- Tại sao chư Tăng chúng tôi không
nghĩ về tình dục? – lời của Ngài Dalai Lama
- Tác giả: FEMI ADESINA, bài đăng
trên The Sun News Online, ngày 13-12-2008
-
Tâm Hải
dịch từ Anh sang Việt
Lagos, Nigeria - Nhà lãnh đạo tinh thần người
Tây Tạng, đức Dalai Lama, đã đến Nigeria một đêm trước ngày diễn ra lễ
kỷ niệm lần thứ 10 ngày thành lập tổ chức Anyiam- Osigwe để có bài diễn
văn tại hội nghị được tổ chức tại Học viện quốc tế NIIA của nước này, ở
tại Victoria Island, Lagos.
Một ngày sau bữa đọc diễn văn, tờ Saturday
Sun đã có một cuộc phỏng vấn với Ngài tại phòng riêng ở khách sạn, nơi
diễn ra cuộc đàm luận về rất nhiều vấn đề trừ ra những vấn đề về chính
trị. Theo lời của Ngài thì Ngài đến đất nước này để “nói lên giá trị của
con người và tinh thần hòa họp của tôn giáo” vì vậy những câu hỏi về
chính trị đều bị loại ra.
Ngài Dalai Lama (tên thật là Tenzin Gyatso)
cũng là người nhận giải thưởng Nobel về hòa bình năm 1989. Ngài nói đến
chính sách khủng bố trên thế giới, làm thế nào để cho thế giới có thể
trở nên an bình hơn. Và với cương vị là nhà lãnh đạo tinh thần, Ngài trả
lời những câu hỏi về năng lực chữa trị. Ngài bảy tỏ quan điểm của Ngài
về đất nước Nigeria cùng nhiều vấn đề khác. Đức Dalai Lama là một tu sĩ
Phật giáo. Điều đó có nghĩa là Ngài không lập gia đình, diệt dục. Làm
thế nào để Ngài đối phó với những vấn đề tình dục? Ngài có khi nào bị
phái nữ cám dỗ hay không?
Tất cả những câu hỏi này sẽ được trả lời
trong bài phỏng vấn dưới đây:
Trong bài phát biểu của Ngài được đọc tại hội
nghị, Ngài có nói đến vấn đề “lo âu và sợ hãi” có thể dẫn đến sự suy
thoái sức đề kháng trong thân thể. Xin Ngài có thể bàn thêm vài lời về
việc này ạ?
Thật ra, tôi không phải là một nhà khoa học,
nhưng các nhà khoa học lâu nay đã nghiên cứu rất kỹ về những cảm xúc của
chúng ta. Họ đã phát hiện ra rằng giữa tâm tư tình cảm và thân thể khỏe
mạnh có sự tương quan lẫn nhau. Hai bệnh nhân có chung một căn bệnh,
nhưng người có tinh thần vui vẻ, trầm tĩnh, lạc quan, sẽ bình phục nhanh
hơn. Tôi nghĩ tôi thuộc hạng người đó (Ngài cười). Người bệnh kia cũng
có chung một tình trạng, một căn bệnh như nhau, nhưng nếu có nhiều lo
lắng, có thái độ bi quan yếm thế, không thể nào hồi phục được hay cần
một thời gian khá dài để hồi phục sức khỏe. Và cả vấn đề phương pháp
phòng bệnh, người nào mà luôn khỏe khắn, tự tin, sẽ có hệ thống miễn
nhiễm tốt hơn. Một nhà khoa học từ một đại học của nước Mỹ cho tôi biết
rằng một khi chúng ta nổi sân, giận dữ thì rất có hại cho sức khỏe. Điều
này cũng dẫn đến sân hận, cái sân này sẽ làm suy yếu hệ thống miễn nhiễm
trong thân thể chúng ta.
Là một người lãnh đạo tinh thần, Ngài có
những năng lực chữa trị gì hay không?
Là một tu sĩ Phật giáo, chúng tôi phải học
năm khoa khác nhau như: nhân minh[1], thanh minh[2], y phương minh[3],
công xảo minh[4] và nội minh[5] (xin xem thêm phần footnotes cuối
trang).[gkt1] Nhưng những năng lực chữa bệnh ư? Không, không, không có.
Nếu mà tôi có những năng lực ấy, thì trước tiên tôi sẽ chữa bệnh sạn mật
cho chính tôi rồi, để khỏi phải giải phẩu gì hết (cười). Nhưng tôi đã
phải nhờ tới khoa học hiện đại. Nếu tôi có năng lực trị bệnh, tôi đã
không cần đến bác sĩ. Điều đó có nghĩa là tôi hoàn toàn không có những
năng lực chữa trị gì hết. Tôi rất nghi ngờ về những lời đồn đãi như vậy.
Điều đó không có nghĩa là không có những năng lực nhiệm mầu trị được
bệnh tật. Rất có thể đã xảy ra. Một trong những bạn người Pháp của tôi,
là một sư cô đã xuất gia 30 năm rồi, kể rằng cô ấy đã được chữa khỏi
những đau đớn trên đôi tay của cô. Điều đó có thể xảy ra, nhưng tôi rất
nghi ngờ. Có thể chỉ là sự may mắn của một vài người, chứ nó không thể
là một hiện tượng nhất định.
Hơn nữa, Người Phật tử có tinh thần khoa học
chứ không hẳn là những người có đức tin. Chính Đức Phật đã giải thích rõ
ràng cho đệ tử của Ngài là không nên chấp nhận những lời dạy của Ngài
qua đức tin và sự sùng kính. Hơn nữa, họ phải nên kiểm chứng những lời
nói ấy. Trong lịch sử Phật giáo khoảng 2600 năm, nhiều bậc Thầy Tổ trong
Phật giáo đã chiêm nghiệm sâu sa những lời Phật dạy. Nếu chúng ta chỉ
đơn thuần chấp nhận những lời dạy của Ngài, thì thật là mâu thuẫn với
những điều Ngài đã căn dặn chúng ta. Vì thế có một số người đã cho rằng
Đức Phật là một nhà khoa học của thời cổ đại. Khi tôi con nhỏ, tôi rất
mê khoa học và kỹ thuật công nghệ. Chúng ta phải chấp nhận sự thật hơn
là những gì ghi trong sách vở. Những lúc gần đây tôi rất thích gặp gỡ,
trao đổi và học hỏi với các nhà khoa học. Tôi rất thích bốn môn học về:
vũ trụ, thần kinh, vật lý và tâm lý học. Phật giáo và khoa học hỗ tương
lẫn nhau. Một bà bạn Mỹ có lần nói với tôi rằng khoa học là kẻ thù của
tôn giáo, vì vậy phải cẩn thận. Tôi hỏi tại sao vậy? Chính Phật giáo
thường nhấn mạnh về tính logic và có lý do của mọi vấn đề. Thực nghiệm
hơn là niềm tin. Vì vậy, không có cái gì là mâu thuẫn cả.
Tôi rất thích khám phá sự thật. Trong bài nói
chuyện của tôi, tôi có nói về Tự Ngã hoặc cái “Tôi” là trung tâm của vũ
trụ. Nhưng cũng cùng lúc đó, chúng ta cần phải nghiên cứu về nó. Cái gì
là “tự ngã”? Không có câu trả lời, chúng ta không thể tìm ra nó.
Có phải đây là lần đầu tiên Ngài đến Nigeria?
Ấn tượng của Ngài về đất nước này là gì?
Rất đẹp, nhưng nóng quá trời. Khách sạn thì
rất tốt, nhưng ngay trong đêm đầu tiên, máy lạnh bị hư cho nên trời nóng
quá (cười một tràng dài).
Và dĩ nhiên, tôi được biết rằng, vì nước bạn
có dầu thô và khí đốt cho nên đất nước thịnh vượng và có rất nhiều tiềm
năng. Trình độ học vấn ở đây thì tốt hơn nhiều so với các nước láng
giềng. Thật là tốt đẹp vì các bạn đã có nền dân chủ. Nước bạn từng có
nội chiến nhưng bây giờ mọi thứ đã được ổn định.
Tuy nhiên, có một khoảng cách rất lớn giữa
người giàu và người nghèo. Một số lượng nhỏ rất ư là giàu có, các nhà
triệu phú, trong khi đó đại đa số lại quá nghèo nàn. Không giống như ở
Ấn Độ, nơi đó cũng có sự cách biệt giàu nghèo nhưng tầng lớp trung lưu
chiếm đại da số. Tôi thiết nghĩ, nước Nigeria nên thu hẹp khoảng cách
giữa người giàu và người nghèo bằng cách tăng số lượng tầng lớp trung
lưu lên, để mà tận dụng sự giàu có của quốc gia một cách cân bằng hơn.
Thưa Ngài, Ngài đã có chương trình để gặp
tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy, nhưng Trung Quốc thì không vui gì về
cuộc gặp gỡ này.
Điều này có vẻ như là một vấn đề chính trị.
Cuộc thăm viếng của tôi ở đây thì hoàn toàn không có liên quan gì đến
chính trị. Tôi đến đây để nói lên giá trị của con người, ca ngợi tinh
thần hòa hợp của tôn giáo. Đó là hai lý do mà tôi đến đây. Ngay sau khi
ông Sarkozy lên làm tổng thống, ông ấy đã bày tỏ sự mong muốn được gặp
tôi. Lúc đó tôi đang ở nuớc Pháp, nhưng ông ấy bận không thể gặp được mà
lại cử người vợ xinh đẹp của ông ấy đến gặp tôi. Bây giờ rảnh rồi, ông
ấy đã mời tôi và ông Lech Walesa – nguyên tổng thống nước Ba lan đến
thăm. Tôi đã biết ông Walesa nhiều năm trước đây.
Xin Ngài cho biết một tí thông tin về những
gì Ngài sẽ thảo luận với tổng thống Sarkozy?
Nhất quyết giữ bí mật (một tràng cười dài).
Ngài nói là bà tổng thống phu nhân nước Pháp
rất xinh đẹp. Nhưng Ngài thì đâu có lập gia đình. Vậy Ngài có quan tâm
đến Sex không?
Không, tôi đâu có nghĩ về Sex. Không chỉ quý
Tu sĩ Phật giáo không lập gia đình mà các vị tu sĩ Thiên Chúa giáo cũng
vậy. Và cả những vị tu sĩ Ấn Độ giáo nữa.
Vậy làm thế nào để họ thỏa mãn về những đòi
hỏi của thể xác và tình cảm sắc dục?
Nói về sự đòi hỏi về nhục dục, ham muốn về
nhục dục thì sự thỏa mãn chỉ trong một khoảnh khắc ngắn. Nhưng thông
thường, nó gây nhiều sự rắc rối phức tạp. Một người bạn Canada của tôi
là một tu sĩ Phật giáo, nhưng một thời gian sau lại xuất tu (ra đời).
Bây giờ, ông ấy lại than phiền rằng có quá nhiều sự đòi hỏi về nhục dục.
Đúng là ông ấy thực sự đã bị mắc bẫy (cười). Rõ ràng là, vì những đòi
hỏi về nhục dục mà nhiều người ngay sau khi họ li dị họ lại lập gia đình
trở lại và có thể là lại li dị. Li dị lâu nay đã gây nên nhiều thảm họa
cho các con trẻ được sinh ra trong những cuộc hôn nhân này. Trong quan
hệ hôn nhân, thỏa mãn nhục dục chỉ có một thời gian ngắn nhưng lại có
nhiều vấn đề rắc rối xảy ra. Quý Thầy và quý sư cô đã được dạy để làm
chủ những ham muốn này và vì vậy có ít thăng trầm hơn. Quý thầy, quý cô,
cũng chỉ là những chúng sanh, lẽ tự nhiên có những ham muốn về tình dục.
Những ai lập gia đình luôn luôn có vấn đề hơn và trong một vài trường
hợp đã dẫn đến án mạng hay tự tử. Vì vậy, điều đó là hệ quả. Nhờ diệt
dục, chúng tôi sống thoải mái hơn, được tự do hơn và giải thoát khỏi mọi
dính mắc.
Trong mối quan hệ gia đình, nếu hai người
sống với nhau, rất hạnh phúc, đến khi về già có một nan đề nữa là ai sẽ
đi trước, ai chết trước. Sự quyến luyến của loài người là con cái và
người bạn đời. Và điều này trở thành một cái rào cản cho sự an tịnh tâm
hồn. Dù đúng hay sai, chư tăng chúng tôi cũng nghĩ theo cách đó. Bạn
nghĩ thế nào? Bạn có nên gia nhập Tăng đoàn chăng. (cười thoải mái).
Các sự tham chấp dẫn đến cạm bẫy. Dù bất cứ
là cái gì, người, vật chất hay bất cứ thứ gì. Chúng đếu là cạm bẫy. Chư
Tăng thì không chấp trước. Một trong những phương pháp thực tập trong
tất cả các tôn giáo chính là vô chấp. Đừng có quá nhiều dính mắc thì bạn
sẽ hạnh phúc hơn. Lời dạy này đều có trong Thiên Chúa giáo, Hồi giáo,
Phật giáo, Ấn Độ giáo và trong các tôn giáo lớn khác. Bạn phải nên biết
đủ. Giàu có, tiền bạc, bạn bè, gia đình, biết đủ là hơn hết. Đây là chìa
khóa để có được sự an tịnh trong tâm hồn. Một vài người bạn của tôi là
những nhà tỉ phú, nhưng trong đầu của họ lúc nào cũng là làm sao để có
thêm nhiều tiền hơn nữa. Biết đủ nghĩa là có vài món tùy thân chứ không
phải là chúng ta không có ham muốn nào hết. Nhưng cần nên tách biệt rõ
ràng sự chấp thủ và ham muốn. Nếu không có ham muốn thì cuộc đời trở nên
vô nghĩa. Ham muốn cho cái tốt, ham muốn phục vụ cho mọi người hơn nữa,
ham muốn đem lại phúc lợi cho mọi người. Điều đó làm cho đời sống của
bạn thêm ý nghĩa. Nếu không có ham muốn, thì bạn trở thành một Rô-bô –
người máy. Không phát triển gì được cả. Sự ham muốn đích thực với lý do
chính đáng, và mang tính lôgíc là những ham muốn chân chính.
Sân cũng có hai loại. Một là sân tự động có.
Điều đó là bình thường. Nhưng cái sân mà nói rằng người này là kẻ thù
của tôi, tôi phải trả thù. Điều đó là xấu xa và có gốc rễ từ sự si mê,
thiếu cái nhìn sáng suốt. Nếu bạn đối xử tốt với kẻ thù, thực tập tha
thứ và kết bạn bằng tất cả sự chân thành, một ngày nào đó kẻ thù có thể
trở thành những người bạn thân. Chúng ta không nên đóng kín cánh cửa đó.
Thưa Ngài, xin cho biết quan điểm cùa Ngài về
chủ nghĩa khủng bố, liên quan đến những gì đã xảy ra ở Mumbai, Ấn Độ gần
đây ạ?
Rất buồn, quả thật là buồn. Tôi rất ngưỡng mộ
Thánh Mahatma Ghandi, ông Martin Luther King, cũng như ông Nelson
Mandela. Trong những thời gian trước đây, ông Mandela tin tưởng vào tinh
thần bạo động, nhưng sau này, ông lại tán đồng với tinh thần bất bạo
động. Tôi tự nhận mình là người hậu duệ của những bậc thầy lớn, những
người giảng dạy về tinh thần bất bạo động. Tôi hoàn toàn tán đồng tinh
thần bất bạo động. Ngày 11 tháng 9 năm 2001, những kẻ khủng bố đã hành
động, liền ngày hôm sau, tôi có viết một bức thư chia buồn gởi cho Tổng
thống Hoa Kỳ George Bush. Tôi biết ông ấy là một người rất tốt, thẳng
thắn, không giống như một số nhà chính trị gia, những người luôn luôn dè
dặt và xa cách. Ông ấy không giống như vậy. Chúng tôi thậm chí còn trở
thành bạn thân. Để tôi đơn cử một ví dụ: lần đầu tiên chúng tôi gặp gỡ,
ông ấy mời tôi trà và vài cái bánh “bích quy”. Lúc đó tôi hỏi ông ấy vậy
cái bánh nào ngon hơn? Liền lúc đó ông ấy chỉ cho tôi cái bánh ngon hơn.
Chúng tôi đã bày tỏ những cảm giác thân thiện lẫn nhau. Nhưng điều đó
không có nghĩa là tôi hoàn toàn đồng ý với tất cả những chính sách mà
ông ấy ban hành. (cười)
Và, Tôi đã viết gởi ông ấy một lá thư vào
ngày 12 tháng 9 năm 2001, bày tỏ sự thương tiếc của tôi và kính lời chia
buồn đến với tất cả người dân Hoa Kỳ. Tôi cũng đồng thời lên án hành
động khủng bố. Dù bất cứ với mục đích gì, hành động bạo lực đều bị lên
án. Bạo lực này sẽ dẫn đến bạo lực khác, không bao giờ chấm dứt. Tôi
hoàn toàn ủng hộ cho tinh thần bất bạo động.
Ngài là người bảo vệ môi trường. Vậy thưa
Ngài có lo lắng về tương lai của hành tinh này không ạ?
Vâng, có đấy. Trước tiên là tình trạng ấm
nóng toàn cầu thật là khủng khiếp. Dĩ nhiên, kiến thức của tôi thì có
hạn, nhưng tôi trao đổi với các chuyên gia. Gần đây, tôi dẵ gặp một nhà
khoa học người Ái Nhĩ Lan, đã cho tôi biết rằng sự gia tăng độ nóng toàn
cầu thật kinh khủng. Ông ấy nói rằng trong vòng 15 đến 20 năm tới đây,
một vài con sông chính ở Tây Tạng sẽ bị khô cạn. Đời sống của một số dân
chúng phụ thuộc vào những con sông này. Vì vậy, điều đó thật là nghiêm
trọng. Với bạo lực, sự phản ứng đến ngay tức thì, nhưng với môi trường
sống, sự phản ứng thì vô hình. Cho nên, mình nên trân quý những gì hiện
có. Cái cống hiến của riêng tôi là giữ gìn môi trường sống ngay nơi nhà
của tôi. Tôi không sử dụng bồn tắm mà chỉ xài vòi sen. Đó là cống hiến
nhỏ nhoi của tôi để tiết kiệm nước. (cười)
Những vai trò nào mà các nhà lãnh đạo tôn
giáo đóng góp cho sự phát triển của quốc gia?
Cơ bản là, các nhà lãnh đạo tôn giáo nên tán
dương những giá trị của con người và tinh thần hòa hợp. Họ cần phải năng
động trong việc bảo tồn sinh thái. Đó là trách nhiệm chung để bảo vệ thế
giới của chúng ta. Chúng ta có trách nhiệm chăm sóc trái đất này, một
tặng phẩm của thượng đế.
Sau đó là về mặt chính trị, Tôi thiết nghĩ
những nhà lãnh đạo tôn giáo nên tránh xa tính đảng phái chính trị.
Là một người nhận giải thưởng Nobel về hòa
bình, xin Ngài cho biết làm thế nào để chúng ta hạn chế được tệ nạn
khủng bố trên thế giới?
Đàm thoại. Tôi thường nói rằng thế kỷ 20 là
thế kỷ của bạo lực và đẫm máu. Có biết bao nhiêu triệu người đã bị giết
trong thế kỷ này? Quá nhiều. Bạo lực không phải là cách tốt nhất để giải
quyết mọi vấn đề. Hầu hết những vấn đề này là do con người gây ra vì vậy
đàm thoại là điều cốt tủy. Chúng ta phải xúc tiến đàm thoại. Thế kỷ 21
này sẽ là thế kỷ của đàm thoại. Và do đó, chúng ta cần có hai loại giải
trừ vũ khí – bên trong lẫn bên ngoài. Vũ khí bên ngoài đã bắt đầu rồi,
có sự hạn chế của bom hạt nhân và điều đó cần tiếp tục. Nhưng cách giải
trừ vũ khí sẽ hữu hiệu hơn nếu chúng ta biết giải trừ vũ khí nội tâm.
Nếu chúng ta còn đầy dãy sự oán ghét, sân hận, thì sự giải trừ vũ khí sẽ
là một điều rất khó khăn. Vì nền hòa bình thật sự cho thế giới, chỉ có
được nếu trong tâm chúng ta thật sự an bình
Ngài đã được 73 tuổi. Ngài có lo sợ điều gì
sẽ xảy ra tại văn phòng làm việc cùa Dalai Lama sau Ngài không?
Không, không, không. Tôi đã nói rõ ràng rồi,
Chức vụ của Dalai Lama có tiếp tục hay không là do chính người dân Tây
Tạng quyết định. Tôi không phải là người chịu trách nhiệm. Nếu tôi phải
quyết định thì tôi cần phải suy nghĩ kỹ càng về người kế nhiệm của tôi.
Hãy nên để cho người dân Tây Tạng tự quyết định.
Ở Tây Tạng, từ năm năm 2001, cứ mỗi 5 năm
chúng tôi đều có bầu cử những vị lãnh đạo chính trị.,. Người dân cũng sẽ
chọn lấy vị lãnh đạo tinh thần của mình.
Người dịch: Giác Độ (the Buddhist Translation
Group)
http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/taisaochuTang.htm