Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

Chút Cảm Nhận Qua Bài Thơ "Bần Tăng"

Thế Huyền


 Chiều. Thèm chút gió trên đồi KST. Trước mắt tôi là một nghĩa địa với hàng ngàn ngôi mộ, đồng nghĩa với hàng ngàn hiện thân của những hồn ma đang làm bạn cùng tôi. Những hồn ma thân thiết. Những hồn ma của cuộc đời. Những hồn ma của cõi chết. Những hồn ma để tiếp tục chuỗi ngày sống thêm. Những hồn ma rất mới. Trở lại với những hồn ma thân thiết. Cuộc xoay vần để ta là cái chết, ta là sự sống, ta là những hồn ma, ta là con người, ta là sự tái sinh của những phóng ảnh hoang sơ. Và bây giờ ta là Bần Tăng, ta là Vô Danh Tăng.

Quảng Huệ là ai? Thế giới chẳng thèm để ý, Việt Nam chẳng thèm nhắc tên, xứ Huế chẳng thèm kể lể, KST chẳng thèm phô trương. Riêng tôi, tôi muốn viết về anh với dòng bút rụt rè trân trọng. Quảng Huệ là ai? Là trí tuệ rộng lớn, là cái không, là không, là không là gì cả. Nhưng tôi nói Quảng Huệ là bần Tăng, kẻ lang thang với những tháng ngày phiêu lãng, trở về ca ngợi Chân Như. Chà, chỉ đọc một vài lần, giờ lại thèm thuồng lục tung trong mấy chồng sách để tìm vẻn vẹn bốn câu thơ ủ rũ, xanh xao của thầy Tuệ Sĩ mà ngâm nga:

“Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Giờ ngó lại bốn bức tường ủ rủ

Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn”

Bốn bức tường? Lại là bốn bức tường, mà là bốn bức tường ủ rủ nữa mới thê lương chứ! “Ngồi bó gối bốn bức tường vô cảm. Cũng trở thành người bạn kể niềm riêng”. Bốn bức tường ủ rủ. Đất, nước, gió, lửa ủ rủ. Cái mạng người ủ rủ. Tứ đại ủ rủ. Nghe mới rợn người! Dấu chấm than vừa rồi đã kéo tôi về với thực tại “Chút cảm nhận qua bài thơ Bần Tăng ”, nếu không thì đã hoang mang đầu trời cuối đất.

            Quảng Huệ là ai? Là bần tăng, là vô danh tăng, là tác giả của bài thơ  “Bần Tăng”, mọi người chỉ cần biết như thế là đủ. Không phải một người nổi tiếng mới có những câu nói nổi tiếng, cũng phải để những người giấu mặt hòa nhịp thở với chứ . Người không nổi tiếng cũng có thể nói những câu nói nổi tiếng, đơn giản thôi , như mấy câu ca dao tục ngữ, ngay cả cái tên của những người sinh ra chúng cũng còn không biết nữa, nói chi đến chuyện nổi tiếng , vậy mà những đứa con của họ vẫn nổi tiếng như thường. Gặp Quảng Huệ đã lâu, nhưng lần đầu tiên thật sự nói chuyện chỉ mới cách đây hai năm. Tôi đã khám phá ra trong con người đó là cả một thế giới thơ, những câu thơ mang hơi thở của lục tự Di Đà, hay, nhẹ, sâu, thấm thía, rung cảm … Quảng Huệ viết “Bần Tăng ” trong một lần chạy đua với vũ trụ, chạy đua với những xiềng xích, chạy đua và làm bạn với những niềm đau và làm bạn với những chí nguyện và làm bạn với cảnh giới phù hư. Cuộc chạy đua kéo dài trong tám năm, tám năm mang vác “Bần Tăng” trên vai nặng trĩu.

Tôi không muốn dài dòng giới thiệu và phân tích bài thơ này, điều tôi muốn trình bày là qua bài thơ đó ta sẽ nhìn nhận được điều gì để sống, để ưu tư. Bài thơ không dài không ngắn, đủ để đọc, đủ để nghĩ suy, đủ để lao vào những ý tưởng rong rêu rất mực.

                                                “Phật! Phật! Phật!”

             Ba từ gọn lỏn bắt đầu một bài thơ!

                                                “Phật! Phật! Phật!

                        Không gì dập tắt nổi niềm tin yêu Thánh thần của hắn

                        Những rào ngăn không chướng ngại lên đường”

            Viết đủ phải là “Phật ơi! Phật ơi! Phât ơi!”, tiếng kêu mầu nhiệm gói gọn trong hạt cải mà rung chuyển cả tam thiên; xoáy sâu vào lỗ chân lông mà nước bốn biển không thể tràn đầy. Tha thiết quá! Rung cảm quá! Trang nghiêm quá! Tiếng kêu để được tâm sự, để được sẻ chia:

                        “ Không gì dập tắt nổi niềm tin yêu Thánh thần của hắn

                        Những rào ngăn không chướng ngại lên đường”.

            Phật ơi! Con lên đường bằng niềm tin yêu nên chẳng gì có thể ngăn cản được. Cuộc ra đi để kiếm tìm những khát vọng sống đã ấp ủ bấy lâu nay. Mở đầu bài thơ, “Hắn” đã khẳng định được niềm tin và sức mạnh ra đi. Hắn không khẳng định điều đó với cuộc đời, với cõi Người. Hắn chỉ khẳng định điều đó với một mình Thế Tôn. Bởi tại sao? Bởi “Chỉ có Phật mới hiểu điều hắn làm hắn nghĩ”. Cõi đời, cõi người làm sao hiểu nổi hắn với ý thức mang hương vị “dục vọng hữu ngã” cơ chứ. Hắn ra đi, đức Phật vẫn lặng lẽ mĩm cười, không phán xét, không nói năng, không chê trách, vô ngôn, vô thuyết. Đó là điều hắn thèm khát mà cuộc đời không bao giờ cho hắn được.

                        “Tài bồi hắn đi là đôi chút mẹ thương và con tim nhuần tưởng

                        Hắn tuông vào đời cơn sốt dễ thương

                        Bất chấp ngoài kia bão mưa hung hãn”

            Ngoài kia gió mưa hung hãn bủa vây. Hắn biết hắn phải đối diện với tất cả. Nhưng sợ gì khi tài bồi, khi hành trang hắn mang theo đã có đầy đủ hai thứ thiết yếu: Tình thương và Trí tuệ. Có tình thương nào lớn hơn tình mẹ? Còn trí tuệ nào bằng niềm tin đối với pháp xuất thế? Ra đi như thế thì còn sợ gì? Còn e ngại bất kì chướng ngại nào? Dù đôi lúc cũng “vật vã tháng ngày trong thinh lặng”, lại có khi “hắn Tăng tục song hành không nơi tin nhận”, nhưng cần chi khi đã có Phật hiểu, đã có tình thương của mẹ, đã có nỗi khát khao đến cháy bỏng, đã có niềm tin đến “nhuần tưởng”, như thế là trọn vẹn lắm rồi.

            Tôi bảo, đó là cuộc ra đi vĩ đại của một gã đại hành khất kiếm xin chân lý. Chợt nhớ đến thằng bạn, một thằng bạn thân nhất của tôi. Có lần hắn kể, một đêm nằm mơ thấy mình làm một thằng ăn xin cúi đầu trước nhân loại, bỗng giật mình thức giấc tự hỏi “Ủa, mình là thằng ăn xin hả?”, rồi bất giác thấy nước mắt đã ấm gối. Câu chuyện chỉ có thế mà khiến tôi suy nhĩ không ít. Thằng bạn lạ kì, đang là hành giả Như Lai mà lại nằm mơ thấy mình đi ăn xin, kì quặc! Nhưng ý tưởng đó của tôi bị đánh đổ rất nhanh. Chợt nhận ra, à, thì ra mỗi vị tu sĩ là một vị khất sĩ, một ông ăn xin, đi ăn xin niềm tin, đi xin ăn chân lý, đi ăn xin sự nhún nhường, đi xin ăn sự khiêm hạ, đi ăn xin tình thương, đi xin ăn thất bại , đi ăn xin từng dòng suối mát của trí tuệ, đi xin ăn sự cùng cực, đi ăn xin từ những kẻ sống bằng  nghề xin ăn. Vậy thì giấc mơ của thằng bạn là quá đúng, quá bình thường, mà kinh Di Giáo cũng dạy rồi: “ Tăng thêm sự kiêu ngạo là điều mà thế nhân còn không nên có, huống chi người xuất gia nhập đạo là kẻ vì giải thoát, tự giáng mình xuống mà đi xin ăn?” Lời dạy mới ấm áp và hạnh phúc làm sao! Còn gì hạnh phúc hơn giữa đời này so với việc đi ăn xin, đi ăn xin của một người xin ăn chân chính?

            Bây giờ, hãy lắng nghe hắn tâm sự bằng tất cả lòng thành của một kẻ ra đi vĩ đại:

                        “Hắn lân la khắp Học viện xa gần

                        Rồi vật vã tháng ngày trong thinh lặng

                        Hắn Tăng tục song hành không nơi tin nhận

                        Nên tha hương Tông Tổ bất tường

                        Hắn lạc dấu cả cội nguồn Tiên tổ

                        Bị khước từ hay từ khước ra  đi

Đoạn này có thể coi là tiếng thở sâu nhất, rện rã nhất của bài thơ. “Từng giọt, từng giọt Ma-ni ứa ra từ những phần thiên thạch vỡ” (Những giọt Ma-ni). Ôi, đá cũng chảy nước mắt mất rồi! Bước chân đi cũng lênh đênh  khi cuộc đời mang sóng biển dập vùi con thuyền ước nguyện. Không ai tin nhận, Tông tổ bất tường, lạc dấu dòng tâm linh. Cũng phải thôi, giữa cuộc đời huyễn mộng ai chấp nhận tên ăn xin cơ chứ? Cho nên đôi khi hắn bị cuộc đời từ khước, đôi khi hắn lại khước từ cuộc đời. Cuộc đời đối với hắn không còn gì quan trọng, chốn thâm nghiêm dòng miên tục chẳng phân  biệt trắng đen. Hắn ra sức kiếm tìm miên tục, kiếm tìm cơ duyên để bù đắp vào chổ hao gầy của chút chí nguyện chưa thành. “Hắn”, đứa con của nhà thơ Quảng Huệ (đến đây tôi đã có thể kêu Quảng Huệ là một nhà thơ) ra đi, kiếm tìm, bù đắp, ăn xin mãi trong cảnh giới phù hư. Tế Điên nào sợ bóng hình tăng tục; Từ Thị nào e ngại thánh phàm. Hắn cũng thế, ra đi, ra đi như một gã đại hành khất, ra đi như một gã du tăng vĩ đại :

                        “Khi đã ôm vào lòng vẻn vẹn cái không hai

                        Là quyết định trọn đời cho dâng hiến”

Ra đi chỉ mang  theo cái không hai, mang theo cái “nhất thừa” mà vẫn còn bị cuộc đời đôi khi nhấn chìm, đôi khi cũng phải vật vã, loanh quanh, huống hồ nữa là ra đi không mang theo chút thoát tục. Trong chúng ta giờ đây nhiều người thực hiện chuyến ra đi như một cuộc chạy trốn, trốn thực tại, trốn chính mình, trốn trách nhiệm. Đó chắc chắn không phải là cuộc ra đi chân chính và hoàn hảo. Còn cuộc ra đi của hắn thì thật đẹp. Cái “Hắn” thật đẹp. Hắn hiện thân của hàng ngàn nấm mộ hoang vu. Hắn hiện thân cho hoa dại ven đường. Hắn hiện thân cho cỏ rác khô khan. Hắn hiện thân cho giọt nước mắt thổn thức. Hắn hiện thân cho hạt cát nhỏ bé. Hắn hiện thân cho sóng biển rất hiền. Hắn hiện thân cho nỗi khát khao cuộc sống. Để cuối cùng, Hắn hiện thân cho cái gì tầm thường nhất bị mọi người sai lầm khinh bỉ, tầm thường mà độc nhất trong cõi người. Hắn hiểu :

                        “Huyệt mộ- căn phần cuối cùng của mọi đường ảo tưởng

                        Có thôi không gào những huyết nhục đau thương

                        Bãi sân khấu những tấn tuồng giả danh kịch sĩ

                        Chỉ nhã những điệp khúc bất thường tẻ nhạt chóng quên

                        Cái quan trọng còn lại là sống đời hiện thực

                        Hay sẽ làm điều chân lý ngợi ca

                        Cái đó tùy anh”.

                                                                                    (Những giọt Ma-ni)

Cuộc đời chỉ là những tấn tuồng băng băng trong cuộc chạy đua rã gót nhưng vẫn tiếp tục cho đến bất tận. Sống thế nào thì cái đó tùy anh. Đó là chân lý. Đó là điều mà kẻ ra đi phải ý thức được. Và hắn đã hiểu nên cuộc ra đi của hắn chỉ mang theo chút mẹ thương và con tim nhuần tưởng. Chừng đó hành trang là quá đủ cho một cuộc Bùng Nổ Tâm Linh.

            Tôi không có ý giới thiệu và phân tích bài thơ “Bần Tăng”. Điều quan trọng là qua bài thơ đó chúng ta nhận biết được gì về cuộc sống hiện tại để suy tư. Cuộc ra đi, đó là chuyện muôn thuở. Ai cũng đã từng ấp ủ một cuộc ra đi, vượt thoát lên tất cả mọi ràng buộc để tự khẳng định mình, để tự cởi trói cho mình. Ai cũng khao khát một cuộc ra đi. Nhưng ra đi vì mục đích gì? Có phải ai cũng ra đi như nhân vật “hắn” trong “Bần Tăng”? Có phải ai cũng ra đi để tìm thêm nữa “chút cơ duyên cho chí nguyện chưa thành”? Có phải ai cũng ra đi “khi đã ôm vào lòng vẻn vẹn cái không hai”? Sự thật không hề như vậy. Chúng ta phải nhìn nhận thật rỏ vấn đề này để anh, để em, để bạn, để tôi có những giải pháp thiết thực hơn trong cuộc sống, để “Bậc chủ nhân của Chân tâm” không bao giờ bị mê mờ che lấp mà phải thở than:

                        “Những bước chân đầy trăng

Ngõ tháp ngà hoang lạnh

Vỡ lẽ… chủ nhân đi biệt không về”

                                                              (Nghĩa Từ Bi)

Từ cổng chùa, nhiều bước chân đã làm cuộc du phương đi về phía chân trời vô định. Lay lất, lang thang, loanh quanh, viễn vong, lang bạt, ảo mộng, mơ hồ, lan man, khập khiễng, què quặt… Đó chính là những bước đi không phương hướng, những bước đi quờ quạng giữa cuộc đời mà không rõ mục đích. Thế rồi ngày ngày, tháng tháng, những bước phong trần làm cho tâm hồn ta băng hoại. Hình ảnh đấng Thích-già đã mơ hồ, xen lẫn vào đó là những tạp nhiễm mù si. Những con người như thế ngày càng nhiều, càng nhiều trong cuộc đời như những nấm mộ hoang vu. Không! Ta không có quyền trách những linh hồn như vậy, bởi chính chúng ta phải gánh vác một phần trách nhiệm. Chúng ta phải thương những con người như vậy. Sự hiện hữu của những tâm hồn bất an sau cánh cửa chùa cũng chính là sự hiện hữu dòng chảy tâm linh đứt quãng trong mỗi một chúng ta. Khi họ không nhận được những tình thương vừa đủ, họ sẽ ra đi ra đi không cần thương xót, chai lì, mặc cảm. Rồi những tâm hồn trong sáng đó có thể đi vào đường bế tắc rơi vào tội lỗi một cách dễ dàng, rồi họ phải thất thanh la hét tang hoang:

“Ai thêu dệt đặt điều trong thế sự

Con lạc loài trong mâu thuẫn niềm tin

Ôi, nhân thế kêu gào trong nín lặng

Nghe đau thương, nghe bất lực quay quần

Ai kham nhẫn trao lời ray rứt quá

Nốt đau thương rơi tận nén hương trầm”

                                                                        (Vết Bỏng Niềm Tin)

“Nén hương trầm”, xứ sở của thiêng liêng, hơi quy nguỡng mọi bình an là họ còn thấy “nốt thương đau rơi tận” thì thử hỏi, còn chỗ nào đáng sống nữa không?

Anh đã ra đi từ muôn kiếp. Bạn đã ra đi từ muôn kiếp. Em đã ra đi từ muôn kiếp. Tôi đã ra đi từ muôn kiếp làm kẻ Cùng Tử lang thang. Tại sao? -Bởi  hai chữ Tình Người quá ư túng thiếu!

“Tình nếu trọn trần gian đâu còn khổ

Bởi tình gầy nên giọt lệ hóa đại dương”

Đá cũng chảy nước mắt mất rồi.

“Từng giọt, từng giọt Ma-ni ứa ra từ những phần thiên thạch vỡ”.

Người với người sao đau khổ đầy vơi. Để sỏi đá cũng buồn rơi nước mắt. Đá cũng chảy nước mắt mất rồi, lạ chưa! Vô lí quá! Tại sao chốn đất lành vẫn phải có những ngời thất thanh kêu cứu tình thương?

Điều đó làm người trong cuộc phải xót xa lắm chứ. Thôi bạn ơi, đừng mong ai hiểu mình, bởi đó chỉ là mơ ước của loài người man rợ. “Chỉ có Phật mới hiểu điều hắn làm hắn nghĩ”, chừng đó là đỡ tủi lắm rồi. Người đời mong hiểu nhau ư? Đó chỉ là “Dục vọng hữu ngã”. Tìm không ra người hiểu mình rồi lại than trách kêu la, chửi rủa đời đen bạc. Mấy đêm nay tôi thổn thức về cuộc sống, cứ truy tìm hoài cuộc đời trong nỗi niềm khắc khoải. Chợt nhớ đến giấc mơ ăn mày của thằng bạn thân nhất đời mình. Ăn mày. Bần Tăng. Vô Danh Tăng. Ôi, những hình ảnh hạnh phúc! “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. “Hãy là ốc đảo của chính mình”. Đừng mong ngóng ai hiểu mình. Là tu sĩ thì phải sống như vậy thôi, phải dũng mãnh bước đi một mình thôi. Người thầy à? Hay người bạn? Hay một ai khác? Tất cả không cứu được mình. Tất cả chỉ là bóng cây mát để ta ngồi lại nghỉ ngơi những lúc mệt mõi, là bếp lửa cho ta ghé sưởi ấm đôi chút mùa đông. Rồi cuối cùng ta phải ra đi, độc hành, đi một mình đối diện và vượt qua mọi chướng ngại thử thách. Ai không biết bước đi cùng chiếc bóng riêng tư, tôi nói, người đó thất bại.

Hãy đi một mình đừng ngại đừng e dè, hãy biết rằng phương đó là chân lý. Hãy đi bằng Tình Thương và Trí Tuệ. Không ai cứu được ta đâu. Hãy tự cứu mình. Đừng mong ai hiểu mình, hãy sống, ai hiểu thì thấy quý, còn không thì đừng lấy đó làm điều quan trọng. Sáng nay, tôi đã ngồi uống trà với một người bạn. Một buổi sáng chủ nhật ít nắng, bạn đã nói cho tôi nghe những suy nghĩ. Tôi giật mình, bởi đó cũng là những điều tôi đã nghĩ suy. Ly “Hồng Trà Pha Sữa” càng ngon hơn với sự hiểu nhau không cần ao ước. Tôi đã kể cho bạn mình nghe một câu chuyện tôi đã từng nghe, không nhớ rõ, chỉ kể đại ý. Rằng, vào một mùa đông giá rét, có chàng trai lạc lối trong rừng. Tuyết phủ kín, lạnh, đói, khát, chàng trai tuyệt vọng và nghĩ đến thần chết đang vỗ vai mình. Nỗi sợ hãi bao trùm, chàng cố lê từng bước giữa đêm tuyết vô vọng. Bỗng, trước mắt, một căn nhà hiện ra. Ôi, kì diệu. Chàng như thằng sắp chết trôi với được khúc gỗ, vội đi nhanh về phía ngôi nhà, gõ cửa. Cửa mở, bên trong xuất hiện một ông già với vẻ mặt thánh thiện siêu thoát. Chàng được mời vào. Ông già đốt lửa cho chàng sưởi ấm, lấy nước cho chàng uống, nấu những món ăn đặc biệt đãi chàng. Chàng cảm thấy ngạc nhiên mới hỏi tại sao nơi hẻo lánh này lại có đầy đủ thức ăn ngon như vậy. Ông già trả lời rằng, tất cả những thứ đó ông ta đã để dành và cất giữ xưa nay nên bây giờ mới có để đãi khách. Những thứ này ông không cần, ông không ăn. Ngày ngày ông chỉ nuôi sống cơ thể bằng rau cỏ và những thứ bình thường. Vì chàng trai đang khao khát những thứ đó nên ông mới mang ra đãi. Ăn no, sưởi ấm, hết khát, chàng thanh niên thấy mình đa hồi phục sức khỏe. Còn ông già, sau khi chăm sóc anh ta chu đáo liền đứng dậy đi đến mở cửa và mời anh ta ra khỏi nhà ngay lập tức. Anh thanh niên sợ lạnh, sợ bão tuyết nên cố xin ở lại qua đêm. Ông già không chấp nhận, một mực mời anh kia ra khỏi nhà, quát lớn, anh còn tệ hơn cả một con chim. Bây giờ những con chim dù non nớt cũng phỉa đối diện với bão tố cuồng phong, phải tự nuôi sống mình. Còn anh, tôi đã cho mọi thứ khi cần thiết, tại sao anh không thể sông có bản lĩnh hơn một con chim? Và hình ảnh cuối cùng trong câu chuyện là người ta thấy giữa đêm đầy tuyết, hình bóng một anh thanh niên băng mình đi với bước chân vững chải và tự tin.

Người thầy, người bạn hay một người nào khác thì cũng như ngôi nhà, như ông già trong câu chuyện trên thôi. Tất cả chỉ giúp đỡ ta những lúc cần thiết, phần đời còn lại ta phải tự cất bước mà đi, độc hành, đi một mình. Cho nên, đừng bao giờ trách đời tăm tối. Nếu đã trách thì sau lời trách đó, ta cũng phải tự bước đi, độc hành, đi một mình. Tôi cũng từng trách đời. Bao buổi ưu tư tôi cũng tập tãnh làm thơ và chỉ viết được hai câu duy nhất:

“Bài thơ đâm đầu vô hàng rào thép gai méo mó

Cõi Người đọc mãi chưa ra”

Cõi Người còn đọc không ra những chuyện ở cõi người, ta có lúc không hiểu nổi ta, vậy thì tại sao cứ chạy mãi trong cuộc kiếm tìm một người nào hiểu hết về ta? Ảo ảnh quá không? Hy vọng rằng sau này nếu biết làm thơ, tôi sẽ viết những câu tiếp theo hai câu thơ trên để trở thành một bài hoàn chỉnh, để ta đọc ta hay.

“Hắn” làm bần tăng ra đi rồi cũng trở về để tâm sự:

“Mười năm trở về nơi chốn cũ

Tụng ca ngày con bướm trắng hân hoan”

Trở về nơi chốn cũ, gã du tăng cũng là gã bần tăng, nên bài thơ “Bần Tăng” được kết thúc bằng hình ảnh “Giữ lưu hoài muôn thuở vẻ Bần Tăng”_ Một kết thúc hết sức có hậu. Hãy ở một chỗ và tu tập, đó là điều tôi muốn nói với đệ huynh. Còn nếu đường cùng, tức nước vỡ bờ, không thể không ra đi, thì phải ra đi như thế nào kia. Phải đi vì chân lí, phải đi như thế nào để khi đủ duyên đọc được một đoạn Kinh “Khu Rừng” trong Trung Bộ I mà không thấy xấu hổ, không cảm thấy ân hận. Đó mới là cuộc ra đi đích thực của đệ tử Như Lai:

“Chư Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống gần một người nào, Tỷ-kheo sống gần người ấy, các niệm chưa được an trú được an trú, không được định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ và vô lượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt, và những vật dụng này cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị người bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách không khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy tư như sau: “Ta sống gần người này. Khi ta sống gần người này, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm chưa được định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, và vô thượng an ổn khỏi ách phược chưa được thành đạt được thành đạt. Và những vật dụng này cần thiết cho đời sống mà một vị xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị người bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách dễ dàng. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy phải trọn đời theo sát người này, không được bỏ đi, dầu cho có bị xua đuổi.” Trái lại (với những điều trên) thì vị tỷ-kheo ấy phải đi gấp, không cần theo sát người ấy, phải bỏ đi ngay lúc ban ngày hay lúc ban đêm”.

Sống như thế mới gọi là chân lý. Có những cuộc ra đi đáng tán thán mà cũng có những cuộc ra đi đáng thương xót. Có những cuộc ở lại đáng khâm phục mà cũng có những cuộc ở lại đáng tức tưởi. chúng ta hãy dùng lí trí của mình để xem đang ở trường hợp nào mà sống đúng lời đức Phật dạy.

 Trước mắt, hãy là vị bần tăng ăn xin khiêm hạ, ăn xin chân lí, ăn xin niềm tin:

“Hãy sống và yêu thương

Bằng tấm lòng nhân hậu

Ấp ủ lâu ngày rồi chân thật cũng thành thơ”       

                                                       (Lời Chân Thật)

Có lẽ đây không còn là tâm sự của riêng tôi. Những điều viết được so với điều tôi suy nghĩ, ưu tư quả thật rất hạn chế, mong mỗi người sẽ tự rút ra cho mình một bài học rất riêng để hình ảnh gã Bần Tăng trong ta là hình ảnh tột vời của Yêu Thương và Trí Tuệ.

                                                                                 T.H

 

Phụ:   

            BẦN TĂNG

             Quảng Huệ

 

Phật! Phật! Phật!

Không gì dập tắt nổi

Niềm tin yêu thánh thần của hắn

Những rào ngăn không chướng ngại lên đường

Tài bồi hắn đi là đôi chút mẹ thương

và con tim nhuần tưởng

Hắn tuông vào đời cơn sốt dễ thương

Bất chấp ngoài kia bão mưa hung hãn

Hắn nhận đã gửi trao đời mình cho chân lí

Nên bôn ba khắp mọi nẻo xa gần

Hắn vào ra nơi chốn thâm nghiêm

Và kiếm tìm miên tục

Chút cơ duyên cho chí nguyện chưa thành

Hắn moi móc tự lực hao gầy

Dụng áo nghĩa, dựng hoá thành giác bạc

Khi đã ôm vào lòng

vỏn vẹn cái không hai

Là quyết định trọn đời cho dâng hiến

Hắn lân la khắp Học viện xa gần

Rồi vật vã tháng ngày trong thinh lặng

Hắn tăng tục song hành không nơi tin nhận

Nên tha hương Tông Tổ bất tường

Hắn lạc dấu cả cội nguồn Tiên Tổ

Bị khước từ hay từ khước ra đi

Chỉ có Phật mới hiểu điều hắn làm, hắn nghĩ

Hắn cứ thế loanh quanh trong cảnh giới phù hư

Và tụ táng giữa ảnh hình tăng tục

Nên giữ lưu hoài muôn thuở vẻ

Bần tăng.

                                                                                    

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/chutcamnhan.htm

 


Cập nhật: 01-02-2008

Trở về mục "Các bài pháp luận khác"

Đầu trang