh vực nguyên tử và hạ nguyên tử (subatomic). Những
hạt được biết là có khả năng tự sửa đổi bản chất của mình: quark có thể
tự thay đổi gia hệ hoặc 'hương vị', proton có thể biến thành nơtron
trong khi phát xạ pozitron và neutrino. Vật chất và phi-vật-chất có thể
tiêu diệt lẫn nhau để trở thành năng lượng thuần khiết. Năng lượng
chuyển động của một hạt có thể chuyển hóa vào trong một hạt khác và
ngược lại, cụ thể như phẩm tánh của một vật thể có thể biến thành một
vật thể. Những hạt điện tử trong những vật thể bao quanh chúng ta không
bao giờ đứng yên một chỗ. Ngay chính trong khoảnh khắc này đây, có đến
hàng tỉ những hạt phù du neutrino đi ngang qua thân xác chúng ta trong
từng giây một. Do tính lượng tử bất định của năng lượng, khoảng không
gian chung quanh ta đầy ắp một số lượng khó tưởng tượng nổi của những
hạt 'ảo', hiện hữu phù du như những bóng ma. Chúng xuất hiện và biến mất
liên miên; và đây chính là hình ảnh tuyệt vời nhất của tính vô thường vì
chúng có một đời sống cực kỳ ngắn ngủi. Không còn nghi ngờ gì nữa: sự 'vô
thường vi tế' của Phật giáo có mặt khắp nơi theo như cách mà nền khoa
học đương đại mô tả về thực tại.
Tâm Hà Lê Công Đa dịch
(Kỳ sau: Duyên khởi và tính Bất khả phân của Hiện tượng)
Trịnh
Xuân Thuận
http://www.tiasang.com.vn/news?id=1572
http://www.bu